Thursday, September 29, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 22



Một buổi tối, ăn cơm xong, tôi ngồi nán lại nói chuyện với gia đình ông Hoa. Khi chúng tôi đang cười nói vui vẻ, thì đột nhiên một người chạy xồng xộc từ ngoài cửa vào. Chúng tôi quay đầu lại thì nhận ra đó là Phan Tấn Thành, một học sinh nhà gần đó.
Thành thở hổn hển nói:
- Thầy..con Trước, bạn em, bị bắn chết rồi.
Mọi người cùng sửng sốt:
- Thật không?
- Thật Thầy. Trước bị bắn chết hồi chiều ở Bình Hòa Phước.
Tôi hỏi:
- Trước là con nhà ai? Học lớp mấy?
- Dạ tiệm thuốc tây Mỹ Lộc. Đang học lớp đệ ngũ. Nó là chị của con Pha[1] đó Thầy.
Tôi nói:
- Thầy phải qua sông ngay lập tức.
Bà Hoa nói:
- Giờ này, không còn đò ngang đâu Thầy.
- Không sao, tôi bơi.
- Thầy coi chừng ma da nghe Thầy. Hôm trước, có người nói họ thấy một vật to và lạ lắm ở đầu cái bắc đậu trước nhà tui, lúc nửa đêm. Khi thấy người vật đó tụt xuống nước êm như lá rụng đó Thầy.
- Dạ không sao đâu, bà Hoa.
Ông Hoa lo lắng :
- Cẩn thận nhe Thầy!
Tôi xuống nhà dưới cởi quần áo ngoài chỉ còn lại cái quần xà lỏn, rồi đi ra sông. Ông Hoa và mấy cô con gái Mỹ Công, Mỹ Dung, Mỹ Ngôn, Mỹ Hương và Mỹ Vân bước ra hàng hiên nhìn theo. Nước sông bấy giờ đang đầy, nên sông trở nên rộng hơn. Tôi bơi qua sông, lên chợ rồi tới tiệm thuốc tây Mỹ Lộc. Cả căn tiệm thuốc tây, lúc ấy, chật ních người ta, tiếng khóc than, nào nề, cùng tiếng gọi nhau vang lên làm ồn cả một góc chợ.
Tôi bước vào tiệm, với cái quần xà lỏn, mình ướt như chuột lột, nên cảm thấy ngượng ngùng lắm. Ông chủ tiệm thấy tôi, vội chạy ra đón. 
Tôi nói:
- Xin lỗi ông, vì không có đò ngang nên tôi phải lội qua sông.
Ông chủ tiệm nói qua nước mắt:
- Tụi tôi làm rầy Thầy quá. Thầy đã mất công sang đây làm tôi áy náy lắm rồi.
- Tôi sang đây để chia buồn cùng quý quyến.
- Cám ơn thầy Hiệu Trưởng.
Tôi hỏi:
- Tại sao em nó bị bắn chết vậy ông?
Ông chủ tiệm buồn rầu:
- Hồi trưa nay, con nhỏ cùng mấy đứa bạn rủ nhau lên Bình Hòa Phước chơi. Lúc ra về thì bị tụi nhân dân tự vệ bắn chết.
Nói chuyện một chập, tôi thấy ông còn nhiều việc phải làm, nên nói:
- Thôi ông vào nhà lo mọi việc đi tôi đứng đây một chút rồi về.
Ông chủ tiệm cúi đầu chào tôi rồi vào nhà. Cùng lúc ấy, tôi thấy một đám đông mặc quần áo lính đi vào tiệm. Tôi nhận ra người đi đầu là Đại Úy Thơm, Quận Trưởng Chợ Lách. Ông ta cùng đoàn tùy tùng vào tiệm, chia buồn cùng khổ chủ.
Tôi thấy nhiều người vây quanh tiệm bàn tán về cái chết của con bé.
Tôi quay sang một học trò trong đám hỏi:
- Em có biết rõ về chuyện này không?
- Dạ thưa Thầy, Trước cùng mấy người bạn, trong đó có con Hường[2] đi coi bói ở Bình Hòa Phước. Lúc đang đứng cạnh lộ, đón xe lam ba bánh về thì nghĩa quân hay nhân dân tự vệ của cái bót bên kia đường bắn chết.
- Tại sao người ấy lại bắn trò Trước?
- Dạ, mấy người ấy đang nhậu, một người trong đám khoe mình bắn giỏi. Một người khác thách: "Nếu mày bắn hay, thì có thể bắn chết mấy con nhỏ bên kia đường không?" Tên khoe bắn giỏi lấy khẩu sót găn (shotgun), dơ lên nhằm mấy đứa con gái bắn. Xui cho Trước lãnh hết mấy đầu đạn.



XE LAM BA BÁNH-
Một loại xe chuyên trở công cộng thông dụng ở
miền Nam trong thời gian này

- Còn mấy đứa kia có sao không?
- Dạ không.
- Thế cũng còn may cho mấy đứa đó.
Bất ngờ, tôi thấy một người vỗ vai. Quay lại, thì ra đó là ông Quận Trưởng.
Tôi chào:
- Chào Đại Úy.
Thơm nói:
- Chào Thầy. Mình vào văn phòng quận bàn một tí đi thầy Hiệp.
Tôi thấy ngại quá, ai nấy đều quần áo chỉnh tề, chỉ có mình tôi mặc quần cụt ướt sũng, nhất là thời ấy quần cụt thường không có quần lót.
Tôi nói:                          
- Để tôi đi mượn...
Thơm gạt:
- Thôi, khỏi phải lôi thôi. Mình cứ nói chuyện như thế này là được rồi.
Chúng tôi vào văn phòng quận. Chỉ có Lê Thơm, vài ba sĩ quan cùng tôi ngồi họp.
Thơm nói:
- Tôi chưa biết chuyện này lỗi tại ai? Tại sao giáo sư trường anh lại cho học trò đi chơi trong giờ học?
Tôi nghĩ: "Anh này muốn ghép tội cho giáo sư trường mình đây."
Tôi trả lời:
- Lỗi bắn chết người là lính của anh. Mấy học trò, cùng nhiều người khác đã làm chứng chuyện đó. Còn việc đi chơi trong giờ học của học sinh tôi sẽ điều tra. Nếu thầy giáo để học sinh đi chơi trong giờ học, tôi sẽ làm bản phúc trình về bộ. Nếu học sinh tự ý trốn học, thì đó là lỗi của họ. Tôi sẽ kiển trách các em.
Thơm ngắt lời:
- Như vậy anh quả quyết lính tôi không dưng bắn học trò anh?
Tôi đanh thép:
- Đúng!
Thơm nói:
- Tôi sẽ điều tra chuyện này. Thôi mình cũng ngưng cuộc nói chuyện này.
Ngày hôm sau, tôi vào trường lật sổ điểm danh và thấy giáo sư phụ trách lớp là Nguyễn Minh Đức đã ghi vắng mặt mấy học sinh, trong giờ Việt văn của anh ta. Như vậy mấy học sinh này đã cúp cua đi chơi. 
Cũng kể từ ngày đó, giữa Lê Thơm và tôi ít liên lạc hơn, tệ hại hơn nữa vài tuần sau, móng chân cây cầu mà anh ta xây bị đổ thật, đúng như tiên đoán của tôi. Ngày hôm sau, anh ta đến tìm tôi thanh minh, thanh nga về chuyện cây cầu đó. Tôi chỉ cười mà không phê bình gì hết.


