CHƯƠNG 03 (tt)
D- Nam Tống bị diệt.
Patricia Buckley
Ebrey viết trong quyển sử của ông rằng Mông Cổ không biết quyết định có nên
đánh các thành phố nam sông Dương Tử hay không thì một tướng Tống hàng MC
khuyến cáo Hốt Tất Liệt đóng thuyền chiếm phương nam. Quyển “When China Ruled The Sea” viết ở
trang 48 một tướng Hán hàng, Lui Cheng[1],
nói với Hốt Tất Liệt rằng: “Sức mạnh của chúng ta dựa vào kị binh thì vô địch,
nhưng chúng ta thua Tống về thủy quân. Ta phải triệt tiêu sức mạnh của họ bằng
cách đóng thuyền và huấn luyện quân cách thủy chiến.”
Do đó Hốt Tất
Liệt mới cương quyết cho đóng thuyền. Lưu Chỉnh là người được ủy thác để điều
động làm việc này. Mãi tới năm 1275, Hốt Tất Liệt cho tướng Bayan (Bá Nhan)[2],
một kiện tướng nữa của Mông, suôi theo Trường Giang tiến đánh kinh đô Nam Tống
là Lâm An ở Hàng Châu[3].
Theo quyển lịch
sử Trung Quốc của ông Nguyễn Hiến Lê thì thừa tướng Tống là Giả Tự Đạo sai hai
viên tướng đốc suất 13 vạn tinh binh, 2500 thuyền chiến cự địch, nhưng chưa xáp
chiến quân Tống đã vỡ. Điều này, quyển “Cambridge
Illustrated History of China” cũng đưa ra cùng dữ kiện. Sau đó quân Tống
mất liên tiếp các đất Lưỡng Bồ, Kiến Khang, Trấn Giang, Thái Bình, Dương Châu,
rồi cuối cùng Lâm An bị vây hãm. Tể tướng là Trần Nghi Trung[4]
chỉ muốn hoà, ba lần sai sứ xin nhường đất để Mông Cổ lui binh. Thấy không
kham, Vua Cung Đế chiêu mộ quân cần vương. Văn Thiên Tường và Trương Thế Kiệt
hưởng ứng, bàn kế chặn địch.
Văn Thiên Tường có tên Vân Tôn (雲孫), tự Thiên Tường
(天祥). Ông xuất thân từ Cát Châu Lô Lăng (吉州廬陵), bây giờ là huyện
Cát An, tỉnh Giang Tây. Lúc còn nhỏ, Văn Thiên Tường chăm học, đọc nhiều sách,
ông thích nhất là những câu chuyện nói về "Trung thần nghĩa sĩ". Tư
tưởng yêu nước đã ăn sâu vào tâm hồn ông. Năm 1253, đời vua Tống Lý Tông, Văn
Thiên Tường 17 tuổi, tham gia kỳ thi Hương ở Lô Lăng, tên đậu đầu bảng. Năm 1255,
ông cùng em là Văn Bích tham gia kỳ thi Tiến sĩ và cả hai đều có tên trúng cử.
Vào ngày công bố người trúng tuyển, Văn Thiên Tường đứng đầu trên 601 người đậu
Tiến sỹ. Ông được mang danh trạng nguyên, thì ông được tin cha chết. Hai anh
em phải trở về quê hương khi chưa kịp nhận chức tước. Mãi đến năm 1259, Văn
Thiên Tường mới được bổ nhiệm Công sự phán quan, một chức quan xử kiện. Khi
quân nhà Nguyên tràn vào đất Tống, ông ứng "chiếu Cần Vương" dưới cờ
vua Tống Cung Đế.
Nhưng tể tướng hèn mạt như vừa viết thì làm sao
giữ nổi quốc gia. Lần cuối cùng, Trần Nghi chỉ xin giữ một tiểu quốc để tế tự,
mà cũng bị cự tuyệt. Theo quyển sử của tác giả Nguyễn Hiến Lê có ghi lại đoạn
sau: “Will
Durant trong sách đã dẫn, thì ở "Juining-fu" một vị thủ lãnh cố cầm
cự cho đến khi tất cả những người già cả, các người tàn tật bị người trong
thành ăn thịt, còn các người khoẻ mạnh thì chết vì chiến tranh hết, chỉ còn lại
đàn bà để giữ thành, lúc đó ông mới cho nổi lửa đốt thành và ông chết thiêu
trong dinh của ông.”
