Gần một giờ
sau, lúc chúng tôi đang tuyệt vọng, máy đột nhiên nổ. Tiếng máy là một liều
thuốc hồi sinh làm chúng tôi sống lại. Chúng tôi mừng quá, cho ghe chạy lại tìm
lưới bị cắt, nhưng nó đã trôi mất rồi. Do đó, hai chúng tôi đành quay về nhà.
Ngồi trên ghe,
tôi nhìn các đợt sóng khổng lồ cuồn cuộn lao về phía chúng tôi, dâng ghe lên
ngọn sóng rồi chui qua gầm ghe, và chúng tôi lại tụt xuống đáy sóng. Tôi cảm
thấy tiếc của vì mất một phần ba số lưới, nhưng mừng là thoát khỏi nguy hiểm.
Trên bầu trời
trong xanh, vài cánh hải âu bay lượn. Núi Lớn, Núi Nhỏ dường như đang bập bềnh
trên sóng. Nếu không có sự nguy hiểm đang rình rập quanh đấy, thì cảnh này nhìn
tuyệt đẹp như một tranh vẽ. Sau cơn gian nan, tôi cảm thấy thoái mái với những
cảm giác hải hồ. Tôi nghĩ: "Mình làm đủ nghề lao động chân tay; nghề nào
cũng cực nhọc. Thật thương cho kẻ lao động. Nhưng trong các nghề, thì nghề này
quá ư nguy hiểm. Thảo nào họ có một nếp sống rất phóng túng, không lo tương
lai." Nhìn các lượng sóng vượt qua ghe, để lại vài giải bong bóng trắng
toát như các mái tóc bạc của một người khổng lồ lẫn lộn trong mầu xanh biển cả,
rồi tan dần trong mầu biển. Tôi tưởng tượng đó là mái tóc của hải thần. Tôi
chợt nhớ tới bài hát Hoa Biển, nhưng tôi đâu thấy cái lãng mạn của loài hoa ấy.
Nhạc sĩ Anh Thi đi trên tầu lớn nhìn bọt biển, nghĩ tới loài hoa, muốn hái tặng
cho người yêu, còn tôi đi tên ghe nhỏ thì thấy đó là báo hiệu của tử thần.
Lúc vào đến giáp
nước mũi Nghinh Phong, thuyền đụng những ngọn sóng cao như đồi, nhiều lúc che
khuất cả Núi Nhỏ, lẫn Núi Lớn. Trên trời trong xanh từng đàn hải âu bay lượn,
tìm mồi. Vào thêm một chút, gần gặp gành đá, thuyền đột nhiên chết máy.
Chúng tôi hết
hồn; Thắng lấy chèo, còn tôi lấy dằm, cả hai cùng cố sức bơi thuyền ra khỏi
vùng nước tử thần đó. Nhưng làm sao sức người chống nổi với thiên nhiên? Nếu
chúng tôi đưa thuyền ra xa hơn thì chắc chắn bị sóng nhận chìm, còn đưa thuyền
vào gần bờ thì chắc chắn sóng dập chúng tôi vào đá ngầm, hay vách đá dựng đứng,
với hào hến bám đầy sắc như dao cạo, thì thuyền cũng chìm nốt. Hai chúng tôi
đều mệt đứt hơi, nhưng không tài nào đưa con thuyền tiến tới được, nên chỉ còn
cách chờ chết!!!
Đột nhiên, một
chiếc xuồng máy nhỏ xuất hiện, chạy rất gần chúng tôi. Trên thuyền có hai cha
con ngư phủ; người cha trên năm mươi, còn người con độ trên dưới hai mươi.
Thắng hét:
- Bác Hai! Cứu
con với!
Thật ra, Thắng
không biết tên người này, nhưng để tỏ sự tôn kính y gọi là bác Hai thôi.
Thấy chúng tôi
bị nguy, người cha hét:
- Tèo quay ghe
lại cứu người ta con!
Người con cãi
lại:
- Bộ ông cũng
muốn chết sao mà quay ghe lại?
Thắng thấy
vậy, hét:
- Cứu chúng
tôi với bác Hai!
Hai cha con
người đó cãi nhau một lúc, rồi tôi thấy ghe ấy quay lại, nên khấp khởi mừng
thầm.
Chiếc ghe đó
vòng lại; người con quăng cho tôi một sợi dây thừng. Tôi vội vã cột vào mũi ghe
để chiếc ghe kia kéo về. Chạy được một chút, thì chính chiếc ghe kéo cũng gần
bị chìm vì sóng to, gió lớn mà sức mạnh của thuyền đó cũng quá yếu để làm công
việc này. Người con lấy dao, chạy ra sau ghe chặt đứt dây kéo, làm thuyền tôi
mất trớn, quay ngang, và một lượng sóng lớn ập vào ghe làm nước dâng lên một
phần ba ghe.
Thắng và tôi
vội vớ lấy mái dằm và chèo rồi hết sức chèo chống, mệt muốn lả, nhưng ghe vẫn
quay cuồng trong sóng gió. Chúng tôi thấy tử thần đã lảng vảng đâu đây!
Bất ngờ, nghe
tiếng máy sau lưng, quay lại chúng tôi thấy một chiếc ghe lớn hơn, đang chạy
tới. Chúng tôi vẫy nón kêu cứu inh ỏi. Chiếc ghe đó quay một vòng, quăng dây và
đưa chúng tôi về. Lại thêm một lần hú vía! Ghe đã qua vùng nước của từ thần,
ngồi trên ghe, tôi nghĩ: "Mình đi tìm tự do cay chua quá! Từ nhỏ mình đã
sống vất vả nguy hiểm. Lúc lớn cũng chẳng an lành, tù tội lung tung. Sau này,
nếu mình đến được một nước tự do nào đó, mình phải viết lại cái đoạn đường
chông gai cho mọi người biết, để mọi người cùng yêu tự do và lao động nhiều
hơn"
Cũng như hôm trước, và còn mất lưới nhưng
chúng tôi cũng thu được, khá cá; một số cá, chúng tôi đưa vợ Thắng bán, còn một
ít chúng tôi đem về nhà ăn.
No comments:
Post a Comment