Khoảng
10 giời trưa một ngày của mùa mùa xuân 1955, tất cả nhóm chúng tôi khoảng 60
người được chia làm hai toán lên hai chiếc vận tải cơ quân sự C119 của không
lực Hoa Kỳ (Loại phi cơ có hai thân. Thật ra hai thân mà chúng ta thấy là hai
động cơ, còn thân chính giữa mới là chỗ chứa hàng hay để binh sĩ ngồi.). Cửa
lên xuống được đặt phía sau đuôi than giữa. Bên trong thân máy báy có hai hàng
ghế ngồi chạy hai bên, và có các cửa sổ hình tròn. Hai hàng ghế này chính là
ghế cho lính nhảy dù ngồi. Cách thiết kề này rất tiện đê thả dồ vật nặng và dễ
dàng cho lính nhảy ra khỏi phi cơ.
Đây là các nhóm
người vào Nam cuối cùng nên số người quá ít không cần dùng tới tàu há mồm. Các
toán người di cư đã chấm dứt vào cuối năm 1954.
Máy bay kia cất
cánh trước nên tôi được dịp ngắm cảnh phi lăn bánh ra phi đạo, rồi lao vút vào
không gian. Một lát sau, đến lượt chiếc phi cơ của chúng tôi di chuyển từ từ ra
phi đạo. Phi cơ rồ máy lấy trớn, phóng nhanh trên phi đạo rồi một phút sau tôi
thấy mình đã lơ lửng trên bầu trời xanh, với các đám mây trắng như các cục bông
gòn khổng lồ bao quanh. Nhìn xuống dưới đất, phi trường Cát Bi của cảng Hải
Phòng từ từ nhỏ dần, rồi mất hút sau các đám mây ấy. Nhiều khi các cục bông gòn
trắng toát ở lơ lửng trứơc mặt, và nhiều lúc chúng tôi ở ngay giữa chúng. Cảnh
vật nhìn đẹp vô cùng, làm tôi có cảm tưởng như đang đằng vân, giá võ theo chân
Tôn Ngộ Không.
Bỗng nhiên chúng
tôi cảm thấy rơi xuống thật nhanh làm ruột gan chạy lộn ngược lên ngực khiến
mọi người hết hồn. Đàn bà con nít la khóc um sùm và tất cả đều nghĩ maý bay
rơi. Độ mươi giây sau thì hiện tượng mất đi và chúng tôi cảm thấy dễ chịu trở
lại. Sau đó, chúng tôi được biết máy bay đã bay vào một vùng nhiễu loạn không
khí, nơi ấy không khí loãng hơn và áp suất không khí thấp hơn bình thừơng nên
máy bay rơi xuống cho đến khi nó vào lại vùng không khí bình thường. Kể từ lúc
ấy, lâu lâu chúng tôi lại bị một lần như vậy, nên hết còn dịp ngắm cái đẹp của
thiên nhiên nữa, mà phải đối phó với cái sợ hãi lạ lùng ấy. Đàn bà con nít ói
mửa khắp nơi. Cẩm Dung và Mẹ tôi cũng nằm trong số các người đó. Trường hợp này
thường xẩy ra cho các máy bay cánh quạt, vì chúng không thể bay cao và nhanh đủ
để vượt qua các khoảng trống ấy. Máy bay phản lực thi ít hơn nhiều.
Hoàng hôn buông
xuống, máy bay từ từ đáp xuống phi đạo sân bay Tân Sơn Nhất, sau khoảng 8 giờ
bay. Chúng tôi ra khỏi phi cơ thì mặt trời cũng vừa lặn, nhưng không khí vẫn
còn nóng và ẩm ướt, khác hẳn với môi trường thiên nhiên ở miền bắc.
***
Vào đầu tháng tư
1955, gia đình tôi định cư tại Vũng Tầu, một thành phố nghỉ mát nhỏ, cách Sàigòn
50 cây số đường chim bay và ở hướng đông nam thành phố này. Tuy nhiên, theo
quốc lộ khoảng cách hai thành phố là 124 km. Người Pháp gọi thành phố này là
Cap St Jacque. Trong thời gian đó (1954-1955), Vũng Tầu là căn cứ cuối cùng của
lính Pháp, trước khi họ bàn giao tất cả cho chính quyền miền Nam , do thủ tướng Ngô Đình Diệm cầm
đầu. Vì lý do trên, cứ chiều chiều, tôi thấy ngoài đường lính Tây trắng, Tây
đen đi nhan nhản như mắc cửi. Đến tối, họ vào các bar, quán rượu nhậu nhẹt,
nhẩy đầm, ăn chơi đàng điếm. Đó là một điều mà tôi không ưa khi thấy bóng quân
thù còn lảng vảng trên đất nước mình.
Tuy nhiên, khi
họ rút đi, chúng tôi rất hài lòng định cư tại thành phố nhỏ nhen, thơ mộng này,
với căn nhà nhỏ mang số 8 trên đường Nguyễn Thái Học (nay là Ba Cu). Thị Xã
Vũng Tầu trong thời gian này nhà cửa thơ thớt. Nói chung thì chỉ loanh quanh
nơi phố chợ với đường Trưng Trắc, Trưng Nhị là tấp nập nhất. Toàn thị xã thì
khoảng một cây số đường kính mà thôi. Sau lưng nhà tôi là những đồng cát chạy
dài đến ngã Năm và chi chít những bụi cây nhỏ, đó là ổ của trăn rắn, cùng các
ao nước mưa mùa hè là tổ của cá rô, cá sặc. Chúng tôi thường ra cánh đồng cát
này để bắt dế về đá hay ra ao câu cá.
