Tím Huế
Một bóng đổ dài trên Huế xưa
Đường vô Thành Nội ngủ êm trưa
Mưa Huế nhẹ bay trên tàng khế
Hoa tím rơi rơi ngập lối về
Trời mưa da diết suốt cả ngày
Bên song ngồi tưởng cánh hoa bay
Khơi bao thương nhớ cay đôi mắt
Chạm nổi tận cùng sầu quắt quay
Xa Huế khi tuổi mới mười lăm
Mang theo màu tím Huế xa xăm
Hành trang là bài thơ thầm lặng
Trải nhẹ dòng hương dáng dịu nằm
Anh hỏi tôi về thăm Huế chưa
Anh ơi thương nhớ mấy cho vừa
Bao năm viễn xứ hồn nức nở
Tím cả mưa sầu tím Huế xưa !!!...
Mâù Hoa Khế
Wednesday, February 29, 2012
Nam Bắc du kí bài 68
Trở về chuyến đi:
Xe lại chuyển bánh đến làng Diên Hào cách đấy độ 1 km. Nhà cửa của làng Diên Hào hầu như là nhà ngói. Bây giờ là giờ phút mà chúng tôi chờ đợi hơn nửa thế kỷ, nhìn lại Tân Phúc. Thôn này ngày xưa là một nơi hoang dã, gần các buôn người thiểu số. Lúc mẹ đưa chúng tôi tản cư làng rất nghèo, chỉ có độ hai, ba chục nóc nhà tranh xiêu vẹo. Muốn từ Tứ Trụ, Diên Hào vào đây, chúng tôi phải lần mò trên các con đường nhỏ, làm thành bởi các bờ ruộng, rộng hơn nửa thước.
Cách đầu làng vài trăm thước là một cánh đồng sâu rộng hơn 100m, mà mọi người phải lội xuống để vào làng. Vừa hết cánh đồng sâu, chúng tôi phải vượt qua một chòm đa lớn như cái sân vận động, um tùm, cành rễ lòng thòng. Giữa chòm đa này là một bàn thờ đá, mà đã có người nằm chết ở đó. Nơi đây, vào thời đó tôi vẫn thường lội bộ qua để đi học một mình lúc chiều xuống và trở về lúc quá nửa đêm. Nghĩ lại tôi vẫn cỏn cảm thấy rợn người.
Làng tôi ở tận chân trời.
Có tên Tân Phúc, nhưng đời thảm thương.
Trong làng chỉ có vài đường.
Hai bên bụi rậm lại thường gai mây.
Phía đông đễn rộng bủa vây.
Phía bắc ra chợ đồng lầy chắn ngang.
Tây nam rừng núi bạt ngàn.
Cây đa ma quái đầu làng xum xuê.
Dân làng đời sống thảm thê.
Vài nhà xiêu vẹo lại kề tre gai.
Cơm ăn một bữa không hai.
Quần áo rách nát, sơ sài che thân.
Sáng thức dạy lo phần đồng áng
Vừa bình minh, những tháng mùa đông.
Sương mù bủa khắp ruộng đồng.
Co ro cày cuốc để trồng sắn ngô.
Trưa mùa hè, đồng khô tát nước.
Mồ hôi tràn làm ướt đồng khô.
Có đêm đánh cá bên hồ.
Có đêm đem lúa trong bồ ra xay.
Một cuộc sống tối ngày lam lũ.
Nhưng dân làng không đủ tiền tiêu.
Cầu xin Trời, Phật đổi chiều.
Để dân làng khỏi tiêu điều lầm than.
VHKT 1985
Chúng tôi lần mò ra sông Nông Giang để xem xe hơi có thể qua cầu không? Cầu cũng là cầu xi măng, nhưng mỏng manh, nên xe không thể qua cầu này. Hai ven sông, bây giờ đã tráng xi măng sạch sẽ hơn thời kháng chiến nhiều. Anh em chia nhau làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm Thắng, Cẩm Dung cùng gia đình con gái Xuân Thành cùng cháu ngoại Joenathan. Thêm vào đó là gia đình con trai tôi là Rick, Sendy và cháu nội Liliian cùng tôi. Nhóm này đi bộ để vào thôn. Nhóm thứ hai gồm vợ tôi Điệp cùng vợ Thắng là Thiện sẽ đi theo xe hơi qua cầu Tân Lâm để vào.
Chúng tôi theo con đường ngày xưa vào thôn, để xem các con đường trên bờ ruộng ra sao; cái cánh đồng sâu, cùng chòm đa đầu làng như thế nào? Nhưng con đường này đã được đổ đá ong dăm rộng đủ cho xe hơi chạy. Cánh đồng sâu gần như mất hẳn; chòm các cây đa ma quái đầu làng chẳng còn vết tích.
Tuesday, February 28, 2012
Thương Nhớ 10
Tôi thương Châu Đốc những chiều hoang.
