Vài tháng sau, gia đình bác Thừa hồi cư về Nho Quan, và như thế tôi mất đi một người bạn thân là Trụ. Gia đình tôi vẫn chờ đợi mấy người bà con từ Ninh Bình vào.
Một hôm, mẹ gọi tôi lại:
- Cẩm Hiệp! Nhà mình sắp sửa dọn nhà lên Tân Phúc. Ngày mai sẽ có một người đến đây đèo xe đạp đưa con lên Đại Đồng. Con sẽ ở nhà anh Côn, chờ mợ. Hai, ba ngày sau, mợ sẽ ghé đón con tại đó.
Tôi hỏi:
- Tại sao mợ không để con ở nhà?
- Con đừng hỏi lôi thôi. Mợ không muốn vì con mà bận thêm, trong khi nhà bừa bộn công việc.
Tôi chẳng muốn rời khỏi mẹ chút nào, vì nếu có chuyện gì không may xảy ra tôi sẽ sống với ai? Nhất là trong thời gian đầy bom đạn như hiện tại thì điều này xẩy ra dễ dàng. Nhưng nghĩ đến thú cỡi trâu và tránh phiền phức cho mẹ, tôi buộc lòng im miệng.
Sáng ngày hôm sau có một người đàn ông, có lẽ mẹ tôi thuê, đi xe đạp đến nhà, rồi chở tôi lên nhà anh Côn ở Đại Đồng. Anh Côn là người con trai trưởng của bác Sanh, anh cả của bố tôi. Anh gọi bố tôi bằng chú. Tuy vai vế chênh lệch, nhưng anh chỉ kém bố tôi vài ba tuổi mà thôi.
Còn riêng về Đại Đồng, đó là một thị trấn nhỏ nằm cạnh sông Nông Giang lớn. Sông này là sông đào, bề ngang độ hai, ba mươi thước, bắt nguồn từ đập Bái Thượng thuộc thượng nguồn sông Chu . Sông Nông Giang lớn không những là nguồn dẫn thủy nhập điền chính của Thanh Hóa mà còn là huyết mạch lưu thông từ thị xã lên các làng mạc hai bên sông này.
Vợ chồng anh Côn đối với tôi rất tốt, tuy nhiên tôi vẫn buồn vô hạn. Tôi nhớ mẹ, nhớ chị em tôi. Chẳng có gì thay thế được tình mẫu tử, ruột thịt. Hằng ngày tôi đi ra, đi vào nhìn cái đồng hồ quả lắc treo trên tường và cầu mong cho thời gian trôi mau.
Trưa ngày thứ nhì, máy bay tấn công một nơi nào đó ở hướng nhà tôi. Tôi lo sợ nhưng chẳng dám hé miệng. Ăn cơm chiều xong, tôi lững thững một mình ra cầu Đại Đồng ở sông Nông Giang. Đây là một cầu xi măng, rộng đủ cho một xe hơi đi qua, và cách nhà anh Côn độ 200 thước. Đứng trên cầu nhìn về quê nhà, lòng cầu xin cho gia đình tôi được yên lành.
Ngày thứ ba, ngày cuối cùng mà mẹ hẹn gặp tôi ở đây. Tôi đoán mẹ và chị em tôi sẽ đến đón tôi. Ngồi lì ở ngưỡng cửa nhìn về phía cuối đường với hi vọng nhìn thấy những hình bóng thân yêu của tôi. Lâu lâu tiếng "boong, boong" của cái đồng hồ quả lắc điểm giờ làm tôi thêm nóng ruột.
Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu mà tôi vẫn chẳng thấy ai tới đón. Tôi chán nản, và hi vọng đến chiều sẽ có sự thay đổi. Máy bay đến bắn phá rồi lại bỏ đi. Chiều đến, tâm hồn tôi trở thành tuyệt vọng. Tôi muốn bật khóc nhưng sợ mọi người chế riễu. Cũng như ngày hôm trước, ăn cơm chiều xong tôi lại ra cầu nhìn về phía làng Nấp. Tôi nghĩ mấy hôm nay máy bay Pháp không chừng bắn phá làng tôi và chẳng hiểu nhà tôi có bình yên không? Nếu chẳng may, tôi sẽ ra sao? Tôi ứa nước mắt, hối hận đã nghe lời mẹ đến đây một mình. Nơi đây vắng tanh, không ai lai vãng, nên tôi khóc nhưng chẳng ai thấy. Tôi tự nhủ thầm: "Ngày mai ta phải trở về Nấp tìm mẹ cùng chị em mình mới được."
Tối hôm ấy, tôi nói với vợ chồng anh Côn:
- Thưa anh chị, ngày mai em xin phép anh chị em về Nấp tìm mẹ em.
Anh Côn nhìn tôi an ủi:
- Em đừng vội vàng. Thím nói thím sẽ đón em, thì thế nào thím cũng tới. Em đừng sợ. Thôi thì hãy chờ thím thêm vài ngày xem sao.
Không còn cách nào hơn, tôi đành ở lại đó thêm vài ngày để chờ gia đình tôi. Ngày giờ trôi qua nặng nề với đầy nỗi nhớ nhà. Tôi chẳng còn muốn ăn cơm, vì miệng tôi thấy đắng. Cứ mỗi buổi chiều, tôi ra cầu sông để khóc thầm. Tôi không dám khóc trước mặt mọi người, vì tôi sợ người ta sẽ chế nhạo tôi là con gái.
Một tuần đã trôi qua, tôi vẫn chẳng thấy dấu hiệu nào của gia đình tôi cả. Tôi tự nghĩ nhất định là nhà tôi đã bị một tai biến gì rồi. Tôi phải trở về làng để tìm hiểu hư thực.
Chiều hôm đó, lúc mọi người ngồi xuống ăn cơm, tôi cầm chén cơm mà nuốt không nổi.
Chị Côn nhìn tôi ái ngại:
- Cẩm Hiệp! Sao không ăn đi? Mấy hôm nay chị thấy em ít ăn uống lắm.
Tôi ứa nước mắt:
- Em lo cho mợ em và các chị, em...
Tôi không thể nói tiếp vì cổ tôi đã nghẹn. Nếu nói tiếp tôi sợ tôi sẽ bật khóc.
Anh Côn an ủi:
- Chắc mai thím lên em ạ.
Tôi cố đè nén sự xúc động:
- Ngày mai,...em xin phép anh chị...cho em về Nấp...
Anh Côn ngắt lời:
- Em về bằng cách nào?
- Em đi bộ.
Cả hai anh chị Côn cùng bỏ chén cơm xuống, ngạc nhiên:
- Đi bộ?
Tôi quả quyết:
- Vâng, em...sẽ đi bộ.
Anh Côn nói:
- Em có biết từ đây về Nấp xa lắm không? Ngoài ra đường đi không phải là dễ. Người lớn đi còn có khi lạc, huống hồ là em mới mấy tuổi đầu làm sao mà đi được?
Tôi trấn an vợ chồng anh chị Côn:
- Hàng ngày, em ra đình làng coi bản đồ tỉnh Thanh Hóa. Em hay lấy than vẽ lại, vì vậy em biết đường đi. Còn đường xa thì em đi từ từ, rồi em sẽ tới nhà.
Anh chị Côn có vẻ hơi yên tâm:
- Vậy ngày mai thức dậy rồi chuẩn bị đồ đạc mà đi. Nếu thím ghé lại đây, anh sẽ nói thím chờ em.
No comments:
Post a Comment