Sunday, September 21, 2014

Những Ngày Không Mặt Trời - Bai 2

(tt)


Gia đình tôi lúc này, có tôi là lớn nhất vì người chị cả, Cẩm Lý, vẫn còn ở ngoài Bắc. Sau tôi là Cẩm Dung (tên chính thức là Thanh Mai) và cậu em út Võ Thắng.

Trong những ngày đầu cư ngụ ở đây, chúng tôi làm bạn với hai anh em Thiện, Thanh, con ông Đỗ Đức Tâm trưởng ty ngư nghiệp Vũng Tàu. Họ cũng cỡ tuổi tôi, và đang theo học bậc trung học đệ nhất cấp (cấp 2) tại trung học Vũng Tầu.

Để vật lộn với cuộc sống mới, cha mẹ tôi đã phải đi tìm việc làm ở ngay đó cũng như ở Sàigòn. Hơn nửa tháng sau, ngày 25 tháng 4 năm đó, bố mẹ tôi phải lên Sàigòn để tìm việc. Nhưng rủi thay, hai ngày sau (27- 4) những trận đánh đẫm máu giữa lực lượng Bình Xuyên và phe thủ tướng Diệm đã bộc phát trên các đường phố của thành phố này.

Hàng ngày, báo chí đăng tải các tin tức của các trận đánh cùng và hình ảnh chạy loạn của dân chúng với những cảnh phố phường bốc lửa làm ba anh em chúng tôi lo lắng cho số phận của bố mẹ vô cùng. Đã vài ngày trôi qua, chúng tôi vẫn không thấy bố mẹ về. May thay, bố mẹ tôi bình an trở về khi Cẩm Dung bắt đầu thun thít khóc.

Dù rằng niên học gần hết, bố mẹ tôi cũng quyết định cho tụi tôi tiếp tục việc học hành. Sau một thời gian dài không đi học, Cẩm Dung học lớp ba trường nữ tiểu học, còn tôi theo học lớp nhất trường nam tiểu học. Nhưng chỉ một tuần sau, tôi được "thăng xuống lớp nhì," vì không biết một chữ Pháp nào hết. Trong thời gian ấy, hệ thống giáo dục của miền Nam còn chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa Pháp, vì vậy học sinh lớp ba đã bắt đầu học tiếng Pháp. Tôi thì từ vùng kháng chiến mới ra Hà Nội và tại đây tôi chỉ biết chẻ củi, giao củi, nên không biết un (một), deux (hai) là gì thì làm sao viết chính tả (dictation), đọc bài thuộc lòng (recitation)…

Lớp tôi học là lớp nhì B mà và thầy giáo của lớp là người ở ngay cạnh nhà tôi: thầy Thân. Trong lớp, ngoài tôi ra còn Tước là người miền Bắc, và số còn lại toàn là người miền Nam.

Tình trạng kinh tế của nhà tôi càng ngày càng bi đát, vì đã mấy tháng bố không tìm ra được việc gì làm, cả nhà chỉ trông vào việc may thuê của mẹ. Hàng ngày, chúng tôi chỉ ăn cơm với một món ăn duy nhất: nước mắm hạng dở. Vì ăn nước mắm quá lâu, nên chúng tôi rất ngán món ăn đó. Khi nhìn mâm cơm, chúng tôi không muốn ăn, nhưng vì đói quá nên ráng ăn để mà sống.

Một hôm, bố nói cho chúng tôi biết ông có một món ăn mới. Anh em chúng tôi hồ hởi mừnh thầm. Quả nhiên, ngày hôm sau, ông bưng cho chúng tôi món ăn mới đó. Món ấy không phải là nước mắm thường mà là nước mắm chưng (khô quẹt). Để giúp gia đình thêm món ăn, vào các ngày cuối tuần hay ngày lễ, tôi dắt Cẩm Dung lên núi Lớn và Nhỏ bẻ măng le về. Công việc này hơi nguy  hiểm cho chúng tôi bọn trẻ con, nhất là con gái như Cẩm Dung, vì trên hai núi rất hoang dã và ngoài trăn rắn, chúng tôi thường thấy vết lợn lòi (heo rừng). Nhưng là vì dân đi rừng từ lúc 8 tuổi để chăn trâu bò, nên đối với tôi chuyện heo rừng không đáng ngại.

