Tuesday, June 26, 2012

Trung Quốc du kí 2007

Chúng tôi rời đây để đến xem Hàn San Tự.

Chùa này nằm ở cửa Xương Môn thành Tô Châu, tỉnh Giang Tô.

Trên xe Dave hỏi:

-           Have you ever heard of the poem A Night Mooring .

(Các bạn đã ai nghe bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc chưa?)

Tôi biết đây là bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế lừng danh.

Mọi người nói chưa.

Anh ta đứng đọc một mạch bài thơ này bằng tiếng Hoa và chỉ nói đây là bài thơ rất nổi tiếng chứ chẳng giải thích gì hơn.

Xe chạy độ 1giờ thì tới nơi.


Vào chùa

Vài nét về:    Hàn  San Tự- Chùa không lớn về kích thước nhưng nổi tiếng qua thi ca TQ.

Không rõ chùa này được xây từ đời nào, người ta chỉ biết chùa đầu tiên có tên là Diệu Lợi Phổ Minh pháp viện. Đến đời Đường một nhà sư tên Hàn San đến đây trụ trì với một đệ tử tên Thập Đắc. Từ đó, chùa có tên là Hàn San Tự.
Cổng chùa

Có một câu chuyện kỳ thú với ngôi chùa và thi sĩ Trương Kế.

Trương Kế là một thi sĩ nổi tiếng đời Đường, ông đậu tiến sĩ năm 753, và lừng danh với bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” (Đậu bến Phong Kiểu).

Cong sông và bến Phong Kiều
Tháp chuông 


Năm ấy Trương Kế thi rớt, bèn du ngoạn cho vơi nỗi buồn. Một hôm đầu tháng âm lịch, ông đến bến Phong Kiều. Phong là cây thu phong, loại cây đổi màu lá thành vàng đến đỏ khi vào thu. (Thủa ấy nơi đây còn hoang vắng lắm). Chiều xuống, sương mù che phủ mặt sông, lập lòe trong màn sương ảm đạm đó những ánh lửa của các chiếc thuyền ngư chài để chuẩn bị cơm tối. Một vài cánh chim bay về tổ gọi nhau dưới ánh trăng non. Cảnh buồn này làm rung động tâm hồn người thi sĩ. Trương Kế nổi hứng làm hai câu thơ:

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên.     
 (Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời.)

Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.  
(Cây phong bên bến, lửa thuyền chài cùng chìm trong giấc ngủ)

Thi sĩ muốn làm thêm hai câu nữa để có bài thất ngôn tứ tuyệt, nhưng không còn hứng và không còn ý. Ông cố sức để tìm nguồn cảm hứng, nhưng càng cố thì lời lại càng gượng ép, trơ trẽn.

Cũng chiều ngày hôm ấy, sư Hàn San nói chú tiểu Thập Đắc xuống sông trước chùa gánh nước.  Nhà sư ra sân tưới cây kiểng và bất chợt ngửng đầu lên thấy mặt trăng lưỡi liềm. Thật ra ánh trăng này thì mỗi tháng có vài ngày, nhưng chẳng hiểu sao đêm ấy ánh trăng có sự hấp dẫn lạ thường. Có lẽ tại sương lam che phủ nên trăng nhìn huyền ảo hơn chăng?

Chú Thập Đắc vâng lời sư phụ, quẩy thùng xuống bến sông, đây là con sông mà bến Phong Kiều chảy qua và không xa nhau bao nhiêu. Lúc xuống đến bến, Thập Đắc nhìn thấy đêm bắt đầu buông, trên bầu trời mảnh trăng lữơi liềm của đầu tháng đang soi bóng xuống mặt sông giống như hai nửa vòng ngọc.

Gánh nước xong, chú tiểu Thập Đắc xuống bếp dọn dẹp. Hết việc, Thập Đắc ra trước sân định bụng dạo bước hưởng không khí yên tĩnh của đêm khuya. Lúc ấy đã gần nửa đêm, chú ngạc nhiên thấy sư phụ còn đứng giữa sân yên lặng, dáng dấp chẳng yên.

Chú hỏi:

- Bạch Thầy! Sao Thầy chưa nghỉ?

Hàn San trả lời:

- Ta nghĩ mãi mà chẳng giải được vấn đề này.

- Dạ đó là vấn đề gì, thưa Thầy?

- Con có để ý đến vầng trăng non đêm nay không?

- Dạ có? Nhưng có chuyện gì vậy Thầy?

Hàn San thở dài:

- Khi thấy ánh trăng, ta định làm bài thơ nhưng chỉ làm đựơc hai câu rồi rồi không thể làm tiếp được con ạ.

- Bạch Thầy có thể đọc cho con nghe được không?

- Ừ để ta đọc cho con nghe (có bản chép hơi khác):

初三初西月朦朧     

Sơ tam, sơ tứ nguyệt mung lung.

 半似銀勾半似弓   

 Bán tự ngân câu, bán tự cung.                                                                              

Có nghĩa là:

Ngày ba, ngày bốn trăng mung lung.

Nửa giống câu bạc, nửa giống cung.

Thập Đắc nghe xong khen:

-          Thơ nghe hay quá, Bạch Thầy.

Chú chợt nhớ tới lúc gánh nước, nên thưa:

-          Bạch Thầy, thầy có thể cho phép con làm hai câu kết được không?

-          Con có ý gì sao?

-          Dạ có.

