Thursday, March 29, 2012

Nam Bắc du kí bài 86


Tam Cốc

   Ngày kế tiếp chúng tôi có chương trình thăm vùng Hoa Lư, nơi đây có đền vua Đinh Tiên Hoàng và đền vua Lê Đại Hành, người cầm quân phá ngoại xâm Nam Tống trước khi lên đường sang Nam Định. Hoa Lư là kinh đô của hai triều Đinh Tiền Lê, và mấy năm đầu của nhà Lý. Trước đền hai vua Đinh Lê là một khuôn viên rộng rãi và đài kỷ niệm vua Lý Thái Tổ, người đã cho xây cát hai đền vua ấy.


Khuôn viên Hoa Lư.
Ảnh từ postcard



Đền vua Đinh Tiên Hoàng
Đền vua Lê Đại Hành

Khi nhóm chúng tôi vào đây bị bao vây bởi một đám đông gồm cả người bán rong lẫn kẻ ăn xin. Cách bán hàng cũng như cách ăn xin rất là vũ bão, như muốn tấn công du khách làm mấy bà sợ hết hồn. Với cách làm ăn kiểu này du khách không mấy thích và số lượng người đến thăm sẽ suy giảm. Nhà cầm quyền địa phưong nên có biện pháp với nhóm này để nâng cao tiểu chuẩn du lịch. Nếu được như vậy thì ngành du lịch của Ninh Bình mới có cơ phát triển. Tôi mong nhà đương quyền nghĩ đến diều này.

Cả hai đền đều nhõ, không huy hoàng lỗng lẫy. Bên trong thì tôi tối, mùi nhang phảng phất làm có vẻ thâm u cổ kính. Chúng tôi đến đây, tháp hương để tưởng nhớ công ơn hai vị vua đã có công dựng nước và bảo vệ nước khỏi rơi vào tay kẻ thù phương bắc.

Khi tôi đang lo chụp hình thì nghe Thắng gọi: “Anh Hiệp!” Tôi quay lại thấy Thắng đang tay chỉ về phía một người đàn ông đang dắt trâu. Tôi đến thuê con trâu và Thắng chụp cho tôi một tấm hình để nhớ lại thời thơ ấu.

Lúc nhỏ tôi đã cực khổ khi phải đi xa, nên tôi càm thông khi nghe cháu kêu mỏi chân. Vì thế, khi đi chơi tôi hay bế cháu Lili, cháu mới 3 tuổi rữơi, nhưng cũng khá nặng. Hai chân cháu hay quoặp lấy người tôi để khỏi bị tụt xuống.

Chiều tối về khách sạn tôi khám phá ra cái túi dựng hơn 1000 đô, và tấm địa chỉ của cậu thanh niên ở Thanh Hóa mất tiêu. Chắc người nào nhặt được sẽ mừng húm.

Chúng tôi lại lên đường và đành bỏ rơi các thắng cảnh khác. Tiếc là không đến được vườn quốc gia Cúc Phương, và chùa Bái Đính đang bắt đầu xây cất. Đây là chùa mà vua Quang Trung làm lễ tế cờ trước khi ra Thăng Long đánh quân Thanh. Hiện nay chùa đang được phát triển thành quy mô lớn nhất Việt Nam. Chùa có quả chuông lớn nhất Đông Nam Á. Chùa có diện tích lớn nhất, các pho tượng đồng to và nặng nhất, Nhiều tượng la hán bằng đá cẩm thạch, nhất 500 tượng. La Hán cao trên 2m…đều là nhất Việt Nam. Nhà thờ Phát Diệm độc đáo, mà người ta đã bỏ ra 23 năm để xây, thì anh em đã được xem hồi đi thuyền từ Tứ Trụ đến Nam Định.


   Chiều hôm ấy, chúng tôi tới Nam Định.

Nam định là đoạn cuối của cuộc đuổi dê tháng 11 nam 1954. Lúc nhà tôi dọn ra Hà Nội, chỉ có bố ngồi thuyền cùng tôi và hai em ra đây. Vài ngày sau, mẹ đi xe ra đây và đi ngang Ninh Bình bà đã làm bài thơ mà tôi đăng vài kỳ trước. Ông bà quyết định cho dê đi bộ từ Thanh Hóa ra Nam Định vả hai bố con sẽ tự đảm trách. Vì vậy, nhà tôi ở lại Nam Định độ 1 tuần. Ở đây, tôi được đi xem ciné mầu lần đầu trong đời ở rạp Đại Nam và Eden.

Tuần sau, cả nhà đáp tàu thủy Hùng Vương lên Hà Nội, chỉ mình tôi ở lại đây. Sáng hôm ấy tôi ra bến tầu tiễn chân bó mẹ và hai em. Tôi cảm thấy vô cùng cô đơn trong cái thành phố xa lạ. Thật tình tôi chỉ ao ước được cùng gia đình ngồi trên con tầu để ngắm cảnh non sông. Tiếng còi tầu hú lên đau đớn rồi cầu tàu được rút lên. Thôi thế là hết!

Tôi quay về nhà trọ, mượn một chiếc xe đạp, đi lòng vòng thành phố hết giờ này đến giờ kia. Lòng chỉ mong mau tối để ngủ cho qua ngày. Tuần sau nữa bố đột nhiên quay lại với chiếc xe đạp; ông chở tôi quay lại Thanh Hóa để bắt đầu chuyện đuổi dê như đã viết.

Sau nửa tháng lặn lội, vừa đi vừa chăn dê, ngày ăn trên đồi, đêm ngủ trong chùa, hai bố con tôi cuối cùng cũng đã đặt chân lên thị xã Nam Định phồn vinh. Chúng tôi nghỉ lại đây một ngày, rồi ngày kế tiếp chúng tôi lùa dê lên chiếc tầu Hùng Vương để về Hà Nội. Tuy nhiên, hai bố con tôi lại cỡi xe đạp về đó trước để đón dàn dê, vì đi xe đạp nhanh hơn là đi tầu thủy và đỡ tốn tiền vé.

No comments:

Post a Comment