Monday, August 4, 2014

Long Thới một chiều mưa


Dưới đây là một câu truyên trích trong quyển Hải Thần Thịnh Nộ. Câu chuyện được giải cao nhất của báo Người Việt tổ chức cho 30 năm tỵ nạn về thể chuyện dài.

Vài năm trước, tôi đăng chuyện “Cậu học trò Bình Hòa Phước” Phạm Hoàng Vũ, một nam sinh chưa học với tôi đã làm tôi khóc khi đi đánh cá năm 1979. Hôm nay, xin đăng chuyện một cô bé học sinh cũng như Vũ chưa học tới lớp tôi dạy. Cô cũng đã làm tôi khóc.

 

Long Thới một chiều mưa

Sau 30 tháng 4, năm 1975, tôi bị đưa đi học tập cải tạo với tội danh: sĩ quan tình báo CIA, không chịu trình diện đăng kí, dù là chẳng biết gì là CIA hay CIB. Nguyên cái tội sĩ quan tình báo CIA thì ở tù mục xương, còn cái tôi không chịu trình diện đăng kí còn nặng hơn vì cố tình trốn tránh làm phản động. Với cái tôi thứ 2 nhà tôi không biết được cuộc đời tôi sẽ ra sao. Trước khi có bản án rõ ràng, họ đưa tôi vào tù rồi hậu xét, vì lúc họ kết tội thì họ chẳng có một bằng cớ nào. Vào đây họ bắt đầu điều tra. Rất may, họ điều tra tôi qua các cán bộ nằm vùng. Nhưng các người này là học sinh của tôi hay phụ huynh học sinh của tôi. Họ trình bày xong thì thả tôi ra.

Sau khi được cho về, không như các bạn là sĩ quan thật sự vẫn được về trường dạy học kiếm sống, tôi bị cho ra khỏi hệ thống học đường. Trong khi ấy, tôi không có đất đai vườn để kiếm kế sinh nhai, nuôi vợ con. Bên vợ cho vợ tôi 3 công đất làm của hồi môn, nhưng với số ruộng ấy làm sao sống trọn đời. Tôi trả ba công này cho mẹ vợ để bà cùng mấy ông anh vợ sống với nhau.

Một cách giải quyết là về Vũng Tàu, khai khẩn đất hoang trên núi Nhỏ và xuống biển đánh cá. Trong giai đoạn đầu, tôi phải bỏ vợ con lại quê vợ ở Tân Thiềng, Chợ Lách, Bến Tre, để v ề đấy một mình.

Mà về đấy một mình đi làm rẫy đánh cá thì quần áo luôn luôn nhàu nát, có cái rách như bươm bướm bị trẻ nhỏ săn đuổi. Lúc đi làm việc, thì tôi đi chân không.

Sau năm, sáu tháng ở đấy, tôi quyết định về Tân Thiềng thăm vợ con. Tôi rất băn khoăn về nàng và đứa con đầu lòng của tôi rất nhiều, vì kể từ ngày tôi về Vũng Tầu tôi không nhận được tin gì của nàng cả. Việc đầu tiên của tôi là xuống đồn công an Thắng Tam, xin giấy phép về thăm gia đình. Họ cho tôi một tuần phép.

Tôi nghỉ lại Sàigòn một đêm, rồi xuống Mỹ Tho để đi đò Hồng Vân về Chợ Lách. Đây là chuyến đò duy nhất về Lách, khởi hành đúng 1 giờ chiều tại vườn hoa Lạc Hồng, và nếu trễ phải đợi chuyến đò Đồng Tâm chạy ngày hôm sau. Một ngày là thời gian quí báu của tôi, vì đi và về mất bốn ngày, tôi còn lại ba ngày cùng vợ con mà thôi. Với lý do ấy, tôi ra bến xe từ buổi sáng sớm.

Ra đến bến xe, tôi thất vọng khi nhìn thấy một đoàn người dài dòng dọc đang sắp hàng mua vé. Tôi nôn nóng sắp hàng. Mỗi một phút trôi làm tôi cảm thấy trong người nóng thêm một chút. May mắn thay, khi cầm vé trong tay, tôi thấy 10 giờ 15. Tôi tính nhẩm:”Ttừ Sàigòn đến Mỹ Tho là 70 cây số; trung bình một xe đò chạy khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ sẽ đến nơi. Nếu chậm lắm là 2 giờ 15 phút, vậy tôi đến bến đò đúng giờ.” Hên quá!

