Đường về Vũng
Tầu từ đây dài khoảng 20 cây số, được xây cất, trang trí, rất đẹp và sạch sẽ.
Đường có hai chiều , mỗi chiều có 2 lằn xe chạy và có đường cho xe gắn máy chạy
bên trong rào ngăn. Giữa hai đường lên xuống là các lối trồng hoa rất rộng, mầu
sắc có nơi trang nhã, có khúc rực rỡ với nhiều loài hoa. Tuy đường có lối riêng
cho xe gắn máy, tôi thấy dân ta cứ phong phong chạy giữa đường không có luật lệ
gì ráo trọi; chỉ có ít người tuân thủ luật lệ. Trình độ dân trí và tự trọng như
vậy làm sao mà đòi dân chủ kiểu Âu Mỹ?
Càng đến gần
Thành Phố Vũng Tàu thì nhà cửa, khách sạn càng đẹp đẽ, đồ xộ hơn. Hồi 2001, vợ
chồng tôi đã quay về đây, nhưng nay nhìn không nhận ra một hình ảnh quen thưộc
nào. Chính giữa những ngã tư ngã năm có các bồn binh với tượng đài kỷ niệm. Các
tượng đài này chỉ đưa lên các hình ảnh của quân đội Cộng Sản hồi chiến thắng
miền nam. Tôi rất tiếc họ không đưa lên một cái gì để hàn gắn tình dân tộc của
một quá khứ lầm than.
Ngày xưa, tôi ở
Vũng Tầu đi Sàigòn rất nhiều vì mở lớp toán lén tại Saigòn trong khoảng
1977-1980. Đường đi ngày ấy cũng như thời trước 75 là phải qua Rạch Dừa, ngã Ba
Bến Đình rồi tới Vũng Tầu. Nhưng bây giờ xe chạy một lúc tôi thấy mình trên
đường Thùy Vân và ngay cạnh Bãi Sau, nay cũng có tên bãi Thùy Vân.
Chẳng bao lâu
thì đi qua ngã Hoàng Hoa Thám-Thùy Vân. Nơi đây, ngày 10 tháng 9 năm 1981, tôi
đã đưa một nhóm 20 người gồm cả vợ, hai con tôi và cậu cháu Lê Minh Dương lên
một chiếc thuyền nhỏ xíu vượt biên. Tất cả nhóm đã nhóm tụ tập lại từ lúc 4 giờ
chiều. Nơi đây cách đồn công an Thắng Tam- trên đường Hoàng Hoa Thám- có 200m.
Sau khi chịu nhiều điều không may, toát mồ hôi và tị nữa vào đồn công an ngồi,
chúng tôi đã thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc.
Chung quanh đây,
các khách sạn to lớn, các quán ăn sang trọng mọc lên nhan nhản. Xe chạy lại
chân núi nhỏ thì ngừng. Ngày xưa thời 1955-1960, đây có một cái dốc nối liền
đường Bãi Sau (nay là Thùy Vân) với mũi Eo Quắn (mũi Nghinh Phong) do người
Pháp làm trừ trước lâu rồi. Giữa dốc này có một cái đồn canh nhỏ xây bằng đá.
Đến lúc người Mỹ sang tham chiến, họ bỏ con đường này; làm một con đường lớn
hơn ở trên cao. Con đường này lại bị chính quyền Việt Nam hiện tại hủy để làm
con đường chạy rất to lớn và ở khoảng vị trí mà con đường người Pháp làm.
Ở đây nhìn đến
hòn Bà rất rõ.
Tôi chợt nhớ tới
một câu chuyện vượt biên của gia đình tôi. Phần này được trích từ quyển Hải
Thần Thịnh Nộ, một câu chuyện được báo Người Việt phát giải cao nhất cho thể
loại không hạn định số chữ, năm 2005, trong cuộc thi viết cho 30 năm tỵ nạn.
Tuy rằng lúc tôi nộp bàn thảo dự thi, quyển truyện vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt,
nên tôi vội vã thêm phần kết luận để người đọc hiểu được câu truyện.
No comments:
Post a Comment