Friday, May 31, 2013

Đại Việt Thắng Nguyên Mông? Bài 8




 
III/ Trang bị-  Tiếp liệu (tt):
6. Liên lạc.
Trong thời gian này, người Mông Cổ đã phát triển một loại liên lạc rất hữu hiệu gọi là “iamy” hay “yam” tùy theo phiên âm. Đó là đặt ra các trạm liên lạc tiếp nối nhau, và cách nhau khoảng cách khá đều. Cũng tùy theo sách và sự tìm hiểu khoảng cách này thay đổi. Theo George Lane thì ông dựa trên con số của Marco Polo là 200 đến 250 miles[1]. Theo phân tích các sách thì khoảng này hơi xa cho một con ngựa chạy trong một ngày. Tại mỗi trạm, có khoảng 15 con ngựa sẵn sàng để cưỡi. Cũng theo Marco Polo thì có đến 200 đến 400 con ngựa ở một trạm, còn sử gia người Ba Tư Rashīd al-Dīn[2] thì cho đến 500 con.
Một người đưa tin cưỡi ngựa đến trạm kế tiếp, thì người đó dừng lại, để người ở trạm thứ hai tiếp tục thi hành nhiệm vụ. Người đưa tin sau khi hoàn tất nhiệm vụ sẽ được nghỉ ngơi, rồi thủng thẳng trở về trạm giao liên của họ. Cách làm này người và ngựa không bị kiệt lực, và nhanh hơn khi vận tốc ngựa càng lúc càng chậm. Theo các nhà nghiên cứu của History channel thì đây là một loại thông tin hữu hiệu nhất cho đến thời gian ấy. Sau này, khi nước Mỹ mới lập quốc cũng đã áp dụng và gọi là pony express.
Vì lính Mông Cổ thường dùng từ 2 đến 4 con ngựa cái, nên họ có thể ở trên lưng ngựa suốt ngày.(trong quyển “The Mongol Empire” của George Lane thì có đến 5 con). Họ dùng sữa ngựa, cùng với một loại thịt băm, phơi khô gọi là “bort” để sống. Bort giống như loại thực phẩm ăn liền (instant) như loại mỳ sợi ngày nay. Một điểm quan trọng mà tướng Mông Cổ luôn luôn nghĩ tới là phải tìm đồng cỏ cho ngựa ăn, cũng như có nước cho ngựa uống, chứ không phải là chính họ. Tất cả các chi tiết này được thông báo tỷ mỷ của các gián điệp được ngụy trang dưới lớp con buôn. Điều này càng quan trọng hơn khi Mông Cổ đánh vào các nước vùng Tây Á, nơi rất nhiều sa mạc. Trong trường hợp khốn quẫn, lính Mông Cổ có thể uống máu ngựa để sống còn.
7. Hậu cần.
Theo sử gia Juvaini (Juvaynai)[3]: Chúng ăn trên yên ngựa, đã được làm mềm đi bằng cách bỏ thịt vào một lớp da phụ trội để dưới yên, giữa người và ngựa. Chúng đánh nhau trên yên ngựa, phóng một lớp mây tên chính xác trong khi đang xông về trước. Rồi khi mệt lả sau lúc cực nhọc, chúng ngủ trên các con ngựa đang cưỡi. Các con ngựa ấy sẽ đem chúng đến đúng nơi mà chúng sắp đương đầu. [They eat in the saddle, having tenderized their meat by making it into an extra layer of padding between man and horse. They fight in the saddle, dispatching clouds of arrows with great accuracy as they charge ahead; and then exshausted by these endeavours, they even sleep in the saddle as they mounts carry them unerringly towards their next encounter.]
Ngoài ngựa, lạc đà là một loại vật dùng để di chuyển rất tốt mà người Mông Cổ ưa dùng. Họ thường chất lên lưng con vật những vũ khí và nhất là tên dự trữ ra chiến trường. Họ rất chú trọng đến con số tên để bảo đảm đủ dùng cho một trận chiến.
Vì là dân du mục, không có nhà cửa, chỉ có cái lều, nên khi đi đánh các nước vùng thảo nguyên lính Mông Cổ được đem theo cả gia đình. Thường thì những trẻ thơ của gia đình này được chuyển vận bằng xe do ngựa hay la kéo. Đàn bà, trẻ nhỏ đuổi gia súc đi theo và hai bên là lính hộ tống. Theo cách này, khi bình thường thì gia đình lo ăn uống cho người chiến binh, còn lúc đánh nhau lớn họ mới áp dụng phương cách trên.
Với cách hành quân ấy, khi chiếm được một nơi nào đó, có điều kiện tốt, lính Mông Cổ thường định cư luôn. Hiện nay, người Mông Cổ ở rải rác khắp các nước Trung Á, Tây Á, Đông Âu, Trung Quốc và Tây Tạng. Họ rất phóng khoáng về ý niệm tôn giáo, nên nhiều khi họ cải đạo theo dân địa phương. Lúc vào các quốc gia Hồi giáo họ theo đạo Hồi; đến Tây Tạng họ theo Phật Tây Tạng. Thậm chí chức vụ Đại Lai Lạt Ma là do vua Mông Cổ đi tu lập ra. Chữ Đạt Lai theo tiếng Mông có nghĩa là rộng như biển, còn Lạt Ma là chữ Tây Tạng có nghĩa là một tu sĩ.
 
