Sunday, May 10, 2015
Xin Lỗi:
Xin Lỗi:
Lâu nay tôỉ bì kẻ gian dùng thẻ mua các thứ trên online của Google Play nên tôi phải cancel thẻ. Vì vậy Google cũng đóng luôn picture storage của tôi mà mỗi tháng tôi phải trả tiền.
Vì các bài đăng thường có kèm thêm hình, nên tôi phải ngưng đăng bài.
Tôi đang reapply laị và Google đang phối kiểm, nên dăng bài không liên tục được. Xin các bạn đọc thứ lỗi.
VHKT
Sunday, May 3, 2015
Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 31
Về đến nhà, tôi dở quyển sách nhạc để vẽ tựa cho nàng. Bài nhạc đầu tiên tôi viết tựa là bài "YOU ARE MY DESTINY" (Có nghĩa: Anh là vận mệnh của em). Bản nhạc này do ca sĩ trẻ tài danh Paul Lanka trình bày. Trong bản nhạc, cứ mỗi lần có câu đó, tôi thấy nàng đều viết chữ in trong ngoặc kép. Đến bản thứ hai là "I LOVE YOU." (Em Yêu Anh) Bản thứ ba mà tôi viết tựa là bài "WHY" của ca sĩ Franky Avalon. Trong đó có câu sau: "I'll never let you go. Why? Because "I LOVE YOU." (Em sẽ không bao giờ để anh đi. Tại sao? Tại vì em yêu anh) Và những bài nhạc kế tiếp, cứ mỗi khi có câu "I love you" tôi thấy nàng đều viết chữ hoa trong vòng ngoặc kép. Tôi nghĩ thầm: "Chắc nàng có nhiều cảm tình với mình chăng?" Tự nhiên, tôi cũng cố sức nắn nót ngòi viết, cây cọ để diễn tả cái cảm tình của tôi đối với nàng qua các tựa bài nhạc hay các hình vẽ.
Dù cố đè nén, tôi vẫn không thể ngăn được tình yêu của tôi đối với nàng. Mỗi lần trao đổi nhạc, tôi lại tặng nàng một trái trứng cá và cũng như trái đầu tiên, những trái đó được giữ trong hộp cho đến khi hư thối, rồi bỏ đi.
Một hôm, tôi tới trao nàng quyển nhạc, tình cờ thấy nàng đang cầm bản "NỖI LÒNG" của nhạc sĩ Hoàng Trọng, hát nhỏ nhỏ một mình.
Thấy tôi, nàng mắc cỡ ngưng hát.
Tôi hỏi:
- Kim cũng thích hát nhạc Việt à?
Mỉm cười, nàng trả lời:
- Có một số Kim thích lắm, như bản ni chẳng hạn.
- Kim hát cho tôi nghe được không?
Nàng đỏ mặt e lệ, thì thầm:
- Kim hát dở lắm! Sợ Hiệp cười.
- Tôi nào dám cười, vì tôi không biết hát.
Kim lấy giọng cất tiếng. Giọng hát nàng cũng khá hay, khi nàng hát đến câu:
"Em ơi giờ đây gần tôi, sao em ngại ngùng không nói lên lời. Có biết chăng tiếng lòng tôi..."
Tôi bỗng thấy nàng liếc nhìn tôi, với ánh mắt thật trìu mến, làm tâm hồn tôi rung động.
Khi hát xong, nàng hỏi tôi:
- Hiệp có thích bản ni không?
Tôi gật gù:
- Bản nhạc thật thấm thía.
- Để Kim tặng Hiệp bản ni hỉ.
Nói xong nàng trao cho tôi bản nhạc đó.
Từ đấy, mỗi khi nhàn rỗi và nhớ tới nàng, tôi xách cây đàn guitar ra gẩy và nghêu ngao hát.
***
Thật ra nhà tôi nghèo nên không thể mua đàn guitar để chơi. Từ lúc còn học ở trung học Vũng Tầu, tôi thấy Thiện hay chơi đàn guitar, nên ao ứơc có một cái để học, nhưng biết thân phận mình nên tôi dẹp mộng đó đi.
