Wednesday, November 30, 2011

Người học trò ngang xương hông.

Vì câu truyện Nam Bắc du kí còn rất dài nên hôm nay tạm ngưng để đăng câu truyện ngắn. Ngày mai sẽ tiếp Nam Bắc du kí:
Nhà tôi làm nghề may từ ngày sang Mỹ vì có thể ở nhà trông con trong khi làm việc, như vậy tôi mới có thể đi học tìm cách tiến thân. Một buổi sáng năm 2000, Điệp (bà xã của kẻ viết bài) lên tiệm may để lãnh hàng. Khi đang lãnh hàng thì bà thấy một ông trên 50 bước vào cũng lãnh hàng may ấy.
Thấy người cùng nghề, Điệp chào:
-          Chào anh! Anh cũng may hàng hả?
-          Dạ vâng. Chị lãnh hàng rồi về nhà may sao?
-          Vâng.
Hai người nói chuyện một lúc thì thông cảm nhiều hơn. Và có lẽ tại cùng nói tiếng Nam nên ngừơi đàn ông kia hỏi:
-          Chị tên gì chị?
-          Dạ tên tôi là Điệp. Còn anh?
-          Tui tên Lợi. Chị quê ở tỉnh nào?
Điệp nghĩ xứ Chợ Lách nhỏ tý ai biết mà nói tên ấy ra, nên trả lời:
-          Tôi quê ở Vĩnh Long. Còn anh?
-          Tui quê Long Thới.
Điệp thấy vui vui vì không chừng người cùng quê. Tuy nhiên vẫn không chắc lắm, nên hỏi kỹ hơn:
-          Nhưng Long Thới nào chứ? Long Thới Chợ Lách hay Long Thới Vũng Liêm?
-          Long Thới Chợ Lách Chị à.
-          Thiệt không?
-          Thiệt!
-          Tôi cũng ở Chợ Lách, anh à.
-          Thôi chị đừng xạo đi! Chị ở Chợ Lách vậy chị biết Long Thới không?
-          Trời! Tưởng chi chớ nơi đó tôi biết nhiều lắm. Bạn Tôi nơi đó cũng nhiều.
Anh chàng này sợ Điệp gạt chơi nên nói:
-          Chị nói bạn chị ở Long Thới, vậy chị biết Mỹ Lang không?
-          Ai chứ Mỹ Lang thì tôi rành quá. Mỹ Lang con ông Tổng Tam chứ gì?
Thấy đúng ngay chóc con cào cào, nên Lợi hỏi:
-          Chị ở Chợ Lách, chị biết ông thầy Hiệp không?
Bây giờ đến phiên Điệp ngạc nhiên vì anh chàng này hoàn toàn xa lạ, chưa thấy ở Chợ Lách bao giờ. Điệp hỏi:
-          Tôi biết. Nhưng sao anh biết ông ấy? Anh có học ông bao giờ không?
-          Tôi không học ông nhưng biết ông. Chị biết nhà ông ấy không?
-          Biết! Mà tại sao anh lại biết ông ấy?
-                      Tui là cậu của Chung Xuân Mai, Chung Thị Cúc. Tui nghe tụi nó nói chuyện về ổng rất nhiều nên biết ông thôi. Năm đó tui về quê ăn tết Mậu Thân, vì chiến tranh khắp nơi nên tui ở lại Chợ Lách thật lâu. Hàng ngày tui cùng bọn Chung Xuân Mai hay nói chuyện và Mai hay kể chuyện về ông thầy Hiệp. Có hôm Mai kể truyện ông ấy mặc quần áo đầy phấn. Hôm khác lại nghe chuyện thầy Hiệp bắt hến, rồi có ngày nghe truyện ông ta mặc quần vá đít. Có hôm, Mai sức nước thơm đi học, ông ấy chọc quê sức nước xì dầu. Hai cậu cháu kể truyện rồi cười tít mắt. Nghe riết rồi tui đâm ra có cảm tình với ông thầy bụi đời đó chị à. Chị biết nhà ổng thiệt à?
-          Thiệt!
-          Bữa nào mình lại thăm ổng chơi.
Điệp cũng ầm ầm ừ ừ cho qua truyện.
Vài hôm sau hai ngừoi lại gặp nhau nữa. Lợi hỏi:
-          Chị Điệp; chị rảnh không? Mai mốt chị dẫn tôi lại nhà ông thầy Hiệp đi chị.
Điệp thấy không kham nên nói:
-          Thôi nếu anh muốn thăm thì anh cho tôi số điện thoại thì ông sẽ gọi anh.
Lợi thắc mắc:
-          Sao chị rành ổng quá vậy? Chị gần nhà ổng lắm sao?
-          Tôi chẳng rành gì lắm, nhưng tôi có hai thằng con. Chúng gọi ổng bằng cha.

