Mẹ lại đem chúng tôi chạy đến làng bên cạnh, làng Bồng Trung. Làng này cũng ngay cạnh sông Mã với các bãi cát và đồng ngô như Bồng Thượng.
Lần này mẹ thuê một phòng trong một ngôi nhà hình chữ môn bao lấy một sân gạch rộng vài chục thước mỗi bề. Ngôi nhà này có rất nhiều người thuê kiểu như apartment bên Mỹ. Các người cư ngụ đây làm nhiều nghề: cán bông, dệt vải, bổ cau, trồng ngô, kê, khoai, trồng bông vải…Riêng mẹ lại đi bán hàng xén ở chợ để nuôi chúng tôi.
Hàng ngày, mấy chục người cư ngụ ra hàng ba ngồi làm việc kẻ thì chẻ cau, người thì kéo bông thành sợi để dệt vải, một số khác thì nuôi tầm quay tơ… làm không khi nơi đây thật là nhộn nhịp. Bọn trẻ con ở đây cũng nhiều, nên chúng tôi túm năm tụm ba đùa giỡn trong cái sân rộng mênh mông ấy. Tôi còn nhớ, không biết ai đã nghĩ ra cách gói rơm lại thành một trái bóng rồi đám con trai chơi đá bóng. Tuy nhiên bóng đá được ba lần thì mấy cậu trai lớn tuổi lại ngồi xuống bó lại trái banh.
Một thời gian ngắn sau, mẹ dắt chị em chúng tôi ra sông Mã. Chúng tôi chỉ đi theo nhưng chẳng biết gì. Trong trí tôi còn hiện lên một chiếc đò cặp bến, rồi hai người con trai khoảng 14, 16 tuổi nhảy xuống chạy lại mừng mẹ tíu tít. Đó là hai người anh họ Hiếu, Khoa vào để tránh bom đạn ở thị xã Ninh Bình.
Kể từ ngày ấy, hai anh và chị em tôi có chuỗi ngày thật vui. Chiều chiều, hai anh dắt chúng tôi ra sông Mã tắm. Đây cũng như Bồng Thượng, bãi cát lài lài và có những vũng nước sâu ngang ống khuyển, ngang năm, bẩy thước dài khoảng vài chục thước trong veo và hàng ngàn con cá bơi đi bơi lại. Anh em chúng tôi thường xuống các vũng này lùa cá cho vui. Lùa một chặp, anh em khéo nhau xuống tắm.
Hai anh thấy tôi hai tay chống cát dập chân, nên dạy tôi cách bơi. Bơi mãi vẫn chẳng được.
Các anh nói:
- Hiệp, em muốn bơi được không?
Tôi ngây thơ trả lời:
- Muốn anh.
- Vậy vạch rốn ra, cho con chuồn chuôn ngô cắn vào đó là bơi được liền. Chịu không?
Tôi còn bé tí sợ con vật này cắn lắm, nhưng thích học bơi nên đành gật đầu:
- Chịu!
Thế là hai ông anh chạy vào ruộng ngô, bắt con chuồn chuồn ngô, đầu to như hòn bi, đuôi dài cả tấc, vằn đen vằn vàng. Khi nó nhe răng nhìn thật kiếp; răng to như nanh rết, đen thùi, nhọn hoắt. Tôi đành cắn răng, vạch bụng cho con quái vật cắn vào rốn đau điếng.
Chịu cắn xong, tôi xuống để hai anh dạy bơi. Ngày hôm sau, tôi thấy vẫn chưa bơi được.
Tôi hỏi:
- Các anh ơi, tại sao em vẫn chưa bơi được?
- Có gì đâu. Con chuồn chuồn hôm qua cắn chưa đủ sức. Phải để con khác cắn mới được.
Thế là tôi lại chịu cho con chuồn chuồn ngô cắn nữa. Kết quả ngày nào cũng bị cắn, nhưng sau vài tháng thì tôi cũng bơi như rái. Quả thật con chuồn chuồn cắn có hiệu nghiệm. Nếu bạn đọc nào chưa biết bơi thì cứ thử như vậy cả tháng là bơi được ngay. Nếu bạn chịu cho con chuồn chuồn ngô cắn rốn sưng to như trái quít thì bạn sẽ thành vô địch bơi lội, hạ Micheal Phelps dễ chư chơi.
Tắm xong, anh em kéo nhau về nhà khi mặt trời lấp ló ở chân trời. Nhưng khi về anh em không đi theo đường mà chia làm hai Phe. Anh Hiếu dắt Cẩm Lý và Cẩm Dung; anh Khoa thì dắt tôi, rồi một toán đâm đầu vào ruộng ngô, cao quá đầu người lớn; toán thứ hai đợi một lúc rồi chạy vào kiếm. Lúc đầu, chẳng ai kiếm được ai cả, nhưng về đến nhà thì mỗi người đều có 1 trái ngô để nướng ăn. Một lý do giản dị là lúc ấy các người trồng bắp đã về nhà, không ai kiểm sóat. Vài ngày sau, anh Khoa và tôi luôn luôn túm được toán anh Hiếu. Anh Hiếu chẳng hiểu tại sao, nhưng thật ra khi vào ruộng ngô, tôi leo lên cổ anh Khoa nhìn, nếu thấy ngọn bắp lay động ở đâu là tụi tôi tới đó.
Cái vui của tuổi thơ lại bị chặn lại khi máy bay Pháp bắt đầu oanh tạc Bồng Trung.
Mẹ lại đem con cháu lên đò quay lại cầu Hàm Rồng và về làng Nấp cư ngụ.
Bồng Trung
Tản cư mẹ dắt, Bồng Trung chạy về.
Nơi đây dân sống nhiều nghề.
Quay tơ, dệt vải, trồng kê, nuôi gà.
Anh họ về sống cùng ta.
Ra sông tắm mát, chiều tà tìm nhau.
Ngày vui lại sớm tàn mau.
Máy bay giặc bắn, chạy đâu bây giờ?
Làng Nhồi có núi nên thơ.
Làng Nấp là chốn để mơ thanh bình.
(Phần này sẽ được nối tiếp với phần du ký bắc nam đã đăng)
No comments:
Post a Comment