Năm 1276, quân
Mông vào được thành Lâm An, bắt được Cung Đế, thái hậu và mấy ngàn người đưa về
Mông Cổ. Tể tướng Lục Tú Phu cùng Trương Thế Kiệt tôn vua Đoan Tôn lên ngôi,
đưa xuống Phúc Kiến. Văn Thiên Tường đốc suất nghĩa quân chống Mông Cổ, tuy có
hào khí nhưng thế đã yếu nên mấy lần đều thua.
Năm 1277, Trương
Thế Kiệt dắt vua Đoan Tôn chạy xuống Quảng Đông. Năm sau, vua Đoan Tôn chết ở
Can Châu thuộc Quảng Đông. Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu lại
lập em là Quảng Vương lên thay, đưa ra đảo Nhai Sơn cũng nằm trong tỉnh Quảng
Đông. Năm 1279, trong một trận đánh Mông
Cổ bắt được Văn Thiên Tường rồi, tiến đánh Nhai Sơn. Biết không thể chống cự
được nữa, Lục Tú Phu cầm kiếm xua hết cả vợ con nhảy xuống biển, rồi ông cõng
vua nhảy xuống theo. Thế là nhà Tống diệt vong. Theo ông Nguyễn Hiến Lê dựa vào
tài liệu của một học giả Nhật là Trung Sơn Cửu Tú Lang làm thống kê thì số
trung thần nghĩa sĩ tử tiết là 274 người. Trong khi ấy, trang 31[5],
quyển “Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư”
do nhà xuất bản Hà Nội dịch viết: “Tháng
6, có ngôi sao lớn sa về phương nam rơi xuống biển, hơn ngàn ngôi sao nhỏ rơi
theo, tiếng khêu như sấm đến vài khắc mới hết ... Người Nguyên đánh úp quân
Tống Nhai Sơn. Quân Tống thua, Tả
thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết. Hậu cung
và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày có đến hơn 10 vạn xác chết nổi lên
mặt biển. Xác vua Tống cũng ở trong số đó. Thế là ứng với điềm sao sa xuống
biển. Năm ấy nhà Tống mất.”
Trương Thế Kiệt
vẫn chưa tuyệt vọng, dò đường thuỷ qua Việt Nam, mưu sự khôi phục, nhưng giữa
đường gặp bão, thuyền chìm, và ông bị chết. Thật là anh hùng mạt vận. Riêng đối
với Văn Thiên Tường bị bắt về Đại Đô.
Phần viết dưới
đây do học giả Nguyễn Hiến Lê tả lại cuối cuộc đời của vị anh hùng này:
“Văn Thiên Tường bị giam bốn năm ở Yên Kinh,
Hốt Tất Liệt dụ dỗ ông, ông nhất định không chịu nhận uy quyền của vua Nguyên.
Chúng tôi chép lại dưới đây đoạn Will Durant khen khí tiết của ông.
Trong một đoạn văn vào hàng nổi danh nhất
của Trung Hoa, Văn Thiên Tường viết: "Ngục của tôi chỉ có hai con ma trơi
chiếu sáng, không một ngọn gió nào thổi vào chỗ tối tăm, tịch liêu này
cả.....Sống trong sương mù và trong không khí ẩm thấp, tôi thường nghĩ rằng sắp
chết tới nơi, vậy mà trọn hai năm, bệnh tật hoài công lảng vảng chung quanh
tôi. Riết rồi tôi thấy cái ngục nền đất ẩm thấp, hôi hám này là một cảnh thiên
đường. Vì thế mà tôi giữ vững được ý chí, ngắm mây trắng trôi trên đầu mà lòng
buồn mênh mông như vòm trời vậy"
Sau cùng Hốt Tất Liệt sai người dẫn ông tới
trước mặt mình hỏi: "Ngươi muốn gì?" Văn Thiên Tường đáp: "Thiên
Tường này đội ơn nhà Tống mà được làm tể tướng thì sao có thể thờ hai nhà được,
ta chỉ xin được chết thôi". Hốt Tất Liệt chấp nhận. Khi lưỡi búa của tên
đao phủ hạ xuống, ông quay mặt về Nam Kinh, như thể vua Tống còn ở đó, mà vái
dài".
