Anh em cùng con cháu tôi khoảng 20 người lên một chiếc
xe khoảng 30 chỗ, rời Sàigòn từ sáng sớm. Xe lăn bánh ra khỏi vùng thị tứ vượt
qua vùng du lịch Suối Tiên, rồi sông Đồng Nai để đến dần thành phố Biên Hòa.
Đoạn đường này đối với chúng tôi quá quen thuộc khi sinh sống tại Vũng Tàu vì
thường xuyên lên xuống Sàigòn.
Riêng đối với tôi cũng có một kỉ niệm đặc biệt.
Năm 1979, tôi tổ chức vượt biên và ra Hàm Tân móc nối
với chủ ghe. Một số bạn bè đã đóng góp tiền nong với tôi để lo chuyện này. Trong
số này có con nhà văn Nhật Tiến, Sơn- một người bạn cùng Khánh, Toản hai người anh
họ.
Người đứng ra giới thiệu tôi với nhóm Hàm Tân là một
cựu học sinh của tôi ở Sàigòn. Chúng tôi ra vào từ Saigòn đến Hàm Tân với giấy
giả. Lẽ dĩ nhiên tôi cũng phải hóa trang cho phù hợp với giấy tờ ấy.
Sau nhiều lần, một hôm tôi về Sàigòn từ Hàm Tân, tôi
lại thẳng nhà Khánh, Toản thông cáo các kết quả cho mọi người biết, đồng thời
nhờ họ mua cho tôi một cái hải bàn, với giá là một cây vàng. Tôi đã tìm khắp
Vũng Tầu, trong mấy tháng mà không ra cái của quỷ đó, nên phải nhờ Khánh, Toản.
Vừa nói chuyện, tôi vừa lôi khúc bánh mì không ra ăn.
Toản hỏi:
- Bộ ông ăn bánh mì không thay cơm sao?
- Có sao, chúng tôi chỉ ăn thế hàng ngày.
Khánh nói:
- Thôi để tụi tôi đưa ông ra ăn tô phở.
Nói xong, hai người dẫn tôi ra một xe phở trên đường
Nguyễn Minh Chiếu. Có lẽ chúng tôi ăn uống hàng ngày quá đơn sơ, nên lúc tôi ăn
tô phở nóng thấy nó ngon tuyệt vời.
Vài ngày sau, Toản đem lại cho tôi cái hải bàn, và một
phần nguy hiểm khác: tôi phải đem nó về Vũng Tầu. Nếu công an khám phá cái của
quỷ đó thì tôi chắc chắn bị vào tù.
Chiều hôm đó, tôi ra chợ mua 10 thùng nhựa, mỗi thùng
10 lít. Sáng ngày kế tiếp, tôi cột tất cả lên sau xe Honda, bỏ hải bàn chính
giữa và dưới đáy túi da nâu, mà tôi đã phải vá lại, xung quanh chèn mấy quyển
toán, và bên trên tôi lấy thuốc rê phủ lên. Tôi đeo túi da trước ngực, cho nổ
máy xe và chạy về Vũng Tầu.
Trên đoạn đường này có nhiều chạm kiểm soát cố định,
như trạm Hàng Sanh, chạm Dốc 48, trạm cầu Cỏ May. Tôi đã có cách đề phòng, ứng
phó với các trạm đó, đặc biệt là trạm cầu Cỏ May. Trạm cầu Cỏ May nằm trên quốc
lộ 15, quốc lộ duy nhất nối liền từ Bà Rịa, đến Vũng Tầu, hai bên đường là rừng
bần bạt ngàn mọc trên nước biển. Tất cả mọi người từ Sàigòn xuống Vũng Tầu bắt
buộc phải qua đó. Trạm này đã bắt rất nhiều người vượt biên, từ Sàigòn xuống,
chỉ vì thái độ mất tự nhiên, hay hành lý khả nghi của họ. Vì lý do đó, nhiều
người đi vượt biên chưa tới bãi đáp, chưa ngửi thấy mùi nước biển đà vào tù
ngồi.
