Monday, June 4, 2012

Trung Quốc du kí 2007

Thăm Summer Palace- Di Hòa Viên

Sáng hôm sau 20 tháng 8, theo chương trình chúng tôi thăm cung điện Mùa Hè Di Hòa Viên. Một vườn thượng uyển lớn nhất và đựơc bảo toàn kỹ lưỡng nhất thế giới. Vườn này được xây năm 1750 dưới thời Càn Long để tặng mẫu hậu với hồ Côn Minh bao quanh Vạn Thọ Sơn. Người ta phải bỏ ra 15 năm để xây vườn này. Ai cũng biết chuyện “Vua Càn Long Du Giang Nam” nói về việc ông xuống các vùng Tô Châu, Hàng Châu. Ông thấy kiến trúc nơi đây cùng phong cảnh hòa hợp, nên ông bắt xây Di Hòa Viên theo các phong cảnh ấy. Ta sẽ thấy các hồ, cầu kỳ, đồi núi có phần giống như Tây Hồ của Hàng Châu.
Sau khi ăn sáng, tất cả lại lên xe.
Xe khởi hành một lúc thì Mary đứng dạy hỏi:
-          Đêm qua có người trong khách sạn đi chơi xa đây. Trong các bạn có ai đi không?
Gary và tôi cùng dơ tay.
Gary hỏi:
-          Tụi tao không đi được sao?
Mary ầm ừ:
-          Được …chứ! Nhưng tôi chỉ cảnh cáo các ông không nên đi xa.
Gary quay sang nhìn tôi ngầm thông cảm kẻ theo dõi đêm trước.
Hơn một giờ di chuyển, chúng tôi đến đây.
Năm 1860, Di Hòa Viên bị chiến tranh liệt cường phá hủy. Năm 1888, được bà Từ Hi Thái Hậu lấy 30 triệu lượng bạc từ quỹ tân trang hạm đội Bắc Hải, cho xây lại, nhân ngày sinh nhật thứ 60 của bà. Bà dùng hồ Côn Minh làm nơi luyện thủy quân của hạm đội này. Kể cũng lạ, bà chọn nơi này không sóng gió mà luyện hải quân thì cũng nực cười. Quân lính đánh nhau trên hồ khác hẳn đánh nhau trên biển. Có lẽ bà thích coi cảnh đánh nhau trên nước mà vừa thưởng thức an nhàn, không cực khổ say sóng.
Tuy nhiên, hạm đội này đã không ngăn nổi các chiến hạm của các cường quốc Âu Châu như Anh, Pháp, Đức…và Nhật Bản. Đây là kết quả của sự tham lam và lòng ích kỷ cùng cách tập luyện an nhàn.
Sau khi vua Quang Trung đánh bại quân Thanh (1789). Vua Càn Long cho mời vua Quang Trung sang Kinh Sư (Bắc Kinh ngày nay.) Vua Quang Trung không đi mà cho Phạm Công Trị giả trang sang thay thế. Ông này được vua Càn Long tiếp tại đây rất trịnh trọng và ân cần.
Đi qua chỗ thu vé, chúng tôi vào một hồ nước rộng lớn. Trên mặt hồ có rất nhiều du thuyền chạy máy, với các mái cong Á Đông duyên dáng. Ngay cạnh chỗ ấy là các mảng sen đang đơm bông hồng.


Cổng vào


Từ chỗ chúng tôi đứng, bên tay trái có một cầu đá trắng hơi uốn cong xây theo kiểu Hồ Tây. Bên phải là Vạn Thọ Sơn. Theo Mary, thì đây lá quả núi nhân tạo. Các phu làm công viên đã lấy đất từ hồ đắp lên thành núi. Nếu quả như vậy thì đây là việc tiêu phí quá đáng hay sự bóc lột vô tưởng. Ngay chân Vạn Thọ Sơn và cạnh hồ có một cung điện nghỉ hè. Một cầu thang cả tram bực nối mặt hồ, bến thuyền rồng, lên đến lầu cao.

Lân đực và cái
 

Cảnh chung quanh hồ


Cung Từ Hi ngụ với trăm bực thang


Theo sử thì Từ Hy Thái Hậu ngự trên lầu cao. Vua Quang Tự còn nhỏ phải trèo các bực thang ấy mỗi ngày để đến chầu bà, khi bà ra đây nghỉ mát. Trước mặt chúng tôi, bên kia bờ hồ là các đồi thoai thoải với các chùa Phật Giáo. Một trong các chùa là của Tạng Phái. Đời Thanh, Phật Giáo Tây Tạng rất được trọng nể.
Chúng tôi hùn tiền thuê một chiếc thuyền “RỒNG” để du ngoạn trên hồ.

Thuyền chạy quanh hồ độ 1 giờ thì ghé về bến. Chúng tôi cũng được đưa đi thăm vài chùa và cung điện quanh vùng. Cuối cùng ra ven hồ rồi trở về bến xe đậu. Đang đi, chúng tôi thấy mấy ghe nhỏ của dân địa phương ở xa xa đang loay quay ven hồ. Cách làm việc hơi lạ; một người chống ghe; một người vớt cái gì đó lên ghe. Cả đám hiếu kỳ nhìn các ghe ấy. Khi gần đến nơi, chúng tôi thấy họ vớt rong.
Mấy người Phi, Thái đi quanh quay lại hỏi tôi. Có lẽ họ nghe câu chuyện của tôi khi thăm hậu cung và cho rằng tôi là người có kiến thức:
-          Họ vớt rong làm gì vậy?
Tôi cũng chẳng biết mục đích của họ, nên không giám quyết đoán, trả lời:
-          Tôi chẳng biết rõ, nhưng theo tôi có lẽ họ vớt rong về cho nuôi heo.
Mary đi đến hỏi mấy người vớt rong, rồi quay lại nhìn tôi gật đầu:
-          Ông nói đúng! Họ nuôi heo. Cái gì ông cũng biết.
Điệp và Mary
Thật ra, đây cũng là một may nắm mà tôi trả lời đúng mà không ai biết. Bản tôi tôi cũng có kinh nghiệm này lúc nhỏ. Năm 1949, lúc chiến tranh giành độc lập, nhà tôi tản cư lên một thôn nhỏ tên Tân Phúc, cạnh Lam Sơn, Thanh Hóa. Khi ấy tôi còn rất nhỏ. Năm lên 10, nhà tôi nuôi heo nhưng không đủ đồ ăn cho chúng. Tôi đã phải đi vớt rong về nhà. Tuy nhiên, có cái khác nhau ở cách với rong. Ở đây, hai người lớn lại có thuyền vững chắc, còn tôi thì trái lại.
Tôi nhớ lại chuyện vớt rong thủa xa xưa.

No comments:

Post a Comment