Saturday, November 29, 2014

Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 73



XI- Bagan (Miến Điện)
A-  Công Tâm

Như ta đã thấy, vua Narathihapate sùng đạo đi đến quá thái. Ông cho xây rất nhiều chùa vĩ đại Riêng chùa Mingalazedi này được xây bằng gạch lợp ngói Jataka và có các lọng giát ngọc làm cho ngân quỹ quốc gia tốn kém, dân chúng đói khổ oán than. Ông này lại rất xa xí, ăn uống xa hoa với 300 món cà ri hàng ngày, rồi lại có tới 3000 bà quí phi phục dịch. Chẳng biết sức phóng đại là bao nhiêu, nhung có một diểm chắc chắn là rất hoang phí.

Cùng khi ấy ông đem quân đánh Nguyên Mông trước gây ra không nhiều thì ít người dân thấy đó là việc chẳng nên làm. Chuyện này làm cho Nguyên Mông có cớ sang đánh lại.

Trong tình trạng đó, vua Narathihapate đã không thắng được trong việc “Công Tâm”.

Bên Nguyên Mông đã được bàn nhiều nên hai bên cũng chẳng được điểm nào.
B- Công lương

Bản chất Mông Cổ là cướp lương thực của các nước nuôi quân. Khi Nguyên Mông tràn sang Bagan, vua quan nước này cũng như Âu Châu đã không có biện pháp ngăn ngừa.

Nguyên Mông lại được 1 điểm
C- Thiên thời

1. Thời tiết- Khí hậu

Thời tiết, khí hậu của Bagan ( Miến) rất khó chịu, nó cũng nóng ẩm như các quốc gia vùng Đông Nam Á. Theo các nghiên cứu thời tiết của ngành du lịch trên internet về Miến thì nhiệt độ cao nhất từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch. Ở vùng trung châu (vùng Mandalay và cổ thành Bagan) vào khoảng có thể lên tới 43.3 ° C (110 ° F). Vùng cao nguyên Shan ở bắc Miến giáp ranh với Vân Nam tương đối mát hơn, và nhiệt độ trong cùng các tháng ấy thay đổi từ 29.4 ° C (85 ° F) đến 35 ° C (95 ° F).

Trong khi ấy mưa nhiều từ tháng 5 đến cuối tháng 10. Ở trung châu lượng mưa hàng năm khoảng gần 30 cm và ở các vùng miền nam trên các đồng bằng và duyên hải lượng nước mưa có thể đến 500 cm.

Căn cứ vào các nghiên cứu này thì khí hậu Miến còn khắc nghiệt hơn nước mình vì theo phổ biến của tòa đại sứ Việt Nam tại Luân Đôn thì ta thấy bảng phân chia nhiệt độ sau:

 

Và lượng nước mưa trung bình là 100 cm/năm. Một vài vùng ven biển lượng nước mưa có thể lên tới 250 cm/năm

Với các nghiên cứu ấy ta thấy “ThờiTiết” thuộc về quân, dân Miến vì người Mông Cổ chịu nóng rất kém.

2. Thời cơ.

Như đã viết ở trên, quân Nguyên Mông sang đánh đúng lúc kinh tế nước này kiệt quệ, dân tình đói khổ, không mấy ủng hộ triều đình vua Narathihapate.

Dù theo bài viết của Stephen Turnbull hay của ông Tấn và bà Tâm, Nguyên Mông sang lần sau cùng khi Miến có xáo trộng chính trị.

Quân Mông cổ đã chiếm được “Thời Cơ”.

Tóm lại, Miến được 1 điểm về thời tiết, Mông được 1 điểm về thời cơ.
D- Địa lợi.

Bàn về địa lợi thì ta đã thấy khi xem phần nói về địa lý của Miến. Đây là đất rất tốt cho chiến tranh du kích, vậy mà người Miến đã để mất cơ hội. Dù sao Miến chiếm ưu thế về “Địa Lợi” vì đây không phải là đất của kị binh. Kết quả là 1-1.
E- Nhân hòa.

Dựa vào phần công tâm và ở phần lịch sử Miến Điện, ta thấy trong thời gian Mông Cổ sang thì cả nước không đồng tâm diệt giặc. Vua Narathihapate đã bỏ chạy mà không chống cự để đến nỗi dân Bagan gọi ông là vua “Tarokpyemin”, tiếng Miến có nghĩa là “Ông vua chạy trốn Trung Quốc”. Thêm vào đó sự tham lam ích của hoàng tử Thihathu (Sihasùra) đã đầu độc ông chết.

Trong quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm cũng ghi vào văm 1284, khi bị MC tấn công, vua Miến là Narasìhapati đã bỏ thành chạy. Sau khi Narasìhapati chết, con trai là Sihasùra đã giết anh là Urzanà để đoạt ngôi. Sau đó năm 1287, quân Mông Cổ đã chiếm được kinh đô Pagan, vương triều Pagan đổ.

 Quân Nguyên Mông sang đây đồng lòng cướp phá, nhưng dân Bagan không ưa họ.

Vậy Nguyên Mông đã thắng trong trận chiến “Nhân Hòa” với 1 điểm.
F- Tổ chức quân đội.

Ta không biết thực sự quân đội nước này là bao nhiêu. Căn cứ vào cái bia ở chùa thì vua Narasìhapati điều khiển một đạo quân đến 36 triệu. Khi quân Mông sang họ lại viết đạo quân Nguyên Mông ấy là 6 triệu làm tất cả các sử gia cho là quá hư trương. Có thể con số đã dịch thành đơn vị hàng triệu là sai chăng. Quân Bagan có đội tượng binh, chiếm ưu thế so với kị binh. Dù sao quân Bagan vẫn đông, nhưng cách tổ chức đội ngũ thì chắc không bằng Nguyên Mông.

Vậy phần lại hòa 1-1.

G- Huấn luyện.