Khi ra xe, tôi lại một lần nữa thất vọng vì xe này chạy bằng than, thay cho xăng. Trong thời gian này, rất nhiều xe đã biến cải chạy bằng xăng sang chạy bằng than đá.

Xui xẻo thay, khi tôi tới bến đò Lạc Hồng thì chiếc Hồng Vân đã cách bến trên 200 mét. Tôi chỉ còn nước đứng nhìn chiếc đò máy mà lòng tức tửi. Tôi nôn nóng chạy tới chạy lui xem còn đò nào đi về phía đó không. Sau một hồi toát mồ hôi hột, tôi tìm ra một chiếc đò nhỏ đi về Cái Nhum, Long Thới. Long Thới cách quê vợ tôi khoảng 3 km. Nơi đây, trước 1975, tôi vẫn thường lui tới. Một bạn dạy học cùng trường là Nguyễn Tri Lộc có một ngôi nhà cạnh mé sông.

Ngồi trên đò tôi khát nước dữ dội, vì sau một hồi chạy tới, lui trên bến đò, mồ hôi toát ra như tắm. Nhưng đò chỉ có nước lóng phèn, nên tôi không thể uống được.

Chiều đó, tôi về đến Long Thới, sau một cơn mưa rào. Long Thới là một xóm đạo, trước 75 nơi này có trường trung học đệ nhất cấp (cấp 2) tư thục của nhà thờ đạo, và một chợ buôn bán tấp nập, sầm uất. Sau khi tôi từ chức hiệu trưởng Trung Học Chợ Lách năm 1970, ông cha chánh sứ có mời tôi xuống dạy luyện thi cho các em ở đây, qua sự giới thiệu của Nguyễn Tri Lộc. Thấy nơi đây là một địa phương hẻo lánh, khó lòng có thể đi học tư, và cũng vì sự hiếu học của các em, tôi tình nguyện xuống dạy miễn phí. Ngày đầu dạy học, tôi ngạc nhiên tai sao các học sinh lớp toán mà toàn là nữ sinh.

Khi tôi đặt chân lên bờ, tôi nhận ra Long Thới bấy giờ tiêu điều; chợ búa vắng tanh; cửa hàng đóng im ỉm, đường phố ướt nhượt. Thỉnh thoảng một vài giọt mưa chiều còn sót vẫn rơi nhẹ trên vai tôi. Tôi đành phải tìm nhà Nguyễn Tri Lộc, để xin miếng nước, nhưng khi đến nơi, tôi thấy nhà của anh ta đã bị tịch thu, và biến thành trụ sở công an. Tôi biết một số cưu học sinh của tôi có nhà nơi đây, song tôi không rõ nơi nào. Tôi đành lủi thủi cuốc bộ về Tân Thiềng, khi bóng chiều đang rơi. Đường đi nhiều bùn lầy, rất khó khăn vì dép cứ lún xuống bùn. Khi rút dép lên thì đế một nơi, quai một nẻo, nên tôi phải bỏ đôi dép hai quai ra cầm tay để di cho dễ.

Về ngang Long Thới, mưa tàn.

Phố phường ướt nhượt, cửa hàng vắng tanh.

Lòng buồn, cất bước đi nhanh.

Đường mòn lầy lội, loanh quanh hàng dừa.

Đang đi trên con đường mòn cạnh nhà thờ Long Thới ra đường đá, chợt nghe  tiếng cười nói một vài cô bé, bên kia hàng rào. Liếc mắt về đấy, tôi thấy thấp thoáng dáng một thiếu nữ đang quét sân, vừa quét vừa nói chuyện với bạn cô ta.

Bỗng cô gái quét sân, buông chổi, nói:

- Thày kìa! Thày kìa!

- Ai? Ai?

- Thày Hiệp kìa bay ơi!

- Đâu? Đâu?

- Ngoài đường cà!

Rồi nghe tiếng chân chạy thình thịch. Nhìn qua một hàng rào, tôi thấy thấp thoáng vài bóng thiếu nữ đang chạy ra cổng. Một thoáng sau, vài cô nữ sinh, mười sáu, mười bảy tuổi hiện ra hiện ra mé đường chào:

- Thày.

