Friday, April 11, 2014

Đại Việt thắng Nguyên Mông 48


CHƯƠNG 04 (tt)
Nghệ Thuật Chiến Tranh
 

III. Công Lương:

Nã Phá Luân[1] đã nói: “Người lính bước tới trước được là nhờ vào bao tử.” (An army, said Napoleon, ‘marches on its stomach)[2] và Tôn Tử cũng viết: “Lấy no đủ đón đánh thiếu đói”[3]. Còn Việt Nam ta thì thường nói câu: “Có thực mới vực được đạo”. Như vậy miếng ăn rất quan trọng, dù là theo tôn giáo chỉ cần có miếng ăn. Khi Việt vương Câu Tiễn được Ngô trả về, muốn phục thù nên hỏi Phạm Lãi[4] kế sách hành động. Phạm Lãi đáp: “Trước hết phải tích trữ quần áo và lương thực.” Đúng như thi sĩ Vương Phạm Chi (王梵志) viết:

無衣使我寒         Vô y sử ngã hàn

無食使我饑         Vô thực sử ngã ky.

(Không áo, ta lạnh lắm thay.

Không cơm, ta đói chân tay rụng rời.)

A- Đánh lương thực địch.

Công Lương là đánh vào lương thực địch quân, làm địch quân đói tức phải thua hay không ăn tự phải rút, đó là chiến thuật của bao thời đại. Nói rộng ra không phải chỉ nguyên lương thực mà còn đủ cả vũ khí, quần áo hay nói khác đi là quân trang, quân cụ…Nếu ta phát cho mỗi người lính một súng dài, một súng ngắn mả không cho đạn thì họ làm sao mà đánh nhau với giặc. Ở xứ nóng, quần áo không quan trọng, nhưng xứ lạnh thì đây là vấn đề tối cần thiết. Đó là bài học của Napoleon khi đem quân đến Maskova mà tôi sẽ nói rõ hơn sau này.

Các cuộc chiến ngày xưa hay nay vẫn thường tấn công vào đoàn tải lương, tiếp liệu. Trong Tam Quốc Chí, Khổng Minh bao lần đã chặn lương Ngụy, khiến quân đối phương lâm vào cảnh bi thảm. Thời Minh Thuộc, khi hoàng tử Trần Quý Khoách khởi nghĩa chống xâm lược (1409-1413) đã sai Tướng Đặng Dung đem quân ra đóng ở Hàm Tử, nhưng thiếu lương nên phải rút về Nghệ An. Sau này chính vua Trùng Quang (Trần Quý Khoách) và tướng sĩ thiếu lương nên bị thua. Trong cuộc kháng chiến chống Minh, Bình Định Vương Lê Lợi đã có lần sai Tứơng Đinh Lễ ra chặn 300 thuyền lương do tướng Minh Trương Hùng tiếp tế cho vùng Diễu Châu. Sau đến phiên Trần Nguyên Hãn cũng làm việc tương tự. Đó chính nhằm vào công lương.

