Xe anh em về đến Tứ Trụ thì bóng đã bắt đầu ngả chiều. Đây tôi cũng theo học nhiều năm và cũng đầy kỉ niệm. Trong lúc gia đình đang lo mua mấy thứ ven đường, tôi xách máy ảnh phóng một mạch vào chợ. Chợ búa không còn tấp nập như xưa, lúc dân thành phố tản cư về đây sinh sống. Chợ nhìn tiêu điều hơn xưa với các lều tranh lụp xụp, nghèo nàn. Ngày xưa đây là chợ chính của mấy thôn: Tứ Trụ, Diên Hào, Tân Phúc, Đăng Lâu, Đăng Khoa, Tân Lâm…Nay không biết nó còn giữ vai trò quan trọng như xưa không?
Vì chiều, nên tôi không thấy một bóng người họp chợ, mà chỉ thấy vài con gà đang đi lang thang, kiếm vài vật rơi rớt, càng làm người đứng nhìn có cảm tưởng là một chợ hoang. Phố xá quanh chợ cũng tiêu điều lụp xụp.
Tôi ra bến đò ngang sang làng Đầm, một làng trù phú thời 1950, vì nơi đây không nằm trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, nên có nhiều nhà lầu, dân cư đông đúc, quán xá khang trang. Hồi cuối năm 1949 và đầu năm 1950, tôi và cô em gái đã sang đây, ngụ tại nhà bác cả, anh của bố, để học tiểu học. Hồi ấy bến đò này rất tấp nập, kẻ lên, người xuống như mắc cửi. Chúng tôi vẫn thường đi đò ngang để về thăm nhà trong các dịp lễ, hay hè. Bây giờ trước mắt tôi bến đò biến mất; tôi không thấy con đường xuống bến, và cũng không thấy ngừơi lên, xuống, mà chỉ thấy các vườn rau, đậu um tùm, còn cái đò ngang hình như theo thời gian đã trôi vào dĩ vãng.
Em gái tôi thời ấy là một cô bé tuổi, nên khi ở trọ nhà bác thì suốt ngày, ngoài giờ học ra, là khóc nhớ nhà
Nhìn cảnh hoang sơ làm tôi thấy mủi lòng:
Giờ đây Tứ Trụ thấy hoang tàn.
Bến vắng, đò ngang chẳng thấy sang.
Thấp thoáng làng Đầm, sao tới được?
Sông Chu nước chảy vẫn mênh mang.
Năm 1950, sau khi học được một thời gian ở đây thì bến đò bị máy bay Pháp dội bom. Bác tôi dọn nhà sang Tứ Trụ. Chúng tôi lại chuyển trường sang đây và lớp học cũng phải hoạt động về đêm.
Tại đất này đã ghi một kỉ niệm mà tôi chẳng bao giờ quên.
No comments:
Post a Comment