Friday, December 7, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Bố lấy xe đạp chở vợ tôi cùng hai đứa con tôi là Hi, Mi ra Bãi Sau từ lúc 3 giờ chiều. Sau đó ông quay về nhà cho tôi biết tin tức và địa điểm.

Đúng 6 giờ chiều, tôi sách cái bị cùng vài cái phao câu đến nhà Lộc.

Lộc hỏi:

- Cái hải bàn có lớn không?

- Cũng nhỏ thôi

- Anh cho tôi coi một chút được chứ?

- Được!

Tôi vạch bị cho Lộc nhìn.

Y nói:

- Hải bàn coi ngộ quá há!

Sau đó, hai đứa tôi lững thững đi bộ ra Bãi Sau, và vượt qua đồn công an dễ dàng vì không có đàn bà con nít. Thời gian này Bãi Sau còn rất thưa thớt với một số quán nhỏ xây dựng trước thời 75 để lại. Lúc xây nhà không mấy đẹp đẽ mà lại không tu bổ, sơn phết trong nhiều năm liên tiếp, nên trở thành cũ kỹ hoang tàn. Đến nơi thì trời đã xâm xẩm tối. Tôi thấy Điệp, tay bế cu Mi, cùng cu Hi đang thập thò cạnh một cửa hàng.

Cu Hi thấy tôi kêu:

- Bố!

Điệp bịt miệng nó nói:

- Suỵt! Đừng gọi bố con!

Theo đúng cách tôi đã vạch sẵn, tôi thò tay xách cái giỏ đựng sách vở, quần áo, rồi tiếp tục bước tới. Điệp để tôi đi một quãng khoảng 20 thước mới bế và dẫn con đi theo.

Trời hôm ấy hơi nực, nên trên đường người ta đi hóng mát cũng khá đông, một số đông trong đó là công an, bộ đội. Với sự hiện diện của nhóm người này, tôi thấy thật là bất an trong lòng. Điệp thì run vô cùng, vì chỉ sợ bị công an chặn xét bất ngờ.

Lộc dẫn chúng tôi tiến dần đến bar Hồng Phượng, cạnh chân Núi Nhỏ. Tại đây, tôi thấy hàng trăm công an đi lũ lượt trên đường vì gần đấy là một trung tâm huấn luyện công an. Tôi thấy lo sợ cho Điệp và hai con đi phía sau. Nếu nàng tỏ ra một chút mất bình tĩnh là có thể bị vào tù. Điệp run cầm cập, đi muốn không nổi, nhưng nghĩ tới tương lai con nên cố gắng lết bước theo.

Vừa đi, Lộc vừa nói nhỏ để tôi nghe:

- Mình lên đây, rồi có người chở ghe ra hòn Bà. Ở đó, mình đợi nước êm thì ghe lớn vào đón.

Tôi nghĩ: "Tên này nói có lý lắm. Đây là vùng giáp nước thuyền bè cặp hòn bà rất nguy hiểm, trừ phi lúc nước êm."

Lộc dẫn chúng tôi ngược lại phía trung tâm huấn luyện công an, rồi theo một con đường tắt lên đường dốc cũ, trước mặt cả chục công an. Điều này càng làm cho chúng tôi lúng túng hơn. Con đường dốc ở Núi Nhỏ, ở khúc ấy đã được người Mỹ canh tân, làm một cái dốc mới, thay con đường cũ, mà người Pháp làm, với một lô cốt đã bị bỏ hoang trong nhiều năm, nên cây cối và bụi rậm mọc che kín mặt đường. Tôi dừng lại đợi Điệp và hai con, rồi giúp vợ con bước qua cái đốc đó. Theo con đường bỏ hoang này, Lộc dẫn chúng tôi quay ngược ra phía biển.

Tuy nhiên, khi vào đến con đường bỏ hoang, chúng tôi cũng bớt đi sự lo âu, vì nơi đây tương đối tối tăm, cây cối sầm uất. Những đèn đường chiếu xuống làm chúng tôi thấy công an, nhưng ngược lại họ không thể thấy chúng tôi. Đi được một quãng, chúng tôi tới một chỗ tương đối bằng bặn ít cây.

Lộc nói:

- Ủa sao vậy cà! Thằng hướng đạo nói nó gặp mình ở đây mà bây giờ nó đi đâu? Anh chị ngồi đây chờ tôi một chút. Tôi đi tìm nó nhe!

Tôi để giỏ xuống đất, ôm cu Hi vào lòng, rồi cùng vợ ngồi xuống mặt đường nhựa bỏ hoang chờ đợi, trong khi ấy Lộc rời khỏi nơi đó và biến mất trong rừng cây tối om. Nơi chúng tôi ngồi cạnh một vách núi khá dốc, đầy đá tảng lởm chởm, và bên dưới cách chỗ chúng tôi độ hơn 10 thước là đường chính mà chúng tôi vừa qua, nên công an đi đi lại lại đông như mắc cửi. Còn phía đối diện là rừng cây, lên độ 20 thước bên trên là con đường mới làm, rồi đến rừng cây và tới đỉnh Núi Nhỏ, nơi có pho tượng chúa dang tay.

Khi tôi rời nhà để đến gặp Lộc, cha mẹ tôi đứng nhìn theo cho đến khi tôi khuất bóng sau các nhà hàng xóm. Ông bà dọn cơm ra ăn bữa chiều, nhưng cả hai ông bà không tài nào ăn nổi, trong lòng thấp thỏm cho sự an toàn của con cùng cháu.

Màn đêm từ từ che phủ núi rừng, con đường hẻm trước nhà đã trở thành tối đen như mực. Hai ong bà không ai bảo ai đều ra trước cửa nhà, nhìn về đầu hẻm xem có hình bong con chaú không, nhưng con cháu ông bà không thấy trở về. Cả hai cùng nghĩ có lẽ con cháu đã bình an lên thuyền vượt trùng dương.

Ông bà rủ nhau mang nhang, mõ lên sân thượng, nơi chúng tôi ngủ hàng đêm, tụng kinh cầu cho con cháu trên biển khơi được bình an.

No comments:

Post a Comment