Thursday, August 14, 2014

Đại Việt thắng Nguyên Mông? Bài 62

Chương 4
Nghệ thuật chiến tranh (tt)
Bây giờ mời quí vị xem một câu chuyện giả tưởng mà cũng dùng nước chống các cuộc tấn công, dù rằng nước rất ít. Bài này đăng trên trang Việt Học Viện hôm thứ hai, nhằm ngày 30 tháng 4, 2007.


Năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn- Thanh Đô Trấn (Thanh Hóa), tự xưng là Bình Định Vương. Cùng khi ấy Nguyễn Trãi đưa cha là Nguyễn Phi Khanh lên ải Nam Quan, và nhớ lời cha dặn quay về nước rửa mối nhục. Ông tìm đến Bình Định Vương và được phong làm quân sư. Mới đầu rất khó khăn vì lính ta quá ít mà binh của giặc quá nhiều. Sau vài năm đánh kiểu du kích cũng thu được nhiều kết quả. Đến năm Tân Sửu (1421), nghĩa quân thắng vài trận khá lớn làm binh tứơng của Tướng Trần Trí nhà Minh khiếp vía. Không dám coi thường Vương (Lê Lợi) nhà Minh vội tăng viện cho Trần Trí thêm vài vạn binh. Được tăng cường, quân Minh đánh phá ta khắp nơi ở vùng Thanh Đô Trấn làm binh Vương dần dần yếu thế. Càng ngày, quân Vương càng lâm vào tình trạng rất khốn quẫn.

Vương cho người sang nước Lan Xang (Lào) cầu viện binh. Chẳng bao lâu binh tướng Lan Xang kéo từ hướng tây sang. Trong khi đó quân Minh từ thành Tây Đô, vượt sông Mã từ phía đông đánh tới. Tướng Lê Thạch thấy quân Lang Xang đến vội ra đón, nào ngờ quân Lan Xang, xuất kỳ bất ý bắn chết. Thì ra Vương bị quân Lan Xang sang đánh giúp quân Minh chứ không phải sang giúp Vương. Vương bị thế gọng kìm, chịu không nổi may nhờ Nguyễn Trãi bày mưu đánh riết về phía tây nơi quân Lan Xang đóng, vì quân ta và quân Lan Xang cùng đang ở trong rừng núi, nên dễ chống hơn. Trong khi đó quân Minh vào đến rừng thì đâm ra e dè, sợ phục binh, vì chúng đã mến mùi này nhiều lần. Với chiến thuật này ta chỉ bày nghi binh làm quân của Trần Trí không dám tiến vào, mà ta tung hết lực lượng đánh quân Lan Xang làm chúng phải lui binh về nước.

Năm sau, vào mùa mưa gần hết liên quân Minh- Lan Xang lại đánh nữa. Quân ta bị giặc vây hãm quá ngặt nên Vương phải rút vào các chiến khu. Để tránh tổn thất nặng, Quân Sư Nguyễn Trãi bàn với Bình Định Vương Lê Lợi chia quân làm hai đạo. Một đạo do chính Bình Định Vương chỉ huy rút về Chí Linh. Đạo thứ hai được giao cho Tướng Trần Nguyên Hãn rút vào chiến khu Bản Ngói. Bản Ngói không thôi là một buôn của người Mường (Phía tây của thị xã Thanh Hóa). Chiến Khu Bản Ngói thì nhỏ hơn Chí Linh, là một khu rừng núi ăn sâu vào dãy Trường Sơn thuộc thượng du Thanh Đô Trấn, bên trên Lam Sơn, và sát ngay biên giới Sầm Nứa của Lang Xang. Mục đích của quân sư là dùng đạo quân thứ hai này ngăn chặn quân Lan Xang đánh bọc hậu.