Lợi phá lên cười.
Về nhà Điệp thuật chuyện cho tôi nghe rồi nói:
-          Anh gọi cho anh Lợi đi. Anh muốn đến thăm anh lắm.
Tôi bèn gọi điện thoại lại:
-          Alô tôi xin nói chuyện với ông Lợi.
-          Dạ tui nghe, xin lỗi ai vậy?
-          Tôi là Hiệp, thầy Hiệp.
Tôi nghe giọng cười thật hào hứng đầu giây bên kia:
-          À Thầy! Em chào thầy.
Sau đó chung tôi nói chuyện thật thân mật, như đã quen từ lâu. Em cho tôi biết em là Sử Khắc Lợi quê ở Long Thới, gia đình làm nghề nhuộm. Em cùng lứa tuổi với Tùng, Mai Chí Hiếu, Nguyễn Toàn Thảo và Chung Xuân Mai, tuy nhiên lại là vai cậu của cô Chung Xuân Mai, Chung Thị Cúc. Lợi học trung học đệ nhất cấp (cấp II) ở trường dòng Long Thới. Đến đệ nhị cấp thì theo học tại SG chưa bao giờ học với tôi, nhưng biết rất nhiều về tôi. Năm 1971, Lợi bị động viên và tốt nghiệp Thủ Đức rồi tham gia quân đội miền Nam. Sau này làm trưởng cuộc cảnh sát. Năm 75, em đi học tập cải tạo và sang Mỹ theo diện HO. Lợi có tài đàn guitar ăn nói có duyên và có lẽ nhờ vậy mà cưới được cô vợ rất xinh. Năm 2000 thì Lợi mới sang Mỹ vài năm, nên chỉ có cách đi may kiếm tiền.
Nhà Lợi tương đối gần nhà tôi hơn tất cả cựu học sinh khác với khoảng cách độ 7,8 mile (từ 10 đến 12 km). Sau đó vợ chồng Lợi hay ghé thăm tôi và có khi vợ chồng tôi xuống thăm vợ chồng Lợi.
Nói tới học trò ngang xương hông mà thân thì còn nhiều lắm, nhưng khi nào có dịp thì sẽ giới thiệu với bạn đọc.

Tuesday, November 29, 2011

Nam Bắc du kí bài 9








Hai MC ngày hội ngộ Đào Viên Quán

Phan Tấn Thành- Diệp Thị Bạch Huệ


Bên lề Đào Viên Quán.


Mười Lộc- Tiệp tổ chức gặp Vĩnh Bình



Hình gặp tại nhà Vĩnh Bình.
Các em đang nghe tôi kể truyện.

Ngô Thị Điệp tổ chức gặp mặt tại Tân Thiềng.


Hình gặp tại Tân Thiềng.
Sáu Cạo tổ chức gặp mặt tại Cầu Chữ Y- Định Bình.

Hình gặp tại nhà Sáu Cạo.

Nhà Út Nghị



Bên bờ kinh

Bài cảm tưởng của Sử Khắc Lợi

Mỗi khi được đọc lại những bài viết của Thầy cũng như những hình ảnh của các anh chị cùng trang lứa, em thấy mình hòa lẫn vào ngày tháng cũ lúc còn ngồi dưới ghế nhà trường. Cám ơn Thầy thật nhiều.

