Wednesday, April 23, 2014

Đại Việt thắng Nguyên Mông 49


CHƯƠNG 04 (tt)

Nghệ Thuật Chiến Tranh

 

IV. Công Đồn:

Khi nói tới Công Đồn là tấn công vây hãm thành trì địch quân. Khi nói tới Công Đồn ta còn hình dung ngay các cuộc chiến đấu bằng vũ khí khi hai bên đối diện. Vậy Công Đồn cũng còn đồng nghĩa với sự trực tiếp đương đầu trên mặt trận.

Khi nói tới việc công phá thành trì, thì quân giữ thành giữ ưu thế ở “Địa Lợi”. Trong khi quân bao vây giữ ưu thế về “Thiên Thời”, vì đánh lúc nào tùy ý họ. Nếu các bạn đã xem phim Helen de Troi (Troy- 1960’s hoặc mới đây), thì chắc còn nhớ chuyện con ngựa gỗ khổng lồ. Đây là câu chuyện phim dựa vào huyền sử Trojan War giữa Hy Lạp và thành Troi (tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ). Quân Hy Lạp tấn công mãi mà không hạ nổi thành vì ưu thế địa lợi, sau phải dùng kế bỏ rơi một con ngựa gỗ khổng lồ, mà bên trong có lính Hy Lạp khi rút lui. Vì con ngựa là biểu tượng cao quý của người Hy Lạp; nó cũng như con rồng của Việt Nam, Trung Quốc hay Bhutan vậy. Quân thành Troy[1] ra đem về, cho đó là một biểu tượng của sự chiến thắng. Nửa đêm (thiên thời), lính Hy Lạp bò ra khỏi ngựa gỗ, mở cửa thành cho lính mình vào. Cùng thời gian trước 1975, chắc các bạn cũng say mê câu chuyện “Thần Điêu Đại Hiệp” của Kim Dung. Câu chuyện có nhắc lại việc tử thủ thành Tương Dương. Mông Cổ tấn công mãi không được sau phải nhờ kế nội ứng mới xong.

Một vị tướng thấy quân mình thiện chiến, khỏe mạnh, vũ khí dồi dào muốn đánh địch quân lúc nào là đánh thì không phải là tướng tài. Người đó chỉ có giỏi đem quân nướng cho vị tướng biết am tường mọi việc.

Bàn về cuộc chiến, Tôn Vũ chủ trương nhìn vào cuộc diện người tứơng phải tính toán để biết được hiệu quả trận đánh. Có 5 việc người chỉ huy tối cao phải làm khi lâm chiến để đem lại chiến thắng: Một là đạo, hai là thiên, ba là địa, bốn là tướng, năm là pháp. Chữ đạo mà Tôn Tử để ra đây chính là đạo nghĩa thu phục nhân tâm hay Nhân Hòa vậy. Vì vậy chúng tôi đã viết Tôn Tử đặt “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” lên hàng đầu.

Chuẩn bị cho một chiến thắng quân sự, một vị tướng tài ba phải nắm vững nhiều yếu tố, trong đó có ba nguyên tắc mà Binh Pháp Tôn Tử đã ghi trên và vài điểm nữa. Nói chung tất cả các yếu tố là:

·               Thiên thời.

·               Địa lợi.

·               Nhân hòa.

·               Chiến thuật.

·               Tổ chức quân đội.

·               Tình báo-Gián điệp.

·               Vũ khí-Trang bị.

·               Chọn tướng

Bây giờ ta hãy xét lần lượt ý nghĩa và tìm các dẫn chứng của tất cả các điểm đã nêu ở phần trên.

·             A- Thiên Thời:

Khi nói đến thời, ta thấy có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là thời gian, thời tiết lúc tạo ra ngày đêm, nóng lạnh, sáng tối, nắng mưa… Nghĩa thứ hai là thời cơ, lúc có cơ hội tốt để làm việc gì.

