Saturday, January 24, 2015

Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 79


M- Gián điệp-tình báo

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư dịch ở trang 25 có đoạn sau vào năm 1266:  Tháng 2, thủy quân lộ Đông Hải đi tuần biên giới đến núi Ô Lôi do đó biết được kỳ hạn quân Nguyên sang xâm lược.”.. Năm 1274: “ Mùa đông, tháng 11, tướng thần ở biên giới phía bắc chạy trạm tâu báo người Nguyên đi tuần biên giới, xem xét địa thế.” … “Bính Tý, [Bảo Phù] năm thứ 4 [1276], (Tống Đức Hựu năm thứ 2, từ tháng 5 về sau là Tống Đoan Tông Cảnh Viêm năm thứ 1, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 13 ). Mùa xuân, tháng 2, sai Đào Thế Quang sang Long châu mượn cớ đi mua thuốc để thăm dò tình hình người Nguyên.”

Ngược lại để tìm hiểu địa thế đất đai cùng cách bố phòng của ta, quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” trang 101 của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm đã ghi: “Năm 1272 Hốt Tất Liệt sai U-ry-ang (Uriyang) sang hỏi cột đồng Mã Viện. Vua Trần cũng cho viên ngoại lang Lê Kính Phu cùng hắn đi tìm. Nhưng chắc hẳn nhà Trần đã mua chuộc hắn, Lê Kính Phu đưa hắn đi hỏi han qua loa ở một vài nơi và không đưa đến những địa điểm quan trọng bí mật về quân sự…” Nhưng muốn gì thì muốn, Nguyên Mông cũng đã tìm hiểu được hình thể đất đai, khí hậu của nước ta.

Trang 90 và 91 quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” ghi: “Như vậy trong một thời gian dài, tên da-ru-ga-tri[1] này không có mặt ở nước ta. Nhà Trần đã khống chế Nu-ru-din bằng nhiều biện pháp làm cho y không thể đi lại được trong nước An Nam. dò xét tình hình.” Tiếp theo quyển sách cũng được viết tiếp trước khi Mông Cổ xua quân sang, nhà Trần đã ra lệnh cấm dân chúng không được tiếp xúc với các con buôn ngoại quốc, nhất là các người gốc Hồi Hột. Như vậy là nhà Trần bưng tai, bịt mắt kẻ thù.

Trong thời Trần kháng Mông, các chi tiết về tình báo gián điệp của cả hai bên ít nói tới. Một vài lần nhà Trần cũng như Mông Cổ cử một phái đoàn ngoại giao sang sứ, mục đích là do thám xem quân địch định làm gì. Khi hội nghị Bình Than tổ chức, nhà Trần sợ lọt vào mắt gián điệp giặc nên được xếp đặt rất bí mật. Dĩ nhiên lúc Toa Đô đánh mãi với Trần Quang Khải ở Thanh Nghệ bất phân thắng bại nên bỏ mặt trận xuống thuyền ra Bắc. Tin này phải nhờ các do thám mà biết được. Khi biết tin này vua quan nhà Trần đã thấy rõ sự nản chí của địch quân và mở cuộc phản công. Đó chính là dùng gián điệp mà lợi dụng thiên thời vậy.

Một may mắn khác, khi Mông Cổ bắt được gián điệp ta Đỗ Vĩ ở ải Nữ Nhi đã giết chết ngay, chứng tỏ họ không khai thác được tin gì. Sau này họ lại bắt được Trần Bình Trọng và cũng đã không biết gì hơn về các chi tiết tình báo nào, vì ông đã thà làm Quỷ nước Nam còn hơn làm Vương nứơc Bắc.

Có vài điều ta nên chú ý tới việc tìm hiểu đối phương của Hưng Đạo Vương. Lịch sử của Đại Việt hay Nguyên sử đều không cho nhiều chi tiết làm sao ta và địch nghiên cứu lẫn nhau về trang bị và vũ khí. Ta có thể khẳng định rằng Hưng Đạo Vương đã cho nghiên cứu ở điểm này. Trong bài dịch hịch Tướng Sĩ của cử Bình ta thấy câu:

Đúng lúc có quân Mông Thát tới.

Cựa gà không chọc nổi áo da.”

Câu này cho ta thấy ngài biết rằng áo giáp của đối phương làm bằng da mà chúng tôi đã viết trong phần trang bị của Mông Cổ.

