Công viên Trần Hưng Đạo-Nam Định
(Wikipedia)
Lúc 10:30 sáng, xe chúng tôi lăn bánh trên quốc lộ 10 ra khỏi thành phố Nam Định, vượt cầu Tân Đệ bắc qua sông Hồng rồi vào địa phận tỉnh Thái Bình. Ngày xưa muốn đi từ Nam Định đến Quảng Yên thì đi qua phà lúc vượt các sông lớn, nhưng ngày nay các phà đã trở thành lỗi thời. Thay vào đó là các chiếc cầu khá tân kỳ.
Tỉnh Thái Bình có diện tích là 1567 km2, đứng hàng 54. Dân số là 1 triệu 8, hàng thứ 9 và có mật đông là 1183 dân/1 km2, đứng thứ 4. Tỉnh lỵ là thị xã Thái Bình.
Làng Lưu Xá, huyện Hưng Hà của tỉnh này là nơi sinh của Trần Thủ Độ, một ác nhân cũng là một nhân tài. Nơi đây còn là nơi sinh trưởng của thiên tài văn học Lê Quý Đôn. Tỉnh Thái Bình là một tỉnh tân lập. Thời vua Lê Thánh Tông vùng đất Thái Bình ngày nay thuộc trấn Sơn Nam. Đến cuối thời nhà Lê Trung Hưng sang đầu nhà Nguyễn, vùng này thuộc trấn Sơn Nam Hạ. Năm 1832, vua Minh Mạng cắt hai phủ Thái Bình, Kiến Xương nhập vào tỉnh Nam Định, cắt phủ Tiên Hưng nhập vào tỉnh Hưng Yên. Tỉnh Thái Bình được thành lập vào năm thứ hai niên hiệu Thành Thái nhà Nguyễn (1890), từ hai phủ Kiến Xương và Thái Bình của tỉnh Nam Định và lấy thêm huyện Thần Khê của phủ Tiên Hưng thuộc tỉnh Hưng Yên. Huyện Thần Khê lúc đó được nhập vào phủ Thái Bình, sau đó phủ này được đổi tên thành Thái Ninh. Đến năm 1894, hai huyện Hưng Nhân và Diên Hà, phần còn lại của phủ Tiên Hưng cũng được nhập về tỉnh Thái Bình từ Hưng Yên, và phủ Tiên Hưng được tái lập trực thuộc tỉnh Thái Bình. Như vậy lúc mới thành lập, tỉnh Thái Bình có 3 phủ là: Kiến Xương, Thái Ninh, Tiên Hưng, trong đó bao gồm 12 huyện.
Từ Nam Định đến Thái Bình thì hoàn toàn đồng bằng với các cánh đồng bát ngát. Đường đi thẳng tắp, hai bên bán rất nhiều ổi, và bánh cáy. Nhìn qua địa thế ta có thể biết ngay tỉnh này nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng nhất. Chúng tôi dừng xe, cho mấy bà mua các đặc sản cuả tỉnh. Ổi Thái Bình rất lớn và bóng, ăn khá ngon. Bánh cáy giống như bánh cốm, có nhân màu gạch cáy hay cua gì đó. Ăn cho biết chứ chẳng ngon gì lắm.
Đến trưa chúng tôi vượt con sông không lớn lắm nhưng lại có lịch sử nổi tiếng. Đó là sông Hóa, biên giới thiên nhiên của Hải Phòng và Thái Bình.
Khi Hưng Đạo Vương đem quân chuẩn bị đánh Nguyên Mông lần 3. Ngài đem voi qua sông Hương Hóa, vì lúc ấy nước ròng voi bị sa lầy chết. Binh sĩ xuống tinh thần. Ngài sợ binh lính nản lòng, nên đã chỉ vào giòng sông thề rằng: “Nếu ta không phá được quân Thát Đát, ta thề sẽ không trở lại dòng sông này nữa.” Nhờ thế tinh thần binh sĩ lại tăng lên. Vì sự tích này các pho tượng kỷ niệm ngài hầu như đều thấy ngài dơ tay chỉ vào nước. Ở bến Bạch Đằng Sàigòn hay công viên Trần Hưng Đạo, Vũng Tàu đều thấy như vậy.
Thái Bình nông nghiệp dồi dào.
Lời thề Hương Hóa đã vào sử xanh.
Chùa Keo, đền Hét vang danh.
Đồng Châu, Bách Thuận an lành vui chơi.
No comments:
Post a Comment