Phần này ta không biết nhiều về cách huấn luyện quân đội của Bagan nên bỏ qua.

H- Chiến Thuật.

Quân Miến không thấy đưa ra một chiến thuật nào hay trong khi địa lợi họ giữ, thời tiết họ nắm, tượng binh hùng hậu. Ngược lại các tướng Mông Cổ lại lợi dụng rừng núi với cây cối chằng chịt để làm bẫy bắt voi. Đáng tiếc địa lợi bị chiến thuật Nguyên Mông nắm lấy.

Về yếu tố “Chiến Thuật” Nguyên Mông đã thắng với 2 điểm.
I- Tinh thần.

Mặt tinh thần ta cũng không thấy rõ vấn đề giữa hai bên.
J- Vũ Khí-trang bị.

Trong các phần lịch sử của Miến- Mông ta không thấy nói gì tới pháo. Như vậy có thể quân Nguyên Mông không đem nổi các khẩu trebuchet khổng lồ vượt núi cao, đèo sâu qua đây. Như vậy quân đội Nguyên Mông sang đánh miến chỉ có kị binh và bộ binh thôi. Đạo quân này giỏi hơn về kị binh, trong khi Miến có tượng binh vậy kể như hòa.
K- Kỷ luật-Tình báo.

Hai phần kỷ luật và tình báo ta cũng chẳng biết nhiều về hai bên, nên kể như huề nhau.
L- Chọn Tướng.

Tướng Nguyên Mông như Neser ad-Din can đảm, mưu lược. Tướng Miến hay bỏ chạy không thể so sánh được với tướng Nguyên Mông.

Về “Chọn Tướng” Nguyên Mông thắng.

Kết luận:

Khi đọc một số sử về cuộc chiến giữa Miến và Nguyên Mông, vài tác giả viết Nguyên Mông thua vì không kiểm soát được toàn thể Miến Điện. Trong khi ấy, một số khác lại cho rằng Nguyên Mông thắng.

Riêng cá nhân của chúng tôi, chúng tôi nghĩ Nguyên Mông đã thắng vì các lí do sau đây:

* Nguyên Mông đã áp đặt được một triều đại bù nhìn triều cống Mông Cổ.

*  Vua Miến đã phải cho con trai sang chầu. Theo quyển sử “An Nam Chí Lược” của Lê Tắc (Do Viện Đại Học Huế dịch và ấn hành trang 30) có nhắc lại lời nói của sứ giả Trương Đạo Lập với vua Trần câu sau đây: “…vua Diến cảm phục, đầu hàng rồi sai người con trai đúng kỳ hạn vào chầu và cống hiến…”

* Đệ nhất đế quốc Miến Điện đã sụp đổ sau cuộc xâm lăng này.

XII- Java
A- Công Lương

Cũng như Nhật Bản, Java ở xa lục địa, nên việc chuyển vận lương thực. Vì khoảng đường đường từ Khâm Châu đến Java xa hơn từ Cao Ly đến Nhật rất nhiều, nên ưu thế của Java còn tăng hơn so với Nhật. Nếu như quân Nguyên Mông muốn xin viện binh, hay thêm lương thực thì chắc là đạo quân ấy bị tiêu diệt mà viện binh, lương thực chưa tới. Từ khi có lịch sử cho đến thế kỉ XIII, Trung Quốc chưa bao giờ có thể đi xâm lăng một nước xa bờ như vậy.


Phần này Java thắng thế.

B- Thiên thời

1. Thời Tiết

Dưới đây là bảng phân phối nhiệt độ ở Jakarta- Java, nơi quân Nguyên Mông sang xâm lăng. 
Bảng nhiệt độ trung bình hàng năm ở Jakarta.

 Trích từ website : Weather.com/travel

Nhìn vào biểu đồ này ta thấy nhiệt độ quanh năm nơi đây biến thiên từ 24 độ C  (73 độ F) đến 34 độ C (90 độ F). Như vậy còn mát mẻ hơn Việt Nam ta. Vì mưa quanh năm, nên đất đai lắm sình lầy. Không phải địa bàn cho kị binh.

Khí hậu này Mông Cổ không có lợi. Java được 1 điểm.

2. Thời Cơ:

Khi quân Nguyên Mông sang xâm lăng thì nước này đang có xáo trộn chính trị vì quân phản loạn.

Nguyên Mông lại chiếm tiên cơ, nên được 1 điểm.

C- Địa lợi.

Java là xứ nhiệt đới với rừng già chi chít, sầm uất, không có lợi cho kị binh. Thêm vào đó xứ này có nhiều kinh rạch nhỏ nên không lợi cho thuyền bè lớn của Mông Cổ. Người Java đã biết lợi dụng địa thế để chống quân thù.

Phần địa lợi thuộc về Java.

D- Nhân hòa.

Vì có đám phản loạn, đất Java không hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của triều đình Kertanagara. Bên Nguyên Mông lại gồm  quân ô hợp Hán Mông nên cũng chẳng mấy đồng tâm. Cả quân xâm lược lẫn nước chống đều không ai chiếm ưu thế

E- Tổ chức quân đội.

Quân Java bị loạn quân vây hãm khốn cùng, chứng tỏ quân tổ chức đã đến lúc tan rã, may nhờ Nguyên Mông cứu họ. Quân Nguyên Mông có tổ chức chu đáo từ thủy đến lục nên họ nắm ưu thế. Nguyên Mông được trọn 2 điểm.

F- Huấn luyện.

Như phân tích mục trên, huấn luyện của quân Java không bằng Nguyên Mông. Vì vậy họ thắng thế mãi cho đến khi bị lừa.

G- Chiến Thuật.

Về phương diện chiến thuật, ta thấy phò mã Jijaya đã gạt được Shi-bi, không những phục kích mà còn dùng quân Nguyên Mông đánh phản loạn. Như vậy Java thắng thế trong chiến thuật.

H- Vũ khí.