Monday, November 28, 2011

Nam Bắc du kí bài 8

Tối ngày 26, trước hôm gặp gỡ ở Đào Viên Quán, tôi đến gặp Bạch Huệ và Trương Văn Ngân (Sơn) ở trong ban tổ chức. Hai em đem tôi sang Đào Viên Quán ăn tối thử. Quán này có một phòng rộng độ 8 thước dài khoảng 20 thước; phần cuối cùng của phòng là một sân khấu. Phòng này rất tiện cho hội họp đám cưới. Ngay giữa là một chòi lá vuông vức, xây cất khá công phu, mỗi bề khoảng 10 thước, bao quanh bởi một hồ nuôi cá nhưng không biết có cá không. Nhà này cũng đủ chỗ cho vài chục thực khách.  Bên đối diện với phòng ăn chính rải rác vài lều lá nhỏ hơn đề gia đình hay một nhóm bạn bè nhỏ gặp gỡ. Các lều lá này là chủ yếu đem đến thực khách một cảm tưởng nông thôn chứ không phải là không có tiền xây nhà gạch.
Chúng tôi vào quán lợp lá ở giữa hồ để ăn tối. Vừa ngồi một chút, chúng tôi thấy một lố trai gái độ mười mấy người và khoảng trên dưới 30 tuổi, tụ họp lại bàn tán chuyện đón một cô giáo. Tôi phục cô nào mà học sinh cũng mến chuộng vậy thật là tốt.
Một lúc sau, tôi thấy một bà độ trên 40 đi vào. Tất cả đám đó đến vây cô chào đón túi bụi. Tôi cảm động nghĩa thầy trò.
Đột nhiên cô giáo này vẹt đám đông tiến đến tôi, cúi đầu:
- Thưa Thầy! Thầy khỏe không?
Tôi chưng hửng:
- Em là học trò tôi sao?
- Dạ vâng; em là cựu học sinh của Thầy. Em tên Ngôn.
- Ngôn về thăm quê hả?
- Dạ vâng và ngày mai em đến dự đại hội cùng Thầy.
Vậy là cả đám quay sang chào tôi.
Cách cư sử của Ngôn một lần nữa làm tôi cảm động.
Đến ngày tụ họp, tôi cùng vợ lên Đào Viên Quán gặp gỡ các cựu học sinh. Có lẽ Đào Viên đây là lấy từ điển tích Lưu Bị. Quan Vân Trường và Trương Phi kết nghĩa ở vườn đào. Bà xã thì lo tìm bạn bà nói chuyện, còn tôi đến quán của Bạch Huệ bên kia sông, đưa thêm vài thứ rồi cùng em sang chợ mua một sô nhựa thật lớn để pha nước cam. Sau đó, em nhờ Lương Thị Thu Thủy chở tôi đến Đào Viên Quán trước lo sắp xếp. Thu Thủy chỉ trên 30, nên lúc tôi còn dạy học ở đây thì chắc em mới vào tiểu học.
Đến 9 giờ sáng thì cựu học sinh ùn ùn đổ vào quán.
Hình tụ tập

Nhà chính của quán chứa khoảng 200 người, nhưng các em dẹp bàn để thêm ghế mà vẫn không đủ chỗ. Một cái bàn bình thường khoảng 8 hay 10 người ngồi. nay 1 các bàn có khi tới 20 mạng. Các em chen chúc ngồi làm không còn lối đi. Các em lại kê thêm nhiều bàn ngồi ngoài sân. Cũng may quán này bên hông nhìn sang sân đều mở rộng nên các em đều có thể thấy và nghe các diễn biến trên sân khấu.


Sau bữa tiệc, các bạn đồng nghiệp cũ và nhiều em đến cám ơn tôi cho mọi người có dịp gặp lại bạn cũ.

Trong ngày gặp gỡ Đào Viên Quán, Mai Chí Hiếu có tăng tôi một bài thơ


 

Ngày sau, các em lại tổ chức tiệc riêng tại nhà một em nào đó để tôi có dịp nói chuyện với các em nhiều hơn.




Hình gặp tại quán Đinh Văn Kết.



Hình gặp tại nhà Mười Trầu.

Thám hiểm Hỏa Tinh

Ngày 26 tháng 11 vừa qua, NASA đã cho phóng chiếc phi thuyền mới nhất để thám hiểm Hỏa Tinh tại mũi Canaveral - Florida. Hỏa Tiễn Atlas V của Lockheed Martin giữ nhiệm vụ chính. Tầng thấp nhất cùng bốn hỏa tiễn phụ đều dùng nhiên liệu đặc khai hỏa đưa hỏa tiễn rời dàn phóng. Sau khi phóng 1 phút 52 giây, tầng này tách rời hỏa tiễn và rơi xuống biển.
Tiễn Atlas V của Lockheed Martin

