Thursday, February 28, 2013

Nguyễn Du


Nguyễn Du ( 阮攸) Ất Dậu (1766), tên chữ Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ (鴻山獵). Tổ tiên ông vốn là dòng dõi Nguyễn Xí (tướng của Lê Lợi) gốc ở làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh sau di sang làng Tiên Điền củng huyện. Thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm (1708-1775), đậu Nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại tư đồ (Tể tướng), tước Xuân Quận Công dưới triều Lê... Ngoài là một đại thần, ông Nghiễm còn là một nhà thơ, một nhà nghiên cứu sử học. Vì vậy Ông được sinh ra tại Thăng Long.

Ông Nghiễm có cả thảy tám vợ và 21 người con trai. Nguyễn Du đứng hàng thứ bảy, nên còn được gọi là Chiêu Bảy. Mẹ Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần (1740-1778), người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Bà Tần là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, trẻ hơn chồng 32 tuổi.

Thuở nhỏ Nguyễn Du sống trong nhung lụa, nhưng cuộc sống này kéo dài không quá mười năm. Vì 10 tuổi đã mồ côi cha, năm 13 tuổi, mồ côi mẹ, ông và các anh em ruột phải đến sống với người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản (khi ấy ông Khản đã hơn Nguyễn Du 31 tuổi).

Năm 1789, Nguyễn Huệ, một trong ba thủ lĩnh của nhà Tây Sơn đã kéo quân ra Bắc đánh tan hai mươi mấy vạn quân Thanh sang tiến chiếm Đại Việt. Nguyễn Du cũng chạy theo vua Lê Chiêu Thống nhưng không kịp, nên về quê vợ, ở Quỳnh Côi ở Thái Bình, sống nhờ nhà người anh vợ là danh sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn.

Được vài năm, Nguyễn Du về Nghệ An. Năm 1796, nghe tin ở Gia Định, chúa Nguyễn Ánh đang hoạt động mạnh, ông định vào theo, nhưng chưa đi khỏi địa phận Nghệ An thì đã bị quân Tây bắt giữ ba tháng. Trở về Tiên Điền (Hà Tĩnh), ông sống chật vật một thời gian dài cho đến mùa thu năm 1802, khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, thì ông được gọi ra làm quan cho nhà Nguyễn.

Năm 1802, ông nhậm chức Tri huyện tại huyện Phù Dung (Hưng Yên). Tháng 11 cùng năm, đổi làm Tri phủ Thường Tín (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội).

Năm 1813: thăng Cần Chánh điện học sĩ và giữ chức Chánh sứ đi Trung Quốc.

Sau khi đi sứ về vào năm 1814, ông được thăng Hữu tham tri Bộ Lễ.

Năm 1820, Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du lại được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc, nhưng chưa kịp lên đường thì mất đột ngột vì bịnh dịch ở kinh đô Huế năm 1820 và tang ỏ Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Bốn năm sau mới cải táng về Tiên Điền (Hà Tĩnh).

Nguyễn Du là một nhà thơ lớn của Việt Nam, được người Việt kính trọng gọi ông là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, ông được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới.


寄友                                                   


Ký Hữu


漠漠塵埃滿太空                   

Mặc mặc[1] trần ai mãn thái không
閉門高枕臥其中                   

Bế môn cao chẩm[2] ngọa kỳ[3] trung
一天明月交情在                   

Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại
百里鴻山正氣同                   

Bách lý Hồng Sơn chính khí đồng
眼底浮雲看世事                   

Nhãn đề phù vân khan thế sự,
腰間長劍掛秋風                   

Yêu[4] gian trường kiếm quải[5] thu phong
無言獨對庭前竹                   

Vô ngôn độc đối đình tiền trúc
霜雪消時合化龍                   

Sương tuyết tiêu thì hợp hóa long
           
阮攸    Nguyễn Du
Gửi Bạn

Bụi trần bay khắp không gian.                       

Cửa cài, then đóng nằm khan trong nhà.       

