Saturday, April 5, 2014

Các ngôi đền-chùa nổi tiếng 15

Angkor Wat, Campuchia(tt)

Đến thế kỷ 11 thì Khmer lại rơi vào cảnh máu đổ thịt rơi, vì sự tranh giành ngôi báu giữa các hoàng thân, quốc thích. Mãi tới năm 1113, một ông vua mới lên cai trị: vua Suryavarman II. Ông đã dẹp tan loạn sứ quân của các hoàng tử công chúa khác. Sau khi trị an xã tắc, Suryavarman II cho quân tiến đánh vương quốc người Mon thuộc trung bộ Thái Lan ngày nay. Với chiến thắng lừng lãy này, ông xua quân sang tận Bagan, trung bộ Miến Điện, mà tôi dã có dịp nói tới khi bàn về các chùa đền Miến trước đây. Và ông đã trải rộng đế quốc như bản đồ dưới đây.


Bản đồ đế quốc Khmer.

Người Cambot bất kì thời gian nào, ở đâu cũng hãnh diện với đất nước thời này.
Một dấu ấn làm cả thế giới biết tới là công trình Angko Wat. Ông đã cho xây trong 37 năm để ghi nhớ thần Vishnu của Ấn Độ Giáo. Đây là một sự cải cách của ông đối với các hoàng đế tiền nhiệm. Các vị hoàng đế trước đấy đều thờ thần Shiva. Năm 1145, Suryavarman II cho quân xâm lăng Đại Việt. Khi đang lo việc chiến tranh thì ông qua đời năm 1150 một cách mù mờ, và ngày ngay vẫn còn nêu lên nhiều giả thuyết. Và công trình Angkor Wat hoàn tất năm 1177, vậy công trình đã tái tục một thời gian sau khi ông mất. Nhưng rõ ràng là sau khi Suryavarman II qua đời thì đế quốc này, một lần nữa, nằm trong cảnh tranh giành, nồi da xáo thịt, anh em đánh nhau.

Cũng năm 1177, quân Chiêm Thành tiến đánh Khmer. Cuộc chiến tranh chấm dứt, khi quân Chiêm đánh bại Khmer trên sông Tonlé Sap (con sông nối Cửu Long và Biển Hồ). Vùng Angkor là một tỉnh của Chiêm Thành.

Trong thời gian Chiêm Thành chiếm đóng Angkor, Jayavarman, ông tướng quân của Khmer, thu lượm quân đội tiếp tục kháng chiến. Cha của ông thấy vậy tiên đoán: ông sẽ là hoàng đế tương lai của Khmer. Sau 22 năm kháng chiến (hơn Lê Lợi 10 năm), ông đã đẩy lui quân xâm lược và chiếm phần lớn đất đai nước này, năm 1203.

Đúng như lời tiên đoán của cha ông, ông đã thành hoàng đế kế tiếp của Khmer, Jayavarman VII, cai trị đất nước này cho đến năm 1219.

Trong thời gian trị vì đất nước, Jayavarman VII đã tỏ ra là một vì vua anh minh, nhân đạo, thương dân làm mọi người kính nể. Ông là người theo đạo Phật phái Hỷ Mã Lạp Sơn (Tây Tạng), nên đã cho xây rất nhiều chùa, cùng một cung điện mới Angkor Thom. Các công trình của vua Jayavarman VII đáng kể là Ta Prohm, Banteay Kdei và Neak Pean. Một công trình là hồ chứa nước khác Srah Srang dưới thời ông cũng đáng được vinh danh. Nó cùng hai hồ Baray đã làm dân Khmer, một thời xung túc.

Ta Prohm

 Banteay Kdei

Neak Pean

 Srah Srang

Để ghi nhớ các chiến công của ông, trên các vách đền thường có hình ảnh khắc lại các chiến thắng ấy.

Về Neak Pean, thì tác giả Nguyễn Hiến Lê đã ghi lại trong quyển Đế Thiên- Đế Thích nư sau:

"NEAK PEAN (Rắn cuốn mình) (*) Chúng tôi nghỉ hơi lâu ở Neak Pean. Đây không phải là một đền mà là năm cái hồ, cái lớn nhất ở giữa, - mỗi chiều chừng tám chục thước- bốn cái nhỏ - mỗi chiều bốn chục thước - ở chung quanh. Hồ xây bằng đá, sâu độ bốn thước, nay cạn. Giữa hồ lớn nổi lên một tháp nhỏ, chạm hình súc vật. Một cây nhỏ rủ cành trên ngọn, cho ta cảm giác đứng trước một núi non bộ. Người ta nói hồi xưa hồ hứng nước nhiều ôn tuyền ở chung quanh, nên dùng để tắm những người mắc những chứng bệnh nào đó. Theo Delaporto thì hồ xây để thờ Phật khi Ngài đã nhập niết bàn và để các nhà tu hành gội hết bụi trần mà tiến lên đường đạo. Nước ở hồ giữa khi nào nhiều quá sẽ chảy qua bốn hồ chung quanh do một lỗ đục trong bụng một con voi đá, đuôi ở hồ lớn, vòi ở hồ nhỏ."