(Het Trang bị- Tiếp liệu )

[1] Nếu tính theo nghĩa dặm của Á Đông thì 1 dặm chỉ bằng ½ miles. Như vậy có lẽ đây là dặm Á Đông, chứ không phải dặm Anh. Như vậy khoảng cách mỗi trạm có thể vào khoảng 100 đến 120 km. Khoảng cách này xem ra hợp lý cho 1 con ngựa chạy trong một ngày.
[2] Thật tên là Rashīd al-Dīn Tabib (Chữ Ba Tư: رشیدالدین طبیب) hay Rashīd ad-Dīn Fadhlullah Hamadanī(1247–1318) gốc người Do Thái. Là một sử gia vang danh của đế quốc Khwarezm nay thuộc Ba Tư (Iran-Turkmenistan-Uzberkistan)
[3] Trích từ “  the Mongol Conquests 1190-1400”  trang 18.

Thursday, May 30, 2013


春思           

XUÂN TỨ


燕草如碧絲

Yên thảo như bích[1] ti[2] ,

秦桑低綠枝

Tần tang[3] đê[4] lục chi .
當君懷歸日

Đương quân hoài quy nhật ,
是妾斷腸時

Thị thiếp đoạn trường thì .
春風不相識

Xuân phong bất tương thức ,

何事入羅幃
Hà sự nhập la[5] vi[6].
李白               Lý Bạch


                                                          Ý  MÙA XUÂN
Cỏ Yên nhìn tợ rêu xanh.
Dâu Tần sắp sửa trổ cành lê thê.
Khi chàng mong muốn trở về.
Thì đây lòng thiếp tái tê, đoạn trừơng.
Gió Xuân gợi mối nhớ thương.
Khiến cho thiếp phải vào giường thở than.
                                                VHKT- 2001


[1] Bích: xanh biếc.
[2] Ti: tơ
[3] Tang: cây dâu
[4] Đê: 1. thấp. 2. cúi xuống. 3. hạ xuống
[5] La: 1. vải lụa. 2. cái lưới. 3. bày biện.
[6] Vi: 1. cái màn. 2. cái túi thơm

TÌM HIỂU Không Thám- bài 6


B-    Mach

Khoa học gia người Tiệp / Áo tên Ernst Mach đã nghiên cứu và so sánh vận tốc chuyển động của một vật trong một môi trường, và đưa ra vận tốc tương đối. Sau này, người ta gọi vận tốc ấy là Mach để ghi nhớ tên ông.

Cứ theo trung bình mà tính ở nhiệt độ 0oC trong không khí thì Mach 1 tương đương với :

741.3 mph hay 1193 km/h.

Nếu một vật di chuyển theo vận tốc Vs strong môi trường mà vận tốc âm là Va thì Mach được cho bởi công thức:

Mach = Vs / Va

Giả Sử:  Một vật bay trên không ở nhiệt độ 0oC với vận tốc 3500 km/h thì được bao nhiêu Mach?

