May mắn cho nhà
tôi, bố được ông Hứa Văn Ngọ nhận vào làm việc tại tòa hành chánh Vũng Tàu, với
chức vụ thư ký. So sánh với những người làm việc cùng thời của ông thủa trước
như: ông Nguyễn Văn Toán, Phó Đại Diện Chính Phủ ở Trung Việt, ông Nguyễn Hữu
Th, Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Ngãi, thì chức vụ này quá thấp với khả năng của ông,
nhưng ông cũng vui lòng chấp nhận. Tôi không biết ông Nguyễn Hữu Th có phải là
hậu duệ của giòng họ Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật hay Nguyễn Hữu Cảnh.. các
đại tướng lừng danh của các chúa Nguyễn thủa trước không?
Niên học sau,
lớp nhất, may mắn thay, Khương vẫn học cùng lớp với tôi, và cũng bất hạnh thay,
cái tên mà ưa gây hấn với tôi nhất- Ngọ sứt môi- cũng ở cùng lớp đó.
Trong lớp học
mới, ngoài Tước, tôi gặp thêm một số học sinh di cư khác như: Phan Trần Đức mà
chúng tôi gọi là Đức Phan, Nguyễn Kinh Lý, Nguyễn Công Khanh, Trần Văn Khánh.
Tuy nhiên, tất cả nhóm ấy cũng chỉ độ sáu bẩy đứa trong một lớp hơn 50 học
sinh, do đó chúng tôi vẫn là quá thiểu số. Tất cả nhóm đó đều là "công tử
đường", vì từ nhỏ đến lớn họ đều sinh sống ở các thành phố miền Bắc, chứ
không lam lũ như tôi. Vì câu chuyện đánh nhau năm trước của tôi, nên cả bọn
luôn luôn tìm tôi để được che trở khi gặp khó khăn.
Tôi cố gắng giải quyết êm thấm các việc đó, với
châm ngôn “Tiên học lễ hậu học tay.” Hay “Tiện miệng lữoi hậu tay chân” . Vì
vậy nhiều lần tôi cũng phải động đến tay chân.
Hầu hết học sinh
trong lớp không mấy gì sung sướng khi thầy giáo Mậu chỉ định Ngọ làm trưởng
lớp. Có lẽ Thầy an ủi nó là kẻ xấu xí, và cũng là tên cao nhất lớp. Trong thời
gian ấy, trưởng lớp có nhiệm vụ giữ trật tự lúc sắp hàng vào lớp, và thay Thầy
kiểm soát lớp khi Thầy đi họp.
Nói chung chung
mỗi ngày phải đánh nhau một lần cho vui. Có hôm về nhà mặt bị bầm, bố hỏi: “Sao
mặt bần vậy?” Tôi không biết giải thích sao bèn bịa chuyện: “Con đang đứng coi
mấy người chọc trái dái ngựa, thì một trái rơi trúng mặt con.”
Trái dái ngựa to
như trái cám mầu nâu nâu, chắc là vì giống dái ngựa nên nó được gọi như vậy.
Tôi chưa thấy ai chọc trái ấy bao giờ và chọc về làm gì, nhưng quỳnh quá mà bịa
chuyện khỏi bị đòn. May quá ông cũng làm ngơ.
Trong lớp tôi có
một học sinh miền Nam
tên Đức và có biệt hiệu là "Đức Cống." để phân biệt với Đức Phan. Theo
cách nói lái của miền Nam
“Đức Cống” là “Đống Cức”. Sở dĩ Đức có cái biệt hiệu quái đản "Đức
Cống" là vì câu chuyện sau: Một hôm, thầy hiệu trưởng vào thăm lớp. Thầy
nói chuyện về đạo đức, và kỷ luật nên cả lớp ngồi yên không dám nhúc nhích. Đột
nhiên, mọi người đều ngửi thấy mùi thối, nhưng không ai biết từ đâu đưa tới. Ai
nấy bịt mũi, nhìn nhau. Thầy hiệu trưởng hỏi: "Đứa nào làm bậy vậy?"