Thị xã Vũng Tàu
nằm giữa hai ngọn núi: núi Lớn và núi Nhỏ. Trên đỉnh núi Nhỏ có ngọn hải đăng
dùng để hướng dẫn tầu bè ra vào Sàigòn qua ngả sông Lòng Tầu, còn núi Lớn thì
hoàn toàn hoang dại. Trên cả hai ngọn núi, rải rác những cây lớn chen trong
những rừng le bạt ngàn. Le là một loài
tre nhỏ bằng ngón chân cái, không gai, cao độ 5, 6 thước.
Trong lịch sử
thì Vũng Tầu là một trong vài nơi đã nếm các phát đạn đại bác đầu tiên của
Pháp, khi họ muốn xâm lược Việt Nam
hồi giữa thế kỷ 19. Lúc ấy, Vũng Taù là phần đất của tỉnh Biên Hòa. Năm 1967
sau khi chiếm trọn Nam Kỳ, Pháp chia miền Nam thành 20 tỉnh. Ít lâu sau, họ
thấy nơi đây có các bãi biển đẹp có thể làm nơi nghỉ mát cho các quan cai trị
nên lập thành tỉnh thứ 21 gọi là Cap Saint Jacque. Vua Thành Thái đã từng bị
thực dân Pháp quản chế ở dinh ông Thượng, nằm ở chân núi Lớn.
Phía đông của
thị xã là Bãi Sau (Bây giờ có tên là Thùy Dương), một bãi tắm nổi tiếng ở miền Nam ,
với những bãi cát bằng phẳng dọc theo bờ biển, và những động cát trắng tinh,
không nhà cửa. Vào cuối niên học, các học sinh trung học thường rủ nhau ra các
động cát này hái trái trâm chín đen và ngọt lịm ăn, hoặc những ngày trước tết
họ lại ra đó chặt cành mai về nhà để chào đón mùa xuân.
Ở phía tây, và
sát ngay cạnh thị xã là một bãi tắm khác: Bãi Trước (Bãi Tầm Dương), tuy nhiên
bãi tắm này không được sạch như Bãi Sau, nhưng nằm cạnh ngay thị xã và sóng
không cao, nên có rất nhiều người tắm và nhiều quán xá. Tại Bãi Trước, ngay
cạnh chân Núi Nhỏ là một bến ghe chài tấp nập.
Ta có thể tả
Vũng Tầu ở thời điểm này qua bài:
VŨNG TẦU MỘT LUYẾN TIẾC
Ai ơi nghỉ mát Vũng Tầu.
Để lòng thanh thản, để sầu tiêu tan.
Ra Bãi Sau, sóng tràn mặt nước.
Cát trắng tinh, trâm mướt màu xanh.
Trời trong, mây trắng vây
quanh.
Ngoài khơi thuyền cá đang tranh đường
về.
Còn Bãi Trước ê hề quán xá.
Nhạc véo von, cầu đá nhấp nhô.
Hàng dương đang dệt vần thơ.
Núi non háo hức đón chờ khách lai.
Đường Quang Trung chạy dài Bãi Trước.
Chiều cuối tuần khách bước theo nhau.
Dập dìu kẻ trước người sau.
Ngắm nhìn trời nước nhuộm màu hoàng hôn.
Ghé Xóm Lưới một thôn bên chợ.
Nơi dân chài cùng thợ đóng ghe.
Xóm Vườn rợp bóng hàng me.
Nhãn xum xuê chín, bên hè mận xanh.
Ở Ngã
Năm vắng tanh nhà cửa.
Hai bên đường vài thửa rừng hoang.
Xóm Mới nổi tiếng điều vàng.
Nhà xây trên cát, quán hàng lẻ loi.
Sông Bến Đình bóng soi cầu sắt.
Cá lững lờ trong vắt sông sâu.
Chợ ngay bên cạnh đầu cầu.
Ngã Tư Giếng Nước ngõ hầu đi xa.
Đỉnh Núi Nhỏ đèn pha trắng toát.
Với nhiều đêm gió mát trăng thanh.
Đông nam biển biếc vây quanh.
Tây bắc lác đác mái tranh xóm nghèo.
Đường
Hạ Long ngoằn ngoèo ven biển.
Để tình nhân tiêu khiển nhàn du.
Chùa chiền những bậc chân tu.
Chênh vênh vách núi bao thu vẫn còn.
Đến Bãi Dứa đường mòn thay đổi.
Dốc chênh chênh, gió thổi Nghinh Phong.
Hòn Bà nổi giữa nước trong.
Eo Quắn sóng vỗ khiến lòng sầu bi.
Đến Chí Linh đường đi hơi khó.
Nơi đây thì chỉ có rừng thông.
Ngắm nhìn trời nước mênh mông.
Gió đưa cát trắng, ai không biết sầu.
Quay ngược lại Hòn Châu đơn lẻ.
Gió đưa vào mát mẻ thân ta.
Bãi Dâu vốn cũng chẳng xa.
Lá xanh, cát trắng lại pha cây rừng.
Chân Núi Lớn xin đừng đi vội.
Ghé Sao Mai có đội thuyền câu.
Bình minh người đã bắt đầu.
Cho chuyền vượt sóng nhuộm mầu trùng
dương.
Nơi thuyền bè đánh cá nghỉ ngơi.
Dân tình những lúc thảnh thơi.
Cùng nhau đi lễ ở nơi Phật Đài.
Ở Rạch Dừa đường hai bên phố.
Vài giáo đường thách đố thời gian.
Cỏ May bần mọc bạt ngàn.
Một mầu xanh mướt tràn lan chân trời.
Theo năm dài dòng đời thay đổi.
Vũng Tàu ơi gió thổi mây bay.
Dễ gì mà chẳng đổi thay?
Liệu còn thơ mộng như ngày xưa không?
VHKT
No comments:
Post a Comment