E- Nhân hòa.
Nhà Trần đã làm
gì để có Nhân Hòa? Như chúng tôi đã bàn trong mục công tâm, và việc này đã làm
tăng tiến sự nhân hòa. Qua hai lần hội nghị Bình Than và Diên Hồng, quân dân
một lòng chống ngoại xâm. Nhà Trần đã biết áp dụng yếu tố nhân hòa trong cuộc
kháng chiến chống quân Nguyên Mông.
Tuy vậy đối với
dân thì nhân hòa, nhưng nếu trong giới tướng lãnh mà không hòa thì cũng là một
hiểm họa. Chuyện Mông Cổ đánh Nga và Hung Gia Lợi là các bài học quý giá.
Trần Hưng Đạo và
Trần Quang Khải lúc trước không mấy hòa thuận. Trần Quang Khải thì làm tể
tướng, trong coi mọi việc của triều đình. Lúc kháng Mông thì Hưng Đạo Vương làm
tiết chế chỉ huy tất cả binh lực. Nêú Trần Quang Khải không nghe lệnh của Hưng
Đạo Vương rồi muốn đánh lúc nào thì đánh, muốn đi đâu thì đi thì chẳng khác gì
chuyện Nga, Hung và chắc Đại Việt đã không viết lên những trang sử có một không
hai trên thế giới vào thế kỷ XIII.
Câu chuyện dưới
đây cho ta thấy một may mắn khác của Đại Việt. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư,
trang 50, viết : “Quang Khải có học thức, hiểu tiếng nói của
các phiên. Trước kia, Thánh Tông thân đi đánh giặc,
Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thái
Tông gọi Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn tới bảo:
"Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm
định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc".
Quốc Tuấn trả
lời:
"Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ
chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi
Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì
tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang
Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn"…
Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang
Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội,
Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải:
"Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm",
rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói:
"Hôm nay được tắm cho Thượng
tướng".
Quang Khải cũng nói: "Hôm nay được Quốc
công tắm rửa cho".
Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người
càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập nhà vua, hai ông
đứng hàng đầu.”
Giả sử Hưng Đạo
Vương là người ham quyền thì làm nhận chức tư đồ thì sao hàn gắn được mối quan
hệ và cùng chung lưng đấu cật chống ngoại xâm.
Nhân hòa lo
chống giặc ở đời nhà Trần không phải chỉ có đám mày râu, mà còn cả trong giới
hồng quần. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 18, viết về bà hoàng hậu họ Trần lấy vua cuối nhà Lý như sau: “Trần thị được gọi là quốc mẫu vì đó vốn là
hiệu của Ngô phu nhân trước kia, tức là hoàng hậu. Thái Tông thấy Linh Từ đã
từng làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông,
không nỡ gọi là công chúa, cho nên phong làm quốc mẫu, cũng là biệt danh của
hoàng hậu. Xe kiệu, mũ áo, quân hầu của bà đều ngang với hoàng hậu.
Đến khi người Nguyên tắt đường vào
cướp, kinh thành thất thủ, Linh Từ ở Hoàng Giang, giữ gìn hoàng thái tử, cung
phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp, lại khám xét
thuyền các nhà chứa giấu quân khí đều đưa dùng vào việc quân. Công của bà giúp
nhà Trần trong việc nội trị thì nhiều mà phần báo đáp nhà Lý thì không được
bằng. Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần. Việc thì giống
như Đồ Sơn dấy nhà Hạ, mà đức thì không giống. Đạo biến của trời như thế đấy,
huyền vi thay!”
Ngược lại,
Nguyên Mông đã bị tội xâm lăng dân không ưa, mà Thoát Hoan còn sai Ô Mã Nhi đi
ăn cướp lương thực thì làm sao để tạo nhân hòa?
Ai thắng ai thua
trong « Nhân Hòa » đã thấy
rõ. Đại Việt được 2 điểm.
F- Chiến Thuật.
Trước khi quân Nguyên
Mông tràn sang, Hưng Đạo Vương cho ra tập Binh Thư Yếu Lược của ngài để các
tướng cùng thông hiểu các mưu lược giết giặc. Tiếc rằng cuốn binh thư ấy không
còn nên muốn tìm hiểu chiến thuật của Hưng Đạo Vương thì ta hãy xem lại lời đối
đáp của Ngài với Vua Anh Tông khi nhà vua lại thăm lúc Ngài sắp lâm chung. Nhà
vua hỏi làm sao có thể chặn MC, nếu chúng xâm phạm bờ cõi lần nữa? Ngài đáp lại
mấy điểm chính sau:
1/ Theo kế hoạch
của Triệu Đà, đốt phá sạch ruộng đồng. Như vậy ngài áp dụng việc “Công Lương” nhất định không cho giặc
cướp lương từ nhân dân. Trận Vân Đồn lại chứng tỏ rằng Hưng Đạo Vương triệt để
chú trọng đến lương thực của địch.
