II. Tục “kéo vợ” của người Dao Đỏ
Dao
Đỏ là người Dao mà phụ nữ thường đội khăn hay mũ đỏ, mặc áo màu xanh đen có các
nẹp cũng màu đỏ. Y phục của phụ nữ Dao Đỏ đẹp nhất trong các dân tộc thiểu số
trên vùng thượng du Bắc Việt
Trời Tây Bắc vào xuân, thiên nhiên giao hòa, cây cối nảy lộc, cũng
là lúc những chàng trai Dao Đỏ hòa vào điệp khúc mùa xuân – điệp khúc của tình
yêu– đang tràn ngập trên khắp núi đồi với tục lệ riêng của người Dao Đỏ: “Kéo
người mình thương về… làm vợ!”.
Từ những ngày giáp Tết đến hết tháng Giêng, khi nhà nào thóc cũng
đã đầy bồ, thịt đã treo kín trên ránh bếp, người người được nghỉ ngơi chuẩn bị
cho vụ mùa năm tới thì cũng là lúc trai gái đến tuổi trưởng thành hướng theo tiếng
gọi của tình yêu đôi lứa, lo chuyện xây dựng mái ấm gia đình.
Nếu các dân tộc thiểu số khác thuộc vùng Tây Bắc có tục “ngủ
thăm”, “chọc sàn”, “bắt vợ” v.v… để chàng trai có thể lấy được người con gái mà
mình yêu về làm vợ thì dân tộc Dao Đỏ có tục kéo vợ.
Truyện kể rằng, ngày xưa có một chàng trai nhà nghèo đem lòng say
mê một cô gái xinh đẹp con nhà giàu. Không đủ bạc trắng, không có trâu, dê để
cưới hỏi cô, chàng chỉ biết thầm thương trộm nhớ, còn cô gái thì hoàn toàn
không đoái hoài gì tới chàng.
Một bản người Dao Đỏ với
các ruộng bậc thang
Thế rồi một ngày kia, tấm chân tình của chàng đã thấu tới thần, Phật
và đấng linh thiêng. Thần đã báo mộng cho chàng rằng hãy làm sao bắt cóc được
cô gái về, nhân duyên sẽ thành. Chàng làm theo và đã bắt được người mình yêu về
giữ trong nhà mình. Tính tình ương ngạnh của cô gái đã được tình cảm chân thành
của chàng cảm hóa, họ yêu nhau, sống với nhau, sinh con đẻ cái và sống đến trọn
đời.
Chuyện xưa thể hiện ước mơ của những người nghèo túng không có khả
năng trả nổi tiền cưới để lấy được người mình yêu. Tính “hợp lý” của câu chuyện
đã có từ xa xưa và được thể hiện đầy đủ trong cuộc sống của thanh niên dân tộc
Dao Đỏ cho đến ngày nay.
Giữa lưng chừng những vách đá còn phủ sương sớm, các chàng trai,
cô gái người Dao Đỏ dường như đã hẹn hò từ trước, ngồi bên nhau, trao nhau những
lời nói yêu đương, tình tứ. Chờ đến chiều, dường như đã hiểu nhau hơn, chàng
trai cùng với bè bạn của mình bắt đầu “kéo” người mình yêu về làm vợ.
Theo giải thích của người Dao Đỏ, không phải cứ thấy cô gái nào
xinh xắn, giỏi giang là kéo về nhà mình làm vợ. Thật ra, trước khi “kéo vợ”,
đôi nam nữ đã tìm hiểu nhau rất kỹ, rồi ưng nhau. Kéo vợ chỉ là phong tục “bắt
buộc phải có” để người con gái chính thức bước chân về nhà chồng.
Sau khi bị “kéo” về nhà chàng trai, cô gái được giữ ở trong nhà 3
ngày và vẫn sinh hoạt bình thường, được cha mẹ chàng trai xem như con cái trong
nhà.
Sau 3 ngày, nếu ưng thuận, cô gái Dao Đỏ sẽ cắt bớt tóc và trở
thành người vợ chính thức trong gia đình, chờ đến khi nào kinh tế khá giả họ mới
tổ chức đám cưới, còn nếu không ưng thì lại trở về nhà mình. Chính vì thế,
phong tục “kéo vợ” có tính hợp lý trong sinh hoạt của người Dao Đỏ.
III. Tục “cạy cửa ngủ thăm” của người Dao Tiền
Dao Tiền là người Dao mà phụ nữ thường đeo vòng cổ hay vòng tay
chân có các đồng tiền bằng đồng hay bằng bạc, khi cử động chúng kêu leng keng
thánh thót rất hay. Trên đất nước Việt Nam có 54 sắc tộc (thường gọi là “dân tộc”)
cùng chung sống. Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán mang nét độc đáo, rất
riêng. Quý bạn đã từng nghe nói đến Lễ bỏ mả ở Tây Nguyên, Chợ tình (ở Khâu Vai
– Hà Giang) v.v…, chúng tôi muốn giới thiệu với quý bạn một phong tục đặc biệt
của người Dao Tiền ở vùng Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ: tục “cạy cửa ngủ thăm”.
