Ngày hôm kế tiếp, sau khi thức dậy tôi gói mấy bộ quần áo của tôi lại rồi từ giã anh chị Côn ra đi. Chị Côn đưa tôi một gói cơm nắm với muối vừng.
Tôi vượt qua một quãng đường nhựa thì tới Rừng Thông và để tránh nhàm chán tôi vừa đi vừa lượm mấy cục đá mầu ở chân đồi bỏ vào túi. Rừng Thông là một thị trấn có vài phố buôn bán khá tấp nập. Ngay đầu thị trấn có mấy quả đồi thoai thoải, mà trên đồi toàn là thông, nên thị trấn có tên đó. Trên đồi còn có rất nhiều đá vôi mềm, nhiều mầu sắc, rất tốt cho việc hội họa. Tôi rất thích vẽ, nên lượm về sau này dùng. Sau khi qua khỏi đây, tôi đi theo con đường bên cạnh sông Nông Giang để đi về nhà. Sở dĩ tôi chọn đường này là vì tôi đoán nếu mẹ tôi dọn nhà thì phải dùng thuyền, mà thuyền thì sẽ phải dùng sông Nông Giang để lên Tân Phúc. Tôi sợ khi tôi đi về nhà thì mẹ tôi đi lên, cho nên mỗi khi thấy một chiếc thuyền lớn đi ngược chiều là tôi nhảy lên tưng tưng, la hét ỏm tỏi với hi vọng nếu có mẹ và chị em trên thuyền thì sẽ nhận ra tôi. Mỗi lần như vậy, những người chèo đò và khách hàng đều quay lại nhìn tôi cười ồ. Có lẽ họ cho tôi là một thằng khùng nào đó.
Vừa đi, tôi vừa lo sợ mẹ đem nhà đi lên Tân Phúc bằng con đường khác, như vậy sự đi về của tôi sẽ trở thành rắc rối to. Trong trường hợp đó, tôi phải sống với ai? Bác Dụ hay Bác Bích. Có một điều chắc chắn là dù hai bác có thương tôi mấy đi nữa cũng không thể bằng mẹ tôi.
Đến trưa, tôi gặp một đập nước nhỏ. Đập này ngăn nước để đưa vào một con kinh nhỏ. Tôi ngừng lại dưới một gốc cây, đem cơm nắm, muối vừng ra ăn. Tôi nghĩ con kinh này chính là sông Nông Giang nhỏ. Nếu tôi đi theo bờ sông này thì sẽ về nhà sớm hơn, cũng như bớt mỏi chân hơn, nhưng như thế tôi sẽ không gặp được gia đình tôi ở dọc đường.
Cơm xong, tôi nghỉ một lúc để tránh nắng rồi lại tiếp tục theo dọc sông Nông Giang lớn ra đi, tuy là rất mỏi mệt. Tôi thầm nghĩ: " Mình phải về nhà càng sớm càng tốt. Vậy hãy cố gắng lên, dù mỏi mệt mấy cũng phải vượt qua." Đi mãi trên con đường đó cho đến khi gặp sông Nấp. Kể từ nơi đó không còn đường đi theo bờ sông, tôi bắt buộc phải dùng đường làng để đi về nhà.
Núi Nấp ngày nay
Đến chiều, tôi về đến đầu làng. Tôi mừng rỡ vô cùng khi thấy làng an toàn không có dấu hiệu của một cuộc oanh tạc của máy bay. Lòng tôi hớn hở hơn khi nghĩ được đoàn tụ với gia đình.
Tôi chợt thấy một đám đông tụ lại ở ngã ba sông. Nơi đây chỉ còn cách nhà khoảng một cây số. Vì tính hiếu kỳ, tôi cũng len vào đó để coi. Thì ra đó là một cuộc đấu vật giữa một lực sĩ địa phương và một lực sĩ người Nghệ An. Tôi say mê xem hai lực sĩ da đen bóng như đồng đen, gân cốt nổi lên cuồn cuộn, đang hì hục vật nhau. Tôi cố gắng ghi nhớ lại những thế gài tay, bắt chân để làm địch thủ mất thăng bằng.