Một trời trăng tới cùng ta.                              

Hồng Sơn trăm dặm cũng là ý chung.                       

Nhìn đời là việc mung lung.                           

Vai đeo trường kiếm, gió cùng thu chơi.        

Trong sân, trúc chẳng ngỏ lời.                       

Tuyết sương tan rã, mây trời hóa long.          

                                    VHKT                                                                                   

Mù mịt bụi trần bay khắp nơi.

 Cài then, lấy gối để nằm ngơi.

Trên trời, trăng sáng xin làm bạn,

Dưới đất, núi dài muốn ngỏ lời.

Mắt ngó cuộc đời là phiếm ảnh.

Vai đeo trường kiếm gió thu chơi.

Một mình im lặng nhìn cây trúc.

Sương tuyết thành long bay giữa trời.

VHKT



[1] Mạc mạc: mịt mù.
[2] Chẩm: 1. xương trong óc cá. 2. cái gối đầu. 3. Cái gối.
[3] Kỳ: ấy, đó (đại từ thay thế)
[4] Yêu: lưng.
[5] Quải: treo lên, gánh.

Wednesday, February 27, 2013

Tho Huyen Quang

Huyền Quang (玄光) sinh năm 1254, tên thật là Lý Đạo Tái (李道載), người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang. Nay là làng Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Thủa thanh niên học giỏi, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên) khoa thi năm 1272 hay 1274 và được bổ làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, tiếp sứ Nguyên triều. Sauk hi đánh bại quân Mông vua Trần Nhân Tông nhường ngôi rồi lên Trúc Lâm tu hành. Ông Cũng theo len đó tu. Ông là một Thiền sư Việt Nam, tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử. Ông nổi tiếng văn thơ với nhiều bài thơ còn được lưu lại. Cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân TôngPháp Loa, ông được xem là một Đại thiền sư của Việt Nam, viên tịch năm 1334.

Monday, February 25, 2013

Quán ăn Trung Quốc không tiếp khách người Việt


(khong tiep người Nhật, người Philippines, nguoi Việt và chó)
 
Ngày hôm nay, bài viết trang trang VOA tiếng Việt đã đăng bài viết dưới đây:
Mời các bác vào xem

[www.voatiengviet.com]

Quán ăn Trung Quốc không tiếp khách người Việt

Cộng đồng cư dân mạng trong và ngoài nước đang phẫn nộ trước bức ảnh chụp một nhà hàng ở thủ đô Trung Quốc treo bảng từ chối không tiếp khách người Việt.
Bức ảnh do một người Mỹ gốc Hoa tên Rose Tang chụp hôm 22/2 nhân dịp ghé thăm Bắc Kinh được bà đăng tải lên trang Facebook cá nhân đã nhanh chóng được cộng đồng mạng khắp nơi chia sẻ với những lời bình luận bày tỏ sự căm phẫn.

Hình ảnh cho thấy ngay trước cửa chính của tiệm bán thức ăn nhanh tên là “Beijing Snacks” có treo tấm bảng ghi bằng hai thứ tiếng Anh ngữ và Hoa ngữ rằng “Nhà hàng không tiếp khách người Việt, người Nhật, người Philippines, và chó". Đây là ba trong số các nước đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt với Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Ðông.

Chủ nhân tấm hình cho biết tiệm ăn này gần Cung Vương Phủ tại Hồ Hậu Hải, một địa điểm thu hút đông khách du lịch ngay phía Bắc Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.
Thành Nguyễn, một thành viên Facebook được nhiều người biết đến tại Việt Nam với chiến dịch kêu gọi người tiêu dùng Việt tẩy chay hàng Trung Quốc và cũng là chủ nhân của cửa hàng online mang tên “No China Shop”, phản hồi trước hành động gây tranh cãi của nhà hàng ở Bắc Kinh:

“Lúc đầu, mình cũng cảm thấy rất tự ái trước tấm bảng phân biệt chủng tộc như vậy. Nhưng sau đó, mình cảm thấy vui hơn, vì về mặt văn minh, người Việt mình không đến nỗi sử dụng một cách thức xấu xa như họ. Họ quá cực đoan về vấn đề ‘chủ nghĩa dân tộc’ mà lý do là có thể do sự tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc. Chính sự tuyên truyền đề cao ‘chủ nghĩa dân tộc’ đã dẫn tới sự cực đoan, coi thường, xem nhẹ tất cả các nước khác, nói chung, và các quốc gia đang có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc, nói riêng.”

