Vài ngày sau,
thầy Ngọc tổ chức bữa tiệc chia tay cho lớp tôi. Chúng tôi phải mượn một lớp
trống của trường tiểu học để làm tiệc, vì lớp tôi đã bị xung công để làm chỗ
phân chia phần cho buổi lễ phát thưởng sắp tới. Ở cuối lớp này có một số bàn
ghế hư chồng chất lên nhau.
Thầy Văn cũng
đến tham dự ở phần đầu bữa tiệc. Mở đầu bữa tiệc, thầy Ngọc chúc chúng tôi
thành công trong kỳ thi sắp tới, tiếp theo thầy Văn cũng chúc chúng tôi tương
tự, nhưng thầy nhấn mạnh đến cái đạo đức trên cả học vấn. Thầy tiên đoán: chắc
chắn có học sinh trong lớp sẽ đậu rất cao trong kỳ thi này, rồi thầy về lớp tiếp
tục dạy học.
Thầy Ngọc cho
khai tiệc, chúng tôi ngồi ăn, uống, nói chuyện riết rồi cũng nhàm. Thầy yêu cầu
các học sinh trong ban văn nghệ ra giúp vui, nhưng chẳng ai hưởng ứng.
Thầy Ngọc nói:
- Các em ai có ý
kiến gì làm cho bữa tiệc vui hơn không?
Cả lớp nhìn
nhau.
Thầy lại nói:
- Tiệc cuối niên
học thường rất buồn vì sự chia ly trong mùa hè. Thầy nghĩ chúng ta nên làm lớp
vui lên một chút. Em nào có cách gì thì nói lên.
Tôi bèn đề nghị:
- Thưa Thầy;
Thầy và mỗi bạn viết tên mình lên một tấm giấy nhỏ, bỏ vào một cái nón. Sau đó
Thầy sẽ bốc lá thăm đầu tiên. Nếu tên ai được bốc ra, người ấy phải hát, hò hay
làm bất cứ việc gì để giúp vui. Sau khi chấm dứt phần trình diễn, người ấy có
quyền chỉ định người kế tiếp.
Thầy Ngọc cười:
- Ý kiến hay. Ai
phản đối không?
Ý kiến này được
cả lớp tán thành.
Chúng tôi thi
hành ý kiến ấy. Thầy Ngọc bốc lá thăm mang tên Đỗ Thị Ngọc Thanh, nên Thanh bị
hát đầu tiên, và sau khi chấm dứt cô ả chỉ định thầy Ngọc hát. Thầy cũng chẳng
ngại ngùng hát bài tiếng Anh có tựa đề là: "Come back to Soriento" Cả
lớp hoan hô Thầy nhiệt liệt. Tôi linh cảm thầy dẽ chỉ định An, và quả tình như
vậy. Thầy chỉ định An là người kế tiếp. Nàng đỏ mặt, nhưng cũng cố gắng hát một
bài.
Tôi lại có linh
cảm rằng nàng sẽ chỉ định tôi sau khi chấm dứt. Thừa lúc mọi người chăm chú
theo dõi An hát, tôi từ từ chui xuống gầm bàn rồi bò về cuối lớp, trốn bên dưới
mấy cái bàn hư.
Khi chấm dứt, An
nhìn một quanh vòng rồi ngồi xuống, trong khi bạn bè cổ võ nàng.
Thầy Ngọc hỏi:
- Sao em không
chỉ định ai cả?
An đỏ mặt:
- Dạ dạ…
Thầy dục:
- Lẹ lên chứ!
Chỉ định ai?
Nàng ấp úng:
- Thưa Thầy,
em…em muốn chỉ định một người, nhưng…nhưng người ấy không có đây.
Cả lớp nhao
nhao:
- Ai Vậy? Ai
vậy?
An nhìn xuống
bàn, ấp úng:
- Anh.. Hiệp.
Mọi người nhìn
về chỗ Đức Phan, Hoa, Tiếng và Súy, vì tôi mới cùng họ ngồi ở bàn đó.
Thầy Ngọc hỏi:
- Đức, Hoa, Súy;
Hiệp đi đâu rồi?
Hoa trả lời:
- Thưa Thầy, anh
ấy mới ở đây tức thời, mà bây giờ hổng biết đâu?
Cả lớp cười.
Thầy ra lệnh:
- Lập tức tróc
nã tên này!
Mọi người túa ra
đi tìm tôi: kẻ ra phía trước, người đến phía sau, nhưng không ai thấy tôi cả.
Chợt Hoa và Tiếng nhìn xuống gầm bàn cuối lớp, rồi cùng hô lên:
- Anh ấy đây
rồi!
Tôi lò mò chui
ra khỏi gầm bàn, với màng nhện đầy đầu, trong khi cả lớp cười nghiêng ngả.
Thầy hỏi:
- Hiệp hát bài
gì?
Tôi gãi tai:
- Em thật ngu
đần quá, đem cái ý kiến này ra. Quả thật em không thuộc một bài hát nào hết!
Thật ra lúc nhỏ
tôi ở đội thiếu nhi, thuộc rất nhiều bài hát, nhưng khổ nỗi các bài này là của
CS miền Bắc như: Yêu yêu bác Hồ, Chiến Thắng Tây Bắc, Sông Lô Giang, Thắm thiết
tình Việt Trung Xô... Còn lúc ở miền Nam, tôi lo học nên chẳng thuộc bài hát
nào cả. Chẳng lẽ hát các bài ấy chăng?
Mấy bạn nói:
- Người đề xướng
chương trình mà định trốn hả?
- Thôi, để tôi
kể chuyện cho Thầy và các bạn nghe.
Bất đắc dĩ, tôi kể một câu chuyện vui cho lớp.
Xem ra cả lớp rất thích thú câu chuyện tôi kể.
Cuối tuần đó,
nhà trường phát phần thưởng cho các học sinh xuất sắc trong năm. Tôi lại đoạt
phần thưởng hạng nhất lớp, kiêm luôn phần thưởng danh dự toàn trường, nhưng bị
cắt vì lý do phạm nhiều kỷ luật. Phần thưởng xuất sắc, từng môn như: Toán, Lý
hóa, Việt văn... cũng bị hủy bỏ, vì thiếu tư cách. Chỉ còn phần thưởng hạng
nhất trong kỳ thi hội họa toàn trường về: "Sóng biển hè" là còn được
lãnh, tuy nhiên tôi cũng không tới để nhận phần thưởng ấy. Súy được phần thưởng
hạng nhì, cùng phần thưởng xuất sắc về Anh văn, âm nhạc. Phần thưởng hạng nhì
này được đưa lên thành hạng nhất, nhưng hắn cũng bỏ phần thưởng để chống lại
quyết định của trường. Hành động của Súy làm tôi rất khâm phục, vì phần thường
này rất có giá trị. Các sách vở, từ điển đủ cho các niên học tới, và nhà hắn
rất nghèo thế mà hắn không thèm đếm xỉa tới.
No comments:
Post a Comment