Tôi có người anh họ tên Võ Tiết, sau này đổi họ thành Lê Tâm Thăng. Anh làm việc cho đài phát thanh Sàigòn. Một lần lại thăm anh, tôi thấy anh có cây đàn guitar mới tinh treo trên tường.
Tôi hỏi:
- Anh Thăng. Anh cũng biết chơi guitar sao?
Anh lắc đầu:
- Anh biết mẹ gì! Đàn bà thì còn biết chút chút, chứ đàn thật thì mù tịt.
- Sao anh lại có đàn?
Chị Thăng đỡ lời:
- Anh dự liên hoan ở sở và trúng số đó.
Tôi thèm lắm nhưng không dám xin.
Năm trước khi tôi thi tú tài I ban toán, thì anh thi tú tài I ban văn chương. Lúc tôi đậu thi viết, anh cũng đậu thi viết, nhưng sau đó bận rộn tôi không biết kết quả vấn đáp của anh ra sao.
Sau khi tôi đậu vài hôm, tôi lại nhà anh thăm vợ chồng anh, thấy anh ngồi ú rũ.
Tôi hỏi:
- Anh Thăng. Kết quả ra sao?
Anh lắc đầu chán nản, thì chị Thăng nói:
- Anh ấy trượt rồi.
Tôi sửng sốt:
- Thật không?
Anh gật đầu:
- Thật, nhưng anh bị trượt môn vấn đáp, mà đau nhất anh trựơt vì toán chú Hiệp ạ.
Chị Thăng nói:
- Chú Hiệp, chú giỏi toán lắm. Chú lại kèm toán cho anh đi. Đậu anh chị thưởng cho.
Kể từ ngày ấy, tối tối, tôi lại nhà anh kèm anh toán.
Kỳ thi thứ hai tới, anh lại đi thi vấn đáp.
Sau khi thi vài tuần, tôi lại đến nhà anh chị tìm xem kết quả như thế nào.
Thấy tôi, cả hai anh chị cười tít mắt:
- Anh đậu rồi chú Hiệp ạ!
Tôi vui mừng:
- Chúc mừng anh chị.
Anh nói:
- Phải thú thật rằng, cách giảng bài của em dễ hiểu hơn mấy ông thầy anh học ở trường.
Chị Thăng hỏi:
- Này ông thầy tí hon, ông muốn thưởng gì đây? Vàng bạc, kim cương thì không có, nhưng chút tiền còm thì có liền.
Tôi nhìn quanh không thấy cái đàn đâu nữa.
Tôi nói:
- Tiền nong sài rồi cũng hết. Em muốn có một kỷ niệm, nhưng không thấy nữa. Anh đậu là em mừng rồi.
Anh hỏi:
- Chú muốn kỷ niệm gì?
- Trước kia em thấy anh có cái đàn nên muốn xin anh.
Chị Thăng cười ròn rã:
- Anh chị đem cất trong buồng ấy. Ai đến cũng yêu cầu anh đàn, mà anh đàn con khỉ gì! Chỉ đàn tì bà hay tì đàn bà là được thôi! Để anh chị tặng chú.
Kể từ ngày ấy, tôi có cây đàn. Mang về nhà, mua sách tự học Tây ban cầm, nhưng không có kiếu nên đàn cũng dở ẹc.
Saturday, May 2, 2015
Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 93
Trong cuối thập niên 1990, chính phủ Mỹ đã đến trao tặng huy chương về sự hợp tác cho dân thị trấn cùng làm một tấm bia ghi tên 28 dân làng và 32 quân nhân Mỹ đã hy sinh nơi đây. Đặc biệt bà cụ Martha được huy chương cao quý vì sự hy sinh can đảm của bà.
