Wednesday, October 31, 2012

Du lịch miền Tây



Trước đây nếu ai muốn đi từ Châu Đốc đến Hà Tiên thì chỉ có cách đi thuyền trên kinh Vĩnh Tế. Nhưng bây giờ thì có đường, cầu rất thuận tiện. Hai bên đường rất nhiều kinh rạch nhỏ đan chi chít trên các cánh đồng lúa. Thời gian chúng tôi đi học quân sự thì đây chỉ là các cánh đông hoang đầy tôm, cá. Nói chung, tất cả các đường đi ở miền nam đều khá tốt, không ổ gà.

.

Cầu vượt Hà Tiên- Rạch

Kinh Hà Tiên- Rạch Giá 
 
        Đến 10 giờ sáng, xe vượt kinh Hà Tiên- Rạch Giá đến Thuận Tiên, trên quốc lộ 80. Xe quẹo về phía tây của quốc lộ này để đến Hà Tiên. Từ đây quốc lộ 80 chạy cặp theo kinh Hà Tiên- Rạch Giá. Hơn nửa giờ sau, xe chạy qua Kiên Lương và nhà máy xi măng Hà Tiên. Một nhà máy sản xuất xi măng nổi tiếng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Quanh khuôn viên có rất nhiều cơ sở sản xuất và vận chuyển. Đây cũng là điều thú vị để xem tận mắt nhà máy đã nghe tên từ lâu




Nhà máy xi măng Hà Tiên
 
 
Trên đường vào Hà Tiên
Gần trưa, chúng tôi đến công viên Mạc Cửu đầu thị xã Hà Tiên. Tại đây người ta đã cho dựng pho tượng Mạc Cửu năm 2008, để kỷ niệm vùng này thuộc vào lãnh thổ Việt Nam 300 năm. Cái tên Hà Tiên tạo ra bởi truyền thuyết người xưa thấy tiên hiện ra trên mặt sông.
 

Tôi nói tài xế cho xe ngừng lại để đến xem công viên. Đây là một công viên mới hoàn tất, nên tất cả đều mới, nhìn rất khang trang.

Về lịch sử của Mạc Cửu thì có nhiều tài liệu viết khác nhau. Nhưng đại để thì ta có thể nói rằng ông là người Quảng Đông, Trung Quốc đã sang Nam Vang lánh nạn Nhà Thanh sau năm 1680, khi nhà Minh hoàn toàn sụp đổ. Ông dùng tiền mua chức và được vua Cao Miên chấp nhận. Thấy ngay Nam Vang có nhiều bất ổn chính trị vì quân Thái Lan, ông tụ tập dân Việt, Hoa sống lang thang khắp nơi trên đất Miên quay về Hà Tiên khoảng năm 1700. Dân chúng nơi đây đã tạo ra một Hà Tiên phồn thịnh và cũng vì vậy mà quân Thái Lan đã sang bắt ông. Sau này, ông trốn thoát trở về và đem đất này quy thuận chúa Nguyễn Phúc Chu. Theo như ngày kỷ niệm 300 năm vừa nói trên thì câu chuyện quy thuận xẩy ra năm 1708.

Tuesday, October 30, 2012

Du lịch miền Tây


Chúng tôi tiếp tục lên đường với con đường này. Đường rẽ vào nội địa chạy qua núi Cấm, nhưng chúng tôi không có thì giờ để ghe thăm pho tượng Phật nổi tiếng. Bên kia núi Cấm là vùng Chi Lăng, nơi có quân trường huấn luyện của miền Nam Việt Nam. Tháng 9, năm 1968 sau vụ tết Mậu Thân, chính quyền miền Nam bắt tất cả giáo chức cấp 3 (GS đệ nhị cấp) đi thụ huấn 9 tuần quân sự. Những giáo chức thuộc đồng bằng Cửu Long đã về đây thụ huấn, trong số ấy có tôi.
 
 



Đến thị trân Châu Lăng, xe rẽ xuống thị trấn Tri Tôn rồi cặp theo kinh số Một rời khỏi An Giang để sang Kiên Giang.

An Giang

Tỉnh An Giang đứng đầu lúa gạo.

Cũng là nơi Hòa Hảo ra đời.

Châu Đốc tỉnh lỵ một thời.

Thất Sơn huyền bí là nơi tu hành.

Tại Long Xuyên tỉnh thành sạch sẽ.

Qua Tân Châu ta rẽ lối sang.

Trăng thanh soi ánh nước vàng.

Bên bờ giặt lụa mấy nàng xinh xinh.

Thoại Ngọc Hầu đào kinh Vĩnh Tế.

Đền thờ ông đi lễ núi Sam.

Ông quê ở đất Quảng Nam.

Văn Thành yêu nước từng làm Quản Cơ[1].



[1] Quản Cơ Trần Văn Thành, anh hùng chống Pháp.

Monday, October 29, 2012

Du lịch miền Tây


Vịnh Ba Chúc


 

Ba chúc chốn này thật đáng thương.

Khắp vùng vết tích lệ còn vương.

Bao đời, chỗ ấy, làng vui sống.

Một thủa, nơi đây, bãi chiến trường.

Giặc cướp hung hăng gây suối máu.

Dân lành uất hận dọn đồi xương.

Ngậm ngùi, đứng ngắm thôn Ba Chúc.

Núi Tượng thờ ơ cạnh phố phường.

                        VHKT 2009.


