Saturday, February 28, 2015

Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 84


D- Có người lại hỏi lính đâu mà đông quá vậy?

 

Như đoạn trên, ta đã thấy nước ta nhỏ mà quân tập họp trên 20 vạn là chuyện thường. Cả một Trung Quốc mênh mông; số dân gấp 10 lần nước ta thì bao nhiêu quân có thể lấy được?

Trong thời xưa chuyện bắt lính không đợi tới 18 tuổi như ngày nay, mà là từ 15 tuổi. Cũng trong quyển Việt sử toàn thư (trang 406) có ghi về việc, vua Lê Thánh Tông cho tuyển binh như sau để đánh Chiêm Thành như sau: “Ngày 6 tháng 10 năm ấy (1470) nhà vua hạ lệnh kén hoàng đinh từ 15 tuổi trở lên, được 26 vạn quân.”….

Trang 410 lại viết: “Mùa xuân năm sau (1480), ta lại mở cuộc chinh phục Bồn Man và cũng huy động tới 30 vạn binh sĩ.”

Nếu như muốn khoa trương sự tài năng, mưu lược của các tướng cùng sự dũng cảm, tinh nhuệ của quân ta thì chắc lịch sử phải giảm con số ấy xuống còn vài vạn và thắng dễ dàng đối phương.

Theo thiển ý việc tuyển quân của Mông Cổ để có một số quân lớn lao chẳng mấy khó khăn, nhất là để hoàng tử thân chinh lại càng quan trọng hơn và cũng để trả những mối thù: Bắt giam sứ giả, bắn mù mắt sứ giả[1] cùng đánh bại họ. Mông Cổ ngày ấy đã khét tiếng là tàn bạo, chuyện bắt giam, giết sứ giả là không thể chấp nhận được. Năm 1218, Thành Cát Tư Hãn cử một sứ đoàn đến Samarquand một thành phố của đế quốc Khwarezm. Shah Muhammad cho giết các sứ giả này. Sau này, THÀNH CÁT TƯ HÃN cho một đạo quân 200000 kị binh tấn công trả thù, tiêu diệt đế quốc và giết gần hết dân của thủ đô nước này. Ngay cả lúc cai trị cũng vậy, nên khi bắt ai đi lính thì không thể trốn tránh được. Việc đem quân sang đánh nước khác thường là tuyển lính ở các nước đã chiếm được và dùng kỉ luật tự kiểm soát lẫn nhau như chúng tôi đã viết. Ta cũng thấy điều này trong chiến tranh Việt Pháp 1946-1954, lính Pháp phần đông là tây đen, người gốc Phi Châu như Algeria, Tunisia, Maroc hay Senegal… Lúc chiếm được Đại Lý (1253), Ngột Lương Hợp Thai  (Uriyangqadai) đã đem quân nước này sang đánh Đại Việt. Quyển : “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” đã ghi Đoàn Hưng Trí vua Đại Lý Đoàn Hưng Trí nước Đại Lý hàng Mông đã đem 2 vạn quân người Thoán Bặc Vân Nam đưa quân Mông Cổ vào Việt Nam.

Nên nhớ rằng khi Mông Cổ đánh chiếm Đại Lý, không biết bao nhiêu người Đại Lý đã rời bỏ quê hương trở thành dân tị nạn ở bắc Khmer để rồi lập quốc gia mới: Thái Lan. Vậy mà quân Mông vẫn lập ra đao quân người Đại Lý đông như vậy.

Nhưng cũng trong lịch sử thì số quân 50 vạn vào Đại Việt đâu phải là lớn lắm. Trong thời Đông Châu Liệt Quốc, chỉ nói một trận Trường Bình, quân Tần đã giết tới 40 vạn quân Triệu. Vào đầu thế kỷ thứ VII (612), Tùy Dạng Đế đã từng huy động một lực lượng tới hơn 1 triệu quân sang đánh Cao Ly. Đó là chưa kể 2 triệu dân công lo chuyển lương thực. Nhưng rồi vị vua này cũng bị thất bại và nhà Tùy sụp đổ luôn. Chuyện này tin được không? Ấy là thời gian trước khi Mông Cổ tuyển lính ở Trung Quốc đến hơn 600 năm. Trong đời nhà Tùy, dân số Trung Quốc, theo Wikipedia là khoảng 50 triệu người. Đến năm Mông Cổ chiếm toàn bộ Trung Quốc thì dân số toàn Trung Quốc gần 60 triệu, đó là chưa kể tới vùng thuộc các nước Tây Hạ, Kim và Đại Lý-Vân Nam[2].

Nếu đọc một phần của sử thì chưa đủ, ta hãy đọc tiếp. Ngay bên dưới phần nói con số 92000 trên, Nguyên sử ghi tiếp:

五月,命右丞程鹏飞还荆湖行省治兵。六月,枢密院复奏,令乌马兒与樊参政率军士水陆并进。九月,以琼州路安抚使陈仲达、南宁军民总管谢有奎、延栏军民总管符庇成出兵船助征交趾,并令从征。

Mà ông Tích Dã dịch:

Tháng năm, ra lệnh cho Tả thừa Trình Bằng Phi về Kinh Hồ Hành tỉnh trị quân. Tháng sáu, Xu mật viện lại tấu lên, ra lệnh Ô Mã Nhi cùng Phiền tham chính đem quân sĩ thủy, lục cùng tiến. Tháng chín, lấy An phủ sứ Trần Trọng Đạt ở lộ Quỳnh Châu, Tổng quản quân dân ở Nam Ninh là Tạ Hữu Khuê, Tổng quản quân dân ở Diên Lan là Bồ Tí Thành đem thuyền quân giúp đánh Giao chỉ, hợp lệnh theo đi đánh.”

Phần này không thấy ghi đến con số lính sang đánh. Vậy số thật sự mà Nguyên sử đếm được là bao nhiêu?

 

Tóm lại số quân Nguyên sang nước ta phải rất đông, hơn con số mà Nguyên sử đã ghi.