Theo lịch sử ta không thấy nói Nguyên Mông mang súng catapult, chỉ có bộ binh, kị binh. Dù kị binh không được dùng nhiều, nhưng vũ khí Nguyên Mông vẫn mạnh hơn chút đỉnh nhờ vào các chiến thuyền mạnh mẽ.

I- Tinh thần.

Trong phương diện tinh thần, ta không thấy lịch sử nói nhiều, nên ta bỏ qua phần phân tích này.

J- Tướng.

Phần tướng ta thấy Mông Cổ tướng cũng giỏi đánh thắng khắp nơi. Cuối cùng bị phục kích nên phải rút về. Dù sao đi nữa, Jijaya biết áp dụng chiến thuật du kích để đánh kẻ thù mạnh. Java đã thắng được Nguyên Mông 1 điểm.


K- Tại sao Mông Cổ không trả thù?

Nhận xét theo thông thường, ta thấy với lần đánh đầu tiên của Mông Cổ chỉ là trận thăm dò như chúng tôi đã phân tích trận Ain Jalut. Và sau này, khi Nguyên Mông đánh Đại Việt năm 1257 cùng Nhật năm 1274 đều có quân số tương tự. Sau các lần đó, Nguyên Mông đem quân số cả chục vạn trở lên đánh trả thù.

Khi đoàn quân do tướng Shi-bi thất bại trở về thì tướng này đã bị đánh đòn. Hốt Tất Liệt chắc chắn muốn trả thù, nhưng ngay năm sau 1294, ông ta qua đời. Rồi cháu nội[1] là Esen Temur lên thay, hủy bỏ tất cả các cuộc viễn chinh vào Đại Việt lẫn Java. Nếu Hốt Tất Liệt vẫn còn thì chắc Java sẽ nếm mùi tàn phá của ít nhất là 10 vạn quân Nguyên Mông. Đến lúc ấy ta mới có thể thấy Jijaya có thật sự tài ba, dũng cảm và nhân dân Java có thật sự đoàn kết sau lưng vị lãnh đạo hay không.

Ta cũng nên nhớ rằng Esen Temur là người đã từng cầm quân đánh Bagan. Ông ta đã nếm mùi khí hậu, địa thế rừng già cùng đồng nước mênh mông và các cuộc phục kích. Ông nhận ra rằng đánh các nước ở Đông Nam Á và các nước đảo không lợi, nên mới bỏ hẳn các cuộc xâm lược. Hốt Tất Liệt thì chỉ nhìn thấy ông đã thôn tính được nước Tống khổng lồ, nên nghĩ rằng các nước nhỏ khác dễ nuốt hơn. Ông đã lầm.

XIII- Tổng kết.

Nhìn lại các trận đánh của Mông Cổ, ta thấy họ thắng rất nhiều và thắng rất lớn. Tuy vậy, họ cũng đã thua và ta xem thử họ thua như thế nào:

1/. Thua quân Georgia của vua Vua Giorgi IV Lasha, đông hơn gấp ba.

2/. Thua Cuman ở thảo nguyên. Trận này lịch sử không nói rõ diễn biến nên không thể kết luận rõ ràng.

3/. Trận thua liên quân Nga gồm Cuman và Volhynia tấn công họ bằng nỏ ở sông Kalka.

4/. Trận này thua là bị phục khích ở Khi vượt sông Volga thì bị phục kích gần Samara Bend bởi quân của iltäbär (vua) Ghabdulla Chelbir của xứ Bulgar, cộng thêm quân của inäzors (hoàng tử) MordvinPureshPurgaz làm thiệt hại quân Mông.

5/. Trận thua ở Hung Gia Lợi, khi bị tấn công bất ngờ ban đêm bởi ông hoàng Kálmán và tổng giám mục Ugrin ở cầu sông Sajó. Cũng tại Hung quân đội Mông bị thiệt hại nặng sau này vì bị phục kích, tấn công bất ngờ hay nói cách khác là du kích chiến.

6/. Thua Mamluk. Trong các trận đánh từ đông sang tây thì trận Ain Jalut là trận Mông Cổ thua duy nhất về kị binh. Trận này cũng chứng tỏ cho thế giới biết kị binh Mông Cổ không phải là một huyền thoại vô địch.

7/.Thiệt hại lẽ tẻ nhưng tổng kết khá nặng tại nam Bagan khi bị phục kích.

8/. Thua Nhật vì bão.

9/. Thua quân Java vì bị phục kích trong rừng.

Một lỗi lầm chung của các nước thất bại là không biết dùng du kích chiến. Hầu hết các nhà lãnh đạo quen sống trên nhung lụa, chịu cực nhọc không được, nên cứ bám vào các thành để chống cự. Quân Mông Cổ tấn công các nơi này, biết các nhà lãnh đạo ở trong đó, nên họ cứ tiếp tục tấn công. Giả sử các nhà lãnh đạo bỏ thành chạy vào rừng như Vijaya thì cơ hội thoát thân dễ dàng hơn và tái phối trí đánh trả lại.

Nhìn vào đây ta kết luận Mông Cổ nói chung đã thua về du kích.

Đội bắn đá
TREBUCHET
Hình vẽ bẳng Solidworks & Photowork
VNKT
 


[1] Theo nhiều tài liệu kể cả “A Traveller’s History of China”. Trong Khi quyển “A Concise History of China” lại viết Temur là con thứ hai. Thật ra người con cả của Hốt Tất Liệt tên Zhenjin sẽ nối ngôi, nhưng ông này qua đời sớm, nên đã sinh ra chuyện naỳ

 

Wednesday, November 26, 2014

Độc đáo nhà thờ giấy


Tôi nhận được bài viết một bạn đọc về một nhà thờ làm bằng giấy. Nay xin đăng bài lên để các bạn xem.

