Sunday, January 18, 2015

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 16


Từ ngày An vào học, tôi thường ra cửa sau, nhìn trời nhìn đất, thầm cầu một cái gì đó mà chính bản thân tôi cũng không biết chính xác.

Một hôm vào lúc ra chơi, trong khi mọi người đổ xô ra sân trước nô đùa như thường lệ, tôi ra cửa sau, đến tựa một gốc cột, nhìn ra đường Lý Thường Kiệt, giải khuây một mình. Cái cửa này cũng là lối ra vào thứ hai của lớp và ngay cạnh chỗ tôi ngồi. Bất chợt tôi nghe tiếng động nhẹ, quay sang, tôi thấy An đang đứng dựa cái cột xi măng bên cạnh. An nhìn tôi, mỉm cười chào. Tôi há mồm, nhìn nàng nói chẳng lên lời.

An cười:

- Hiệp! Làm gì vậy?

Tôi chẳng biết nên đối đáp ra sao. Mặt tôi nóng như lửa, có lẽ An cũng nhìn thấy cái mặt đỏ như gấc và cái ngô nghê của tôi.

Nàng nói:

- Các bạn học nói rằng Hiệp là học sinh ưu tú nhất của lớp, nhất là toán và vẽ. Cái tờ bích báo Thăng Long với cái chùa Một Cột cùng một bài thơ, trước lớp, là do Hiệp vẽ và làm phải không?

Tôi nghĩ: “Nàng mới vào học, sao lại để ý đến tờ Thăng Long? Đã thế còn tìm hiểu người trang trí, làm thơ?”

Tôi đã lấy lại phần nào sự bình tĩnh, vì lối nói chuyện của nàng:

- Tôi cũng chẳng hiểu, nhưng chắc là không đến nỗi tệ.

An tiếp:

- An rất kém về toán và vật lý, Hiệp có thể giúp An không?

Tôi nghĩ đây là dịp ngàn năm một thủa:

- Ồ! Được chứ! Tôi rất vui mừng mà giúp An.

- Ngay bây giờ được không?

- Dĩ nhiên.

An quay về chỗ ngồi. Tôi theo gót nàng. An lấy quyển toán ra và hỏi tôi cách chứng minh. Nàng cùng tôi chụm đầu vào quyển tập, thì thào bàn tán. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, mà tôi có cái cảm giác sung sướng và hãnh diện như thế.

Giờ vào học đến, các bạn nam nữ lũ lượt vào lớp. Tất cả rất ngạc nhiên khi thấy An và tôi đang chụm đầu bàn tán. Họ chắc không thể tin gì mà họ thấy là sự thực.

Từ ngày ấy, chúng tôi, lâu lâu, có dịp nói chuyện và tôi là người nam sinh duy nhất của trường mà An tiếp xúc. Tuy nhiên, tôi cũng không thể biết rằng An có để ý gì đến cái tên học sinh nghèo nàn không? Vì thói thường đàn bà thích chức tước, danh vọng hoặc tiền tài, chứ mấy ai để ý tới cái nghèo nàn, không danh phận? Dân gian ta hay nói “Người ta lấy lửa thử vàng. Lấy vàng thử đàn bà. Lấy đàn bà thử đàn ông” mà.

Một hôm trong khi học, tôi liếc sang An và bất ngờ thấy đôi mắt đen lay láy của nàng cũng đang nhìn tôi, khiến tim tôi đập thật mạnh. Và từ ngày ấy, trong lớp học, tôi thường dựa cằm lên tay phải, nhìn về phía trái, còn An dựa cằm lên tay trái nhìn về phía phải. Mỗi lần tôi chọc cả lớp cười, tôi liếc sang thấy nàng cũng cười một cách thích thú. Nhưng cái thú vị nhất của chúng tôi là cái liếc trộm và bắt gặp đối phương cũng đang liếc lại, rồi cả hai chỉ trao nhau một nụ cười đầy ý nghĩa.
 
***
 
Vài tuần sau, cái dựa cằm của chúng tôi bị các giáo sư phát hiện. Họ lập tức có biện pháp là cấm học sinh trong giờ học dựa tay lên cằm và nhìn nơi khác, chứ không nhìn lên bảng đen. Tôi biết các thầy sợ hai đứa tôi xao nhãng trong việc học hành. Thầy Mô là người tuyên bố việc ấy đầu tiên, tiếp theo sau là thầy Văn, thầy Bùi Bằng Hãn, thầy T và cuối cùng là các thầy khác. Tuy nhiên thầy Hãn áp dụng việc ấy rất gắt gao.

Thầy nói:

- Trong giờ học, nếu em nào dựa tay vào cằm, nhìn đi nơi khác, tôi sẽ đuổi ra khỏi lớp.     

Từ đó, tôi hết dám dựa tay vào cằm, nhưng lâu lâu tôi vẫn quên mất cái lệnh cấm đó.

Một hôm, thầy Hãn giảng vật lý: "Lý thuyết cơ bản của nguyên tử", mới nói sơ sơ và câu Thầy đột nhiên nói bâng quơ:

- Nếu em nào dựa tay vào cằm thì coi chừng đó.