Sông Hậu, bèo xanh, nước nhuộm vàng.
Núi Sập, núi Sam, kinh Vĩnh Tế.
Tân Châu buồn bã dưới trăng tàn.
Tôi nhớ Chi Lăng ở Thất Sơn.
Về đây ba tháng học quân trường.
Núi đồi nhiều cát cùng thốt nốt.
Ăn tối cá sình chẳng được hơn.
Tôi mến quê nghèo, Nhuận Phú Tân.
Về đây trồng thuốc khổ muôn phần.
Ngày lo tưới nước rồi vun xới.
Tối tính bắt sâu với bón phân.
Tôi mến Cái Hằng xứ chiến tranh.
Quê cha vợ đó, đất không lành.
Bom cày, đạn xới bao nhiêu độ.
Ăn cháo thay cơm, ngủ chiếu manh.
Tôi nhớ Băng Tra, cạnh Cổ Chiên.
Cô đơn bên chợ, nắng chiều nghiêng.
Thơ thơ kẻ bán, người mua vắng.
Đứng ngắm bèo trôi, nhớ vợ hiền.
Nam Bắc du kí bài 67
Cuối năm học đó, trường phát thưởng cho 3 học sinh xuất sắc nhất của mỗi lớp. Tôi may mắn đứng đầu của lớp. Lễ phát thưởng được tổ chức vào buổi tối, tại một cái đình cách trường thêm 4 cây số. Kể từ xế trưa của ngày lễ, tất cả các học sinh xuất sắc tụ họp tại trường để khiêng bàn ghế đến nơi phát thưởng.
Cứ 5 học sinh được lập thành một tổ, có nhiệm vụ khiêng một cái bàn học trò có ghế. Chẳng may cho chúng tôi hôm đó có trận mưa rào, cho nên đường trơn như mỡ dội. Bờ sông Chu bên lở bên bồi; bất hạnh thay phía Tứ Trụ là bên lở, và đường đi ở ngay cạnh bờ sông Chu, thành thử cạnh đường là vách sông cao nghều nghệu.
Năm đứa chúng tôi khiêng cái bàn nặng quá, cứ đi một quãng là phải nghỉ. Lâu lâu lại có một đứa bị trợt chân té xuống phía sông làm cả cái bàn đổ nhào. Chúng tôi phải ngừng lại để cứu bạn, rồi lại tiếp tục đi.
Sau một buổi chiều vật lộn với cái bàn, cuối cùng chúng tôi tới ngôi đình lớn nơi sẽ làm lễ. Tại đây các nhóm được ban tổ chức hướng dẫn dem bàn vào đúng vị trí trong đình. Ai nấy mang khoai lang luộc hay nướng ra ăn cho đỡ đói, để chờ giờ lãnh thưởng.
Màn đêm đã buông xuống, học sinh của cả mấy trường trong huyện tụ tập lại, ngồi vào các cái bàn mà họ đem đến từ chiều. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi tên mình được gọi. Rồi cuối cùng tên tôi cũng đã được gọi và phần thưởng hạng nhất của tôi là một xấp giấy 100 trang, cùng với loại giấy mà chúng tôi học hàng ngày, một cái bút chì, một bút viết, cùng một bình mực tím nhỏ. Phần 0thưởng hạng nhì thì thiếu mất cái bút viết và bình mực. Đến phần thưởng hạng ba thì chỉ còn có xấp giấy mà thôi. Phần thưởng tuy nghèo nàn, nhưng giá trị tinh thần rất lớn. Chúng tôi cũng rất hãnh diện là công dân tí hon đã góp phần trong công cuộc chống thực dân Pháp.
Năm sau, mẹ quyết định tôi phải đi học lúc chiều sau khi chăn trâu bò về và tan học đi thẳng về nhà để sáng sớm lo cấy lúa, bón phân làm các công việc đồng áng tương đối nhẹ.
Monday, February 27, 2012
Thương Nhớ 9
Tôi nhớ Vĩnh Long, lúc nắng tà.
Ra sông ngắm nước phủ bao la.
Quần xanh trên lộ, hình điềm đạm.
Áo trắng ven đường, bóng thướt tha.
Tôi thương Chợ Lách tự ban đầu.
Đò chở qua kinh, vượt nước sâu.
Giá đẹp, trai thanh làm dễ mến.
Hàm Luông, sông Cổ nước pha mầu.
Tôi mến Tân Thiềng quê vợ tôi.
Về đây làm ruộng lúc tàn đời.
Lúc thì đi cấy, khi đi gặt.
Ấm cúng vợ con ở cạnh người.
Tôi nhớ Phụng Châu, trọ lúc đầu.
Có cầu Bò Cạp vượt kinh sâu.
Vườn cây lắm trái; sông nhiều hến.
