Wednesday, December 26, 2012

Thông báo


Vì có chuyện buồn gia đình và phải đi xa nên tạm ngưng đăng bài trong một thời gian nửa tháng kể từ thứ năm 20-12-2012.
VHKT

Wednesday, December 19, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Một vài tháng sau, tôi đã thành thạo, trong việc chèo ghe cũng như chụp cá đối, và hơn hết việc say sóng cũng mất luôn.

Một buổi hoàng hôn, như thường lệ, tôi xuống nhà Thắng để chuẩn bị đi hớt đá đối. Thắng vác cây chèo dài, còn tôi xách giỏ và đèn măng xông, rồi cùng nhau xuống bến ghe ở trước ty bưu điện, cách nhà Thắng khoảng 200 mét.
Hôm nay, biển tương đối lặng, sóng không cao lắm nên thuyền bập bà bập bềnh. Chúng tôi lo cột chèo và đèn, chèo ghe ra một đỗi, thấy mặt trời chưa lặn hẳn, nên chúng tôi neo ghe lại ngồi chờ.
 
Hai đứa tôi ngồi: một thằng ở mũi một thằng ở lái, tán ngẫu.

Tôi nhìn về phương đông, thấy mặt trăng tròn vành vạnh, to như cái nong, đang từ từ nhô lên khỏi hàng bàng và liễu của Bãi Trước.

Tôi chắc miệng:

- Lại một trung thu buồn bã trôi qua. Thắng có mua bánh trung thu cho con Thắng không?

Thắng thở dài:

- Tui nghèo thấy bà! Không có tiền mua đồ ăn hàng ngày, huống hồ đèn, bánh.

- Nhưng Thắng còn may mắn là mỗi ngày Thắng còn được về ôm con. Tôi chỉ mong được điều đó thôi.

Thắng vê một điếu thuốc rồi hỏi:

-  Anh Hai. Bao lâu rồi anh chưa về quê thăm chỉ và cháu?

Tôi đá chân vào các ngọn sóng nói:

- Để tính coi. Hơn sáu tháng rồi Thắng ạ.

- Anh có nhớ chỉ và cháu không?

- Nhớ lắm. Tôi ao ước đem vợ con về đây.

Thắng chặc lưỡi:

- Hà! Chuyện này khó lắm ta. Trừ phi đội xuồng chèo nhận anh là một ngư phủ hội viên.

Chúng tôi cùng im lặng suy tư cho thân phận của mình.

Nhìn trăng qua sương mù tôi lẩm nhẩm vài câu thơ:

Tuesday, December 18, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Cơ, vợ Thắng, thường đảm nhiệm việc bán cá cho chúng tôi, vì cô là một người bán cá chuyên nghiệp. Một đôi khi, Cơ bận việc, bịnh hay đi xa chúng tôi phải bán cá lấy.

Lần đó, Cơ phải đi về quê. Lúc hớt cá đối xong, chúng tôi chèo ghe về bến, tôi cảm thấy tay chân rã rượi.

Thắng nói:

- Anh Hai! Anh đem cá đi bán, còn tôi lo việc cột ghe, rửa ghe. Anh chịu không?

Thật ra cột và rửa ghe là việc nặng. Thắng thấy tôi mệt sau một đêm chèo đò nên có ý tốt đó.

Tôi gật đầu chấp nhận, xách giỏ cá lên bờ. Đi một đỗi, thì có dăm bẩy bà bạn hàng cá tới bao vây tôi.

Một bà hỏi:

- Ông bán cá hả?

- Vâng.

- Bao nhiêu?

Tôi từ thủa cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ bán hàng, huống hồ bán cá. Lúc còn bẩy tám tuổi, sống ở Tân Phúc, Thọ Xuân, Thanh Hóa, Cẩm Dung, em gái tôi, và tôi được chia một mảnh đất nhỏ trồng cà chua. Khi cà chua chín, chúng tôi gánh cà chua ra chợ bán. Tôi phải nhờ em gái bán hộ.

Tôi không biết bán bao nhiêu thì vừa, nên hỏi lại:

- Bà mua bao nhiêu?

Bà ta chẳng nghĩ ngợi, nói:

- Mười đồng.

Tôi chẳng muốn đôi co với đàn bà, nhất là bà mua cá, nên gật đầu.

Tôi đem tiền về nhà Thắng, ở ngay chân dốc lên Hải Đăng. Khi bước chân vào nhà tôi thấy Thắng đang ngồi bên cạnh bàn, uống trà.

Thắng nói:

- Anh Hai. Uống miếng trà bà xã tui làm bằng lá rừng đó. Uống cũng đường được.

Tôi uể oải, ngồi xuống cái ghế đẩu đối diện.

Thắng hỏi:

- Anh bán được bao nhiêu?

- Mười đồng.

Vừa khi Thắng đang há miệng uống nước, y phun hết nước ra ngoài sặc sụa:

- Mười đồng? Đụ má! Vậy thôi sao? Mình đi một đêm; tiền dầu hôi đã 5 đồng rồi. Ngày mai, anh lo chùi ghe, còn tui đi bán cá.

Kể từ ngày ấy tôi lau chùi ghe mỗi khi đi hớt cá đối về. Việc làm nặng nhọc chân tay, nhưng dễ dàng đối phó, đầu óc thanh thản. Quả thật trên đời có nhiều việc mình khó làm tuy là dễ dàng đối với người khác.

Monday, December 17, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Năm 1977, Vũng Tầu được biến thành đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo và đưa dân không phải ngư phủ đi kinh tế mới. Nếu tôi bị đưa đi thì kế hoạch vượt biên của tôi sẽ sụp đổ. Tôi vội vào làm ngư nhân. Tuy nhiên muốn được chứng nhận làm ngư nhân thì phải chứng tỏ có làm biển sinh sống thật sự.

Trong thời gian mới xuống làm biển để được chấp nhận là ngư phủ chuyên nghiệp của Xóm Lưới, tôi đi thuyền hớt cá đối cùng một ngư phủ chuyên nghiệp tên Võ Thắng. Tên này trùng với tên em ruột tôi mà năm sinh cũng trùng nốt. Thật là một ngẫu nhiên. Thắng dạy tôi hớt cá đối và chèo thuyền trên biển. Cách chèo thuyền này chỉ có mái chèo để chèo thuỳên tới, lui và lái sang hai bên. Thuyền chèo trên biển không có bánh lái.