2/ Đánh úp sau
lưng giặc. Ngài áp dụng mưu kế mà các nhà quân sự Tôn Tử, Ngô Khởi, Khổng Minh,
Bạch Khởi, Tôn Tẫn… đã bàn. Trong chiến thuật việc mình phải chủ động trong
việc dàn binh của địch rất quan trọng. Khi mình chi phối được mức đóng quân của
địch, thì ta dễ dàng hơn trong việc tấn công hay tránh né. Nếu quân ta ít, yếu
mà dịch mạnh thì ta tránh trấn công. Nếu địch thưa yếu hơn ta thì ta đánh. Hưng
Đạo Vương đã chủ động trong việc này. Tong quyển Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn
Sơn, trang 280 có ghi: “Ngày 23 tháng
chạp, quân của tham chính Phàn Tiếp theo Thoát Hoan đánh Bắc Giang. Quân ta
ngăn sông, chống giữ không lại. Thủy
quân Mông Cổ vào được sông Cái (sông Hồng), quân ta rút lui.….Ngày 28 tháng chạp, bọn phản quốc Lê Tắc cũng theo
sát gót Mông Cổ, nhưng đi sau vì phải lưu lại châu Tư Minh. Lê Tắc dẫn bọn
Sảnh-đô-sự Hầu-sư-Đạt, vạn hộ họ Đạt, thiên hộ họ Tiêu, đem 5000 quân từ châu
Tư-Minh lục tục tiến theo đại quân Thoát Hoan. Chúng phá ải Nội Bàng (thuộc
Lạng Sơn), tiến chiếm sông bằng (thuộc địa phận Cao Bằng), ngảnh lưng về phía
nước ta mà bày trận. Quân ta chống trả mãnh liệt, tên thuốc độc bắn như mưa;
lửa cháy ngất trời. Đến canh năm giặc thua và tan vỡ, Hầu sư Đạt tử trận… ”
Ở phần trên, ta
đã thấy gì? Nhìn vào bản đồ ở phần các trận đánh Đại Việt thì Nội Bàng ở sau
lưng Thăng Long kể từ biên giới đến. Các phần này cho ta thấy Hưng Đạo Vương
vẫn cho quân đánh phá sau lưng địch, vì Phàn Tiếp, Thoát Hoan đã đến sát Thăng
Long mà đám người của Lê Tắc chưa đến Nội Bàng là ở phía sau. Hơn nữa, số quân
không phải là nhỏ vì muốn đánh bại đạo quân 5000 người thì quân ta phải đông
hơn nhiều. Với số quân Đại Việt đông như vậy thì quân Nguyên phải dàn quân
nhiều nơi để bào vệ lẫn nhau.
Trang 209: “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên
Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm cũng viết lại các
hoạt động tương tự:
“Nguyễn Lộc trước đây hoạt động ở vùng
Thất-nguyên (Tràng-định), Vĩnh-bình (Cao-lộc), thì nay mở rộng phạm vi khắp
vùng Lạng-sơn.[1]”
Quyển sách cũng đề cập các trận đánh của Nguyễn Thế Lộc (Nguyễn Lộc) và Nguyễn
Lĩnh vào các toán Việt gian ở phần phụ lục trang 210.
Đến trang 221
quyển ấy lại viết:
“Tháng tư âm lịch (tháng 5-1285), Thoát Hoan
sai Mang-lai Xi-ban (Manglai Shiban) đưa bọn Việt gian Trương-hiến hầu Trần
Kiện, Văn-nghĩa hầu Trần Tứ Hoãn và em hắn là Minh thành hầu, con của
Chiêu-quốc vương Trần-ích-Tắc là Nghĩa-quốc hầu cùng với gia thuộc hắn về Trung
Quốc. Khi chúng đia qua Lạng Sơn, đội dân binh người Tày do Nguyễn Thế Lộc và
Nguyễn Lĩnh chỉ huy, phối hợp với cánh quân Trần ở địa phương đã tập kích bọn
chúng ở trại Ma Lục vùng Chi Lăng. Bọn Việt gian và đoàn quân hộ tống của
Mang-lai Xi-ban (Manglai Shiban)bị vây đánh cả ngày lẫn đêm.”[2]
Việc dặn quân
lính rút vào rừng đánh úp sau lưng giặc là áp dụng chiến thuật du kích, cấm
không được hàng giặc. Vì chiến thuật này bắt giặc phải phân tán lực lượng, ra
một vùng rộng lớn làm sức giặc yếu đi. Lắm khi, chẳng có người lính nào của ta
ở một thị trấn, nhưng Mông Cổ vẫn phải cắt quân canh chừng. Nguyên sử viết về
Đại Việt chiếm lợi địa, dùng du kích chiến:
“Họ giữ nơi hiểm yếu chống cự, đều có nhà kho để cất chứa đồ áo giáp của quân
sĩ. Họ bỏ thuyền lên bờ, quân giống như dân chúng, Nhật Huyên dẫn họ hàng, quan
lại đến Thiên Trường, Trường An đóng đồn tụ họp, Hưng Đạo Vương, Phạm Điện Tiền
đem thuyền quân lại tụ hợp ở cửa sông ở Vạn Kiếp, Nguyễn Lộc trú ở phía tây lộ
Vĩnh Bình.” (Tích Dã dịch)
Một đoạn khác
Nguyên sử ghi như sau: “Nhật Huyên đến
cửa biển An Bang, bỏ thuyền, đồ áo giáp, binh khí, chạy vào ẩn náu ở rừng núi.”
Trong quyển của ông Tấn trang 206 cũng có ghi: “Nhưng trên một miền đất rộng lớn đó, địch không thể có quân rải cho đủ
và ngay ở vùng chiếm đóng được, chúng cũng không thể kiểm soát nổi.”
Sau này, đến
cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Minh cũng cho đánh du kích khắp bán đảo Đông
Dương khiến Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó. Sau đó, họ dùng chiến
thuật công đồn đả viện, làm Pháp đem binh đi cứu nơi bị nguy rồi chui vào ổ
phục kích. Lúc thượng Lào bị tấn tấn công liên miên, nhờ vào đoàn tiếp vận từ
Liên Khu Tư (Thanh, Nghệ, Tĩnh) qua Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, rồi vào lòng
chảo Điện Biên Phủ qua Lào. Pháp quyết định thả 6 tiểu đoàn dù xuống lòng chảo
này để chặn đường tiếp vận của Việt Minh. Rồi từ đó sinh ra trận Điện Biên Phủ
khốc liệt.
