Tôi không nhớ lúc đi từ Bến Thủy về thị xã Thanh Hóa bằng cách nào, song tôi nhớ rõ lúc đi từ đây lên Bồng Thượng thì chúng tôi được ngồi đò. Tôi nhớ là vì hình ảnh cầu Hàm Rồng lúc ấy đã bị đánh sập trong chiến thuật tiêu thổ kháng chiến. Cầu Hàm Rồng thủa ấy chỉ có một nhịp duy nhất bắc qua hai bờ sông mà 1 bờ là quả núi mang cùng tên: núi Hàm Rồng.
Bồng Thượng là một làng nằm trên bờ Sông Mã trong xanh với các đồng cát trắng tinh, mênh mông. Trên các đồng cát người ta trồng các đồng ngô xanh rờn. Bên trong xa bờ sông hơn là các đồng dâu muôi tầm rộng bát ngát. Đây là một làng lớn thuộc Xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc không xa quê hương các chúa Trịnh lắm và cách thị xã Thanh Hóa khoảng 40 km về phía tây bắc.
Nhà chúng tôi ngụ là nhà ông đốc Bích, người anh rể của bố. Ông Bích là bố của bác sĩ Lê Văn Hùng, người sống ở Paris từ nhỏ cho đến khi ông mất khoảng thập niên 90. Ông Bích cũng còn là ông nội của tiến sĩ toán Lê Văn Tráng, người được Hà Nội trọng vọng trong thời 1970-1980.
Đây là ngôi nhà đồ sộ của một địa chủ. Bác Bích cho mẹ con chúng tôi sống nhờ ở dãy nhà ngang, còn gia đình ông sống ở dãy nhà giữa to lớn mà bên hông nhà có cây đào, mận sum suê xanh rờn. Tuy là nhà ngang, nhưng nó cũng lớn lắm. Giữa nhà có một bộ phản gỗ lim dày cồm cộm và bên dưới là một cái hầm để tránh máy bay oanh tạc. Nhà ngang và nhà giữa lập thành hình chữ L bao lấy một sân gạch bát tràng to lớn. Phía trước nhà và sân là một cổng gạch nhìn ra ngã ba đường; con đường theo nhà thì dẫn vào làng; con đường thẳng từ cổng nhìn ra là con đường ra sông Mã. Ngay ngã ba trước cửa cổng là một cây đa cổ thụ cao lớn nhất vùng, cành lòng thong với một bàn thờ nhìn thật linh thiêng, quái đản. Tôi không biết có ai đến thờ cúng ở cái bàn thờ ấy không, nhưng luôn tưởng tượng trong các hốc cây đen ngòm ấy là các tổ rắn cực độc. Tôi là thằng bé hay nghịch ngợm, nên mẹ dặn đừng vào đó chơi, nên tôi chẳng dám léng phéng tới cái gốc cây đa cổ thụ ấy.
Tại đây, mẹ ra bán hàng xén ở chợ lấy tiền nuôi bầy con thơ. Bà nội thấy vậy vội bỏ nhà ở Nấp lên đây phụ mẹ, khi mẹ ra chợ. Chiều về mẹ dắt mấy đứa chúng tôi ra cái chõng gần cổng rồi đạy tôi và Cẩm Dung nói tiếng bắc. Vì hai đaứ tôi được sinh ra ởp Hà Tĩnh, chưa nói trôi chảy thì về Huế. Rồi nói chưa rành thì về Bến Thủy rồi sang Thanh Hóa nên giọng chúng tôi pha trộn cho nên lúc nói, giọng chúng tôi như tiếng người thượng du; ít người hiểu được.