Trung tâm của chiến khu có ngọn núi Pu Cho cao tít trời xanh, hầu như suốt mùa mưa đỉnh núi bị mây mù che phủ. Đường vào đây là con sông Chu (Đập Bái Thượng, nổi tiếng trong cuộc chiến 1946- 1975, ở trên sông này. Pháp, Mỹ đã thi nhau ném bom ở đây). Vào mùa mưa, con sông trở nên rất rộng; nước chảy rất xiết, hai bên là núi cao nên giặc không vào được. Nếu chỉ đi hai bên bờ sông thì dễ bị phục kích vì quân ta ẩn núp trên sừơn núi, vách dựng lăn đá xuống. Chiến khu Chí Linh thì nằm ở phía bắc của chiến khu Bản Ngói. Hai chiến khu này không xa nhau lắm, và nhờ vào núi rừng Trường Sơn mà có thể liên lạc với nhau lúc cần. Tuy rằng đường đi xuyên qua các rừng già, nên  không dễ dàng, nhưng cũng không bị nguy hiểm.

Quân của Tướng Trần Nguyên Hãn đóng đây cũng tạm an toàn.

Vào tháng chạp năm đó mưa đã hết từ lâu nên con sông rất cạn, lộ ra những bãi đất, cát bằng bặn, rộng rãi thênh thang, lăn đá cũng chẳng làm được gì. Lợi dụng tình trạng này, giặc tấn công vào chiến khu. Vào đến nơi, chúng đốt nhà cửa, trại quân; lương thực hoa mầu của chiến khu, ở hai bên sông, bị chúng cướp phá sạch. Dù rằng giặc mạnh, nhờ vào địa thế hiểm trở, quân ta lại rút lên núi cao, rừng sâu nên vẫn bảo toàn được lực lượng. Nhưng chỉ có điều sau khi giặc rút khỏi, tướng sĩ đói, rét vô cùng vì lương thực hoa màu bị chúng cướp phá hết. Tuy khó khăn mấy, tất cả mọi người từ trên xuống dưới vẫn một lòng đánh giặc.

Khi hay tin ấy, Vương cử Quân Sư Nguyễn Trãi tới xem xét tình hình. Quân Sư bàn với Tướng Trần cùng nhau đi nghiên cứu điạ hình, địa vật quanh chiến khu trong hơn một tháng. Quân Sư nhận thấy nơi đây chính là nơi phát nguồn của dòng sông Chu, có đến mấy chục ngọn suối, cùng sông nhỏ đổ vào con sông này. Trong mùa mưa, nước ở các ngọn núi của dãy Trường Sơn đổ xuống các sông suối, sau đó chảy vào giòng sông Chu, làm dòng sông này trở nên vũ bão.

Sau khi quan sát, thẩm định xong, thì mùa mưa cũng vừa tới. Quân Sư bàn với Tướng Trần chia binh sĩ làm nhiều toán. Một toán lớn ở lại trên sông Chu, còn các toán nhỏ đi theo các lộ trình được Quân Sư ấn định trước, đến các ngọn suối, lạch hay sông nhỏ. Các toán này cùng xuất phát tại một điểm trên sông Chu, nơi toán lớn nhất cắm trại. Sau khi đi độ một canh giờ thì các toán này ngừng lại, rồi lo thu nhặt lá khô hay vỏ cây khô. Mỗi toán chỉ được nhặt một loại lá cây hay vỏ cây mà Quân Sư ấn định trước. Quân Sư đã ghi chép tất cả chi tiết việc làm vào một quyển sách của ông.

Đến giờ ấn định, tất cả các nhóm đem ném lá, vỏ cây khô bỏ xuống suối, lạch hay sông nhỏ. Toán lớn nhất đóng ở sông Chu có nhiệm vụ nhặt tất cả các lá và vỏ cây trên, ghi vào các loại lá đã nhặt được giờ nào. Lẽ dĩ nhiên có loại nhặt được trước có loại nhặt được sau, vì độ dốc của các sông suối khác nhau, nên tạo ra vận tốc nước khác nhau. Lọai nào chậm thì ngày hôm sau được lui về gần hơn. Tùy theo sự chậm trễ nhiều hay ít mà các toán lui lại xa hay gần. Rồi tất cả các toán lại tiếp tục công việc cũ cho đến khi tất cả các loại lá cùng nhặt lên một lượt.

