Tuesday, May 1, 2012

Tuổi thơ trong chiến tranh 2

Huế- Phú Cam.



Sau khi sinh ra cô em kế tôi, bố lại đem gia đình vào Huế, khi ông được bổ nhiệm về tòa khâm nơi thành phố kinh đô này. Đó là năm 1944. Lúc đầu, nhà tôi được đưa về Phú Cam và sống trong một ngôi nhà cuối hẻm dài. Nhà có từng trệt Chung quanh nhà là vườn rộng trồng cây ăn trái, đặc biệt rất nhiều mít. Đầu hẻm này là con đường đất chạy cặp theo sông Hương mơ màng của xứ thần kinh.

Tôi hay dẫn Cẩm Dung ra bờ sông xem cảnh thuyền lưu thông trên sông. Hai bên bờ sông Hương khu ấy rất nhiều bụi tre làm các con thuyền trở thành thấp thoáng sau các tàn lá.

Ngay đầu hẻm, nhìn ra sông là nhà bạn của bố. Nhà này có một vườn rộng và đặc biệt có một cây vả, bên cạnh một lỗ thủng thông sang hẻm tôi. Vả là một cây có lá lớn hơi hao hao như lá đu đủ, trái lại giống trái xung, nhưng to bằng cái bát ăn cơm. Khi trái chín, da thành màu tím bầm; trong ruột cũng như xung và có một lớp thạch trong. Vả ăn khá ngon, nên tôi dẫn cô em gái chui qua lỗ thủng ăn trộm vải chin nhiều lần.

Có một buổi chiều mát, bố dẫn gia đình lên chơi núi Ngự. Núi là núi đất thoai thoải không cao lắm. Trên sườn núi cây cối không cao, mà toàn là các bụi cây nho nhỏ rải rác trên các thảm cỏ non. Vì vậy đây là nơi lý tưởng đẻ cắm trại, ăn uống ngoài trời trong các ngày mát mẻ. Nhà tôi lên đây và lần đầu tiên được bố chỉ cho thấy trái sim chín đen, ăn ngọt và thơm.

Vì sau nhà tôi toàn là mít và có nhiều thứ kể cả mít mật (mít ướt theo miền Nam), nên việc ăn mít chín là chuyện thông thường. Một đêm nọ, bố đem vào một trái mít mật chín cây, bị rụng hồi chiều. Sau bữa cơm tối, cả nhà súm nhau ăn mít. Tôi ham ăn và vì mít trơn quá nên nuốt trọn cả một múi lẫn hột. Tôi sợ quá  hỏi mẹ có sao không? Cả hai ông bà và bà chị cả Cấm Lý doạ, mai mốt một cây mít sẽ mọc lên, đâm qua đầu tôi. Tôi sợ quá khóc thét. Bố nói nếu muốn mít không mọc thì phải ra sân lạy trời và thề không được ăn tham nữa. Tôi vội vã làm theo.

Một lần tết đến, bố đưa cả nhà đi thăm gia đình bạn bố tên chú Kim cách xa độ hơn một cây số. Bố nói mẹ thay quần áo đẹp cho bọn tôi đi ăn tết; mấy đứa tôi đều hí hửng vì được mặc quần áo đẹp lại sắp có tiền mừng tuổi.Vì tương đối gần, nên cả nhà đi bộ. Nhưng mùa tết thì Huế hay bị mưa dầm, nên đường trơn lắm.

Bố mẹ giắt bầy tí nhau đi theo khúc đường đất pha cát ven sông Hương. Khúc đường này tương đối sạch và không lầy lội lắm nhờ đất pha cát ấy. Khi bắt đầu vào hẻm thì con đường này không còn cát nên trở nên lầy lội và bên cạnh có một rãnh để thoát nước. Cẩm Dung và tôi được mẹ bố bế vì sợ lấm quần áo.

Mẹ bế Cẩm Dung cứ theo con đường mà bước nên lắm khi bà bị lấm quần. Bố thì thông minh can đảm hơn, nên ông bước lên các cục đá xếp theo lề đường cạnh rãnh nên quần ông luôn luôn sạch sẽ. Chỉ còn khoảng mười mấy thước thì đến nhà chú Kim. Bố bước chân lên cục đá; bất ngờ ông ngã lăn xuống rãnh và không quên quăng thàng con trai ông vào nước rãnh. Ông không ngờ cục này bị rêu mọc nên trơn vô cùng. Thế là hai bố con lấm lem từ đầu đến đít.

Ông lồm cồm ngồi dạy, đem tôi vào nhà ăn tết như bố con ông ăn mày. Nhưng đương nhiên, ông chủ nhà vội lấy quần áo của ông ta cho bố thay tạm, còn tôi mới là vấn đề vì ông ta có con gái, mà lại lớn hơn tôi chứ không có con trai bằng lứa. Không nói thì bạn đọc cũng tưởng tượng ra tôi sau khi thay quần áo thì biến thành môt cô gái. Tôi không thấy tôi nhìn ra sao nhưng có lẽ nhìn như lải cái rồi.

Dù sao thì mọi người cùng nhau vui vẻ đón xuân, nhất là được một trận cười thay cho pháo tết.

Ăn xong mấy đứa bé kéo nhau ra sân chơi. Chơi đùa một hồi với nhau thì hơi chan chán đang muốn giãn tuồng thì may đâu một con có to tổ chảng của chủ nhà sau vườn chạy ra. Cô con gái ông chủ nhà và người chị cả của tôi chạy lại vuốt ve con chó. Con vật hiền lành quẫy đuôi đứng im cho hai cô gái vuốt. Tôi thấy vậy cũng to te chạy lại vuốt lấy hơi.

Chẳng biết sao con chó gừ một tiếng rồi nhằm mặt tôi táp một miêng. Vô phúc tôi là con chó táp ngay vào mũi; máu chảy dầm dề. Cả nhà hoảng hốt chạy ra cứu tôi đem vào bắng bó, nhưng khó lòng băng cái mũi, và hơn nữa thời ấy chưa có băng keo, nên tốt nhất là lấy băn cuốn cả cái đầu tôi lại. Bây giờ chắc tôi phải nhìn giống một đứa bé gái mà còn là một xác ướp (mummy) Ai Cập.

Mọi người không biết tại sao con chó hiền lành lại cách đối sử với thằng bé thiếu lịch sự như vậy. Nay tôi suy nghĩ ra thì mới biết vì các lý do sau đây:

1.      Thằng tôi lúc ấy nhìn chẳng ra nam, mà cũng chẳng ra nữ. Con chó này có máu kì thị với các người như vậy.

2.      Nó đánh hơi thấy tôi có mùi khác, trong khi quần áo đượm mùi cô gái ông chủ. Hắn nghĩ là tôi ăn trộm.

3.      Quần áo quá dài che mất chân, nên hắn nghĩ tôi không phải là người.

No comments:

Post a Comment