Mặt trận gián điệp ta cũng nắm ưu thế, tuy nhiên rất ít chi tiết. Đại Việt chỉ được 1 điểm về phương diện này thôi.

N- Thông Tin.

Mông Cổ có tổ chức liên lạc theo trạm “yam” mà các sử gia Tây phương hết sức ca ngợi. Ta thấy trong sử việt cũng có hệ thống liên lạc tương tự ở đời Trần. Trong trang 10 quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn dịch có đoạn sau vào năm 1240: “Mùa đông, tháng 10, quan đóng giữ Lạng Giang sai chạy trạm tâu về việc người phương Bắc đến bắt người cướp của dân cư trong hạt ấy. Vua sai thị thần là Bùi Khâm đến biên giới phía bắc để bày tỏ.”… Năm 1257 “Mùa thu, tháng 8, chủ trại Quy Hóa là Hà Khuất sai chạy trạm tâu [vua] là có sứ Nguyên sang.”…Năm 1274: “Mùa đông, tháng 11, tướng thần ở biên giới phía bắc chạy trạm tâu báo người Nguyên đi tuần biên giới, xem xét địa thế.”…Năm 1282 “Mùa thu, tháng 8, thú thần Lạng Châu , là Lương Uất chạy trạm tâu báo rằng, Hữu thừa tướng Nguyên là Toa Đô đem 50 vạn quân[2], nói phao là mượn đường đi đánh Chiêm Thành, nhưng thực ra là sang xâm lược nước ta.”

Xét như vậy, nhà trần đã tổ chức liên lạc bằng cách đặt từng trạm giống như của Mông cổ. Vậy hai bên đều tương đương trong lãnh vực này. Tuy nhiên, vì Mông Cổ có các tài liệu rõ ràng hơn Đại Việt, nên họ được 2, mà ta được 1.

O- Vũ Khí-Trang bị.

1- Vũ khí

Vũ khí của Đại Việt thời ấy thường là cung nỏ, đao thương. Trong sử liệu ta ít khi thấy nói tới vũ khí một cách chi tiết. Có lẽ là trong khoảng thời gian trước thế kỉ XIV, vũ khí các nước không khác nhau bao nhiêu, nên sử đã bỏ qua điểm này. Đến thời quân Mông đánh Thăng Long có nói tới việc họ dùng đại bác.

Vũ khí căn bản của Đại Việt.

Việt Sử Toàn Thư có ghi: “Để đối phó với quân ta đóng giữ nam ngạn sông Nhị Hà, Thoát Hoan cho đại bác bắn tới tấp. Quân ta bỏ chạy. Mông Cổ bắc cầu phao, chuyển quân qua sông, rồi kéo tới tận chân thành Thăng Long hạ trại. ” Trong Nguyên sử lúc viết về đánh Đại Việt đã viết: 砲大呼求“liền đưa pháo hô lớn đánh phá”.

 

 
Súng trebuchet bắn bom của Hốt Tất Liệt (Hồi Hồi Pháo)
Loại súng này đã đươc dùng công phá thánh Tương Dương

 

 
Căn cứ vào các tài liệu mà chúng tôi thu thập thì đây chính là các catapult và trebuchet bắn các trái nổ như lúc đánh thành Tương Dương. Mới đọc qua thì chúng ta có cảm tưởng rằng Nguyên Mông có lợi thế, nhưng nếu xét cho kỹ thì không hẳn như vậy. Loại súng này rất hữu hiệu trong việc thủ thành hay công thành, vì súng đặt một chỗ rồi bắn. Nhưng tiếc rằng Mông Cổ chỉ dùng khi vượt sông Hồng, còn đến lúc qua được thì thành Thăng Long đã bỏ không. Nguyên Mông không cần dung súng này để công thành mà cũng chiếm được.

Một điều đáng chú ý, đây là một sự khôn ngoan của nhà Trần. Nếu Hưng Đạo Vương quyết tử thủ thành Thăng Long thì chắc chắn hao binh tổn tướng mà thành chắc chắn sẽ mất vì không chịu nồi Hồi pháo- trebuchet. Thành Tương Dương to lớn vậy mà cũng chịu không nổi với pháo này thì trách sao được thành Thăng Long? Nhưng sau khi chiếm Thăng Long không tốn một viên đạn, quân Nguyên Mông không thể đem khẩu pháo này đánh vào đồng ruộng ngập nước, ao hồ mênh mông hay rừng núi âm u được. Lúc ấy, ta đánh trả ít tổn thất.