Tại các điểm này, Quân Sư cùng Tướng Trần cho lính lấy gỗ cây, đất đá làm đập, chặn nước từ các giòng suối nhỏ. Cả mấy chục cái đập nhỏ sẽ bằng một đập lớn. Khi mùa mưa gần hết, nước trên giòng sông Chu hơi ít đi, thì Quân Sư và Tướng Trần lại làm đập nước ở nơi đây luôn. Lẽ dĩ nhiên cách xây đập nước cũng đã được Quân Sư nghiên cứu kỹ là nếu cần chỉ cần tháo gỡ một số cây mấu chốt thì đập sẽ vỡ. Và khi các đập nhỏ vỡ thì nước sẽ chảy đến đập lớn cùng một lúc. Như vậy năng lượng của nước mới cao và sự tàn phá càng khủng khiếp hơn.

Trong thời gian này, binh lính đói quá nên thường đi tìm tất cả các thứ gì ăn được là ăn như cá dứơi nước, thú trong rừng, chim trên cây, cho đến cả trứng kiến, ong con…

Lúc đầu binh sĩ không nghĩ tới chuyện ăn trứng kiến, nhưng sau có ngừơi đói quá lấy que chọc vào tổ kiến đen trên cây, một loại kiến to bằng đầu cây tăm đầu, mình đen nhưng dít thì nâu đỏ. Kiến này đốt thì không nhức bằng kiến lửa, nhưng bị đốt bởi nhiều con một lựơt thì khó chịu vô cùng. Khi trứng kiến màu trắng rơi xuống một cái nia, người đợi cho kiến bò ra khỏi nia một chút rồi lôi nia đi. Sau nhiều lần lôi đi, cuối cùng người ấy lấy được một bát ăn cơm trứng kiến. Người này mang về nhà mấu lên với muối, ăn với cơm hay sắn cũng khá ngon. Sau đó, mọi người cùng bắt chước.

Trên thượng du Thanh Đô Trấn có nhiều tổ của loài kiến trâu, mình lớn như cây đũa, đen tuyền. Chúng đốt nhức như ong nghệ hay ong bò vẽ. Ở đây còn có rất nhiều loài ong độc như ong nghệ, mình vàng như nghệ có vân nâu nhỏ, đốt nhức vô cùng. Tuy nhiên, ong này chưa độc bằng một loài ong mình đen có lông, to bằng ngón tay cái, giữa bụng có một vạch vàng; tổ của chúng vằn vằn vện vện, trông rất khủng khiếp. Ngừơi mà bị nó đốt bị lên cơn sốt vài ba ngày mới khỏi. Nếu vài con đốt có thể chết. Lính muốn lấy tổ ong thường dùng nùi dẻ đốt lên, ong thấy khói bay đi hết. Quân Sư tham quan thêm một thời gian rồi bàn với Tướng Trần ra lệnh cấm binh sỹ không được phá tổ ong, kiến ở một số địa điểm, cũng như phái một số lính đến đó canh cùng thi hành một số công việc đặc biệt.

Tháng mười đã tới, trời trở nên lạnh hơn. Trên sông các bãi cát từ từ nhô ra khi nước rút đi, Quân Sư cho lính ra đắp luống trồng khoai, ngô, sắn..rồi làm chòi canh. Tướng Trần thấy lạ nhưng không hỏi.

Đến tháng chạp thấy thời cơ đã thuận tiện, Quân Sư nói với Tướng Trần cho phục binh chờ đợi. Quả thật, không lâu sau vì mùa khô nên giặc lại cho quân vào phá hoại lương thực của ta. Thấy ít nước là chuyện thường, nhưng có một điều chúng không để ý tơí là nước năm nay còn cạn hơn nước năm ngoái. Lúc đầu, ta đánh rất hăng, để dụ địch mang nhiều quân tăng viện. Nhờ vào các bãi đất cát trên lòng sông trở nên rộng hơn, nên chúng có thể cho quân tiến lên đông hơn một lượt.

Đánh một lúc, quân ta giả thua kéo nhau chạy theo mé sông, giặc thừa thế đuổi theo. Đuổi được một lúc, giặc thấy nhà cửa ruộng nương. Điều này làm chúng càng vững tin vào sự an toàn, nên thì đua nhau cướp phá. Đang cứơp phá giặc bỗng nghe sấm dạy, tợ như có một cơn mưa dông đang kéo tới. Chúng ngừng lại nghe ngóng, thấy trời vẫn quang, mây vẫn tạnh nên lại tiếp tục cướp phá. Chúng không biết mấy chục thác nước đang tuôn về chúng.