Áp dụng công thức trên ta có: Vs =3500 km/h và Va= 1193km/h

3500/1193 = 2.93 hay Mach 2.93

Nếu máy bay bay nhanh hơn hai lần vận tốc âm thì vận tốc ấy được gọi là Mach 2, nếu nhanh hơn 2 lần rưỡi thì gọi là Mach 2.5. Muốn đổi thành km/h thì nhân số ấy với 1193.


Vậy Mach 2.3 thì bằng 2.3 x 1193= 2982.5 km/h



Ảnh F/A-18 Hornet phá tường âm thanh.

Tuesday, May 28, 2013

Đại Việt Thắng Nguyên Mông? Bài 7


CHƯƠNG 02 (tiếp theo)

 
III/ Trang bị-  Tiếp liệu (tt):
3. Gươm đao.
Lính Mông Cổ được trang bị với các đao lớn như mã tấu hay gươm lữơi cong mà được biến chế theo gươm của người Thổ đã dùng ở vùng Trung Á trong thế kỷ thứ VIII và một phần các loại đao của Trung Quốc trong các thế kỷ trước. Sau này, các vũ khí: shamshir của Persian, talwar của Ấn Độ, pulwar của người Afghanistan, kilij của Thổ Nhĩ Kỳ, saif của A Rập, scimitar (mã tấu) của xứ Mamluk, szabla của Ba Lan và Hung, czeczuga; ordynka của Mỹ, karabela của đế quốc Ottoman và sabre cũng như cutlass (gươm của thủy thủ) Âu Châu đều thiết kế từ loại gươm này của Mông Cổ.

Loại gươm này có loại hơi lữơi cong ở phần mũi, nhưng cũng có khi cong từ 2/3 của lưỡi. Loại kiếm lưỡi cong này rất hữu hiệu trong việc chém hơn là đâm đối thủ. Trong khi kiếm nhọn mũi Tây phương chỉ đâm đối phương tốt mà không có tác dụng nhiều khi chém. Theo một số nghiên cứu thì đến khi Hốt Tất Liệt chiếm toàn bộ Trung Quốc, bị ảnh hưởng văn hóa nước này, nhưng gươm đao của lính Nguyên Mông vẫn không ngoại lệ. Kết quả Trung Quốc lại bị ảnh hưởng của Mông Cổ về các loại đao, kiếm.
Loại gươm Mông Cổ rất tiện dụng khi cữơi ngựa.
4. Thương.
Ngoài hai loại vũ khí chính cá nhân trên, lính kị binh nặng của Mông Cổ còn được trang bị thương. Thương của Mông Cổ ngắn hơn thương các nước Âu Châu và gần cuối của mũi thương có một cái móc. Cái móc này là để kéo người kị mã đối phương rơi khỏi lưng ngựa khi lúc cận chiến.

Ngoài thương, lính Mông còn có lao, hay giáo.
5. Súng.
Mông Cổ có các loại vũ khí công thành là súng bắn đá (catapult), súng bắn dầu nóng, diêm sinh, và tiêu thạch (salpêtre) trộn với đất đá. Họ đã thu lượm các kỹ sư Trung Quốc để làm ra loại vũ khí này. Thường ta gọi là súng bắn đá, nhưng không phải là súng có nòng như các loại súng ngày nay ta thấy. Tuy nhiên đây là một loại vũ khí công thành rất hiệu nghiệm vào thời ấy. Có khi họ đem bắn cả thây người hay xác thú vật sang địch quân.

Bản đồ thiết kế súng bắn đá
Dựa vào hình chụp của các website chúng tôi tạo ra các mẫu trong không gian ba chiều để các vị đọc giả dễ tửơng tượng. Chúng tôi không biết đây có phải là loại súng bắn đá mà Mông Cổ dùng hay không, tuy nhiên nguyên tắc là các chi tiết dưới đây chắc súng không khác biệt bao nhiêu.
Súng này dùng tới các vật liệu như gỗ tốt để làm sườn, bánh xe, cần phóng. Gỗ có tính đàn hồi, dai sẽ làm cánh cung, còn tóc, lông thú và vải sẽ dùng làm dây cung cũng như dây kéo cung. Dây kéo cung được cuốn quanh một trục; nhiều người kéo dây này làm cánh cung bị uốn cong. Tất cả sức mạnh được dự trữ dưới dạng thế năng. Lúc buông dây kéo ra cánh cung bật lại, và cục đá được phóng ra. Thế năng bây giờ biến thành động năng. Cục đá có thể phóng xa đến 150 m và nặng gần 50 kg.
Riêng loại súng bắn đá và dầu nóng, chúng tôi chưa tìm đâu ra được mẫu loại súng này. Theo các tài liệu như trong quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400” thì sung bắn dầu nóng cũng là súng bắn đá trên, nhưng khi bắn người ta trộn dầu nóng, thạch tiêu và diêm sinh vào đá vụn để làm bị thương người nhiều hơn một lượt.
(Hết phần vũ khí)