[1] Pha hiện đang làm việc tại bưu điện Colorado.
[2] Hường hiện đang sinh sống tai Orange County, cách tôi độ 50 miles.

Wednesday, September 28, 2011

GIÓ ĐỒNG

Gió đồng.
Thổi từ quê ra
Mang hương hoa và mùi của rạ lúa
Gió thổi
Từ cánh đồng xa, đồng gần.
Làm ta lâng lâng và nổi nhớ bâng khuâng
Gió đồng.
Hiền hòa thiết tha.
Như nhắc nhở mỗi chúng ta.
Dẫu có đi xa dù ở đâu.
Đừng quên gió mang cả tấm lòng.
Gió đồng.
Thổi từ dòng sông ruộng lúa, từ hàng cây, vách lá, bờ ao.
Gió thổi rì rào, ru ta thuở nhỏ lúc chào đời.
Gió nâng ta cái thuở nằm nôi.
Gió theo ta tuổi bé lúc rong chơi
Gió đồng.
Mênh mông ngày đêm như nhắn nhủ
Ai ơi, đừng quên, gió là bài ca, là điệu lý thiết tha.
Là quê hương mênh mang
Ru mãi bên ta suốt đời.
Nguyễn Thanh Tùng

Chợ Lách
6/2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 21

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 21

Tuy đã nhận nhiệm vụ mới, nhưng tôi vẫn dạy một số giờ toán, vật lý cho lớp đệ nhị, vật lý cho lớp đệ tam và toán cho lớp đệ tứ.
Trong thời gian, này tôi vẫn thường về nhà Cúc một tuần vài lần, để kèm toán, lý hóa miễn phí cho em, và các bạn cùng lớp như Trần T Phỉ, Đỗ T Thanh Tâm, Nguyễn T Vui..
Một hôm, Đỗ Hữu Tín đến thăm và cho tôi biết em họ của em- Đỗ Thị Thanh Tâm- nhà bị ném bom cháy vì cuộc giao tranh. Ngày hôm sau, khi đi ngang nhà Tâm ở tạm, để cùng em sang nhà Cúc. Tôi đem cho em 10 ngàn đồng, tiền lương một tháng của tôi. Tâm khóc không chịu nhận. Tôi phải an ủi em vì nhà em đang cần trong lúc khó khăn, và cuối cùng em mới chịu nhận.
Một hôm, tôi dạy lực học cho lớp đệ tam, khi nói về sự cân bằng và mặt chân đế, tôi nói:
- Một vật càng cân bằng nếu mặt chân đế càng lớn. Vật ấy càng cân bằng hơn nếu trọng tâm của vật càng thấp, có nghĩa là gần mặt chân đế.
Một học sinh hỏi:
- Thưa Thầy tại sao vậy?
- Để Thầy giảng cho các em rõ hơn.
Tôi giảng về lý thuyết cho các em một lúc rồi tôi lấy thí dụ:
- Thầy đem thí dụ về cây cầu mà ông Quận Trưởng đang cho xây qua kinh. Cái móng giữa của cây cầu sẽ rất dễ đổ.
Các học sinh nhao nhao:
- Thật không Thầy?
- Thầy chỉ dựa vào lý thuyết của vật lý mà suy luận thôi. Cái bệ để đà quá lớn, dầy và quá cao so với mặt chân đế, trong khi các cột móng quá nhỏ và cao, vì vậy trọng tâm của cả móng cầu ở cách xa mặt nước. Chỉ cần một ghe thuyền tương đối khá nặng đâm vào là móng cầu sẽ đổ liền. Trong trường hợp lâu ngày, móng cầu sẽ lún không đồng đều cẩu sẽ đổ, và lúc ấy cầu đã làm xong thì có thể gây thiệt hại nhân mạng. Nhưng chúng ta cứ đợi thời gian sẽ trả lời.
Một học sinh khác hỏi:
- Thầy; như Thầy nói cái cầu xây không được đúng cách sao?
- Theo Thầy biết, kỹ sư công chánh khi xây cầu họ phải dùng các phép đo cao độ để tính ra độ dốc của mặt đường. Độ dốc này phải theo nhiều đường parabol nối tiếp và tiếp xúc nhau. Còn dốc cầu mình thì là một đường thẳng. Thôi nhưng trong hoàn cảnh này làm sao có đủ điều kiện được?
Thời gian đó, Đường và Thái không còn trọ chung nhà với tôi nữa. Đường thì đậu tú tài I và lên Vĩnh Long theo học lớp đệ nhất, sau đó bị động viên đi sĩ quan, còn Thái thi hỏng nên trở về quê ở Càng Long. Tôi buồn tình, tìm chỗ khác để trọ.
Một hôm, tôi đang đi lang thang thì gặp Nguyễn Nghĩa Tín, một học sinh lớp đệ tam B. Tín mời tôi về nhà em ở cho vui. Tôi nhận lời, thế là hàng ngày tôi đến trường lại có Tín cùng một số bạn của cậu tháp tùng, hết còn lẻ loi trong số này có Thiện, một nam sinh giỏi ở Vĩnh Bình. Nhà Tín ở cạnh bờ sông, phía bên này cầu Bò Cạp, cái cầu này bây giờ đã được xây bằng bê tông cốt sắt, bề ngang hơn 1 thước, nên dân bên ấp Phụng Châu không còn phải vừa bò vừa cạp nữa mỗi khi qua cầu nữa.
Cùng năm đó, ông Lê Vinh Hoa, bố Hạnh, cũng dời nhà từ Vĩnh Bình về Chợ Lách sinh sống. Ông đã từ chức nhiệm vụ hiệu trưởng trường tiểu học Vĩnh Bình để trở về đây làm giáo viên thường. Thật là một con người không màng danh lợi. Tôi càng mến ông hơn qua sự kiện đó. Tôi lại nhà ông ăn cơm tháng, do bà Hoa nấu. Ông Hoa có một đứa con trai mới 4, 5 tuổi, tên Nhân, chưa đi học, nhưng làm toán cộng trừ có nhớ một cách thông thạo. Một nhân tài chăng?
Một buổi sáng, tôi còn đang ngủ bỗng nhiên nghe tiếng gõ cửa:
- Thầy, Thầy thức chưa?
Tôi hỏi:
- Ai đó?
- Thưa Thầy, em Thầy.
Tôi mở cửa thì thấy một cậu học sinh, tuổi khoảng 18, đang đứng ở trước cửa. Cậu này tôi biết mặt nhưng chẳng biết tên. Cậu ta bước vào nhà, quì xuống, ôm lấy chân tôi khóc.
Tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy em?
Cậu ta vừa khóc vừa nói:
- Thầy ơi! Thầy cứu em đi Thầy!
Tôi an ủi:
- Em cứ từ từ mà nói để xem Thầy phải giúp em bằng cách nào?
- Thầy làm ơn cấp cho em chứng chỉ lớp đệ tứ.
Tôi hỏi:
- Em tên gì? Học  lớp mấy?
- Dạ em tên T, đang học lớp đệ ngũ.
Tôi biết em này muốn tôi cấp cho em chứng chỉ lớp đệ tứ để em có thể theo học lớp hạ sĩ quan, nhưng chuyện này là một việc bất hợp pháp. Một trong những điều mà tôi đã tiên liệu trước khi nhận chức vụ này. Trong lòng tôi cũng đau đớn lắm vì không thể làm chuyện bậy, và cũng chẳng có cách nào cứu em cả.
Tôi ngồi xuống giường ôm đầu T:
- Em à, làm sao Thầy cứu em giờ? Em tha  cho Thầy đi! Thầy vô phương làm chuyện này.
T năn nỉ:
- Thầy cố sức cứu em đi, ba má em sẽ đền ơn Thầy.
Tôi nghĩ: "Cậu này muốn ngỏ ý hối lộ đây."
Tôi trả lời:
- Thầy không làm chuyện trái với luật định đâu em ạ, dù là tiền nong cũng vậy. Sao em không lên Mỹ Tho ghi tên học nhảy lớp đệ ngũ để được cấp chứng chỉ đệ tứ?
Sau một hồi năn nỉ, thấy tôi không đổi ý, T biết không thể thuyết phục tôi, nên đứng dậy lủi thủi ra về. Tôi nhìn theo hắn và trong lòng thấy thật khó chịu, buồn rầu chẳng biết nên làm sao cho đúng với chức vụ và lương tâm?
Tối hôm đó, tôi chỉ cho Tín một số bài tập, rồi hai thầy trò rủ nhau đi chơi bi da. Về đến nhà đã 11 giờ đêm, nên hai thầy trò lăn ra ngủ.
Đang mơ mơ màng màng, tôi hốt nhiên nghe tiếng kêu cứu thất thanh:
- Bớ làng nước ơi! Cứu tôi với! Bớ làng nước ơi! Cứu tôi với!
Tôi đánh thức Tín dậy:
- Tín dậy em! Có ai đang kêu cứu! Thầy trò mình ra xem sao!
Tín[1] dụi mắt tụt xuống giường, còn tôi xỏ chân vào đôi bốt đờ sô, khoác cái áo lính lên, chiếc áo mà tôi thường mặc ở quân trường, rồi hai thầy trò chạy ra ngoài, nhìn sang phía tiếng kêu. Tôi thấy bên kia bờ sông một ngôi nhà đang bốc cháy. Tôi cắm đầu chạy trước, và Tín cũng chạy theo tôi. Hai thầy trò vượt qua cầu Bò Cạp rồi đến căn nhà đang cháy. Trước căn nhà đó, một bà già đang ôm mặt khóc kêu cứu inh ỏi, nhưng chẳng ai đến giúp bà.