Hỏa tiễn này chứa một chiếc xe thám hiểm: Curiosity. Đây là một xe chạy bằng năng lượng hạch nhân.  Xe này sẽ đi thám hiểm, phân tích chỗ trũng Gale (hố) rộng 96 miles (154 km). Các khoa học gia của NASA hy vọng phi thuyền sẽ đáp xuống mặt Hỏa Tinh vào ngày 6 tháng 8, 2012, sau khi đã di chuyển 354 triệu mile (556 triệu km)
Artist concept xe Curiosity


Các khoa học gia đã chọn địa điểm trên vì nơi đây có một ngọn núi cao 3 mile (4.8 km), nơi đã lộ ra nhiều lớp thạch quyển cùng nhiều hóa chất khác nhau tương tự như Grand Canyon. Mỗi lớp sẽ cho ta thấy các thời kỳ khác nhau của Hỏa Tinh.
các lần trước, khi các xe gần đáp xuống mặt Hỏa Tinh thì một đệm khí bung ra bao lấy xe và lúc chạm đất đệm khí bật lên, hạ xuống như một trái bóng. Vì quá nặng nên kỹ thuật dùng đệm khí không thể áp dụng được, các kỹ sư đã thiết kế một bộ phận đáp gọi là Sky Crane với một giây cáp dá 43 ft (13 m) để hạ xe Curiosity xuống mặt hỏa tinh.
Theo ông Doug McCuistion, giám đốc chương trình thì khi hạ xuống sẽ là giai đoạn đứng tim.
Cuộc phóng trên được thực hiện bởi United Lunch Alliance, một tổ hợp của Boeing và Lockheed Martin.

VHKT Dựa theo tạp chí Aviation Week- NASA news- Aerospace of America.

Wednesday, November 23, 2011

Nhân dịp lễ Thankgivings (lễ tạ ơn)



Nhân dịp lễ Thankgivings (lễ tạ ơn)
Chúng tôi tạm nghỉ vằi ngày để đi xa. Chúc bạn đọc hưởng những ngày vui vẻ đầm ấm.

Lễ này  được cử hành tại năm quốc gia: Canada, Liberia, Norfolk Island, Mỹ và Puerto Rico. Tuy nhiên, mõi quốc gia có một ngày riêng biệt.
Canada: vào thứ 2 tuan thứ hai của tháng 10.
Liberia (Phi Châu): ngày thứ năm đầu tiên của tháng 11.
Hoa kỳ thì ngày mai.

Nam Bắc du kí bài 7

Với các nông dân thực thụ của vùng này, sau lúa được gánh về nhà, họ sẽ ủ lúa vài ba ngày cho hột lúa rụng hay gần rụng khỏi thân cây. Sau đó, họ trải lúa ra sân thật sạch và cứng, không nhất thiết là sân gạch, vì đa số nông dân là nghèo nàn. Sau đó, họ dẫn trâu, bò vào sân đi loanh quanh trên lúa làm các hạt lúa rụng ra. Cách này thì dỡ cực thân nhưng lúa không dược sạch. Lắm khi bò đang đi đạp lúa nó có thể cầu hay tiểu lên lúa hạt. Lúc nó cầu thì người dân phải chạy vào hốt cái của quý ấy vất đi. Cuối cùng, họ chỉ gẩy lớp rơm bên trên ra, họ sẽ hốt được các hạt lúa bên dưới. Tôi là nông dân nửa mùa, không có trâu bò gì hết, nên đành phải áp dụng cách đập lúa miền Bắc là làm một cặp néo, rồi đập bó lúa lên một khối gỗ. Néo là một cặp cành tre, hay cây rừng bằng cổ tay, dài độ 60 phân. Một sợi dây thừng hay dây rừng dài hai gang tay nối cặp cây đó với nhau.