Kim Hiệu, một nghiên cứu sinh y khoa đang du học ở Hà Lan bày tỏ bất bình:

“Mình thật sự cảm thấy người Trung Quốc bây giờ càng ngày càng thô lỗ và hiếu chiến. Tuy nhiên, được đứng chung với Philippines và Nhật mình cảm thấy như một cái gì đó có sức mạnh hơn trong việc phản đối lại Trung Quốc về vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa.”

Các cư dân mạng Việt Nam nói hành động phân biệt đối xử vì tinh thần dân tộc cực đoan kiểu này sẽ mang lại hiệu quả ngược, bất lợi cho Trung Quốc, vì đó là một dấu hiệu thêm nữa cho thấy một hình ảnh xấu của Trung Quốc trong ánh mắt bạn bè quốc tế.
Về cách đối phó trước tinh thần dân tộc cực đoan của người Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Kim Hiệu hy vọng một phản ứng hợp tác giữa các nước đang có tranh chấp với Bắc Kinh sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn:

“Người Việt Nam mình nghe tin này nói chung rất tức, nhưng cũng ráng bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Một mình Việt Nam mình cũng khó, nhưng nếu có nhiều nước cùng hợp tác với nhau thì sẽ giải quyết tốt hơn.”

Chính chủ nhân của bức ảnh, một người gốc Hoa, trên trang Facebook của mình đã kêu gọi mọi người truyền tay tấm hình bà chụp được càng nhiều càng tốt với hy vọng rằng áp lực từ công chúng và truyền thông sẽ dạy cho chủ nhân nhà hàng một bài học.


Bà Rose Tang cho rằng sở dĩ đảng cộng sản Trung Quốc bồi đắp và khuyến khích chủ nghĩa dân tộc và sự thù hận kiểu này là vì họ cần phải dùng sự bẩn thỉu của con người như thế đánh lạc hướng công chúng để mọi người bớt chú ý tới các vấn nạn của quốc gia như tham nhũng, bất công, và khủng hoảng môi trường.

Friday, February 22, 2013

Em cố quên đi


Em cố quên đi

 

Em cố quên đi chuyện tình nức nở.

Em cố quên đi ngày tháng long đong.

Đã bao năm giòng, tưởng tình đã hết.

Bao nhiêu năm dài, tình chết trong tim.

 

Anh ơi! Anh ơi! Ngày đông tàn giá lạnh.

Anh ơi! Anh ơi! Hiu quạnh vẫn vây em.

Một đêm nghe gọi.

Đánh thức con tim.

Bao năm im lìm.

Chợt oà lên khóc.

 

Ngày em còn thơ,

Đêm đêm đợi chờ.

Anh đã không lại, để mắt em mờ.

VHKT

Thursday, February 21, 2013

Tho tranh


Bận quá vì thuế sắp tới.

Tôi tạm đăng một bài thơ tranh.

Sau này tôi sẽ đăng quyển Đại Việt Thắng Nguyên Mông để bạn đọc tìm hiểu thêm về lịch sử.

Friday, February 15, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Vợ chồng tôi và hai cháu sẽ lên máy bay về Mỹ lúc 8 giờ tối tại phi cảng Tân Sơn Nhất.

Khi đi thăm tất cả các nơi đáng đến chúng tôi đặt chân đến bến tàu cánh ngầm lúc 4 giở chiều. Bến tàu này chính là Cầu Đá cũ, nơi hải quan sử dụng và thời gian 76-90 và cũng là nơi công an biên phòng làm trạm tuần, bắt vượt biên. Trong thời gian ấy, biết bao nhiêu người vượt biên đã bị bắt ở Bãi Trước hay dẫn độ từ Hà Nội, Hải Phòng… về đây. Một số đi vượt biên thoát ra khơi thì tầu bị chết máy, nên đành cầu cứu các tầu Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan…vớt. Các tàu này vớt các thuyền nhân rồi đem về các nơi trên. Sau đó, các người bị bắt bị đem về đây. Chính mắt tôi thấy nhiều lần ho bị dắt cùng đánh đập trên con dường này. Nhưng nay chỉ còn thấy du khách tấp nập tới lui.

Bến chính tầu cánh ngầm nhìn từ chùa Ngọc Bích
 
Bến chính tầu cánh ngầm nhìn từ chùa Dinh Ông Thượng
 
Ảnh tầu cánh ngầm.
 

Chúng tôi vào mua vé rồi xuống tàu ngồi; vé có giá phải chăng: khoảng US$10.00 cho người lớn và con nít dưới 11 tuổi được giảm một nửa. Đúng 4:30 tàu bắt đầu rời bến. Tàu chạy vào cửa Cần Giờ, càng lúc càng xa bờ với vận tốc thật nhanh. Tôi nhìn lại cảnh Vũng Tàu từ ngoài khơi mà lòng khoan khoái vì có vợ và hai cô cháu dễ thương ngồi bên, trên một chiếc tầu tân kỳ, chắc chắn. Khác hẳn cái cảm giác hãi hùng mà bốn mưoi năm trước ngồi trên chiếc xuồng ọp ẹp đi đánh cá.

Ảnh nhìn về Vũng Tàu từ tàu cánh ngầm:
 

 Vũng Tàu
 
 
Sao Mai
 
Các cảnh hai bên sông cũng làm cho khách du lịch một cảm giác mới lạ hơn là con đường bộ Sàigòn- Vũng Tàu. Khi vào trong sông Lòng Tàu, thì tầu hạ tốc lực, chạy chậm hơn.

Chẳng mấy chốc thì chúng tôi đã đến cầu Phú Mỹ đang xây. Cầu này là cầu treo lớn nhất khu đô thị Sàigòn với 6 đường lằn xe chạy, dài 2 cây số, nối Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm. Tầu cặp bến Bạch Đằng lúc chưa tới sáu giờ chiều. Như vậy tàu chỉ cần hơn 1 giờ để đi từ Vũng Tàu tới Sàigòn.

Chúng tôi thuê xe tắc xi về khách sạn ở Phú Mỹ Hưng lấy hành trang rồi ra phi trường. Vừa vặn thời gian để lên máy bay bay về nhà.

Thursday, February 14, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Thời gian cho hai chúng tôi cùng hai cháu Lili và Alyssa với đại gia đình gần hết. Chúng tôi nói tài xế đem chúng tôi tới bến tàu cánh ngầm để về Sàigòn.

Xe lại chạy qua Bãi Trước. Bãi trước bây giờ cũng khác xưa. Nơi đây trước kia là những bar hay quán bán đồ kỉ niệm. Trong khoảng năm 1955 đến 1965, trên bãi chỉ lèo tèo vài bar bán nước ngọt. Sau đó, các bar bán rượu có một thời rất thịnh khi lính Mỹ, Đại Hàn và Úc đóng quanh. Ngày trước 1980, cuối bãi, trước ty bưu điện là bến ghe chài chính của Vũng Tàu. Ngày đó ghe đậu san sát, bạn hàng cùng ngư nhân trong đó có tôi rất ồn ào, náo động vả cũng hơi dơ vì ngư dân phóng uế xuống biển rất tự nhiên. Trong khoảng từ năm 1976 đến 1980 đây cũng là bến đổ người vượt biên. Biết bao nhiêu kẻ đã thoát ra nước ngoài nhưng cũng không biết bao nhiêu người đã bị túm cổ đưa vào trại học tập. Bây giờ, nơi đây là một công viên đẹp đẽ sạch sẽ.
Bãi Trước
 