Bản Cỏi thuộc xã Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nằm dựa
lưng vào núi. Một bên giáp huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình, phía bên kia giáp với
huyện Phù Yên của tỉnh Sơn La. Bản Cỏi được bao quanh bởi suối và các núi non
hùng vĩ. Nơi đây tập trung các dân tộc Dao, Mường… sinh sống. Cả bản có 66 hộ
dân với 350 nhân khẩu.
Theo sự giải thích của người dân nơi đây, “ngủ thăm” có nghĩa là
con trai, con gái đến tuổi trưởng thành đều có thể “cạy cửa ngủ” để thăm nhà
nhau. Tuy nhiên, theo phong tục và quy định riêng của người Dao và người Mường
từ bao đời nay, chỉ con trai người Mường mới được lấy vợ người Dao, còn con
trai người Dao không được lấy gái Mường.
Các cô gái đến tuổi trưởng thành, ban ngày đi làm công việc đồng
áng, tối đến thắp một ngọn đèn, buông mùng sớm và nằm trong đó. Các chàng trai
có nhu cầu tìm hiểu người con gái mình sẽ lấy làm vợ, có thể tìm đến thăm nhà
cô gái. Nếu thấy đèn trong buồng cô gái còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến ngủ
thăm, chàng trai phải tự cạy cửa để vào trong nhà, nằm xuống bên cạnh cô gái,
cô này sẽ tắt hoặc vặn nhỏ ngọn đèn. Hai người chỉ trò chuyện, tâm sự mà không
được đụng chạm vào người nhau.
Sau một thời gian tìm hiểu, cô gái có quyền quyết định xem có nên
cho chàng trai đó “ngủ thật” hay không. Nhưng trước khi đi tới “ngủ thật”, hai
người phải thưa với bố mẹ để bố mẹ coi có hợp tuổi với nhau không. Nếu hợp tuổi,
gia đình sẽ cho phép đôi bạn trẻ “ngủ thật” với nhau
Sau khi thời gian “ngủ thật” bắt đầu cũng là lúc chàng trai phải đến
làm công cho gia đình cô gái. Cứ ngày đi làm cùng gia đình, tối về ngủ với cô
gái mình có ý định tìm hiểu. Trong thời gian này, chàng trai không được về nhà
mình, muốn về phải được gia đình cô gái cho phép. Nếu cô gái không thích chàng
trai nữa thì cô ta sẽ gói quần áo cùng với một gói cơm nắm cho vào cái địu và bảo
chàng trai: “Anh cứ về thôi!”, như thế có nghĩa là cô gái đã từ chối. Hoặc cũng
có khi, cô gái bảo: “Hôm qua, em nằm mơ thấy không thể chung sống với anh được”,
đó cũng là một cách từ chối nhẹ nhàng.
Nếu bạn là người Kinh, bạn vẫn có thể đến “ngủ thăm” ở nhà bất cứ
một cô gái nào bạn thích, miễn là cô gái ấy chưa có ai đang “ngủ thăm” đêm hôm
đó hoặc đã có người “ngủ thật”; và phải nhớ là bạn không được làm một điều gì…
“thiếu trong sạch” khi muốn thử cái phong tục rất độc đáo này. Cũng có trường hợp
cô gái để cho hai chàng trai đến “ngủ thăm” ở hai bên cạnh mình. Phong tục của
họ cho phép như vậy. Trong trường hợp này, cả hai chàng trai cùng chuyện trò,
tâm sự với cô gái, ai nói giỏi hơn thì người đó thắng.
Cho đến thời điểm này, các hãng du lịch vẫn chưa có các tour đưa
du khách đến Bản Cỏi. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều du khách tự động thuê
xe đến đây để khám phá thiên nhiên hoang sơ và những phong tục tập quán kỳ lạ…
có một không hai này!
Để đến được Bản Cỏi, người ta có thể mua vé xe tuyến Hà Nội – Phú
Thọ ở bến xe Kim Mã Hà Nội (giá vài chục ngàn đồng/vé), xuống xe tại thị trấn của
huyện Thanh Sơn.
Ở chợ của thị trấn Thanh Sơn có rất nhiều mặt hàng của đồng bào
các dân tộc quanh vùng mang đến bán hoặc trao đổi hàng hóa như: thổ cẩm, đồ lưu
niệm, hàng tiêu dùng, đặc biệt là các loại thuốc Nam. Giá nhà nghỉ ở đây tương
đối rẻ, khoảng 50-100 ngàn đồng/phòng giường đôi, còn nhà trọ thì 10-20 ngàn đồng/người/ngày.
Trung tâm thị trấn cũng có nhiều điểm vui chơi với giá cả rất rẻ và người dân ở
đây hết sức thật thà, mến khách.
Từ thị trấn Thanh Sơn người ta có thể thuê xe ôm đến Bản Cỏi, khoảng
50-70 ngàn đồng/xe chở 2 người. Cánh xe ôm ở đây tay lái rất vững, khách có thể
yên tâm dù cho quãng đường đồi núi gập ghềnh.
Tuy Bản Cỏi chưa có khách sạn và nhà nghỉ nhưng khách có thể đến
gõ cửa bất cứ một ngôi nhà nào, bảo đảm không phải trả tiền mà còn được chủ nhà
coi như thượng khách.
No comments:
Post a Comment