Hiện nay, quân
Mỹ với vũ khí tối tân, hùng hậu đã vào Iraq và Afganistan dễ dàng, nhưng quân
họ phải trải quá rộng để kiểm soát được hết lảnh thổ hai nước này. Tuy nhiên,
họ cũng đang bị chiến thuật du kích làm tổn hại và chẳng hiểu hết quả có được
như họ mong muốn không?
3/ Chiêu mộ nhân
tài. Ngài đã áp dụng cách tuyển quân, chọn tướng trong binh pháp. Đánh thắng
giặc là chọn người tài bất luận nơi nào, không nhất thiết là người của hoàng
tộc, mà Thương Ưởng nhà Tần đã làm cho nước này hùng cường. Thời nhà Trần ta
thấy rất nhiều tướng lừng danh không phải từ dòng dõi vương triều ra như Lê Phụ
(Lê Phụ Trần), Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Trần Bình Trọng, Nguyễn Lộc,
Nguyễn Khoái, Nguyễn Khả Lập, Nguyễn Xuân…
Đại Việt Sử Ký
Bản Kỷ Toàn Thư, trang 5, chép: “ Ma Lôi là người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai
Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như thần. Sau
khi Nộn chết, thiên hạ lại quy về một mối.” Khi Trần Khánh dư đánh nhau với
Trương Văn Hổ, quân sĩ đội nón Ma Lôi. Vậy chắc có thể Ma Lôi sau này làm tướng
dưới quyền của Trần Khánh Dư.
Không phải chỉ
nhà vua chiêu tập nhân tài, mà chính bản thân Hưng Đạo Vương cũng có nhiều nhân
tài, hiền đức phù tá như Trương Hán Siêu, Dã Tượng, Yết Kiêu.
4/ Chinh phục
nhân tâm. Ngài đã áp dụng “Công Tâm- Nhân
Hòa” trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Không thành trì nào vững hơn
lòng dân, đúng như Ngô Khởi đã nói với Ngụy Vũ Hầu lúc đi chơi thuyền. Các việc
này chúng tôi đã phân tích trong công tâm và nhân hòa.
5/ Đắp lũy xây
thành. Ngài đã chọn ưu thế về địa lợi. Ta không nên hiểu hạn hẹp thành là thành
trì, nhiều khi thành mà chẳng thấy hào sâu, tường cao. Vì vậy mấy lần, ngài đều
bỏ thành Thăng Long chạy vào Yên Trường và Thanh Hóa, những nơi có núi cao
ruộng sâu. Vậy ngài đã dặn chọn nơi rất khó khăn cho giặc tấn công làm thành
trì. Nếu quí vị đã đến vùng núi Tam Điệp, Tam Cốc- Ninh Bình giáp Thanh Hóa thì
thấy nơi đây núi non trùng điệp, chung quanh là đồng sâu. Kị binh vào đây thì
không di chuyển được. Bộ binh vào đây chỉ làm mồi cho tên độc, khi phải đang
lội nước quá đùi. Vì vậy, Ngô Văn Sở đã rút về đây chống quân Thanh. Có thể
Trần Quang Khải cũng làm như vậy, vì sử chỉ nói sơ rằng ông rút qua Thanh Hóa
đóng quân khi Toa Đô làm tiệc chiêu an ở Thanh Hóa.
Ta cũng không quên trong lần kháng Nguyên thứ 2, Hưng
Đạo Vương đã rút về Vạn Kiếp. Tại sao vậy. Chính cũng vì địa lợi. Ta hãy xem Lê
Tắc tả lại vùng này trong quyển An Nam Chí Lược như sau: “Trở mặt ra một con sông lớn, sau lưng có núi muôn trùng, rừng rậm tre
cao,dưới nước trên cầu, phong cảnh rất đẹp. Hưng-Đạo-Vương đã từng ẩn ở trong
ấy.”[3]
6/ Lấy đoản
chống trường. Ngài đã áp dụng lấy cái ưu điểm của mình chống lại cái khuyết
điểm của địch. Trong nghĩa đen thì quả thật lấy dao ngắn chống thương dài,
nhưng chống ở chỗ nào thì mình mới thắng? Trên một bãi cỏ cho một người cầm
thương một người cầm đao cụt, rồi cho đánh nhau thì kẻ cầm thương có lợi thế.
Người cầm đao nếu không vào sát được đối thủ thì thấy từ chết tới bị thương.
Vậy người này phải đánh cận chiến, lúc ấy trường thương thành vô dụng. Một cách
thứ hai để người cầm đao nắm được phần thắng là dụ đối phương vào nơi chật hẹp,
hay rừng cây rậm rạp, để đối phương khó lòng múa được thương dài của hắn.
Tuy nhiên, đây
không có nghĩa là lấy dao ngắn chống thương dài, mà có nghĩa là tùy vào từng
môi trường, tùy hoàn cảnh, đem chiến thuật để chống giặc. Dù là mình người yếu;
lính giặc mạnh; ngựa mình nhỏ; ngựa giặc to; kiếm mình ngắn; đao giặc dài,
nhưng với những khôn kéo, mưu lược mình vẫn khắc chế được địch quân.