Nhà sách Nam Cường, ở khá lâu.
Tôi nhớ Bến Tre có bóng dừa.
Những cô gái nhỏ dáng ngây thơ.
Thẹn thùng đứng nép bên hàng dậu.
Để mãi ôm hoài một giấc mơ.
Nam Bắc du kí bài 67
Vài tháng sau, mẹ tôi nhận thấy sự bất tiện trong việc học của Cẩm Dung, và hơn nữa công việc nhà quá nhiều nên bà quyết định cho nó ở nhà. Còn tôi thì đi học nhưng về nhà mỗi sáng để làm việc.
Tôi muốn đi và về cùng ngày nhưng cả làng chỉ có mình tôi đi học lớp đêm, nên mẹ tôi bắt tôi ngủ lại nhà bác Sanh sau khi tan học. Tôi không chịu ngủ tại đó vì sợ đòn, tuy rằng tôi biết bác thương tôi lắm.
Để giải quyết những khó khăn đó, mẹ tôi đem tôi sang một người bạn của bà cũng cùng xã Tứ Trụ, để tôi ngủ nhờ.
Sau khi chào hỏi xong, mẹ tôi đem đề tài chính ra nói chuyện.
Hai vợ chồng chủ nhà rất e dè:
- Thú thật với chị, chúng tôi chẳng biết để cháu ngủ ở đâu? Nhà tôi chỉ có hai cái giường cho vợ chồng con cái mà thôi.
Mẹ tôi thất vọng:
- Thôi nếu vậy tôi cũng chẳng dám làm phiền anh chị. Tôi đi tìm nơi khác cho cháu.
Bà nhìn tôi, xong quay sang hai vợ chồng người chủ nhà:
- Thôi tôi xin phép anh chị.
Tôi cảm thấy rất buồn vì phải trở về nhà bác Sanh để ngủ.
Vừa khi đó có hai đứa nhỏ chạy ra chào khách. Tôi rất ngạc nhiên là vì hai đứa bé đó chính là Tuyết và Nguyệt.
Chúng nó rất vui mừng khi thấy tôi.
Cả hai cùng reo lên:
- Anh Hiệp!
Tôi hỏi:
- Nhà hai em đây sao?
Mẹ tôi và vợ chồng người chủ nhà rất ngạc nhiên nhìn chúng tôi.
Nguyệt nói:
- Anh lại đây làm gì?
Tôi đang ầm ừ vì chẳng biết giải thích ra sao thì Tuyết đã giới thiệu tôi với bố mẹ chúng:
- Ba, mẹ! Anh Hiệp chính người đã bảo bọc chúng con khi bị mấy thằng con trai du côn làng Diên Hào chọc, mà tụi con đã kể cho ba mẹ nghe.
Vợ chồng người chủ nhà trố mắt nhì tôi, rồi họ nhìn nhau, và thay đổi ngay thái độ.
Một chặp sau người vợ chỉ ghế về bộ bàn, ghế tràng kỷ nói:
- Nếu cháu chịu ngủ ở cái ghế trường kỷ cũ để trước hàng hiên thì chúng tôi đồng ý để cháu lại đây. Chẳng hiểu ý chị và cháu thế nào?
Mẹ nhìn tôi dò xét.
Tôi gật đầu, vì như vậy còn sướng hơn bị đòn.
Kể từ hôm đó tôi đi học về cùng hai đứa bé đó, rồi mắc cái màn ở ghế để ngủ. Khổ một nỗi, cái màn thì lớn mà cái ghế thì nhỏ, cho nên mỗi khi tôi trở mình cái màn lại bung ra. Mấy con muỗi đói mắc dịch theo chỗ hở chui vào, và cứ tấn công tôi hoài, vì vậy cả đêm tôi vừa ngủ vừa đập muỗi bành bạch.
Một đêm, tôi đang mơ mơ màng màng thì đột nhiên có người lay tôi dậy. Trong đêm tối, tôi nhận ra dáng bác trai chủ nhà.
Bác ôn tồn nói:
- Hiệp! Con theo bác vào đây ngủ. Con ngủ ngoài này nhiều muỗi quá.
Có lẽ bác nghe tiếng tôi đập muỗi quá nhiều nên đã ra gọi tôi vào.
Tôi đi theo bác vào trong nhà.
Bác chỉ cho tôi cái giường lớn đã có màn:
- Cháu lên giường ngủ đi! Kể từ nay cháu cứ vào đây mà ngủ.
Tôi vào trong màn thì thấy Tuyết, Nguyệt đang ngủ trên ấy. Tôi nằm xuống chân giường, vì chúng tôi còn nhỏ và giường rộng nên ngủ rất thoải mái.