Chẳng hiểu bạn đọc nghĩ sao? Riêng tôi, tôi nghĩ mãi về đoạn văn :" Nước ở hồ giữa khi nào nhiều quá sẽ chảy qua bốn hồ chung quanh do một lỗ đục trong bụng một con voi đá, đuôi ở hồ lớn, vòi ở hồ nhỏ." Với trình độ kỹ thuật ngày ấy, họ đục bụng voi thế nào để làm lỗ thông nước. Một cách khả dĩ làm được là đục lỗ đít voi vào bụng thông sang miệng voi là hay nhất. Như vậy là nước sẽ chảy từ đít lên miệng voi. Thật là một nghịch lý. Nhưng đây chỉ là bàn phiếm cho vui thôi nha.

Cũng dưới đời này, hệ thống đường xá phát triển nối liền các thành phố trong đế quốc với nhau. Jayavarman VII còn cho xây 121 trạm thương xá để các lái buôn nghỉ ngơi, và 102 bệnh viện.

Nhờ vậy mà, đế quốc của ông càng thêm phú cường.

Nhưng rồi đã hưng thịnh tất có suy tàn. Đế quốc Khmer đã từ từ biến mất bắt đầu từ thế kỷ XIII  (13).

Sau khi Jayavarman VII qua đời, con ông là Indravarman II nối ngôi trị vì từ 1219 đến 1243. Ông cũng là một Phật Tử nên cho xây rất nhiều chùa đền. Nhưng trong lãnh vực quân sự thì ông kém may mắn. Sau khi Jayavarman VII qua đời, con ông là Indravarman II nối ngôi trị vì từ 1219 đến 1243. Ông cũng là một Phật Tử nên cho xây rất nhiều chùa đền. Nhưng trong lãnh vực quân sự thì ông kém may mắn, vì hai quốc gia bên cạnh ở phía đông Đại Việt cùng Chiêm Thành càng ngày càng lớn mạnh. Năm 1220, quân Khmer phải rút khỏi các vùng đất đã chiếm của Chiêm Thành.

Đại Việt lúc ấy đã thuộc về nhà Trần, và đang trên đường thay đổi những sai trái của nhà Hậu Lý. Riêng Chiêm Thành từ năm 1190 chia thành hai tiểu vương quốc riêng: Vương quốc Vijaya và Vương quốc Panduranga. Vào năm 1192 thì lại hợp nhất lại và nằm dưới sự cai tri của Jaya Paramecvaravarman II từ năm 1226. Cùng khi ấy, ở phía tây, nước Thái Lan bắt đầu trỗi dạy từ Sukhoithai đẩy lùi quân Khmer. Tiếp theo 200 năm kế, nước này là đối thủ chính của Khmer.

Năm 1243 Indravarman II qua đời và con ông là Jayavarman VIII lên nối ngôi. Nhưng ông vua mới này lại chịu ảnh hưởng của Ấn Độ Giáo, vì vậy ông phá rất nhiều chùa và tượng Phật. Điều này làm dân chúng phẫn uất. Người ta tính ra ông đã hủy khoảng 10000 tượng Phật, và biến các chùa thờ Phật thành đền thờ thần Shiva.

Năm 1283, Toa Đô theo lệnh của Hốt Tất Liệt đem chiến thuyền đánh chiếm Chiêm Thành. Lúc ấy, Toa Đô gửi một phái đoàn sứ giả đến Khmer, yêu cầu thần phục. Jayavarman VIII đem bắt sử giả giam lại. Theo quyển “Chân Lạp Phong Thổ Ký” của Châu Dạt Quan, một  sứ giả của nhà Nguyên sang Angkor, do ông Lê Bắc dịch, đăng trên diễn đàn Viện Việt Học như sau:

1-      Khi Thánh-Triều (Triều đại Mông-Cổ) lãnh mạng trời mở rộng vương quyền khắp bốn biển và Nguyên soái Toa-Đô (Sôtu) bình định nước Chiêm-Thành (18), người phái một vị "Hổ phù bá hộ" (Bách phu trưởng- Tướng chỉ huy 100 quân) và một vị "Kim bài thiên hộ" (Thiên phu trưởng- Tướng chỉ huy 1000 quân) cùng đến đất này nhưng cả hai đều bị bắt và không có trở về.”

 

Nhưng sau thấy Mông Cổ quá mạnh nên lại xin thần phục.

Đến năm 1295, ông bị người con rể, phò mã Indravarman III (Srindravarman), một Phật tử lật đổ. Kể từ đó, Angkor Wat được dùng làm nơi thờ Phật.

Năm sau 1296, nhà Nguyên cử Châu Đạt Quan sang làm sứ ở Angkor. Châu Đạt Quan ở lại đây 1 năm. Nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát vì sự phái hoại của Jayavarman VIII, Châu Đạt Quan đã xúc động. Ông này viết lại hồi ký đi Chân Lạp với tên Chân Lạp Phong Thổ Ký. Châu Dạt Quan là sứ giả đầu tiên của nhà Nguyên sang Angkor, nhưng cũng là vị sứ giả cuối cùng.

Từ năm 1350 về sau là các chuỗi ngày buồn thảm của đế quốc Khmer. Khởi đầu là Sukhothai với sự tách ra khỏi ảnh hưởng của Khmer. Nhưng sau đó, một quốc gia khác ở phía nam nước này là Ayutthaya, nằm trên lưu vực sông Mê Nam đã chinh phục họ.

No comments:

Post a Comment