Thời kháng chiến chống Pháp, đa số dân ở các vùng Việt Minh kiểm soát đều biểu hiệu tinh thần yêu nước nên cũng làm điều mà người ta gọi là chiến tranh nhân dân. Đến như ngày nay, khi một nước muốn có chiến tranh với nước khác, thì trước hết phải được dân ủng hộ. Năm 2003, lúc Liên Hiệp Quốc đang điều tra xem Saddam Hussein có loại vũ khí giết người hàng loạt không thì chính phủ Bush nói là có. Vì sự tuyên bố của Tổng Thống nên 70% dân Mỹ ủng hộ đánh Iraq; quốc hội liền thông qua, rồi quân Mỹ ào ào tấn công. Nhưng bây giờ sau vài năm, chẳng thấy gì dân chúng bất mãn, con em họ chết cũng bộn, nên 70% dân không tin Bush. (Dân Mỹ ngây thơ vô (số) tội thật!)
Quan niệm về lấy nhân dân làm lính không phải mới xuất hiện, mà có từ thời Đông Chu Liệt Quốc. Tôn Tử nói: “Bậc minh quân hiền tướng, để hành động mà thắng người, thành công là ở dân chúng, ấy là bậc tiên tri. Bậc tiên tri không thể lấy từ quỷ thần, không thể dựa vào tượng trời mà làm việc, không thể suy nghiệm qua tính toán thiên văn, nhất định phải lấy từ con người nắm được tình hình kẻ địch.” Đó chính là dùng dân làm tình báo. Sau này các nhà binh gia nổi tiếng như Ngô Khởi, Điền Kị, Khổng Minh… đều dùng dân làm căn bản trong chiến thắng.
Bài học trên cho thấy Đức, Mỹ đều là người nước ngoài, nhưng dân Pháp giúp Mỹ vì họ thấy được cái chính nghĩa của sự hiện diện những quân nhân này.
Vì nhận thấy khi chinh phục được nhân tâm, dân chúng sẽ giúp quân đội đánh giặc nên ông Mao Trạch Đông đã đề xướng ra thuyết “Chiến Tranh Nhân Dân”, “Quân Đội Nhân Dân.” Tất cả mọi người già, trẻ, lớn, bé đều có thể trở thành lính. Một điểm quan trọng là các nước đều có việc naỳ, nhưng Trung Quốc đã đề ra sách lược hẳn hoi. Miền Nam Việt Nam trứoc kia cũng có “Quân Đội Nhân Dân” vậy; đó là Ấp Chiến Lược và Nhân Dân Tự Vệ. Ấp chiến lược thì thất bại hoàn toàn, còn Nhân Dân Tự Vệ tương đối thành công ở các thành phố, nhưng tại nông thôn cũng chẳng có gì.
Tôi đồng ý “Chiến Tranh Nhân Dân”, “Quân Đội Nhân Dân.” Có lợi mà cũng có hại. Có lợi là giặc không biết ai là lính thật, ai là lính giả và có thể bị tấn công bất kỳ lúc nào. Có hại là hại cho người dân thường bị giặc tàn sát dã man. Theo thiển ý, đàn bà (dân thường) và con nít không nên trực tiếp tham chiến. Tuy nhiên chỉ giúp đỡ và yểm trợ tinh thần thì đâu phải là trực tiếp tham chiến. Còn nếu là nữ quân nhân tự nguyện tham gia quân đội nếu bị giết thì là chuyện thường và họ cũng hãnh diện hy sinh vì tổ quốc. Nữ quân nhân thì ngày nay khắp mọi nước đều có, kể cả VNCH ngày xưa. Hải quân Thụy Điển là nước tiên phong cho một nữ quân nhân làm chỉ huy trưởng một tầu ngầm tác chiến. Phi Luật Tân có vài kinh tốc đỉnh tác chiến loại DF343 điều khiển và chỉ huy toàn là nữ giới.
Một điều đáng chú ý là “Chiến Tranh Nhân Dân”, “Quân Đội Nhân Dân” không dễ để thực hiện đối với quân xâm lược. Họ chẳng làm nổi, hay chỉ là một giai đoạn ngắn lúc đầu dân sẽ tin họ, nhưng về lâu về dài đa số đều thất bại. Riêng đối quân nước bị xâm lược thì các nhà lãnh đạo phải làm cho dân thấy chính nghĩa và quân đội phải tỏ ra bảo vệ dân, không cướp bóc dân mới thực hiện được. Một bằng cớ cụ thể là lúc Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, nhân dân oán hận nên không thể thực hiện được chiến tranh nhân dân, rồi rốt cục nước ta bị nhà Minh xâm chiếm, đô hộ trên 20 năm. Riêng đối với một cuộc nội chiến thì người dân nhìn vào cả hai nhà lãnh đạo với cách trị dân như thế nào để quyết định ủng hộ ai.
Friday, May 1, 2015
Lưu Vũ Tích: Xuân từ
春 詞
新妝宜面下朱樓,
深鎖春光一院愁。
行到中庭數花朵,
蜻蜓飛上玉搔頭。
劉禹錫
深鎖春光一院愁。
行到中庭數花朵,
蜻蜓飛上玉搔頭。
劉禹錫
Xuân từ
Tân trang[1] nghi diện hạ chu lâu ,
Thâm tỏa xuân quang nhất viện sầu .
Hành đáo[2] trung đình sổ[3] hoa đóa ,
Tinh đình[4] phi thượng ngọc tao[5] đầu.
Lưu Vũ Tích
Tân trang[1] nghi diện hạ chu lâu ,
Thâm tỏa xuân quang nhất viện sầu .
Hành đáo[2] trung đình sổ[3] hoa đóa ,
Tinh đình[4] phi thượng ngọc tao[5] đầu.
Lưu Vũ Tích
Lời Xuân
Trang điểm cho xinh bước xuống lầu.
Nắng xuân buồn chiếu viện trong sâu.
Tần ngần đi đếm hoa vài đóa.
Đâu đến chuồn chuồn ghẹo chốc đầu.
VHKT
Điểm trang xong bước xuống lầu.
Nắng xuân chiếu đến viện sâu lạnh lùng.
Đi đếm hoa nở sân cung.
Trên đầu, chuồn đến để cùng ghẹo chơi.
VHKT
Sunday, April 26, 2015
Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 30
Ngày 27 tháng 2,
năm 1962, một biến cố chính trị khác đã xảy ra ở miền Nam. Đó là cuộc dội bom
Dinh Độc Lập. Quả bom thứ nhất đã phá hủy một phần Dinh Độc Lập, quả thứ hai
rơi ngay miệng hầm trú ẩn của gia đình ông Diệm, Nhu và cả Đức Giám Mục Ngô
Đình Thục. Nhưng quả bom này không nổ. Gia đình ông Diệm may mắn đã thoát chết
trong đường tơ kẽ tóc. Biến cố mày cũng làm tôi suy nghĩ nhiều về nền chính trị
của Việt Nam Cộng Hòa. Có lẽ tuổi tôi còn quá nhỏ để nhìn thấy những bí ẩn của
Tổng Thống Diệm chăng?
Một ngày vào đầu
năm 1962, bố mẹ tôi làm một bữa tiệc để khoản đãi gia đình ông Th. Chiều hôm đó,
tôi lăng xăng giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, bầy biện bàn ghế...và lâu lâu chạy ra
nói chuyện với chị em của Kim.
Dọn dẹp xong,
tôi ra cạnh nhà tìm Kim và Lư. Tôi thấy Kim đang cầm một cái sào nhỏ, chọc
những trái trứng cá chín đỏ mọng trên cây. Tôi thầm nghĩ, cô gái này chẳng có
câu nệ nghèo giầu gì đâu? Nếu cô ta tỏ ra là tiểu thư khuê các đời nào đi chọc
mấy trái trứng cá mắc dịch này của con nhà nghèo làm gì?
Tôi hỏi:
- Kim thích mấy
trái trứng cá này hả?
Nàng cười tươi
như hoa, trả lời tôi với giọng Huế:
- Kim thích chứ!
Có một quả to quá ở đầu cành tê tề, nhưng cao quá Kim lấy không được.
- Để tôi leo lên
hái xuống cho Kim.
- Coi chừng nguy
hiểm đó Hiệp.
- Không sao! Trò
chơi con nít mà.
Nàng đâu biết rằng thủa nhỏ tôi
là một tên mục đồng, leo trèo, lăn lộn giữa rừng núi đầ trăn rắn và
thú dữ. Rồi vào đây thì bị cao bồi, du đãng ức hiếp, đánh nhau hàng
ngày.
Tôi leo lên và
hái trái đó xuống cho nàng.
Trái này to hơn
các trái khác nhiều.
Kim mừng lắm:
- Hiệp, Hiệp có
mảnh giấy trắng không?
- Có chứ, mà Kim
định làm gì vậy?
- Kim gói quả
trứng cá ni về nhà.
Tôi nghĩ bụng:
"Tại sao nàng lại gói trái này về nhà làm gì? Sao không ăn quách cho
rồi?"
Tôi cười:
- Theo tôi!
Tôi đưa nàng vào
nhà, rồi tới cái bàn học bừa bộn của tôi. Tôi đã từng chiếm giải quán quân về
bừa bộn, nên cái bàn này nhìn rất khủng khiếp. Trong khi tôi tìm cho nàng một
tờ giấy trắng, nàng xếp lại mấy quyển sách của tôi cho thật ngăn nắp.
Tôi cười chữa
thẹn:
- Kim à! Tôi chiếm giải vô địch về bừa bộn đó.
- Con trai, ai mà không bừa bộn.
- Nhưng tôi là số một. Kim không nói thế tôi buồn lắm đó.
Kim cười, cầm một quyển vở bìa dày xếp vào góc bàn, rồi hỏi:
- Quyển chi đó?
- Quyển sách chép các bài nhạc ngoại quốc ấy mà.
- Kim coi được không?
- Được chứ, cứ tự nhiên.
Vài năm trước, sau khi An yêu cầu tôi hát trong dịp tất niên, nhưng tôi
không thuộc bài hát nào cả. Tôi rất hận mình, vì đã không thỏa mãn được lời yêu
cầu của người đẹp, nên tôi đã lên đài phát thanh xin những lời của các bài nhạc
ngoại quốc yêu cầu, rồi ghi vào một quyển sách. Đó cũng là một cách học Anh văn
của tôi.
Lật vài trang, Kim hỏi:
- Ai viết tựa và vẽ cho Hiệp vậy?
- Tôi làm lấy đó Kim à.
- Nhìn đẹp lắm. Hiệp có thể vẽ tương tự cho Kim một quyển được không?
- Được chứ!
- Ngày mai, Kim sẽ mua một quyển sách, rồi ghi lời bài hát. Ngày mốt, Hiệp
đến nhà Kim lấy hộ được không? Kim không có xe đạp mà.
- Không sao cả, ngày mốt tôi đến nhà Kim, sau khi tan học.
Hai hôm sau, tôi tới nhà Kim. Nàng vui như một con chim non, dẫn tôi vào
phòng học của nàng, rồi lôi một quyển sách, và trao cho tôi. Bất thình lình,
tôi thấy trái trứng cá đỏ ối mà tôi đã hái cho nàng hai ngày trước còn y
nguyên, nằm trong một cái hộp bằng plastic, trên bàn, và ngay phía trước cái
ghế ngồi của nàng. Chung quanh trái trứng cá được chèn bằng bông gòn trắng
tinh. Giá trị của chiếc hộp đó quá cao so với trái trứng cá. Tôi nghĩ cô gái
nhà giầu này chỉ cần bỏ ra một vài đồng thì có thể mua cả một rổ trái trứng cá,
chứ cần gì phải làm thế này. Hay...hay là...?
Tôi hỏi:
- Kim, sao.. sao Kim không ăn trái trứng cá mà để làm gì vậy?
Mặt Kim bỗng đỏ bừng, thẹn thùng nói:
- Không...không...Kim chỉ...chỉ để ngó cho vui thôi.
Tôi không những thấy nàng chỉ đẹp, mà còn duyên dáng dễ yêu nữa. Tim tôi
bất chợt đập thật mạnh không lẽ...Tôi vội dẹp ngay ý tưởng đó, tự nhủ thầm:
"Mình có gì mà nàng để ý đến mình. Đừng mơ tưởng hão huyền!"
Chúng tôi nói chuyện thêm một lúc, rồi chia tay.
Saturday, April 25, 2015
Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 92
CHƯƠNG CUỐI-
TRANH LUẬN (TT)
Những nhà quân
sự nổi tiếng về du kích chiến gần đây là: Cossacks, Mao Trạch Đông, Võ Nguyên
Giáp, Abd el-Krim, Tito, Micheal Collins, Tom Barry, Che Guevara, Hồ Chí Minh
và Charles De Gaulle. Như vậy hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nghiên
chiến thuật du kích. Trong các danh nhân này chắc rằng mọi người đều nhận ra
các tên: Tito thủ lãnh Nam Tư, Charles De Gaulle thủ lãnh Pháp, Micheal Collins
thủ lãnh Irish (1890-1822), Tom Barry thủ lãnh Irish Republican Army (1897 –
1980), Che Guevara thủ lãnh ngừơi gốc Á Căn Đình (Argentine). Các vị này đều là
các người to con chứ không nhỏ, nhất là De Gaulle. De Gaulle đã lãnh đạo dân
Pháp trong cuộc du lích chiến chống Đức trước khi Đồng Minh đổ bộ lên Normandy
ngày 6 tháng 6-1944.
Du kích chiến
chỉ là đoản kỳ, trước khi bước sang trận địa chiến. Thật vậy, ông Mao trạch
Đông đã viết Du Kích Chiến chia làm ba giai đoạn:
·
Dùng tuyên truyền lấy lòng dân. Phá hoại guồng
máy chính quyền.
·
Gia tăng tấn công quân đội chính quyền và các cơ
cấu trọng yếu.
·
Áp dụng chiến tranh quy ước, bao vây thành phố,
lật đổ chính quyền.
Đừng nên nghĩ
rằng đánh du kích là vì thiếu ăn làm người nhỏ đi. Nước ta đẹp đẽ nhưng nghèo
nàn chiến tranh liên miên hết ngoại xâm lại nội thù, đời sống dân tình không
được phong phú, nên người Việt Nam ta nhỏ con. Như lính Mỹ đi đánh du kích có
thiếu ăn đâu?
Còn đánh nhau
đường đường chính chính thì mình cũng đánh đó chứ? Nhưng các trận này giặc đều
thua cả. Bạn không thấy trận Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên sao…Đó là
các trận sau khi giai đoạn du kích chiến đã qua. Để nhắc lại cho bạn nhớ. Pháp
muốn nhử bộ đội Việt Minh đương đầu với họ trong một trận chiến quy ước, hầu
dùng vũ khí tiêu diệt, nên họ tạo ra trận Điện Biên Phủ đó bạn ạ. Sau trận đó,
bộ đội Việt Minh đã hiên ngang bước vào Hà Nội, trong khi Pháp đã không hãnh
diện khi phải rút lui khỏi Việt Nam.
a.
Chiến
tranh du kích ảnh hưởng tới con cái không?
Vài người đưa ra
ý kiến nếu áp dụng du kích nhiến thỉ sinh con nhỏ đi vì để phù hợp với môi
trường.
Không phải vì
đánh du kích mà sinh con đẻ cháu không to lớn khỏe mạnh. Thường thường, ngừơi
thông minh chưa chắc là lớn con trong cùng chủng tộc. Cái thông minh cũng quan
trọng lắm. Tôi nhắc lại vài chuyện để chúng ta cùng thấy sự thông minh quý đến
chừng nào. Sử Trung Quốc đề cao Khương Tử Nha, người thông minh, đến 80 tuổi
mới giúp nhà Châu lập nghiệp. Đời Tam Quốc có Khổng Minh tuy ông không to con
và khỏe như Quan Vân Trừơng, Trương Phi, không võ nghệ tuyệt luân như Triệu Tử
Long, nhưng tất cả các người này đều nghe lệnh ông đánh đâu thắng đó…
Trong trận chiến
Thái Bình Dương năm 1941-1945, hàng triệu chiến sĩ to lớn của Mỹ lăn mình trong
lửa đạn trong hơn 3 năm và hàng trăm ngàn người đã ngã xuống nhưng Nhật vẫn
không đầu hàng. Thế mà với nhà vật lý học tài danh Robert Oppenheimer, chẳng to lớn gì lắm, đã điều kiển tổng cộng
130000 nhân viên trong đó có vài ngàn kỹ sư và khoa học gia làm việc cho chương
trình có tên là Manhattan
Project. Chương trình này đã sinh ra Little Boy và Fat Man. Đó là
tên hai quả bom nguyên tử làm Nhật phải đầu hàng.
Tóm lại sự thông
minh rất quan trọng.
c.
Có
người lại nói đánh nhau không nên cho đàn bà ra trận.
Trong thực tế
việc này xẩy ra rất nhiều, đó là sự phát sinh từ lòng mến chuộng binh sĩ và
chính nghĩa nên dân tự động làm và không tại chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nơi
trên thế giới. Cường độ dân tham gia vào cuộc chiến có khác nhau, tùy theo sách
lược của họ. Đó chính là Công Tâm và Chính Nghĩa mà tôi đã bàn ở phần đầu của
loạt bài viết này. Trong thế chiến thứ hai, dân chúng các nước bị Đức, Nhật xâm
chiếm vẫn thường làm việc ấy. Nhân dân các nước Pháp, Nam Tư, Đông Âu Phi Luật
Tân…vẫn thường che trở, giúp đỡ, cho lương thực các lính Đồng Minh khi họ bị
lạc lối hay làm các công tác đặc biệt.
Sau đây là câu
chuyện thật để chứng minh về nhân nhân chiến đấu của Âu Mỹ. Chuyện này đã được
chiếu trên History Channel. Thật hứng thú để xem lại một đoạn phim nói tới trận
đánh ở tỉnh Graingne liên quan đến ngày 6-6-1944, khi quân Mỹ đổ bộ lên
Normandy.
Tôi viết lại
theo trí nhớ để các bạn cùng xem.
Khoảng nửa đêm
ngày 5-6 trước khi có cuộc đổ bộ lên bờ biển thì khoảng 10000 lính nhảy dù Mỹ
được thả xuống hậu phương sau phòng tuyến tại Carentan. Lực lượng này có nhiệm
vụ chặn quân tiếp viện cũng như triệt hạ các điểm phòng thủ bờ biển, giúp cho lực lượng đổ bộ lên đây dễ dàng và bớt đổ
máu.
Tuy nhiên các cỗ
súng cao xạ của Đức đã làm cho cuộc nhảy dù có nhiều xáo trộn. Một đơn vị nhỏ
của lực lượng này bị lạc mục tiêu và thả xuống một thị trấn nhỏ tên Graingne
phía nam Carentan trên 20 km và cách bờ biển đổ bộ đến trên 40 km. Một số rơi
xuống đầm lầy bị chết chìm; một số bị vướng trên cây bị quân Đức giết chết ngay
tại chỗ. Số còn lại rải rác trên 1km2. Tất cả cũng lần mò gặp nhau,
tập hợp thành một đơn vị gồm 182 quân nhân. Tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của
một thiếu tá và một đại úy.
Vị Thiếu tá chỉ
huy cùng ban tham mưu không biết chỗ đáp xuống là đâu, nên quyết định đến gõ
cửa nhà dân. Gia đình này có cô con gái độ 10 tuổi tên Martha. Cả nhà cô Martha
đã tận tình giúp cho các lính Mỹ xa lạ và cho họ biết nơi đáp xuống. Ông thiếu
tá, thấy họ quá xa mục tiêu, nên quyết định dừng qnân và chặn đường quân tiếp
viện của Đức.
