Wednesday, January 16, 2013

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm.


Khúc dốc lên hải đăng từ bờ biển lên tới trạm công an Hải Quan là một nơi đã cho tôi kỉ niệm không quên được. Đây là đoạn đường tráng nhựa cho xe lên xuống. Tại trạm công an hải quan, có một đường hẻm chưa tráng nhựa nối thẳng với khúc dốc này là hẻm Hải Đăng lên nhà tôi. Cũng tại đây đường tráng nhựa đi ngược lại tạo thành hình chữ V để lên đèn. Mời các bạn xem câu truyện ngắn: Cậu Học Trò Bình Hòa Phước rút từ quyển Hải Thần Thịnh Nộ.

 

Hơn một tháng sau khi bị chìm ghe, Thắng và tôi lại ra khơi thả lưới, và tương đối chúng tôi có một ít cá dư để ăn. Sau khi đánh cá về, tôi lại quay vào nghề thêu, nên bận rộn suốt ngày.

Một hôm trời hơi động, gió bấc thổi mạnh, nhưng chúng tôi vẫn đi lưới, với hy vọng giúp nhà thêm ít tiền và ít cá để ăn. Vượt qua vùng nước tử thần với các ngọn sóng bạc đầu cao như những quả đối, Thắng nhắm biển khơi trực chỉ.

Ra đến khơi, Thắng lái ghe chầm chậm để tôi buông lưới. Trước nhất, tôi quăng cờ hiệu đầu tiên, rồi các tấm lưới kế tiếp. Khi quăng tấm lưới cuối cùng, tôi quăng cờ hiệu chót. Xong xuôi, chúng tôi cột ghe vào cờ hiệu cuối cùng và thả ghe, lẫn lưới trôi theo dòng nước. Đó là lúc nghỉ ngơi của ngư phủ. Gió bấc thổi mạnh làm các bọt nước của các lượng sóng bạc đầu bắn lên tạo thành một lớp sương mờ trên mặt biển. Chúng tôi nhìn ngọn cờ hiệu trắng, đỏ lờ mờ trong sương bụi, lúc ẩn lúc hiện trên đọt sóng và xa hơn nữa là các ngọn núi của xã Sơn Long, nằm giưã cửa Cần Giờ cũng chập chờn trên sóng. Nhìn cảnh vật thật đẹp, mơ hồ, nhưng có nhiều đe dọa.

Sau hai giờ trôi nổi, chúng tôi bắt đầu kéo lưới. Thắng thì chèo ghe, còn tôi lo kéo lưới và bắt cá. Vì sóng gió đều mạnh làm lưới căng như một cánh buồm và ghe bị bê đi nhiều hơn, nên chúng tôi mệt lắm. Tuy nhiên, chúng tôi thích thú khi thấy lưới trắng toát vì cá trích, cá ngân và bạc má dính đầy trên đó. Tôi không còn có thể gỡ cá và kéo lưới như mọi khi, mà chỉ lo kéo lưới lên rồi bỏ vào khoang, để về bến sẽ gỡ cá ra sau.

Ngày hôm sau, tình trạng thời tiết không có gì thay đổi. Chúng tôi lại ra khơi, với hy vọng cũng sẽ thắng lợi như hôm trước. Vừa buông lưới xong, hai chúng tôi ngồi nghỉ. Tôi quay lại nhìn về hướng mặt trời đang mọc để ngắm cảnh bình minh. Mặt trời màu da cam từ từ nhấp nhô lên khỏi các ngọn sóng, phần bên dưới bị lớp bọt biển làm mờ dần, trong dẹp vô cùng. Bất ngờ qua lớp bụi trắng xóa của bọt nước, tôi thấy một chiếc tầu hàng trắng toát đang lù lù đâm thẳng về phía chúng tôi, và cách chúng tôi khoảng  hai cây số.

Tôi chỉ về hướng đó:

- Thắng coi kìa!

Hắn chồm lên lấy tay vẫy, còn tôi la hét, vẫy nón làm hiệu nhưng họ vẫn không thấy.

Thắng hét:

- Kéo lưới anh Hai!

Chúng tôi cố sức kéo lưới càng nhanh càng tốt, nhưng gió quá mạnh làm lưới căng phồng. Lúc còn khoảng gần một phần ba đường lưới, chúng tôi nghe tiếng còi tàu hụ sau lưng. Hai chúng tôi giật mình quay lại, thấy chiếc tàu hàng đó, đang lù lù tiến về chúng tôi, cách đó khoảng gần cây số. Có lẽ họ không thấy chúng tôi từ xa, nên khi nhận ra được chúng tôi thì đã quá trễ.

Chỉ còn vài phút là chiếc tàu khổng lồ đó sẽ cán nát thuyền tôi.

Thắng hét:

- Cắt lưới anh hai!

Tôi tiếc của lắm, nhưng không còn cách lựa chọn, nên đành lấy dao cắt đứt lưới, rồi cho ghe chạy thoát thân. Khi chúng tôi vừa ra khỏi, thì tàu đó cũng chạy qua, tạo ra những đợt sóng thật lớn, cộng hưởng với sóng thường làm thành những ngọn sóng vĩ đại ập lại từ hai phía.

Các ngọn sóng đó liên tiếp đập vào ghe, làm ướt cả người lẫn máy. Một điều nguy hiểm khác là nước biển bị hút vào lỗ hút khí vào buồng máy, làm máy chạy thêm được một lúc nữa thì chết. Chúng tôi lo sợ vì không còn cách vượt qua giáp nước để về bến.

Thắng nói:

- Anh Hai! Anh ráng quay máy thật mạnh thì may ra nó chạy lại được.

Tôi dùng hết sức quay cái máy nặng trình trịch đó, nhưng quay mãi, toát mồ hôi, mệt đứt hơi, mà nó vẫn không nổ. Khổ một nỗi, vì không đủ ăn làm chúng tôi đói nên càng dễ mệt hơn.

Tôi thở hổn hển:

- Bây giờ.. Thắng quay.. coi!

- Được! Anh lên giữ tay lái đi!

Hai chúng tôi thay phiên, cứ đứa này mệt thì đứa khác quay, nhưng máy vẫn ỳ ra như một cục sắt. Lúc biển động mà ghe chết máy thì thật nguy hiểm vì chúng tôi không thể chong hướng sóng. Ghe chúng tôi nghiêng ngả, sóng tiếp tục tràn vào. Cả hai chúng tôi đều quá thất vọng, tuy nhiên vẫn phải cong lưng quay máy, dù là chúng tôi vừa đói lại vừa mệt, vì đó là cách hy vọng duy nhất để sống còn. Nếu máy không nổ, chúng tôi sẽ không biết số phận sẽ ra sao?

No comments:

Post a Comment