-          Vậy con đọc cho ta nghe.

-          Dạ.

Nói xong, Thập Đắc đọc luôn:

片玉壺分兩段  

半沈水底半浮空   

 Thùy bả ngọc hoàn phân lưỡng đoạn.        
 (Ai bẻ chiếc vòng ngọc thành hai nửa.)

Bán trầm thủy để, bán phù không.              
 (Nửa chìm đáy nứơc, nửa trong bầu trời.)        

Hàn San mừng lắm:

- Hai câu này rất hợp với hai câu thơ của ta. Như vậy thầy trò mình đã làm được một bài thơ rất hay:

Sơ tam, sơ tứ nguyệt mung lung.

Bán tự ngân câu, bán tự cung.

Thùy bả ngọc hoàn phân lưỡng đoạn.

Bán trầm thuỷ để, bán phù không.

***

(Tôi chưa được dịp một bài thơ dịch nào của bài này nên xin dịch như sau:



Mùng ba, mùng bốn trăng mơ.

Nửa như câu bạc, nửa mờ cung cong.

Ai đem bẻ chiếc ngọc vòng.

Nửa chìm đáy nước, nửa trong khung trời.

Hay:

Mùng ba, mùng bốn trăng mung lung.

Nửa giống móc câu, nửa giống cung.

Ai bẻ ngọc vòng hai nửa mảnh.

Mảnh chìm đáy nước, mảnh trời khung.

                                                    VHKT)
                                                                                                                                

Saturday, June 23, 2012

Cuộc Tình Âu -Mỹ.

Hãng Alliant Techsystems (ATK) có căn cứ chính tại Salt Lake City, UT mới đây được NASA kí hợp đồng để phối hợp làm một việc kì dị. NASA và hãng sẽ kết hợp hai hỏa tiễn của Mỹ và cộng đồng chung Âu Châu thành một cái để phóng cho chương trình thám hiểm sau này. Chiếc hỏa tiễn của Mỹ là chiếc dùng  nhiên liệu đặc cho chương trình Space Shuttle, và chiếc của cộng dồng chung Âu Châu là tầng chính nhiên liệu lỏng của hễ thống hỏa tiễn Ariane 5. Hỏa tiễn của Âu Châu sẽ đặt bên trên của hỏa tiễn Mỹ. Cã hệ thống mới này được dặt tên là Liberty Launch System.


ATK Liberty launch vehicle

Trung Quốc du kí 2007

Ngày Thứ CHÍN 25/8/07

Tô Châu

Sau khi ăn sáng, ta đi xem hoa viên của phú hộ Giang Nam cùng chùa Hàn San (Hàn San Tự).

Xe chạy qua một cầu vượt kinh Đại Vận Hà, tiến ra khỏi thành phố Tô Châu. Nơi đặt chân xuống xem là một hoa viên của một thương gia triều Minh. Người phú hộ này đã giúp Chu Nguyên Chương rất nhiều trong việc đuổi quân Mông ra khỏi TQ và dựng nghiệp nhà Minh. Ông này làm ăn phát đạt xây dinh thự hoa viên. Nhưng sau đó Minh Thái Tổ bất hòa đầy ông xuống Vân Nam.

Trong khuôn viên có nhiều hồ nuôi cả ngàn con cá Koi vàng đen, bơi tung tăng, đẹp mắt. Nhiều cây bosai được uốn và chăm nom rất công phu, tỉ mỉ. Quanh đó có các nhà mát, hòn non bộ với các cục đá có hình dạng cầu kỳ, lạ lùng. Chẳng biết ông này ngày xưa bóc lột người làm hay đầu cơ tích trữ như thế nào mà giàu như vậy?
Chúng tôi đi vào một nhà mát thấy một phòng có một khung cửa tròn nhìn ra hồ cá và bên trong một thiếu nữ duyên dáng mặc quần áo cổ màu tím nhạt đang ôm đàn tỳ bà dạo nhạc.

 Các lối đi trong vườn thường quanh co qua các hòn đá, khóm hoa, rồi vải cây cầy xinh xinh bắc qua các rạch nước nối cá hồ hoa sung, sen. Trong hoa viên còn nhiều nhà nghỉ chân làm trên các ngọn đồi nhỏ.


 Lúc gần đến một nhà mát tĩnh mịch khác chúng tôi nghe tiếng đàn thánh thót vọng ra. Đến nơi, chúng tôi thấy trong một buồng tối tối, một thiếu nữ mặc áo xanh nhạt kiểu cổ đang gảy đàn tranh. Hình ảnh này nếu nhìn thấy vào đêm khuya ắt làm ta nghĩ tới bài thơ “Văn lân gia lý tranh” (nghe đàn tranh từ nhà hàng xóm) của Từ An Trinh.



Tôi còn một bản dịch theo thể luc bát.



Đêm khuya bắc đẩu ngang trời.                          

Trăng tà, dựa cửa nghĩ đời ra sao.            

Hốt nhiên đàn vọng lầu cao.                      

Biết rằng người đẹp nơi nào gảy tranh.     

Khúc chậm làm nhíu mày thanh.               

Điệu mau, mấy ngón lạnh tanh dạo đàn.   

Cửa cài, then đóng ngồi khan.                   

Thôi đành ôm ấp mộng vàng nguôi ngoai.