Không ai trả lời. Một chập sau, người ngồi cạnh Đức ù té bỏ chạy. Bấy giờ,
chúng tôi nhận thấy mặt Đức tái xanh, và dưới gầm bàn của y đầy... cứt. Thì ra
bằng y bị đau bụng và sợ bị rầy, nên ngồi tại chỗ làm càn. Đức Cống là người
nhỏ con, nhát gan và thích nói chuyện, nên thường hay thì thầm to nhỏ với tên
ngồi kế bên.
Đã nhiều lần,
"Đức Cống" bị "Ngọ sứt môi" dùng thước bảng đánh đau điếng,
làm y bật khóc vì nói chuyện. Ngọ đối xử với các bạn học rất tàn nhẫn, đặc biệt
là học sinh Bắc Kỳ, nên trong lớp hầu hết mọi người ghét Ngọ, tuy nhiên, chẳng
ai dám nói vì sợ hắn trả thù. Có vài lần, một số học sinh trong lớp phản ảnh
với thầy Mậu về việc đó, Ngọ luôn luôn viện cớ rằng mấy tên đó là những tên phá
đám. Về sau, Ngọ tìm cách đánh mấy tên đó nhiều hơn để trả thù việc báo cáo.
Tôi biết ở thân phận mình, nên cố sức tránh né, tiếp xúc với Ngọ, hầu tránh
những rắc rối sau này.
Một hôm, thầy
giáo phải lên văn phòng để dự một cuộc họp, nên Ngọ thay thầy giữ trật tự lớp.
Hắn cầm cái thước bảng dài một mét, đi đi, lại lại trong lớp.
Cả lớp đang yên
lặng, bất chợp tiếng Đức Cống vang lên nho nhỏ:
- Ai giấu cục
gôm (tẩy) của tao rồi?
Ngọ đi thật lẹ
về phía Đức, dùng cái thước bảng đập vào đầu Đức một cái thật đau, khiến hắn
phải nhăn mày, méo mặt. Cử chỉ, và thái độ của Đức làm Kinh Lý, ngồi cạnh tôi,
bật cười khúc khích.
Ngọ quay sang,
đập vào vai Lý một cái:
- Mày nữa! Thằng
Bắc Kỳ ăn cá rô cây câm mồm đi!
Tôi giận sôi
gan, tuy nhiên cố sức đè nén, nhìn Ngọ:
- Mày không có
quyền mạ lị, sỉ nhục người Bắc.
Hắn không nói
lại, nhắm đầu tôi quất một thước. Tôi đau lắm, định đứng lên đánh lại, nhưng
Kinh Lý kéo tay tôi và tôi cũng kịp dằn lòng nên đành ngồi yên chịu trận.
Lúc tan học,
Kinh Lý và tôi đang đi về, bỗng có người chen vào giữa, rồi lấy cùi chỏ hích
mạnh vào hông tôi. Hắn đi qua một đỗi, rồi quay lại cười hề hề chọc tức:
- Ê! Bắc Kỳ
nhón! Mày làm gì được tao?
Tôi quắc mắt:
- Ngọ! Mày coi
chừng có lúc tao cho mày sứt luôn cái môi kia đó!
Hắn cười hà hà
rồi bỏ đi.
Vài ngày sau,
Ngọ đi vào lớp với đôi guốc gỗ vông. Khi thấy tôi và Lý đang ngồi học bài Pháp
văn, hắn dơ đôi guốc vông lên nói:
- Hiệp, Lý, tao
có con cá rô cây cho tụi bay.
Chúng tôi tức
lắm, nhưng nhịn nhục ngồi yên. Hắn buông tiếng cười ngạo nghễ rồi đi ra ngoài.
Cùng khi ấy, tiếng kẻng vào học vang lên.
Hắn quay lại:
- Ê! Hai thằng
Bắc Kỳ nhón! Ra sắp hàng!