Monday, May 27, 2013

Đỗ Phủ: Dã vọng


              Dã vọng


西 山 白 雪 三 城 戍,           
Tây Sơn bạch tuyết tam thành thú,
南 浦 清 江 萬 里 橋。           

Nam Phố thanh giang vạn lý kiều.
海 內 風 廛 諸 弟 隔,           

Hải nội phong trần chư đệ cách,
天 涯 涕 淚 一 身 遙。           

Thiên nhai thế lệ nhất thân diêu.
惟 將 遲 暮 供 多 病,           

Duy tương trì mộ cung đa bệnh,
未 有 涓 埃 答 聖 壩。           

Vị hữu quyên ai đáp thánh triều.
跨 馬 出 郊 時 極 目,           

Khoá mã xuất giao đồ cực mục,
不 堪 人 事 日 蕭 條。           

Bất kham nhân sự nhật tiêu điều.

           

             Đỗ Phủ

Nghĩa

Trông cảnh đồng hoang
 
Ở Tây Sơn tuyết trắng phủ Đồn Tam Thành.
Trong thành Nam Phố, cầu dài bắc ngang dòng sông xanh.
Trong cõi  bụi trần các em đều xa cách.
Nơi góc trời ứa lệ, một mình ta.
Tuổi tác sắp già, hay đau ốm.
Chưa có chút gì nào báo đáp ơn triều đình.
Cỡi ngựa ra ngoài trông xa vời
Không chịu nổi việc đời mỗi lúc một tiêu điều.

Trông cảnh đồng hoang
 
Tây Sơn, tuyết trắng trại Tam Thành.                  

Nam Phố, cầu dài vượt nước xanh.            

Dưới thế xa lìa cùng các chú.                     

Bên trời rơi lệ chỉ mình anh.                      

Tuổi đời tàn tạ, thêm nhiều bệnh.               

Tiền bạc nghèo nàn, chẳng có danh.         

Cỡi ngựa ra thành nhìn mút mắt.               

Dân tình đói khổ, dạ không đành.             

            VHKT

 

Tây Sơn, tuyết phủ Tam Thành.

Cầu dài Nam Phố, nước xanh êm đềm.

Anh em chẳng được gần bên.

Mình ta rơi lệ bên thềm trời xa.

Bịnh nhiều thêm tuổi đã già.

Ơn vua chưa đáp, người đà héo hon.

Cỡi ngựa ra ngắm núi non.

Dân tình sơ xác, lòng còn buồn hơn.

                                                VHKT

 

Friday, May 24, 2013

Đại Việt Thắng Nguyên Mông? Bài 6


CHƯƠNG 02- (tiếp theo)



III/ Trang bị-  Tiếp liệu:

A- Áo giáp, mũ trụ:

Áo giáp của Mông Cổ rất nhẹ, thường làm bằng da thú vật săn hay bò,  ngựa luộc chín và ngâm keo làm từ bong bóng cá, nước tiểu có thể được giát hạt kim loại. Trọng binh thì mặc áo giáp dày hơn có các mảnh sừng, xương, hay kim loại phụ thêm. Loại áo giáp này gồm nhiều mảnh ghép lại, chứ không phải liền một tấm. Hai bên vai là hai mảnh rời, phần ngực và lưng cho đến thắt do phần bảo vệ của mảnh khác. Các mảnh này lại được ghép bởi các mảnh nhỏ hơn xếp lên nhau như áo tơi lá ở miền bắc hay như các miếng gói lợp nhà. Dù loại giáp nào đi nữa thì còn rất nhẹ nếu đem so với áo giáp của Âu Châu cùng thời.