                                                                                                VHKT

Đường đi trong này quanh co ngoắt nghéo, nếu không để ý rất dễ bị lạc. Hai vợ chồng tôi mải ngắm cảnh, chụp hình đến lúc ngoảnh lại thấy đoàn chẳng còn ai. Chúng tôi vội vã đi ra thì gặp lại ngôi nhà có thiếu nữ đàn tỳ bà và đây chỉ cho vào chứ không cho ra. Biết mình lạc, nên chúng tôi phải đi hướng ra vườn hoa và cứ theo 1 hướng lạ thì quả tình gặp xe đang đợi. Nếu ở đây có một bản đồ chỉ lối ra và vào khác nhau thì dễ dàng cho khách du lịch.

Thursday, June 21, 2012

Trung Quốc du kí 2007

Từ Tây An bay đi Thượng Hải rồi đi xe bus đến Tô Châu 24/8.

Ngày hôm sau, Jason đưa chúng tôi ra phi trường đi Thượng Hải. Trên xe tôi trao cho anh ta 1 copy và cô gái Đài Loan một copy. Hai người xem xong rồi chuyền cho mọi người cùng xem.

Cô gái Đài Loan nói:

-          Đây là lẩn đầu tôi thấy bằng phát minh.

Đến phi trường Jason giúp chúng tôi qua trạm rồi mới dã từ. Lên máy bay chúng tôi mới biết đây là máy bay cánh quạt chứ không phải phản lực. Máy bay lăn bánh ra phi đạo đúng giờ, nhưng chưa cất cánh thì một cơn mưa kéo tới. Máy bay phải đứng một chỗ chờ tạnh mưa. Khoảng 1 giờ sau, mưa mới tạnh, phi cơ cất cánh bay đi Thượng Hải.

Người Việt biết Thượng Hải qua bộ phim nổi tiếng Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải.

Thật ra Thượng Hải là một thành phố đông dân thứ nhì, nhưng hạng nhất về thương mại của TQ. (Thành phố đông nhất TQ là Trùng Khánh với 40 trịêu dân, Thượng Hải kể cả ngoại ô gần 30 triệu). Thành phố có con sông Hoàng Phố và có tháp TV cao thứ 4 trên thế giới với ba quả cầu là ba nơi nghỉ chân ngắm nhìn thành phố. Nơi đây đang tiến hành xây ngôi nhà cao có hạng thế giới.

Vì đến trễ nên anh chàng hướng dẫn viên mới Dave phải mua đồ ăn bỏ hộp cho chúng tôi ăn trên xe bus. Hộp đồ ăn là một loại bánh mì cá làm anh chàng Gary phải nhịn ăn. Gary có bao tử rất nhạy cảm, nên ăn uống rất chọn lọc. Nhiều khi anh ta chỉ uống nước rồi về phòng lấy đồ ăn mà anh ta mang theo từ Mỹ hay mua được ở một nơi dừng chân nào đó.

Sau đó ta đi xe đến Tô Châu, thuộc tỉnh Giang Tô, cách đây khoảng 140 km. Xe phải tốn khoảng 3 giờ để đên đó. Trên xe Dave cũng nói qua lịch sử Tô Châu vả them câu: “Tô Châu không quan trọng vể chính trị lắm nên chưa bao giờ làm kinh đô cả.” Nghe câu này tôi biết anh chàng này còn quá non trong nghề vì vậy đã không biết hết.

Tô Châu là kinh đô của nước Ngô thời Chiến Quốc. Khi Ngô Phù Sai đánh bại nước Việt bắt Việt Vương Câu Tiễn làm con tin; theo hầu Câu Tiễn có quân sư Phạm Lãi. Sau khi trả về, Phạm Lãi bầy mưu dâng nàng Tây Thi làm làm say mê Ngô Vương. Ngô Vương cho xây Cô Tô Đài để cùng người đẹp vui hưởng lạc thú. Sau này, Ngô Vương bê trễ việc nước, còn Việt Vương cho luyện tập quân sĩ phục thù thôn tính nước Ngô sau đó.

Người TQ có câu: “Trên trời có thiên đàng. Dưới đất có Tô Hàng.” tức Tô Châu- Hàng Châu. Ngụ ý nơi đây cảnh đẹp mà con gái cũng đẹp.

Các Hoàng Đế TQ đa số đóng đô tại Trường An, Lạc Dương, hay Khai Phong ở phía bắc, nhưng ai cũng muốn xuống Giang Nam ngoạn cảnh. Tô Châu và Hàng Châu là hai điểm đầu. Tùy Dạng Đế cũng vì chuyện này mà cho đào kinh Đại Vận Hà nối dài từ Yên Kinh (Bắc Kinh) xuống đến Hàng Châu.

Khi đến nơi thì trời đã ngả chiều, Dave đưa chúng tôi đi xem xưởng làm lụa lừng danh “Lụa Tô Châu”. Bản thân tôi, ngày nhỏ ở các làng Bồng, Thanh Hóa nơi đây dân chúng sống nhề trồng dâu nuôi tằm rất nhiều nên không mấy lạ. Bà xã cũng đã được xem khi đi thăm Hôi An năm 2005 nên duõc biết qua. Nhưng cái hay ở đây là lịch sử của nó. Trong đời nhà Hán (206 BC- đến 220 AD), các vua Hán mở rộng lãnh thổ về phía tây, cho các phái đoàn tiến đến tậy Tây Á, biển Caspian liên lạc với Đế Quốc La Mã. Từ đó, TQ và La Mã thường có trao đổi sản phẩm; TQ đem về tây phương tơ lụa Tô Châu và nhập lại bông vải của Âu Châu và rựơu nho của người Á Rập. Người TQ gọi rượu nho là “bồ đào mỹ tửu”. Đến đời Đường thi sĩ Vương Hàn làm một bài thơ liên quan đến rượu này và tâm trạng một người lính nơi chiến trận như sau:

Lương Châu Từ



涼州詞         Lương Châu Từ

葡萄美酒夜光杯           

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
欲飲琵琶馬上催             

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
醉臥沙場君莫笑             

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
古來征戰幾人回             

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
王翰              Vương Hàn

Bồ đào uống chén dạ bôi.