Vì ra trễ, nên
chúng tôi xếp ở cuối hàng, bên cạnh một cây còng thật lớn, cỡ hai ôm của người
lớn. Ngọ đi đi, lại lại trông coi hàng ngũ. Khi qua chỗ tôi, mắt hắn hênh hếch,
miệng sứt cười cười, nhìn thật đểu cáng. Cùng là cái cười, bình thường làm
người khác có cảm tình; đằng này nó cười nhìn thật thấy ghét. Hắn giả vờ nhìn
nơi khác, và đạp chiếc guốc vông lên bàn chân tôi. Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm,
(mà phần đông đều thế) nên tôi đi học chân không. Tôi đau điếng, xô hắn ra. Hắn
loạng choạng, húc đầu vào gốc còng, rồi té bật xuống đất. Tuy rằng cái xô tôi
cũng khá mạnh, nhưng không đến nỗi mạnh như thế, cùng lắm hắn chỉ lui lại một
hai bước mà thôi. Hắn cố tình làm bộ để tôi bị vạ. Tôi biết Ngọ chỉ chủ ý làm
bộ thêm, nhưng không thể biện minh gì được.
Thầy giáo Mậu
quát:
- Chuyện gì vậy?
Ngọ lồm cồm ngồi
dậy, chỉ tôi:
- Thưa Thầy, nó
xô em té.
Thầy Mậu nhìn
tôi, quát:
- Hiệp lên đây!
Rồi Thầy quay
sang Ngọ:
- Ngọ cho các
trò khác vào lớp!
Thầy dẫn tôi vào
lớp trước, bắt tôi nằm xuống thềm gạch chỗ cạnh bảng, rồi hỏi:
- Tại sao trò
lại xô trò Ngọ té?
- Thưa Thầy trò
Ngọ đạp guốc gỗ lên chân em.
- Có vậy không
Ngọ?
- Thưa Thầy em
vô ý.
- Người ta vô ý,
có gì mà em xô mạnh quá vậy? Bây giờ Thầy đánh em về tội bạo động nghe không?
Nói xong, ông
quất tôi ba roi đau điếng, rồi cho tôi trở về chỗ ngồi.
Khi đi qua chỗ
Ngọ, y nhìn tôi nhăn mặt chọc tức.
Trưa hôm đó là
giờ đức dục, với nội dung là sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Sau khi giảng
bài Thầy giáo hỏi:
- Các trò có ý
kiến gì không?
Tôi dơ tay.
Thầy hỏi:
- Trò Hiệp có ý
kiến gì?
Tôi đứng dậy:
- Thưa Thầy mình
không nên chọc ghẹo người tàn tật, vậy mình có nên phỉ báng, mạ lị người thiểu
số không?
- Dĩ nhiên là
không.
Tôi tiếp:
- Thưa Thầy, tụi
em là người di cư cho nên chúng em là người thiểu số. Ngọ luôn miệng chửi tụi
em là Bắc Kỳ ăn cá rô cây. Sáng nay, trò Ngọ dơ cái guốc gỗ cho Lý và em rồi
bảo tụi em hãy ăn con cá gỗ đi.
Thầy giáo gọi:
- Trò Lý, có
đúng thế không?
Lý đứng dạy, trả
lời:
- Thưa Thầy đúng
ạ.
Khương dơ tay.
Thầy giáo hỏi:
- Có gì nữa trò
Khương?
- Thưa Thầy, trò
Ngọ tỏ ra rất hống hách với mọi người, và bất công với các trò mới di cư.
Thầy giáo nói:
- Đủ rồi! Thầy
sẽ cho các em bầu lấy một trưởng lớp mới.
Sau đó, một cuộc
tuyển cử được tổ chức cho lớp tôi, và mọi người đều vui vẻ khi Khương được bầu
làm trưởng lớp mới, còn Ngọ bị chuyển qua lớp khác để tránh các rắc rối sau
này.
Cuối năm đó, nhà
trường phát thưởng cho 10 học sinh xuất sắc nhất mỗi lớp. Kinh Lý lãnh hạng
nhất, Công Khanh lãnh hạng nhì, Khương được hạng ba, Đức Phan được tư, Khánh
hạng năm...Tôi kém các bạn về Pháp văn, và điểm tập viết thì hạng gần chót,
nhưng nhờ toán, Việt văn, vẽ, khoa học thường thức nên may mắn lãnh hạng 10.
No comments:
Post a Comment