Độc đáo nhà thờ giấy chứa trên 700 người

 

- Nhà thờ giấy là công trình được xây dựng bằng 98 ống bìa các tông với những cửa sổ bằng kính tam giác màu sắc sặc sỡ để dành tặng cho cộng đồng gặp thảm họa sau trận động đất tàn khốc trong năm 2011.

 

Nhà thờ giấy được xây dựng nhằm thay thế cho nhà thờ cổ tại thành phố Christchurch, New Zealand bị tàn phá nặng nề trong trận động đất 6,3 độ Richter ngày 22/2/2011, làm thiệt mạng 185 nạn nhân, nhiều tòa nhà bị hư hỏng.


 
Nhà thờ được thiết kế bởi kiến trúc sư kiến trúc sư Shigeru Ban, Nhật Bản, người đã đánh dấu tên tuổi của mình bằng những công trình làm từ vật liệu tái chế, chủ yếu là giấy. Năm 2014, ông còn nhận giải thưởng Pritzker 2014 danh giá nhất dành cho những cống hiến cho ngành kiến trúc.


 
Nhà thờ giấy được Shigeru Ban dựng lên từ 86 ống giấy cactông cứng có phủ lớp nhựa chống nước và lửa, mỗi ống nặng gần nửa tấn. Khung nhà thờ hình tam giác, chiều cao hơn 26m. Các ống giấy được phủ trong polyurethane và chất chống cháy để tránh xa nấm mốc và lửa. Tuy nhiên vẫn phải sử dụng vật liệu từ xi măng, kính màu. Nội thất bên trong bao gồm kính màu và bố cục tương tự thánh đường cũ, tạo cảm giác thân thuộc cho người dân.


Nhà thờ làm hoàn toàn bằng giấy cactông, có thời hạn sử dụng 10 năm với sức chứa lên đến 700 người vừa được khánh thành tại thành phố Christchurch, New Zealand. Đây là một công trình mới mang phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính truyền thống.
Nguyen T. Lan

Monday, November 24, 2014

Những Ngày Không Mặt Trời- Bài 10



Vào đầu năm 1958, mẹ tôi về Sàigòn để học Anh văn. Khi ấy ảnh hưởng cảu Mỹ càng ngày càng nhiều thay thế ảnh hưởng của Pháp tại minề Nam. Dú rằng năm ấy việc học sinh ngữ này quá mới mẻ và hơn nữa bà đã gần 40 tuổi. Bà hy vọng khi học xong bà sẽ mở lớp dạy lại môn đó và giúp bố tôi trong vấn đề tài chánh. Để có thêm thì giờ học bài, bố tôi đưa chúng tôi đến nhà ông Đỗ Đức Tâm ăn cơm tháng. Vì vậy tình bạn của anh em tôi đối với Thiện và Thanh càng gần gũi hơn. Cẩm Dung và tôi chỉ còn phải lo bữa cơm tối và ngày chủ nhật.

Một hôm tôi đi học, khi gần đến trường, tình cờ gặp Đức Cống đang chạy hớt hơ hớt hải, mũi đầy máu.

Tôi chặn hắn lại, giúp hắn cầm máu rồi hỏi:

- Đức, sao bồ bị chảy máu mũi vậy?

Hắn mếu máo:

- Tôi gặp thằng Ngọ sứt môi. Nó nói Đức Cống ăn đống cứt. Tôi tức mình chửi lại nó là thằng ngu, nên nó rượt tôi. Tôi chạy không lại, bị tó túm được ở gần trường enfant de troop, rồi thoi tôi một cái. Hiệp, bồ có dịp trả thù cho tôi.

Tôi cười:

- Bây giờ chúng mình cùng lớn rồi, đánh lộn, đánh lạo không phải là điều tốt, để khi nào gặp nó tôi khuyên hắn đừng ăn hiếp bồ nữa. Còn bồ cũng đừng mạ lị người khác nhe.

 

***

 

Vào dịp tết nguyên đán năm đó, bố, mẹ cùng các người thân đã mừng tuổi (lì xì) cho chúng tôi một số tiền. Tôi để dành số tiền gần 100 đồng đó vào một cái hộp, rồi cất vào cái tủ đứng một cách kỹ lưỡng, vì đó là cả một "gia tài" của tôi. Hồi ấy, giá một tô phở trung bình là 1 đồng rưỡi mà thôi. Hàng tuần, tôi lấy ra vài đồng để đi xi nê cũng như bao mấy thằng bạn thân uống nước đá nhận, và trước khi cất lại chỗ cũ tôi đếm đi, đếm lại một cách kỹ lưỡng.    

Chẳng bao lâu sau, nhân dịp lễ Phục Sinh, mẹ tôi được nghỉ vài ngày nên về thăm nhà. Sáng hôm sau, bố mẹ gọi chúng tôi đi ăn phở. Mấy đứa tôi ăn mặc chỉnh tề, rồi chuẩn bị theo ông bà ra chợ, vì đây là một thủa năm thì mười họa. Mẹ tôi quên mang tiền, nên quay vào tủ gương để lấy, nhưng bà tìm mãi mà không thấy tiền.

Bà quay ra cửa hỏi bố:

- Ông ơi! Ông để tiền lẻ ở đâu?

Bố đứng ở cửa nói vọng vào:

- Thì tôi vẫn để ở chỗ cũ mà!

- Sao tôi không thấy?

- Để tôi coi.

Ông quay vào nhà cùng bà tìm kiếm, nhưng rút cục chẳng có gì cả.

Bà hỏi:

- Hàng ngày, ông có khóa tủ không?

- Có khi có, có khi không.

Mẹ liếc tôi nói:

- Có đứa nào ăn cắp tiền không?

Tất cả chúng tôi đều trả lời:

- Dạ không.

Bố nói:

- Thôi, mình lấy tiền khác đi!