Tôi vượt qua hai trạm Hàng Sanh và Dốc 48 rất dễ dàng.
Lúc vượt qua Long Thành, tôi thấy là quãng đường hưởng thụ vì còn lâu mới tới
chỗ phải lo. Tôi vừa lái xe phởn phơ vừa hát, vừa huýt sáo vài bản nhạc tình
cho đỡ nhàm chán. Gần đến Phú Mỹ, bất thình lình tôi thấy các xe chạy trước từ
từ ngừng lại hết. Tôi ngạc nhiên, chẳng hiểu chuyện gì? Lúc đến nơi, tôi thấy
mấy chục công an địa phương ra chặn hết xe lại khám. Thì ra đây là một trạm đột
xuất.
Tôi cũng phải cho xe lăn bánh từ từ đến chỗ kiểm soát
dưới sự canh chừng của các khẩu AK hai bên đường.
Lúc đến chỗ kiểm soát, một người công an ra lệnh:
- Anh cho coi giấy!
Vì không còn là đoạn đường ra Hàm Tân, nên tôi không
thể đem giấy cán bộ ra hù họ được. Tôi đưa giấy tờ thật cho ho coi.
Người công an thứ hai bước ra kiểm soát hành trang.
Tôi thấy anh ta nhìn vào cái túi da nâu, đeo trước bụng mà trong lòng đâm lo.
Tôi bình tĩnh lấy tay mở dây kéo thật rộng, làm một nửa hở ra và để lộ mấy
quyển sách toán và đống thuốc rê. Người công an nhìn vào túi, trong khi tôi lấy
ít thuốc rê, vê thành một điếu, le lưỡi liếm, dán điếu thuốc và bật lửa hút. Vì
cái hải bàn đen mà thuốc rê cũng đen, nên nếu nhìn vào thì không phân biệt
được, tuy rằng với cách mở ấy, cái hải bàn cũng đã ở ngay miệng túi, vì cái túi
nhỏ chỉ vừa bề rộng của quyển sách toán.
Người công an ấy nhìn vào thật kỹ, rồi dơ tay lên định thọc vào túi làm tôi đứng
tim. Thế là hết! Tôi nghĩ. Chẳng hiểu sao anh ta dừng tay lại, quay ra đống
thùng nhựa phía sau lục soát. Anh này chú ý đến đống thùng hỗn độn phía sau hơn
là cái túi đã phành ra gần hết, ở phía trước. Anh ta lắc các thùng không vài
lần cho chắc ăn. Có lẽ anh ta sợ tôi giấu vàng lá trong đó. Nếu quả như vậy tôi
đã đoán đúng tâm lý công an.
Người công an cầm giấy hỏi:
- Anh làm nghề gì?
- Tôi dạy toán.
Nói xong, tôi lôi một quyển toán ra và lật vài trang
cho anh ta coi
- Thầy giáo hả? Làm gì mà mua nhiều thùng nhựa dữ vậy?
Tôi cười:
- Tôi dạy học ở Saigòn, nên mẹ tôi dặn mua cho bả một
số thùng đựng nước mắn. Bà làm nước mắm ở Vũng Tầu.
Anh này gật đầu:
- Anh đi đi!
Đi qua cầu Cỏ May công an cũng xét rất gắt gao, nhưng
với cách phơi bày trước, họ chỉ lo tìm những thùng nhựa, mà tôi cột, cho thật
kỹ. Vì vậy tôi cũng đã qua an toàn cái trạm mà tôi lo lắng nhất, và cũng là
trạm cuối cùng. Tôi thở phào khoan khoái, vì đã vượt qua các chặng kiểm soát
gay go nhất.
Nhưng vừa đến Rạch Dừa thì lại có một trạm đột xuất khác, vì đêm
hôm trước có một đám vượt biên thất bại tại đây. Rất may, khi họ chặn tôi lại
thì có một xe đò chở khách trờ tới nên họ chỉ xét sơ sơ rồi cho cho tôi đi.
No comments:
Post a Comment