Will Durant chê hành động đó của Hốt Tất
Liệt là "man rợ". Mấy hàng "nổi danh nhất" của Văn Thiên
Tường. Will đã dẫn ở trên ít người được biết, nhưng bài chính khí ca của ông
"tráng liệt như cầu vồng vắt ngang trời, mỗi lần ngâm lên thấy máu sôi
trong lòng", nghe như một bài tiến quân ca, thì nhà nho Trung Hoa, Việt
Nam thời xưa không ai không thuộc nó các vị như Phan Đìng Phùng, Hoàng Diệu,
Nguyễn Trung Trực......của ta tất đã nhiều đêm vung bảo kiếm, nhìn ngân hà mà
ca:
Thiên địa hữu
chính khí Tạp nhiên phú lưu hình Hạ tắc vi hà nhạt Thượng tắt vi nhật
tinh......
(Trời đất có chính khí Lẫn lộn trong các hình
Dưới đất là sông núi Trên trời là nhật, tinh......) Bài đó tôi đã trích dịch trong Đại cương văn học sử Trung Quốc, cuốn
III, trang 58 Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu.”
Will Durant chê Hốt Tất Liệt, nhưng có ai trong các quan tướng Mông Cổ lại không khát máu, không man rợ. Đại Việt sắp hàng đến tiếp theo.
Văn Thiên Trường
là thi sĩ mà hai câu thơ nổi tiếng của ông đã làm châm ngôn cho các anh hùng hậu
thế. Trong sô ấy ta phải nói tới Nguyễn Công Trứ trong bài hát nói "Chí Nam Nhi".
Văn chương ông có lời lẽ khảng
khái, hào hùng của kẻ sĩ trong thời nước nhà lâm nạn.
人生自古誰無死
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
留取丹心照汗青
|
|
Lưu thủ đan
tâm chiếu hãn thanh
Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt và Lục Tú
Phu được sừ Trung Quốc gọi là "Tống
vong tam kiệt"
Tượng Văn
Thiên Tường
Tượng Lục Tú Phu
[1] Theo ông
Nguyễn Cung Thông thì đây là Lưu Chỉnh 劉 整 (1213-1275).
[2] Bayan là
cháu nội của danh tướng Subutai.
[3] Hàng Châu có sông Tiền Đường chảy qua.
Con sông này là nơi kết liễu cuộc đời Thúy Kiều trong tác phẩm lừng danh Đoạn
Trường Tân Thanh của Nguyễn Du.
[4] Theo quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông
thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm, trang 319 lại không nói
Giả Tự Đảo chống giặc và ghi lại như sau:
“Nước
Kim mất, quân Mông Cổ vượt Trường Giang đánh Tống…y (chỉ H T Liệt) đã gặp sức
chống cự mãnh liệt của người Tống…Nhưng mặc dầu nhân dân Nam Tống đã anh dũng
chống giặc dưới sự chỉ huy của người anh hùng Văn Thiên Trường…quyền bính nằm
trong tay bọn gian thần Giả Tự Đảo, Trần Nghi Trung, khiếp nhược trước kẻ thù,
chỉ mong cầu hòa…”
[5] Các ấn bản điện tử thay đôi số trang tuy
theo người dùng down load theo khổ nào. Nếu bạn dọc nào muốn kiểm chứng thì
dùng cách tìm đoạn văn với cách nhấn ctrl+F.
Trang này là dựa vào khổ 6inch x 9inch.
No comments:
Post a Comment