1. Thời tiết- Thời gian:

Người tướng giỏi phải biết lúc nào nên tiến, lúc nào nên thoái. Nếu giặc đánh hay ban ngày thì ngày ta trốn rồi tấn công ban đêm; nếu giặc là người xứ lạnh ta tránh đối diện với chúng trong mùa đông buốt giá mà công kích chúng mùa hè nóng nực; nếu giặc thiện chiến lúc trời khô thì lúc trời khô ráo ta lui binh và đợi mưa tầm tã thì ta tiến tới…

Ai mà không nghe tới danh Nã Phá Luân? Ông ta là một tướng giỏi, nhưng vẫn không hoàn toàn. Ông ta phải biết rằng mùa đông bên Nga lạnh buốt xương tủy. Đoàn quân bách chiến, bách thắng của ông đã muối thân trong tuyết lạnh rồi cuối cùng tan rã tại Mạc Tư Khoa năm 1812. Vậy mà Đức Quốc Xã không học được bài học đó, để rồi đến năm 1942-1943 mấy trăm ngàn quân đã ngã gục trong tuyết trắng hay bị cầm tù tại thành phố Stalingrad và cuộc cờ thay đổi? Quân MÔNG CỔ đã tấn công Miến Điện mấy lần mà chịu không nổi thời tiết, mãi sau mới chiếm được, nhưng chỉ lập ra một chính phủ bù nhìn, rồi rút đi. Quân Thanh Sau này cũng muốn xâm lăng nước này mà cuối cùng phải bỏ vì thời tiết khắc nghiệt. Trong cuộc chiến Nam Bắc 1954-1975, Cộng Sản đã lợi dụng thời tiết như tối trời, mưa mùa để tấn công quân đội VNCH vì không quân bị giới hạn; vận chuyển cơ giới khó khăn.

Có khi ta chọn thời gian trong một ngày cũng có nhiều lợi thế.

Trong khoảng thời gian 1956-1960, tôi còn nhớ được xem một cuốn phim về vua Solomon, ngừơi cai trị vùng đất Euphrates (Iraq) đến tận Ai Cập trong khoảng năm 960 BC. Ông này nổi tiếng là một người thông minh.

Trong một trận đánh, vua Solomon bị đại bại, chỉ còn vài ngàn quân chạy theo ông. Ông dẫn quân băng qua cánh đồng cỏ rộng mênh mông, vượt qua một con sông cạn, nhưng vách sông thẳng đứng cao đến 10 m. Đoàn quân cảu ông vất vả lắm mới tìm ra một con đường đi qua con sông cạn này. Khi qua con sông thì đến một quả đồi, cũng vừa lúc người ngựa cùng mệt lả. Ông cho dừng chân nghỉ ngơi. Nhìn địa thế, ông biết đến đây là tuyệt địa, không còn đường sống. Ông phải nghĩ cách thoát hiểm.

Lúc ấy, kị binh và chiến xa quân địch cũng dừng chân ở bên kia cánh đồng, vì tối trời và chuẩn bị cho trận đánh kết thúc vào sáng hôm sau.

Mặt trăng từ từ nhô lên ở phương đông nơi địch quân trùng trùng bao vây. Ông cũng như tất cả tướng sĩ đã vô cùng tuyệt vọng. Bất chợt, ánh sáng mặt trăng phản chiếu lên một lưỡi kiếm làm ông nghĩ ra một kế. Ông liền cho tướng sĩ biết rằng: đêm hôm trước ông mơ thấy một vị thần đến báo ông sẽ thắng trận vào ngày hôm sau. Nhưng với điều kiện tất cả tấm kiên đồng của binh lính phải đánh thật bóng một mặt. Do đó ông truyền lịnh tất cả phải đánh bóng chiếc kiên của mình một mặt thôi, nếu ai không thi hành sẽ bị chém đầu. Đêm hôm ấy, binh lính ông hì hục lấy cỏ, đất cát đánh bóng kiên theo lời dặn.

Sáng sớm hôm sau, ông cho binh lính ngồi theo hàng lối, lớp trên, lớp dưới, kiên bóng hướng về phía trong người. Mặt trời từ từ mọc, kị binh cùng chiến xa địch ào ào vựơt qua cánh đồng cỏ mênh mông. Khi đoàn quân như hổ như beo ấy cách dòng sông cạn vài chục thứơc, ông ra lệnh quay tấm kiên mặt bóng lọng ra ngoài. Ánh sáng mặt trời ở hướng đông phản chiếu lên các tấm kiên và hắt ngược lại phía địch quân. Địch quân bị chói mắt, không còn phân biệt được phía trước có chướng ngại vật gì, nên cả đoàn quân vẫn ầm ầm tiến về phía trước rồi lao đầu xuống đáy dòng sông cạn. Như vậy, con người thông minh chỉ cần dùng ánh sáng lúc bình minh mà diệt cả mấy vạn quân địch không tốn một giọt máu.