Khi nói tới vượt biên, tôi có một kỷ niệm sâu đậm tại nơi đây.
Năm 1978, tôi quay về Sàigòn mở lớp toán lý hóa tư, bất hợp pháp, để kiếm tiền nuôi vợ con. Thời ấy, chính quyền chưa cho phép dạy tư như sau 1990. Trong thời gian dạy học ở Sàigòn, tôi gặp lại Trần Trọng Hưng, một bạn học toán với tôi khi ở Đại Học Khoa Học. Hưng cũng muốn tìm đường vượt biên, và ngỏ ý muốn hợp tác với tôi để đóng một chiếc ghe máy cho hai gia đình vượt biên. Nhưng trước khi thực hiện kế hoạch đó, Hưng muốn xuống Vũng Tầu một chuyến để thăm dò tình hình.

Theo kế hoạch đó, một hôm, Hưng xuống nhà tôi. Chiều hôm ấy, tôi đưa anh ta thăm những địa điểm để đổ người, cũng như cách ém người, nhưng chỗ giấu người tôi không cho anh ta biết, vì đó là một điểm liên quan đến sự sống chết. Tôi chỉ cho Hưng biết vào giờ cuối mà thôi. Hưng tỏ ra rất hài lòng với cách tổ chức của tôi.

Sau ăn bữa cơm chiều, Hưng hỏi:

- Này Hiệp! Ông có cách nào đưa tớ xuống Bãi Trước để xem cách sinh hoạt về đêm ở đó ra sao không?

- Để tôi đưa cậu đi xuống biển, hớt cá đối bằng chiếc thuyền nhôm.

Hưng hỏi:

- Tớ nhìn như công tử thì làm sao mà xuống ghe?

Hưng nổi tiếng là đẹp trai, khi còn ở Đại Học.

- Thì cải trang thành ngư phủ mấy hồi!

Tôi lấy cho Hưng mượn một bộ quần áo rách rưới, đội cho y một cái nón rộng vành để che bớt gương mặt công tử của y, rồi xách đèn, vợt lưới xuống Cầu Đá. Tôi thường để chiếc thuyền nhôm của tôi ngay trước đồn công an biên phòng. Lúc qua đây, Hưng hơi ngán, nhưng tôi nói cho anh ta biết chính vì đó mà công an không ngờ tới, vì chẳng ai dám vượt biên trước mặt công an.

Chúng lo đem ghe xuống nước, rồi tôi chèo ra Bãi Trước. Tôi chưa đốt đèn vội vì trời còn hơi sâm sẩm. Loanh quanh đấy một lúc, tôi chèo vào trước ty Bưu Điện.

Hưng hỏi:

- Sinh hoạt ở đây mợi ngày như thế này sao?

- Bình thường thì êm ả lắm, nhưng đôi khi có những trận cuồng phong bất ngờ, sấm sét nổ lên đùng đùng trong vòng 15 hay 20 phút thì hết.

Hưng ngạc nhiên:

- Cuồng phong gì mà kỳ vậy?

Tôi cười:

- Công an cuồng phong đó.

 Tôi vừa dứt lời, bất thình lình, một tràng súng tiểu liên vang lên, cách chúng tôi chừng hai chục thước, rồi nhiều ánh đèn bấm quét tới quét lui. Tiếp theo sau là những tiếng quát tháo huyên náo cả bến ghe. Vài tràng súng lục, súng trường lại vang lên. Nhiều chiếc ghe nhỏ, chở công an bơi ra một chiếc thuyền lớn, đang neo giữa một nhóm ghe đánh cá.

Lúc ấy, Hưng rất lo lắng, nên hỏi tôi:

- Hiệp mình đang trong vòng vây của công an làm sao thoát giờ?

Tôi nói:

- Bình tĩnh! Mình hãy đốt đèn măng sông lên! Cuồng phong tới đó.