Ngày hôm sau trở đi, tôi khỏi phải mắc màn nữa. Ngủ được vài đêm, tôi nhận thấy hai cô bạn tôi đêm nào về cũng hay cự nự, cấu véo nhau. Và cuối cùng hai đứa nghĩ ra một giải pháp để tránh sự cấu véo là để tôi nằm ở giữa.
Sunday, February 26, 2012
Thương Nhớ 8
Tôi nhớ quận Năm, thủa sáu mươi (1960).
Vét mương, đão rãnh, giúp cho người.
Việc làm xã hội nơi nghèo khó.
Diệt muỗi, tiêu trùng lúc thảnh thơi.
Lạc quyên cứu lụt, giúp người dân.
Xin quần, xin áo, màn chăn cũ.
Làm sự đau thương bớt một phần.
Tôi nhớ nhà tù nhà tù trại Cộng Hòa.
Đêm nằm như cá, chật người ta.
Giữa khuya, bỗng có người kêu gọi.
Bịt mắt đưa đi để tấn tra.
Tôi nhớ Mỹ Tho có cầu Quay.
Lạc Hồng đã ghé biết bao ngày.
Bến đò tấp nập người lên xuống.
Cô gái mỹ miều lắm kẻ say.
Nam Bắc du kí bài 67
Nhiều người lớn và cô giáo mở cửa chạy ra. Tụi côn đồ ù té chạy mất.
Kể từ hôm đó, tôi biết rằng có nhiều sự nguy hiểm chờ đón chúng tôi sau khi tan học. Tôi phải nghĩ ra một giải pháp nào để đưa ba đứa con gái về nhà an toàn. Sau khi tan trường, tôi ba chân bốn cẳng chạy đến đón ba đứa con gái rồi cùng nhau chạy trước.
Mấy tên côn đồ hét báo động cho nhau:
- Tụi bay ơi! Thằng chó dẫn mấy đứa con gái chạy mất rồi. Mau mau đuổi theo!
Mấy tên đó không dám đuổi tụi tôi khi lẻ bọn, nhất là đã từng chứng kiến cảnh tôi nện tên đầu xỏ hôm trước. Chúng phải chờ hết cả đám mới đuổi theo, vì vậy chúng tôi đã chạy được một khúc rồi. Khổ một nỗi, mấy đứa con gái chạy quá chậm, chỉ một lúc sau là tụi tôi nghe tiếng bọn côn đồ la hét sau lưng.
- Bắt tụi nó lại! Bắt tụi nó lại, bây ơi!
Tôi biết chỉ còn một khoảng khắc nữa là mấy thằng giặc cạn sẽ đuổi tới. Khi chạy qua một ống cống lớn, đột nhiên tôi nẩy ra một kế. Tôi dẫn ba đứa con gái xuống rãnh nước, rồi thổi tắt đèn, chỉ chừa lại một cái, và chui vào ống cống. Ống cống này đường kính độ 1 thước tây, dùng để nước có lối thoát. Vì vậy ống cống cũng chẳng mấy gì là sạch, và mùi vị thì cũng chẳng mấy dễ ngửi. Tuy cống nhỏ, nhưng cũng đủ để cho tụi tôi xúm xít co ro trong ấy. Chúng tôi lấy sách vở che kín ngọn đèn sáng duy nhất còn lại, để ánh sáng không léo ra ngoài.
Một chút sau, chúng tôi thấy ánh đèn lấp lóe, nghe tiếng chân chạy thình thịch trên đầu, rồi nghe tiếng hét inh ỏi:
- Chạy nhanh lên bay ơi!
- Mấy đứa con gái sao chạy nhanh quá vậy?
Đợi thêm một chút khi tiếng hò hét xa dần, tôi kéo ba đứa con gái ra khỏi ống cống, thắp lại các đèn đã tắt, rồi thủng thẳng đi về. Xa xa còn thấy ánh đèn lập lòe và tiếng hò của bọn du côn còn theo gió vọng lại: "Trời mưa...Hò, ơi hò"
Vài ngày hôm sau, trường cho tan học sớm.
Bác cả Sanh thấy tụi tôi về sớm, bác gọi:
- Hiệp! Dung! Đem sách vở lên đây bác xem!
Bác tôi là người rất nghiêm khắc. Ông muốn tôi trở nên người, và theo cái quan niệm cổ thì: "Thương cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" nên càng đánh đòn là càng thương. Tôi biết giờ hành tội của tôi đã tới.
Cứ mỗi lần, các bác tôi hay bố tôi mà xét vở là tôi bị ăn đòn. Tội thứ nhất là viết chữ xấu, vì ngày ấy quan niệm các cụ muốn học giỏi là phải văn hay chữ tốt. Tội thứ hai là sách vở bẩn thỉu. Thêm vào đó giấy tờ thời kháng chiến viết một trang thì thấm đến ba trang bên dưới và cái ngòi viết lá tre lâu lâu lại rè, thành thử quyển vở của tôi chỉ có tôi có thể đọc nổi.