Vừa nâng li rượu, đàn thôi lên đường.

Đừng cười, say, ngã chiến trường. 

Cổ kim, chiến sĩ quê hương khó về.

                                VHKT   

Con đường buôn bán này bây giờ người ta biết quan tên là “Con đường tơ lụa” (The Silk Road)

Wednesday, June 20, 2012

Trung Quốc du kí 2007

Trường An hay Tây An (tt)
Khi An Lộc Sơn nổi loạn chiếm Tràng An, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi dẫn 1000 quân cấm vệ chạy vào Tứ Xuyên. Nửa đường đám ngự lâm nổi loạn, giết chết các em trai và gái của Dương Quý Phi, sau đó định giết luôn nàng bằng vũ khí. Vua Huyền Tôn phải xin để nàng bị giết bằng cách thắt cổ. Đến đây là phần kết thúc câu chuyện của người đẹp với cuộc sống vương giả xa hoa đã làm nghiêng ngửa cung đình.

Hướng dẫn viên cho biết ăn trưa rất trễ, nên ai nấy vào các cửa hàng trong khu ăn thêm rồi lại đi xem tiếp. Mãi tới hai giờ chiều chúng tôi mới quay về khách sạn.

Trên đường đi về, xe chạy qua một ngọn đồi rộng cả cây số, cao chừng vài chục mét cờ bay phất phới, có lính bảo vệ. Chúng tôi không xuống đây.

Tôi hỏi hướng dẫn viên:

-          Đây khu là mộ Tần Thuỷ Hoàng phải không?

-          Vâng đúng vậy. Ông cũng biết cái này nữa.

Theo sự tìm hiểu của tôi thì đây chính là mộ Tần Thuỷ Hoàng, đang trong giai đoạn khai quật, chưa mở cửa cho du khách. Tuy nhiên quanh đây phố xá đã mọc lên nhan nhản, xem ra rất tấp nập. Một phần lớn của khu là các cửa hành làm tượng binh mã mà đã đem bán bên ngoài khu binh mã Lan Xa. Các tượng đây cũng như cửa hàng quốc doanh, lớn nhỏ dủ cỡ.

Cô con gái ông giáo sư Đài Bắc, tuổi khoảng 25, hay mon men lại tôi hỏi chuyện lịch sử để hiểu thêm. Tôi cũng chẳng ngần ngại giải thích cho cô. Cô này đã tốt nghiệp đại học bên Mỹ.

Xe ngừng lại một khu quốc doanh để chúng tôi ăn cơm trưa. Muốn vào nhà hàng ăn, thì đây cũng như bắc kinh, chúng tôi phải đi qua cửa hàng bách hóa. Thật là một nghệ thuật của du lịch TQ. Chung quanh phòng ăn bày la liệt các đồ kỷ niệm mà đập vào mắt của mọi người là các bức tranh đẹp của các họa sĩ địa phương. Tranh trên trường thì lớn cỡ: dài 1 m đến 4 m cao từ 70 phân tới một thước.

Trước khi đồ ăn mang lên chúng tôi xem tranh, quần áo nữ trang bày biện chung quanh.

Ăn gần xong thì một số nhân viên đến bàn chào hàng. Đó là các tranh vẽ đẹp mắt. Ai mua thì cô bán hàng trao cho một phiếu và ăn xong họ đem tranh gói ghém tử tế trao cho người mua.

Bà vợ và cô gái xinh xinh của ông giáo sư Đại Học, Đài Bắc xem một bức tranh dài 4 mét. Xem xong bà hỏi người bán:

-          Bao nhiêu?

-          200.00 đô.

Bà mặc cả:

-          Mười đồng?

Tất cả chúng tôi đều không ngờ sự mặc cả đó.

Người bán nói:

-          Dạ không.

-          Vậy 15 đô?

-          Dạ không.

-          Vậy 20 đô?

Người bán ầm ừ thì bà này nói:

-          Tôi chỉ có thể mua tranh với giá này.

Cô bán hàng trả lời:

-          Dạ được.

Chúng tôi đều giật mình với cái giá ấy! Từ 200 đến 20 thì quả không tưởng tượng nổi.

Ăn xong chúng tôi đi qua cửa hàng quốc doanh để ra về. Khi đi một đỗi thì tôi thấy co gái Đài Loan đang đứng ở một cửa hàng cùng một cô gái Tây An. Cô gái kia cũng xinh sắn dễ thương, có lẽ đây là cô gái đẹp nhất từ khi tôi đáp xuống đất TQ.

Tôi đi ngang thì cô Đài Loan nói:

-          Ông Vo; Ông làm một con dấu để đóng vào các tác phẩm của ông tốt lắm.