Lúc quân địch
tràn sang với khối người vài chục vạn tập trung vào vài mũi dùi, quân mình
không thể chống nổi. Đó là đoản chống trường không lợi. Hưng Đạo Vương cho tản
ra và địch cũng tản ra. Bây giờ thì mình lại tập trung ở điểm nào đó, trong khi
địch không tập trung nổi vì lo duy trì an ninh nơi mới chiếm, rồi mình tấn
công. Đó chính là điều Hưng Đạo Vương muốn.
7/ Lấy kiên nhẫn
cẩn thận mà chống mau lẹ vũ bão. Đây ngài khuyên là phải lựa chọn đúng thời
gian, không nên hấp tấp. Thấy giặc mới vào đem tất cả binh lực ra chống, rồi
đến lúc rút thì không còn bao nhiêu quân. Ấy chính là một lầm lẫn. Cứ để cho
giặc tiến vào với một nhịp độ để ta rút lui, đợi thời cơ. Đó chính là một áp
dụng mà Khương Tử Nha đã nghĩ tới. Viết lại tư tưởng ấy của Khương Thượng sách
Lục Thao ghi: “Người thiện chiến ở không
rối loạn, thấy có thể chiến thắng thì tiến lên, thấy không thể chiến thắng thì
dừng lại. Người thiện chiến thấy điều lợi không để mất, gặp thời cơ không nghi
ngờ,”[4]
Đây có thể nói
là một tuyệt chiêu đối phó với Mông Cổ, vì chiến thuật của họ là tốc chiến tốc
thắng. Hưng Đạo Vương không cho họ làm điều này. Nếu quí độc giả đã đọc qua sử,
nhất là quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông
Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm thì sẽ thấy lúc đầu quân Mông đánh nơi nào cũng
thắng còn ta lúc nào cũng thấy lui. Trong sử không ghi nhưng chắc chắn rằng
nhiều nơi địch đến thì chẳng thấy sự chống cự nào. Ngày này sang ngày kia, làm
tinh thần hồ hởi của giặc sẽ nguội dần, rồi những yếu tố khác như thời tiết,
đất đai lầy lội làm chúng chán nản. Tóm lại đây là chiến thuật lấy diên trì
chống mau lẹ vậy.
Ngoài ra Mông Cổ cũng nổi tiếng về chiến thuật
giả thua rút lui. Nhưng khổ một cái, người rút lui đây lại là quân Đại Việt,
nên cái chiến thuật ấy bị bẻ gãy. Lúc Mông Cổ rút lui thật thì chúng không làm
được chuyện phục khích như đã phục kích quân Georgia hay liên quân Nga mà trái
lại Hưng Đạo Vương đã cho bố trí phục kích trước. Đại quân ta cũng đuổi theo
địch, nhưng đây chỉ là đuổi để xua các con mồi vào bẫy, tợ như quân Mông Cổ tập
dượt săn tập thể. Đây phải chăng là đòn “Gậy Ông Đập Lưng Ông” của Cô Tô Mộ
Dung trong Thiên Long Bát Bộ mà Kim Dung viết hay không?
Các điều này
thật là đúng với nguyên tắc chiến thuật và chiến lược, tợ như một võ sĩ đang
lên đài, chỉ khác một điều là mỗi bộ phận, mỗi một sợi gân của người võ sĩ
chính là một người quân trong đội ngũ. Sự khỏe mạnh, vũ bão chưa chắc đã là sự
tất yếu để thắng đối phương. Vì thế ta thường thấy các phái võ vẫn thường nhắc
nhở lấy nhu chống cương; lấy hòa hoãn bình tĩnh chống vũ bão; lấy sự mau lẹ chống
sức mạnh…Cũng trong thời Mông Cổ hoành hành tại Trung Quốc, ở núi Vũ Đương bên
Trung Hoa, một nhân tài võ học ra đời: Trương Tam Phong. Ông là người lập ra
môn phái Vũ Đương và sáng chế ra Thái Cực Quyền chỉ lấy sự bình tĩnh, ôn nhu để
khắc chế cương cường là vì lẽ đó. Nếu quý vị đã đọc bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký (Ỷ
Thiên Kiếm- Đồ Long Đao) của Kim Dung chắc quý vị không khỏi không thán phục
cái triết lý võ thuật của nhân vật này.
Nói đến điểm vũ
bão, mau lẹ ta thấy Mông Cổ có chiến thuật tấn công rất hay. Nhưng cái chiến
thuật này chỉ hữu hiệu với cả hai cùng lấy cương chống cương, lấy vũ lực chống
vũ lực, cùng địa thế thuận tiện cho kị binh. Nếu một nhà lãnh đạo ỷ vào binh
hùng, tướng mạnh mà đi xâm lược nước khác không nghiên cứu rõ về hình thể đất
đai, khí hậu, phong thổ cùng văn hóa tập quán nước đó thì chưa phải là tướng
tài. Điều này đã thể hiện ở binh chủng các nước ngày nay. Tùy theo địa thế khí
hậu mà họ tổ chức các binh chủng TQLC, nhảy dù, Biệt Động Quân, Biệt Kich…để
ứng chiến có hữu hiệu.
Ta hãy xem Hưng
Đạo Vương và các tướng của Đại Việt áp dụng chiến thuật lấy kiên nhẫn, cẩn thận
để chống nhanh chóng, vũ bão như thế nào.
Khi Mông Cổ mới
sang, chúng tiến nhanh như vũ bão, Hưng Đạo Vương chỉ chống đỡ cầm chừng, rồi
rút lui theo kế hoạch mấy lần rút về Thanh Hóa chính là vì chiến thuật đó. Đợi
khi giặc mỏi mệt, chán nản Ngài tung hết lực lượng ra đánh.