Tôi lại chỗ Hưng ngồi ở mũi ghe, và đốt đèn.

Chúng tôi biết một tổ chức vượt biên bị lộ, và tất cả những người ra đi bị bắt khi vừa xuống thuyền hay còn trên tắc xi. Vài thanh niên nhẩy xuống biển thoát thân, lội vào bờ, nhưng bị bắt ngay tại đó vì quần áo ướt. Nhiều ghe công an bơi tới, bơi lui gần chúng tôi để bắt những người còn kẹt trên tắc xi hay ẩn nấp dưới đáy ghe lớn quanh đó.

Đối với tôi, việc này quá thông thường, nhưng đối với Hưng, lần đầu tiên xuống biển và cũng lần đầu tiên bị nằm trong vòng nguy hiểm, nên y tỏ vẻ sợ sệt. Tôi nhắm phía bờ biển chèo ghe vào. Vài chiếc ghe chở công an bơi lại chỗ tôi, nhưng lại bơi đi nơi khác, vì họ cho rằng chúng tôi là ngư phủ thật.

Hưng hỏi:

- Sao cậu lại chèo ghe vào chỗ công an? Bộ cậu điên sao?

- Chỗ ấy an toàn hơn.

Hưng nói:

- Hiệp! Cậu cho tớ về nhà được không?

Tôi nói:

- Được chứ! Cậu lại bơm đèn thêm, rồi xách đèn lên bờ mua dầu hôi ở trước Bưu Điện đi. Tôi sẽ theo ngay.

Hưng hỏi lại:

- Lên bờ? Ngay chỗ công an đang đứng ấy à?

- Ừ; chỗ đó là an toàn nhất đấy. Cậu cứ nghe lời tôi đi.

- Nhưng đó đâu có cây xăng?

- Không; cậu hỏi mấy cô bán thuốc lá ấy. Các cô ấy bán dầu lậu mà.

- Công an đứng ngay đó mà họ cũng bán dầu lậu sao?

- Thì công an bán dầu cho các cô ấy chứ sao. Cậu nhớ đội nón che gần hết mặt đi nghe không?

Hưng kéo vành nón xuống, rồi cầm đèn lên chỗ bán thuốc lá. Tôi bỏ neo ghe và theo sát Hưng ngay sau đó với cái vợt trên tay. Mấy người công an nhìn chúng tôi rồi quay đi tiếp tục quan sát các chỗ tối tăm khác.

Hưng hỏi cô bán thuốc:

- Cho một lít dầu hôi đi cô.

- Em mới hết dầu.

Tôi chọc:

- Sao cô không nói mấy anh này bán cho một ít.

Hai người công an quay lại nhìn tôi, nhưng rồi mắt lại hướng vào chỗ tối tăm để tìm những kẻ đào tẩu.

Cô bán hàng nói:

- Em nói thật. Hết dầu rồi.

- Vậy sao?

Tôi quay sang Hưng:

- Thôi mình về.
Chúng tôi thủng thẳng ra về, và sau đó Hưng hủy bỏ chuyện hợp tác đóng ghe.

Wednesday, February 13, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Ra khỏi nhà Mỹ Hoa, về đến đoàn thì mọi người cũng ăn vừa xong.

Tất cả lên xe ra thăm Dinh Ông Thượng hay còn được gọi là Bạch Dinh. Nơi đây trước kia, lúc tôi còn sinh sống, kín cổng cao tường chẳng ai biết có gì bên trong. Ngày ấy khi đứng từ Bãi Trước nhìn sang Núi lớn thì thây ngay Bạch Dinh to lớn sừng sững trên một ngọn đồi ở chân núi. Nay nhìn lại thì nó đã không còn chíếm vị trí của một dinh thự lớn nhất vì có nhiều tòa nhà xung quanh cũng to lớn không kém.
Bạch Dinh nhìn từ chân Núi Nhỏ

 
Đây là nơi ghi nhiều biến chuyển lịch sử.

