Monday, February 6, 2012

Nam Bắc du kí bài 52

Tôi thấy mẹ tôi bước ra khỏi buồng, khêu ngọn đèn dầu lạc lớn hơn, bước đi, bước lại với vẻ mặt băn khoăn.



ĐÈN DẦU LẠC

[Loại đèn phổ thông của dân vùng kháng chiến. Đèn đựơc cấu trúc một cách đơn giản, gồm một đĩa sành đựng dầu đậu lạc (đậu phọng), một tim đèn bằng bấc. Để điều khiển đèn cháy sáng hay mờ hơn, người ta dùng một cây que để khơi bấc.]



Đến sáng ngày hôm sau, tôi thấy các người lớn xì sầm to nhỏ rằng tụi Tây đang tấn công lên Nga Sơn, một huyện gần huyện chúng tôi.

Mẹ gọi chúng tôi lại:

- Bắt đầu từ bây giờ, các con không phải đi học nữa. Riêng Hiệp phải học toán với cô Vấn. Mẹ đã nói chuyện với cô ấy về việc này rồi.

Kể từ ngày hôm ấy, tôi sang học toán với cô Vấn ở cạnh nhà. Cô Vấn là người em họ của bố tôi. Cô và chồng cô mới tản cư về đây từ Nam Định. Chỉ có 3 học sinh trong lớp đó là Trụ, Cự và tôi. Cô Vấn có một lối dạy học rất vui. Bà cho thi làm toán, nếu ai làm được nhiều điểm nhất thì được những người thua cõng đến sông Nông Giang rồi cõng về. Lúc đầu tôi phải cõng hai ông bạn nặng trình trịch, vì tôi là thằng ốm nhất, một cách khổ sở. Sau này tôi cố gắng nên được cõng nhiều hơn là bị cõng.

Các phi vụ tấn công của máy bay bất chợt giảm đi và câu chuyện Tây tấn công về làng cũng từ từ yên xuống theo thời gian.

Một buổi chiều, khi chúng tôi đang học toán thì đột nhiên nghe tiếng máy bay. Cô giáo và lũ học trò vắt giò lên cổ mà chạy ra hầm trú ẩn. Tiếng máy bay càng lúc càng gần. Tôi nhìn về phía có tiếng máy bay, thấy có 4 chiếc phóng pháo cơ đang lượn ngay trên đầu chúng tôi.

Tôi thò đầu lên ngó, vì máy bay lượn thật là ngoạn mục. Đột nhiên một chiếc máy bay đâm đầu phóng xuống như một con chim bói cá khổng lồ và mất hút sau lũy tre, tiếp sau đó là một tiếng nổ chát chúa vang lên. Tiếng nổ làm tôi khiếp vía, tôi vội thụt đầu xuống hầm. Các chiếc máy bay khác cũng theo vết chiếc đầu, thi nhau phóng xuống giội bom.

Tôi nghe những tiếng: "Nam mô a di Đà Phật, nam mô Quan Thế Âm Bố Tát" văng vẳng vang lên từ những hầm kế bên xen lẫn trong tiếng động cơ máy bay và những tiếng bom nổ. Tôi tự nghĩ: "Không biết khi nào thì máy bay sẽ ném bom xuống chúng tôi?" Tất cả chúng tôi đều sợ sệt chờ đợi và chỉ còn biết trông vào sự may rủi.

Một lúc lâu, tiếng máy bay càng lúc càng xa rồi nín bặt. Mọi người thò đầu ra khỏi hầm, nhìn nhau ngơ ngác. Chẳng ai biết máy bay Pháp đã ném bom ở đâu? Cho đến khi sự yên tịnh thật sự trở về, chúng tôi mới lóp ngóp chui ra khỏi hầm.   

Chiều tối hôm ấy, chúng tôi được biết rằng máy bay Pháp đã ném bom xuống chợ Quán Mật, một nơi cách xa chúng tôi khoảng 3 cây số.

Sau bữa cơm tối, mẹ tôi gọi:

- Cẩm Lý, Cẩm Dung, Cẩm Hiệp lại đây mợ dặn.

Thật ra chữ "Cẩm" () có nghĩa là gấm, tượng trung cho cái gì dẹp đẽ, ở đây chỉ dành để gọi cho con gái. Nhưng vì tôi là thiểu số trong nhà, nên tất cả bà con họ hàng đều gọi tôi là Cẩm Hiệp cho "đúng vận".

Chúng tôi quay quanh mẹ tôi để chờ đợi bà dặn bảo.

Mẹ tôi nói với vẻ nghiêm trọng:

- Từ nay trở đi, mỗi buổi sáng các con gói ghém chiếu, thức ăn rồi bế Cu Thắng ra núi Nấp để tránh bom. Cẩm Hiệp, Cẩm Dung phải nghe lời Cẩm Lý.

Các con nhớ chưa?

Chúng tôi trả lời:

- Dạ!