- Thày! Thày khỏe không?

Tôi không ngờ học sinh vẫn còn nhớ tới tôi, làm tôi cảm động lắm, nhất là khi không còn làm thày, mà chỉ là một người ngư phủ nghèo nàn. Nhìn các cô này, tôi không nhớ các cô học lớp nào, vì tôi không quen mặt. Các cô đứng nhìn tôi từ đầu tới chân. Khi thấy tôi quần áo cũ kỹ, lấm lem lấm thủi, tay cầm đôi dép, trên mặt các em đột nhiên tỏ vẻ đau khổ, rồi mắt các em đỏ hoe. Chúng tôi cùng yên lặng đè nén những xúc cảm, vì biết rằng nếu mở miệng sẽ bật khóc thành tiếng.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, cô bé quét sân, dáng cao cao, thân hình thon thắn, gương mặt thật đẹp, trấn tĩnh hỏi, với giọng run run:

- Thày!….. . Sao Thày ra nông….. . nổi.. . này? Thày làm gì để.. . sống?

Tôi cố nén giọt nước mắt, gượng cười:

- Thày… đánh cá em. Các em còn nhận… nhận  ra Thày trong bộ quần lem, áo vá sao? Cám ơn các… em nhớ tới Thày.

Cô nữ sinh đẹp nói:

- Thày…thày có …có rảnh không?

- Chi vậy?

- Nếu có giờ mời Thày ghé vào nhà uống miếng nước.

Tôi nghĩ bụng: "Mình tìm nước uống nửa ngày mà không ra nước, bây giờ lại có mấy cô nữ sinh mời. Thật là có duyên."

Tôi gật đầu:

- Thày vào với các em vài phút.

Vào nhà uống nước nói chuyện một lúc, tôi hỏi:

- Các em là học sinh cũ của Thày sao?

Cô bé quét sân đáp:

- Không Thày. Lúc Thày còn dạy thì tụi em, đứa đang học lớp 7 và đứa đang học lớp 8. Ngày ấy, tui em ao ước vài năm nữa sẽ được học Thày.

Tôi nghĩ: "Lúc mình còn dạy học, các em còn nhỏ, nên không phải học sinh của tôi lúc ấy, nhưng bây giờ, sau vài năm xa cách, các cô đã lớn và nhìn ra dáng các thiếu nữ xinh đẹp. Thảo nào mình nhìn không ra."

- Làm sao các em nhận ra Thày, khi phục sức hoàn toàn khác xưa?

Cô bé quét sân xúc động đáp:

- Tụi em.. .làm sao quên Thày được. Khi nhìn Thày… đi qua, em nhận… ra dáng Thày ngay.

Trong lòng tôi lại càng xúc động hơn. Các cô chưa học tôi mà có một thái độ đối với tôi như thân thuộc lâu rồi. Ôi quý thay!

Một chặp sau, tôi giã từ các em. Lúc chập choạng tối, khi lặn lội trên con đường trơn trượt từ Hòa Nghĩa về Tân Thiềng, tôi phải xắn quần. Càng lúc, bóng đen càng buôn phủ dày đặc, con đường đất lày lôi càng làm người khách lữ hành khó nhọc hơn. Trên đường, hình ảnh các cô bé, nhất là cô bé quét sân, với cử chỉ xúc động, cứ luẩn quẩn trong đầu.

Lúc về đến nhà, với bộ quần áo lấm lem, thì trời đã tối hẳn, Điệp mừng rỡ đón tôi, riêng cu Hi nhìn tôi rồi bật òa lên khóc. Tôi không hiểu con tôi nghĩ gì? Hay là nó giận tôi, vì đã xa nó quá lâu. Nó không cho tôi bế, mà rúc đầu vào ngực mẹ khóc mãi. Sau gần nửa giờ năn nỉ, cu Hi ngả vào lòng tôi để tôi bế. Vợ chồng, con cái đoàn tụ vài ngày, rồi chúng tôi lại chia tay trong bùi ngùi.

 

Kể từ ngày vượt biên thành công, sang sinh sống bên Mỹ, khi rảnh rỗi hay lúc thấy cùng cảnh huống, tôi vẫn nhớ tới kỷ niệm buồn ngày ấy.