Trong lịch sử Trung Quốc trận đánh lừng danh liên quan đến vấn đề “Công Lương” là trận Trường Bình. Năm 262 TCN, quân Tần đánh Triệu, vua Triệu cử danh tướng Liêm Pha ra cứu Trường Bình, nhưng  ra trận hai lần thất lợi, bèn cố thủ không ra nữa. Tướng Tần là Vương Hạt không đánh nổi ải Trường Bình liền xin viện binh. Vua Tần quyết định cử Bạch Khởi ra mặt trận. Đồng thời, quân Tần dùng kế li gián phao tin rằng quân Tần chỉ sợ tướng Triệu là Triệu Quát chứ không sợ Liêm Pha (công tâm). Vua Triệu nghĩ thật vì thấy Liêm Pha cầm cự mãi cho là nhát, bèn sai tướng Triệu Quát ra mặt trận. Triệu Quát cầm hơn 40 vạn quân, tự kiêu, chủ quan coi thường Vương Hạt, không ngờ Bạch Khởi đã ra cầm quân ngoài mặt trận. Bạch Khởi cố ý cho Triệu Quát thắng lợi một trận để coi thường quân Tần rồi sau đó cho đặt phục binh. Khi đại quân Triệu lọt vào chỗ mai phục, quân Tần đổ ra đánh tan nát quân Triệu. Tiếp theo sau, quân Tần lại cắt đường vận lương khiến 40 vạn quân Triệu bị vây khốn, thiếu lương ăn. Triệu Quát liều phá vòng vây ra, nhưng bị tử trận. Phó tướng Phùng Đình tự sát và hầu như toàn bộ 40 vạn quân Triệu đầu hàng, nhưng rồi cũng bị Bạch Khởi giết hết. Đây là vụ thảm sát kinh khủng nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Trong thời Tam Quốc, Tào Tháo đánh Viên Thiệu. Nhưng khi chưa đạt mục tiêu thì hết lương. Viên Thiệu bèn tung quân đánh lại làm Tháo bị lâm vào tình trang nguy hiểm thập phần. Một quân sư của Tháo chỉ cho y biết chỗ chứa lương thực của Thiệu là Ô Sào. Tháo đem quân cảm tử tấn công Ô Sào cướp phá hết lương. Viên Thiệu thua trận

Để thi hành điều này, Triệu Đà- Nam Việt đã dùng chiến thuật “Vườn Không Nhà Chống” để ngăn quân Hán. Hơn ngàn năm sau, quân Minh vượt sang Lạng Sơn, Lê Lợi áp dụng chiến thuật y để ngăn chặn bước tiến của giặc. Nếu giặc đến thì đốt hết ruộng vừơn bỏ nhà bỏ cửa, để giặc không thể tìm ra đồ ăn nuôi chúng. Đây chính là chiến thuật “Tiêu Thổ Kháng Chiến” mà ta biết đến sau này.

Trong cuộc xâm lăng của Đức Quốc Xã vào lãnh thổ Liên Xô 1942, cũng đã bị chiến thuật ấy làm cho Đức bị khó khăn, không tìm đâu ra lương thực. Năm 1942, sau khi thấy thất bại không chiến thắng được Anh quốc bằng hải và không quân, Hitler quyết định xâm lăng Liên xô. Khi mới khởi sự cuộc chiến vào tháng 7, 1942, quân Đức tiến rất nhanh với mục đích tốc chiến tốc thắng. Nhưng người Nga đã kiên cường chống cự làm chiến thuật của Đức bị bẻ gãy. Trận chiến kéo dài sang mùa đông năm 1943 thì sự tiếp vận của Đức không thể đáp ứng nổi nhu cầu chiến trường. Binh si Đức không đủ lương thực súng đạn mà ngay cả quần áo chịu lạnh cũng thiếu thốn. Đây là một nguyên nhân là quân Đức bị thua ở Stalingrad.

Không chỉ Tôn, Ngô hay Khổng Minh thấy cái quan trọng của tiếp liệu mà hầu như tất cả các danh tướng khác trên thế giới đều thấy điều này. Sau cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy ngày 6 tháng 6, 1944, quân đội đồng minh tiến rất nhanh làm Hitler hoảng sợ. Nhưng mức tiến quân của đồng minh càng ngày càng chậm vì phải chờ tiếp liệu. Đồng Minh phải chiếm các hải cảng gần Đức để dễ dàng tiếp tế lương thực và chiến cụ. Khổ một nỗi, họ chiếm đựợc hải cảng nào cũng thấy Đức đã gài thủy lôi không thể dùng được. Mãi đến ngày 4 tháng 9, 1944 quân Đồng Minh mới chiếm được cảng Antwerp nằm sâu trong đất Bỉ. Hải cảng này có thể nhận tầu 100000 tấn và được coi là trái tim của Âu Châu vì từ đây huyết mạch tiếp đến các nước đều gần. Và điều thú vị nhất là hải cảng còn nguyên vẹn, chưa bị phá hủy hay cài thủy lôi. Hitler thấy việc này thật nguy hiểm, nên ra lệnh quân Đức bất ngờ tổng phản công với gần 2000 xe tăng Panzer IV, loại tối tân, mạnh nhất của thế chiến thứ hai và 2000 súng đại bác vào tháng 12 năm ấy. Với mục tiêu chiếm lại hải cảng Antwerp cắt đứt đường tiếp liệu của Đồng Minh. Đây chính là trận Bulge mà người miền Nam đã được xem qua phim The Batlle of Bulge trước 1970. Tôi sẽ phân tiếp vể trận đánh sau này. Tuy nhiên, trận chiến đã thất bại để rồi quân Đức đã phải đầu hàng vài tháng sau đó.