Sunday, October 28, 2012

Du lịch miền Tây


Rời đây, xe lăn bánh ngược lại, vừa qua cầu kinh Vĩnh Tế xe quẹo phải chạy theo con đường nhỏ 955 ven kinh đến xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn. Đây là con đường địa phương nên nhỏ; đường chỉ vừa cho hai xe hơi chạy ngược chiều tránh nhau. Tuy là đường nhỏ nhưng vì chạy qua các làng mạc cùng rừng cây thưa nên có nhiều đoạn rất thơ mộng với các cây hai bên đường đan tàn kín mít. Một đôi khi lại gặp một ngôi chùa phật giáo của người Việt gốc Cambodia với các mái cao nhọn đặc biệt. Đây là kiểu kiến trúc ảnh hưởng bởi Miến- Thái, khác hẳn với các chùa miền Bắc hay Sàigòn. Dọc đường, chúng tôi ít gặp xe hơi mà thay vào đó là các xe bò trâu kéo.
 
 Đường nhỏ 955
 
Cây thốt nốt
 
 
 Xã này nằm dưới chân núi Tượng, và núi Dài, hai ngọn núi của Thất Sơn. Nơi đây quân Khmer đỏ Pôn Pốt đã tràn sang từ ngày 18 đến 40 tháng 4 năm 1978 và đã giết chết hơn 3000 thường dân, để rồi sâu đó Việt Nam đem quân đánh bại Khmer đỏ. Trung Quốc tức tối về vụ này đem quân sang năm 1979 trả thù. Hiện nay, cạnh chùa Phi Lai, người ta đã cho xây một đền kỷ niệm vụ thảm sát ấy. Giữa khuôn viên là một tòa nhà lục giác chứa 1159 bộ xương của các nạn nhân. Chúng tôi dừng chân nơi đây để xem các dấu tích bi thảm ấy.
Chợ nông thôn
 
 Ba Chúc và núi Tượng
 
Chùa Phi Lai
Trái dừa thốt nốt
 

 
 
Nhân dịp này, bà xã mua một số trái dừa thốt nốt để cùng uống thử. Dừa thốt nốt nhỏ bằng chén ăn cơm và cũng hợp thành buồng như dừa thường, nhưng da nâu có khi tím đen chen với các xọc xanh. Nước uống ngọt hơn dưà thường, vì thế người ta đã làm đường từ đấy và gọi là đường thốt nốt. Trong ruột, có 3 múi bao bởi một màng cứng. Người bán hàng lấy dao gọt màng đi thì hiện ra một lớp trong veo, ăn không thấy ngọt, béo nhưng rất mát.

Friday, October 26, 2012

Du lịch miền Tây


Kinh Vĩnh Tế


 

Đã bao lâu vẫn nghe kinh Vĩnh Tế.

Vẫn hằng mong có dịp để vào đây.

Nhìn kinh đào thẳng tắp đến chân mây.

Lòng bất chợt thấy ngất ngây khó tả.

Hai bên kinh biết bao nhiêu mồ mả,

Kẻ đào kinh mà chả được ghi công.

Thoại Ngọc Hầu thì đã biết bao dòng.

Để dân Việt trong lòng luôn nhớ mãi.

                                                VHKT ngày 22 tháng 12- 2009

 
 

Thursday, October 25, 2012

Du lịch miền Tây


          Cuối năm 1968, chúng tôi- tất cả giáo chức trung học để nhị cấp (cấp ba ngày nay) phải tham gia một khóa học quân sự. Các giáo chức vùng IV đểu được đưa đến trại Chi Lăng, gần núi Dài để học trong ba tháng. Tôi là một trong mấy trăm khóa sinh thời ấy.

Chiều tối, chúng tôi xuống một nhà hàng nổi ngay ở ngã ba sông, nơi con sông Ta Keo chảy từ đất Campuchia vào sông Hậu. Nơi này khá đẹp để ngắm cảnh trong khi ăn. An Giang có hai món đặc sản: dừa thốt nốt và bò cạp núi nướng, tuy nhiên bà xã thì không chịu ăn món lạ này, nên lại đặt canh chua sườn nướng còn dừa thốt nốt thì không có. Canh chua cá lóc tươi ăn rất ngon miệng. Trên sông, chúng tôi thấy một số thuyền máy du lịch chạy ngược chạy suôi. Khách có thể lên đó, gọi món ăn trong khi thuyền di chuyển trên sông cho khách ngắm cảnh.
Trên sông Hậu

Bên bờ

Nhà hàng nổi.
Bên hàng nổi
Âu yếm
Sáng hôm sau, chúng tôi chuẩn bị đi coi thêm vài địa danh trước khi đi Hà Tiên. Đức đưa chúng tôi theo quốc lộ 91, xuôi về phương nam. Hai bên đường, chúng tôi thấy rất nhiều cây thốt nốt. Tiếng này là tiếng mà người Việt phiên âm từ tiếng Miên th'not ra.
Cây thốt nốt
 Xe chạy khoảng 20 km kể từ núi Sam thì vựơt kinh Vĩnh Tế đến biên giới Việt Miên ở thị trấn Tịnh Biên. Nơi đây rất phồn thịnh, và có một ngôi nhà lồng chợ to lớn. Cách chợ Tinh Biên độ 1 km thì có một cây cầu dài, băng qua một cánh đồng cạn. Ngay bên kia cầu là cửa khẩu và cũng có tên Hữu Nghị, nói lên tình bạn bè giữa hai nước.
Kinh Vĩnh Tế
Chợ TinhBiên

Cầu biên giới
 

Vịnh Châu Đốc

 
Chiều đến bên bờ của Hậu Giang.
Bèo xanh lờ lững, nước mang mang.
Tân Châu bên ấy, lòng vời vợi.
Châu Đốc phía này, dạ ngổn ngang.
Vĩnh Tế rộn ràng, thuyền với bản.
Thất Sơn huyền hoặc, nến cùng nhang.
Thủa xưa, súng ống  ta đi học.
Trại ấy, Chi Lăng hẳn phế tàn.
                        VHKT 2009.