Khi nói tới ông đốc thì ai cũng biết rằng ông Bích là thày giáo. Vì lý do ấy mẹ cho tôi lên nhà để bác vỡ lòng. Tuy nhiên, các ông thày thuả xưa thì dạy học bằng roi mây và khổ nhất là sau vườn ông có vài bụi mây, nên không bao giờ thiếu roi. Tôi nhớ, tôi ngồi một bàn nhỏ cạnh bờ tường mà trên tường treo một dãy roi mây. Kinh khủng quá! Chỉ vì học vỡ lòng này mà tay và mông của tôi cũng vỡ nốt.
Ông Bích là người hay nhâm nhi một chút rượu đế với chân gà, gan gà hay dế cơm chiên nhồi lạc (đậu phộng). Mỗi khi có giỗ kị làm gà ông nói: “Thằng Hiệp không được ăn chân gà. Ăn chân gà tay run, viết chữ xấu lắm. Thôi cho nó ăn hai hòn dái gà thì tốt hơn.” Tôi đâu biết gì nên phải ăn hai cái cục trăng trắng nhão nhão ấy, tuy là chẳng thích lắm. Một cái nguy hiểm mà tôi không biết là vì ăn nhiều cái ấy nên khi lớn lên tôi cũng hay bắt chiếc mấy chú gà trống khi gặp mấy chị gà mái. Cái điều ông nói chắc sai vì tôi chẳng được ăn cái chân gà nào cả mà viết chữ xấu vô cùng. Cũng vì cái chữ xấu ấy bác Cả Sanh lại đánh tôi lu bù sau này như các bạn đọc đã xem ở bài viết Du Hành Nam Bắc 2005.
Tuy là Nghiêm khắc lúc dạy học, nhưng ông bác già nua của tôi lại hay rủ tôi ra bờ sông Mã đào dế cơm mang về để ông nhậu. Những chiều mát, hai bác cháu mang một cái oi, một cái cuốc nhỏ và một bình đựng nước. Ông bác cầm cuốc, đi trước và tiểu đồng cầm oi theo sau. Trên bãi cát bao la này thì chẳng thiếu gì dế. Khi thấy một chú dế chui vào hang, ông lập tức đào ngay; khi xuống gần đáy, ông đổ nước. Chú dế ngộp ngoi lên là ong chụp liền bỏ vào cái oi trên tay tôi. Trời sâm sẩm tối thì hai bác cháu về nhà. Mấy người nhà lo bắt dế, rút ruột rồi cho một hột đậu lạc vào trong, đem chiên với mỡ hành vậy là cụ có một bữa nhậu ngon lành. Cụ cũng hay cho tôi ăn vài con dế ấy và tức mình là không được nhâm nhi như ông. Quả tình, nó cũng thơm tho đáo để, nhưng tôi vẫn sờ sợ và chỉ vì nể ông thầy nên cũng sực luôn.
Cụ cũng là người rủ tôi ra sông tắm mát vào các chiều hè oi bức.
Chiều tà, lúc còn oi bức ông cụ rủ tôi ra sông. Tôi chẳng hiểu sao Sông Mã trong xanh nhìn thấy đáy với các bầy cá bơi tung tăng, song chẳng thấy ai tắm ngoài hai bác cháu tôi. Trên các ruộng ngô khoai thì có lác đác mấy người làm việc.
Lúc ra đến sông, tôi cứ phom phom cởi áo, tụt quần rồi nhong nhong nhẩy ùm xuống nước. Tôi quay lại thấy bác loay hoay cởi quần rồi hay tay bụm phía trước xuống theo. Khi vào sông thì hai tay bỏ ra. Tôi thắc mắc: “Tại sao bác phải phiền phức thế cứ phom phom như mình không được sao?” Thật là tuổi trẻ ngây thơ vô số tội.
Vì Bồng Thượng ở bên bồi, nên tôi đi xa bờ đến trên mười thước mà nước sông cũng chỉ tới ngực của thằng bé 4, 5 tuổi như tôi. Tôi không ai dạy bơi nên hai tay chống xuống cát rồi hai chân đập tùm lum. Tuy nhỉên, cái tắm kiểu này đã làm tôi thích thú.
No comments:
Post a Comment