Theo thông thường đi hớt cá đối phải có 2 người, một người chèo một người hớt. Người chèo đứng ở lái, hai tay chèo một mái chèo dài độ bẩy, tám thước. Người hớt đứng ở mũi, tay cầm một cái vợt đường kính độ sáu, bảy chục phân tây và cán dài khoảng hai thước rưỡi. Ngay tận cùng mũi ghe là một cây đèn măng xông, che một nửa. Nửa sáng hắt ra phía trước. Đèn này hay bị nước biển bắn lên vì sóng gió và khi chụp cá làm bóng dễ vỡ. Để tránh tình trạng bóng vỡ rơi xuống biển, các ngư nhân dùng dây mí đàn ghi ta ràng lại như một mạng nhện. Vì thế dù bong vỡ nát nhưng vẫn lien kết nhau, không bị văng mảnh ra, nên vẫn chống được gió. Thật ra dây mí làm bằng một loaị thép rất tốt, nên không bị sức nóng của đèn làm nóng chảy. Các dây kim loại thông thường khác không chịu nổi sức nóng này.

Khi mới xuống đánh cá ngày đầu, Thắng nói tôi đứng chụp cá, còn y chèo thuyền, vì Thắng to lớn hơn và rất mạnh, hơn nữa, việc chèo thuyền rất nặng nhọc, có khi phải chèo suốt đêm.

Thật là khó khăn cho tôi khi làm nhiệm vụ này. Một phần là say sóng, một phần khác là rất khó khăn giữ thăng bằng khi đứng trên thuyền mà sóng vỗ dập dềnh. Trong thời gian này, ngày nào, tôi cũng mửa thốc mửa tháo, vì say sóng. Tôi tự hỏi: "Khi nào thì mình hết say sóng? Hay bỏ quách việc này cho rồi? Không thể được! mình phải vượt qua trở ngại đầu tiên này. Nếu không thì chuyện vượt biên không bao giờ có được."

Chụp cá đối cũng cần phải có kỹ thuật, chứ không phải chụp một cách khơi khơi. Mấy hôm đầu, tôi chụp được vài con, có khi chẳng được con nào. Nhiều lúc, tôi thấy đàn cá đối lại lầm là lá khô, nên không chụp và nhiều lúc khác, thấy lá khô lại tưởng là cá đối, chụp lên chỉ được vài cái lá tre. Ngoài việc chụp cá đối, chúng tôi, nhiều khi, cũng chụp được cả mực ống.

Những lúc gió mạnh, sóng cao, tôi chụp đàn cá mất thăng bằng, rơi tòm xuống biển, cá đã chẳng được con nào mà còn làm mất thì giờ. Thắng bèn đổi "chiến thuật": tôi ra chèo đò, còn Thắng ra chụp cá đối. Vì thế tôi phải chèo ghe suốt đêm, từ bãi trước đến Bến Đá, Sao Mai, Bến Đá đến Bãi Dứa, Lò Heo, tay chân rã rượu, nhưng vẫn phải cố sức mà làm.
 
CHỤP CÁ ĐỐI

Bài thơ đăng cho VVH


Bài thơ này đăng cho độc giả VVH
http://www.viethoc.org/phorum/list.php?20

Friday, December 14, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Từ sân trứơc khách sạn ta có thể thấy sóng bạc đầu của vùng sóng bạc đầu ngoài khơi mũi Nghinh Phong. Để bạn đọc hình dung được sóng nơi đây, tôi đứng ở ngoài sân trước khách sạn, tình cờ thấy một ghe cá đang đi vào giáp nước. Tôi vội chụp một số hình của chiếc ghe này. Sân cao hơn mặt biển độ hơn 5 thước cộng thêm chiều cao tôi vậy sấp sỉ 7 thước. Chiếc ghe này dài độ 8 thước và cao hơn mặt biển khoảng gần một thước. Người đứng trên ghe ta cho vào khoảng trung bình một người Việt là 1 m 6. Vậy tổng cộng chiều cao từ mặt biển đến đầu người dân làm biển này khoảng trên 2 m. Ta hãy xem sóng nơi đây cao bao nhiêu?

Hình thứ nhất, người này đang lái chiếc ghe máy của anh ta vào vùng này. Bạn để ý, hậu cảnh có một chiếc tầu để nhận ra hình chụp vào cùng một thời gian, chứ không phải chụp hình rồi cả giờ sau chụp một tấm khác.
 

 

Hình này cho ta thấy, ngừơi ngư phủ đang bắt đầu vào giáp nước. Ta vẫn thấy anh đứng trên thuyền.

 

 
Càng vào sâu trong giáp nước sóng phủ càng cao người ấy chỉ còn một điểm

 

Bây giờ vào đến đáy sóng, ta không còn thấy người ngư phủ nữa. Khỏi cần giải thích theo toán học, ta biết ngay sóng phải cao hơn 2 thước.

 

Tối hôm ấy nhóm chúng tôi sang khu bãi Dâu ăn cơm tối. Kể ra thì món ăn cũng có thể gọi là ngon, quán củng rất đẹp vì tình trạng xây cất trên cãi đá và núi cùng biển. Ăn cơm tối chúng ta được hưởng gió biển và ngắm sóng, cùng tầu bè ngoài khơi soi ánh sáng lung linh xuống mặt nước đen ngòm.

Tuy nhiên tôi cũng nhắc lại cho bạn đọc để ý vào các tấm hình chụp giáp nước. Các bạn thấy sóng đổ trắng xóa trên một vùng dộng độ 1 km bề ngang. Bên  ngoài và bên trong sóng rất  trung bình. Theo lẽ thông thường, sóng khi vào bờ đổ rất mạnh, nhưng trong hình ta thấy sóng bờ không mạnh lắm. Vì lý do ấy, nơi đây tắm biển rất tốt.

Kể ra cũng là một tình cờ. Chúng tôi ngồi cạnh bãi biển và sát bên tôi có một ngọn đèn điện khá sáng soi xuống biển làm cá suốc bu đến cả đàn. Cá suốc là loài cá nhỏ như ngón tay dài trên 10 phân, sương và vảy rất cứng nên khó ăn. Người ta thường lấy cá này làm phân bón. Hình ảnh ấy gợi cho tôi lúc hớt cá đối. Lúc hớt cá đối đôi khi tôi cũng hốt lầm cá này. Ngoài xa hơn là vùng hớt cá đối. Chúng tôi thường hớt cá đối từ Bãi Dừa đến Sao Mai, Bến Đá.

Thursday, December 13, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Tại giáp nước Vũng Tàu, chỉ có thuyền máy mới qua được, còn thuyền chèo muốn qua đây thì phải qua lúc nước thủy triều thấp nhất hay cao nhất. Lúc ấy, nước không chảy lên hay xuống và hiện tượng sóng đứng đổ trắng xóa cũng biến mất. Thời gian sóng biến chỉ kéo dài từ 15 đến 30 phút mà thôi. Nếu qua đây không đúng lúc thì người ngồi trên chiếc thuyền chèo đi câu cá dễ dàng làm mồi cho cá biển thay vì đi câu cá. Một người bạn ngư phủ và tôi cũng đã mấy lần thóat chết ở đây trong đường tơ kẽ tóc, nên chúng tôi gọi nó là Vùng Nước của Tử Thần.