Có người sẽ hỏi
lấy gì làm bằng cớ sự rút lui này một chiến thuật? Xin thưa rằng nếu không có
chuẩn bị kế hoạch rút lui thì không thể tập trung quân nhanh chóng và đông đảo để phản công. Trong
quyển Việt Sử Toàn Thư, Phạm Văn Sơn trang 261-262 (lần I) viết: “…Giặc không tiến được núi Khưu Cấp phải qua
ải Khả Lợi (Lạng Sơn) kéo xuống. Cánh quân Đông Đạo của Tản Lược Nhi lúc này
vượt được ải Khả Lợi…
Hưng Đạo Vương chống nahu với Thoát Hoan ở
ải Nội Bàng ngày 27 tháng chạp năm Giáp Thân (1284). Thế giặc mạnh quá ngài
phải chạy về đóng ở Vạn Kiếp, chuẩn bị cho cuộc phản công…
…Ít lâu sau, Khả Lợi và Lộc Châu thất thủ,
Việt quân phải rút về Chi Lăng (Hải Dương)…
Vua Nhân Tông được tin Hưng Đạo Vương lui
quân khỏi Lạng Sơn liền xuống thuyền nhỏ ra ra Hải Đông (Hải Dương) triệu Hưng
Đạo Vương đến. Nhân Tông nói: “Thế giặc lớn như vậy, chống với nó e dân sự sẽ
tàn hại hay là hàng chúng để cứu dân?”
Hưng Đạo Vương khẳng khái trả lời: “Bệ hạ vì
lòng thương dân mà nghĩ như vậy nhưng tôn miếu và xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ
muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi trước đã.
…
Hội nghị quân sự ở Vạn Kiếp. Hội nghị này
họp để chỉnh bị lại hàng ngũ…Quân các lộ, các xứ tập hợp lại và chiêu mô thêm
vẫn đủ được 20 vạn…”
Từ tháng chạp
rút chạy mà phản công là tháng giêng tại Bình Than với số quân đến 10 vạn thì
cuộc họp quân trên chỉ vào cuối tháng chạp. Đây là thời gian rất ngắn mà ta vẫn
có đến 20 vạn quân thì sự rút lui có kế hoạch mới làm được như vậy.
Lúc Ô Mã Nhi
được lệnh đi đón thuyền lương Trương Văn Hổ (theo Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn
Sơn) Trần Khánh Dư ra sức cản, nhưng bị thua. Ô Mã Nhi gặp được thuyền lương
của Hổ thì quay về. Khi hắn qua đây lần thứ hai, ông biết đánh cũng sẽ thua,
nhưng cái quan trọng là lương thực ở sau. Vì thế, ông cứ để Ô Mã Nhi đi qua dễ dàng.
Với chiến thuật này làm Ô Mã Nhi, thêm tự tín, nghĩ rằng quân Đại Việt tan rã
rồi, nên chẳng cần hộ vệ, mà cứ thẳng tiến về đánh quân ta ở nơi khác. Rồi kết
quả là như ta đã thấy.
Trần Quang Khải
được nhiệm vụ trấn thủ ở Nghệ An, Thanh Hóa chặn đường tiến quân của Toa Đô.
Khi thấy thế giặc mạnh ông rút quân vào vùng hiểm trở cố thủ. Toa Đô ra đến
Trường Yên (Ninh Bình) đóng trại. Khi nghe tin hai vua đã vào Thanh Hóa, Thoát
Hoan ra lệnh cho Toa Đô quay lại nơi ông ta đã qua. Ông ta nghĩ rằng rất dễ để
tiêu diệt quân ta, nhưng ông ấy đã lầm. Toa Đô vô được, nhưng ra không được vì
bị phục kích, lại thêm khí hậu bắt đầu khó chịu. Vùng núi non đầm lầy giữa
Thanh Hóa, Ninh Bình quả là những chiến lũy kiên cố. Ông ta đành kêu cứu, Ô Mã
Nhi được cử vào nhưng rồi cũng sa lầy nốt. Chúng không thể nào bắt liên lạc với
đại quân và phải xuống thuyền trở ra bắc. Để rồi về đến Tây Kết lại bị đẩy lui
và kết quả một tướng bị chém đầu; một tướng bỏ chạy thẳng về Trung Quốc.
8/ Lấy mưu lừa
địch.
Trong lần thứ
nhất, quân Mông thua chạy qua Quy Hóa, chủ trại Hà Bổng dùng cách lừa giặc theo
đúng như Tôn, Ngô chủ trương, đánh giặc không ngại chuyện lừa dối. Trang 26 của
Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư chép:
“Dụ binh giặc đến huyện Phù Ninh, viên phụ đạo huyện ấy là Hà Đặc lên
núi Trĩ Sơn cố thủ. Giặc đóng ở động Cự Đà. Hà Đặc lấy tre đan thành những hình
người to lớn, cho mặc áo, cứ đến chiều tối thì dẫn ra dẫn vào. Lại dùi thủng
cây to, cắm tên người lớn vào giữa lỗ để giặc ngờ là sức bắn khoẻ xuyên suốt
được. Giặc sợ không dám đánh nhau với Đặc. Quân ta hăng hái xông ra đánh bại
được giặc. Đặc đuổi đánh đến A Lạp, bắc cầu phao qua sông, hăng đánh quá bị tử
trận. Em là Chương bị giặc bắt, lấy trộm được cờ xí, y phục của giặc trốn về,
đem dâng lên, xin dùng cờ ấy giả làm quân giặc, đến doanh trại giặc. Giặc không
ngờ là quân ta, do vậy ta cản phá được chúng.”