Bây giờ ta quay lại đánh ở Bulge (Bỉ) để xem cái chọn tời tiết như thế nào của các tướng thời nay: Hitler, Walter Model, Gerd von Rundstedt của Đức cùng Eisenhower, Bradly, Patton và Mongomery của Mỹ Anh.

Tháng 10 năm 1944, chỉ sau vài tháng quân khi đổ bộ lên Pháp, quân Đồng Minh đã tới sách nách Đức. Với cảng Antwerp trợ giúp thì địch quân tiến rất nhanh. Hitler nhận thấy vào mùa đông trời Âu Châu đầy mây, nó sẽ ngăn cản sự không tập của Đồng Minh tối đa vì Đồng Minh đã chiếm ưu thế tuyệt đối trên bầu trời. Quân số thì Đồng Minh chiếm ưu việt với trên 850 ngàn bộ binh, trong khi Đức chỉ có 500 ngàn người. Nhưng vũ lực Đức chiếm ưu thế với 2000 xe tăng mới ra đời Panzer IV. Xe tăng này có phần bảo vệ trước là 4 inch (10 cm) bề dày. Trong khi ấy, các chiến xa Đồng Minh nhỏ và bề dày bảo vệ trước chỉ 2 inch (5 cm) mà đã thế số lượng xe tăng cũng ít hơn nhiều với 1400 cái. Súng của Đồng Minh không thể bắn thủng xe của Đức, nhưng súng trên chiến sa Panzer IV, lớn hơn bắn thủng xe Đồng Minh một cách dễ dàng. Ngoài con số xe tăng trên, Đức còn được yểm trợ bởi 2000 khẩu pháo. Phía Đồng Minh cũng nhận thấy thời tiết xấu nên ra lệnh chọn phía tây khu rừng Ardennes để làm nơi dừng quân.

Đức biết điều ấy nên cho quân phục kích phía đông rừng này để tránh sự quan sát của phi cơ thám thính địch và xuất kỳ bất ý tấn công. Nhưng khi nào sẽ tấn công? Khi thấy trời u ám, sáng ngày 16 tháng 12, Hitler ra lệnh tiến công trận Bulge như ta đã xem. Xe tăng Đức vượt rừng đánh thẳng vào quân Đồng Minh đang chuẩn bị ăn sáng.

Trong mấy ngày đầu, Đức đánh tới đâu Đồng Minh đều bỏ chạy, nhưng rồi tuyết đổ quá nhiều làm đường xá sình lầy, cùng sự kháng cự mãnh liệt của quân Mỹ ở thành phố Bastogne làm cản sự tiến của quân Đức nên không đến mục tiêu đúng hạn. Đến cuối tháng 1 năm sau (1945), trời quang đãng nên không quân Đồng Minh tái oanh tạc tiêu diệt cánh quân hy vọng cuối cùng của Hitler.

Trong yếu tố thiên thời này còn một yếu tố bất ngờ. Lúc giặc nghĩ rằng không ai đánh nhau thì mình đánh. Năm 1789, khi mùa xuân gần tới, quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu chuẩn bị đón xuân. Quân Thanh biết dân ta cũng ăn tết nguyên đán như họ và tướng sĩ của Nguyễn Huệ đang ở nước Quảng Nam, xa xôi nghìn trùng (Thời ấy, Càn Long gọi đàng trong là nước Quảng Nam). Có gì mà phải lo! Vua Quang Trung đánh  đúng tâm lý đó, nên cho quân ăn tết trước, rồi tiến nhanh như vũ bão với cách hành quân mà chưa bao giờ được dùng tới (Phải có bằng phát minh cho vua Quang Trung về cách hành quân này). Khi quân tướng nhà Thanh đang rượu chè vui thú với các ngày xuân thì quân ta đã lù lù tiến vào. Chiến thắng này là do yếu bất ngờ.