Ở tiệm phở, cả hai ông bà đều nhắc nhở con cái về vấn đề thật thà, đứa nào làm bậy sẽ bị trừng phạt. Trong khi nói, ông bà thường nhìn vào mắt tôi. Tôi có cảm tưởng ông bà đang ám chỉ kẻ hư đốn đó là tôi, vì tiền để trong nhà, chỉ có mấy đứa con mới biết chỗ mà ăn cắp thôi. Hơn nữa khi nói ánh mắt của cả ông lẫn bà đã biểu lộ lên chuyện ấy. Nếu suy xét kỹ thì Thắng còn quá nhỏ, chưa biết tiêu tiền và hắn còn quá thấp để có thể với tới chỗ ấy, còn Cẩm Dung là con gái nhút nhát. Tôi là một tên đáng nghi nhất vì nhiều lý do: tuổi biết xài tiền, táo bạo dám làm liều, chẳng biết sợ sệt ai, đủ cao để với tới chỗ ấy đã thế lại còn lì đòn. Điều này làm tôi rất buồn, tuy rằng không ai chính thức kết tội tôi.

Cuối tuần đó, tôi lôi hộp tiền riêng ra đếm và lấy vài đồng ăn bánh như thường lệ. Tôi nhận thấy số tiền của tôi cũng bị hụt độ mươi đồng. Tôi nghĩ có lẽ là lần trước tôi đếm lầm, do đó tôi đếm lại tiền thật kỹ rồi cất đi. Ngày hôm sau, tôi lại lôi hộp tiền ra đếm lại, nhưng thấy bình thường, do đó tôi càng tin vào chuyện mất tiền của tôi chỉ là một sự lầm lẫn. Tuy nhiên, để chắc ăn, ngày nào tôi cũng đếm lại tiền.

Trong thời gian đó, Thanh là người nhận thấy tôi hay ưu tư mỗi khi đến nhà cô ta ăn cơm tháng.

Một lần Thanh hỏi:

- Hiệp có chuyện gì mà ít vui hơn trước? Cái tiếu lâm của Hiệp đâu mất tiêu rồi?

Tôi buồn buồn nói lại câu chuyện nhà bị mất tiền, mà có lẽ ai cũng nghi tôi là thủ phạm.

Thanh an ủi:

- Nếu Hiệp không làm thì thôi, có gì mà sợ?

Vài tuần sau, một lần tôi đếm tiền và thấy mất đi đến 20 đồng. Lần này, tôi khẳng định có kẻ ăn cắp vào nhà. Tôi đem chuyện đó báo cáo lại cho bố mẹ tôi, nhưng chẳng ai tin. Mọi người đều cho tôi đang chơi trò "Vừa ăn cướp, vừa la làng." Tôi nghĩ rằng kẻ cắp này phải là người rất thân với chúng tôi, nên tôi cố sức dò la để tìm cho ra đầu mối. Nhưng ngày này qua ngày khác, tôi không thấy manh mối nào dẫn đến thủ phạm. Trong khi tiền tôi từ từ cất cánh bay. Tôi đổi chỗ thì thấy an toàn một thời gian. Nhưng khổ nỗi, nhà chẳng khá giả gì, nên Cẩm Dung và tôi được một tủ gỗ cũ kỹ, hình vuông, mỗi bề khoảng 60 phân, cao 2 thước, chia làm 4 ngăn. Tôi cao hơn nên đồ đạc để hai ngăn trên. Cẩm Dung hai ngăn dưới. Chỉ vài tuần sau tôi lại mất đi 5 đồng, nên lại phải đổi chỗ.

 

***

                      

Về Vũng Tầu ở đã vài năm, nhưng chúng tôi chưa có dịp đi chơi trên biển bằng thuyền. Mấy anh em chúng tôi đều ao ước có cái dịp vui đó, khi nghĩ tới cái cảnh ngồi trên một chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả bao la. Tuy nhiên vì nhà nghèo nên cái mộng ước ấy khó có thể thành sự thực.

Một bữa cơm chiều, bố tôi vui vẻ hỏi:

- Có một người chủ một ghe đánh cá, mới hạ thủy, có ý định mời nhà ta đi chơi biển một chuyến. Các con có muốn đi không?

Mấy anh em chúng tôi nhao nhao:

- Muốn lắm! Mà hôm nào ba?

- Chủ nhật tuần này.

Cẩm Dung hỏi:

- Tại sao họ lại mời mình, ba?

- Tại ba giúp họ hoàn tất giấy tờ ở sở con ạ. Chủ nhật tuần này là ngày họ khai trương chiếc ghe đánh cá đó.

Anh em chúng tôi môn nóng chờ ngày ấy, và cuối cùng ngày chủ nhật cũng đã tới. Sáng hôm đó, bố dẫn ba anh em chúng tôi ra Cầu Đá, nơi đó đã có một chiếc ghe đánh cá thật lớn, trang bị máy móc tối tân (đối với thời buổi đó) chờ sẵn.

Thuyền nổ máy, tách bến và bờ biển từ từ xa dần. Anh em chúng tôi vui thú nhìn núi non, trời, biển mênh mông; nhà cửa của Vũng Tầu nhỏ dần và rồi chỉ còn là những đốm trắng. Chỉ sau nửa giờ vui thú, Cẩm Dung bị say sóng và mửa dữ dội. Tôi cũng bắt đầu cảm thấy khó chịu ở trong ruột, nhưng cố sức đè nén những cái gì đó ở trong bụng không cho nó trào ra. Tuy nhiên, càng cố đè bao nhiêu thì tôi càng thấy khó chịu bấy nhiêu.