Bác tôi đeo kính lên, ra ngồi ở bộ tràng kỷ. Hai đứa tôi khúm núm đưa sách cho ổng. Ông lấy quyển vở của Cẩm Dung đọc trước làm tôi càng lo hơn.
Xem một hồi, ông gật gù:
- Kể ra thì viết chữ cũng được, sách vở khá sạch. Này cầm lấy.
Cẩm Dung đưa hay tay đón lấy quyển vở, có lẽ nó mừng húm.
Tôi nghĩ chữ của nó có gì đẹp hơn chữ tôi đâu? Chắc là bác thiên vị con gái không nỡ đánh đòn, cho nên mỗi lần xét vở của nó là ông đều nói như vậy.
Ông cầm quyển vở của tôi lên. Tôi thấy mắt ông nhíu lại, mũi thì kịt kịt. Thôi rồi tôi chắc chết!
Ông quay sang tôi, trợn mắt:
- Hiệp! Sao vở mày bẩn quá vậy? bẩn hơn mấy lần trước, đã thế nó còn thối.
Ông quay sang bên kia cầm cây roi mây:
- Đưa tay ra!
Tôi chẳng biết giải thích cho ông thế nào về mấy quyển vở bị dơ. Thật ra hôm tôi đánh nhau với tụi du côn, mấy quyển vở bị mén xuống đất, và đường sá nông thôn thì rất nhiều trâu bò, nên mấy quyển vở trở nên rất dơ dáy mà lại còn có mùi.
Nếu tôi đem việc đánh nhau ra để trình bày thì còn bị đòn thêm về tội du đãng, vì câu chuyện dài và không biết cách giải thích sao cho ổn thỏa. Do đó tôi phải câm miệng để chịu đòn.
Ông nói:
- Vở dơ dáy!
- Vở hôi thối!
Mỗi lần nói, ông lấy roi dằn vào bàn tay tôi vài ba cái. Mỗi cái dằn đã làm tôi đau điếng, nhưng phải nhăn mặt chịu đựng chứ không dám khóc, vì con trai khóc là con trai hèn.
- Mày còn viết chữ xấu như gà bơi bếp. Viết như thế này thì sau này lớn lên chỉ đi hốt cứt.
Tôi nghỉ: “Bác nói đúng lắm. Đâu phải đợi sau này, ngay bây giờ mình đã hốt cứt rồi còn gì.”
Bác lại hét:
- Nào xòe tay ra.
Tôi xòe tay ra, nhưng lại thụt vào.
- Không! Xòe tay thẳng ra, lần này đáng năm roi, nhưng tao cho khất một một roi. Nhớ chưa?
Một ngọn roi làm tôi đau quặn, nhất là ngày mùa đông giá rét.
Chữ bác nói khất một roi có nghĩa là mai mốt bác khám lại thì sẽ cộng roi đó vào. Đây là bản án tù treo thôi và không có luật lệ gì bảo đảm.
Friday, February 24, 2012
Thương Nhớ 7
Tôi nhớ Biên Hòa với bưởi ngon.
Bửu Long, cảnh đẹp đá mươi hòn.
Đồng Nai chen chúc cùng cồn đảo.
Gia Kiệm chập chùng núi với non.
Tôi nhớ Trị An, thác nước trong.
Đá ong rải rác khắp trên giòng.
Tung tăng chạy nhảy trên ghềnh nước.
Cắm trại một phen đã để lòng.
Tôi nhớ Lái Thiêu vườn trái cây.
Về chơi vui thú đã nhiều ngày.
Chôm chôm, măng cụt tha hồ sực.
Đồ gốm bán nhiều cũng tại đây.
Tôi thương Bà Điểm, có vườn trầu.
Phổ biến vệ sinh cũng đã lâu.
Đào rãnh, khai mương cho kẻ khó.
Việc làm xã hội giúp cùng nhau.
Tôi nhớ Hóc Môn, đất cát vàng.
Đi làm thiện nguyện lúc hè sang.
Bình dân học vụ, đà cùng dạy.
Mù chữ diệt đi, dân mở mang.
Nam Bắc du kí bài 66
Đây là câu chuyện ở Tứ Trụ năm 1950:
Ở trường mới, Cẩm Dung làm bạn với hai cô bé cùng tuổi tên là Tuyết, và Nguyệt. Cả ba đứa đều trông kháu khỉnh, do đó các bọn học trò trai du côn trong trường thường hay chọc phá ba đứa đó. Đặc biệt là tụi du côn làng Diên Hào. Chúng có đến hơn 10 tên đầu trâu mặt ngựa, luôn luôn kéo nhau đi phá phách chọc ghẹo mọi người. Đa số bọn chúng đang học lớp nhất, nên cao lớn hơn tôi. Cả các thầy, cô giáo cũng sợ tụi nó. Chúng tôi đều nhận thấy mối nguy ấy nhưng chẳng biết phải đối phó bằng cách nào?