Tôi dừng lại hỏi ông làm dấu. Ông này nhìn cô gái Tây An. Cô ta thông dịch ông nghe. Ra bằng ông già khắc dấu không biết tiếng Anh và cô này là người thông dịch.

Ông này nói với cô thông dịch một chặp rồi cô ta quay sang hỏi tôi:

-          Ông muốn ấy muốn tên tiếng Anh của ông. Tôi sẽ dịch sang tiếng TQ cho ông ấy.

Tôi đáp:

-          Tôi không có tên tiếng Anh mà có tên tiếngViệt. Tôi muốn khắc cả hai loại chữ tiếng Việt, Hoa lên con dấu.

Cô gái nói:

-          Tôi làm sao dịch từ tiếng Việt sang Tiếng Anh giờ?

Tôi cười:

-          Tôi viết được tên tôi bằng chử Hoa.

Vừa khi ấy Jason đi qua. Anh ta hỏi:

-          Ông biết viết chữ Hoa à?

Tôi gật đầu:

-          Một chút à.

Cô gái Đài Loan dặn:

-          Khi nào xong ông cho tôi coi con dấu ông nhe.

Tôi mỉm cười gật đầu.

Jason và cô gái Đài Loan chào tôi ra xe.

Cô gái Tây An lấy bút và giấy cho tôi.

Tôi viết lên giấy “Võ Hiệp- 武俠”

Cô gái hỏi:

-          Đây là tên thật à?

Tôi gật đầu.

Cô reo lên:

-          Hay quá, tôi mới thấy lần đầu.

Tiếng reo của cô làm cô bán hang bên cạnh chạy sang hỏi bằng tiếng Hoa, nên tôi không hiểu. Cô này cũng xinh như cô trước. Tôi nghĩ từ ngày xuống đất TQ, chẳng gặp ai cho là đẹp, thế mà tại đây gặp hai người một lúc. Trong lòng tôi muốn so sánh xem gái Việt và Hoa xem ai đẹp hơn thôi chứ chẳng có ý gì khác. Tôi sợ bạn đọc không tin nên xin thề nếu nói láo thì ông trời trừng phạt chết không nhắm mắt.

Cô thông dịch đáp:

-          Mụ Hạp.

Tiếng này tôi hiểu đó chính là tên tôi.

Cô thứ hai cũng reo lên bằng tiếng Anh:

-          Thật à?

Cô thông dịch hỏi:

-          Ông có biết cung phu không?

Tôi đáp:

-          Cô coi nhe, tôi chỉ cần dung hai ngón tay là cô la chói lói. Cô dám thử không?

Cô cười đưa tay tôi. Tôi túm lấy bàn tay cô thấy mềm mại quá nên bỏ ra.

Cô hỏi:

-          Sao ông không biểu diễn xem sao?



Tôi nói:

-          Tay cô mềm quá, sợ cô đau.

-          Không! Đừng làm tôi què thôi.

Cô lại đưa tay ra. Cô thứ hai há miện đứng nhìn. Thấy cô quả quyết tôi đem 1 thế Aikido ra biểu diễn. Tôi túm tay cô với ba ngón tay trên mu bàn tay cô còn lòng bàn tay cô nằm trong lòng bàn tay tôi. Hai ngón cái và trỏ của tôi duỗi thẳng ra kẹp cổ tay cô gái. Tôi chẳng dám siết mạnh lắm đưa cánh tay cô lên trời.

Cô kêu:

-          Oái!

Tôi buông tay cô ra.

Cô xoa cổ tay, nói:

-          Đau thật!

Cô thứ hay nắn cánh tay tôi nói:

-          Tay ông cứng quá. Ông làm thử tay tôi coi.

Tôi cũng dùng thế ấy một lần nữa. Cô này cũng kêu đau rồi nói:

-          Bây giờ tôi mới biết mùi kungfu.

Vừa khi đó ông già cũng khắc xong con dấu của tôi.

Tôi trả tiền cám ơn ông xong quay sang hai cô chào dã biệt. Cả hai cùng mỉm cười đáp lại. Thế là Lưu Nguyễn dã từ Tây An.

Đi ra một đỗi, tôi mới lôi cái dấu ra xem thì thấy chữ Hiệp này không giống chữ tôi đã ghi 侠.Tôi nghĩ ông già đã khắc sai. Gặp ông gs Đài Bắc thì ông đoán có lẽ là chữ Hiệp khác. May đâu Jason bước tới anh ta giảng cho chúng tôi đó là giản thể của chữ Hiêp.

Co gái Đài Bắc nói:

-          Khi nào có mực ông in cho tôi một cái, để tôi kỷ niệm.

Chiều tối, chúng tôi về tới địa điểm ăn tối cuối cùng tại Tây An. Ăn xong, Jason cầm một tờ giấy lại tôi nói:

-          Ông Vo; tôi biết ông am tường nhiều việc và một số sử TQ. Tôi nhờ ông phê điểm hướng dẫn dễ tôi gửi về công ty.

Tôi hỏi:

-          Sao không nhờ ông giáo sư Đài Bắc phê cho.

-          Tôi nhận thấy ông có cái nhìn rộng rãi và chắc ông đánh giá trung thực. 

Tôi đoán một phần nữa có lẽ là Jason sợ Đài Loan chắc không ưa TQ mấy.