Để chống lại tên bắn, lính Mông Cổ có thể được mặc áo bằng tơ nguyên thủy, dài đến đầu gối. Loại vật liệu này rất dai, khó bị hủy hoại hay nát. Với đặc tính này, tên ở xa khó xuyên thủng áo, và ở gần nếu xuyên thủng được áo và cũng không làm lổ thủng bị phá lớn hơn. Do đó khi tên xuyên vào thịt thì kéo theo vải áo vào trong. Người ta chỉ cần kéo vải áo ra là tên cũng ra luôn. Thật là một áp dụng rất hay. Loại áo này còn giúp để lau chùi vết thương làm giảm bớt sự nhiễm trùng.[1]

Áo giáp của các sĩ quan cầu kỳ hơn.
Trong trang 103, quyển “The Mongol Empire” viết lại bài tường trình của Giovanni di Piano Carpini khi được Giáo Hoàng Innocent IV cử sang Mông Cổ và từng gặp đại hãn Gűyűk. Giovanni có phần nói về ngựa của kị binh nặng Mông Cổ cũng được mặc giáp như sau: Ngựa của quân Thát Đát cũng đựơc mặc giáp gồm năm mảnh. Họ đặt hai miếng dài hai bên ngựa để bảo vệ con vật từ đầu đến đuôi. Hai miếng này được cột vào yên ngựa, sau yên ngựa và vào đuôi con vật. Trên lưng ngựa, họ đặt một tấm da khác nối liền từ bộ yên cương đến đuôi mông. Ngay ở đuôi họ làm một lỗ thủng cho đuôi đi ra. Phía trước ngực, họ treo một tấm da che kín nơi đây và hai chân trước từ đầu gối trở lên. Ở trán con vật được treo một tấm kim loại cột vào hai bên đầu.
Một số tài liệu lại nói khinh binh Mông Cổ mặc áo tay phải không tay áo, để lộ nguyên cánh tay ra ngoài. Sở dĩ có chuyện này là khi tấn công tay phải hoạt động dễ dàng không bị vướng vấp và giảm bớt sức nóng khi hoạt động lâu.
 
Lính Mông Cổ
(hình từ quyển Russia và USSR- Peter Neville)

Mũ của lính Mông Cổ thường làm bằng vải, da hình nón hơi bầu, chóp nhọn. Một loại mũ khác là mũ đồng đúc, cũng có dạng là hình nón ở phía trên đỉnh, chung quanh có mạng che làm bằng da, tơ. Đến nay chưa có một xác định là lính đội mũ gì và quan đội mũ gì. Có thể loại mũ đồng này rành cho cấp sĩ quan mà thôi.
Giày của Mông Cổ cũng làm bằng da thú khâu lại với nhau nhìn như giày cao cổ.
Tất cả da dùng làm áo giáp, mũ hay giày đều được tẩm keo nấu từ bong bóng cá để bớt sức hấp thụ nước.
 