Khi xa ngừng, tôi muốn vào chụp hình sóng bạc đầu vùng biển đã ghi vào tâm khảm tôi những kỉ niệm hãi hùng một thời, nhưng thấy nơi đây toàn là các cơ sở quân sự nên lại thôi.

Trong đoàn tôi đi có cháu Dương ngừơi theo tôi vượt biên năm 1981. Nay cháu quay về đây sinh sống với công ty Du Lịch. Cháu và cô vợ mới cưới thuê phòng cho chúng tôi ở khách sạn Lan Rừng cách mũi Nghinh Phong độ 1 cây số. Khách sạn này rất đẹp, nhưng phải nói các khách sạn quanh đây đều đẹp vì nằm sát biển mà sau là núi đồi. Khách sạn có nhiều từng, lớp trên cao, lớp dưới thấp, và những con đường đi quanh co, uốn khúc qua các gộp đá, thật là duyên dáng.

Trước khách sạn Lan Rừng
 
 
Lan Rừng
 
Bên cạnh khách sạn có một bãi tắm nhỏ cát, đá chen nhau. Tuy nhỏ, nhưng sạch sẽ vì chỉ người trú ngụ tại khách sạn mới có thể tắm nơi đây. Do đó ít người tắm và đều giữ gìn vệ sinh. Nếu ai không thích tắm biển nặm thì có thể tắm hồ nước ngọt, lạnh thường của khách sạn. Người tắm biển cũng lên đây tắm lại trước khi thay quàn áo.

Chiều xuống, ra bờ biển ngồi hóng gió nhìn mây nước buồn tênh với vài thuyền cá lẻ loi, dập dềnh trên sóng nước đã gợi lại cho tôi cái cảnh đánh cá năm xưa.
 


Tôi về Vũng Tàu một mình trong khi vợ và đứa con đầu lòng vẫn ở tại quê Tân Thiềng, Chợ Lách. Khi đi học tập, tôi đã nhớ vợ con vô cùng, này vì tương lai gia đình mà tôi phải về Vũng Tầu, làm rẫy rồi đánh cá. Thật ra tôi phải lăn lưng vào nghề đánh cá là để làm quen với sóng nước, tránh say sóng và tìm hiểu cách đi biển để tổ chức vượt biên sau này, ngoài vấn đề tìm cách nuôi vợ con lúc không được quay về nghề dạy học. Nếu chính quyền Cộng Sản hồi ấy cho phép tôi dạy học nuôi con thì chưa chắc tôi đã vượt biên và chắc sẽ không có câu truyện Hải Thần Thịnh Nộ, một câu truyện mà vài cả trăm người đã được đọc và đều khen ngợi.

Wednesday, December 12, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Xe vượt dốc lên đến đỉnh lại ngừng cho chúng tôi xem cảnh bãi Eo Quắn. Đây là bãi tắm nhỏ nằm giữa Mũi Nghinh Phong và Hòn Bà. Năm 1955, khi nhà tôi mới vào định cư tại đây, bố mẹ một lần dắt chúng tôi đến đây tắm biển. Muốn xuống tắm người ta phải đi xuống một dốc cao độ 20 m. Tuy là có bực thang nhưng lên xuống không mấy dễ dàng. Nước biển nơi đây rất sạch, trong, sóng cao, còn bãi cát trắng chen giữa những gộp đá, nên phong cảnh đẹp. Tuy nhiên, tắm xong phải leo lên cái dốc cao nghệu, nên nhiều người không muốn tắm nơi đây.

Bãi Sau hay còn gôi là bãi Thùy Dương
Nơi tôi và gia đình đã vượt biên năm 1981
Bãi Thùy Dương

Chân núi Nhỏ- Nơi chúng tôi bị  gạt

Đường lên dốc Eo Quắn- Mũi Nghinh Phong
 
 
Nơi đây được giử gìn sạch sẽ
Eo Quắn- Mũi Nghinh Phong
 
Gia đình ngắm cảnh
 
Hòn Bà
Tượng Chúa

Mũi Nghinh Phong là một phẩn đồi của núi nhỏ nhô ra biển làm thành một bán đảo. Nơi đây gió lộng bốn mùa. Xưa kia, nơi đây có một trại binh của Nhật canh chừng bờ biển thế chiến thứ hai, nhưng sau đó bị bỏ không sau. Ngày ấy, nếu ai thích thì ra ngòai mũi ngắm sóng biển sẽ mẩn mê với cái đẹp kỳ lạ của sóng. Tôi và mấy người bạn trường trung học Vũng Tàu, hay kéo nhau ra đây xem. Lúc ấy, tôi chưa hiểu gì chỉ thấy sóng biển nơi đây rất cao, sóng đổ trắng xóa bốn mùa, nhất là vào mùa bấc. Cái hay ở đây là sóng đổ vẫn đứng một chỗ, không tràn về trước như sóng đổ vào bờ mà ta tắm biển vẫn thấy. Khi ấy, chúng tôi chỉ thấy các đẹp của vùng biển này, chứ không nghĩ đến cái đe dọa ghe gớm của nó. Không những tôi, mà còn nhiều họa sĩ, nhiếp ảnh gia hay đến đây vẽ hay chụp hình sóng. Tôi còn nhớ rõ hoa sĩ Văn Nhân ở Vũng Tàu cũng đã vẽ ít nhất là một bức tranh về sóng nơi đây.

Mãi sau tháng 8 năm 1976, khi học tập cải tạo về đây, tôi đi đánh cá mới biết được nguyên sóng đứng này. Lúc đánh cá, tôi cũng đã có nhiều kỉ niệm với sóng gió biển khơi. Lần lần tôi mới biết đó là giáp nước, tức là nơi hai dòng nước gặp nhau. Một dòng nước từ sông Lòng Tàu, Rừng Sát chảy ra; một dòng nước thứ hai từ Rừng Sát, Phước Tỉnh chảy tới. Hai dòng nước gặp nhau nơi đây làm ra hiện tượng sóng đứng. Người dân ngư phủ Vũng Tàu gọi nó là Giáp Nước.
Tại Cali, trên đoạn đường lừng danh: Seventeen Mile Drive cũng có giáp nước.
 