Năm 2001, tôi về thăm quê hương lần đầu. Kể từ năm 1976, tôi rời khỏi đây đến nay 2001 vừa đúng 1/4 thế kỷ. Tôi nói một cậu cựu học sinh đưa tôi đến nhà Nguyễn Tri Lộc ở Long Thới bằng chiếc xe gắn máy của cậu. Đối với cậu học sinnh cũ này đây là một nơi xa lạ, và cậu cũng chưa bao giờ lại gặp ông bạn tôi kể từ thời ấy, nên chúng tôi ghé nhà này hỏi thăm, dừng nhà kia tìm hiểu. Chúng tôi đã phải lần mò một thời gian lâu mới tìm ra nhà người bạn này.

Xe dừng trước nhà, tôi thấy một người đàn ông, tóc bạc bạc, ngồi ở một bàn giữa nhà. Ông này ngẩng đầu nhìn khách lạ hơi ngạc nhiên. Tôi biết y là bạn cũ vì cặp kính cận đặc biệt. Tôi lầm lũi bước vào nhà, cúi đầu chào không nói, để xem phản ứng ông bạn cũ này ra sao.

Lộc nhìn tôi chăm chú vài giây rồi chợt cười vang:

- Võ Hiệp chứ ai đâu!

Tôi cười đáp:

- Hay thật. Hai mươi lăm năm mà vẫn nhận ra tôi.

- Ông nhìn vẫn trẻ như xưa, da trắng và mập hơn một chút. Phải nói là ông tráng kiện.

Hỏi thăm một lúc, tôi đặt câu hỏi về cô bé thủa xưa:

- Này cậu, cậu có biết một cô bé cựu học sinh, nhà trên đường mòn gần nhà thờ. Năm 1977 cô bé độ 15, 17 tuổi, nhìn đẹp người.

Lộc nói:

- Làm sao tôi biết nổi người con gái ấy. Vào thời gian này tôi cả ngày lo làm vườn ông ạ.

Ngừng một vài giây, Lộc tiếp:

- Ông có việc cần tìm cô ấy sao? Tên mà ông không nhớ à?

-  Ừ tôi muốn tìm thăm lại cô ta. Cô ta đã làm tôi in sâu một kỉ niệm, giữa khi cuộc đời mình ở tận đáy. Quả tình tôi không biết tên. Nhưng giờ chắc cô đã theo chồng chốn phương trời nào ấy.

Lộc gật đầu tán đồng:

- Ừ đúng đó, với tuổi này thì con cô ta cũng đã lớn hết rồi.

 

Năm 2005, tôi về thăm quê lần thứ hai, nhưng tôi không tìm cô bé ấy vì tin rằng cô đã lập gia đình và đi xa. Về thăm gia đình, gặp gỡ các học sinh cũ, viếng vài nơi, rồi quay về Mỹ đi làm trả nợ.

 

Một hôm vào buổi chiều mùa đông, khi đi ra khỏi hãng một đoạn thì trời đổ mưa nặng hạt. Vì đi làm bằng xe lửa, nên tôi phải đi bộ một đoạn khá xa để đến nhà ga. Dù là có dù che, nhưng tôi vẫn bị ướt chút đỉnh. Ác nhất là đoạn đường trước khi tới sân ga. Đoạn này là nơi nước từ đường xe lửa đổ xuống, và từ sân đậu xe của phi trường Burbank đổ ra, nên nước dâng cao đến đầu gối. Không còn cách lựa chọn, tôi lội qua ao nước làm ướt quần áo như chuột lột và một đôi giày đầy nước.

Lên đến xe lửa, tôi cởi đôi dày ra,  vào nhà cầu trên xe, trút nước ra, rồi đi chân không đến chỗ ngồi. Còn đôi giày, tôi đem úp xuống sàn cho ráo bớt. Xe lửa từ đây về down town Los Angeles rất vắng nên chẳng ai cười tôi cả.

Ngồi buồn một mình, chợt nhớ lại chuyện năm xưa, tôi làm bài thơ Mưa Lạnh.

Mưa lạnh


 

Mưa lạnh chiều nay, đâu lại về.

Nhớ thời lận đận ở nơi quê.

Lúc còn gian khổ đi làm cá.

Nhớ vợ, thương con, dạ não nề.

 

Một ngày xin phép được thăm nhà.

Sáng sớm, khởi hành ở bến xa.

Suốt một ngày dài, đường vất vả.