CỨU HỎA
Có nhiều lý do mà người ta không ra giúp bà già:
·  Vì đã quá khuya, lúc ấy khoảng 2 hay 3 giờ sáng.
·  Phần khác là vì ây là thời gian chiến tranh ở cao độ, ra đường lúc này có thể bị nguy hiểm đối với cả hai phe.
·  Và lý do cuối cùng là xông vào một ngôi nhà cháy cứu ai cũng là một nguy hiểm. Chẳng ai dại mà đâm đầu vào chỗ chết.
Tôi hỏi:
- Bà cụ, còn ai trong nhà không?
Bà già chỉ tay vào nhà:
- Thầy ơi, trong nhà tui không có ai nhưng có một con heo nái. Gia tài tui chỉ nhờ vào nó. Thầy cứu nó hộ tui.
Thì ra bà cụ này nấu rượu bán và lấy hèm nuôi heo. Bà dậy sớm nấu rượu, nhưng chắc ngủ gật (gục), nên lửa bén sang củi lá bên cạnh làm cháy nhà.
- Con heo bà cụ ở đâu?
- Đàng sau bếp đó!
Tôi nhìn vào thấy nhà cháy chưa lên đến đỉnh, có lẽ mái tranh còn ướt sương nên đã cản bớt sức tàn phá.
Tôi quay sang Tín nói:
- Em đứng ngoài này, nếu thấy Thầy bị nguy hiểm thì lập tức kêu cứu!
Tín gật đầu :
- Dạ.
Tôi chạy đến cái mương gần đó, lấy nước khoát lên người cho thật ướt, cả đầu cổ, lẫn quần áo, rồi chạy thẳng vào nhà. Bên trong nhà phủ bởi ngọn lửa nên nóng vô cùng, mà đã thế nhà chứa toàn lá dừa, trấu để nấu rượu, nên khói dữ dội. Tôi nhịn thở chạy xuống bếp, nghe tiếng heo kêu eng éc rối rít cạnh bếp.
May quá, lửa cháy từ bếp lên, nên chỉ lan lên trên mau hơn là lan sang cạnh, do đó chỗ chuồng heo chưa cháy tới, nếu không thì con ấy đã thành con heo quay rồi. Tôi nhẩy vào chuồng heo, đạp thủng một lỗ lớn trên vách, rồi đuổi con heo nái về lỗ. Nhưng vì nóng quá, nên con heo cứ chạy vòng quanh, không biết đường ra. Mặt khác, nó quá lớn, nên tôi không thể bế nó lên được.
Bên cạnh tôi, chỗ bếp, mái nhà bắt đầu sụp xuống, kéo theo cả một mảng lửa, làm người tôi nóng dữ dội. Quần áo tôi bốc khói nghi ngút. Chẳng còn cách nào hơn, tôi chống tay vào vách chuồng, co người lên, dùng hết sức đạp hai chân vào con heo. Nhờ vậy mà con heo lọt qua lỗ và rơi "ùm" xuống  cái mương bên dưới.
Tôi định chạy qua cửa bếp để ra ngoài cho lẹ, nhưng ngoài cửa lửa  bếp còn cháy dữ hơn trong nhà, vì bà cụ đã chất củi, lá dừa ngay phía ngoài cửa. Tôi chỉ còn cách chạy lên nhà trên để ra ngoài.
Tôi hai tay che mặt, phóng trở ra phía trước, nhưng cả căn nhà bây giờ đã thành một hỏa ngục. Vì ngọn lửa đã làm mái lá khô hơn nên càng cháy to hơn. Những cây sào, đòn tay bằng tre nổ lốp bốp như lựu đạn, rơi xuống tứ tung, làm cả nền nhà phủ toàn than đỏ. Đồ đạc trong nhà cũng bắt đầu cháy nên sức nóng khủng khiếp. Rất may tôi đi đôi giầy lính, nếu không đã phỏng chân rồi.
Chạy được vài bước thì một mảng mái nhà cháy đỏ rực, rơi xuống ngay trước mặt, rồi một cây đòn tay đang cháy rơi xuống vai tôi, làm cháy một mảng tóc. Tôi thấy ra cửa trước không xong. vội chạy lại bếp, nhẩy qua một đám lửa, vọt vào chuồng heo, rồi đâm đầu vào cái lỗ mà tôi đã đuổi con heo ra.
"Ùm" một cái, tôi rơi xuống mương, đồng thời ngửi thấy mùi nước tiểu cùng phân heo khắp nơi. Cái mương này chính là nơi con heo xả đồ phế thải. Tôi nhắm mắt, ngậm mồn, sợ đớp phải ít "đồ bổ" của con heo.
Tôi hai tay sờ soạng, tìm đường bò lên bờ. Bỗng nghe "éc" một tiếng, thì ra tôi rờ nhằm "cô nàng" mà tôi vừa cứu. Có lẽ "cô ta" không hài lòng vì chuyện đụng chạm đó, nên đã lên tiếng phản đối. Mò sang mương bên cạnh, tôi rửa ráy đầu cổ, quần áo rồi về nhà cùng Tín.