Giáp nướcSeventeen Mile Drive
 
Tuy nhiên, có loại giáp nước trên biển không phải do hai dòng nước tạo ra mà do nước hai bên khác nhau về tỷ trọng nên hai luồng thủy triểu không hòa với nhau được.Tại tỉnh Skagen, nơi dành cho sự nghỉ mát, cực bắc Đan Mạch (Denmark) người ta thấy biển chia hai bởi một đường sóng trắng. Nơi Đây là giao điểm của biển Baltic và Bắc Hải và được gọi là giáp nước. Giáp nước này sóng không nguy hiểm như giáp nước thứ nhất.
Giáp nước Skagen

Tôi nghe nói của Thần Phù của Ninh Bình rất nguy hiểm mà ca dao đã viết:

Ai đi qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Cũng có thể ở của Thần Phù có hai dòng nước như ở Vũng Tàu chăng?

Tuesday, December 11, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Bây giờ, tôi phải lo ôm hai túi nặng chịch, còn Điệp tay ôm cu Mi và dắt cu Hi đi về nhà cách đó hơn 3 cây số. Đây chính là con đường về Xóm Lưới và đi qua trường mẫu giáo của cu Hi. Tôi không dám đi lẹ, vì còn phải canh chừng vợ con. Điệp lại rất sợ ma, mà con đường này lại vắng tanh nhà cửa, chẳng một ai lai vãng, tối đen như mực. Tôi cũng không thể giấu mấy cái túi vì, không thể phân biệt đặc điểm để ngày hôm sau quay lại lấy. Đối với tôi, tôi rất quý mấy quyển toán mà tôi đã bỏ nhiều thời gian sưu tầm. Chúng tôi đi được vài trăm thước, thì có tiếng gọi sau lưng:

- Đứng lại!

Chúng tôi dừng lại, thấy tên công an lững thững đi tới tay cầm cái hải bàn. Chúng tôi lại lo lắng, chẳng biết hắn lại dở trò gì nữa đây?

Hắn tới gần Điệp hỏi:

- Giấy chứng minh nhân dân này của chị phải không?

Điệp nhìn vào tờ giấy nói:

- Vâng.

- Trả lại chị đó!

Thì ra bằng trong lúc lúng túng lấy vàng hối lộ, Điệp đã làm rơi giấy đó xuống đất mà không biết. Tụi nó sợ, sau này nếu công an phường lên đây tìm thấy giấy này sẽ làm khó dễ nhà tôi, và có thể nàng sẽ khai tụi nó ra.

Quãng đường này cạnh chân Núi Nhỏ, nhà cửa càng thưa thớt hơn, mà đường lại tối vì không có đèn điện, nên chúng tôi rất vất vả, và mệt nhọc lết bước. Cu Hi nhiều lúc mỏi chân lại đòi Điệp cõng. Tội nghiệp nàng tay ôm con nhỏ vai cõng con lớn. Cực nhọc biết bao! Tôi không thể giúp nàng được, vì những đồ đạc mà cha tôi chở ra hồi chiều, tôi phải gồng mình mang về hết.

Lúc về đến đường Phan Bội Châu, ngang xóm lưới, nhà cửa nhiều hơn, đèn đuốc cũng nhiều, nên đường đi khá sáng sủa.

Tôi thấy bớt nguy hiểm cho vợ, con nên nói với Điệp:

- Em đưa con về đến trước nhà thờ Đa Minh, tìm một quán vào uống nước. Anh về nhà trước nhờ ba xuống giúp em nghe không.

Nàng gật đầu.

Tôi vội vàng mang hết tàn lực đem hai cái túi về nhà trước.

Lúc đến cửa cổng, tôi nghe tiếng gõ mõ, tụng kinh của cha mẹ tôi trên sân thượng. Tôi biết ông bà tưởng chúng tôi đã lên đến thuyền lớn, nên tụng kinh xin Phật Trời phù hộ cho chúng tôi bình an trong chuyến đi đó.

Tôi dơ tay mở cánh cửa cổng sắt làm cánh cửa khua động leng keng.

Cha thò đầu ra lan can hỏi:

- Ai đó!

Tôi thở hổn hển:

- Con..đây..ba à!

Tiếng hỏi ngạc nhiên của cả cha lẫn mẹ tôi vang lên:

- Ô! Sao con còn ở đây?

Nói rồi, cả hai ông bà cùng chạy xuống phòng khách, còn tôi lết chân lên đó.

Tôi nói:

- Ba! Ba làm..ơn đem xe đạp….. xuống Bãi Trước đón.. hộ mẹ con cu Hi về nhà, con…... mệt đứt hơi rồi.

Cha tôi xuống quán nước trước nhà thờ đa Minh thì gặp mẹ con nàng đang uống nước giải khát. Ông chở cu Hi và cu Mi về nhà.

Kể từ ngày ấy, Lộc biến mất khỏi căn nhà vách gỗ sơn xanh lá cây đó.
Hai vợ chồng tôi mất ba chỉ vàng, nhưng cùng hai con an toàn về nhà

Monday, December 10, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Tôi thấy lo lắng vì nếu công an phát hiện thì tôi làm sao thoát thân đây? Nếu một mình tôi thì quá dễ dàng, vì tôi có thể phóng nhanh vào rừng, rồi leo lên đỉnh núi để sang bên kia mà về nhà. Tuy rất cực nhọc nhưng rồi cũng về đến nhà. Đàng này, vợ con lùm đùm lề đề, làm sao đành lòng bỏ lại mà trốn một mình?

Hai vợ chồng đang ngồi yên lặng, thì đột nhiên có tiếng cành cây gẫy vang lên ở dưới dốc của con đường bỏ hoang. Chúng tôi cùng quay về đó và thấy một người lạ, đang xăm xăm bước lên. Tôi biết gặp nguy, nên nhanh chân đá cái bọc có chứa cái hải bàn lăn xuống một bụi cây bên dưới.

Khi tên ấy đến gần, chúng tôi nhận ra đó là một người đầu đội nón két, ăn mặc theo lối công an, vai mang túi dết.

Người này nói lớn:

- A! Làm gì đây? Lại có đàn bà con nít nữa, vượt biên hả?

Tôi thấy nguy quá! Nếu đám công an dưới đường mà tràn lên là gia đình tôi bị bắt hết. Điệp lúc đó đã cứng cả miệng, nói không nên lời.

Tôi nói:

- Không anh tụi tôi chờ bạn.

- A! còn ngoan cố sao? Tao bắn một phát súng coi.

Hắn, một tay cầm túi, một tay mở túi dết lấy súng ra. Tôi không còn thì giờ để suy nghĩ, phóng lên như một mũi tên, dang hai tay ôm chầm lấy hắn. Hắn không thể ngờ tôi có phản ứng nhanh như vậy, nên không kịp ứng phó. Hai tay tên đó, bấy giờ, nằm gọn trong vòng tay tôi, nên cựa quậy không nổi, mà cũng không rút súng ra được. Tôi xốc hắn lên làm chân hắn không chạm đất, định quật hắn xuống chân núi.