Jason nói với mọi người:

-          Nơi đây có ca kịch rất hay, nếu vị nào muốn đi xem đưa tiền tôi, tôi mua vé cho. Về khách sạn thì các vị này chờ tôi. Tôi sẽ đem xa riêng đến đón. Còn ai không đi thì tùy ý muốn đi đâu thì đi.

Chỉ có 4 người mễ là đi coi kịch, múa của Tây An. Chẳng hiểu họ hiểu tiếng TQ không?

Nhóm nói tiếng Việt và Gary rủ nhau về khách sạn tắm rửa rồi đi chợ mua trái cây ăn thêm. Tôi dẫn cả đám đi long nhonh mua một số đồ rồi về in mấy copy bằng pháp minh như đã hứa. Số còn lại rủ nhau đi chơi tiếp. Trước khi về, tôi hỏi các người có nhớ đường đi không. Ai nấy nói nhớ. Để phòng ngừa tôi dặn tên khách sạn để cho thêm phần tin cẩn.

Về khách sạn tôi mang máy computer xuống văn phòng nhờ họ in hai bản copy. Tôi vào phòng chờ lâu quá mà không thấy vợ về. Đến lúc chịu không xong, tôi mở cửa xuống phố kiếm. Vừa mở cửa thì thấy bà chằng ở đó. Tôi bực mình gắt, thì bà chằng này nói là khi đi chơi mua đồ xong thì đi về. Khi ra khỏi shoping center, thì mỗi người chỉ một đường. Bà xã tôi thì nhớ hướng tôi chỉ nói phải đi về hướng ấy nhưng anh Mỹ Gary thì cho là đi hướng khác. Kết quả đi long nhong theo hướng các người cuối cùng theo hướng bà xã tôi thì về tới khách sạn.

Khoa Học & Kĩ Thuật: Xcor

NASA đã chọn công ty Xcor làm nhiệm vụ phóng các phi thuyền hạ quỹ đạo để huấn luyện và nghiên cứu. Xcor là một công ty nhỏ ở Palmdale, California với số nhân viên là 25 người. Nhiệm vụ chính là thiết kế còn sản xuất được đem ra ngoài. Tuy nhỏ bé nhưng công ty đã thiết kế các loại phi thuyền Lynx tái sử dụng bay và đáp như phi cơ thường. Lynx có hai chỗ ngồi và cùng cỡ với các phi cơ nhỏ hiện nay. Đây là công ty tư nhân thứ ba của Hoa Kỳ tham gia vào chương trình không gian. Xcor hiện nay hợp tác với các công ti khác để làm việc trên. Các công ti chính là: The Planetary Science Institute ở Arizona, Southwest Research Institute ở Texas, NanoRacks LLC ở Kentucky and Washington, D.C., và Spaceflight Services ở Washington.

NASA mới đây đã kí hợp đồng 10 triệu đô để công ti phóng chiếc phi thuyên Lynx vừa nói trên ngày 29 tháng 8, sắp tới. Lynx có khả năng bay trong điều kiện phi thuyền từ 3 đến 4 phút. Sau khi đáp xuống sân bay thì Lynx sẽ được cung cấp nhiên liệu và bay lại. Một ngày Lynx có khả năng bay 6 hoặc 8 chuyến.



Hình chụp chiếc Lynx

Tuesday, June 19, 2012

Xin bấm vào hình để xem cho rõ

Bằng phát minh

Thành Tây An còn nổi danh với chuyện Hạng Võ đánh Tần. Khi vào tới Hàm Dương Hạng Võ  đốt cháy Cung A Phòng, làm cung này cháy cả tháng mà chưa tàn. Nói như vậy ta thấy sự vĩ đại của cung này. Bây giờ TQ đang cho xây lại, dựa vào tài liệu sử và các bản vẽ còn tìm thấy. Tuy nhiên, có sự thổi phồng lên không là chuyện khác, vì chính quyền TQ muốn làm cho thế giới thấy họ là nước văn minh, hùng cường nhất trên hoàn vũ.

Ngoài ra thời Đường, từ thế kỷ thứ 7 đến đầu thế kỷ thứ 10, được coi là thời cực thịnh của TQ về văn học nghệ thuật, nhưng về vấn đề này thì đời Đường Huyên Tông (712-756)- Đường Minh Hoàng lại đứng số một của nhà Đường với các thi sĩ, họa sĩ như Thái Bạch (Lý Bạch), Đỗ Phủ, Vương Duy…. Không ai không quên chuyện Dương Quý Phi, một giai nhân đã làm vì hoàng đế này mê mệt. Ở đây ngừơi ta cũng còn thấy một phần Hoa Thanh Cung, vườn thượng uyển vĩ đại nhất một thời của TQ. Hoa Thanh Cung nằm dưới chân núi Ly Sơn. Theo truyền thuyết, ta biết rằng người đẹp Dương Ngọc Hoàn (Quý Phi) thường hay tắm khỏa thân trong một hồ (ao) sen của vườn thượng uyển này. Hồ này có tên là Hoa Thanh Trì. Ngày nay, người ta tạc một pho tượng Dương Quý Phi lõa thể đang từ hồ lên bờ.

Trung quốc xưa kia hay đã kích sự tàn ác, diệt văn hóa của Tần Thủy Hoàng cùng sự sa hoa của Dương Quý Phi, nhưng nay họ làm tượng phô trương các nhân vật này là vỉ nó thu hút du khách để hái tiền. Nhìn vào đây thì những điều Khổng Tử đưa ra sai bét. Tiền là trên hết.