Mỗi đêm, sau khi tan học, tụi chúng nó đứng chờ bốn đứa tôi ở cổng trường, chọc phá ba đứa con gái. Chúng tôi đi trước thì chúng nó theo sau nói năng tục tĩu. Thấy chúng tôi cứ tảng lờ, chúng bèn hát hò.
Một đứa hò:
- Hò ơi.
Tời mưa đã ướt lá xung.
Đố ai lấy được cô Dung làng Dùn.
Cả cái miệng phụ họa:
- Hò ơi...hò.
- Hò ơi.
Trời mưa đã ướt lá khoai.
Đố ai lấy được cô Mai Diên Hào.
(Thanh Mai là tên chính của Cẩm Dung)
- Hò ơi...hò.
Chỉ tiếc rằng chữ Tuyết và chữ Nguyệt là hai vần trắc, nên chúng không đặt được câu hò theo thể lục bát.
Tuyết và Nguyệt đi với chúng tôi độ hơn nửa cây số, rồi tách một đường khác về nhà. May mắn cho tụi nó, mấy đứa du côn chỉ theo hai anh em tôi vì cùng đường về nhà.
Một đêm, tôi phải phụ cô giáo Huyên dọn lớp nên ra hơi trễ. Cô rất thương tôi, vì tôi chăm chỉ, nghe lời và học giỏi. Khi ra khỏi lớp, như thường lệ tôi tìm ba đứa con gái để về nhà. Hàng ngày, tụi nó thường đứng trước cửa lớp để chờ tôi, nhưng đêm hôm đó tôi tìm mãi mà chẳng thấy tụi nó đâu cả. Có lẽ chờ lâu quá nên chúng đã ra cổng. Cùng khi ấy, tôi nghe thấy tiếng cười hô hố ở trước cửa trường. Tôi linh cảm có chuyện lhông may, nên chạy ra cổng. Tôi thấy đó là đám du côn của làng Diên Hào. Mỗi đứa cầm một cái đèn dơ cao lên để nhìn cho rõ, bao vây ba đứa con gái cười nói lố lăng, nham nhở, tục tĩu.
Tôi vạch đám đông, chạy vào với ba đứa con gái.
Khi thấy tôi, một thằng hét:
- Ê! Mày vào đây làm gì?
Tôi biết rằng một mình tôi chẳng làm gì được cả đám côn đồ đó.
Tôi cười:
- Tôi xin các anh cho mấy đứa em tôi về.
Một thằng lớn nhất đám, có lẽ là thằng đầu sỏ, trên mặt có cái sẹo cười hô hố:
- Ha! Ha! Thằng kỳ đà nói dễ nghe nhỉ? Mấy đứa con gái này là của tụi tao. Đúng không tụi mày?
Cả đám nhao nhao như giặc dậy:
- Đúng! Đúng!
Tôi nói:
- Mấy anh làm ơn cho các em tôi về.
Thằng cầm đầu vênh vác:
- Về đâu?
Nói xong hắn chỉ vào ba đứa con gái, và tụi nó rồi tiếp:
- Con này là của thằng này. Con này là của thằng này. Còn con này là của tao. Mày không có phần. Ha! Ha! Ha!
Cả đám du côn cười phụ họa thật là khả ố.
Tôi lại nài nỉ:
- Khuya lắm rồi, các anh làm ơn cho tụi tôi về.
Nói xong tôi đưa cái đèn cho Cẩm Dung lấy tay vẹt đám đông, định dẫn mấy đứa con gái đi ra. Thằng cầm đầu trợn mắt nhìn tôi quát:
- Đi đâu? Đứng lại!
Nói xong y dơ tay xô tôi ngược trở lại.
Máu tôi đột nhiên sôi lên, tôi ném mấy quyển tập xuống đất, nhằm mặt thằng đầu sỏ phóng một quả đấm. Thằng đó té bật lại sau. Tên đó và cả đám bạn không thể ngờ tôi dám làm như thế trước cả đám tụi nó.
Chính tôi cũng ngạc nhiên, vì tôi không ngờ tôi có cái sức khỏe đó. Thật ra từ ngày nhà tôi về Tân Phúc, tôi thường xuyên làm việc lao động nên tôi khỏe hơn trước nhiều.
Mấy tên khác đỡ thằng đó đứng dậy. Tôi thấy mũi nó có bệt máu. Hắn phóng về phía tôi rồi dang tay đấm, nhưng tôi hạ thấp người xuống làm nó đấm hụt, và ôm ngang hông tên đó, quật nó xuống đất lần thứ hai.
Tất cả tụi nó hét lên:
- Đánh! Đánh thằng chó tụi bay ơi.