Tên này hoảng hốt la:

- Ê! Làm gì vậy? Buông tôi xuống!

Tôi liếc xuống con đường phía dưới, thấy mấy người công an ngó lên, tuy nhiên họ vẫn không có phản ứng gì sau tiếng kêu ấy. Vì lúc ấy chúng tôi ở trong tối, còn họ ở ngoài sáng, nên họ không thể thấy chúng tôi được. Hơn nữa gió biển làm cây cối xào xạc và đưa tiếng kêu đi nơi khác, nên họ khó lòng xác định vị trí mà tiếng kêu xuất phát.

Tên này năn nỉ:

- Đừng làm bậy! Buông tôi ra đi anh!

Tôi nghĩ: "Nếu mình quật hắn xuống chân núi thì hắn không chết cũng què, nhưng trước khi chết hắn sẽ la cầu cứu, rồi công an bao vây nơi này và cả nhà mình sẽ không thoát được." Nhìn lại, tôi thấy vợ mặt mày đầy vẻ kinh hoàng, cu Hi thì chẳng biết chuyện gì, cứ dương cặp mắt ngây thơ nhìn bố. Tôi lại nghĩ: "Nếu làm tên này chết thì mình cũng tàn đời. Mình mới được tha khỏi tù vì tội vượt biên, bây giờ lại bị tội này cộng thêm tội sát nhân thì làm gì còn cơ hội đưa vợ con thoát khỏi cảnh lầm than?"

Bất chợt Lộc xuất hiện, la lên:

- Anh Hai! Anh Hai bỏ ông công an xuống đi!

Liếc mắt xuống đường, tôi lại thấy một tá công an nhìn lên, nhưng vẫn chưa phản ứng, vì quá tối mà không chắc đã nghe rõ trong gió biển, sóng dập, cùng cây cối lay động.


Điệp van xin:

- Ông làm ơn tha cho chúng tôi.

Nếu không có vợ con ở đây, tôi đã quật tên khốn nạn đó xuống chân núi rồi, nhưng vì an toàn của vợ con, tôi đành bỏ hắn xuống van xin:

- Anh làm ơn tha cho vợ con tôi!

Lộc móc túi lấy ra một bọc giấy nói:

- Tôi có vài lạng vàng anh làm ơn cầm lấy.

Điệp thấy vậy lột áo cu Mi, và cổ áo cu Hi lấy ra vài chỉ vàng:

 - Ông làm ơn nhận lấy mấy chỉ vàng này rồi tha cho chúng tôi.

Tên này cầm lấy mấy chỉ vàng rồi nói:

- Được rồi! Đi đi!

Chúng tôi lo gom góm đồ đạc để về nhà.

Lộc hỏi:

- Ủa! Còn cái bị đựng hải bàn của anh đâu?

Bấy giờ, tôi chợt hiểu rõ mọi chuyện: Lộc và tên công an (?) này a rập với nhau, dựng lên một màn kịch để lừa bịp chúng tôi, với mục đích lấy cái hải bàn và vài chỉ vàng. Khi mới rời nhà, Lộc xin tôi cho hắn coi cái hải bàn, với mục đích là kiểm chứng tôi có đem theo hải bàn không. Khi thấy hải bàn hắn mới đem chúng tôi lên đây lừa bịp để lấy cái hải bàn vượt biên. Lúc này ở Vũng Tầu khó lòng mà tìm được một cái hải bàn. Khi Lộc đưa chúng tôi lên đây, hắn giả vờ đi tìm người hướng đạo. Hắn, chẳng qua, muốn để thì giờ tên công an này làm khó dễ chúng tôi. Khi tôi ôm tên công an lên, hắn sợ tôi quật tên đó xuống núi thật, nên đã la lên để chặn hành động của tôi. Hắn lại giả vờ đưa vàng cho tên công an với mục đích là nhắc chúng tôi hối lộ. Tên công an thì quên mất tiêu chiếc hải bàn vì đã mất vía khi bị tôi ôm. Cuối cùng Lộc (đây là tên thật do chính y nói ra) không thấy cái túi đựng hải bàn lại nhắc tên công an về việc ấy. Tôi uất ức nhưng không làm gì được. Nếu có chuyện không may xẩy ra, hai tên này có thể dễ dàng tẩu tán vào rừng, còn vợ con tôi đành chịu mọi thiệt thòi. Giả sử không có vợ con thì tôi đã ăn thua sống chết với hai tên khốn nạn đó.

Tên công an hỏi:

- Ừ! Còn cái bị đựng hải bàn đâu? Lấy ra đây không ông bắn chết mẹ giờ!

Chỉ một phút trước hắn hết hồn sợ chết, bây giờ lại lên mặt.

Tôi đành chui xuống bụi lấy lên. Tên công an mở túi lấy cái hải bàn, rồi trả lại tôi bị đó với các hộp sữa. Chúng tôi lủi thủi kéo nhau về, trong khi Lộc và tên công an vẫn ở lại chỗ cũ.

Friday, December 7, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Bố lấy xe đạp chở vợ tôi cùng hai đứa con tôi là Hi, Mi ra Bãi Sau từ lúc 3 giờ chiều. Sau đó ông quay về nhà cho tôi biết tin tức và địa điểm.

Đúng 6 giờ chiều, tôi sách cái bị cùng vài cái phao câu đến nhà Lộc.

Lộc hỏi:

- Cái hải bàn có lớn không?

- Cũng nhỏ thôi

- Anh cho tôi coi một chút được chứ?

- Được!

Tôi vạch bị cho Lộc nhìn.

Y nói:

- Hải bàn coi ngộ quá há!

Sau đó, hai đứa tôi lững thững đi bộ ra Bãi Sau, và vượt qua đồn công an dễ dàng vì không có đàn bà con nít. Thời gian này Bãi Sau còn rất thưa thớt với một số quán nhỏ xây dựng trước thời 75 để lại. Lúc xây nhà không mấy đẹp đẽ mà lại không tu bổ, sơn phết trong nhiều năm liên tiếp, nên trở thành cũ kỹ hoang tàn. Đến nơi thì trời đã xâm xẩm tối. Tôi thấy Điệp, tay bế cu Mi, cùng cu Hi đang thập thò cạnh một cửa hàng.

Cu Hi thấy tôi kêu:

- Bố!

Điệp bịt miệng nó nói:

- Suỵt! Đừng gọi bố con!

Theo đúng cách tôi đã vạch sẵn, tôi thò tay xách cái giỏ đựng sách vở, quần áo, rồi tiếp tục bước tới. Điệp để tôi đi một quãng khoảng 20 thước mới bế và dẫn con đi theo.