[1] Đây là việc Sài Xuân đem Trần Di Ái về làm vua, nhưng bị qiân ta phục kích bắn mù mắt.
[2] Theo trang 111, quyển “A Concise History of China”

Thursday, February 26, 2015

Thơ: Đỗ Phủ


                           

Mạn hứng kỳ 1


眼 看 客 愁 愁 不 醒,           

Nhãn khán khách sầu, sầu bất tỉnh,
無 賴 春 色 到 江 亭。           

Vô lại[1] xuân sắc đáo giang đình.
即 遣 花 開 深 造 次,           

Tức khiển hoa khai thâm tạo[2] thứ,
便 覺 鶯 語 太 丁 寧。           

Tiện[3] giác oanh ngữ thái đinh ninh.
 

                          Đỗ Phủ

 

 

 

 

 

Nhiều hứng kỳ 1

Mắt nhìn thấy khách sầu, sầu không tỉnh,
Sắc xuân không duyên cớ đã đến nơi đình bên sông.
Lập tức khiến hoa lần lượt nở đầy,
Lại khiến cả chim oanh hót rộn ràng.

 

 

Nhìn thấy khách sầu sầu, say khướt.

Sắc xuân đâu bỗng bước đình sông.

Làm hoa nở rộn khắp đồng.

Lại làm oanh hót trên không rộn ràng.

                                                                                    VHKT

 

Nhìn thấy khách sầu sầu, say khướt.

Sắc xuân đâu bỗng bước về đây.

Làm hoa lập tức nở đầy.

Lại làm oanh hót trên cây rộn ràng.

                                                                                    VHKT

 

Một người buồn nản lại say say.

Xuân sắc bỗng nhiên đến chỗ này.

Lập tức muôn hoa đua nở thắm.

Rộn ràng oanh hót ở trên cây.

                                                                                    VHKT

 



[1] 1. nhờ cậy. 2. ích lợi
[2] 1. làm, chế tạo. 2. bịa đặt
[3] 1. thuận lợi, thuận tiện. 2. ỉa, đái. 3. phân, nước giải. 4. liền, bèn, làm ngay

Heart Disease (Tim bệnh)-20






Sunday, February 22, 2015

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 21


Sau ngày ấy, tôi không có dịp để gặp An nữa. Tôi nhớ nhung nàng vô hạn, nhưng tôi phải lo tương lai, nên cũng đành cắn răng chịu đựng. Tôi thường nghĩ chẳng hiểu rằng nàng có nhớ đến tôi hay không? Hay đây chỉ là con đường một chiều?

Chẳng bao lâu ngày thi cũng tới, tất cả chúng tôi lo gói ghém quần áo, tiền nong rồi lên tỉnh lị Phước Tuy là Bà Rịa để thi trong ba ngày. Bà Rịa cách Vũng Tàu 24 cây số. Tất cả học sinh các huyện như: Phước Lễ, Long Điền, Vũng Tầu ...đều tụ họp nơi này.

Tất cả nam sinh ở xa đến được trú ngụ tại trường nam tiểu học bên kia bờ sông Dinh đối diện với chợ Bà Rịa, còn các nữ sinh được ngụ tại trường nữ tiểu học. Tất cả bàn được ken sát nhau thành giường ngủ. Trung tâm thi là trường trung học Châu Văn Tiếp.

Sáng ngày đầu tiên, chúng tôi thi Việt văn, và sinh ngữ. Buổi thi chấm dứt vào giữa trưa. Khi tôi ra khỏi lớp tôi cố sức tìm An, xem nàng ở đâu? Nhưng không thấy nàng đâu cả. Tôi chợt thấy một đám đông, mà phần lớn là nam sinh, đang tụ tập ở gần cổng trường. Khi bước đến gần, tôi nhận ra rằng họ đang bao quanh nàng. Tôi không biết An còn nhớ tới tôi không? Tôi cố tình tiến qua đó để đến chợ ăn cơm trưa và dò xét phản ứng của nàng. Tim tôi chợt quặn thắt khi thấy nàng không còn săn đón tôi như mọi khi. Tôi thầm nghĩ: "Mình đã xây lâu đài trên mây. Nàng đẹp như vậy thì nhiều kẻ theo đuổi, và chỉ cần một thời gian ngắn nàng sẽ quên mình một cách dễ dàng." Tôi bất giác thở dài, cúi mặt xuống lầm lủi đi để che cái vẻ buồn thảm trên nét mặt.

Bất thình lình giọng nàng vang lên từ sau lưng tôi:

- Hiệp! Hiệp! Chờ An với!

Với tiếng gọi của An, tôi có cảm tưởng rằng bầu trời bỗng nhiên tươi sáng lên sau bao nhiêu ngày đầy u ám. Tôi mừng rỡ, đứng lại chờ nàng. An tách đám đông tiến lại chỗ tôi, hỏi tôi về cách làm bài, rồi chúng tôi cùng nhau đi ra chợ ăn cơm trưa. Tham gia với chúng tôi còn một số bạn gái khác như Thanh, Nhạn, Tỵ, Mão, Két...

Các bạn gái nói:

- Thôi Hiệp đại diện bọn này ra đặt món ăn đi.

Tôi nói:

- Vậy mấy bà mụ nội làm ơn ra menu đi.

Các cô cười ầm lên rồi chọn món.

An cầm cái mũ của tôi, và cùng các bạn đến một cái bàn ngồi trước, trong khi tôi phải đi gọi các món ăn cho mọi người.

Một phút sau cả một đám bạn trai, bốn năm đứa, cũng lại đó. Chúng cùng kéo thêm ghế ngồi chung với chúng tôi. An lấy cái nón lá của nàng và cái mũ của tôi, máng lên một thành ghế, ngồi xuống ghế bên cạnh, tay choàng qua ghế kia, nên chẳng ai ngồi vào ghế đó được. Lúc quay lại, tôi thấy đó là cái ghế duy nhất còn trống, nên tôi mừng thầm ngồi xuống cái ghế ấy. Đấy là lần đầu tiên mà tôi ngồi cạnh nàng.

Sau bữa cơm, chúng tôi chia tay nhau để về chỗ ở, lo ôn toán, lý hóa cho buổi ngày sau. An cùng các bạn gái đi về trường nữ, còn bọn tôi quay về trường nam. Khi đi độ năm sáu thước, tôi nghe giọng An gọi dật lại:

- Hiệp!

Quay lại, tôi thấy An đang đứng một mình dưới bóng mát của một tàn cây. Tôi tới chỗ nàng, vì An gọi mình tên tôi, nên mấy tên bạn trai mắc dịch không có cớ theo tôi. Tuy nhiên, chúng cũng dừng bứơc đợi tôi.

Đến cạnh nàng, tôi hỏi:

- Có việc gì vậy An?

Nàng hạ giọng, sợ mấy thằng cốt đột kia nghe:

- Không có gì, mà chỉ nói cho Hiệp biết rằng mấy người bạn trai họ làm phiền An quá. An không thích ăn cơm với họ. Chiều nay, mình ra cái quán nhỏ, gần rạp hát, mà ăn! Hiệp chịu không?

Tôi cảm thấy sung sướng vô cùng, nhìn đâu cũng chỉ thấy mầu hồng, vì không thể ngờ nàng lại có một cảm tình đặc biệt dành cho tôi. Trong đời tôi, chưa bao giờ biết một chuyện hẹn hò như vậy, nên mau mắn trả lời:

- Được chứ! Mấy giờ?

- Độ 6 rưỡi. Ngày mai, khi tan thi, Hiệp cũng về trường rồi hãy đi ăn nhe!

Chiều hôm đó, sau khi ôn bài, chơi giỡn với các bạn, tôi giả vờ đi cầu, nhưng chạy vòng sân sau, nhẩy qua hàng rào, rồi đến quán ăn chờ nàng. Cả tỉnh chỉ có một rạp hát duy nhất ở ngã ba đi Vũng Tầu, Long Hải, nên việc đến đó rất dễ dàng.

Khi đến nơi, tôi chưa thấy An, nên tìm một cái bàn ở cuối góc ngồi chờ nàng. Thời gian dường trôi thật chậm chạp; bóng An vẫn chưa thấy xuất hiện làm lòng tôi bứt rứt không yên và chỉ sợ nàng không tới như đã hẹn. Tôi cảm thấy sợ sệt thời gian và không gian; nên không dám nhìn về phía cửa ra vào của quán ăn. Tuy nhiên, lâu lâu tôi phải liếc về phía ấy, dù rằng lòng vẫn nhủ lòng đừng bao giờ làm như vậy.

Một lát sau, An hiện ra ở cửa đẹp như một thiên thần trong chiếc áo dài tím, chiếc áo mà tôi gặp nàng lần đầu tiên. Tôi chỉ cầu mong thời gian chậm lại để cho những giây phút êm đềm đó kéo dài hơn. Lúc ăn xong, chúng tôi phải trả tiền riêng, vì cả hai cùng nghèo không đủ tiền bao bạn.

Tối hôm đó lúc về chỗ ngủ, các bạn vây quanh tôi hỏi:

- Ê, Hiệp! Bồ đi ăn cơm ở đâu vậy?

Tôi bịa:

- Ăn ở nhà ông anh họ, gần đây.

- An có đi ăn với bồ không?

- Làm gì có.

- Tại sao tụi tôi không thấy bồ mà cũng chẳng gặp An?

- Đâu biết!

- Lạ quá há!

Ngày hôm sau, khi thi toán xong, tôi bất chấp ai cười, đến ngay phòng thi của An chờ. Một lúc sau, nàng ra khỏi lớp, đến chỗ tôi đứng, rồi đưa bài cho tôi xem. Hai đứa đứng xát nhau, và bất ngờ vai nàng chạm vào vai tôi. Tôi có cảm tưởng rằng như có một luồng điện đang chạy khắp thân hình, làm người tôi run lên. Ngay khi ấy, các bạn trai cũng như gái, đến bao quanh tôi để hỏi cách tôi giải toán như thế nào. Tôi phải tốn nửa giờ để giải thích cho các bạn nghe.

Như chương trình vạch sẵn, tôi không đi ăn cơm trưa ngay mà quay về chỗ ngủ. Chẳng hiểu sao, mấy thằng bạn mắc dịch cũng theo tôi về đó nốt. Sau khi lau mình, thay quần áo, tôi chạy vòng ra sau nhà cầu, định làm lại trò hôm trước.

Khi vừa nhẩy qua hàng rào, thì có tiếng la:

- Ê! Tụi bay ơi! Thằng Hiệp nhảy hàng rào!

Tôi cắm đầu chạy thật lẹ, lúc đến nơi tôi đã thấy An đang ngồi chờ. Chưa kịp gọi cơm, chúng tôi đã thấy một đống mấy tên cốt đột đã đứng ở cửa.

Saturday, February 21, 2015

Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 83


Theo Việt sử toàn thư, trang 259, năm 1283  nhà Trần đã tuyển mộ được một con số 20 vạn quân để chuẩn bị cho cuộc chiến chống xâm lược. Đó là dân đinh vùng Thanh Nghệ chưa tuyển đến.

Trong quyển sử “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm, trang 189 đã ghi về số quân kháng Mông trong lần thứ hai như sau: “…các đạo quân về tập hợp ở Vạn Kiếp mới chỉ là quân các lộ miền đồng bằng Bắc bộ. Nhưng quân số đó đã rất lớn. Riêng số quân các vương của Trần Quốc Tuấn cũng đã lên tới hai mươi vạn.

Nhân đấy vua Trần Nhân Tông làm hai câu thơ đi vào lịch sử:

Cối Kê cựu sự quân tu ký

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.

 (Cối Kê[1] chuyện cũ người lên nhớ,

 Hoan Diễn còn kia chục vạn quân)

Đến trang 292 lại thấy nói tới số quân Đại Việt trong lần thứ ba: “Ba mươi vạn quân trải ra suốt hơn một trăm dặm để chặn đường về của chúng.”

Hốt Tất Liệt sai con[2] cầm quân sang đánh Đại Việt và họ biết nước mình có số quân rất lớn. Bạn đọc có bút hiệu Lê Hải Nam đăng trên diễn đàn VVH về vấn đề con số lính Nguyên sang đánh Đại Việt ở sử Việt là phóng đại. Ngày 12 tháng 4, 2007, có đoạn viết:

“Năm 1257, quân của Ngột Lương Hợp Thai (Uryangkadai) xâm lăng Đại Việt gồm 25000 quân (trong đó có 15 ngàn quân của nước Đại Lý).

Năm 1283 đánh Chiêm Thành do Sugetu (Toa Đô) chỉ huy gồm 25000 quân (đợt đầu 5000 quân, sau bổ sung 2 vạn vì nghe quân Đại Việt giúp Chiêm Thành 2 vạn quân, ghi chép trong An nam truyện).”

Đọc đoạn trên ta thấy gì?

Theo bài đăng của bác Lê Hải Nam thì Toa Đô xin thêm 2 vạn để đối phó với 2 vạn binh Đại Việt vào đây giúp Chiêm Thành. Điều này này chứng tỏ rằng Nguyên Mông rất biết khả năng chiến đấu của lính Đại Việt, nên mới xin thêm một số quân tương đương. Vậy Thoát Hoan biết ta có trên 20 vạn binh sẵn sàng chờ quân Mông thì họ phải đem bao nhiêu binh mới quân bằng?

 

C- Một câu hỏi khác: Sao đánh lần thứ 2 lại đông hơn lần 3? Vô lý chăng?

 

Xin thưa là không nghịch lý chút nào. Vì lần thứ 2 Hốt Tất Liệt muốn chiếm Đại Việt rồi dùng làm bàn đạp chiếm Đông Nam Á.

Ta cần phải để ý tới là ý định của Hốt Tất Liệt là muốn chiếm luôn cả Đông Nam Á. Đây là ý của Thành Cát  Tư Hãn, muốn ngự trị toàn thế giới. Cái tên Thành Cát Tư Hãn (Ghengis Khan) đã mang ý nghĩa ấy. Trong quyển A Traveller’s History of China  đã ghi khẩu hiệu mà ông ta đề ra được dịch sang Anh ngữ như sau: “One sole sun in the sky, one sole sovereign on earth” ( Chỉ một thái dương trên bầu trời. Chỉ một lãnh tụ trên mặt đất.) ” Điều này thấy rõ ràng là các con cháu ông ta đã mở mang càng ngày càng rộng lớn, chẳng bao giờ muốn dừng lại.

Muốn chiếm được Đông Nam Á thì Đại Việt phải là một bàn đạp và con số chưa đù. Vậy chiếm được Đại Việt, Mông Cổ sẵn có nguồn tiếp liệu lại có sẵn thanh niên mộ thêm lính. Vì vậy phải cho một số quân lớn để chiếm đóng, giữ đường thoái lui; số còn lại sẽ hợp với quân mới tuyển đi đánh các nước khác. Câu chuyện gần gũi với chúng ta là chuyện Mông Cổ chiếm Đại Lý, dùng quân Đại Lý đánh Đại Việt. Đây chính là chiến lược toàn cầu của Mông Cổ. Quân Mông phải đông vì Hốt Tất Liệt cũng như Toa Đô định chủ ý như vậy. Dứơi đây là một chứng cớ nữa về việc này. Quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” Trang 158 chép: “Vào một ngày tháng 11 năm Giáp thân (8-12-1284---6-1-1285) từ vùng đất phía bắc Chiêm Thành giáp Đại Việt, viên bại tướng Mông Cổ Toa-đô đã tâu về với Hốt-tất-liệt:

‘Giao Chỉ liền với đất Chân-lạp, Chiêm-thành, Vân-nam, Xiêm, Miến, nên lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ba đạo Việt-lý (vùng Quảng-trị ngày nay-G.T), Triều-châu (vùng bắc Quảng-đông Trung-quốc-G.T), Tỳ-lan (tây bắc đảo Hải-nam-G.T) lấy lương ở đó cấp cho quân sĩ, tránh được việc vận tải đường biển mệt nhọc.

Cũng trong quyển này ngoài số quân đã được liệt kê trên, phần chú thích ghi: “Nguyên sử Bản kỷ q.13, 2b chép rằng tháng 5-1284, A-ric Kha-y-a (A-lý Hải-nha) xin đến bờ biển thu nhặt quân tan vỡ ở Chiêm-thành để lại sai đi đánh phương Nam...”

Con số lính này không thấy cộng vào con số 92000 quân trên.



[1] Việt Vương Câu Tiễn được tin vua Ngô là Phù Sai đem Việt. Ông muốn mang quân ra đánh Ngô Phù Sai, trước khi quân Ngô xuất trận. Phạm Lãi can nhưng Câu Tiễn không nghe. Vua Ngô Phù Sai nghe tin đem tất cả tinh binh đánh quân Việt thua to ở Phù Tiêu. Câu Tiễn cùng 5000 quân chạy về giữ Cối Kê. Sau cũng phải hàng.
[2] chẳng biết có phải là thái tử không? Nhưng có sách viết là con thứ 9, có sách ghi là con thứ 11- Tuy nhiên việc chọn thái tử của Mông Cổ lại thường thích chon con út

Sunday, February 15, 2015

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 20


Vài ngày sau, thầy Ngọc tổ chức bữa tiệc chia tay cho lớp tôi. Chúng tôi phải mượn một lớp trống của trường tiểu học để làm tiệc, vì lớp tôi đã bị xung công để làm chỗ phân chia phần cho buổi lễ phát thưởng sắp tới. Ở cuối lớp này có một số bàn ghế hư chồng chất lên nhau.

Thầy Văn cũng đến tham dự ở phần đầu bữa tiệc. Mở đầu bữa tiệc, thầy Ngọc chúc chúng tôi thành công trong kỳ thi sắp tới, tiếp theo thầy Văn cũng chúc chúng tôi tương tự, nhưng thầy nhấn mạnh đến cái đạo đức trên cả học vấn. Thầy tiên đoán: chắc chắn có học sinh trong lớp sẽ đậu rất cao trong kỳ thi này, rồi thầy về lớp tiếp tục dạy học.

Thầy Ngọc cho khai tiệc, chúng tôi ngồi ăn, uống, nói chuyện riết rồi cũng nhàm. Thầy yêu cầu các học sinh trong ban văn nghệ ra giúp vui, nhưng chẳng ai hưởng ứng.

Thầy Ngọc nói:

- Các em ai có ý kiến gì làm cho bữa tiệc vui hơn không?

Cả lớp nhìn nhau.

Thầy lại nói:

- Tiệc cuối niên học thường rất buồn vì sự chia ly trong mùa hè. Thầy nghĩ chúng ta nên làm lớp vui lên một chút. Em nào có cách gì thì nói lên.

Tôi bèn đề nghị:

- Thưa Thầy; Thầy và mỗi bạn viết tên mình lên một tấm giấy nhỏ, bỏ vào một cái nón. Sau đó Thầy sẽ bốc lá thăm đầu tiên. Nếu tên ai được bốc ra, người ấy phải hát, hò hay làm bất cứ việc gì để giúp vui. Sau khi chấm dứt phần trình diễn, người ấy có quyền chỉ định người kế tiếp.

Thầy Ngọc cười:

- Ý kiến hay. Ai phản đối không?

Ý kiến này được cả lớp tán thành.

Chúng tôi thi hành ý kiến ấy. Thầy Ngọc bốc lá thăm mang tên Đỗ Thị Ngọc Thanh, nên Thanh bị hát đầu tiên, và sau khi chấm dứt cô ả chỉ định thầy Ngọc hát. Thầy cũng chẳng ngại ngùng hát bài tiếng Anh có tựa đề là: "Come back to Soriento" Cả lớp hoan hô Thầy nhiệt liệt. Tôi linh cảm thầy dẽ chỉ định An, và quả tình như vậy. Thầy chỉ định An là người kế tiếp. Nàng đỏ mặt, nhưng cũng cố gắng hát một bài.

Tôi lại có linh cảm rằng nàng sẽ chỉ định tôi sau khi chấm dứt. Thừa lúc mọi người chăm chú theo dõi An hát, tôi từ từ chui xuống gầm bàn rồi bò về cuối lớp, trốn bên dưới mấy cái bàn hư.

Khi chấm dứt, An nhìn một quanh vòng rồi ngồi xuống, trong khi bạn bè cổ võ nàng.

Thầy Ngọc hỏi:

- Sao em không chỉ định ai cả?

An đỏ mặt:

- Dạ dạ…

Thầy dục:

- Lẹ lên chứ! Chỉ định ai?

Nàng ấp úng:

- Thưa Thầy, em…em muốn chỉ định một người, nhưng…nhưng người ấy không có đây.

Cả lớp nhao nhao:

- Ai Vậy? Ai vậy?

An nhìn xuống bàn, ấp úng:

- Anh.. Hiệp.

Mọi người nhìn về chỗ Đức Phan, Hoa, Tiếng và Súy, vì tôi mới cùng họ ngồi ở bàn đó.

Thầy Ngọc hỏi:

- Đức, Hoa, Súy; Hiệp đi đâu rồi?

 Hoa trả lời:

- Thưa Thầy, anh ấy mới ở đây tức thời, mà bây giờ hổng biết đâu?

Cả lớp cười.

Thầy ra lệnh:

- Lập tức tróc nã tên này!

Mọi người túa ra đi tìm tôi: kẻ ra phía trước, người đến phía sau, nhưng không ai thấy tôi cả. Chợt Hoa và Tiếng nhìn xuống gầm bàn cuối lớp, rồi cùng hô lên:

- Anh ấy đây rồi!

Tôi lò mò chui ra khỏi gầm bàn, với màng nhện đầy đầu, trong khi cả lớp cười nghiêng ngả.

Thầy hỏi:

- Hiệp hát bài gì?

Tôi gãi tai:

- Em thật ngu đần quá, đem cái ý kiến này ra. Quả thật em không thuộc một bài hát nào hết!

Thật ra lúc nhỏ tôi ở đội thiếu nhi, thuộc rất nhiều bài hát, nhưng khổ nỗi các bài này là của CS miền Bắc như: Yêu yêu bác Hồ, Chiến Thắng Tây Bắc, Sông Lô Giang, Thắm thiết tình Việt Trung Xô... Còn lúc ở miền Nam, tôi lo học nên chẳng thuộc bài hát nào cả. Chẳng lẽ hát các bài ấy chăng?

Mấy bạn nói:

- Người đề xướng chương trình mà định trốn hả?

- Thôi, để tôi kể chuyện cho Thầy và các bạn nghe.

 Bất đắc dĩ, tôi kể một câu chuyện vui cho lớp. Xem ra cả lớp rất thích thú câu chuyện tôi kể.

Cuối tuần đó, nhà trường phát phần thưởng cho các học sinh xuất sắc trong năm. Tôi lại đoạt phần thưởng hạng nhất lớp, kiêm luôn phần thưởng danh dự toàn trường, nhưng bị cắt vì lý do phạm nhiều kỷ luật. Phần thưởng xuất sắc, từng môn như: Toán, Lý hóa, Việt văn... cũng bị hủy bỏ, vì thiếu tư cách. Chỉ còn phần thưởng hạng nhất trong kỳ thi hội họa toàn trường về: "Sóng biển hè" là còn được lãnh, tuy nhiên tôi cũng không tới để nhận phần thưởng ấy. Súy được phần thưởng hạng nhì, cùng phần thưởng xuất sắc về Anh văn, âm nhạc. Phần thưởng hạng nhì này được đưa lên thành hạng nhất, nhưng hắn cũng bỏ phần thưởng để chống lại quyết định của trường. Hành động của Súy làm tôi rất khâm phục, vì phần thường này rất có giá trị. Các sách vở, từ điển đủ cho các niên học tới, và nhà hắn rất nghèo thế mà hắn không thèm đếm xỉa tới.

Saturday, February 14, 2015

Đại Việt thắng Nguyên Mông- Bài 82


CHƯƠNG KẾT

 

Đây là phần đúc kết giải đáp các để tài:

I.                    Số quân của Nguyên Mông.

II.                 Đại Việt thắng là nhờ thời tiết ?

III.               Đại Việt thắng nhờ hình thể và địa hình?

IV.               Đại Việt thắng là vì Subutai không chỉ huy.

V.                 Kị mã Mông Cổ và bộ binh Đại Việt.

VI.               Du kích chiến không đáng phục.

VII.            Cung Mông Cổ vũ khí siêu việt. Chiến thuật Mông Cổ hay.

VIII.          Mông Cổ có thật sự thua không ?

 

I.                   Số quân của Nguyên Mông.

 

Đây là vấn đề mà ta đã tranh cãi rất lâu ở khắp nơi.

 

A-    Số quân của Nguyên Mông sang đánh nước ta là bao nhiêu? 