[1] Tín hiện đang sống tại Bình Minh, Vĩnh Long.

Tuesday, September 27, 2011

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 20.

Rời quân trường, tôi về thẳng Sàigòn thăm gia đình. Tại đây, các trường tư thục cũ đều nhận tôi dạy lại.
Sau đó, tôi quay lại trường ở Chợ Lách để trình diện với hiệu trưởng. Thưởng bây giờ đã lành, nhưng tay của anh đã thành tật. Anh rất mừng khi tôi trở lại trường.
Công việc kế tiếp của tôi là thả con sóc vào vườn cây, để nó tự do kiếm sống. Tôi bây giờ bận rộn với việc dạy học ở cả SG lẫn Chợ Lách nên không còn thì giờ chăm nó.
Vài ngày sau, Thưởng nói:
- Bây giờ anh đã nghĩ kỹ về đề nghị của tôi chưa?
Tôi nghĩ thầm: "Đất nước mình chủ quyền không nắm được. Hội nghị bàn về ngưng bắn thì chỉ có Mỹ và Bắc Việt. Chức vụ này cũng là một hình thức chính trị làm tay sai cho Thiệu, Kỳ. Nhận làm chỉ rước thêm bực tức."
Tôi đáp:
- Tôi vẫn còn thấy ngại lắm, anh ạ.
- Thôi đừng từ chối nữa cha nội!
Tôi giải thích:
- Hiện nay, ở Sàigòn tôi đang dạy mấy lớp của các trường tư thục. Tôi cần giúp nhà.
Thưởng thuyết phục:
- Thì bỏ các lớp đó đi! Tôi cũng cần anh giúp tôi. Tay tôi thành tật nên cần về quê để vợ con giúp đỡ.
Tôi hỏi:
- Tại sao anh lại chỉ nghĩ đến tôi?
- Tôi biết anh là người hy sinh vì học trò nhiều, nên cố sức chuyển trách nhiệm lại cho anh. Chỉ có anh mới nghĩ đến học trò nhiều hơn bản thân. Anh đừng từ chối nữa.
Tôi nghĩ: "Mình cứ nhận rồi chuyển lại cho Ngạn cũng được, như lời hắn đã yêu cầu vậy là ổn và hơn nữa còn giúp giải quyết khó khăn cho Thưởng. Để anh ta yên tâm về quê."
Cuối cùng tôi đành gật đầu.
Tôi trở lại Sàigòn từ chối tất cả các lớp toán, để có thì giờ làm việc cho một nhiệm vụ mới.
Chỉ vài tuần sau, tôi nhận được giấy làm xử lý thường vụ hiệu trưởng. Chức vụ này thường kéo dài vài tháng, trước khi có giấy bổ nhiệm chính thức.

Trường mới sửa

Trong thời gian này, cuộc hòa đàm vẫn tiếp diễn và chẳng thấy một viễn ảnh tốt đẹp nào. Các lực lượng tác chiến Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam; đến tháng 4, 1969, tổng số quân Mỹ ở miền Nam đã đạt con số kỷ lục là hơn 543 ngàn người.
Trong khi đó, những sự thối nát tham nhũng ở miền Nam càng ngày càng trở nên tệ hại hơn.
Lúc ấy, Lê Thơm cho xây một cây cầu bắc ngang kinh Chợ Lách. Lẽ dĩ nhiên tiền viện trợ thì có, nhưng bị gậm nhấm nhiều, nên kết quả thiếu tiền. Cách hay nhất là bắt dân làm công không để bù vào chỗ thiếu hụt ấy. Chính quyền quận bắt cả chục ngàn thanh niên đàn ông còn sức lao động hàng ngày gói theo cơm nước, lên đắp dốc cầu. Đây đúng là câu: “Ăn cơm nhà đi vác ngà voi.”
Nói đến Lê Thơm thì người Chợ Lách ai cũng biết. Ông ta là một hùm xám đất này, tháo vát, gan lỳ, có tài về quân sự. Mỗi lần hành quân bắt được VC hay chỉ là nghi can, nếu không cung khai là ông giết chết. Ông thường cho đem xác VC về để ngay cầu tàu trước chợ, cạnh bến đò ngang cho dân xem và còn có mục đích tìm người liên hệ.
Một lần Tổng Thống Thiệu xuống kinh lý, ông làm một bữa tiệc linh đình đãi ông này và phái đoàn cả trăm người với món ăn độc đáo là chim én nứơng. Ông mong sau khi ấy sẽ thăng quan tiến chức mau hơn chắc. Nhưng làm sao có đủ số chim én như vậy? Ông ra lệnh cho tất cả xã trưởng trong quận phải nộp vài trăm chim én trong một thời gian. Nếu thiếu một con là bị một hèo. Các xã khác tôi không biết kết quả ra sao, nhưng xã Phú Phụng thì tôi được nghe câu chuyện từ Đào Hữu Ngạn, bạn thân của xã trưởng kể lại như sau.
Đúng hạn, ông xã trưởng Phú Phụng đem nộp chim, nhưng thiếu hơn 100 con. Ông này bị đè ra đánh trên 100 hèo, làm ông lết không nổi. Ông lại được gia hạn thêm vài ngày nếu không đủ lại chịu thêm hình phạt này. Ông lo quá, chẳng biết sao để giải quyết. May nắm có một người thông minh làm kế sau : đi bẫy chim sẻ rồi giết chết vặt lông trụi lủi đem nộp. Sau khi vặt lông thì én hay sẻ nhìn cũng giống nhau, và bày kế nói láo. Hôm nộp chim, Lê Thơm hỏi ông này sao chim bị vặt lông hết? Ông này trả lời, vì bẫy nhiều chim một lần, nhốt vào chuồng quá nhỏ nên chúng đạp, cắn nhau chết gần hết. Một số khác thì ngắc ngoải, nên ông vội làm lông cho sạch sẽ. Nhờ vậy mà ông thoát bị đòn. Kết quả ông Thiệu và phái đoàn ăn chim sẻ khá bộn.
Lê Thơm đi mỗi xã là có một vợ bé là ít nhất. Bà vợ ông rất ghen, có lần lấy súng lục bắn ông ta làm ông phải chạy trốn toán loạn.