9/ Phân tán
địch- Đánh tiêu hao.
Một chiến thuật
của Hưng Đạo Vương áp dụng là phân tán lực lượng địch. Nếu địch quân đi đâu thì
cả chục vạn cùng đi thì làm sao ta phá được chúng. Cách diệt được chúng là làm
chúng phải phân tán lực lượng, cũng như chuyện Thành Cát Tư Hãn chia lực lượng
400000 quân của Muhammad làm vài chục đơn vị nhỏ, rồi đem 200000 quân của ông
ta đánh. Ấy chính là chiến thuật bẻ bó đũa vậy. Muốn làm như vậy thì từ đầu ta
đã chống cự, rồi rút. Sau đó đánh tỉa vài ba trận, như vậy địch sợ quân ta chỗ
nào cũng có, nên phải phân tán bảo vệ.
Khi địch phân
tán rồi, ta mới tập trung quân để đánh như đã nói trên. Nếu có tiếp viện ta lại
dùng kế “công thành, đả viện.” Trường
hợp địch cho nhiều nơi tiếp viện quân số lớn hơn ta thì lập tức, ta sẽ chĩa mũi
dùi vào nơi giặc mới kéo quân đi. Đó lại chính là kế “Điệu hổ ly sơn”.
Bài viết trong
Nguyên Sử cho ta thấy địch phân tán mỏng, chúng tôi xin nhắc lại: “Vạn hộ Lí Bang Hiến, Lưu Thế Anh đem quân
mở đường từ Vĩnh Bình vào An Nam, mỗi ba mươi dặm lập một trại, sáu mươi dặm
đặt một trạm dịch, mỗi một trại một trạm dịch đồn trú có ba trăm người giữ gìn,
tuần tra. Lại ra lệnh cho Thế Anh lập pháo đài, chuyên đề đốc trại, dịch trạm,
công sự.” (Tích Dã dịch).
Cánh phương nam
do Toa Đô chỉ huy cũng vậy, quân Nguyên Mông đã phải dựng các doanh trại để
kiểm soát khu vực chúng mới qua. Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn trang 271
cũng ghi lại đoạn Toa Đô tiến quân từ Chiêm Thành ra Thiên Trường như sau: “Từ vùng Thanh Nghệ ra suốt khắp miền Trung
Châu và dọc vịnh Bắc Việt thế giặc rất to, chỗ nào đồn ải của quân Nguyên cũng
san sát. Thành Thăng Long cùng các trọng trấn đều có cờ Mông Cổ bay phất phới. ”
Bây giờ giả sử ở
một châu nào đó chúng có 3000 quân đồn trú và được phân chia như trên ở 10
trại. Trong khi ấy lực lượng địa phương ta chỉ có 1000 quân. Ta phải đánh làm
sao?
Tướng ta lấy 200
quân chia làm 10 toán, vậy mỗi toán có 20 người. Mỗi toán có nhiệm vụ quấy phá
một trại; ban ngày lâu lâu bắn sẻ một tên lính canh. Ban đêm thì chỉ cần 4, 5
người cầm trống, mõ, phèng la, tù và thổi đánh ầm ĩ. Rồi nửa đêm bỗng đâu một
mũi tên lửa làm cháy một lều.
Một trại tên Hắc
Long, cũng có 300 quân đóng, ta đem 800 quân tấn công. Không cần đánh một trận
để tiêu diệt địch mà làm chúng tổn thất. Vấn đề là quấy phá làm suy nhược tinh
thần địch quân; lợi dụng thời tiết làm chúng mệt mỏi; dùng địa lợi phục kích để
tránh hao tổn. Ban đêm thì dùng 200 quân khởi sự, còn ban ngày thì chọc phá do
toán 20 người đã nói trên. Lẽ dĩ nhiên 600 quân luôn ở tư thế phục kích tại nơi
có lợi. Chúng ở chỗ sáng, ta ở chỗ tối cứ bắn loạn xạ tên độc tên lửa, không ít
thì nhiều làm tổn thất chúng. Sau đó, ta lại kéo đi khi trời chưa sáng. Ban đêm
Nguyên Mông không dám ứng chiến mà chỉ phòng thủ. Chúng dùng các súng phóng đá catapult và trebuchet bắn bom, đạn ra. Nhưng khổ một
nỗi, quân ta bò sát đất rồi xuất hiện bất ngờ, bắn một loạt 200 mũi tên rồi
chạy đi. Khi đội pháo của địch tập họp đầy đủ để bắn trả thì quân ta rút mất
rồi. Độ nửa canh giờ hay một canh giờ sau màn ấy lại tái diễn. Rút cục cả đêm
chúng chẳng ngủ bao nhiêu. Đêm sau lại thay phiên. Đây chính là xa luân chiến,
làm địch không được nghỉ ngơi, tinh thần hao tổn.
Một ngày nào đó
tướng Nguyên Mông quyết định dùng 200 quân còn khỏe đi càn quét, vì 100 quân
kia thì bịnh hoạn tại thời tiết hay bị thương vì tên, lao và một số nữa đã đi
chầu diêm chúa. Tướng Mông lý luận, chúng chỉ đánh đêm vậy quân số không đông,
nếu 2, 3 trăm thì không địch nổi với 200 tên lính to lớn lại có kị binh hỗ trợ,
dù là mấy khẩu pháo catapult không thể đẩy theo đánh giặc này, vì đã tới mùa
mưa, đất đai bùn lầy.