đấu vật
Khi trận đấu gần tan, mặt trời chỉ còn cách chân trời hai cây sào. Lúc bấy giờ, tôi chợt nhớ lại cái nhiệm vụ quan trọng của tôi. Ba chân bốn cẳng, tôi chạy như điên về nhà. Khi chạy qua chợ Hôm, tôi đã mệt lả, thở chẳng ra hơi, nhưng cố gắng chạy về nhà.
Khi về đến nhà thì than ôi cửa đóng then cài, nhà cửa vắng tanh.
Tôi la hét như điên:
- Mợ ơi! Mợ ơi! Chị Cẩm Lý, Cẩm Dung ơi!
Chẳng một tiếng trả lời. Tôi chạy vòng ra sân sau hi vọng sẽ tìm gặp mẹ, hay chị em còn lại, và cùng lắm sẽ gặp được cô, dì nào đó. Nhưng hoàn toàn vô vọng, Tôi chẳng gặp một ai cả, chẳng lẽ tất cả bà con láng giềng đều tản cư rồi sao? Hay mẹ đã đưa chị em mình lên Tân Phúc rồi? Mà họ lên lúc nào chứ? Lúc mình rẽ vào sông Nấp? Hay lúc mình coi đấu vật?
Tôi không kìm được sự xúc động, nước mắt tôi trào ra. Tôi nhớ lại những câu chuyện mà mẹ kể về những đứa bé mồ côi, và không ngờ một đứa bé ấy bây giờ lại chính là tôi. Tôi lại trở về cửa chính nơi mà mẹ tôi cân gạo hàng ngày, ngồi thút thít một mình, hối hận là đã xem trận đấu vật mà nên nỗi này.
Đột nhiên có tiếng bác Dụ hai, mẹ của Cự vang lên:
- Ô kìa thằng Cẩm Hiệp! Sao cháu còn ngồi ở đây? Cháu chạy ra bến đò xem mẹ cháu còn đó không? Nhanh lên không muộn mất!
Tôi mừng quá như chết đuối mà vớ được phao. Tôi quên cả lời chào và cám ơn bác, cắm đầu chạy về bến đò.
Dọc đường tôi gặp rất nhiều các anh chị em họ, con bác Dụ.
Mọi người la hét, cổ động:
- Hiệp! Chạy nhanh lên!
- Nhanh lên!
Tôi cắm đầu phóng hết sức dù là mệt đứt hơi.
Đến nơi, tôi thấy còn mình bác Dụ trai đang đứng ở bên bờ sông. Bác rất ngạc nhiên khi thấy tôi đột ngột xuất hiện.
Bác la lớn:
- Ô thằng Cẩm Hiệp! Sao mày ở đây? Ê thím Toàn! Cho đò ngừng lại! Thằng Hiệp còn đây này!
Lúc ấy, tôi thấy một chiếc thuyền lớn đang ở giữa dòng sông và đang sửa soạn khởi hành. Mẹ vội cho thuyền tấp lại vào bến để tôi lên. Mẹ cho tôi công việc đầu tiên là ngồi giữa mui thuyền, ôm cu Thắng vào lòng. Ôi hạnh phúc biết bao khi đoàn tụ cùng gia đình và êm ấm ngồi nhìn cảnh vật hai bên sông đang từ từ mờ dần trong bóng đêm.
Lúc ngồi đò đi ngược dòng sông Nấp tôi vẫn thấy luyến tiếc ngôi làng thơ mông này.
Tôi thương làng Nấp đẹp như mơ.
Bên cạnh sông con, cây phủ bờ.
Núi Nấp, núi Nhồi nơi trốn giặc.
Vọng Phu trên đỉnh, thấy bơ vơ.
Núi Nhồi ngày nay
No comments:
Post a Comment