Bước ngang Long Thới lúc chiều tà.

 

Lúc ấy, trời buồn tôi bước qua,

Đường mòn vắng lặng, dưới mưa sa.

Lối đi trong xóm đầy bùn ướt.

Lầm lũi, nhanh chân trở lại nhà.

 

Bất chợt vang lên một tiếng chào.

Tiếng người con gái giọng thanh tao.

Một cô be bé, bên kia dậu,

Môi đỏ, má hồng dáng cao cao.

 

Em ra trước cổng, hỏi thăm tôi.

Bất chợt, lặng thinh chẳng ngỏ lời.

Thấy áo quần tôi đà rách nát.

Mắt dưng dưng lệ, bặm vành môi.

 

Tôi nhìn cô bé, mắt cay cay.

Chẳng biết có gì nói nữa đây.

Chỉ biết dơ tay chào vĩnh biệt.

Quay đầu cất bước, dạ như say.

 

Mấy chục năm qua vẫn chẳng quên.

Tiếng chào như vẫn mãi gần bên.

Khi nao gặp lại người con gái?

Chẳng biết làm sao để biết tên?

 

Mấy lần thăm lại chốn quê nhà.

Đường đến nơi này cũng chẳng xa.

Nhưng nghĩ biển dâu đà biến đổi,

Chắc rằng cô bứơc với xe hoa.

VHKT

 

Lần về quê cuối là tháng 12 năm 2009. Gia đình tôi đi xe đò về thị trấn Chợ Lách. Người tài xế xe tìm thuê cho chúng tôi một chiếc xe chở hàng nhỏ để về nhà vợ. Tìm mãi một hồi thì được một xe chở heo, mà cạnh tài xế chỉ đủ cho bà xã và hai cháu nhỏ. Tuy tôi chẳng ngại gì ngồi vào chỗ mấy con heo, nhưng đồ đạc đầy nhóc, nên đành chờ xe gắn máy của mấy đứa cháu lên đón về. Đó là thật trong lòng chứ không phải sợ người đồ tể nhận lầm đem tôi đi làm thịt. Hơn nữa nếu họ làm thịt thì cũng tốt. Cái sợ nhất là họ không làm thịt mà đem thiến thì quả là một tai họa.

Lúc ấy là giữa trưa, trời quá nóng.

Tôi tìm một cửa hàng vào mua một ly cà phê đá giải khát, trong lúc chờ đợi. Cửa hàng này khá lớn, và tôi đoán vị trí loanh quanh khu nhà chú Mười Chỏi. Ông này làm tổng giám thị cho trường trung học, khi tôi làm hiệu trưởng năm 1969.

Hỏi thăm cô bán hàng thì ra cô ta là cháu ông này.

Tôi cầm ly cà phê ra trước cửa để đứa cháu nào lên đón dễ nhận diện.

Đang loay quay quậy ly cà phê, thì một chiếc xe gắn máy chạy qua. Xe vừa qua tôi, đột nhiên dừng lại.

Tiếng một phụ nữ vang lên:

- Ai nhìn giống thày mình quá ta.

Tôi không thể biết người này vì cái khẩu trang trên mặt. Người đàn bà này, xuống xe quay đến tôi, một tiếng nói vui mừng:

- Thày! Thày về hồi nào?

Tôi nhìn người đàn bà nhận ra đó là Trương Thị Lý. Cô ta học với tôi lớp 12 năm 1973. Lý là một cựu học sinh giúp tôi rất nhiều khi tôi gây quỹ cứu học sinh nghèo từ 2001 đến nay.

- Ồ Lý! Thày mới về.

Nói chuyện một lúc, Lý mời:

- Khi nào rảnh, Thày ghé em chơi.

- Được chứ. Nhưng tìm sao ra nhà em?

- Thày về Long Thới, hỏi nhà cô giáo Lý thì ra ngay.

- Vậy tốt. Thày sẽ ghé thăm em.

Vài hôm sau, tôi có việc đi lên Sàigòn. Lúc quay về xe đò ngừng ở Long Thới cho một ông già hành khách xuống. Thấy vậy tôi cũng xuống theo.

Người hành khách thấy tôi lạ, nên hỏi:

- Ông xuống nhà ai ở đây?

- Tôi ghé thăm cô cựu học sinh của tôi ở đây.

