Đây là hồi ký nhớ lại cảnh năm 1949:
Trên đoạn đường này ngày xưa (1949-1954) là một cánh đồng sâu, cấy lúa chiêm. Lúc mới tản cư về đây dân làng muốn đi chợ Tứ Trụ phải lội qua cánh đồng này. Mùa đông và xuân nước bùn ngập đến gối, mà hè và thu nước đến lưng đùi người lớn, nhưng với trẻ con 12 tuổi hay nhỏ hơn như chúng tôi thì nước ngập tới gần mông. Quãng đường ngập nước quanh năm này dài khoảng 100, nên khi lội hết quãng đường người ta phải ngừng lại bắt mấy con đỉa bám vào chân, đùi quăng đi.
Bên kia cánh đồng sâu, ngay đầu làng, là một chòm đa khổng lồ gồm nhiều cây họp lại. Qua đây lúc ban ngày thấy tôi tối vì quá nhiều lá cây che phủ. Bên trong chòm đa toàn là cây dại mọc quá đầu, rậm rạp chi chit. Đây là ổ của các loài rắn độc: cạp nong, cạp nia, hổ lửa, mai gầm…có con to như cánh tay người lớn dài trên 2 thước. Từ khi mới tới, chúng tôi nghe dân làng nói trong chòm đa có con rắn chúa to lắm, đầu có mào đỏ. Ngay giữa bụi đa có một bàn thờ bằng đá xanh, thấp thoáng sau các tàn lá cây dại, nhìn thâm u quái đản. Đi ban ngày qua đây một mình cũng tởn xương sống, nên vài ba người hay rủ nhau đi qua một lượt. Ghê rợn hơn nữa vào khoảng năm 1952, người ta phát hiện xác chết một phụ nữ trên bàn thờ đá ma quái kia.
Năm tôi lên 9 tuổi, cả làng chỉ mình tôi đi học, sau khi chăn trâu bò trên rừng về. Lúc trời mới chạng vạng, tôi phải lội qua cánh đồng đến trường. Đi bộ khoảng 6 cây số thì đến trường ở Tứ Trụ. Lớp học tan lúc nửa đêm, tôi lại lủi thủi đi về với một cái đèn chai, một cây gậy làm vũ khí, vượt qua các bãi tha ma lạnh lẽo, những con đường bờ ruộng trơn trợt, lội qua cánh đồng sâu bùn lầy, và cái khủng khiếp nhất qua chòm đa kinh dị để đến nhà lúc gần 1 giờ sáng.
Với các kỷ niệm ấy làm sao tôi quên được?
Đầu năm 1952, bố tôi về thăm gia đình; ông qui tụ dân làng làm cây cầu tre vượt cánh đồng sâu. Từ đó việc học của tôi bớt phần cực nhọc nhưng tăng thêm sợ hãi khi người phụ chết ở chòm đa. Dứoi ánh đèn chập chờn tôi có cảm tưởng các rễ đa lòng thòng kia đang rung động cuốn lấy thân tôi. Mỗi lần đi qua đây lúc quá nửa đêm, tóc gáy tôi dựng đứng lúc có tiếng động lạ vang lên từ bàn thờ, phần sợ rắn chúa phần sợ quỷ ma. Nhưng việc học là quan trọng, tôi phải cắn răng vượt qua.
Một lần ông cố Lư, người làm ruộng với chúng tôi nói rằng ông nghe tiếng oan hồn của người phụ nữ than khóc lúc nửa đêm. Tôi hỏi ông ma sợ cái gì? Ông trả lời nước tiểu.
Một đêm, tôi đi học về, khi đến đầu cầu tre tôi thấy một vài ngọn đuốc bập bùng ở đầu làng. Tôi biết đó là đội thanh niên bảo vệ mùa màng đang đi về chòm đa. Tôi mừng thầm là khi đến chòm đa tôi sẽ gặp được họ.
Khi đến nửa cầu, tôi thấy họ bắt đầu vào chòm đa ma quái. Tiếng chân tôi bước trên cầu làm mấy người đó dừng chân lại nghe ngóng.
Tôi nghe một tiếng quát:
- Ai đó?
Tôi định trả lời, nhưng không được vì tôi đã bị khản cổ từ vài ngày nay, sau một trận ho dữ dội.
Tiếng quát có vẻ khẩn trương hơn:
- Ai làm gì đó! Nói đi không tao bắn!
Tôi sợ mấy anh đó bắn thật nên cố sức trả lời với một giọng khàn khàn khó nghe:
- À hà! Tôi đây! Tôi là...
Đột nhiên tôi nghe cả đám cùng hét:
- Ma! Ma! Anh em ơi!
Tất cả đám bảo vệ mùa màng đó xách đóm, bỏ chạy mất tang, và kết quả tôi lại đi vào chòm đa một mình trong không khí đầy ma quái. Tôi thầm nghĩ: "Chẳng biết họ nghe tiếng mình hay họ thấy ma thật?" Những lời nói của ông cố Lư làm tôi thấy ớn lạnh.
Tôi nhìn về phía bàn thờ để xem có thấy ai nằm đó không? Nhưng ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu không đủ để nhìn tới đó. Một cơn gió thổi tới làm các rễ cây lòng thòng của cây đa đu dưa qua lại và các cành cây mầu trắng nhìn như những bộ xương người khổng lồ, hay những con trăn trong chuyện phiêu lưu.
Trong không khí lặng lẽ đó, đột nhiên tôi nghe một tiếng động lạ. Tôi đoán: "Chắc ma sắp về thật, hay là tự kỷ ám thị?" Tôi cố sức nhìn vào cái bàn thờ lần nữa xem có thấy hiện tượng lạ nào không. Nhưng tối quá, nên tôi chẳng thấy gì hết.
Tôi hét:
- Ai đó! Ai làm gì đó!
Tôi cúi xuống nhặt một cục đất, chuẩn bị đối phó.
Tôi lại hét:
- Ai làm gì trong đó!
Chỉ có tiếng lá xào xạc vì gió thổi trả lời câu hỏi của tôi. Tôi thầm nghĩ: "Như vậy là mình tự kỷ ám thị." Tôi cất bước về phía trước, nhưng bất chợt tiếng động lạ lại vang lên, và lần này chắc chắn một trăm phần trăm là có tiếng động thật.
Tôi hét một tiếng thật lớn:
- Ai đó!
Đồng thời ném cục đất về chỗ có tiếng động. Một tiếng vụt vang lên và tiếp theo tiếng chim vỗ cánh. Thì ra đó là một con cú đi săn mồi khuya. Tuy nhiên, hiện tượng đó làm tôi mất vía. Tôi lập tức nghĩ lại cách đuổi ma mà ông cố Lư đã chỉ. Tôi nhủ thầm: "Mình phải lấy nước tiểu đuổi ma mới được, nhưng muốn có nước tiểu trong thời gian dài thì vừa đi vừa tè là hay nhất."
Nghĩ là làm, tôi lập tức vừa đi vừa tè, miệng thì hát nghêu ngao, tay cầm gậy đập túi bụi vào hai bên đường. Tôi cũng không quên quật gậy lại sau lưng, vì sợ "ai đó" đi sau lưng mình.
No comments:
Post a Comment