Khi MC muốn dùng các súng này ở một trận công thành nào đó, họ phải tháo súng ra thành các bộ phận nhỏ, cho lên xe hay lạc đà đem đến nơi. Sau đó, họ cho các kỹ thuật gia ráp nối lại với nhau.

Nếu phải tháo lui hay tiến tới tấn công trong một thời gian ngắn thì loại súng này rất bất tiện, vì quá to lớn, cồng kềnh, nặng nề. Vào lúc ở vào mùa mưa thì súng này kể như bỏ đi tại các lý do sau đây:

* Đạn là loại như pháo đại mà ta hay đốt vào ngày tết, hay bên Mỹ vào dịp July 4, nên phải châm ngòi. Mà ngòi không thể đốt được; và nếu may mắn đốt được ngòi thì vì ẩm ướt nên pháo bị xì. Vì vậy chỉ dùng đạn đá.

* Lúc cần đẩy qua lại thì Khẩu pháo bị lún trong bùn.

* Pháo chỉ bắn được 1 hướng, nên quân địch tấn công hướng khác thì không thể áp dụng được. Muốn chuyển hướng phài cần một thời gian rất lâu.

Kết quả cả cỗ pháo chỉ là một khối gỗ khổng lồ không hơn không kém, đã thế còn phải cho một đạo quân bảo vệ không thì địch quân cướp mất.

Các loại vũ khí khác của Mông Cổ ưa dùng là cung. Thật ra chúng tôi phải bàn ở đây, nhưng có nhiều độc giả đem vấn đề này nêu lên để gây ra các cuộc bàn cãi xôi nổi, nên chúng tôi sẽ nhắc lại việc này trong chương sắp tới để tranh luận với các ý kiến khác.

2- Trang bị

Cũng theo các sử của Việt Nam ta, chúng tôi không thấy đề cập về các trang bị như áo giáp, kiên…

Trong phần viết về quân đội Mông Cổ, ta thấy các nhà nghiên cứu đã nói tới áo giáp của họ. Loại áo giáp này làm bằng da, được ngâm dầu, keo. Ở các nước ít khi có mưa, không khí có trữ lượng hơi nước ít thì loại này nhẹ, so với áo giáp kim loại của Âu Châu. Khi thời tiết có tuyết lạnh thì các áo này cũng giúp cho việc làm ấm cơ thể con người. Trong mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp mà có gió thổi thì (wind chill factor) sẽ làm ta cảm thấy lạnh hơn. Vào lúc này chiếc áo da thật hữu dụng vì nó chắn được gió.

Ngược lại, áo giáp cũng có nhược điểm. Áo giáp này khi vào đến các nước mưa nhiều, khí hậu ẩm thấp như Chiêm Thành, Miến Điện, Đại Việt, nam Trung Quốc…áo này sẽ thành nặng nề nhất là khi ngấm nước mưa lâu. Đã thế các nước này nóng hầm làm các áo này không thích hợp; quá kín gió nên càng làm cơ thể con người nóng hơn, ra mồ hôi nhiều hơn. Mà khi ra mồ hôi nhiều thì lại phải uống nước nhiều, và như vậy làm ngừơi lính ách bụng, hoạt động chậm chạp hơn. Đó là chưa nói tới nước giếng, nước sông có lắm loại vi khuẩn không hợp cho người xứ lạ tới. Kết quả, lính dễ bị đau bụng, đi cầu hay kiết lỵ.

Sở dĩ, người Mông Cổ chế các cung hỗn hợp và áo giáp kiểu này là do kinh nghiệm của họ khi sinh sống trên thảo nguyên, nơi có đủ trường hợp như chúng tôi vừa liệt kê: khô ráo, lạnh lẽo.

Kết quả về “Vũ Khí” thì không bên nào chiếm được ưu thế, nhưng “Trang bị” thì dù sao đi nữa Mông Cổ chiếm được ưu điểm vì có áo tơ để giúp trị thương. Ta phải cho Mông Cổ 1 điểm.




[1] Đây là chức vụ như toàn quyền Pháp và Nu-ru-din là tên người toàn quyền này.
[2] Có lẽ sử ghi lại tên của chủ tướng sai. Đây phải ghi là Thoát Hoan chứ không phải Toa Đô.

No comments:

Post a Comment