Cuối cùng, sau mươi phút chịu đựng, tôi cũng nằm xuống sa họa, thò cổ ra khỏi ghe, mửa thốc mửa tháo. Bắt đầu, chúng tôi mửa những đồ ăn, tiếp theo đó toàn là nước, và sau cùng chúng tôi mửa cả mật xanh, mật vàng. Bố và Thắng là người chịu được sóng biển hay nhất. Hai người vẫn nhởn nha ngồi coi các ngư phủ hò hét vui sướng khi cào lên được một mẻ thật nhiều cá. Bấy giờ, hai đứa tôi chỉ cầu mong sao cho ghe cá sớm trở về bến.
Đến chiều, ghe cá trở về bến. Ôi thật sung sướng khi đặt chân lại lên bờ!
Tôi hỏi Cẩm Dung:
- Cẩm Dung còn thích đi chơi biển nữa không?
- Có các vàng cũng không đi. Còn anh?
- Anh cũng vậy. Từ giờ trở đi, anh cạch không đi biển nữa.
Chiều tối vài hôm sau đó, Thanh đến nhà, rủ anh em chúng tôi đi chơi biển để hóng gió. Cẩm Dung, Thắng và tôi cùng theo Thanh ra bãi biển. Lúc đến bãi biển, chúng tôi tìm một nới vắng vẻ, hơi tối ngồi nói chuyện ngẫu. Tôi lấy cát ướt, đắp một pho tượng cho đỡ buồn, trong khi ấy các em tôi và Thanh ngồi bên cạnh xem tôi đắp tượng.
Thanh hỏi:
- Câu chuyện về mất cắp tiền ra sao rồi?
Tôi trả lời:
- Thanh à! Chính tôi cũng bị mất tiền nữa.
Thanh ngạc nhiên:
- Thật sao? Vậy Hiệp nghi ai là thủ phạm?
- Tôi chẳng nghi ai cả, nhưng tôi phải tìm ra thủ phạm vụ này để minh oan mới được.
Thanh vui vẻ:
- Tôi ủng hộ Hiệp hết mình. Ráng lên Hiệp!
Tinh thần tôi tăng lên và nhất quyết tìm ra thủ phạm.
Vừa lúc tôi đắp xong một lực sĩ thế vận đang cầm đuốc chạy, thì có một nhóm người đi tới. Họ vừa đi vừa nói chuyện, và hơn nữa chỗ đó hơi tối, nên họ vô tình đá vỡ đầu pho tượng cát.
Bọn chúng tôi cùng la hoảng:
- Ô! Chết rồi!
Mấy người ấy cùng dừng bước, lấy đèn bấm rọi xuống.
Khi thấy pho tượng bị vỡ đầu, họ cùng nói bằng tiếng Anh:
- Sorry! (Xin lỗi)
Một người nói với chúng tôi:
- It's a nice statue! We are very sorry! It's too dark over here, so we could not see that. (Pho tượng đẹp đấy! Chúng tôi rất tiếc! Ở đây tối quá, nên chúng tôi không thấy.)
Một người khác hỏi:
- Who made this? (Ai đắp cái này?)
Với một ít tiếng Anh mới học, tôi ngại ngùng trả lời:
- I did. (Tôi làm.)
Người ấy nói:
- It looks pretty good. Do you want to go to Taiwan to learn art? I am a member of Taiwan embassy in Sàigòn. If you wish to do so, I will help you. (Nó nhìn đẹp lắm. Em muốn du học ở Đài Loan về nghệ thuật không? Tôi là nhân viên tòa Đại Sứ của Trung Hoa Dân Quốc ở Sàigòn. Nếu em muốn, tôi sẽ giúp em.)
Tôi nghĩ: "Đây là một cơ hội tốt cho mình xuất ngoại, tuy nhiên, nếu mình sang Đài Loan thì ít  khi gặp lại bố mẹ và các em mình lắm, nhất là thời buổi loạn ly này. Mình chắc chắn là nhớ nhà vô cùng khi đi sang bên đó. Đã nhiều lần, mình tí nữa là mất liên lạc với bố, mẹ cùng các em và những lúc ấy, mình mới thấy tình thương gia đình quí giá vô cùng, quí hơn bất kỳ thứ gì trong cuộc sống hàng ngày."
Thấy tôi ngần ngừ, người Đài Loan nói tiếp:
- How do you think? (Em nghĩ sao?)
Anh ta lấy trong bóp ra một tấm danh thiếp, trao cho tôi và khuyến khích:
- Take this, if you like. Keep in touch! (Cầm lấy cái này, nếu em muốn. Mình sẽ liên lạc nhau!)
Tôi lắc đầu:
- No, thank! (Không, cám ơn!)
Bọn họ rời chỗ ấy ngay sau đó.
Thanh hỏi:
- Sao Hiệp không nhận lời! Hiệp bỏ qua một cơ hội bằng vàng rồi! Biết bao nhiêu người thèm muốn đi xuất ngoại.
Tôi trả lời:
- Tôi cảm thấy nhớ nhà lắm Thanh à. Tôi nghĩ tuổi tôi còn quá nhỏ để xa bố mẹ.
Tôi biết Thanh chưa từng trải, nên không biết rằng tình thương còn quí hơn cả vàng nữa.
Một buổi chào cờ cho cả trường trung tiểu học Vũng Tàu trước 1959
(Ảnh từ internet)
 

Saturday, November 22, 2014

Đại Việt Thắng Nguyên Mông- Bài 72

 
(TT)

X- Nhật Bản

Riêng đối với Nhật Bản ta thấy đất nước này có nhiều may mắn.

A- Công Tâm.

Tuy rằng trong thời gian này vai trò Nhật Hoàng bị các shogun lấn lướt, nhưng khi Mông Cổ tới, Nhật Hoàng cũng vui lòng bỏ hết các uẩn khúc hô hào tòan dân cầu nguyện, diệt giặc. Rồi từ các Shogun đến dân Nhật đều một lòng đánh ngoại xâm. Khi thắng lần đầu thì các ngừơi có công đã được trọng thưởng. Điều này làm tăng tinh thần yêu nước.

Công Tâm” dân Nhật đã thắng với 2 điểm.

B- Công Lương

Khi vượt biển khơi để chinh phục một nước thì vấn đề tải lương thực qua biển khơi là một yếu điểm cho Mông Cổ, vì chỉ cần một chuyện không may mắn trong thời tiết hay bị tấn công thì đường tiếp vận bị khó khăn liền. Trong Khi ấy vấn đề tiếp vận lương cho quân Nhật thì dễ dàng.

Nói chung trong mặt trận “Công Lương” thì phần ưu thế nghiêng về phía Nhật. Nhật được 2 điểm.

C- Thiên thời

Thiên thời ở đây là thời tiết. Chuyện vượt biển đi xâm lăng là phải phụ thuộc vào thời tiết. Trên Thái Bình Dương các trận bão thường có từ cuối tháng tư đến đầu tháng 11. Bão hay xẩy ra nhất vào các tháng 6, 7 và 8 âm lịch. Người Việt Nam ta có câu “Tháng ba bà già đi biển” ấy là vào khoảng tháng 4 dương lịch. Dân ngư phủ Việt Nam gọi đó là mùa đồng chung.

Điều này cũng dễ hiểu vì đã được giải thích theo khoa học. Nhiệt độ trái đất sẽ nóng nhất ở những vùng nằm trên đường thẳng nối từ tâm trái đất đến tâm mặt trời. Ở vùng này, ánh sáng mặt trời không bị bầu khí quyển làm lệch đi theo hiện tượng khúc xạ. Từ ngày 20 tháng 3, mặt trời bắt đầu chi chuyển về bắc bán cầu, và ngày 23 tháng 9 lại di chuyển khỏi nơi đây. Khi mặt trời chiếu thẳng xuống khoảng từ xích đạo đến 5 độ bắc (hay nam) vĩ tuyến thì nước hâm nóng ở quanh xích đạo và nơi ấy hiện tượng lực quay trái đất Coriolis rất yếu nên không tạo ra bão. Đến tháng 6, 7 và 8, mặt trời chiếu thẳng xuống biển, không bị hiện tượng khúc xạ của bầu khí quyển cùng phản xạ. Năng lượng này tỏa phần lớn xuống bắc Thái Bình Dương, hâm nóng nước biển từ vùng 5 độ bắc vĩ tuyến đến 15 độ bắc vĩ tuyến lên đến 80 độ F khoảng 26.7 độ C hay hơn. Với nhiệt độ này nước biển bốc hơi dữ dội, tạo ra mây dầy, chỉ cần một áp xuất thấp với các cơn dông, hợp với lực quay Coriolis sẽ là nguồn một trận bão.

Quân Nguyên Mông cũng đã ước tính thời gian ít có bão, nên hai lần xuất phát đều ở lúc ít có bão. Lần đầu 21 tháng 10, 1274 thì hạm đội Nguyên Mông bị bão. Lần hai, mùa xuân 1281 thì họ cũng bị bão. Vậy đây là một đại may mắn cho Nhật Bản. Phần “Thiên Thời” đã thuộc về con cháu Thái Dương Thần Nữ. Nhật được 2 điểm.

D- Địa lợi.

 Nhật là một quốc gia gồm các hòn đảo xa khơi, nên được một ưu đãi của thiên nhiên làm chặn bước tiến của kẻ xâm lăng. Kể từ nhà Tần thống nhất Trung Quốc, nước này cũng bị họ xâm lăng nhưng rất ít so với Việt Nam và Cao Ly.

Vì quân Nguyên Mông phải dùng thuyền tới, nên kẻ dưới nước lên bờ thật là hao tổn. Trong các cuộc chiến chuyện đổ bộ phải trả một giá rất đắt lúc ban đầu. Trong lịch sử cận đại, ta thấy nhiều cuộc đổ bộ lừng danh. Trận thứ nhất là cuộc đổ bộ lên Normandi của Pháp bởi lực lượng Đồng Minh ngày 6 tháng 6 năm 1944. Cuộc đổ bộ này gây tổn hại rất lớn cho phe Đồng Minh, tuy nhiên vì quân số đông gấp bội lại hỏa pháo ưu việt nên đã thành công. Tiếp theo sau đó là các cuộc đổ bộ của Mỹ lên các hải đảo trên Thái Bình Dương. Máu của lính Mỹ cũng đã nhuộm thắm các bãi cát trắng, trước khi đem đến vinh quang.

Năm 1991, khi cuộc chiến giữa Mỹ và Iraq sắp bùng nổ, ta thấy trên màn ảnh vô tuyến truyền hình hàng ngày chiếu lên các cuộc bố trí của Irraq ven biển Kuwait, và các cuộc chuẩn bị đổ bộ của thủy quân lục chiến Mỹ. Nhưng rồi khi cuộc chiến thật sự xảy ra, thì không có cuộc đổ bộ nào cả. Mỹ cũng biết rằng nếu đổ bộ thì quân Mỹ trước sau vẫn phải gánh một thiệt hại đáng kể. Đây chỉ là kế dương đông kích tây mà thôi.

Đất Nhật lại nhiều núi non, dễ phòng thủ khó tấn công.

Phần này Nhật cũng chiếm ưu thế với 2 điểm.

E- Nhân hòa.

Quân Nguyên Mông sang xâm lăng là quân ô hợp, gồm Mông Cổ, Cao Ly và Trung Quốc. Nhìn vào đó ta thấy ngay không có thể có sự đồng lòng quyết chiến đánh Nhật Bản. Nếu đánh cũng chỉ là vì bị đẩy ra chiến trường mà phải đánh. Ngay lúc người Cao Ly, hay Trung Quốc được lệnh phải đóng ghe tàu để đánh Nhật cũng vậy, cách đóng không được đúng tiêu chuẩn khi đóng tàu thuyền cho chính họ.

Mới đây, trên History Channel đã cho chiếu một cuộn phim tài liệu của một nhóm khoa học gia và kỹ thuật gia Nhật Bản. Nhóm này đã lặn xuống biển ngoài khơi Nhật nơi các con tàu của Mông Cổ bị chìm vì hai trận bão. Họ vớt lên một số mảnh ván ghép lại xem thử các con tàu này được đóng như thế nào. Kết quả họ thấy các mấu, chốt, mộng của các con tầu không khít khao. Chỗ ráp nối của cột buồm với sàn tàu cũng lỏng lẻo. Khi gió hơi lớn, sóng hơi mạnh, con tàu lắc lư các mấu chốt, mộng sẽ có cơ bị gãy vỡ. Cột buồm dễ bị vặn xoắn làm sàn tàu bong ra hay cột buồm bị gãy. Như vậy bão nhỏ có thể gây hư hại, bão trung bình thì đắm.

Như vậy người Nhật đã thắng trong vấn đề “Nhân Hòa” với 2 điểm.

F- Chiến Thuật.

Quân đội Nhật bản giống như quân Âu Châu, không quen đánh tập thể cả vạn người một lượt. Xem lại phần các trận đánh ta hẳn thấy lúc quân Nhật hô tên thách chiến theo kiểu võ sĩ đạo thì thấy cả ngàn quân Nguyên Mông tràn lên. Tướng và quân Nhật không có kinh nghiệm giao chiến trận địa này. Xin nhắc lại một phần quyển “The History of Japan” đã viết chương trước viết về Mông Cổ.. dùng trận thế phối hợp phức tạp giữa bộ binh và kị binh, trong khi người Nhật chỉ quen thuộc với lối đánh cá nhân của samurai… (… employing complex coordinated troop movements of a large infantry and cavalry units, whereas the Japanese were more accustomed to fight individual samurai…)

Về “Chiến Thuật” thì quân Nguyên Mông thắng. Nguyên Mông được 2 điểm.

G- Tổ chức quân đội.

Lúc đọc sử của Nhật, ta thấy quốc gia này không bị nhiều cuộc xâm lăng từ Trung Quốc như Việt Nam, hay Cao Ly (Đại Hàn). Cũng vì vậy mà quốc gia này không thường xuyên có các đạo quân lớn để đối phó với các đạo quân khổng lồ. Đội binh của các Shogun chỉ để đối phó với nhau, hay tiễu trừ cướp bóc.

So với đạo quân Mông Cổ thì cách tổ chức quân đội Nhật thua xa. Mông Cổ được 2 điểm.

H- Huấn luyện.

Vì cách tổ chức quân đội của Nhật như đã nói trên, nên quân đội không được huấn luyên theo phép đánh tập thể. Dù rằng sự luyện tập cá nhân của quân đội Nhật rất công phu; các hiệp sĩ Nhật võ thuật rất cao cường, nhưng thiếu phối hợp khi đánh tập thể, nên về phương diện “Huấn Luyện” ưu thế lại nghiêng về Mông Cổ với 2 điểm. Nhật được 1 điểm vì võ nghệ cao cường.

J- Tinh thần.

Kể về điểm này, tinh thần yêu nước theo truyền thống rất cao. Với lòng yêu nước,  họ đã tham gia chống xâm lược Mông Cổ rất hăng hái. Trong khi ấy, quân Nguyên Mông là một tổ chức hỗn hợp không thể có tinh thần như vậy. Người Nhật đã thắng ở “Tinh Thần” với 2 điểm.

K- Vũ Khí.

Ta xem lại phần viết ở phần Nguyên Mông đánh Nhật đã viết lại các đoạn Stephen Turnbull như sau: “These mighty iron bom were flung and rolled down the hills like cartwheels, sound like thunder and looked like bolts of lightning.” (Những trái bom sắt cực mạnh được ném ra và lăn xuống đồi như các bánh xe, ầm ầm như sấm động, nhìn giống như các ánh sét). Tiếp theo, như ta dã biết quyển “The History of Japan” từng bàn: Dưới sự chỉ huy của Hōjō Tokimune, người Nhật đã chống cự mãnh liệt. Lực lượng quân Mông vượt hẳn về kỹ thuật. Quân Nguyên Mông dùng các nỏ cực mạnh và catapult để bắn các trái ban lửa. Người Nhật vẫn còn dùng gươm, giáo và cung dài.

Vậy Nguyên Mông thắng về “Vũ Khí”. Nguyên Mông được 2 điểm.

L- Kỷ luật

Chẳng cần bàn nhiều thì ai cũng biết dân Nhật là một dân tộc rất tôn trọng kỷ luật. Vì sự tôn trọng này, mà họ đã tiến rất xa so với các nước khác ở Á châu.

Dân Nhật đã thắng trong vấn đề kỷ luật. Điểm 2

 M- Chọn Tướng.

Tướng Nhật chỉ quen tác chiến với một số quân tương đối ít. Vì vậy khi đối trận với quân Nguyên Mông với số quân vài vạn thì không biết phép dàn quân theo thế trận. Trong các trận đánh lớn như vậy các tướng phải biết phối hợp, nhưng các tướng Nhật không biết điều này. Nói như vậy, dù rằng các tướng quân Nhật rất tài năng dũng cảm, nhưng không kinh nghiệm vế trận thế đông quân. Ngược lại tướng Nguyên Mông biết cách đánh trận thế phối hợp, nhưng không có tinh thần cao như tướng Nhật vì thế đã bỏ chạy sau khi bão tới. Mỗi bên được 1 điểm.

Kết Luận:

Nói chung, nhiều yếu tố người Nhật nắm ưu thế, nhưng nhiều yếu tố khác lại do Nguyên Mông giữ. Nếu gạt bỏ vấn đề thời tiết ra thì Nguyên Mông xem ra trội hơn. Vậy về lâu về dài với con số 140000 ngàn quân, chưa biết số phận nước Nhật ra sao. Khi cơn bão thứ hai tàn phá và 10 vạn quân Nguyên Mông bị kẹt cứng trên đảo Takashima mà lương thực không có, vũ khí mất mát nên cái thắng của người Nhật chắc chắn nằm trong tay.