Tháng 8 năm 1964, ông Nguyễn Khánh triệu tập hội đồng cách mạng tại đây và ra bản Hiến Chương Vũng Tầu. Trong bản hiến chương này, ông tự xưng là Quốc Trưởng trọn đời. Ngày 25 tháng ấy, hàng chục ngàn sinh viên, trong đó có tôi, kéo đến nơi tướng Khánh làm việc tại dinh trước sở thú, biểu tình chống đối. Hàng chục ngàn các miện cùng hô "Đả đảo Nguyễn Khánh!". Tướng Khánh buộc phải ra gặp đoàn sinh viên chúng tôi. Khi đoàn biểu tình hô: "đả đảo Nguyễn Khánh", ông ta cũng hô “Đả đảo Nguyễn Khánh.” Đúng là trò hề! Trước áp lực dư luận, tướng Khánh phải tuyên bố hủy bỏ Hiến Chương Vũng Tàu và thành lập cơ chế "Tam đầu chế". Hiến Chương Vũng Tàu biến thành Hiến Chương Vũng Sình.

Chúng tôi, mua vé vào tham quan.
Xe chạy theo một con dốc ngoằn nghèo rồi đậu ở sân của Bạch Dinh. Ngay bãi đậu xe, bên hông của dinh nhìn ra cửa biển Cần Giờ là một hàng các khẩu thần công cổ lỗ, chen giữa các hàng đại cỗ thụ, với các gốc cây sần sùi và các cành khúc khủy, càng làmg tăng thêm vẻ cổ kính.
 
 
Đây là lần đầu tiên trong đời và sống ở Vũng Tàu tổng cộng khoảng 12 năm, nay mới thấy bên trong như thế nào.

Từ Bạch Dinh nhìn xuống Hòn Châu

 
Từ Bạch Dinh nhìn sang Bãi Trước và Núi Nhỏ
Bạch Dinh là một dinh thự có kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, nằm trên một ngôn đồi ở chân núi Lớn của thành phố Vũng Tầu. Nơi đây từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho toàn quyền Pháp ở Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại và các đời tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Nơi đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp làm nơi giam lỏng vua Thành Thái từ ngày 12 tháng 9 năm 1907. Đến năm 1916, người Pháp đã đem ngài cùng con trai, vị vua kế tiếp là Duy Tân sang đảo Réunion ở Ấn Độ Dương thì nơi đây là nơi nghỉ mát thật sự cho nhũng người uy quyền nhất Việt Nam của mọi thời trước 1975.

Nguyên thủy, nơi đây, Hoàng đế Minh Mạng đã cho từng cho xây dựng một pháo đài chống quân Bạch Quỷ, theo tiếng gọi của dân ta dối với người Pháp da trắng. Pháo đài nơi đây có mục đích kiểm soát cửa biển Cần Giờ. Tuy nhiên, pháo dài chẳng thể chống được “quỷ” mà cuối cùng dân ta đã bị họ đô hộ trong gần một thế kỷ. Nghĩ cho cùng, ta hay dùng chữ quá tệ mạt để ám chỉ đối phương. Điều này chắc nên sửa đổi. Tại Mỹ khi người ta đề cập đến kẻ có tội về tình dục, trộm cướp…họ vẫn kêu là ông A, bà B (Mr. A. Mrs B), trong khi dân ta hay tên quỷ râu xanh, con mẹ cướp dựt…

Sau khi chiếm được quyền cai trị của cả bán đào Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp đã cho san phẳng pháo đài để xây dựng một dinh thự dùng làm nơi nghỉ mát cho các Toàn Quyền của họ.

Đề án được chính Toàn quyền Paul Doumer phê chuẩn và chính ông cũng là người đặt tên cho dinh thự này là Villa Blanche, theo tên của vợ ông là bà Blanche Richel Doume. Công trình được khởi công vào năm 1898, mãi đến năm 1902 mới hoàn thành. Do màu sơn bên ngoài cũng như tên gọi Villa Blanche nên người Việt quen gọi dinh thự này là Bạch Dinh.