Một đêm, tôi đang ngủ say thì chợt thức giấc vì một tiếng  động.

Vài phút sau, tôi nghe tiếng mẹ nói:

- Vậy ông tính sao?

Bố tôi chậm rãi nói:

- Còn tính sao bây giờ? Tôi đã chạy đôn, chạy đáo để tìm việc làm mà không được. Hôm trước, tôi được gọi về trình diện ở phủ Thủ Tướng, vì có việc liên quan đến đơn xin hồi ngạch của tôi, nhưng cuối cùng bác sĩ Tuyến[1]  cũng đã bác đơn ấy viện cớ tôi đã tham gia cuộc đảo chánh 1945, và dính dấp tới nhà ông Ngô đình Khôi. Nhưng thật ra tôi chẳng có liên quan gì đến nhà ông ấy cả.

- Chuyện liên quan gì chứ?

Tiếng thở dài của bố:

- Năm 1945, lúc đảo chính, tôi được lệnh kiểm kê hoàng cung. Song họ nói tôi kiểm kê nhà ông Khôi và lấy đi cái xe đạp. Nếu tôi lấy thì bà biết rồi, làm sao giấu được.

- Sao ông không cãi lại?

- Có chứ! Nhưng họ cứ gán thì làm sao ra bằng cớ?

Mẹ thở dài:

- Nhà mình hết tiền rồi, làm sao mà sống bây giờ?

- Hay là mình mua hai thùng cà rem cây cho thằng Hiệp với con Cẩm Dung đi bán, nếu không, mình phải bán một cái lục bình cổ lấy tiền mua gạo. Còn biện pháp cuối cùng là đi vay tiền nặng lãi.

Mẹ tôi ngắt lời:

- Tôi đồng ý cái ý kiến đó, nhưng ông nhớ mình chỉ con vài cái lục bình cổ la gia tài đấy. Thôi mình lấy cái bình hoa nhỏ ra lau cho sạch bụi, trước khi đem bán cho nó có giá.

Tôi nghe bố mẹ lục hục cậy cái thùng gỗ, để lấy cái lục bình ra. Từ ngày chạy từ Bắc vào Nam nhà tôi chỉ có cái thùng gỗ dài 70 phân, rộng 40 phân, cao cũng cỡ ấy là gia tài. Trong thùng chứa vài cái lục bình cổ và một số lưỡi cuốc, thuổng mà bố cho là thép tốt. Những cuốc thuổng này bố đem về từ Phủ Quỳ- Nghệ An đến Lam Sơn- Thanh Hóa, rồi ra Hà Nội  vào đến đây. Có lẽ bố chuẩn bị cho việc làm nghề nông sau khi định cư ở miền Nam. Bất thình lình, tôi nghe một tiếng "choang." Chẳng biết người nào đã vô tình làm rơi cái lục bình xuống đất.

Mẹ cố hạ giọng thấp than:

- Trời ơi! Cái bình vỡ mất rồi!

Giọng bố tôi luyến tiếc:

- Chưa vỡ! Nó chỉ bị móp thôi! Cái lục bình này làm bằng đồng mà.

- Vậy ông liệu có thể bán nó được không?

- Để tôi cố gắng xem sao?

Ngày hôm sau, bố tôi gói cái lục bình, đem đi bán cho các chủ tiệm hai bên chợ, nhưng ông đã tốn cả ngày mà chẳng ai mua, và cuối cùng ông đành đem nó trở về.[2] Chẳng còn cách nào hơn, bố mẹ phải đi vay nặng lãi để có chút tiền mua gạo sống qua ngày.



 
Vũng Tàu ngày nay

***




[1] Bác sĩ Trần Kim Tuyến quê tại Nga Sơn- Thanh Hóa, người công giáo, làm giám đốc cơ quan có tên là Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội- Một cơ quan Tình Báo- Phản Gián tối cao của ông Diệm.
[2] Vì bị ế, nên hiện nay lục bình này vẫn nằm trong tủ kính nhà tôi.

No comments:

Post a Comment