Thế là cả đám bu vào tôi đứa đánh, đứa đá túi bụi hột sen. Tôi thấy đau khắp nơi, nhưng cố sức cố vung tay đánh lại.
Ba đứa con gái hết bị bao vây, chạy ra ngoài vòng chiến kêu cứu inh ỏi:
- Bớ người ta cứu! Cứu!
Thursday, February 23, 2012
Thương Nhớ 6
Tôi nhớ Vũng Tầu, tỉnh lẻ loi.
Về đây, nếp sống chẳng đua đòi.
Chiều tàn, Bãi Trước ngừơi thưa thớt.
Sáng sớm, Bãi Sau cát ngập đồi.
Tôi nhớ Long Sơn đạo họ Trần.
Vũng Tàu đảo xã, chẳng bao dân.
Núi rừng, cây cối bao quanh biển.
Đường đến nơi này thật cực thân.
Tôi thương Long Hải nước trong xanh.
Cùng bạn đạp xe, buổi sáng lành.
Thăm viếng thỏa lòng vùng đất lạ.
Vũng Tầu đi đến tuổi còn thanh.
Tôi thương Nước Ngọt đá ven bờ,
Chen cát trắng phau đẹp tợ mơ.
Sóng vỗ nước xanh, đồi đá dựng.
Một lần ghé lại, chẳng phai mờ.
Tôi thương Bà Rịa, lúc đi thi.
Bồng bột, tình yêu tuổi dạy thì.
Yêu mến người ta đâu dám ngỏ.
Rồi tình bay mất, chẳng còn chi.
Nam Bắc du kí bài 65
Xe anh em về đến Tứ Trụ thì bóng đã bắt đầu ngả chiều. Đây tôi cũng theo học nhiều năm và cũng đầy kỉ niệm. Trong lúc gia đình đang lo mua mấy thứ ven đường, tôi xách máy ảnh phóng một mạch vào chợ. Chợ búa không còn tấp nập như xưa, lúc dân thành phố tản cư về đây sinh sống. Chợ nhìn tiêu điều hơn xưa với các lều tranh lụp xụp, nghèo nàn. Ngày xưa đây là chợ chính của mấy thôn: Tứ Trụ, Diên Hào, Tân Phúc, Đăng Lâu, Đăng Khoa, Tân Lâm…Nay không biết nó còn giữ vai trò quan trọng như xưa không?
Vì chiều, nên tôi không thấy một bóng người họp chợ, mà chỉ thấy vài con gà đang đi lang thang, kiếm vài vật rơi rớt, càng làm người đứng nhìn có cảm tưởng là một chợ hoang. Phố xá quanh chợ cũng tiêu điều lụp xụp.
Tôi ra bến đò ngang sang làng Đầm, một làng trù phú thời 1950, vì nơi đây không nằm trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, nên có nhiều nhà lầu, dân cư đông đúc, quán xá khang trang. Hồi cuối năm 1949 và đầu năm 1950, tôi và cô em gái đã sang đây, ngụ tại nhà bác cả, anh của bố, để học tiểu học. Hồi ấy bến đò này rất tấp nập, kẻ lên, người xuống như mắc cửi. Chúng tôi vẫn thường đi đò ngang để về thăm nhà trong các dịp lễ, hay hè. Bây giờ trước mắt tôi bến đò biến mất; tôi không thấy con đường xuống bến, và cũng không thấy ngừơi lên, xuống, mà chỉ thấy các vườn rau, đậu um tùm, còn cái đò ngang hình như theo thời gian đã trôi vào dĩ vãng.
Em gái tôi thời ấy là một cô bé tuổi, nên khi ở trọ nhà bác thì suốt ngày, ngoài giờ học ra, là khóc nhớ nhà
Nhìn cảnh hoang sơ làm tôi thấy mủi lòng:
Giờ đây Tứ Trụ thấy hoang tàn.
Bến vắng, đò ngang chẳng thấy sang.
Thấp thoáng làng Đầm, sao tới được?
Sông Chu nước chảy vẫn mênh mang.
Năm 1950, sau khi học được một thời gian ở đây thì bến đò bị máy bay Pháp dội bom. Bác tôi dọn nhà sang Tứ Trụ. Chúng tôi lại chuyển trường sang đây và lớp học cũng phải hoạt động về đêm.
Tại đất này đã ghi một kỉ niệm mà tôi chẳng bao giờ quên.
Wednesday, February 22, 2012
Súng thế kỷ 13 Tiếp theo
Trong quyển ĐVTNM tôi đã viết: “Trong quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400”, trang33, Stephen Turnbull có ghi lại đoạn mà sử gia Javaini đã viết và được dịch sang tiếng Anh: Quân Mông tăng cường oanh tạc thành phố và đá bay vào như mưa rào. Đội pháo bảo vệ trở nên hoang mang cực độ, lớp thì bị nghiền lớp thì bị nghiền nát [The northern army (Mongol) intensified the bombardment of the city and stones flew like rain showers. The crews (of the city’s own artillery) were put in terrible confusion and were partly crushed, partly pounded.]