B- Vũ khí và tiếp liệu:
1. Cung.
Cung của Mông Cổ là loại cung hỗn hợp, có nghĩa là thân cung làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như gỗ, tre, xương, da và sừng thú vật. Dây cung thường là da và gân.  Gỗ được dùng làm khung sau đó chắp các miếng sừng thú lên. Sừng thú là một loại vật liệu đặc biệt vì nó có tính chất đàn hồi tốt hơn gỗ. Gỗ uốn cong quá có khi bị hết tính đàn hồi (permanent set), còn sừng sẽ giúp cho ta tránh được vần đề này tốt hơn. Đây là một áp dụng của ngành kỹ thuật ngày nay ấy là lò so lá (flat or leaf spring). Gân là một loại vật liệu đặc biệt khác vì nó tạo cho cung có sức chịu đựng cao (high strength). Vì thân cung làm bằng các vật liệu khác nhau nên thường được nối bằng các sợi gân rồi dùng keo đắp lên. Keo được nấu lên từ da thú, bong bóng cá. Gân và keo cần một một khoảng thời gian lâu, gần một năm mới hoàn toàn khô. Khi dạng cung đã thành hình, dây cung được nối vào và tạo sức uốn (pre-tensioned) rồi lại phủ thêm vỏ cây hay da để bảo vệ.
Khi kéo cung, phần sừng có khuynh hướng co lại, trong khi phần gân có khuynh hướng giãn ra. Cả hai đều trở lại vị trí cũ làm cho cung này có ưu điểm là cho nhiều sức mạnh. Nhưng nó có nhược điểm là lúc mưa hay ẩm lâu thì các keo hay bị hủy hoại làm cho sự kết hợp không vững chắc như khi chế tạo.
2. Tên.
Tên gồm nhiều loại: thứ thì dùng bắn xa, thứ bắn gần, thứ chuyên săn thú và loại để tấn công áo giáp. Tên thường làm bằng gỗ, mũi bịt đồng hay bằng xương. Tên bắn gần thì ngắn và nhẹ, còn tên bắn xa thì dài và nặng hơn. Có loại tẩm thuốc độc bằng nọc rắn trộn với thịt thối hay phân rồi đem chôn cho đến khi hoàn toàn nữa nát.  Khi đi đánh trận, lính Mông Cổ thường mang theo hai loại tên, bắn gần và bắn xa. Tên thường đựơc đựng trong hai bao da[1]. Mỗi người lính được trang bị với 150 tên gồm cả hai loại.
Theo nghiên cứu của người viết bài trên trang Medieval History thì tầm hữu hiệu khoảng 175 m và tầm sát hại của cung tên vào khoảng 50-60 m. Muốn đạt đến khoảng cách này thì người dương cung phải đủ mạnh để buông mũi tên ra khỏi cung với vận tốc đầu trên 55 m/s. Điều này cũng phù hợp theo nhiên cứu của History channel. Cũng dựa vào các tài liệu sử trên, ta cũng còn thấy các chi tiết sau đây. Rất ít khi lính Mông Cổ có thể bắn một mũi tên mà làm địch thủ tử thương. Tỷ số tử thương thường vào khoảng 1/50 là tối đa. Tuy vậy nếu lấy tổng số tên và tỷ số làm tử thương địch thủ mà giải một bài toán ta thấy kết quả như sau: Nếu một người lính Mông Cổ ra trận và bắn hết tên của hắn, thì hắn có cơ hội giết chết 3 kẻ thù. Thật nguy hiểm!
Tỷ số chính xác lại càng ít hơn vì lính Mông Cổ vừa phi vừa bắn, nên họ không nhắm kỹ vào một mục tiêu, mà thường là bắn xối xả về phía mục tiêu, tạo ra một lớp mưa tên. Ngược lại sự rút tên của lính Mông Cổ rất lẹ, khoảng 12 mũi tên cho 1 phút. Lính Mông Cổ hay tấn công đối phương bằng cách dương cung lên thật cao, như vậy khi tên rơi xuống gần như thẳng góc xuống đầu địch quân.


[1] Theo quyển: “The Mongol Empire” của George Lane thì Quân Mông mang tới 3 túi đựng tên.

[1] Theo George Lane viết trong quyển The Mongol Empire thì y trang của một lính   Mông Cổ nặng khoảng 10 kg.

Thông báo:


Cùng tất cả bạn đọc.

Nếu vị nào có ý kiến phê bình hay bổ xung về bài “Đi Vit thng Nguyên Mông?” xin viết bài gửi về vhkt.3563@gmail.com . Tôi hứa sẽ đăng toàn bộ bài viết và sẽ có bài phúc đáp. Xin đừng viết bài có tính cách đả phá tôn giáo và chính trị.

Thursday, May 23, 2013

TĨNH DẠ TỨ


 Đêm Trăng

Đầu giường trăng sáng như gương.          

Ngỡ đâu mặt đất tỏa sương mịt mờ.             

Ngửng đầu, ngắm ánh trăng mơ.               

Cúi đầu thẫn thờ, nhớ tới cố hương.          