NHỚ QUÊ VÀ NGƯỜI CON GÁI NHỎ

Cổ nhạc:
Sáng tác: Thanh Tùng - Kim Bằng

Lưu thủy hành vân

Sông nước bao đời nay vẫn chảy xuôi
Nhìn mây trôi sao ngậm ngùi
Mây ơi hãy nhớ cho ta gởi lời thăm quê
Rằng em ơi mai mốt ta sẽ về.
Câu hát nghe từ đâu sao thấy mê
Điệu lý sao giống quê mình
Lung linh sông nước in như hình quê ta
Nhìn xa xa nhớ ơi quê nhà

VỌNG CỔ

1- Nhớ quá em ơi nhớ dòng sông quê ta bên bồi bên lở, nhớ mãi hàng dừa xanh
quanh năm trĩu nặng trái say…oằn.
Nhớ cái bờ đê năm xưa ta hẹn hò dưới trăng rằm…Nhớ quê ta hai mùa mưa nắng,
con nước lớn nước ròng luôn chở nặng phù sa (-)
Nhớ chiều chiều mẹ thường ra đứng hàng ba, trông về xa xa nắng chiều nghiêng
ngả. Hoàng hôn đã tắt trên đồng mà mẹ vẫn đứng mong ba trong đoàn người viễn
xứ…

2- Nhìn sóng gợn lăn tăn giăng giăng lục bình trôi chầm chậm, ta thấy lòng quặn
đau bao nổi nhớ xa nhà…Nhớ cái bờ ao, hàng tre theo ngọn gió la đà. Nhớ tiếng
ve kêu trong những ngày nắng hạ, thuở nhỏ ra đồng bắt dế chơi rông.
Quê ta sông nước mênh mông
Tàu ghe tấp nập những ngày chợ đông
Nhà em ở cách con sông
Đêm ngày ta đợi em thì ngóng trông

Hò…ơ..Quê ta thời hai mùa mưa nắng
Con nước lớn ròng chở nặng phù sa
Dòng sông mang nặng tình ta
Hỏi người xưa cũ hò…ơ..
Hỏi người xưa cũ có còn chờ ta không?

VỌNG CỔ
5- Bao nhiêu đêm trăng tròn rồi lại khuyết, biết bao lần con nước lớn ròng. Đường

về nhà em ta vẫn nhớ cách một con sông rẽ vào lối nhỏ có cây…cầu.
Cũng tại nơi đây ta chôn gửi mối tình đầu…Ngày mới quen nhau em tròn mười tám,
ta cũng vừa đúng tuổi hai mươi (-)
Loạn lạc chia đôi ta mỗi người một ngã. Em ở quê nhà tôi tận miền xa. Nhiều đêm
nằm mơ về thăm quê cũ mang nặng tình em ta canh cánh bên lòng.

6- LÝ MỸ HƯNG
Tình quê bao đời vẫn luôn thắm nồng?
Dòng sông vẫn chảy sáng chiều con nước lớn ròng?
Người đi vẫn nhớ, nhớ hoài chốn xưa
Nhớ lắm em ơi nhớ quê nhớ câu ầu ơ
Nhớ miệng em cười tròn xoe rồi nghiêng nón lá
Nhớ má em hồng tay cầm cái ngày tiễn đưa.
Về vọng cổ
Nhớ tô canh chua cá linh bông so đủa, nồi kho khô con cá rô đồng.
Nhìn lục bình trôi mênh mông lòng ta thêm xao động. Hỡi sông nước gió mây ơi.
Cho ta gửi tấm chân tình
Nhớ về quê cũ bóng hình người xưa ./.

Monday, September 26, 2011

Bài Minh Khai và Nguyễn Thanh Tùng.

Em (Khai) vừa về Chợ Lách thăm nhà, có in cho Tùng 16 bài thầy ghi lại những kỷ niệm trên blog " Chợ Lách thân yêu". Tùng mừng lắm, kể lại một cách say sưa về những ngày ấy, những hình ảnh về thầy. Nó nói sẽ photocopy gửi anh Hiếu, để bạn nào không có điều kiện sử dụng internet, đọc và photo tiếp. Sau đây Tùng nhờ em gửi thầy bức thư của nó ( xin thầy xem file thư kèm theo ). Nó còn nhờ em gửi thầy một vài bài nhạc, thơ, vọng cổ, đến thầy, em sẽ gửi đến thầy sau. Anh em có kể chuyện với nhau, nói rằng thầy cứ đưa lên blog những thư của bọn em, theo sự chọn lọc của thầy. Qua đây, em cũng xin thầy thông cảm về thư trả lời của em, về việc đồng ý với thầy đưa lên trang Chợ lách những đoạn thư của em, và cách trả lời mang tính hơi đùa, toán học.
Em chào thầy

Bài Nguyễn Thanh Tùng:

Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 19.