Trời hôm ấy hơi nực, nên trên đường người ta đi hóng mát cũng khá đông, một số đông trong đó là công an, bộ đội. Với sự hiện diện của nhóm người này, tôi thấy thật là bất an trong lòng. Điệp thì run vô cùng, vì chỉ sợ bị công an chặn xét bất ngờ.

Lộc dẫn chúng tôi tiến dần đến bar Hồng Phượng, cạnh chân Núi Nhỏ. Tại đây, tôi thấy hàng trăm công an đi lũ lượt trên đường vì gần đấy là một trung tâm huấn luyện công an. Tôi thấy lo sợ cho Điệp và hai con đi phía sau. Nếu nàng tỏ ra một chút mất bình tĩnh là có thể bị vào tù. Điệp run cầm cập, đi muốn không nổi, nhưng nghĩ tới tương lai con nên cố gắng lết bước theo.

Vừa đi, Lộc vừa nói nhỏ để tôi nghe:

- Mình lên đây, rồi có người chở ghe ra hòn Bà. Ở đó, mình đợi nước êm thì ghe lớn vào đón.

Tôi nghĩ: "Tên này nói có lý lắm. Đây là vùng giáp nước thuyền bè cặp hòn bà rất nguy hiểm, trừ phi lúc nước êm."

Lộc dẫn chúng tôi ngược lại phía trung tâm huấn luyện công an, rồi theo một con đường tắt lên đường dốc cũ, trước mặt cả chục công an. Điều này càng làm cho chúng tôi lúng túng hơn. Con đường dốc ở Núi Nhỏ, ở khúc ấy đã được người Mỹ canh tân, làm một cái dốc mới, thay con đường cũ, mà người Pháp làm, với một lô cốt đã bị bỏ hoang trong nhiều năm, nên cây cối và bụi rậm mọc che kín mặt đường. Tôi dừng lại đợi Điệp và hai con, rồi giúp vợ con bước qua cái đốc đó. Theo con đường bỏ hoang này, Lộc dẫn chúng tôi quay ngược ra phía biển.

Tuy nhiên, khi vào đến con đường bỏ hoang, chúng tôi cũng bớt đi sự lo âu, vì nơi đây tương đối tối tăm, cây cối sầm uất. Những đèn đường chiếu xuống làm chúng tôi thấy công an, nhưng ngược lại họ không thể thấy chúng tôi. Đi được một quãng, chúng tôi tới một chỗ tương đối bằng bặn ít cây.

Lộc nói:

- Ủa sao vậy cà! Thằng hướng đạo nói nó gặp mình ở đây mà bây giờ nó đi đâu? Anh chị ngồi đây chờ tôi một chút. Tôi đi tìm nó nhe!

Tôi để giỏ xuống đất, ôm cu Hi vào lòng, rồi cùng vợ ngồi xuống mặt đường nhựa bỏ hoang chờ đợi, trong khi ấy Lộc rời khỏi nơi đó và biến mất trong rừng cây tối om. Nơi chúng tôi ngồi cạnh một vách núi khá dốc, đầy đá tảng lởm chởm, và bên dưới cách chỗ chúng tôi độ hơn 10 thước là đường chính mà chúng tôi vừa qua, nên công an đi đi lại lại đông như mắc cửi. Còn phía đối diện là rừng cây, lên độ 20 thước bên trên là con đường mới làm, rồi đến rừng cây và tới đỉnh Núi Nhỏ, nơi có pho tượng chúa dang tay.

Khi tôi rời nhà để đến gặp Lộc, cha mẹ tôi đứng nhìn theo cho đến khi tôi khuất bóng sau các nhà hàng xóm. Ông bà dọn cơm ra ăn bữa chiều, nhưng cả hai ông bà không tài nào ăn nổi, trong lòng thấp thỏm cho sự an toàn của con cùng cháu.

Màn đêm từ từ che phủ núi rừng, con đường hẻm trước nhà đã trở thành tối đen như mực. Hai ong bà không ai bảo ai đều ra trước cửa nhà, nhìn về đầu hẻm xem có hình bong con chaú không, nhưng con cháu ông bà không thấy trở về. Cả hai cùng nghĩ có lẽ con cháu đã bình an lên thuyền vượt trùng dương.

Ông bà rủ nhau mang nhang, mõ lên sân thượng, nơi chúng tôi ngủ hàng đêm, tụng kinh cầu cho con cháu trên biển khơi được bình an.

Thursday, December 6, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Tôi đi ngược ra phía phòng thông tin, lấy xe nơi giữ xe. Tôi đạp xe hết tốc lực quay về trường học, và đi tìm tất cả các ngõ hẻm cũng như nhìn lên núi chỗ có thể leo lên, quanh trường. Tuy nhiên tôi không nghĩ con tôi leo lên đó vì rất mỏi chân. Tất cả cố gắng của tôi đề trở thành vô vọng.

Bất chợt tôi nghe tiếng khóc la ở phía trường học. Tôi vội đạp xe lại trường, thấy một người đàn bà đang bu lu bù loa khóc lóc.

Tôi hỏi:

- Chị làm gì ở đây?

- Tui tìm con tui. Nó lạc mất rồi!

- Tôi cũng đang tìm con tôi. Con chị mấy tuổi?

- Nó hơn bốn tuổi rưỡi rồi.

Tôi nghĩ: "Thằng này lớn hơn cu Hi vài tháng, vậy có thể nó dẫn cu Hi đi đâu đó."

- Nhà chị ở gần đây không?

Bà ta chỉ tay về phía cuối đường:

- Ở cuối hẻm đó.

Tôi nghĩ: "Chị này là cư dân nơi đây, nên chị ta biết hang cùng ngõ hẻm của vùng này. Giao chị ta và gia đình tìm quanh đây, còn mình ra các ao hồ gần Bãi Sau tìm hai đứa trẻ."

Tôi nói:

- Vậy chị về nhà nói người nhà đi kiếm hai thằng bé ở các hẻm, vườn tược quanh đây. Con tôi nhỏ hơn con chị một chút; nó mặc một chiếc áo mầu mỡ gà. Tôi sẽ đi về phía Bãi Sau, tìm tụi nó ở gần mấy cái hồ. Nếu chị thấy chúng thì cứ đem về nhà, tôi sẽ đón con tôi sau. Còn nếu tôi thấy chúng tôi sẽ đem con chị về nhà chị. Một giờ nữa tôi sẽ quay lại nhà chị.

Chị ta gật đầu.

Chúng tôi phân công nhau đi tìm. Nhìn đồng hồ đã gần 1 giờ trưa, chỉ còn hai giờ nữa là Điệp phải khởi hành. Tôi thấy vô hy vọng.