VHKT- 1979. 
Mid-Autumn Moon
The headboard’s bright with the moonlight.
The ground seems to be covered with fog of late night.
Looking upward, I see the moonshine.
Looking downward, I miss the village of mine.
                                                VHKT- LA 1999
 

Wednesday, May 22, 2013

Tìm hiểu không thám- bài 5


B-   Vận tốc âm

Khi âm thanh truyền trong không khí sẽ làm cho các phân tử không khí co lại hay giãn nở ra và đó chính là sự đàn hồi. Sự đàn hồi này tạo ra các cột không khí co giãn. Âm thanh di chuyển qua không khí dưới dạng sóng dọc có vận tốc v = λ f  (λ  đọc là lăm đa, bằng độ dài sóng hay bước sóng và f Tần Số sóng.)

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ từ trung học, thầy cô đã nói tới hiện tượng người giặt chiếu. Ta đứng xa nhìn thấy người giặt chiếu. Người này dơ chiếu đập xuống nước làm ta thấy nước bắn téo lên nhưng một lúc sau mới nghe tiếng đập.

Trong cơn mưa rào, ta thấy chớp và một lúc sau ta mới nghe tiếng sấm ầm ầm dội tới. Thật ra sấm chớp xẩy ra cùng một lượt. Các hiện tượng trên cho ta thấy rằng ánh sáng đi nhanh hơn âm thanh và âm thanh cũng phải có vận tốc. Vận tốc âm được truyền đi dưới dạng sóng, tương như hiện tựơng sóng tạo ra khi ta ném một vật xuống mặt ao. Tuy nhiên, sóng nước ao truyền trên một mặt phẳng còn sóng âm truyền trong không gian 3 chiều. Hay nói một cách khác đi sóng nước ao tạo ra các vòng tròn, còn sóng âm tạo ra các mặt cầu.

Theo nghiên cứu của khoa học thì vận tốc âm truỳên trong không khí ở 20 độ C tức ngay sát mặt biển có vận 343m/s (đọc là 343 mét 1 giây).
Để hiểu một cách rõ ràng thì ta cứ tưởng tượng một chàng V đứng ngắm cô K giặt chiếu bên bờ hồ. Chỗ chàng cách xa nàng đứng 343m trong một buổi chiều thật đẹp chẳng nóng cũng không lạnh mà gió rất nhẹ chỉ đủ làm con người dễ chịu chứ mặt hồ phẳng lặng như gương. Cô gái K chắc hẳn phải là rất đẹp nên chàng thanh niên V kia mới ngắm và còn quan sát thật kĩ. Anh chàng này là một nhà thông thái và còn là nhà phát minh vì anh phát minh ra một cặp mắt kính nhìn thấy không khí rung động.
       
Cô nàng  đến ven hồ, sắn quần đến đầu gối rồi lội ra hồ. Một lúc cô nàng K đưa chiếu lên và đập mạnh xuống nước, anh V thấy một nửa quả cầu không khí phát ra bởi sức rung động khi chiếu chạm mặt nước. Nửa quả cầu phình càng lúc càng lớn và đúng 1 phút sau quả cầu phình đến chỗ anh ta đồng thời anh nghe tiếng bộp thật lớn. Vì chiếu đập trên mặt nước nên sóng âm chỉ là nửa quả cầu còn nửa kia đã hấp thụ vào đất.

Sóng âm
       Ngày hôm sau, V thấy cô K ăn mặc gọn gàng ra khỏi nhà. Anh ta vội vã theo vết cô nàng, thì nhận ra nàng đi đến ngôi chùa cuối làng. Anh không dám đến gần nên đứng xa xa nhìn nàng vào chùa lễ Phật. Một lúc sau, cô gái yêu kiều theo một ni cô lên tháp chuông cạnh cổng. Cô thắp nhang nghiêm chỉnh chắp tay. Ni cô gõ một tiếng chuông, thì nàng bắt đầu lậy. V nhấy sóng chuông bây giờ gần như một quả cầu vì tháp rất cao.

 

Tháp chuông

Trong một giờ có 3600 giây, nếu bạn lấy vận tốc giây 343m rồi nhân cho con số này bạn sẽ có vận tốc giờ. Và vận tốc âm thanh trong 1 giờ là 1236 km/h (768 mph).

Vận tốc này thay đổi theo tỷ trọng và độ nóng (tức nhiệt độ) của vật thể mà âm được truyền đi; vật càng cứng thì âm thanh được chuyển nhanh hơn. Trong nước âm thanh truyền nhanh gấp hơn 4 lần so với không khí, còn trong sắt âm thanh nhanh gấp 15 lần. Ta nhiều khi xem phim cao bồi thấy một người da đỏ nằm úp tai xuống đất để nghe tiếng vó ngựa của địch quân là vì vậy. Trong phim người Pháp đánh du kích chống Đức Quốc Xã, họ cũng dùng tai kề vào đường rày xe lửa để xem xe lửa Đức sắp tới chưa cũng không ngoài mục đích áp dụng ấy.

 Riêng trong không khí thì vận tốc âm được tính bằng công thức:
     Vvận tốc trong không khí = 331.4 + .6qc  m/s cũng có thể viết
                                    = 331.4 + .6qc  ms-1    [1]
 Với qC là nhiệt độ C (Celcius).
Ví dụ nếu hôm nào nóng với nhiệt độ 34o C, vận tốc âm là 351.8 m/s
Hôm lạnh 12oC, vận tốc âm chỉ còn 338.6 m/s và ngày nào đó ở Big Bear, California lạnh tới 32oF hay 0oC thì vận tốc âm thanh là 331.4 m/s

Trong bài viết này ta chú tâm tới âm trong không khí và chân không.
Khi âm thanh đến một tường tương đối phẳng thì sóng âm sẽ dội ngược lại. Vì vậy nhiều khi các bạn vào núi hú lên một tiếng, một lúc sau bạn sẽ nghe được âm thanh ấy dội lại. Và vận tốc âm truyền do sự dội lại cũng bằng vận tốc âm lúc truyền đi.
Bây giờ ta tưởng tượng cảnh đi chơi núi.

Một ngày đẹp trời, nhưng rất lạnh, anh H, hào hoa, đem cô bồ T, xinh đẹp như mộng, lên một vùng núi non hùng vĩ của  hồ Big Bear- Cali, để xem tuyết. Ở một nơi với các vách đá dựng hai ngừơi đứng lại ngắm cảnh một cách thanh tao (hoàn toàn đứng đắn đấy nhé).
Hồ Big Bear
Khi hai người đang mải mê nhìn cảnh đẹp thiên nhiên, T chợt thốt:
-          Trước mặt cảnh đẹp như tranh.
Nhưng em sao biết lòng anh bây giờ?
H mỉm cười, đáp lại:
-          Yêu em, yêu chẳng bến bờ.
           Để anh nói với núi, hồ biết nhe.
Lập tức anh chàng ta, đưa tay lên miệng làm loa, hướng vào núi, nói thật lớn:
-          T ơi! Anh yêu em!
Anh nhìn vào đồng hồ và thấy 6 giây sau tiếng vọng từ núi ra:
-          T ơi! Anh yêu em!
T vui thú vì người yêu làm việc này.
H hỏi T:
-          Em biết các vách núi kia cách mình bao nhiêu mét không?
T thẹn thùng:
-          Xa quá, làm sao mà biết được. Dù có một cái thước thật dài đo cũng chẳng được?
H hãnh diện:
-          Từ đây đến đó khoảng 1 cây số em ạ.
Cô T hỏi:
-          Làm sao anh biết?
H giảng:
-          Hôm nay nhiệt độ lạnh khoảng 0 độ C, nên vận tốc âm khoảng là 333 m một giây. Anh hú tiếng vừa rồi và nghe tiếng vọng là 6 giây tổng cộng vừa đi vừa về. Vậy thời gian để âm đi hay về là một nửa tức 3 giây. Đem 3 giây nhân với 333 thì được gần 999 mét.

Cô T nhìn H với đôi mắt thán phục, và yêu chàng trai hào hao lẫn tài ba ấy nhiều hơn.




[1] Co sách ghi    V = 331.3 + .606Tc  ms-1    
Vì đây là một kiến thức phổ thông nên ta chỉ cần quan sát với các công thức đơn giản. Thật ra công thức vận tốc lí tưởng trong một môi trường tùy thuộc theo hằng số độ cứng,  tỷ trọng của môi trường, chỉ số đoạn nhiệt (adiabatic index), Boltzmann constant, shear modulus, Young’s modulus, Poisson’s ratio…rất phức tạp.