Viết đến đây làm tôi nhớ lại chuyện cống vải. Theo một số sử liệu thì đời Đường, các cung phi thích ăn vải điều, một trong các nơi có vải này là An Nam. Vải được gánh từ nơi xa xôi, rồi chuyển lên ngựa đem về Hoa Thanh Cung- Trường An. Thi sĩ Đỗ Mục đã nói việc này qua bài thơ dưới đây:

過華清宮其一           
Quá Hoa Thanh cung kỳ 1

 長 安 回 望 繡 成 堆,
Trường An hồi vọng tú thành đôi,
山 頂 千 門 次 第 開。
Sơn đính thiên môn thứ đệ khai.
一 騎 紅 塵 妃 子 笑,
Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu,
無 人 知 是 荔 枝 來。
Vô nhân tri thị lệ chi[1] lai!

  杜牧                  Đỗ Mục

Nghĩa:

Qua cung Hoa Thanh kỳ 1

Trường An quay lại nhìn như gò thêu gấm
Trên đỉnh núi, nghìn cửa lần lượt mở ra
Một kỵ mã trong bụi hồng, quý phi mỉm cười
Không ai biết ấy là quả vải đã lại.

Trường An nhìn đẹp cô cùng.
Đỉnh non, thấy cửa trong cung mở đều.
Phi cười, vó ngựa đang kêu.
Chẳng ai đã biết vải điều về cung.
VHKT
Trường An, quay lại đẹp vô cùng.
Đỉnh núi, thấy ngàn cửa mở tung.
Kỵ mã bụi trần, phi hớn hở.
Chẳng ai biết vải đã về cung.
VHKT


 




[1] Lệ chi là trái vải: Theo lịch sử, đời Đường bắt dân Giao Chỉ gánh trái vải sang nộp cho vua và cung phi thưởng thức. Vải sang đến Tàu thì được kỵ mã đem vải đến Trường An, Kinh Đô nhà Đường. Việc gánh vải ngày đêm liên tiếp gánh làm dân ta cực khổ vô cùng. Chỉ vì nguyên nhân ấy, mà Mai Hắc Đế- Hà Tĩnh, đã lãnh đạo dân Giao Chỉ kháng chiến.

Monday, June 18, 2012

Trung Quốc du kí 2007

Trường An hay Tây An (tt) :

Ngày Thứ BẢY 23/8/07 – THĂM CỔ MỘ (Terra Cotta Warriors)

Ngày hôm sau là ngày tham quan chính khu cổ mộ tượng binh mã Lan Xa (Terra Cotta Warriors), nơi mà tôi đã được xem quyển National Geography giới thiệu vài chục năm trước và cũng được xem đài này cùng History channel chiếu nên rất muốn nhìn tận mắt.
Tần Thủy Hoàng ?

Khi xe ngừng lại, ta thấy ngay một pho tượng Tần Thủy Hoàng cao khoảng 6,7 thước đứng trước cửa khu tham quan. Toàn thể khuôn viên này mới được xây dựng nên còn rất mới. Tòa nhà khổng lồ che toàn khu khai quật rộng như một sân đá bóng. Một hành lang bao quanh vùng khai quật để du khách đi dạo quanh.


Khu tượng đồng binh mã Lan Xa, cách nơi lăng mộ Tần Thủy Hoàng khỏang 2km. Khu này mới được phát hiện bởi một nông dân năm 1974. Tất cả có 3 hầm khoảng 7000 pho tượng người ngựa. Người cao khoảng 1,8 m. Theo giải thích của History Channel phỏng vấn các chuyên gia TQ tại sao các tượng to lớn như vậy? Các chuyên này cho biết có lẽ các nghệ nhân muốn tô điểm thêm cái vẻ dũng mãnh của quân Tần. Nhưng ta biết rằng người bắc TQ to lớn hơn người gốc Bách Việt phương nam. Tất cả người Nam sông Dương Tử đều nhỏ con hơn người gốc Hán.

Đường vào cổ mộ

Các pho tượng được xắp theo thế trận thật, và hầm ít người ngựa nhất là nơi của các tướng thuộc bộ chỉ huy. Đây chính là đạo quân bảo vệ mộ của nhà độc tài lừng danh ấy. Các tượng chiến binh này đều ngoảnh mặt về hướng đông, nơi tất cả các đối thủ của nhà Tần là các nước Triệu, Hàn, Ngụy, Yên, Tề và Sở. Tần Thủy Hoàng sợ khi ông chết âm binh các nước đó sẽ đến quấy phá ông. Tuy nhiên, ông không ngăn nổi dương binh của Hạng Võ.


Trước cổ mộ

Theo lời hướng dẫn viên, còn một số tượng chưa được khai quật là vì khi đem lên trên mặt đất thì các pho tượng bị đổi mầu khi tiếp xúc với không khí. Hiện nay các khoa học gia đang nghiên cứu cách bảo toàn mầu sắc trước khi tíếp tục công việc.