Việc chọn thời gian làm lợi điểm cũng đã diễn ra khi tướng Eisenhower quyết định đổ bộ lên Normandy. Trước ngày 6 tháng 6 1944, thời tiết được báo cáo trong tháng 6 bão hoành hành ở biển giữa Pháp và Anh. Đây là lúc quân Đồng Minh không thể đổ bộ. Tướng Erwin J E Rommel, người có trách nhiệm phòng thủ vùng bắc nước Pháp, thấy đây là cơ hội để ông về thăm gia đình nhân lễ sinh nhật vợ. Nhưng cũng trong khi ấy tướng Eisenhower và bộ tham mưu của ông lại biết rằng trong vài ngày từ 6 tháng 6 trở đi thì cường độ biển dộng sẽ giảm. Và ông đã quyết định cho đổ quân trong thời gian ấy. Lúc quân Đồng Minh đặt chân lên đất Pháp thì tướng Rommel đang vui đùa cùng vợ con.

2. Thời cơ:

Thiên thời còn có nghĩa là thời cơ chứ không hoàn toàn là thời tiết. Trong quyển Chu Dịch và binh pháp, trang 11, có viết: “Nhận thức về chiến tranh, chỉ huy tác chiến, đã cần phải biết đón đợi thời cơ mà còn cần phải hiểu rõ về địa hình, địa vật, đường hành quân.”

 Với câu chuyện phá Ngô của Phạm Lãi ta thấy ngay điều chứng minh cái quan trọng của hai trong ba điểm ấy. Ông đã áp dụng “Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa” một cách triệt để.

Đây là câu chuyện:

Cuối thời Xuân Thu, nước Việt và Ngô[2] hay va chạm nhau. Vua nước Việt là Câu Tiễn muốn đánh Ngô, Phạm Lãi là thượng tướng ngăn cản. Câu Tiễn hỏi tướng Phạm tại sao thì ông nói chưa phải là lúc có thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Câu Tiễn không nghe, đem quân đi đánh nên bị vây ở Cối Kê. Sau thất bại đó, ông phải sang làm con tin cho vua Ngô Phù Sai và Phạm Lãi lại đi theo hầu.

Khi được tha về, Câu Tiễn lo canh tân khiến nước phú cường, rồi theo kế của Phạm Lãi đem cống người đẹp Tây Thi làm Ngô Phù Sai say mê sao lãng quân cơ. Bốn năm sau, khi thấy đất nước hùng mạnh hơn xưa, Câu Tiễn bàn với Phạm Lãi đánh Ngô. Phạm Lãi nói chưa được thời. Câu Tiễn hỏi tại sao? Phạm Lãi trả lời: “Vì tướng quốc Ngũ Tử Tư còn, Ngô cũng vẫn hùng cường.” Qua năm sau, vua Ngô đem giết Ngũ Tử Tư. Câu Tiễn lại bàn việc đánh Ngô với Phạm Lãi. Phạm Lãi nói chưa được nhân hòa. Câu Tiễn hỏi: “Trước kia ngươi nói chưa có thời vì Ngũ Tử Tư còn, nay vua Ngô giết chết Ngũ Tử Tư vậy là trái đạo nên ta có thời. Bây giờ ngươi lại nói chưa có nhân hòa là tại sao?” Phạm Lãi nói: “Tuy Ngô vương giết người trung, nhưng chưa có điềm gì biểu hiệu được lòng dân chán ngán, nên chưa có nhân hòa là vậy.” Đợi thêm vài tháng khi thấy dân Ngô oán ghé vua, Phạm Lãi liền cho quân đánh quả nhiên phá được.

Với câu chuyện trên ta thấy Phạm Lãi dã áp dụng Thiên Thời phối hợip với Nhân Hòa dể chiến thắng dịch quân.

Lại có một câu chuyện chứng minh “Thiên thời” ở đây có nghĩa là “thời cơ”.

Khi quân Tần đánh liên minh Hàn, Ngụy. Tướng Bạch Khởi được cử đi đánh liên quân này. Vị tướng tài năng tìm cách phá liên quân ấy. Sau khi cho người thám sát đầy đủ Bạch Khởi biết rằng sự liên kết của hai nước chỉ có danh mà thôi, chứ họ không thật tình đoàn kết. Một mặt khác binh tướng hai nước muốn đùn cho nhau việc đương đầu với Tần. Vậy đây là một thời cơ để Bạch Khởi phá quân đội hai nước. Khi quân Tần đến Y Khuyết (ngọn núi này thuộc vùng tây nam Lạc Dương, tỉnh Hà Nam), Bạch Khởi chọn quân yếu là Hàn đánh trước và phá tan đạo quân này. Khi nghe tin đồng minh bị tiêu diệt thì quân Ngụy hết tinh thần và rồi cũng cùng chung một kết quả. Trong trận này quân Tần chém hơn 24 vạn thủ cấp của liên quân hai nước.

