Trước mặt tôi là lũy tre đặc biệt; thân to hơn luồng nhiều, khoảng bằng bắp chân, lóng dài đến ba gang tay; lá tre to như bàn tay dài đến hai gang tay và không có gai. Khi vượt qua hàng rào tre ấy, trước mặt tôi hiện ra một ngôi nhà sàn, vách bằng tre đan, mái lợp lá.
Cánh cửa liếp tre của căn nhà bật mở, một người đàn ông đội khăn, quần áo lạ lùng ló ra ở khung cửa, hỏi tôi vói giọng kinh lơ lớ:
- Mày làm gì ở đó? Cần giúp gì không? [1]
[1] Tiếng Mường có nhiều chữ đọc âm giông giống tiếng Huế.
- Con trâu tôi bị lạc lúc xế chiều nay. Nếu ông thấy, xin làm ơn chỉ giùm.
Một số người nữa xuất hiện sau cánh cửa, lấp ló nhìn tôi.
Người đàn ông trả lời:
- Hồi chiều, khi tôi đang làm ruộng, tôi thấy một con trâu to đi về phía Cửa Khâu, nhưng tôi nghĩ là có người theo sau.
Tôi khấp khởi mừng thầm, hỏi tiếp:
- Dạ thưa ông, ông thấy mấy con?
- Một con.
Tôi mừng lắm, nghĩ thầm có lẽ đó là Thiến.
- Thưa ông, Cửa Khâu ở đâu?
- Cửa Khâu là cánh đồng lúa ở khoảng giữa đây và giếng Ô Rô. Nhưng mày không nên đến đó một mình, nhất là vào giờ này. Có ai giúp mày tìm trâu không?
- Dạ có, nhưng tôi không biết giờ này họ ở đâu?
- Vậy mày nên chờ tụi nó. Hồi trước có người thấy ông “ba mươi” ở đó.
- Thưa ông tôi sợ là quá trễ.
TÌM TRÂU Ở MẢ DẺ
Người dân vùng này gọi cọp là ông ba mươi. Người ta tránh gọi thẳng là hổ hay cọp, vì sợ phạm húy. Tuy nhiên chúng tôi không hiểu tại sao mà họ gọi là ông ba mươi và húy gì?
Người đó quay vào trong nói với mấy người khác bằng tiếng thổ ngữ, làm tôi chẳng hiểu gì. Tôi đoán là họ đang bàn là có nên giúp tôi tìm trâu hay không?
Một lúc sau, ông ấy quay lại tôi:
- Nếu mày muốn đến đó một mình thì tao cũng chẳng cản, nhưng thật là cẩn thận nghe không. Mày trở về mé ruộng ở đầu làng, rồi sẽ thấy một ngã ba đường mòn. Ở đó, mày quẹo về phía tay phải. Đi độ hơn cây số, mày sẽ gặp một cây găng thật lớn bên cạnh một gò mối. Ngay đó có một ngã ba nữa, nếu đi thẳng thì đến giếng Ô Rô, còn quẹo mặt thì đến ruộng Cửa Khâu. May mắn nhé!
- Cảm ơn ông.
Tôi vừa quay lưng đi, thì ông đó gọi với:
- Này tôi có cái này giúp mày!
Ông quay vào nhà một lúc, rồi trở ra, xuống thang, và trao cho tôi một bó đuốc thật lớn với một cái trái ngô (bắp) nướng.
Ông vỗ đầu tôi:
- May mắn nhe bé con! Mày gan lắm.
- Dạ cám ơn ông.
Tôi rời khỏi nơi ấy và nhắm hướng Cửa Khâu tiến bước trong khi miệng nhai mấy hạt ngô cho đỡ đói. Quả thật cái ngô đó đã giúp tôi thêm nhiều sinh lực, và cái ước vọng tìm được Thiến làm tôi đi nhanh hơn.
Một lát sau, tôi đến ngã ba cây găng. Theo con đường mòn rẽ về phía tay phải, tôi vừa đi vừa gọi:
- Thiến ơi! Thiến ơi! Mày ở đâu?