Một ngày cuối tuần, chúng tôi được phép nghỉ thường lệ. Tôi và Ngạn rủ nhau ra chợ Voi ngay trước trung tâm chơi rồi xem cảnh chung quanh.
Qua khỏi chợ Voi khảng 1 km là vùng đất với các cục đá chồng, cao 7, 8 m nhìn cũng vui vui. Ngạn và tôi elo lên một cục đá lớn ngồi nghỉ mát. Đột nhiên, tôi thấy bên kia đường có một ông già đang ngồi bán thú mà ông bẫy được. Tôi vội tụt xuống chạy sang phía ấy.
Ngạn ngạc nhiên hỏi:
- Ế Hiêp! Mày đi đâu vậy?
- Tao chạy mua con này.
Ngạn hiếu kỳ cũng tụt xuống, chạy theo.
Sang đến nơi tôi mua con sóc nhỏ bằng quả chuối mắn.
Từ ngày ấy con vật bé tý là bạn thân của tôi. Mấy ngày đầu tôi cột nó cho ăn trái cây, bánh mì, gạo sống, hay bắp. Mấy ngày sau tôi bỏ nó vào túi áo hay túi quần. Nó cứ bò loanh quanh người tôi; lúc thì chui vào bụng, khi thì chui vào túi thò cổ ra nhìn các bạn khóa sinh khác làm ai cũng phì cười. Ôi thật dễ thương.
Một hôm, tất cảc chúng tôi đang đi theo hàng tử tế, con sóc chui từ trong áo lên cổ, thò đầu ra ngó mấy khóa sinh phía sau. Không biết nó làm gì, mà cả đám phì cười làm cho sĩ quan huấn luyện viên phạt cả trung đội vì mất trật tự.
Cuối tháng 12 năm đó, lớp học quân sự mãn khóa. Chúng tôi nôn nóng đi trả lại hành trang, quân cụ, để ngày hôm sau lên đường về nhiệm sở cũ.
Chiều hôm đó, tôi mang tất cả quần áo đi giặt, chỉ chừa lại một bộ đang mặc trên người. Sau đó, tôi đi ăn bữa cơm chiều cuối cùng với bạn bè, và từ giã nhau. Khi ăn cơm xong, chúng tôi ngồi nói chuyện ngẫu ở bên hông nhà bàn, phòng ăn tập thể của khóa sinh. Bỗng nhiên, chúng tôi thấy các khóa sinh khác ùn ùn chạy đến, mặt mày hớt hải.
Chúng tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy các anh?
Họ trả lời:
- Đang cháy bãi mìn sau trại mình.
Nguyễn hữu Lộc, một người bạn tôi hỏi:
- Xe cứu hỏa đã tới chưa?
- Vừa tới.
Lộc nói tiếp:
- Phải tới chữa cháy chứ! Vì ngoài tụi mình còn nhà dân ở chợ Voi phía bên kia nữa. Với gió mùa này thì sẽ cháy sang nhà dân mất.
Một người khác trong đám mới tới thêm:
- Còn mìn nổ nữa chứ! Vì vậy họ nói chúng tôi phải di tản lên đây đó!
Tôi hỏi:
- Tại sao bãi mìn bị cháy vậy anh?
- Tại cũng cái ông nội Mai Khắc Trí. Không biết tại sao ông ta có một cái hỏa hiệu. Anh ta vui quá, vì sắp về, mang nó ra bắn. Anh ta không bắn lên trời mà bắn vào bãi mìn với lau khô.
Cường nói:
- Chắc lửa cũng sắp tàn rồi.
Một người mới chạy tới thở hổn hển:
- Tàn... gì.. mà tàn! Cháy...cháy càng ngày càng...to thì có...Lính cứu hỏa đem xe tới, rồi..bỏ chạy mất tang.
Tôi không nói thêm một lời, đứng dậy, phóng một mạch về trại. Lúc ra đến đường, tôi thấy sau trại khói bay mù mịt, vài khóa sinh đang chạy thục mạng lên nhà bàn. Lúc đến hàng rào cạnh bãi mìn, tôi thấy một xe cứu hỏa đậu đấy, còn cái vòi rồng, không người điều kiển, đang xịt nước tung tóe, quật qua, quật lại như một con trăn khổng lồ, khi bị chặn bởi một chướng ngại vật gì đó. Qua màn khói, phía bên kia xe cứu hỏa, một người khác cũng đang phóng tới phía vòi rồng. Tôi tự hỏi” “Ai đây? Sao gan thế này?”  Trong lòng tôi thầm khâm phục một con người  can đảm ấy.
Tôi thấy vòi nước bị chặn dưới bánh xe, nên lôi ra để cứu hỏa. Nào ngờ tôi vừa chụp cái vòi rồng lôi ra thì bị nó quật té, vì bị bất ngờ và không nghĩ nó mạnh như vậy. Người kia, chụp lấy cái vòi rồng, cẩn thận hơn lôi ra hàng rào. Tôi chạy theo rồi và cùng xịt về hướng lửa đang cháy. Bấy giờ, tôi mới nhận ra người đồng chí can đảm đó: anh Đào Khánh Thọ, Hiệu Trưởng trường trung học Tống phước Hiệp, Vĩnh Long.


TRÊN BÃI MÌN

Hai chúng tôi, đứng trên một miệng hầm trú ẩn, đào sẵn cạnh hàng rào kẽm gai, cố sức ghìm vòi rồng hướng về đám cháy. Lửa bốc càng lúc càng cao, và mãnh liệt hơn, vì tháng này nhằm vào mùa khô, hanh, nên cỏ, cây, lau lách đều khô, mà gió lại mạnh. Chỉ với một cái xe  cứu hỏa thì làm sao ngăn nổi sự giận dữ, hung tàn của thần hỏa? Lửa mỗi lúc một tới gần chúng tôi hơn, tuy chưa thấy một tiếng nổ của mìn, lựu đạn, nhưng tôi cảm thấy nguy hiểm trập trùng. Hình ảnh những bánh TNT nổ tung khi gặp lửa ngày học lớp chất nổ làm chúng tôi càng lo lắng hơn. Mìn lựu đạn cũng có thể phát nổ khi các dây gài bẫy bị cháy.
Tôi nói:
- Anh Thọ, anh xuống hầm đứng phụ với tôi đi!
Thọ nói:
- Đâu được, mình cùng chia sự nguy hiểm với nhau chứ!
Tôi không chịu, tiếp tục thuyết phục:
- Anh Thọ, đứng đây cả hai cùng bị nguy hiểm! Chẳng thà một thằng bị nguy hiểm còn hơn cả hai. Anh đứng dưới hầm phụ tôi giữ cái vòi rồng là tốt lắm rồi.
- Tôi không muốn Hiệp bị nguy hiểm một mình.
Một đám khói, bay sà về chúng tôi làm cả hai cùng ngộp khói, nên phải nhịn thở. Chúng tôi đã cảm thấy rát mặt vì sức nóng của đám cháy.
Tôi nói:
- Anh đã có gia đình. Anh phải nghĩ đến vợ con chứ! Tôi còn độc thân anh ạ! Nếu tôi bị thương thì còn có người cứu tôi chứ!
Thọ nhăn mặt:
- Nhưng..nhưng..
Tôi gạt:
- Không nhưng nhiếc gì hết. Anh xuống đó đi!
Sau một hồi thuyết phục của tôi, Thọ cuối cùng nói:
- Vậy Hiệp đứng đây nhé, tôi xuống hầm giúp Hiệp.
Anh ta nhẩy xuống hầm giữ ống vòi rồng. Tôi đứng lại miệng hầm để điều khiển hướng nước xịt. Tôi thấy có phần dễ dàng điều khiển vòi chữa lửa hơn, vì Thọ đã giữ phần dưới cho tôi và không bị vướng vì người bên cạnh. Tôi rất băn khoăn, một phần vì e các chất nổ có thể nổ bất kỳ lúc nào, một phần sợ nhà dân của chợ Voi bên cạnh đường bên ngoài có thể bị cháy, vì ngọn lửa bốc lên rất cao, đưa lên trời những tàn lửa của cây rừng bay tứ tung trong không khí.
Bất ngờ, tôi thấy đèn đỏ chớp chớp ở bên kia bãi mìn. Tôi mừng lắm, vì đó là đơn vị cứu hỏa của lính Mỹ đồn trú đã đến giúp chúng tôi. Như vậy cơ hội dập tắt lửa có nhiều triển vọng hơn.
Đàng sau lưng chúng tôi, và cách chúng tôi khoảng 20 thước, tôi thấy nhiều đồng nghiệp đã chạy tới đứng lấp ló sau vách tôn của trại, ngó chúng tôi chữa lửa.
Nhờ xe cứu hỏa cả trong lẫn ngoài cùng xịt nước vào bãi mìn, nên ngọn lửa đã bớt hung hãn như trước.
Độ 10 phút sau đó, ngọn lửa đã bị đội cứu hỏa Mỹ và chúng tôi khống chế, và may mắn thay, chúng tôi chẳng bị tổn thất gì, nhưng quần áo tôi ướt như chuột lột. Chỉ ti cho con sóc bé tý cũng ướt như chuột thành nhìn nó giống con chuột tht sự.
Đêm đó tôi phải cởi hết quần áo, chui vào một pông sô, cuốn tròn lại mà ngủ, không còn dịp đi lang thang từ giã bạn bè, vì không còn một mảnh vải trên người.