Năm 1945, dân Việt cũng chụp lấy thời cơ Nhật đầu hàng vì hai quả bom nguyên tử của Mỹ để chiếm lấy chính quyền.

Một thí dụ khác về “Thiên Thời” có nghĩa là thời cơ có thể áp dụng cho lịch sử hiện đại. Đó là trường hợp Iraq với cuộc hành quân Desert Storm.

Ngày 2, tháng 8, năm 1990, Iraq đơn phương xâm lăng Kuwait, rồi sát nhập nước này vào Iraq. Đây là một lỗi lầm trầm trọng của Saddam Hussein. Ông ta đã làm việc này không đúng thời và sai nguyên tắc. Cuối, năm 1990, khi Mỹ và Đồng Minh đang hăm he đánh Iraq, mấy người bạn trong đó có Nguyễn Hữu Lộc, dạy sử địa trung học Cao Lãnh trước 1975, rủ gia đình tôi đi lake Perish chơi. Một bạn của Lộc hỏi tôi Mỹ có dám đánh Iraq không? Tôi quả quyết: “Họ sẽ đánh.”

Tại sao như vậy?

Như ta đã xem qua chiến tranh là việc đáng tránh, và khi làm ông đã không thăm dò dư luận quốc tế, không tìm đồng minh đứng cùng phe để bảo vệ lẫn nhau. Đây là lúc Liên Xô vừa thay đổi chế độ, nên họ không thể nào đứng sau lưng Saddam Hussein chống lưng cho ông ta. Giả sử lúc Liên Xô, Đông Âu còn ngang ngửa với Mỹ và Saddam Hussein dựa dẫm vào họ thì còn có cơ nhùng nhằng. Nhưng đến thời điểm ấy chẳng ai muốn đưa đất đai, dân tộc họ để Mỹ thí nghiệm các vũ khí tân kỳ. Và rồi tháng giêng 1991, ba mươi tư quốc gia tham gia với Mỹ cùng được Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận, kéo đến bao vây tấn công một quốc gia đơn độc Iraq và rồi kết cuộc như ta dã thấy.

Thật ra một mình Hoa Kỳ thì cũng dư khả năng làm việc này, nhưng họ muốn có “chính nghĩa” là được Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận và rất nhiều nước đồng quan điểm, nên gửi quân tham chiến.



[1] Câu chuyện về thành Troy được người Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ coi như là một huyềnt sử. Tuy nhiên, các nhà sử học vẫn nghi ngờ cái huyền thoại có thể là chính sử. Dựa vào quyển  In Search of The Trojan War thì nhóm khảo cồ đầu tiên đến khai quật từ năm 1870 bởi Heinrich Schliemann (trang 11-12). Tiếp theo sau là các nhóm khác từ Đức, Mỹ trong các năm 1893,1894,1932 và 1938. Họ tìm ra nhiếu chứng tích. Đến năm 1988 một nhóm khác lại đến khai quật dưới sự điều khiền của Manfred Korfman (trang 260). Nhóm này dào sâu xuống bên dưới nơi mà Schliemann đã làm hơn 100 năm trước và họ tìm thấy một nấm mộ đá hình nón cao gần 50 feet (15m).
 Theo chương trình đưc chiếu nhiều lần trên History Channel và lần mới đây vào thứ bẩy, 17-10-2009 thì năm 1950, một nhóm các nhà khảo cổ đã đến khai quật khu vục miền tây của Thổ, và tìm ra một số chi tiết. Mới nhất, năm 2004 các nhà sử học và khảo cổ của các trường đại học gồm cả ĐH Cincinati, Colgate, Dickinson đến khai quật lần nữa. Họ đạ tìm ra một số dữ kiện kể cà một tường thành đá cao 16 feet (5 m). Năm 1994, một nhóm nghiên cứu khác tìm tại ngoài khơi của vùng đất của thành và tìm ra các thuyền chìm mang một số sản phẩm mà sau khi phân tích thì tất cả thuyền đến vật dụng cũng trùng với thời  điểm của thành Troy.
[2] Hai nước nằm ở phương nam sông Dương Tử vùng Triết Giang ngày nay.

1 comment: