Vào đầu năm 1958,
mẹ tôi về Sàigòn để học Anh văn. Khi ấy ảnh hưởng cảu Mỹ càng ngày càng nhiều
thay thế ảnh hưởng của Pháp tại minề Nam. Dú rằng năm ấy việc học sinh ngữ này
quá mới mẻ và hơn nữa bà đã gần 40 tuổi. Bà hy vọng khi học xong bà sẽ mở lớp
dạy lại môn đó và giúp bố tôi trong vấn đề tài chánh. Để có thêm thì giờ học
bài, bố tôi đưa chúng tôi đến nhà ông Đỗ Đức Tâm ăn cơm tháng. Vì vậy tình bạn
của anh em tôi đối với Thiện và Thanh càng gần gũi hơn. Cẩm Dung và tôi chỉ còn
phải lo bữa cơm tối và ngày chủ nhật.
Một hôm tôi đi
học, khi gần đến trường, tình cờ gặp Đức Cống đang chạy hớt hơ hớt hải, mũi đầy
máu.
Tôi chặn hắn
lại, giúp hắn cầm máu rồi hỏi:
- Đức, sao bồ bị
chảy máu mũi vậy?
Hắn mếu máo:
- Tôi gặp thằng
Ngọ sứt môi. Nó nói Đức Cống ăn đống cứt. Tôi tức mình chửi lại nó là thằng
ngu, nên nó rượt tôi. Tôi chạy không lại, bị tó túm được ở gần trường enfant de
troop, rồi thoi tôi một cái. Hiệp, bồ có dịp trả thù cho tôi.
Tôi cười:
- Bây giờ chúng
mình cùng lớn rồi, đánh lộn, đánh lạo không phải là điều tốt, để khi nào gặp nó
tôi khuyên hắn đừng ăn hiếp bồ nữa. Còn bồ cũng đừng mạ lị người khác nhe.
***
Vào dịp tết
nguyên đán năm đó, bố, mẹ cùng các người thân đã mừng tuổi (lì xì) cho chúng
tôi một số tiền. Tôi để dành số tiền gần 100 đồng đó vào một cái hộp, rồi cất
vào cái tủ đứng một cách kỹ lưỡng, vì đó là cả một "gia tài" của tôi.
Hồi ấy, giá một tô phở trung bình là 1 đồng rưỡi mà thôi. Hàng tuần, tôi lấy ra
vài đồng để đi xi nê cũng như bao mấy thằng bạn thân uống nước đá nhận, và
trước khi cất lại chỗ cũ tôi đếm đi, đếm lại một cách kỹ lưỡng.
Chẳng bao lâu
sau, nhân dịp lễ Phục Sinh, mẹ tôi được nghỉ vài ngày nên về thăm nhà. Sáng hôm
sau, bố mẹ gọi chúng tôi đi ăn phở. Mấy đứa tôi ăn mặc chỉnh tề, rồi chuẩn bị
theo ông bà ra chợ, vì đây là một thủa năm thì mười họa. Mẹ tôi quên mang tiền,
nên quay vào tủ gương để lấy, nhưng bà tìm mãi mà không thấy tiền.
Bà quay ra cửa
hỏi bố:
- Ông ơi! Ông để
tiền lẻ ở đâu?
Bố đứng ở cửa
nói vọng vào:
- Thì tôi vẫn để
ở chỗ cũ mà!
- Sao tôi không
thấy?
- Để tôi coi.
Ông quay vào nhà
cùng bà tìm kiếm, nhưng rút cục chẳng có gì cả.
Bà hỏi:
- Hàng ngày, ông
có khóa tủ không?
- Có khi có, có
khi không.
Mẹ liếc tôi nói:
- Có đứa nào ăn
cắp tiền không?
Tất cả chúng tôi
đều trả lời:
- Dạ không.
Bố nói:
- Thôi, mình lấy
tiền khác đi!
Ở tiệm phở, cả
hai ông bà đều nhắc nhở con cái về vấn đề thật thà, đứa nào làm bậy sẽ bị trừng
phạt. Trong khi nói, ông bà thường nhìn vào mắt tôi. Tôi có cảm tưởng ông bà
đang ám chỉ kẻ hư đốn đó là tôi, vì tiền để trong nhà, chỉ có mấy đứa con mới
biết chỗ mà ăn cắp thôi. Hơn nữa khi nói ánh mắt của cả ông lẫn bà đã biểu lộ
lên chuyện ấy. Nếu suy xét kỹ thì Thắng còn quá nhỏ, chưa biết tiêu tiền và hắn
còn quá thấp để có thể với tới chỗ ấy, còn Cẩm Dung là con gái nhút nhát. Tôi
là một tên đáng nghi nhất vì nhiều lý do: tuổi biết xài tiền, táo bạo dám làm
liều, chẳng biết sợ sệt ai, đủ cao để với tới chỗ ấy đã thế lại còn lì đòn.
Điều này làm tôi rất buồn, tuy rằng không ai chính thức kết tội tôi.
