Monday, December 17, 2012

Vũng Tàu – nơi đầy kỉ niệm


Năm 1977, Vũng Tầu được biến thành đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo và đưa dân không phải ngư phủ đi kinh tế mới. Nếu tôi bị đưa đi thì kế hoạch vượt biên của tôi sẽ sụp đổ. Tôi vội vào làm ngư nhân. Tuy nhiên muốn được chứng nhận làm ngư nhân thì phải chứng tỏ có làm biển sinh sống thật sự.

Trong thời gian mới xuống làm biển để được chấp nhận là ngư phủ chuyên nghiệp của Xóm Lưới, tôi đi thuyền hớt cá đối cùng một ngư phủ chuyên nghiệp tên Võ Thắng. Tên này trùng với tên em ruột tôi mà năm sinh cũng trùng nốt. Thật là một ngẫu nhiên. Thắng dạy tôi hớt cá đối và chèo thuyền trên biển. Cách chèo thuyền này chỉ có mái chèo để chèo thuỳên tới, lui và lái sang hai bên. Thuyền chèo trên biển không có bánh lái.

Theo thông thường đi hớt cá đối phải có 2 người, một người chèo một người hớt. Người chèo đứng ở lái, hai tay chèo một mái chèo dài độ bẩy, tám thước. Người hớt đứng ở mũi, tay cầm một cái vợt đường kính độ sáu, bảy chục phân tây và cán dài khoảng hai thước rưỡi. Ngay tận cùng mũi ghe là một cây đèn măng xông, che một nửa. Nửa sáng hắt ra phía trước. Đèn này hay bị nước biển bắn lên vì sóng gió và khi chụp cá làm bóng dễ vỡ. Để tránh tình trạng bóng vỡ rơi xuống biển, các ngư nhân dùng dây mí đàn ghi ta ràng lại như một mạng nhện. Vì thế dù bong vỡ nát nhưng vẫn lien kết nhau, không bị văng mảnh ra, nên vẫn chống được gió. Thật ra dây mí làm bằng một loaị thép rất tốt, nên không bị sức nóng của đèn làm nóng chảy. Các dây kim loại thông thường khác không chịu nổi sức nóng này.

Khi mới xuống đánh cá ngày đầu, Thắng nói tôi đứng chụp cá, còn y chèo thuyền, vì Thắng to lớn hơn và rất mạnh, hơn nữa, việc chèo thuyền rất nặng nhọc, có khi phải chèo suốt đêm.

Thật là khó khăn cho tôi khi làm nhiệm vụ này. Một phần là say sóng, một phần khác là rất khó khăn giữ thăng bằng khi đứng trên thuyền mà sóng vỗ dập dềnh. Trong thời gian này, ngày nào, tôi cũng mửa thốc mửa tháo, vì say sóng. Tôi tự hỏi: "Khi nào thì mình hết say sóng? Hay bỏ quách việc này cho rồi? Không thể được! mình phải vượt qua trở ngại đầu tiên này. Nếu không thì chuyện vượt biên không bao giờ có được."

Chụp cá đối cũng cần phải có kỹ thuật, chứ không phải chụp một cách khơi khơi. Mấy hôm đầu, tôi chụp được vài con, có khi chẳng được con nào. Nhiều lúc, tôi thấy đàn cá đối lại lầm là lá khô, nên không chụp và nhiều lúc khác, thấy lá khô lại tưởng là cá đối, chụp lên chỉ được vài cái lá tre. Ngoài việc chụp cá đối, chúng tôi, nhiều khi, cũng chụp được cả mực ống.

Những lúc gió mạnh, sóng cao, tôi chụp đàn cá mất thăng bằng, rơi tòm xuống biển, cá đã chẳng được con nào mà còn làm mất thì giờ. Thắng bèn đổi "chiến thuật": tôi ra chèo đò, còn Thắng ra chụp cá đối. Vì thế tôi phải chèo ghe suốt đêm, từ bãi trước đến Bến Đá, Sao Mai, Bến Đá đến Bãi Dứa, Lò Heo, tay chân rã rượu, nhưng vẫn phải cố sức mà làm.
 
CHỤP CÁ ĐỐI

No comments:

Post a Comment