ĐẬP LÚA

Với ba công ruộng, và có trâu bò, nhà nông dân chỉ cần một đêm là xong. Đối với tôi, hằng đêm ì à ì ạch đập lúa một mình cho đến nửa đêm, và suốt một tuần lễ thì xong. Tuy mệt nhọc nhưng có cô vợ trẻ, ôm con ngồi bên coi đập lúa nên cảm thấy ấm cúng lắm.
Một hôm, tôi đang gẩy rơm bỗng nghe tiếng Chào:
- Thầy!
Tôi quay lại, thấy Đào Hữu Lộc. Một cựu học sinh của tôi từ năm 1973.
- À Lộc! Em đi đâu vậy?
Lộc cười:
- Em có việc xuống đây, nên ghé lại thăm Thầy. Thầy khỏe không Thầy?
- Cám ơn em. Thầy bình thường em.
- Em thấy Thầy làm ruộng chẳng thua một nông dân chuyên nghiệp. Còn thằng cu đâu Thầy?
- Nó ngủ trong giường em ạ.
Lộc chạy vào nhà thăm Cu Hi.
Một lúc sau, em trở ra:
- Thầy, thằng cu ngủ mà mắt mở thao láo, chắc sau này thông minh lắm.
Thầy trò hàn huyên một lúc, rồi Lộc  giã từ ra về.
Một lần khác Đôn một cựu học sinh 12 B, cũng xuống thăm tôi. Lúc ấy Đôn đang làm cán bộ cho Huyện.
Sau đó rất nhiều cựu học sinh lại thăm tôi, dù là đường sá xa xôi, và tôi sống trong nghèo nàn. Nhưng người học trò gần nhất là Châu Tuấn. Tuấn ở cách nhà tôi độ vài trăm thước, nên đêm đêm thường đến tôi chơi nói chuyện.

Tuesday, November 22, 2011

BOEING 787 LAYOUT

Sau gần 10 năm từ khái niệm đến thiết kế rồi sản xuất và trì hoãn chiếc máy bay 787 đã thật sự bay từ Tokyo đến  Hồng Kông. Boeing 787 được chia làm 3 kiểu: 787-8, 787-9 và 787-10X.
787-9 dài 57m chứa 223 hành khách.
787-9 dài 62 m chứa 259 hành khách.
787-10X dài 68 m chứa từ 290 đến 310 hành khách.

Nam Bắc du kí bài 6

Thất bại trong việc trồng thuốc, tôi quay lại Tân Thiềng lo việc thứ hai là lo đi làm ruộng ở Tân Thiền, với số ruộng gồm 3 công mà má Điệp cho nàng làm của hồi môn. Mọi người dân ở đây rất ngạc nhiên khi thấy tôi cấy lúa, gánh phân, làm cỏ lúa một cách thành thạo. Họ chỉ biết tôi là một thầy giáo, chứ họ không biết tôi xuất thân từ một nông dân.
Việc cấy lúa ở miền Nam khác với miền Bắc ở chỗ miền Nam có một cọc nhọn phụ vào. Khi đã có một thẻ mạ trong tay, người thợ cấy nơi đây dùng cọc dùi vào đất rồi mới cắm thẻ mạ vào đó. Trong khi ấy ở miền Bắc, thợ cấy túm lấy gốc thẻ mạ rồi cắm luôn xuống đất. Với cách này người miền Bắc làm nhanh hơn, nhưng ngược lại làm tay có thể bị thương nhẹ khi cắm phải đá, nhất là các vùng gần núi. Vào vụ chiêm, việc cấy miền Bắc còn gây cho thợ cấy đau hơn vì giá lạnh làm tay tê cóng.
Khi lúa bén rễ lên khá cao, tôi ra ruộng đánh cỏ lúa và không có dụng cụ đánh cỏ nên tôi nhổ tay. Cả cánh đồng chỉ mình tôi làm việc này, còn dân địa phương thì chẳng ai làm cả. Đây là cách trồng lúa ở miền Bắc mà tôi đem ra áp dụng.
Một anh xã trưởng Tân Thiềng đi ngang, thấy tôi lom khom ở ruộng. Anh chẳng biết tôi làm gì nên hỏi:
- Anh làm gì vậy anh Hiệp?
- Đánh cỏ lúa anh à.
- Lúa cũng làm cỏ sao?
- Vâng làm thì lúa tốt hơn anh à.
- Anh làm việc chăm thật. Đúng câu Lao Động Là Vinh Quang.
Hàng ngày, tôi ra đồng làm việc đồng áng nặng nhọc; chiều chiều vợ ôm con thơ ra đồng đón về. Tôi để cu Hi lên cổ cõng con về nhà, còn Điệp lo mang các nông cụ theo sau. Ôi cũng thật là hạnh phúc!
Chẳng bao lâu lúa chín. Tôi lại lo đi gặt rồi gánh lúa về. Đi gặt ở đây tôi lại nhận ra cách gặt lúa miền Nam khác với miền Bắc. Miền Nam gặt lúa bằng liềm và cắt sát gốc, trong khi miền Bắc gặt lúa bằng cây hái và chỉ cắt phân nửa cây lúa thôi. Nửa còn lại vẫn nằm ở ruộng. Vụ mùa kế tiếp, người ta đốt rạ cầy úp lên thì ra và tro thành phân bón cây. Cách gặt miền Bắc cũng còn làm cho giảm bớt nhân công gánh lúa. Cách gặt miền Nam thì trâu bò có nhiều rơm để ăn. Ở miền Bắc người ta đôi khi cũng đi cắt rạ về và rạ này trộn với bùn để làm tường đất hay họ dùng rạ để đan líp lợp nhà.
Đối với cây hái thì người ta thường lấy đọt tre già, chỗ bằng cán dao trở đi. Họ róc hết cành chỉ chừa một cành cuối cùng và đem làm sạch sẽ những cành nhỏ. Người ta đem uống cành này cong lại rồi gắn lưỡi hái ở phần giữa cây hái. Lưỡi hái cũng như lưỡi dao nhưng có rang cưa như lưỡi liểm. Lúc gặt, người ta cầm ở đuôi, chỗ không có cành nhỏ uốn cong, quơ cành nhỏ gom lúa lại, tay kia tóm lấy lúa rồi đẩy ngược cây hái ra phía trước. Cách gặt này khó hơn dùng liềm, nên phải học gặt nhưng nhanh hơn. Người miền Bắc cũng dùng liềm, nhưng chỉ đi cắt cỏ, tranh…mà thôi.
Hình cây hái