Cuối tuần đó,
tôi lôi hộp tiền riêng ra đếm và lấy vài đồng ăn bánh như thường lệ. Tôi nhận
thấy số tiền của tôi cũng bị hụt độ mươi đồng. Tôi nghĩ có lẽ là lần trước tôi
đếm lầm, do đó tôi đếm lại tiền thật kỹ rồi cất đi. Ngày hôm sau, tôi lại lôi
hộp tiền ra đếm lại, nhưng thấy bình thường, do đó tôi càng tin vào chuyện mất
tiền của tôi chỉ là một sự lầm lẫn. Tuy nhiên, để chắc ăn, ngày nào tôi cũng
đếm lại tiền.
Trong thời gian
đó, Thanh là người nhận thấy tôi hay ưu tư mỗi khi đến nhà cô ta ăn cơm tháng.
Một lần Thanh
hỏi:
- Hiệp có chuyện
gì mà ít vui hơn trước? Cái tiếu lâm của Hiệp đâu mất tiêu rồi?
Tôi buồn buồn
nói lại câu chuyện nhà bị mất tiền, mà có lẽ ai cũng nghi tôi là thủ phạm.
Thanh an ủi:
- Nếu Hiệp không
làm thì thôi, có gì mà sợ?
Vài tuần sau,
một lần tôi đếm tiền và thấy mất đi đến 20 đồng. Lần này, tôi khẳng định có kẻ
ăn cắp vào nhà. Tôi đem chuyện đó báo cáo lại cho bố mẹ tôi, nhưng chẳng ai
tin. Mọi người đều cho tôi đang chơi trò "Vừa ăn cướp, vừa la làng."
Tôi nghĩ rằng kẻ cắp này phải là người rất thân với chúng tôi, nên tôi cố sức
dò la để tìm cho ra đầu mối. Nhưng ngày này qua ngày khác, tôi không thấy manh
mối nào dẫn đến thủ phạm. Trong khi tiền tôi từ từ cất cánh bay. Tôi đổi chỗ
thì thấy an toàn một thời gian. Nhưng khổ nỗi, nhà chẳng khá giả gì, nên Cẩm
Dung và tôi được một tủ gỗ cũ kỹ, hình vuông, mỗi bề khoảng 60 phân, cao 2
thước, chia làm 4 ngăn. Tôi cao hơn nên đồ đạc để hai ngăn trên. Cẩm Dung hai
ngăn dưới. Chỉ vài tuần sau tôi lại mất đi 5 đồng, nên lại phải đổi chỗ.
***
Về Vũng Tầu ở đã
vài năm, nhưng chúng tôi chưa có dịp đi chơi trên biển bằng thuyền. Mấy anh em
chúng tôi đều ao ước có cái dịp vui đó, khi nghĩ tới cái cảnh ngồi trên một
chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả bao la. Tuy nhiên vì nhà nghèo nên cái mộng
ước ấy khó có thể thành sự thực.
Một bữa cơm
chiều, bố tôi vui vẻ hỏi:
- Có một người
chủ một ghe đánh cá, mới hạ thủy, có ý định mời nhà ta đi chơi biển một chuyến.
Các con có muốn đi không?
Mấy anh em chúng
tôi nhao nhao:
- Muốn lắm! Mà
hôm nào ba?
- Chủ nhật tuần
này.
Cẩm Dung hỏi:
- Tại sao họ lại
mời mình, ba?
- Tại ba giúp họ
hoàn tất giấy tờ ở sở con ạ. Chủ nhật tuần này là ngày họ khai trương chiếc ghe
đánh cá đó.
Anh em chúng tôi
môn nóng chờ ngày ấy, và cuối cùng ngày chủ nhật cũng đã tới. Sáng hôm đó, bố
dẫn ba anh em chúng tôi ra Cầu Đá, nơi đó đã có một chiếc ghe đánh cá thật lớn,
trang bị máy móc tối tân (đối với thời buổi đó) chờ sẵn.
Thuyền nổ máy,
tách bến và bờ biển từ từ xa dần. Anh em chúng tôi vui thú nhìn núi non, trời,
biển mênh mông; nhà cửa của Vũng Tầu nhỏ dần và rồi chỉ còn là những đốm trắng.
Chỉ sau nửa giờ vui thú, Cẩm Dung bị say sóng và mửa dữ dội. Tôi cũng bắt đầu
cảm thấy khó chịu ở trong ruột, nhưng cố sức đè nén những cái gì đó ở trong
bụng không cho nó trào ra. Tuy nhiên, càng cố đè bao nhiêu thì tôi càng thấy
khó chịu bấy nhiêu.
Cuối cùng, sau
mươi phút chịu đựng, tôi cũng nằm xuống sa họa, thò cổ ra khỏi ghe, mửa thốc
mửa tháo. Bắt đầu, chúng tôi mửa những đồ ăn, tiếp theo đó toàn là nước, và sau
cùng chúng tôi mửa cả mật xanh, mật vàng. Bố và Thắng là người chịu được sóng
biển hay nhất. Hai người vẫn nhởn nha ngồi coi các ngư phủ hò hét vui sướng khi
cào lên được một mẻ thật nhiều cá. Bấy giờ, hai đứa tôi chỉ cầu mong sao cho
ghe cá sớm trở về bến.
Đến chiều, ghe
cá trở về bến. Ôi thật sung sướng khi đặt chân lại lên bờ!
Tôi hỏi Cẩm
Dung:
- Cẩm Dung còn
thích đi chơi biển nữa không?
- Có các vàng
cũng không đi. Còn anh?
- Anh cũng vậy.
Từ giờ trở đi, anh cạch không đi biển nữa.
Chiều tối vài hôm
sau đó, Thanh đến nhà, rủ anh em chúng tôi đi chơi biển để hóng gió. Cẩm Dung,
Thắng và tôi cùng theo Thanh ra bãi biển. Lúc đến bãi biển, chúng tôi tìm một
nới vắng vẻ, hơi tối ngồi nói chuyện ngẫu. Tôi lấy cát ướt, đắp một pho tượng
cho đỡ buồn, trong khi ấy các em tôi và Thanh ngồi bên cạnh xem tôi đắp tượng.
Thanh hỏi:
- Câu chuyện về
mất cắp tiền ra sao rồi?
Tôi trả lời:
- Thanh à! Chính
tôi cũng bị mất tiền nữa.
Thanh ngạc
nhiên:
- Thật sao? Vậy
Hiệp nghi ai là thủ phạm?
- Tôi chẳng nghi
ai cả, nhưng tôi phải tìm ra thủ phạm vụ này để minh oan mới được.
Thanh vui vẻ:
- Tôi ủng hộ
Hiệp hết mình. Ráng lên Hiệp!
Tinh thần tôi
tăng lên và nhất quyết tìm ra thủ phạm.
Vừa lúc tôi đắp
xong một lực sĩ thế vận đang cầm đuốc chạy, thì có một nhóm người đi tới. Họ
vừa đi vừa nói chuyện, và hơn nữa chỗ đó hơi tối, nên họ vô tình đá vỡ đầu pho
tượng cát.
Bọn chúng tôi cùng la hoảng:
- Ô! Chết rồi!
Mấy người ấy cùng dừng bước, lấy đèn bấm rọi xuống.
Khi thấy pho tượng bị vỡ đầu, họ cùng nói bằng tiếng Anh:
- Sorry! (Xin lỗi)
Một người nói với chúng tôi:
- It's a nice
statue! We are very sorry! It's too dark over here, so we could not see that.
(Pho tượng đẹp đấy! Chúng tôi rất tiếc! Ở đây tối quá, nên chúng tôi không
thấy.)
Một người khác
hỏi:
- Who made this?
(Ai đắp cái này?)
Với một ít tiếng
Anh mới học, tôi ngại ngùng trả lời:
- I did. (Tôi
làm.)
Người ấy nói:
- It looks
pretty good. Do you want to go to Taiwan to learn art? I am a member of Taiwan
embassy in Sàigòn. If you wish to do so, I will help you. (Nó nhìn đẹp lắm. Em
muốn du học ở Đài Loan về nghệ thuật không? Tôi là nhân viên tòa Đại Sứ của
Trung Hoa Dân Quốc ở Sàigòn. Nếu em muốn, tôi sẽ giúp em.)
Tôi nghĩ:
"Đây là một cơ hội tốt cho mình xuất ngoại, tuy nhiên, nếu mình sang Đài
Loan thì ít khi gặp lại bố mẹ và các em
mình lắm, nhất là thời buổi loạn ly này. Mình chắc chắn là nhớ nhà vô cùng khi
đi sang bên đó. Đã nhiều lần, mình tí nữa là mất liên lạc với bố, mẹ cùng các
em và những lúc ấy, mình mới thấy tình thương gia đình quí giá vô cùng, quí hơn
bất kỳ thứ gì trong cuộc sống hàng ngày."
Thấy tôi ngần
ngừ, người Đài Loan nói tiếp:
- How do you
think? (Em nghĩ sao?)
Anh ta lấy trong
bóp ra một tấm danh thiếp, trao cho tôi và khuyến khích:
- Take this, if
you like. Keep in touch! (Cầm lấy cái này, nếu em muốn. Mình sẽ liên lạc nhau!)
Tôi lắc đầu:
- No, thank!
(Không, cám ơn!)
Bọn họ rời chỗ
ấy ngay sau đó.
Thanh hỏi:
- Sao Hiệp không
nhận lời! Hiệp bỏ qua một cơ hội bằng vàng rồi! Biết bao nhiêu người thèm muốn
đi xuất ngoại.
Tôi trả lời:
- Tôi cảm thấy
nhớ nhà lắm Thanh à. Tôi nghĩ tuổi tôi còn quá nhỏ để xa bố mẹ.
Tôi biết Thanh
chưa từng trải, nên không biết rằng tình thương còn quí hơn cả vàng nữa.
Một
buổi chào cờ cho cả trường trung tiểu học Vũng Tàu trước 1959
(Ảnh
từ internet)
No comments:
Post a Comment