Đến cuộc chiến dành độc lập của Việt Nam 1946-1954, Việt Minh cũng đã áp dụng chiến thuật này. Nơi naò giặc có thể đến là cho phá hết cầu đường, Tây không có đường vận chuyển quân đội. Tất cả các thành phố đều san bằng làm Tây không có chỗ trú quân. Năm ấy tôi còn nhỏ nhưng nhớ rất rõ các thị xã Ninh Bình, Thanh Hóa không còn một tòa cao ốc nào tồn tại trừ một lố kiến trúc của các seur đạo Thiên Chúa ở thị xã Thanh Hóa là nguyên vẹn. Và chiến dịch đã mang một kết quả mong muốn.

B- Tăng lương thực của mình.

Công lương còn mang ý nghĩa làm cho lương thực của mình dồi dào để có thể trường kỳ kháng chiến. Vì vậy mà Phạm Lãi đã nói “Hãy tích trữ quần áo, lương thực”. Theo History Channel, nước Tần sở dĩ thống nhất được Trung Quốc là một phần nhờ vào lương thực dồi dào.

Thời đó các chuyên viên kỹ thuật của Tần đã biết dùng cây gỗ, đất đá chặn sông, đắp đập ngăn nước làm gia tăng diện tích canh tác và đã tăng năng xuất thực phẩm cho quốc gia này. Nước Tần sau thời canh tân của Thương Ưởng lại được một số kỹ thuật gia đào các hệ thống kinh đào, tưới tiêu Mân Giang. Đã thế Hàn muốn phá Tần bèn cho kỹ sư Trịnh Quốc sang Tần. Trịnh Quốc bày cho vua Tần đào một con kênh vĩ đại. Mục đích là làm cho Tần tốn nhiều tiền của, kiệt quệ kinh tế, nhưng chẳng may, con kênh đem đến cho Tần những mối lợi khổng lồ. Con kênh này được mang tên Trịnh Quốc. Lương thực quá dồi dào, nên Tần cho lập một đạo quân lên tới trên 1 tiệu người. Đạo quân này là đạo quân lớn nhất của thời Chiến Quốc, rồi đánh đâu thắng đó diệt Triệu, Hgụy, Hàn, Yên. Cuối cùng đánh bại Sở ở phương Nam và Tề ở phương đông thì tự nguyện đầu phục, và thống nhất Trung Quốc.



[1] Tên Pháp là Napoléon Bonaparte (1769 –1821) là vị tướng của Cách mạng Pháp và là người cai trị nước Pháp với tư cách là Đệ nhất Tổng tài (Premier Consul) của Cộng hòa Pháp từ 11 tháng 11 năm 1799 đến 18 tháng 5 năm 1804. Sau đó, ôngm Hoàng đế Pháp (Empereur des Français) và vua Ý với tên Napoléon I năm 1804 đến năm 1815. Ông được biết đến như một trong những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại nhất thế giới; đánh đến Nga, Ai Cập và sang Anh quốc.
[2]  Trang 17- Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400.
[3] Trích từ Chu Dịch với binh pháp, trang 11.
[4]       Phạm Lãi tự là Thiếu Bá, là thượng tướng quân nước Việt cuối đời Xuân Thu. Ông nguyên là người Tam Hộ, đất Uyển, nước Sở (nay là Nam Dương tỉnh Hà Nam). Sau ông vào nước Việt phục vụ cho Việt vương Câu Tiễn

No comments:

Post a Comment