Monday, November 21, 2011

Thông báo

Các bạn và các em thân mến.
Mong mỏi sự góp mặt của các bạn và các em.
Bài vở xin gui về:

Nam Bắc du kí bài 5

Chiều hôm ấy, anh ra thăm tôi.
Dịp này tôi tặng anh xấp thơ viết tay do tôi làm lẽ dĩ nhiên không có bài thơ ấy[1].
Ngoài việc trồng thuốc, tôi cũng dùng mảnh đất mà các anh vợ cho biết đó là đất mà nhạc phụ đã cho vợ làm của hồi môn để trồng đậu xanh, đậu đen hay đậu phọng.
Một hôm, đến phiên tôi về thăm nhà. Từ 3 rưỡi sáng, tôi dạy gói ghém ít hành trang, trong đó có 1 túi đậu xanh mới thu hoạch rồi bó một bó đuốc, lội bộ ra bờ kinh ngồi chờ đò. Đến gần 4 giờ thì có tiếng kèn đò báo. Tôi vẫy đuốc làm hiệu. Đò chở tôi vượt kinh Cái Hằng đến bờ sông Cổ Chiên, rồi chạy thêm độ một cây số thì đò bị chết máy. Chủ đò cho chúng tôi đò không thể đi được nữa. Bây giờ tôi phải nghĩ cách về nhà bằng cách cuốc bộ. Tôi xin chủ đò một bao ni lông, lội vào bờ, nhắm theo hướng tây, đi trên các bờ ruộng đề về quê. Vấn đề khó khăn nhất là vào các vườn dừa chằng chịt hay vườn cây ăn trái, vì rất khó định hướng khi trời còn tối đen như mực; mặt khác còn phải lo rắn rết tấn công. Các bờ ruộng lúc này ướt sương nên rất khó đi, lâu lâu lại trượt chân lót xuống ruộng. Khi vào vườn cây tôi cũng phải lo đối phó với mấy con chó của chủ vườn, và chính chủ vườn vì họ sẽ lầm tôi là ăn trộm.
Khi đến bờ một con kinh, tôi thoát y, bỏ quần áo và gói đậu vào túi ni lông, lội qua kinh. Cũng may, bây giờ là đêm tối, nên chẳng ai thấy nên không mắc cở (Nếu ngày đó ai có máy hình chụp thì chắc họ sẽ đang hình tôi lên tạp chí Playboy). Đến bờ phía kia, lẽ dĩ nhiên tôi không đến nỗi quá ngu để vậy mà đi tiếp, nên lại mặc quần áo vào.
Cứ như vậy, khi vượt qua kinh Dòng Thủ Bá thì trời đà hừng sáng. Đây cũng là con kinh cuối cùng và rộng nhất, mà tôi phải vượt qua. Lúc còn cách Tân Thiềng độ hai cây số, tôi thấy mấy người nông dân trẻ tuổi đang dắt trâu bò ra ruộng. Lúc bước qua đám nông dân, đột nhiên có tiếng chào:
- Thầy!
Tôi quay sang thấy đó là một cựu học sinh lớp 11 của tôi. Các cậu khác cũng quay lại chào thầy, thầy túi bụi.
Tôi chào lại:
- Chào các em. Các em đi ra ruộng ư?
- Dạ.
Một em hỏi:
- Thầy đi đâu mà sớm vậy?
Tôi chưa kịp trả lời thì cậu khác đã chêm vào:
- Còn quần áo Thầy sao chỗ ướt chỗ khô?
Tôi mỉm cười trả lời:
- Thầy về thăm nhà.
- Thầy ở đâu mà về thăm nhà?
Tôi thuật sơ việc trồng thuốc và cách đi vừa qua.