Con số lính Mông đánh lần thứ nhất thì gần giống nhau, đó là khoảng 20000 quân, nên không ai phản đối.

Theo sử Việt, con số sang đánh nước ta lần thứ nhì là 500000 quân và lần thứ ba là 300000 quân. Đa số các sử gia trên thế giới khi viết về chuyện Nguyên Mông sang Đại Việt đều không tin chuyện nước ta có khả năng đánh bại cả trăm ngàn quân Nguyên Mông. Trong quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400” khi viết về Đại Hàn hay Nhật Stephen Turnbull  đã bỏ ra gần chục trang để ghi lại các trận đánh, trong khi ấy đối với Đại Việt ông viết chỉ có 1 trang và không nêu lên một con số nào. Vì lý do ấy mà các sử gia trên thế giới chỉ viết rất đơn sơ chuyện Nguyên Mông sang Đại Việt. Mãi gần đây, sau hai cuộc chiến chống Pháp rồi Mỹ, thì một số sử gia thế giới đã hơi tin vào con số ấy.
Một số người đã đưa ra con số đánh Đại Việt lần 3, dựa theo Nguyên sử thì con số đó chỉ gần 100000, khác hẳn sử Việt.
Ta hãy xem qua phần Nguuyên sử ghi:
二十四年正月,发新附军千人从阿八赤讨安南。又诏发江淮、江西、湖广三省蒙古、汉、券军七万人,船五百艘,云南兵六千人,海外四州黎兵万五千,海道运粮万户张文虎、费拱辰、陶大明运粮十七万石,分道以进。置征交趾行尚书省,奥鲁赤平章政事,乌马兒、樊楫参知政事总之,并受镇南王节制。

“Tháng giêng năm thứ hai mươi tư [năm thứ 1286 Công nguyên], đem nghìn quân ở Tân Phụ theo A Bát Xích đánh An Nam. Lại chiếu lệnh đem bảy vạn người Mông Cổ, Hán, Khoán ở tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, năm trăm chiếc thuyền, sáu nghìn quân ở Vân Nam, một vạn năm nghìn quân người Lê ở bốn châu ngoài biển, Vạn hộ Trương Văn Hổ, Phí Củng Thần, Đào Đại Minh chuyển mười bảy vạn thạch lương theo đường biển, chia đường để đi. Đặt ra Giao Chỉ Hành thư tỉnh, Áo Lỗ Xích làm Bình chương chính sự, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp làm Tham tri chính sự tổng chi, hợp phong Trấn Nam Vương làm Tiết chế.”[1]

Vậy để thấy rõ về số quân chúng tôi xin liệt kê lại thành một bảng rồi làm một phép toán cộng.

 

Tháng giêng năm thứ hai mươi tư [năm thứ 1286 Công nguyên], đem nghìn quân ở Tân Phụ theo A Bát Xích đánh An Nam.
1000
Lại chiếu lệnh đem bảy vạn người Mông Cổ, Hán, Khoán ở tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng,
70000
Năm trăm chiếc thuyền, sáu nghìn quân ở Vân Nam
6000
Một vạn năm nghìn quân người Lê ở bốn châu ngoài biển, Vạn hộ Trương Văn Hổ, Phí Củng Thần, Đào Đại Minh chuyển mười bảy vạn thạch lương theo đường biển, chia đường để đi. Đặt ra Giao Chỉ Hành thư tỉnh, Áo Lỗ Xích làm Bình chương chính sự, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp làm Tham tri chính sự tổng chi, hợp phong Trấn Nam Vương làm Tiết chế.
15000
Tổng Cộng
92000

 

Vậy Nguyên sử sai hay Việt Sử phóng đại? Ta không nên tin tuyệt đối một nguồn nào cả.

Những người có chủ chương nói quân Nguyên vào Đại Việt ít vì họ dựa vào Nguyên sử và học chú ý tới số quân Mông trước thời thanh toán trọn vẹn Trung Quốc. Theo cách đó họ thấy số quân Mông đông nhất chỉ là 200000, để chống với 400000 quân của đế quốc Khwarezm (Khorezme). Khi nói đến đánh Nhật lần 2, Stephen Turnbull viết trong “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400” có số quân là 140000. Các trận đánh khác chỉ là 20000 là trung bình.

Theo ý riêng cá nhân, tôi nghĩ có thể Việt sử đã dựa vào các con số tình báo không xác thực lắm cùng với sự hư trương thanh thế của địch quân, rồi làm tròn số để có con số này. Trong khi ấy Nguyên sử cũng không thu thập hết tài liệu và đưa ra con số khác với ta.

Tại sao lại có chuyện ấy?

Bây giờ ta hãy tìm hiểu xem Nguyên sử là do ai viết và viết lúc nào? Nguyên Sử do các tác giả chính sau đây viết: Tống Liêm, Vương Vĩ và một số khác. Quyển sử này được biên soạn đầu đời Minh, theo lệnh của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (Theo sách của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm thì bài biểu dâng Nguyên Sử lên Minh Thái Tổ của Lý Thiện Trường đề năm 1269, như vậy sử được soạn một năm mà thôi. Vì Minh Thái Tổ lên ngôi sau khi đánh bại quân Nguyên năm 1368. (Nhưng theo Wikipedia thì quyển này được soạn năm 1370)

Khi thu lượm tài liệu thì Nguyên sử chắc chắn đã không thu lượm hết tất cả tài liệu từ thời Nguyên bởi các lý do sau đây:

1. Nhiều tài liệu có thể đã bị hư hại khi cuộc chiến gần đến ngày tàn chế độ Nguyên không ai bảo quản, vì đã gần 100 năm rồi.

 2. Lý do thứ hai là nhiều tài liệu bị chiến tranh phá hủy. Cháy kho chẳng hay mái chứa bị thủng vì bị đạn và mưa gió làm hủy hoại.

3. Lý do thứ ba là khi đến lúc phải bỏ chạy thì nước thua luôn luôn tìm cách hủy bỏ tài liệu càng nhiều càng tốt để tránh địch quân thu được các tin tức bí mật, quan trọng. Đốt bỏ như vậy sẽ giúp cho sự chạy trốn khỏi mang theo các vật nặng. Chuyện đốt bỏ tài liệu, nhất là hồ sơ quân sự là việc rất thông thường khi một triều đại nằm trong một tình trạng nguy khốn. Tuy nhiên, một triều đại càng tồn tại lâu bao nhiêu thì càng khó thanh toán hết tài liệu được bấy nhiêu. Nếu địch quân bắt được các tài liệu này thì không mấy tốt. Chuỵên đốt, hay phá hủy tài liệu là một việc phải làm trước khi bỏ chạy để bảo vệ sự bố phòng các nơi khác, các tổ chức quân đội hay các gián điệp.