Lúc giặc vào, Quân Sư và Trần Tướng Quân đang ở trên đỉnh núi gần đó quan sát. Khi giặc vào đúng thế trận, Quân Sư ra lệnh vẫy cờ hiệu hiệu. Cách xa đó độ một dặm, có một nhóm lính được bố trí trên một ngọn cây cao nhất vùng, vẫy cờ tiếp theo, rồi cứ như vậy cờ báo hiệu chia ra làm nhiều nhánh, như dẻ quạt. Chỉ những người có nhiệm vụ mới để ý tới cờ này, còn bình thường ở dưới đất khó lòng thấy nổi vì cây cối trong rừng che khuất. Chỉ độ chưa tàn hết một phần cây nhang thì nhóm lính canh các đập nhỏ cùng nhận thấy cờ hiệu. Tất cả đồng loạt phá đập. Âm thanh mà giặc nghe chính là nước của mấy chục cái đập bị vỡ một lượt.  Nước ở các đập nhỏ cùng loạt đổ xuống đập lớn. Lúc cái đập lớn chịu không nổi, gần vỡ; các cây cọc gỗ khổng lồ chống đập lung lay như muốn xập. Lúc ấy, Quân Sư ra lệnh phá đập chính. Lập tức, mấy trăm lính canh đập nắm các sợi dây chão lớn như cổ tay kéo dây, một số dây khác thì cột vào một đàn voi cho chúng kéo. Các dây này nối tới thân của các cọc cây khóa nối với chính chống đập. Các gốc này bị bật lên và đập bị vỡ và nước là mồ chôn quân thù.

Khi đang tranh nhau cướp phá trên lòng sông cạn, giặc bỗng nghe tiếng sấm lớn hơn trước nhiều. Tất cả đám dừng tay, nghe ngóng, rồi thấy những cột nước trắng xóa đập vào các gành đá bên trên như những ngọn sóng Thần. Ngọn sóng thần này ầm ầm tiến tới với vận tốc nhanh khủng khiếp. Chúng tranh nhau chạy lên bờ, nhưng quá trễ. Một số đông giặc bị nứơc cuốn đi nên chết đuối hay chết vì đập vào đá; một số khác bị các thân cây lớn trôi theo nước với vận tốc cực nhanh đập phải, nên bị què tay, gãy chân, số còn lại chạy thoát lên bờ.

Đạo quân này vừa mới hoàn hồn, và các tướng cố sức giữ trật tự đề phòng đợt tấn công khác thì có nhiều nhóm chạy nhốn nháo la hét ầm ĩ. Ra bằng các toán này chạy lên bờ, loay quay đụng vào các bẫy mà đội lính đặc biệt của ta đã gài. Các bẫy này chọc vào tổ ong, kiến khi có người đụng phải, làm ong kiến ra khỏi tổ tấn công vật gì di động chung quanh. Bị chúng đốt nên đám lính ấy lại làm mất trật tự. Đột nhiên thấy đá lăn, gỗ đổ, rồi lửa từ trên trời rơi xuống. Vì là mùa hanh, cây cối có nhiều lá khô, nên bốc cháy dữ dội. Giặc lại bị chết thêm một mớ, phần chết cháy, đám vong mạng vì gỗ đá lăn, còn bị thương vì đá, gỗ, lửa và bị thương vì ong kiến thì vô số. May quá, nước dưới sông cũng cạn dần, nên giặc lại chạy xuống lòng sông tránh lửa, đá. Nhưng bây giờ lòng sông không còn là nơi lý tưởng để di chuyển vì sình lầy, cây cối nghiêng ngả. Lúc ấy quân ta xông ra từ các hang núi, dùng cung, nỏ bắn tên độc ra tới tấp. Trong khi ấy, rất nhiều giặc không còn vũ khí.

Quý vị chắc đã thấy phần kết luận.

Trên đây là một câu chuyện để cho thấy ta có thể lấy ít thắng nhiều với vũ khí thiên nhiên. Biết đâu trận Tụy Động đã xẩy ra tương tự và giặc chết quá mức tưởng tượng thì sao?

No comments:

Post a Comment