Khi đi qua một hàng cây rậm rạp, đột nhiên tôi nghe tiếng cành cây gẫy nhẹ. Tôi dừng lại, định rõ phương hướng của tiếng động lạ đó, vì đêm tối đen như mực nên tôi chẳng thấy gì ngoài mấy thước. Tôi khoa đuốc cháy thật to, rồi thận trọng vạch cây lá, bước từng bước về hướng đó.
Đi độ năm sáu thước, tôi bỗng giật bắn mình. Trước mặt tôi một con trăn khổng lồ, mình trắng hoa đen thật ghê rợn đang trườn mình vào một bụi rậm cạnh đấy. Người tôi tê cứng đi không được nên chỉ đành há mồm đứng nhìn.
Một chập sau, tôi hoàn hồn, lùi từng bước từng bước ra khỏi rừng cây. Chân tôi đạp lên một vũng sình ấm. Tôi ngạc nhiên tự hỏi: “Lạ thật tại sao có bùn ấm? Đúng rồi đó là cứt trâu, và là cứt trâu mới ỉa. Như vậy con Thiến đang ở quanh quẩn đâu đây”.
Dưới ánh sáng của ngọn đuốc, tôi thấy rõ ràng đó là bãi cứt trâu, và con trâu sau khi đi cầu đã lấy bàn chân khổng lồ của nó cào đất cố sức che bãi cứt nó như một con mèo. Chỉ mình con Thiến mới có cái cá tính đặc biệt đó.
Tôi mừng rỡ như điên, khoa đuốc, la hét:
- Thiến! Thiến! Mày ở đâu? Mày ở đâu?
Theo vết chân Thiến, tôi thấy nó mất hút trong một rừng lau lách. Tôi một tay cầm đuốc, một tay dùng dao phạt lá lau bước vào, lá lau cắt tôi chảy máu khắp nơi. Bất chấp đau đớn, tôi tiếp tục đi tới trước.
Một tiếng động lạ khác làm tôi dừng lại nghe ngóng. Tôi nhận ra đó là tiếng quật đuôi, vẫy tai để đuổi muỗi của trâu, bò. Tôi xông về hướng ấy, và dưới ánh sáng bập bùng của ngọn đuốc tôi thấy một con vật đen thùi, ánh mắt xanh lè đang nhìn ngọn đuốc: con Thiến.
Tôi ôm lấy đầu Thiến vỗ về, trong khi đó nó lè lưỡi liếm cánh tay tôi. Lòng tôi chợt dâng lên một sự sung sướng vô bờ; tôi đã tìm lại được con vật yêu quí cùng hoàn tất được nhiệm vụ. Dắt Thiến ra khỏi rừng lách, tôi leo lên lưng nó và bắt đầu cuộc hành trình về tổ ấm.
Khi cách nhà còn khoảng hai cây số, tôi thấy ánh đuốc bập bùng ở ngọn đồi bên cạnh. Đồng thời nghe tiếng gọi quen thuộc của Quỳnh đồng vọng theo gió trong bóng đêm lạnh lẽo:
- Hi..ệp.. ơi!
Tôi đứng lên mình trâu, tay làm loa đáp lại:
- Tôi đây này! Anh Quỳnh ơi!
Chẳng bao lâu sau tôi gặp được Quỳnh, Ước và rồi chúng tôi cùng về nhà.
Kể từ sau biến cố đó, làng tôi không nghĩ lại trở về rừng Tre cho trâu, bò ăn cỏ nữa [1]
[1] Cách đây vài năm (2008?) em ruột tôi Võ Thắng ở bắc Cali sang thăm chị Cẩm Lý hay Mộng Lan ở Hungaria. Nơi đây lạnh lẽo vô cùng. Sau một đêm gió lạnh chị nói với Thắng: “Đến bây giờ, đêm gió lạnh tao còn nghe tiếng thằng Hiệp gọi trâu trên đồi.”
Cô em dâu tôi (vợ Thắng) đã đem thuật lại cho vợ chồng tôi hồi cuối năm ngoái (2011).
No comments:
Post a Comment