Tôi đạp xe về phía Bãi Sau; tôi cố sức tìm xem có dấu vết của trẻ con chơi trên bờ hồ không, nhưng chẳng thể nào tìm hết được cái bờ hồ rộng mênh mông ấy. Hỏi thăm các cư dân thì chẳng ai để ý đến chuyện đó, hơn nữa trên quãng đường này rất ít nhà, vì một bên là núi, một bên là hồ. Tìm kiếm khắp nơi cho đến 2 giờ chiều, tôi chán nản đạp xe về nhà chị đó để xem họ có tìm được hai đứa bé không.

Khi đến nơi, tôi nghe tiếng khóc um sùm của cả nhà. Họ cũng đã thất bại.

Tuyệt vọng, tôi đạp xe về nhà, báo tin cho nhà, rồi sẽ xuống đồn công an báo tin và nhờ họ giúp. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng mấy tin tưởng là họ sẽ làm. Giấc mơ tự do tan biến, nhưng quan trọng hơn, tôi mất đứa con. Tôi lại nghĩ: "Hay là có ai bắt cóc hai đứa con nít không? Họ bắt cóc để làm gì? Thời buổi này ai có tiền đi chuộc con nít đâu, còn chính họ cũng chẳng có cơm ăn huống hồ nuôi thêm hai đứa trẻ thơ."

Về đến Bãi Trước, tôi tự nhủ thầm: "Con mình có ra đây chơi không?" Tôi thẳng đường đạp thêm một khúc trước khi trở về nhà. Độ hơn nửa cây số, tôi ứa nước mắt nghĩ: "Nơi đây xa trường mà khó đi, vì đường từ trường đến đây rất phức tạp. Hai đứa bé này phải vượt qua vài con đường ngoắt nghéo, gập ghềnh, nhất là khúc đường Phan Bội Châu, rồi mới tới đây được. Với tuổi này làm sao chúng ra đây? Thôi mình quay về nhà." Đường Phân Bội Câu là khúc nhà của ngư dân Xóm Lưới nghèo nàn. Con đường này vốn dĩ đã tàn tạ từ trước 75, nay lại càng tệ hơn vì chẳng ai tu sửa. Cả Khúc đường dài vài trăm thước toàn là đá cục to như trái cam, tuy rằng hai bên đường đầy rẫy những nhà tôn, nhà lá lụp sụp.

Tôi vòng xe trở lại. Ngay khi tôi đang vòng xe, tôi thấy loáng thoáng một chiếc áo mầu mỡ gà cách tôi độ một trăm thước. Tôi linh cảm có một việc kỳ lạ đâu đây. Ngoái đầu nhìn kỹ lại đó là một đứa bé. Tôi quay xe một lần nữa, tôi đạp xe tới gần. Trời ơi cu Hi! Nó và thằng bạn nó bạn đang đứng ngắm mấy con ốc, con sò ở một quán bán đồ kỷ niệm. Tôi mừng quýnh chạy lại ôm con.

Tôi đem thằng bé trở về nhà nó, làm cả nhà khóc nhiều hơn vì quá mừng. Họ ân cần mời tôi vào nhà để cám ơn, nhưng tôi từ chối, đem con về chuẩn bị giấc mơ.

Wednesday, December 5, 2012

Sáng hôm đó tôi vẫn đưa cu Hi xuống lớp mẫu giáo xóm Lưới đi học, để làm lạc hướng công an. Trường mẫu giáo ở chân Núi Nhỏ, trên đường Đinh Tiên Hoàng, con đường tráng nhựa thứ hai ra Bãi Sau. Con đường này chạy dọc theo chân núi còn bên kia là các đầm sen. Phía hông trường mẫu giáo, là một vách đá dựng đứng cao trên mười thước. Một số cây rừng mọc cheo leo trên vách. Sau lưng trường có vài cái ao bèo, bao bọc bởi nhiều bụi cây. Nếu nhàn du ngắm cảnh thì đây là một bức tranh, nhưng thời gian này tôi không còn chút thì giờ nào để ngắm cái đẹp thiên nhiên đó.


Sáng hôm đó tôi vẫn đưa cu Hi xuống lớp mẫu giáo xóm Lưới đi học, để làm lạc hướng công an. Trường mẫu giáo ở chân Núi Nhỏ, trên đường Đinh Tiên Hoàng, con đường tráng nhựa thứ hai ra Bãi Sau. Con đường này chạy dọc theo chân núi còn bên kia là các đầm sen. Phía hông trường mẫu giáo, là một vách đá dựng đứng cao trên mười thước. Một số cây rừng mọc cheo leo trên vách. Sau lưng trường có vài cái ao bèo, bao bọc bởi nhiều bụi cây. Nếu nhàn du ngắm cảnh thì đây là một bức tranh, nhưng thời gian này tôi không còn chút thì giờ nào để ngắm cái đẹp thiên nhiên đó.

Đến gần trưa, tôi lại trường đón con về như thường lệ, để chuẩn bị ra đi lúc xế chiều.

Khi đến nơi tôi không thấy con chạy ra mừng như mọi ngày. Tôi hơi cảm thấy lạ, đi thẳng vào lớp thì chỉ thấy cô giáo đứng một mình gói ghém học cụ.

Tôi hỏi:

- Cô giáo, cu Hi đâu cô?

Cô ngạc nhiên nhìn tôi:

- Ồ hồi nãy, tôi thấy chú lại đón cháu rồi mà!

Tôi hết hồn, giọng trở nên khẩn trương:

- Tôi đâu tới đây hồi nào?

Cô chạy ra cửa nhìn quanh, mặt mày xanh xám:

- Chết rồi! Nó đi đâu vậy cà? Tui nhớ hồi nãy chú lại kiếm nó mà?

Tôi nóng lắm, nhưng thấy thái độ cô giáo trẻ nên nguôi ngoai. Bề gì thì cu Hi cũng đã lạc, có cự cho lắm cũng uổng công. Vấn đề là phải tìm con thật gấp. Tôi nghĩ tới mấy ao nước gần trường, nên lập tức đến đó. Tôi quan sát trên bờ không thấy dấu vết trẻ con ra đó, vì nhiều nơi là đá núi, nên không thể thấy dấu chân. Muốn chắc ăn, tôi lội xuống ao; cũng may, mấy ao này không sâu lắm. Sau một hồi bì bõm trong mấy ao, tôi không thấy dấu hiệu của một thảm họa, nhưng cũng vô cùng lo sợ, chán nản vì cu Hi cũng chưa thấy đâu hết.
 

TÌM CON

Tôi quay lại trường, thấy cô giáo đang dựa cửa nước mắt vòng quanh. Tôi nhận thấy cô giáo mới trên hai mươi tuổi; tôi nghĩ: "Tuổi cô bé này còn quá trẻ, ăn chưa đủ no; lo chưa đủ tới."