Miệng thì dạ, nhưng trong bụng thì tôi bắt đầu lo, vì chị Cẩm Lý là con người đối xử với Cẩm Dung và tôi rất tàn nhẫn. Chị ta thường lấy quyền làm chị đánh đập chúng tôi một cách vô cớ. Tôi sợ nhất là cái cốc (cú) của chị. Mỗi lần chị ta tức tối chúng tôi về một việc gì đó, chị ta lấy tay cốc lên đầu chúng tôi làm chúng tôi đau buốt cả óc.

Sáng ngày hôm sau, Cẩm Lý lấy một cái khăn lông để cuộn Cu Thắng; Cẩm Dung lấy cơm nguội, muối vừng (mè), nước mắm, trong khi đó tôi lo lấy chiếu và nước lọc. Lúc mọi việc đã hoàn tất, chúng tôi đi ra khỏi nhà, nhắm hướng núi Nấp trực chỉ.

Chúng tôi vượt qua sông Nông Giang nhỏ độ 100 thước thì tới một cái cổng đá xanh to lớn. Tại đây chúng tôi gặp Trụ và các chị em của y là Thoa, Thọ, Thảo, Thục. Thoa là chị của Trụ và cùng tuổi với Cẩm Lý. Hai người này chẳng ưa nhau chút nào. Nói cho đúng thì Cẩm Lý chẳng ưa ai cả.

Chúng tôi nối đuôi nhau đi quanh một cái hồ đầy hoa sen, hoa súng rồi đi vào sau lưng một ngôi chùa cũ kỹ nấp dưới những tàn lá um tùm của những cây đa cổ thụ. Ngay sau lưng ngôi chùa này là chân núi Nấp.

Khi chúng tôi đến chân núi, thì các hang núi đều bị chiếm cứ gần hết. Vất vả lắm chúng tôi mới tìm được một cái hang nhỏ.

Khi thấy hang, Thoa ra lệnh cho Trụ và Cẩm Lý ra lệnh tôi phải tiến chiếm hang. Trụ khỏe, nhanh hơn tôi nên đã chiếm được cái hang đó.

Chị Cẩm Lý tức tối hét:

- Hiệp! Mày đến vặn cổ thằng Trụ lấy lại cái hang cho tao.

Tôi lắc đầu tỏ vẻ chống lại cái mệnh lệnh đó. Có hai lý do khiến tôi không muốn đánh nhau với Trụ. Lý do thứ nhất là Trụ là bạn thân của tôi. Lý do thứ hai là tôi không phải là địch thủ của Trụ. Y béo (mập) và khỏe hơn tôi nhiều, nếu đánh nhau với y tôi chỉ rước cái họa vào thân.

Thấy tôi đứng yên như phỗng đực, Cẩm Lý nhẩy đổng đổng:

- Hiệp! Mày dám cãi lại tao hả? Để tao băm xác mày ra. Cẩm Dung! Bế cu Thắng cho tao!

Cẩm Dung đưa hai tay đỡ lấy Thắng. Cẩm Lý xông đến tôi, dang tay tát vào má tôi, rồi dơ tay cốc vào đầu tôi. Cái cốc đó làm tôi đau điếng, buốt tới óc. Tôi ù té chạy trốn.

Cẩm Lý la hét sau lưng tôi:

- Cẩm Hiệp! Lại dây!

Tôi cứ đứng ỳ một chỗ, vì biết rằng nếu tôi đến đó thì sẽ bị ăn đòn thêm.

Biết rằng chẳng làm gì được hơn, Cẩm Lý đổi chiến thuật:

- Cẩm Hiệp! Đi tìm một cái hang khác cho tao.

Tôi nghe theo lời đó, chạy quanh quẩn tìm một nơi để trú ẩn. May mắn thay, sau một lúc tìm kiếm, tôi thấy một cái hốc nhỏ do mấy cục đá thật lớn chồng lên nhau. Cái hốc này cũng tạm đủ cho chị em chúng tôi tránh bom đạn. Tôi và Cẩm Dung trải cái chiếu, rồi tất cả chúng tôi ngồi xuống đó chờ đợi.

Mặt trời đã lên cao mà chưa thấy có chuyện gì xẩy ra, mấy đứa con nít như tôi ra khỏi hang chơi trốn tìm. Đến chiều tối thì chúng tôi kéo nhau về.

Ngày hôm sau, chúng tôi lại tái diễn vở tuồng cũ. Chúng tôi cũng ra tranh hang, nhưng Thoa, Trụ cũng đã chiếm mất rồi. Cẩm Lý lại ra lệnh tôi tái chiến với Trụ, còn Cẩm Dung vật nhau với Thọ. Để tránh bị đòn oan, tôi đến vật nhau với Trụ, nhưng tụi tôi đã bàn nhau trước, chúng tôi chỉ vật cụi thôi, và cuối cùng thì tôi cũng giả vờ thua. Thật ra nếu tụi tôi có vật thật thì tôi cũng thua thật. Đối với Cẩm Dung, nó là một đứa bé gái yếu đuối thì chẳng phải đối thủ của Thọ. Chẳng có lối thoát nào hơn, chị em tụi tôi lại trở về tổ cũ và từ đó chúng tôi chấp nhận "xin nhận nơi này làm quê hương".

No comments:

Post a Comment