Ra khỏi trại một
đỗi thì chúng thấy ruộng nước mênh mông; xa xa thấy khói và mươi tên lính Đại
Việt đang cầm trống, tù và vừa bắn vừa lội nước bì bõm chạy. Vài tên lính địch
khác thì chạy lăng quăng trên các bờ ruộng nhỏ xíu, khác hẳn với cái thảo
nguyên mênh mông bát ngát. Kị binh được lệnh truy kích, nhưng khổ một nỗi khi
ngựa xuống bùn thì không thể phi được mà lội bùn được vài chục thứơc thì còn đi
chậm hơn con bò.
Chúng không biết
rằng bàn chân ngưạ và bò bằng nhau, nhưng bàn chân ngựa chỉ có một móng trong
khi bàn chân bò hai móng. Khi xuống bùn hai móng bò xòe ra làm diện tích tiếp
xúc lớn, giảm áp xuất. Con ngựa vốn dĩ đã nặng hơn bò, lại thêm sức nặng của kị
mã mà diện tích tiếp xúc nhỏ nên lún xuống sâu hơn. Vì vậy người ta mới dùng
bò, trâu cày ruộng nước tốt hơn ngựa; ngựa chỉ cày ruộng cạn hay cỡi trên đồng
khô. Chúng đành đuổi theo, nhưng phải bỏ ngựa và đi chân dễ dàng hơn.
Khi lội nước,
bùn vài trăm thước, chúng mới nhận ra thân hình to lớn của chúng bất lợi, lội
nước chậm chạp, trên đầu thì nóng như lửa làm mồ hôi nhễ nhại. Đôi dày da của
chúng cũng quá bất tiện, vì khi đạp xuống rút lên thì chỉ còn cái chân không;
chiếc dày vẫn còn nằm trong sình. Chúng lại phải dừng lại lôi chiếc dày lên;
vừa nghỉ một chút thì thấy một đàn nhiều con vật nho nhỏ, dài ngoằng uốn éo bơi
trong bùn đục ngầu tới, rồi bám vào chân hút máu. Chúng cố sức lấy tay kéo ra,
nhưng túm vào không túm được, đúng là trơn như đỉa. Chúng hết hồn leo lên bờ,
từ thủa cha sinh mẹ đẻ tới giờ chúng chưa bao giờ thấy con vật quái đản và nguy
hiểm này. Lính Đại Việt lẽ dĩ nhiên cũng bị đỉa bám, song họ quen quá rồi và có
một túi vôi nhỏ đeo bên hông, lôi ra, phết một chút là đỉa bỏ liền.
Cùng bất đắc dĩ,
đòan lính Mông chia làm nhiều toán đi trên các bờ ruộng. Cái bờ ruộng thì quá
chật so với thân hình chúng, nhưng cũng đành xếp hàng một tiến tới thận trọng
không thì lại bị mấy con quái vật loăng quăng bơi trong nước tấn công. Bỗng đâu
bên kia bờ ruộng, mấy tên lính Đại Việt đột nhiên nhô lên, dương nỏ bắn một
lọat làm một lính Mông bị thương, rồi cắm đầu lội bì bõm chạy đi. Mấy tên khác
loay hoay thì ngã tòm xuống ruộng. Đội thập phu lính Mông Cổ đứng đầu được lệnh
đuổi theo. Chúng chạy trên bờ thì lẹ hơn, nhưng khổ nỗi đám lính Đại Việt chạy
theo đường chéo của thửa ruộng nên đường ngắn hơn. Hơn nữa chân chúng ướt, đạp
lên các cục đất sét trên bờ làm trơn như mỡ dội, nên chạy một quãng là có tên
té lăn xuống ruộng. Tên này leo lên bờ thì cả khúc bờ ruộng lại trơn hơn. Chẳng
còn cách nào khác, chúng cũng phải lội nước. Vì mấy tên MC to lớn nặng nề nên
bùn lún sâu hơn nên chạy chậm. Đã thế mấy cái áo giáp da ngựa sang đây bị hấp
thụ nước làm nặng nề và quá kín gió nên chúng chảy mồ hôi nhiều hơn. Kết quả
đám địch quân chạy càng ngày càng xa.
Trên một bờ
ruộng khác, tên lính chạy đầu tiên đột nhiệt thụt chân, rồi hét lên một tiếng
đau đớn. Hắn đã sa vào một hầm chông; cây chông sắt xuyên qua bắp chân hắn đến
đùi. Cả đoàn lính nhìn thấy cảnh này sợ hết hồn, vì đây là loại địch thủ không
thấy được. Sau đó, toán lính Đại Việt này lại chạy về một lũy tre xanh và mất
hút. Toán lính Mông hết còn dám chạy cho lẹ đuổi theo nữa.
Vào đến làng,
chúng đã bở hơi tai, mà địch quân không biết chạy đâu mất. Đường đi nơi đây
cũng không dễ dàng, chung quanh là tre gai, mây, song[5]
toàn là gai chi chít. Một điều lạ là nhiều ngọn tre đã bị chặt hết cành nhỏ,
chỉ còn trơ thân cây suôn đuột. Bỗng lại nghe oái một tiếng, chẳng biết trong
bụi cây nào đó một mũi tên bay ra cắm vào tay một lính Mông. Tất cả đám lính
Mông đứng nhìn quanh. Lại thấy một bụi cây nhúc nhích; lập tức cả vài chục tên
dương cung nhắm chỗ bụi bắn tới một lớp mưa tên. Nhưng bụi lại nhúc nhích, chắc
là tên địch bị thương. Ba, bốn tên lính Mông chạy lại bắt địch. Khi đến chúng
chỉ thấy bụi cây lá to hơn gàn tay, lá hơi lông lông. Mấy tên này vạch bụi,
nhưng chỉ thấy một sợi dây cột vào gốc cây, còn người không thấy đâu. Đột
nhiên, mấy tên này cùng la lối um sùm, cởi áo, cởi quần, vừa nhảy vừa gãy khắp
nơi, kêu la thảm thiết. Tất cả toán gần 200 tên Mông đứng nhìn sợ hãi, quên mất
cái cảnh buồn cười của mấy tên bạn chúng trần truồng như nhộng, đang nhảy tưng
tưng. Chúng không biết mấy tên này đã vạch cây lá han, một loại cây độc như cây
mắt mèo ở miền nam.