Saturday, September 24, 2011

Vài hình anh Chợ Lách ngày nay

Nhìn từ bến đò đến Phụng Châu


Bến đò nhìn sang chợ.


Bến đò nhìn về cầu


Trường mà tôi yêu: THCL- Bài 18.

Đến trung tâm trình diện ở Vĩnh Long, tôi gặp Đào Hữu Ngạn . Chúng tôi mừng lắm, vì là người cùng xứ.
Sau một lúc chuyện trò Ngạn nói:
- Nghe nói ông Hiệu Trưởng trường ông bị thương hả?
- Ừ. Anh ta bị gãy tay. Ý anh ta muốn về Cần Thơ luôn.
- Vậy ai lên làm hiệu trưởng?
Tôi trả lời:
- Anh Thưởng đã nhiều lần muốn tôi lên làm, nhưng tôi không muốn.
Nghĩ một lát Ngạn nói:
- Ông cứ nhận đại đi. Mai mốt tôi xin về dạy tại trường ông, rồi ông nhường lại tôi có được không?
Tôi biết Ngạn thích làm chức vụ này, nên nói:
- Cũng được thôi.
Kể từ ngày đó, Ngạn và tôi trở thành thân thiết, đi đâu cũng có nhau.
Tại trung tâm 4 Cần Thơ, tôi gặp lại một tất cả các GS đệ nhị cấp của Tống Phước Hiệp, kể cả anh Đào Khánh Thọ, hiệu trưởng trường này. Ở Cần Thơ độ hơn một tuần nữa để chờ các giáo sư từ Chương Thiện, Cà Mau, Rạch Giá.v.v. tới, rồi một đoàn công voa chở mấy trăm giáo sư lên Châu Đốc, rẽ vào Nhà Bàng, qua núi Két và đến quân trường Chi Lăng lúc sẩm tối. Quân trường này nằm trên các quả đồi cát; phía bắc ngay trước cổng quân trường là chợ Voi; phía nam là vùng núi Thất Sơn, thuộc tỉnh Châu Đốc, và gần biên giới Căm Bốt.
Thất Sơn là một dãy núi nằm sát biên giới Cam Bốt, mang nhiều huyền thoại cùng các câu truyện quái đản của bùa phép, rắn thần. Những hòn núi, đảo đẹp của Hà Tiên là phần cuối của dãy núi này.