Một em ngậm ngùi:
- Tội Thầy quá hà.
Một em khác nói:
- Em trong trường hợp Thầy chắc hết cách về nhà.
- Thôi Thầy đi. Các em may mắn.
- Chào Thầy.
Một lần vợ ẵm con xuống thăm.
Tôi thấy đây là dịp đặc biệt, nên bớt thời giờ làm việc để đi câu, nấu một bữa cơm với cá cho vợ con ăn. Nhưng câu suốt cả buổi chỉ được một con cá lóc bằng cái cán dao. Vợ đem kho cho cu Hi, còn hai chúng tôi lại ăn cơm với nước mắm loại dở ẹc.
Khi thuốc đã lớn, chúng tôi bẻ lá già đem ủ cho vàng. Trong khi ấy chúng tôi phải trẻ tre đan liếp. Công việc đan líp phơi thuốc cũng tốn thời gian vô cùng. Năm Thạnh là anh cùng cha khác mẹ với bà xã tôi. Mẹ anh qua đời lúc còn anh còn rất bé. Khi cha anh cưới bà kế thì anh mới vài tuổi đầu. Bà này là mẹ của bà xã tôi, anh coi bà cũng như mẹ ruột. Anh có mấy cô con gái là Hà, Phỉ, Kiều năm ấy độ 18 đến 12 tuổi và cậu con trai tên Kha khoảng 10 tuổi. Tất cả đều thích nghe tôi kể truyện. Tôi nói các cháu giúp tôi đan líp và tôi kể truyện cho nghe; thế là cả đám tối tối sang tôi. Trong mấy ngày đầu, tôi kể truyện ngắn; các cháu thích nghe chuyện ma hơn hết, nhưng khổ nỗi tôi kể các truyện này ở một cái chòi giữa các khu vườn rậm rạp xa các nhà khác đến trăm thước. Khi đan líp xông tôi lại phải đưa các cô các cậu về nhà vì chúng chẳng dám đi về. Có hôm, truyện đến hồi hấp dẫn nhất cả đám đè tôi thở không nổi.
Hết truyện ngắn, Cô Gái Đồ Long cho nghe.
Thuốc già chúng tôi bẻ lá thuốc rồi phân loại đem ủ rồi hẹn ngày cho thợ tới sắc thuốc. Ngày ấy, hai chúng tôi chỉ vác các líp thuốc đi phơi.
Sau nhiều tháng vất vả, gánh nước tưới cây, bắt sâu lúc nửa đêm, hay những lần lặn lội, chân không, cả chục cây số qua sông, rừng hoang, rừng dừa hoặc những cánh đồng để về thăm vợ con, tôi đã chẳng đem về được một đồng lợi tức, vì thuốc bị con rầy phá. Tôi chán nản khi nhìn vợ con nheo nhóc, và nhiều lần muốn tự giải quyết cuộc đời, vì cảm thấy mình bất lực.

Trồng Thuốc:

Thuốc lá đi trồng cũng cực ghê.
Nhất là cho kẻ chẳng chuyên nghề.
Tinh sương, vun sới nào đâu quản.
Tối mịt, bắt sâu cũng chẳng nề.
Nước tưới trăm đôi đi vụt vụt.
Thuốc phơi ngàn líp chạy te te.
Thương con, nhớ vợ đành cam chịu.
Sự nghiệp tan tành với thuốc rê.
                                                VHKT


[1] Vỉ vậy năm 2001, lúc đến Cái Hằng nhân dịp lễ Thanh Minh, viếng mộ nhạc phụ rồi ăn tiệc, anh đã nhắc việc này và yêu cầu tơi làm thơ.