Mặt trời lên đến
đỉnh đầu, tướng Mông cho lệnh lấy đồ ăn trưa, nhưng lúc hành quân một số ngã
xuống nước hay bị nước bắn lên làm lương khô thành lương ẩm, đã thế còn có mùi
khai khai, thành ăn không đủ. Cả làng thì trống trơn, không tìm ra gạo đã đành,
mà mấy luống khoai cũng đã bị đào lên trơ ra đám rễ non, nên cả đám lính Mông
chỉ ăn cầm chừng.
Bây giờ chúng
không dám coi thường ngôi làng yên tĩnh, vì chẳng biết đâu là hang rồng, hổ
huyệt. Chúng thận trọng lục soát nhưng vẫn chẳng thấy ai.
Xế trưa, tướng
Mông thấy lính hắn quá mệt vì thời tiết, vì lương thực thiếu, nên cho lệnh lui
quân. Tất cả đám lính giặc mừng rỡ, khiêng mấy tên bị thương về trại. Chưa ra
khỏi làng thì thấy các cây tre chung quanh bỗng cong xuống rồi bật lên bung ra
những cục đá to như trái bửơi làm một số lính Mông vỡ đầu gãy tay. Cùng khi ấy
chúng nghe tiếng hô như sấm của 800 cái miệng lính Đại Việt. Tiếng hô này vang
đến trại của lính Mông cách xa sáu, bảy lý làm cả đám ở đó cũng hết hồn, huống
hồ đám lính đang bị bao vây. Rồi sau bụi chuối, trên cây mít, dưới bờ ao đâu
đâu cũng thấy lính Đại Việt dương nỏ bắn. Chúng dương cung bắn trả, nhưng chợt
thấy rằng cung của chúng bỗng không đủ mạnh như trứơc, đã thế vài cái cung lại
bị bung sừng, gỗ ra[6]. Trong
lúc đang mong về nghĩ lại bị đánh bất ngờ đám lính Mông không còn tinh thần
chiến đấu, đội ngũ lại bị phá vỡ vì đợt mưa đá vừa qua. Cả đám 200 quân Mông bị
nghiền nát, nhưng tướng Đại Việt cố ý tha cho vài tên chạy thóat về trại; cung
tên không còn, áo quần rách nát, mình mẩy chỗ đỏ, chỗ đen vết máu vì gãi.
Chúng đã rơi vào
kế “điệu hổ ly sơn”. Quân Mông ở trại
thì như hổ trong rừng mình đánh sẽ thiệt hại. Khi chúng rời địa bàn thì ta nắm
địa lợi.
Các vị nghĩ thế nào cho số phận gần 100 tên
lính bịnh hoạn và bị thương kia?
Các trại khác
cũng vậy, đêm này tháng kia, ta quấy phá liên miên; trời thì nóng nực; ngày cơm
ăn thiếu thốn; tối ngủ không yên. Đồn này bị phá đêm trước đồn kia bị phá đêm
sau. Chẳng bao lâu sau, các trạm khác nghe tin trạm Hắc Long bị tiêu diệt.
Tháng sau đến phiên trại khác. Vậy chúng chỉ còn nước bỏ đất mà chạy về lại
Trung Quốc mới yên thân.
Nói tóm lại Hưng
Đạo Vương cũng như các tướng khác của ta đều là các tướng tài về chiến thuật.
Đại Việt thắng
về “Chiến Thuật” với 2 điểm.
[1] Dịch
theo Nguyên Sử.
[2] Trong cuốn sử của Lê Tắc, trang 109 do Viện Đại Học
Huế dịch cũng viết lại biến cố đó như sau: “Ngựa trạm đến ải Chi-Lăng, bị quốc dân
ngày đêm vây đánh. Bọn Chương-Hiến cùng các quan bồi-bạn phá vòng vây chạy ra
đàng trước, lại bị chúng đón đánh, xe cộ chở lương-thực đều bị cướp phá sạch.
Chương-Hiến tính người khiêm cung nhã-lượng, đãi kẻ
dưới rất có ơn, nhân dân ai cũng thương mến,chẳng may giữa đường tử nạn, không
đem được việc mình tâu với triều-đình, chẳng được hưởng ơn điển sinh phong tử
tặng. Lúc ở nước ra đi, có bà quốc-mẫu-cô Lê-Thị và mấy người thân quyến cùng
đi, đều bị quốc-dân bắt giết, đau đớn biết chừng nào. Chỉ có ông ngoại là
thân-huynh của Thế-Tử được thoát chết.” Lời bàn người đãi kẻ dưới rất có ân, nhân dân ai cũng
thương mến, lại chết vì bị dân đánh chỉ tại tội phản quốc.
[5] Song là
một loài dây leo trong rừng như cây mây, to bằng cán dao có khi dài vài chục
thước. Thân cũng như mây toàn là gai nhưng lớn như gai bưởi.
[6] Chúng
tôi sẽ giải thích ở chương kế tiếp.
No comments:
Post a Comment