Sáng hôm sau, cả
tỉnh biết tin và toàn dân nơi đây kể cả ông linh mục, cùng thị trưởng của tỉnh
đồng lòng giúp các lính Mỹ. Dân chúng đi thu lượm thực phẩm và lấy hết các cánh
dù vương vất chung quanh để Đức không tìm ra dấu vết. Cô Martha cũng đi làm
việc này và cô lấy được một cái dù trắng toát. Hàng ngày cô bé nhỏ xíu đi thu
góp lương thực của làng, và cả các làng bên đêm về nuôi các người lính không
cùng ngôn ngữ với cô.
Chỉ vài hôm sau,
thì lính Đức cũng biết và một lực lượng 3000 quân được phái tới. Ông thiếu tá,
lập tức ra lệnh phá chiếc cầu duy nhất để chặn tăng và lập tuyến phòng thủ. Tuy
nhiên, vũ khí của đoàn lình này chỉ có súng cá nhân và súng cối, trong khi ấy
lính Đức có đủ súng hạng nặng.
Cuộc chạm súng
khốc liệt xẩy ra, một số lính Mỹ bị thương được đem về nhà thờ cứu chữa. Dân
của thị trấn hết lòng lo cho họ.
Sau mươi hôm chiến
đấu, và gây tổn thất nặng nề cho địch, nhưng vị thiếu tá chỉ huy tử trận. Ông
đại úy lên thay. Ông nhận ra không thể diên trì lâu ngày tại đây, nên nửa đêm
ra lệnh rút lui về Carentan, nơi quân Mỹ mới giải phóng. Một khó khăn và liên
lạc thiếu thốn kiến một tổ gồm 7 quân nhân bị lạc. Tổ này may mắn gặp cô Martha
lần nữa, cô đem cả tổ dấu vào một chiếc gác của một chuồng bò bỏ không.
Lính Đức vào thị
trấn, việc đầu tiên của họ là là xử tử ông thị trưởng và ông linh mục. Sau đó
họ đem giết hết các thương binh đang điều trị trong nhà thờ.
Bất chấp mọi
nguy hiểm, hàng ngày, cô đi vắt sữa, luộc khoai tây rồi lén lút đến nuôi 7 quân
nhân trên. Không một ai trong thị trấn biết việc này kể cả cha mẹ cô. Nhưng cái
chuồng bò trống cũng không phải là nơi mật khu an toàn. Lính Đức bắt đầu lục
soát khắp nơi và cuối cùng họ đến cái chuồng bò hôi hám ấy. Nhóm lính Mỹ nằm
trên gác nhìn qua khe hở thấy 2 lính Đức đi vào lục soát phần chuồng bò và cả
cái sân nhà hầm kế bên. Bây giờ là đến phiên lục cái gác. Họ tìm hoài không
thấy thang, nên nghĩ không ai ở trên ấy nên lại thôi. Cái thang này cô Martha
đã khôn ngoan dấu đi.
Lính Đức lôi dân
thị trấn ra hỏi cung và giết chết tổng cộng 28 người dân, nhưng không ai chịu
khai gì cả. Cuối cùng, người chỉ huy thấy máu đỗ đã quá đủ nên ngừng tay.
Cô Martha đi liên lạc với một nông dân. Ngừơi
này đồng ý giúp 7 quân nhân trên bằng cách chở họ trên một chiếc xuồng nhỏ. Sau
một nửa tháng lạc lối và chiến đấu vất vả, tất cả 7 người đã an toàn đoàn tụ
với đạo quân chính.
Kết quả, với sự trợ
giúp của dân Graingne, đội quân Mỹ đã
giết chết 500 địch quân và tổn thất 32 người thêm đám thường dân nói trên.
Riêng cô Martha
khi trưởng thành, cô đã kết hôn và chiếc áo cưới của cô được làm cái dù mà cô
đã nhặt được.
Friday, April 24, 2015
Xin lỗi:
Xin lỗi:
Hôm qua, tôi đăng
baì đánh tiếng Việt nửa chừng thì computer bì frozen, không thể đăng
tiếp.
Hôm nay, xin đăng
trọn bài để các bạn tham khảo.
Mời các bạn xem
lại bài đánh tiếng Việt dưới đây.
Chân thành xin
lỗi bạn đọc.
VHKT
Subscribe to:
Posts (Atom)