Đến tháng 9 năm 1907, ngừơi Pháp đem giam lỏng cựu hoàng Thành Thái nơi này. Ông sống tại đây trong gần 10 năm. Dân địa phương kính trọng ông, nên còn gọi Bạch Dinh là Dinh ông Thượng.

Gió biển thổi đến lồng lộng làm ta khoan khoái lang thang ngắm cảnh. Bên trong tòa nhà ba từng có nhiều phong của vua, hoàng hậu. Nhưng các nhân viên bảo trì đã không quên yêu cầu bạn bỏ giầy dép và đi vào một loại giầy vải của họ, trước khi ban đi tham quan.

Nói là đẹp thì không đúng mà đó là nơi ghi lại lịch sử, xem cho biết. Có rất nhiều phòng và chúng tôi được giới thiệu các phòng của Hoàng Đế Bảo Đại, cùng Hoàng Hậu Nam Phương.

Đứng trên lầu hai hay ba, bạn sẽ có dịp nhìn bãi Trước một cách toàn diện
và một phần thành phố Vũng Tầu.

Bên cạnh Bạch Dinh, chúng tôi thấy một đường dây cáp. Đường này được nối từ một tòa nhà to lớn ở Hòn Châu lên đỉnh núi Lớn. Người tài xế giải thích đó là đường cho xe dây cáp, đưa du khách từ bở biển lên một khu du lịch ở đỉnh núi Lớn, trong tương lai. Đến nay, tôi biết khu du lịch ấy đã vào hoạt động và có tên là khu du lịch Hồ Mây.

đường cho xe dây cáp
 
 Bạch Dinh nhìn từ phía sau

Tuesday, February 12, 2013

Viết đêm trừ tịch


除 夜 作                      


 

 旅 館 寒 燈 夜 不 眠                       

客 心 何 事 轉 淒 然                        

故 鄉 天 夜思 千 里                         

霜鬢 明 朝 又 一 年                         

                                    高 適                                                            

 

Trừ[1] dạ tác[2]

Lữ quán, hàn đăng dạ bất miên.

Khách tâm hà sự chuyển thê[3] nhiên.

Cố hương, kim dạ tư thiên lí .

Sương mấn[4] minh triêu[5] hựu nhất niên.

Cao Thích[6]

 

Viết đêm trừ tịch

Trong quán, bên đèn, ngủ chẳng yên.
Buồn lòng khách ngụ kéo triền miên.
Quê hương nay đã xa ngàn dặm.
Sương xuống, sáng ngày lại một niên.
VHKT- giao thua 2013

Đèn khuya, trong quán thẫn thờ.

Lạnh lùng, khách thấy bơ vơ cuộc đời.

Nhớ quê ngàn dặm xa vời.

Sương pha tóc bạc, năm thời đã qua.
                                                                                           VHKT
 



[1] Trừ: Trừ tịch, đêm giao thừa.
[2] Tác: làm ra.
[3] Thê: lạnh, ảm đạm: thê lương.
[4] Mấn = Tấn: tóc mai.
[5] Minh triêu: sáng sớm.
[6] Cao Thích có tự là Đạt Phu, quê ở Bột Hải nay thuộc tỉnh Trực Lệ, ngày sinh không rõ nhưng mất năm 765. Lúc nhỏ nhà nghèo nhưng phóng túng. Hơn 50 tuổi mới chú ý đên thi văn, thường cùng Lý Bạch, Đỗ Phủ uống rượu ngâm vịnh. Sau thi đậu khoa hữu đạo được bổ làm quan, nhưng không hợp nên từ chức. Sau được tướng Kha Thư Hàn nhận ông giúp việc. Ông là ngừoi thẳng thắn nói ra các việc bất công bị Lý Phụ Quốc ganh ghé đổi đi ra châu Thục Bành. Cuối cùng được vời về làm làm hình bộ thị lang và được phong tước Bột Hải huyện hầu.