Friday, November 18, 2011

Nam Bắc du kí bài 4



Ở xa nhà, nên hai Sáu Truyền và tôi phân nhau: cứ hai tuần một đứa về thăm vợ con, còn một thằng phải ở lại chăm thuốc. Như vậy một tháng chúng tôi lại được về thăm gia đình một lần. Phương tiện chuyên chở là một chiếc đò máy nhỏ, chở các người buôn bán lên Vĩnh Long, tới đây từ 4 giờ sáng và ghé qua Tân Thiền lúc 6 giờ sáng.


TƯỚI THUỐC

Ở đây, làm việc vất vả, cực nhọc nên nhiều lúc thèm chất ngọt. Bánh ngọt hay chè là món quá xa xí. Tốt hơn hết là cuốc bộ xuống chợ Băng Tra, cách đó khoảng 3 cây số, mua một cục đường thẻ, rẻ tiền mầu nâu đen, đem về nấu một ấm trà đặc biệt làm bằng lá cây mắc cở, hà thủ ô với một vài loạị cây hoang khác. Khi nấu lên với màu nâu nâu là ok. Uống vào một hớp trà nóng, gậm một chút đường thẻ, nhưng không được nuốt lẹ để vị ngọt càng ở lâu trong miệng là càng tốt. Thế là xong.
Khi nào nước xuống thật sát, vào dịp trăng tròn hay đầu tháng hai anh em lấy một lưới cá cũ cột vào hai cây tầm vông (tre to bằng cổ tay) dài khoảng 2 mét rưỡi lội kinh hớt tôm cá. Môt tên cầm cây tầm vông đi cách bờ 3 thước, chiểu dài lưới, tên còn lại đi sát bờ. Đi vài chục thước thì tên đi bên ngoài đầm vào bờ rồi cả hai dở lưới lên, thu lượm kết quả. Chúng tôi lội từ nhà vào ngọn độ hơn 1 cây số đến nhà người em họ bên vợ Ba Kim Quang, rồi lại lộn về. Phần nhiều, chúng tôi hớt được 1 tô tôm và cá lòng tong. Về nhà hai anh em lại làm cá, kho một nồi con con ăn nửa tháng.
Có hôm gặp anh em vợ này; anh chào tôi nói:
- Phục ông thầy sát đất. Làm đủ mọi nghề.
 Kim Quang lớn hơn tôi đến chục tuổi, có hai con trai, cho đi học ở Trà Vinh. Năm cuộc chiến đến hồi gay cấn, hai con trai anh chèo xuồng ra sông cái đón đò đi học thì bị máy bay bắn chết. Tôi thấy anh bị hoàn cảnh đau khổ lảm bài thơ tả lại nhưng không dám cho anh coi.
Bạn Tôi
                                                                    
Quê anh ở chốn đồng sâu.
Quanh năm cầy cấy cùng trâu với bò.

Sinh hai con gắng lo ăn học.
Gửi lên thành khó nhọc cũng cam.
Mong sau con có việc làm.
Ở nơi thành thị mở mang với đời.

Khi khói lửa tuổi thời mới lớn.
Đến Trà Vinh là chốn học hành.
Vì quê anh vốn chiến tranh.
Một năm vài độ về nhanh thăm nhà.

Ấy là phút mẹ cha gặp gỡ.
Rồi đi mau kẻo lỡ chuyện buồn.
Dặn con cẩn thận luôn luôn.
Máy bay bắn phá, trong thôn chúng mình.

Đời tăm tối, bình minh mong lại.
Sau vài năm từng trải phong ba.
Tết đến, hai cậu thăm nhà.
Vui đùa trong họ được ba ngày liền.

Ngày mùng bốn, cho tiền rồi dặn:
“Khi qua sông, cẩn thận con nhe.
Tầu bay bắn phá thuyền bè.
Tưởng mình Việt Cộng; e dè thì hay.”

Con đi khỏi máy bay bỗng lượn.
Súng nổ ròn; rời rụng chân tay.
Thôi rồi! Lại chuyện không may.
Sông cái, vội chạy đến ngay để tìm.

Thuyền lờ lững, con chìm mất tích.
Lòng quặn đau, sao biết bây giờ?
Đường về, nước mắt che mờ.
Ba ngày sau xác dập bờ vớt lên.

Vợ chồng đã đêm rên, ngày siết.
Chuyện thảm thương ai biết trước đâu.
Bây giờ đành chịu đớn đau.
Sự đời sui rủi đổ đầu nhà anh.
 VHKT