TRƯỜNG NHÌN TỪ PHÍA HAI LỚP ĐỆ NHỊ

Tất cả giaó chức lập được hai trung đội, ở trong một trại nhỏ của trung tâm, gọi là trại Ngô Quyền. Trung đội trưởng là do các khóa sinh giáo chức ứng cử và chịu trách nhiệm cho đúng một tuần. Ngạn và tôi cùng vào một tiểu đội, và ngủ chung một mùng. Ngoài ra, trong tiểu đội còn một số GS Tống Phước Hiệp như Kế, Chuân, Lạt, Khoẻ, Tôn. Mọi người cùng bầu tôi làm tiểu đội trưởng vì thấy tôi là người hoạt động. Chức vụ này kéo dài cho hết khóa học.
Tại quân trường này, tôi cũng còn làm thân với một giáo sư sử địa tên là Nguyễn Hữu Lộc, cùng một giáo sư Việt văn, tên Nguyễn Đình Cường của trường trung học Kiến Phong. Tuy là khóa sinh trong quân trường nhưng hầu hết các sĩ quan đểu tỏ ra rất lịch sự với chúng tôi, vì họ đều là học sinh cũ của các ông Thầy đàn anh đang tập cầm súng này.
Một cuối tuần, chúng tôi được nghỉ đi chơi ;
Ngày hôm sau, chuẩn úy Lâm, đại đội trưởng, dẫn chúng tôi ra bãi học về mìn và chất nổ. Đó là một bãi đất hoang vu, rất xa quân trường.
Anh sĩ quan huấn luyện viên nói:
- Hôm nay, tôi dạy các bạn một bài học về mìn và TNT. Như các bạn đã từng nghe các loại mìn, chất nổ rất nguy hiểm sát hại nhiều người. Đặc công của các binh chủng trên thế giới rất hay dùng loại này để phá hoại.
Anh ta ngừng lại dáo dác:
- Tôi quên mất, các bạn chia nhau đi lục soát chung quanh đây xem có gì khả nghi không, trước khi tôi tiếp tục bài học. Khu này không được tốt về đêm.
Chúng tôi tản hàng đi kiếm tứ tung, người thì lục bụi rậm, kẻ thì đến cốc cây xem xét.
Tôi đột nhiên nghe tiếng kêu thất thanh:
- Có chất nổ! Có lựu đạn!
Một toán khóa sinh ùn ùn chạy giãn xa một gốc cây.
Tiếng sĩ quan huấn luyện viên vang lên đanh thép:
- Coi chừng! Tất cả cảnh giác!
Nói xong anh ta thận trọng bước lại gốc cây, mà các khóa sinh đã phát giác ra có chất nổ. Cái cảnh tượng đó đã làm các ông thầy, mà người xưa gọi là nho sinh trói gà không chặt, sợ hết hồn. Anh sĩ quan đó từ từ thò bàn tay vào hốc cây lôi ra một bọc giấy và một trái lựu đạn. Trong lúc lính quýnh, anh ta vô tình làm rơi gói đó xuống đất. Chúng tôi nhịn thở, chờ đợi một tiếng nổ long trời, lở đất và một thảm cảnh máu đổ thịt rơi. Nhưng tất cả mọi việc vẫn an lành.
Lúc ấy anh sĩ quan cười, lượm gói đó lên, cho chúng tôi coi thì ra chỉ là một gói giấy và một trái lựu đạn giả mà anh ta để sẵn ở đó.
Anh ta nói:
- Tôi vừa cho các bạn một bài học nguy hiểm của chất nổ. Bây giờ các bạn cứ hai người làm một tổ.
Anh ta dơ lên một cục vuông vức như một cục xà bông, rồi tiếp:
- Đây là bánh, nhưng không phải bánh để ăn mà là bánh TNT.
Anh ta lại dơ lên một đoạn dây và một vật dài nhỏ khác gắn liền vào đó và nói :
- Còn đây là dây cháy chậm và ngòi nổ.
Anh ta ráp dây với ngòi nổ vào bánh TNT tiếp tục giảng :
- Một người sẽ cầm một bánh TNT, với một dây cháy chậm, còn một người cầm điếu thuốc lá. Dây cháy chậm có ngòi nổ, như ngòi pháo. Bánh TNT này có thể làm chiếc xe jeep bắn tung lên như một trái bóng. Cả hai nghe lệnh tôi, tới mấy cái hố phía trước. Người cầm điếu thuốc sẽ đốt dây cháy chậm, nó cháy dần dần như tên của nó. Sau khi ngòi nổ đã cháy, người cầm bánh thuốc nổ phải dơ lên khỏi đầu. Lúc tất cả đã xong, tôi sẽ ra lệnh và các bạn cùng ném nó xuống vũng nước. Các bạn nghe rõ chưa?
Chúng tôi cùng hô lớn:
- Rõ!
Chúng tôi chia thành từng cặp một. Ngạn và tôi xếp thành một, đứng chờ tới phiên.
Huấn luyện viên nói tiếp:
- Bây giờ các bạn coi một cặp ra làm biểu diễn.
Hai người Trung Sĩ làm biểu diễn bước ra. Một người cầm bánh thuốc nổ, dây cháy chậm, còn người kia cầm điếu thuốc lá. Họ theo đúng lệnh của viên sĩ quan cùng tới hố nước, đốt bánh thuốc nổ, dơ lên khỏi đầu, rồi ném xuống hố nước. Họ đi về đến chỗ chúng tôi thì một tiếng nổ long trời vang lên, và một cột nước đen thùi bắn lên cao khoảng 20 thước. Gió thổi làm các hạt nước bay tản mác về hướng chúng tôi, và một mùi khó ngửi xông lên, vì đó là vũng nước trâu thường đầm mình, khi không có khóa sinh tới tập. Do đó nước trong vũng chứa đủ thứ phế thải của trâu, bò.
Sau đó, chúng tôi được phát một bánh thuốc nổ, với dây ngòi hay một điếu thuốc. Sợi dây ngòi dài khoảng một gang tay, nó có thể cháy trong 2, 3 phút, đủ thì giờ cho chúng tôi đốt cháy, ném xuống vũng nước rồi trở về chỗ cũ an toàn. Anh trung sĩ phụ tá huấn luyện viên, trao cho Ngạn một điếu thuốc lá, còn tôi được một cục "xà bông" và dây cháy chậm.
Mỗi đợt ra thực tập gồm 8 cặp, sắp hàng ngang, cách nhau độ 7 hay 8 thước, bước tới vũng nước. Sự đốt bánh TNT rất rắc rối, vì đa số những cặp đều gặp một khó khăn chung: người cầm bánh chất nổ, cũng như người đốt đều run, thành ra anh cầm điếu thuốc cháy đưa phía này thì anh cầm dây cháy chậm đưa sang phía kia. Kết quả, phải tốn một thời gian rất lâu các cặp  đó mới đốt được.
Đứng nhìn các đồng bạn ra thực tập, Ngạn nghĩ một lúc rồi nói:
- Ê Hiệp, ông đưa tôi bánh thuốc nổ, còn ông cầm điếu thuốc lá đi.
Tôi tráo đổi với Ngạn, rồi chúng tôi coi tiếp các bạn thực tập.
Một lúc sau Ngạn lại nói:
- Ê Hiệp, mình đổi lại được không?
Tôi gật đầu đổi lại cho Ngạn.
Chỉ một phút sau Ngạn nói:
- Hiệp, ông cầm cả bánh thuốc nổ lẫn điếu thuốc được không?
Tôi nghĩ: "Anh bạn tôi chắc hơi nhát, mình cầm hết mà đốt chắc dễ dàng hơn." Tôi dơ tay cầm luôn điếu thuốc lá.
Đến phiên chúng tôi ra quân. Tôi, tay trái cầm bánh thuốc nổ, tay phải cầm điếu thuốc đang cháy, cùng Ngạn và 7 cặp khác xếp hàng ngang, đứng chờ lệnh.
Huấn luyện viên hô:
- Bước tới trước!
Chúng tôi tiến tới vũng nước.
- Chuẩn bị!..Châm ngòi.
Vì ngòi quá dài, nên khó đốt, tôi vòng nó lại và kẹp giữa hai ngón tay trỏ và cái để dễ đốt hơn, nhưng khi làm như vậy chỗ châm lửa sát ngay bánh TNT. Nên kích nổ rất dễ bị phát cháy. Tôi phải rất thận trọng châm lửa, vì chỉ sơ sẩy một chút bánh TNT sẽ nổ liền và tôi sẽ tan như xác pháo và Ngạn chắc cũng chẳng còn nguyên vẹn. Tôi chỉ tốn vài giây đồng hồ để làm công việc đó. Khi ngòi bắt đầu cháy tôi dơ "cục xà bông" đang cháy lên khỏi đầu. Nhìn sang hai bên, tôi thấy các bạn đang cố sức đốt cái của nợ đó, nhưng đốt hoài không cháy.
Nhìn lại ngòi, tôi thấy nó cháy được một phần ba rồi mà các cặp kia vẫn chưa đốt được. Tôi nóng lòng quá, nhưng chỉ còn cách đứng nhìn ngòi cháy xèo xèo. Thật là một thảm họa, khi làm một mình nhanh quá hóa thành ngu. Tôi hối hận, biết vậy không nhận lời Ngạn, để hai thằng châm ngòi thì đâu có chuyện nguy hiểm này. Ngòi thuốc của tôi cháy được một một nửa, thì một vài cặp cũng dơ bánh TNT lên khỏi đầu. Tôi và Ngạn bắt đầu hết nhẫn nại, quay đầu nhìn lại huấn luyện viên cầu cứu.
Vài cặp nữa dơ bánh chất nổ lên khỏi đầu.
Huấn luyện hét:
- Còn ai nữa? Nhanh lên!
Một cặp vẫn chưa đốt được hét:
- Tôi! Tôi! Đốt chưa được!
Tôi và Ngạn nhìn lên, thấy ngòi cháy xèo xèo, chỉ còn một phần ba.
Chúng tôi cùng hét:
- Chúng tôi gần nổ rồi!
Huấn luyện viên ra lệnh cho anh Trung Sĩ:
- Trung Sĩ ra giúp họ đi!
Anh Trung Sĩ hấp tấp chạy tới đốt cho cặp cuối cùng, khi ngòi cháy của tôi chỉ còn hai lóng tay.
Huấn luyện viên không đợi các thủ tục mà hét:
- Ném!
Tất cả cùng ném xuống hố, rồi quay trở về. Khi Ngạn và tôi, đi được khoảng ba, bốn thước thì bánh TNT của chúng tôi phát nổ đinh tai, nhức óc. Một cột nước bật tung lên cao tít rồi, rơi xuống đầu hai đứa tôi như một trận mưa, làm quần áo chúng tôi thấm ướt bởi loại nước "hoa" quí hóa đó.
Hàng ngày, lúc sẩm tối, chúng tôi thường tập trung ở một phòng họp để nhận thư tín. Khi được gọi tên, người có tên đó sẽ bước lên bàn của sĩ quan hướng dẫn, nhận thư. Có nhiều lúc tôi lên nhận thư và trở về chỗ, nhưng mới đi vài bước thì tên tôi lại được gọi; tôi quay lại nhận thư, mới rời khỏi bàn thì tên lại được kêu nữa làm mọi người phì cười. Hầu hết thư là của học trò gởi lên thăm, điều này làm tôi rất khích lệ, và bớt buồn.