Nhưng quân Kim cũng chống trả kịch liệt với bom sắt. Bài trên viết tiếp: “Các cục nặng của thành mà người ta gọi là Lôi Động Thiên Cung trả lời. Bất kì nơi nào của lính Mông mà bom bắn trúng, lửa bộc phát đốt người cháy như than.” [The heavy pieces in the city- they were called Heaven shaking thunder replied. Wherever the northern army was hit fires started that burned many people to cinders]”
Súng phóng đá của Nam Tống, Hình lấy từ “Cambridge Illustrated History of China” của Patricia Buckley Ebrey.
Trận đánh Nhật Bản cũng ghi tương tự và có hình vẽ.
“Ngoài cách đánh đội hình với mưa tên, Mông Cổ cũng còn dùng cả bom phóng ra từ các súng phóng (catapult). Theo Stephen Turnbull đã viết thì một họa sĩ Nhật tên Takezaki Suenaga đã vẽ lại cảnh Mông Cổ có loại súng này, tuy nhiên sách không có hình vẽ[1]. Họa sĩ Takezaki Suenaga vẽ cảnh này sau khi Mông Cổ xâm lăng vài chục năm. Ông Stephen Turnbull cũng viết lại một người chứng kiến tả lại cảnh một những bom được ném ra như sau: Những trái bom sắt cực mạnh được ném ra và lăn xuống đồi như các bánh xe, ầm ầm như sấm động, nhìn giống như các ánh sét (These mighty iron bom were flung and rolled down the hills like cartwheels, sound like thunder and looked like bolts of lightning.)”
Hình đánh nhau ở Nhật với trái bom phát nổ.
Lúc tấn công Tương Dương, Mông Cổ lại chế ra các Trebutchet.
"Mông Cổ lại phải tìm cách khống chế. Các kĩ sư gốc Á Rập được quy tụ về Krakorum chế tạo vũ khí mới. Sau một thời gian họ làm ra một loại súng bắn đá hay bom mới (trebuchet -Hồi pháo). Chính Hốt Tất Liệt đã đến chứng kiến các cuộc kiểm tra và thử loại súng này. Các tài liệu sử vẫn không nói rõ ràng súng được thiết kế như thế nào, nhưng theo một tài liệu đã viết lại 30 năm sau, mà tác giả Stephen Turnbull ghi lại ở trang 63, quyển Genghis Khan & the Mongol Conquest đoạn sau: Khi xạ thủ muốn ném một vật ra xa hơn thì họ thêm vật nặng vào phần trọng đối và rời cần ra xa hơn. Khi muốn ném đến gần thì họ rời cần vào gần điểm tựa hơn. (When [the artillerist] wanted to hurl them to a greater range, they added weight to counterpoise and set it further back; when they needed only a shorter distance, they set it forwads, nearer [the fulcrum])
Chúng tôi dùng các tài liệu thu lượm khắp nơi từ sách vở đến các trang website thiết kế lại một trebuchet (Hồi pháo) đơn giản dưới đây:
Thiết kế này chỉ chú trọng tới nguyên tắc phóng đá mà thôi.
Theo các tài liệu về trebuchet (Hồi pháo) thì muốn phóng một vật đi xa khoảng 100 mét thì đối trọng phải nặng gấp 100 lần vật phóng. Như vậy muốn phóng vật nặng 100 kg vào thành các xa nơi đặt súng 100 mét thì đối trọng phải nặng tới 10000 kg. Theo thiết kế nguyên thủy của trebuchet (Hồi pháo), thì phần đối trọng là một cục đá hay kim loại.
Hình một trebuchet (Hồi pháo) nhìn từ trước tới
(thiết kế trên solidworks)
Hình một trebuchet (Hồi pháo) nhìn từ sau tới
(thiết kế trên solidworks)
Các giai đoạn để phóng đá:
Kết quả Tương Dương thất thủ bởi súng này, sau 5 năm kháng cự.
Từ những dẫn chứng trên thì súng quả thật không nòng.
Đến thế kỷ 14 thì người ta mới làm ra súng có nòng và thế kỷ 15 khi mà Hồ Nguyên Trừng làm thì tôi nghĩ súng này khác với súng thời thế kỷ 13 của MC, TQ hay Kim.
Trên blog của tôi, tôi sẽ đăng một số hình súng của thế kỉ 14 và 15.
Tôi mong quý vị nào tìm ra hình ảnh súng của Nhà Minh thì mới sác định được chính xác.
Các súng thế kỉ 14
Các súng thế kỉ 15:
[1] Có thể là hình vẽ mà tôi down load từ internet trang trước.
Subscribe to:
Posts (Atom)