Đến ngày nay, tại Hoa Kỳ một công ti, một văn phòng bị chính phủ điều tra vẫn cắt nát các tài liệu bằng máy. Chắc các bạn đọc còn nhớ vụ Enron, khi bị chính phủ truy tố, họ cũng đã cố gắng tiêu hủy tài liệu.

Trong Nguyên sử cũng đã ghi chuyện này:

“明日南王入其国室尽空惟留屡降敕及中牒文尽行外有文字皆其南北消息及拒事情”

“Ngày sau, Trấn Nam Vương vào nước ấy, cung điện bỏ trống cả, chỉ còn giữ lại các sắc lệnh, chiếu văn cùng tờ văn của Trung thư, hủy bỏ tất cả. Ngoài có văn tự, đều có quân địch ở biên giới nam, bắc của nước ấy sẽ cùng chống cự quan quân
Như tôi cũng đã viết trong các phần trước, ta không nên tin hẳn vào một lịch sử. Nếu chỉ tin vào Nguyên sử, Hoa sử, hay Việt sử thì có thể bị hướng dẫn thiên lệch
B- Tại sao các sử gia trên thế giới không tin con số lính Nguyên đánh Đại Việt phải đông?
 
1. Cái nhìn của các sử gia là so sánh. Họ nghĩ ngày nay các nước hùng cường như Nga, Nhật mà quân số không đông huống hồ Đại Việt. Nhưng họ không nghĩ đến điều Nga, Nhật thời đó không có chiến tranh lớn. Đại Việt thì khác hẳn, ta đã liên tiếp đương đầu với quân xâm lược phương bắc nhiều lần với số quân 10 vạn là thường. Và việc mới nhất là chuyện Lê Đại Hành đánh Nam Tống cùng Lý Thường Kiệt, Tôn Đản đã đánh Tống năm 1075-1076, quân số cũng như vậy. Với kinh nghiệm này quân Nguyên phải đem một số quân thật lớn hầu đè bẹp sức chiến đấu của quân dân Đại Việt. Hơn nữa vì đây là đất không phải là thảo nguyên, nên không hợp cho kị binh nên đa số quân sang xâm lăng Đại Việt là lính tuyển mộ ở Trung Quốc và chỉ là bộ binh. Kị binh bây giờ là lực lượng hỗ trợ mà thôi. Các tướng người Hán rất rõ dân Đại Việt, nên họ phải có một đạo quân lớn. Họ cũng biết là lính này không so sánh với lính kị binh Mông Cổ được, nên quân số phải đông. Và dẫu là lính Mông Cổ sang đây họ cũng không còn dũng mãnh như ở phương bắc. Trước đây chúng tôi đã viết J.A.G. Roberts cũng đã mô tả trong quyển sử về Trung Quốc và chúng tôi đã dịch: Các cuộc viễn chinh ở Đông Nam Á, đưa quân Mông vào vùng đất mà khả năng chiến đấu của họ không hữu hiệu và họ đã chịu thảm bại.
2. Quân Nguyên khác với Mông Cổ. Ngày trước khi đánh Khwarezm, Nga, Kim, Liêu thì quân Mông lúc ấy chỉ toàn là kị binh. Đến lúc đánh Nam Tống, họ đã phải dùng bộ binh và thủy binh mà kị binh đã là phần nhỏ. Quân số đánh Nam Tống lên đến 600000 quân. Lính đánh Đại Việt lại là lính tuyển từ Trung Quốc, một quân đội yếu thời ấy nên quân số phải đông để bù vào khiếm khuyết ấy. Như ta đã biết khi đánh Nhật, tin tình báo đã cho biết nước dễ đánh, vậy mà Hốt Tất Liệt vẫn cho đến 120000 quân sang vì đây là đạo bộ và thủy binh, rất ít kị mã.
3. Quyết tâm trả thù.
Một lý do khác mà rất nhiều người nghĩ là số quân Nguyên Mông sang Đại Việt phải rất lớn vì sự quyết chí trả thù của họ.
Sự căm tức của Hốt Tất Liệt chồng chất rất lâu vì các vua Trần tuy gọi là khuất phục để tránh đổ máu, nhưng chẳng bao giờ làm theo các đòi hỏi của ông ta cả.
Khi xưng đế ít lâu, năm 1275 Hốt Tất Liệt gửi vua Trần bài chiếu văn mà ban dịch thuật đại học Huế dịch từ quyển An Nam Chí Lược[1] trang 19 ghi lại: “Theo chế-độ của tổ-tông đã qui định, phàm các nước nội-phụ thì vua phải thân hành tới chầu, gửi con em làm tin, biên nạp dân số, nộp thuế-lệ, mộ dân trợ binh và vẫn đặt quan Đạt-lỗ-hoa-Xích để thống trị; sáu điều nói trên, năm trước đã có lời dụ cho khanh biết rồi, thế mà qui phụ đã hơn 15 năm, khanh chưa từng tới triều kiến một lần nào, và các điều qui định đến nay vẫn chưa thi hành; tuy rằng ba năm tới cống hiến một lần, nhưng các đồ cống hiến đều không dùng được.”
Năm 1278, Hốt Tất Lịêt lại gửi bài chiếu khác cho vua Trần Thánh Tông cũng trong quyển sách trên có đoạn sau: “Còn như nói: "vì đường xa không thể vào chầu". Thế thì bọn Lê-Khắc-Phục làm sao mà tới được? Hai điều đó là nói dối rõ-ràng.”
Vua Trần Nhân Tông lên ngôi mà qua mặt “thiên triều” cũng làm mất mặt Hốt Tất Liệt, nên ông ta lại gửi chiếu thư sang năm 1281. Quyển An Nam Chí Lược đăng lại: “Nay con không có lệnh của triều-đình mà tự lập lên làm vua. Ta sai sứ-thần qua triệu thì mượn cớ không đến chầu, nay lại thác ốm không đi, thật cố ý trái mệnh lệnh của ta, chỉ cho thúc phụ là Di-Ái vào bái yết. Ta liền muốn đem quân qua đánh.”