Có một điều phải nhắc cho bạn nào dự định đi TQ và thì nhớ điều này: các hướng dẫn viên du lịch TQ là nhân viên chính phủ; họ có khuynh khuynh hướng đưa vào các cửa hàng quốc doanh. Trước khi đến bảo tàng viện binh mã Lan Xa, ho sẽ đưa các bạn đến một cửa hàng bán đồ kỷ niệm trong đó phải kể tới các tượng như các binh sĩ khai quật lên được và khích thước cao từ 7 phân đến gần 2 thước. Các tựơng này mắc gấp 10 lần nếu bạn mua của tư nhân bán lẻ sau khi bạn ra khỏi khu này. Phải nói rằng tượng nơi cửa hàng quốc doanh có vẻ tinh sảo hơn bên ngoài thật, nhưng không phải giá nên bán như vậy.


Tôi hỏi Jason:

-          Chúng tôi có được đi xem cung A Phòng, Hoa Thanh Cung và hồ Hoa Thanh Trì không?

Jason nói:

-          Vì trễ chuyến đi lúc lấy hành lý, nên không còn thì giờ đến đấy.

Hắn hỏi:

-          Sao ông biết các nơi ấy?

-          Tại tao hay tìm hiểu thôi. Đó là nơi mà Hạng Võ làm vang tiếng trong lịch sử thời tiền Hán.

Jason thắc mắc:

-          Ông làm nghề gì bên Mỹ? Ông có phải người dạy sử học không?

Pha trả lời:

-          Ông ấy dạy tao toán ngày xưa, còn bây giờ ông làm kỹ sư.

Hắn lại hỏi:

-          Ông làm kỹ sư về ngành gì?

-          Ngành aerospace.

Jason gật gù:

-          Thú vị thật. Ở đây cũng có vài hãng làm phi cơ cho Boeing bên Mỹ. Ông làm kỹ sư gì chứ?

-          Tôi làm về design (thiết kế).

-          Hay quá! Ông có thiết kế nào thật đặc sắc hay không?

-          Có chứ!

-          Cái gì? Ông nói cho mọi người trên xe nghe được không?

-          Ngày 9-11 không tặc dùng phi cơ đâm vào hai tòa nhà ở New York. Sau đó chính phủ Mỹ ra lệnh tất cả các cửa ra vào phòng hoa tiêu phải cải tổ để chống lại không tặc. Các hang Air Bus và Boeing đưa ra một bảng gồm cả chục điều kiện cho cửa này. Từ ra vào không có ổ khóa, người lạ không vào phòng lái được, đạn bắn không thủng, chịu nổi 3000 pound sức tống… và quan trọng nhất là cửa phải bật mở trong 5/1000 giây đồng hồ khi bị giảm áp suất nửa pound trên 1 inch vuông (.5 PSI). Khoảng trên 60 công ty trên thế giới nhập cuộc đua kể cả hai hãng mẹ Boeing cùng Air Bus.

Ông giáo sư Đài Bắc hỏi:

-          Có ai làm được các điều kiện này không?

Tôi đáp:

-          Các phần tổng quát nói chung, tất cả hầu như thỏa mãn cả trừ khoảng 5/1000 giây không ai làm được. Boeing chỉ có thể làm bật mở cánh cửa 15/1000 giây.

Ông ta hỏi tiếp:

-          Còn ông?

-          Vâng. Tôi giải quyết được.

Jason hỏi:

-          Làm sao mà cần nhanh dữ vậy?

-          Phòng lái và phòng hành khách cung cấp bởi hai máy tạo áp suất khác nhau. Từ xưa đến năm 2001 các cửa vào phòng lái máy bay chỉ đòi chịu nổi 300 pound sức ép thôi. Với sức ép này, chúng tôi đã thiết các hệ thống điều kiển cửa sẽ gãy khi nửa PSI đè lên cửa đó. Vì sức ép ấy cũng vừa 300 pound, theo đòi hỏi và cửa bật mở, làm áp suất không khí từ phòng hành khách sẽ tràn vào phòng lái. Nhưng bây giờ của chịu tới 3000 pound thì không thể thiết kế như thông thường. Nếu cửa không mở nổi trong vòng 6/1000 giây thì người hoa tiêu có thể bị bất tỉnh và hành khách sẽ như thế nào thì ta biết rồi.

Cô con gái của ông giáo sư Đài Bắc hỏi tôi:

-          Ông có bản copy nào về bằng phát minh ấy ở đây không? Nếu có ông cho tôi 1 bản để làm kỉ niệm chuyến đi đặc biệt này.

-          Không có bản copy, nhưng tôi có bản điện tử trong máy computer lap top ở khách sạn thì có. Tối tôi về khách sạn sẽ nhờ khách sạn in ra cho cô, nếu họ có USB hay máy in họ có cable nối được với máy tôi.

Tôi biết chuyến đi rất nhiều cảnh đẹp để chụp, nên cái memory card trong máy ảnh không đủ chứa. Tôi phải mang theo 1 lap top để hàng đêm chuyển hình từ máy ảnh vào nó, rồi xóa memory card đi.

Jason nói:

-          Cho tôi một tấm với.

Ông giáo sư nói:

-          Ông quả là một nhân tài.

Tôi đáp:

-          Cũng là do may nắm thôi,

Vợ chồng người Việt gốc Hoa nói:

-          Ông còn làm cả thơ nữa. Chúng tôi nghe ông đọc mấy bài rồi.

Cũng may họ không đọc bài Làm Bậy Trên Vạn Lý Trường Thành cho mọi người nghe.

Jason nói:

-          Ông biết rất nhiều ngành. Hiếm người biết như vậy.

Jason có vẻ rất thích thú và từ đó hay đàm đạo lịch sử Trung Hoa với tôi.