Tôi thấy Thầy đang nhắc tôi, tôi vội vã rút tay ra ngồi nghiêm chỉnh.

Thầy lại tiếp tục nói và quay vào bảng vẽ sự cấu trúc của một nguyên tử, rồi nhìn xuống lớp giảng bài.

 Chợt Thầy cau mày:

- Hiệp! Tôi nói với em nhiều lần rồi: tôi cấm dựa cằm lên tay! Đi ra khỏi lớp, đến gốc cây kia đứng!

Tôi biết mình đã phạm tội, nên ra khỏi lớp và đến gốc cây còng. Thật trớ trêu, đây cũng là cây còng mà bốn năm trước  tôi đã xô Ngọ té. Tôi mắc cỡ quá, khi các học sinh khác đi qua nhìn tôi chăm bẳm, rồi cười khúc khích, nhất là mấy cô gái. Vì trường trung học phát triển mạnh, nên trừơng phải xung công vài lớp của trường tiểu học, và lớp đệ tứ của tôi lại chính là lớp nhất mà tôi học bốn năm trứơc với thầy Mậu.

Đứng ở gốc cây, tôi cố sức nghe lời Thầy giảng tiếp về lý thuyết nguyên tử, đó cũng là một cách bớt đi sự xấu hổ. Khi gần hết giờ và bài giảng cũng vừa xong, Thầy cho gọi tôi vào.

Thầy hỏi cả lớp:

- Em nào có thể lên giảng lại bài này không?

Đây là lần đầu tiên có chuyện ấy. Tôi biết Thầy rất thương tôi, sợ tôi thi trượt nên đã mượn học sinh khác giảng lại bài cho tôi.

Cả lớp im phăng phắc.

Thầy hỏi lại:

- Các em không nhớ gì à? Em nào giảng lại được Thầy sẽ cho 20 điểm.

Cả lớp vẫn im lìm.

Thầy hơi bực:

- Thầy giảng bài, tai các em để đâu? Em nào lên đây giảng lại bài cho Thầy coi?

Cả lớp vẫn yên lặng nhìn nhau.

Tôi dơ tay:

- Thưa Thầy cho em lên nói lại bài.

Không những cả lớp mà thầy Hãn cũng ngạc nhiên.

Thầy hỏi:

- Em biết gì mà nói?

- Thưa Thầy em đã nghe Thầy giảng.

- Vậy lên đây!

Sau giờ tan học, Tiếng, Súy và tôi ra đến cổng trường thì thấy An đang đứng chờ. Súy và Tiếng tách ra đi chậm lại, khi thấy An đứng chờ, để mình tôi đi với nàng đi trước.

An nói:

- Hiệp, An rất hãnh diện làm bạn với người giỏi giang như Hiệp.

Tôi luống cuống chẳng biết phải nói sao, phần vì rất hồi hộp đi cạnh một người đẹp như nàng, người mà tôi vẫn hằng ao ước được cùng sóng bước. Một phần khác, tôi thấy hàng trăm cặp mắt đang nhìn theo hai đứa tôi. Chúng tôi chầm chậm bước đi. Chúng tôi đi thật chậm mà hai thằng bạn mắc dịch Súy, Tiếng lại đi dẫn diệu sau lưng càng làm tôi khó chịu. Điều đó làm chân tay tôi lúng túng như bị một sợi dây vô hình nào buộc lại.

Đi được một quãng, tôi cố sức lấy can đảm nói:

- Tôi cũng rất may mắn làm bạn với An, vì...vì...

Tôi định nói An đẹp quá, nhưng thấy lời nói quá sỗ sàng, nên đành tắt ngang. An quay sang nhìn tôi chờ đợi câu nói, nhưng thấy tôi ngượng ngùng nín bặt. Tôi thấy nàng nhoẻn miệng cười e lệ, có lẽ nàng đoán được ý ấy.

An nói:

- Từ lâu các bạn nói về Hiệp, nhưng mãi đến hôm nay An mới thấy rõ.

Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, độ hơn 100 thước thì tôi chẳng biết phải nói gì nữa, vì khoa tán gái của tôi ngày ấy quá tệ, và cũng sợ người khác cười.

Cuối cùng tôi nói:

- An, xin lỗi! Mấy người bạn đang đi sau chờ tôi.

An không trả lời, cúi đầu xuống và vẫn cứ tiếp tục cất bước, trong khi tôi dừng lại chờ Tiếng, Súy. Tôi nhìn theo nàng, ân hận không đi cùng nàng, và cảm thấy luyến tiếc giây phút vừa qua.

Khi Tiếng và Súy bắt kịp, Tiếng mạt sát:

- Tại sao bồ không đi với cô ta? Chúng tôi đâu cần mặt bồ!

Súy tiếp:

- Từ trước đến giờ tôi nghĩ ông là người can đảm, nhưng bây giờ tôi thấy ông chỉ là một tên hèn.

Tôi cúi đầu lắng nghe các câu mạt sát đó. Tôi cũng cảm thấy mình hèn thật.

No comments:

Post a Comment