Sau lần xâm lăng thứ hai, Hốt Tất Liệt gửi bài chiếu sang nhà Trần năm 1286, và cũng quyển An Nam Chí Lược, trang 20 ghi lại: “Trước đây, nước khanh là Trần (chỉ vua Nhân-Tông nhà Trần) đã chịu thuần phục, theo niên lệ cống hiến, mà không chịu thân hành vào chầu. Nhân Trần-Di-Ái thúc phụ của ông ấy sang đây, ta giao việc nước An-nam cho y, sai sứ-thần đưa y về nước thì bị hại. Còn Đạt-Lỗ-Hoa-Xích là Bất-Nhẫn Thiếp- Mộc-Nhi của ta sai đến, lại bị khước đi, không tiếp nhận. Đến việc đem quân qua đánh Chiêm-Thành, lẽ nên tiếp-tế mà lại bỏ không cung cấp gì cả, vì vậy, Trấn-Nam-Vương Thoát-Hoan và Hành-Tỉnh A-Ly-Hải- Nha tiến binh, trong khi giao-chiến, hai bên đều có bị chết và bị thương.” Qua bài biểu này ta thấy rất căm tức trước sự cứng đầu của triều đình nhà Trần và không những thế đem quân sang đánh cũng bị thiệt hại.
Các chiếu thư, với các lời lẽ đe dọa mà nhà Trần vẫn không thỏa mãn lại còn dám đẩy Thoát Hoan trở về, giết chết Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán…Sự tức giận của Hốt Tất Liệt không kìm nổi. Năm 1288 ông lại gửi chiếu thư: “Trên danh nghĩa, Khanh đã phục tùng mà trên thực tế không hề tới chầu, đã mấy phen đưa thư sang mời, mà cứ cáo bệnh. Đến khi sai chú khanh quyền nghi giữ nước thì khanh công nhiên kháng cự và dám tự huyên sát hại. Còn A-Lý-Hải-Nha qua đánh Chiêm-Thành, mượn đường nước khanh, đã truyền lệnh sửa sang cầu đường và tiếp vận lương thực, khanh không những thất tín mà lại chống với quân ta, nếu không trừng trị, thì quy chế nhà vua còn đâu nữa.”[2]
Sau khi bị bão nhận chìm hạm đội Mông Cổ khi xâm lăng Nhật Bản lần thứ 2, Hốt Tất Liệt đã đình chỉ việc đánh Nhật và dồn mọi nỗ lực vào tấn công Đại Việt. Tài liệu Nguyên sử ông Tích Dã đã dịch như sau:
二十三年,帝曰:日本未相侵,今交趾犯,宜置日本,事交趾。
Năm thứ hai mươi hai, Hoàng đế nói: "Nhật Bản chưa từng xâm chiếm nhau, nay Giao Chỉ xâm phạm biên giới, nên bỏ Nhật Bản, chuyển đến liệu việc Giao Chỉ".
Tân Nguyên Sử cũng chép:
, 帝震怒,乃征日本兵,大伐安南。
“Nghe việc này, Hoàng Đế giận lắm, bèn bãi binh đi đánh Nhật Bản, phát động lớn đánh An Nam.”
Câu nói này biểu lộ lên sự căm tức, nóng lòng trả thù, dù rằng ta không xâm phạm đất Nguyên, nhưng ông ta đưa ra chuyện này là để có cớ gây nên một tình trạng tâm lý cho quần chúng mà đem số quân lớn sang đánh thôi.
Nên nhớ rằng khi đánh Nhật lần thứ hai số quân của Nguyên Mông là 140000 ngàn ngừơi, và đa số là thủy quân (gồm cả lính Cao Ly). Còn chuyện sang nước ta thì Nguyên Mông có thể sang bằng cả bộ lẫn thủy và bằng nhiều đường đi khác nhau. Số quân thì tuyển trong số cả toàn thể Trung Quốc và Đại Lý.
Một mặt khác, khi đã nhất định trả thù thì họ đem một đạo quân rất lớn thêm vào là ý thôn tính cả Đông Nam Á như chúng tôi đã bàn trên. Năm 1218, Thành Cát Tư Hãn cử một sứ đoàn đến Samarkand một thành phố của đế quốc Khwarezm. Hoàng đế nước này đã giết đoàn sứ giả ấy. Hai năm sau, Thành Cát Tư Hãn, đem một đạo quân 200000[3] ngàn kị binh Mông Cổ đến tàn phá trả thù giết gần hết dân thành phố thủ đô của đế quốc ấy. Lúc ấy, Mông Cổ chưa diệt được Kim, không hoàn toàn khuất phục Hạ nên đây có thể là đạo quân kị binh lớn nhất của Mông Cổ đem xâm lăng nước khác.
Khi quân Mông Cổ vào Đại Việt lần thứ nhất (1257 theo Việt Sử Tòan thư, hay 1258 theo nghiên cứu của GS Hà Văn Tấn) họ thấy sứ giả của họ bị trói. Khi mở thì một người đã bị chết. Như vậy họ có quyết tâm trả thù không?
Bây giờ lấy một thí dụ đơn giản của một thời gian nào đó: Gia đình bạn có hận thù với gia đình bên cạnh. Gia đình ấy có 3 người thanh niên, đánh nhau rất giỏi; có lần nó đã đánh hai người nhà bạn u đầu, bỏ chạy. Bây giờ bạn lại sai con bạn cầm đầu mấy người nhà sang đánh trả thù, vậy số người đó phải là bao nhiêu để con bạn không bị bể đầu, gãy răng?


[1] Ấn bản điện tử do các ông Lê Bắc-Công Đệ- Doãn Vượng. Tất cả các bài biểu mà Hốt Tất Liệt gửi cho nhà Trần đều trích từ đây, nếu không có phụ chính khác.
[2] Trích trang 20- Annam Chí Lược.
[3] Theo Stephen Turbull với quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400” và “Cambridge Illustrated History of China” của Patricia Buckley Ebrey.


[1] Tích Dã dịch.