Tôi hỏi:

- Hàng ngày, cu Hi có hay chơi với ai không cô?

Cô gật đầu:

- Dạ có. Một thằng lơn hơn nó chút đỉnh.

Cô biết nhà nó đâu không?

- Dạ không.

Tôi hy vọng cu Hi đi đến nhà thằng bé này chơi. Tuy nhiên, từ trường ra Bãi Sau có nhiều hồ sâu, nếu đi bộ tìm con thì không thể thấy nó trước giờ ấn định cho cuộc vượt biên. Tôi đi thẳng ra chợ lấy xe đạp đi cho việc tìm con nhiều nơi được dễ dàng và nhanh chóng hơn. Từ đấy đến chợ khoảng hai cây số. Tôi phải đi hết tốc lực để đến đó càng sớm càng tốt. Vừa đi tôi vừa ứa nước mắt phần thương con, phần thấy số mệnh bạc bẽo vượt biên tìm tự do không được. Âu cũng là số trời: bắt phong trần phải phong trần.

Khi ra đến chợ thấy vợ đang dọn dẹp đồ đạc chuẩn bị ra về, tôi nói:

- Em bình tĩnh nhe: cu Hi lạc rồi.

Điệp không cầm nổi sự đau đớn hốt hoảng, bật khóc:

- Thật không?

Tôi an ủi:

- Em bình tĩnh về nhà chờ anh. Anh phải lấy xe đi tìm con.

Nàng mếu máo, lấy vé giữ xe trao cho tôi.

Tuesday, December 4, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Tháng 5, năm 1979, tôi bị tù về tội vượt biên. Sau sáu tháng tôi được thả về. Khi về đến nhà lại tính chuỵên vượt biên nữa.


CON ĐƯỜNG BỎ HOANG.

Độ nửa tháng sau, một buổi trưa, Thu (người cọng tác tổ chức vượt biên lần trước. Y cũng bị tù với tôi và mới được thả về) lại tìm tôi và cho tôi biết có một người muốn tìm một hoa tiêu. Tôi nói em dẫn tôi đi giới thiệu với người đó. Thu đưa tôi đi đến một căn nhà nhỏ, nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, ở Xóm Vườn, rất gần ngã tư Nguyễn Trường Tộ. Căn nhà nằm bên tay phải, nếu đi từ thị xã ra Bãi Sau. Nó nhìn giống như một cái quán bán nước cũ hơn là một căn nhà để ở, vách gỗ sơn xanh lá cây, mái tôn. Thu giới thiệu tôi cho một người đàn ông, mặt hơi dài dài, cao cỡ một mét bẩy, da hơi đen, trên ba mươi tuổi nói tiếng Nam.

Anh chàng này có tên là Lộc và tự nhận là một cựu trung sĩ cảnh sát, trước 75 làm việc ở Cần Giờ. Anh ta cho tôi biết anh đang tổ chức một chuyến đi với chiếc ghe 6 lốc, xuất phát tại Cần Giờ và sẽ bốc người ở một điểm gần Bãi Sau. Nhóm anh ta cần hợp tác với một người rành hải hành, có sẵn hải bàn và hải đồ. Điều khiện là anh ta cho trọn gia đình hoa tiêu ra đi trong chuyến đó. Như vậy tôi có đầy đủ điều kiện để hợp tác với anh ta. Tôi mừng thầm, vì nếu tôi đã nhận lời của chủ ghe ở Rạch Dừa thì tôi không có cơ hội đem cả vợ con theo như lần này. Tôi hẹn anh sẽ trả lời, vì cần có thời gian suy nghĩ, nhưng thật ra, tôi về nhà và điều tra thêm thân thế anh này.

Tôi được biết anh này là bạn trai của một cô gái, mà tôi quen lúc mới về Vũng Tầu năm 76. Lúc ấy, cô ta và các chị em cô đều là các thiếu nữ xinh đẹp, ở tại một căn nhà nhỏ trước cửa nhà ông Phạm Kim Ngọc. Nhưng sau đó khu nhà cô bị giải tỏa; nhà cô đã bị công an đuổi đi, nên dọn về ở tạm tại một căn nhà gần Bãi Dứa.

Sau khi biết thật sự về lý lịch của Lộc, tôi tới nhận lời hợp tác.

Tôi hôm ấy, Lộc và tôi ngồi nói chuyện để bàn cách thức hợp tác và ra đi.

Lộc nói:

- Đến tối mốt, anh dẫn chị và hai cháu đến nhà tôi. Tôi sẽ đích thân đưa anh ra bãi đáp, vì anh là một trong những người quan trọng của chuyến đi. Thu sẽ theo cô bồ tôi đi đường khác ra bãi.

Tôi nói:

- Khoảng mấy giờ thì tôi xuống gặp anh?

- Khoảng 6 giờ chiều.

- Sao anh chọn giờ ấy? Thế mấy giờ đổ người?

- 9 giờ!

- Giờ này nguy hiểm quá, vì là giờ mà công an canh phòng cẩn mật nhất.

Lộc cười ngạo nghễ:

- Chính vì lý do đó mà tụi tôi bàn nhau là đánh vào giờ đó.

Tôi nghĩ: "Mỗi người có một sự suy luận khác nhau. Mình có thể không nhìn thấy cái suy nghĩ của người khác. Hơn nữa nó còn tùy thuộc vào địa điểm nơi tổ chức"

- Bãi đáp ở đâu hả anh?

- Đây là chuyện bí mật của tổ chức. Như anh đã tổ chức thì anh biết mà. Nhưng đại lược là từ chân Núi Nhỏ đến gần rừng Chí Linh.

- Vậy đúng 6 giờ chiều ngày mốt tôi sẽ lại gặp anh.

- Anh nhớ mang theo hải đồ, hải bàn lại đây nhe!

Tôi về chuẩn bị hành trang để đợi ngày đi.

Bố tôi hỏi:

- Con đã có kế hoạch để đem vợ con ra bãi đáp chưa?

- Đến hôm ra đi, con nhờ ba lấy xe đạp chở mẹ con cu Hi cùng một giỏ đựng một chục cam và mấy quyển sách toán ra Bãi Sau từ lúc 3 giờ chiều. Mẹ con nó ra đó tắm biển và đợi con lúc chiều tối, còn con ôm một bị đựng đồ hải hành, và một chục hộp sữa, sẽ đến điểm hẹn với Lộc.

Sữa này là để cu Mi và cu Hi uống trên thuyền trong những ngày vượt biên.

Bố tôi gật đầu:

- Đến hôm đó bố sẽ làm theo ý con.