- Ai vậy ông?

- Cô Lý thưa ông.

- Vậy ông dạy cô giáo Lý sao?

- Vâng trước kia tôi dạy ở Chợ Lách.

- Vậy ông là Thày Hiệp phải không?

- Dạ.

- Tôi nghe mấy em cháu bàn thày tụi nó về. Đâu dè người đó là ông. Để tôi gọi thằng xe ôm kia, nó cũng là cháu cô Lý đó.

Nói xong ông vẫy cậu thanh niên xe ôm lại và dặn đưa tôi đến nhà Lý.

Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu chở tôi chạy vào sân nhà dòng.

Tôi hỏi:

- Sao cậu lại đưa tôi vào đây? Bộ cô Lý đi tu sao?

- Dạ không, đi đường này gần hơn.

- Ừ tốt! Cô Lý không tu thì hay, mà tôi cũng không muốn đi tu nốt.

Chỉ vài phút sau tôi tới nhà Lý. Nhà cô cũng trên đường mòn gần nhà thờ.

Thày trò gặp nhau thật vui mừng.

Nói chuyện một hồi tôi nói:

- Lý à, năm 1977, thày đi ngang một nhà quãng này. Hôm ấy trời mưa rào, thày gặp một cô bé. Cô ra chào thày. Cô ta khóc khi thấy thày quần áo lam lũ…

Lý ngắt lời:

- Con bé đó là em của em. Nó tên là Út. Sáng nay nó mới kể sơ sơ chuyện ấy cho em nghe.

Tôi hỏi:

- Vậy cô ta có đây không?

- Để em gọi nó lên, chào Thày.

Nói xong em gọi:

- Út ơi !

Cô vừa dứt lời thì thấy Út bước ra.

Người con gái thủa xưa nay là một người đàn bà trung niên. Gương mặt vẫn còn đẹp, có da thịt hơn xưa. Cô chào:

- Thày !

- Chào em. Đến hôm nay thày mới biết tên em. Không ngờ câu chuyện trên 30 năm mới có lời giải.

Chiều hôm ấy, Út  nói:

- Hôm nay phá lệ, em làm tài xế xe ôm đưa Thày về nhà.

Nói xong cô chở tôi về nhà với chiếc xe gắn máy của em.

Trên đường, tôi hỏi em về gia cảnh. Em cho biết đến giờ phút ấy em vẫn độc thân. Em chẳng thấy ai thật vừa ý, và gia đình người anh ruột gặp chuyện chẳng may. Em cùng hai chị đều hy sinh không lập gia đình, ở vậy nuôi cháu. Giả sử chỉ là các cô gái tầm thường thì tôi không ngạc nhiên, nhưng mấy chị em của Út đều là người xinh đẹp, đó là điểm đáng nói. Ôi một gương sáng đáng để mình suy nghĩ.

 

Hôm cựu học sinh tụ tập ở đào Viên Quán đón tôi. Út cũng lên tham dự dù là em chưa phải là học sinh chính thức của tôi ở trường Trung Học.


Lúc nửa chừng, Út lại nói:
- Ai thì chẳng cần, nhưng em phải chụp một hình với Thày để kỷ niệm.






Chì vì tính tình và quá khứ trong một bộ quần áo quá đơn sơ đã làm cô bé súc động.


Sau khi về lại Hoa Kỳ, tôi làm bài thơ tiếp theo:


Mãi đến năm qua ghé một nhà,
Chuyện trò nơi ấy để dò la.
Mới hay người ấy là em út,
Cô gái trong buồng chợt bước ra.


Thày trò nhắc lại chuyện năm xưa.
Cứ nghĩ rằng đây một giấc mơ.
Em kể lại ngày qua để nhớ.
Chiều mưa năm ấy chẳng phai mờ.

Giờ đây em vẫn cảnh chưa chồng.
Nuôi cháu, hy sinh chịu giá đông.
Vứt cả tuổi xanh cùng sắc đẹp.
Để rồi đêm đến với buồng không.


Cầu nàng mọi chuyện sẽ hanh thông.
Sẽ có người thương với tấm lòng,
Thành thực giúp nàng khi cấp bách.
Đền bù mất mát tuổi hoa hồng.


 VHKT-2010


Thày chúc Út cùng các chị của em suốt đời may nắm.


No comments:

Post a Comment