Wednesday, April 4, 2012

Nam Bắc du kí bài 90

            Xế chiều, xe vượt cầu Rừng, xưa kia là phà. Cầu này dài trên 3 cây số, bắc qua con sông lừng danh mà tôi đã viết, đó là sông Bạch Đằng. Con sông này là biên giới thiên nhiên của Hải Phòng và Quảng Ninh. Tiếc là không có thời gian để xuống ngắm con sông này mà hổi tưởng lại chiến công hiển hách của ông cha ta. Quanh đây thấy những núi nhỏ rải rác khắp vùng. Chiều tối, chúng tôi tới khách sạn Bưu Điện, thuộc Bãi Cháy, Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
         Quảng Ninh được thành lập năm 1963 với nền tảng là khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Tên tỉnh là ghép tên ghép hai địa danh ấy. Diện tích của toàn tỉnh Quảng Ninh là 8.239,243 km2. Trong đó diện tích đất liền là 5.938 km2, đứng thứ 21 và dân số 1 triệu 2 đứng hàng 31. Vùng đảo, vịnh, biển chiếm diện tích 2.448 km2. Vùng biển của Quảng Ninh có hơn 2000 đảo lớn nhỏ, trong đó có 1.030 đảo có tên, còn lại hơn một nghìn hòn đảo chưa có tên. Dân số của tỉnh là hơn 1 triệu đứng 34. Ngoài sông Bạch Đằng, thỉnh còn đảo Cái Bầu một phần của huyện Vân Đồn. Vân Đồn là một địa danh lừng tiếng, khi Trần Khánh Dư phá đoàn lương của Trương Văn Hổ chuyển từ Quảng Châu vào nước ta cho quân Mông Cổ. Đây là nguyên nhân chính làm quân Mông Cổ phải lo tháo lui, rồi bị đánh tan tành năm 1288.

Ở đây thì hết phải nói cảnh đẹp tuyệt vời. Cuối Bãi Cháy có ngọn núi cao cỡ núi Nhỏ Vũng Tàu, trên 150m, nhưng lừng danh: núi Bài Thơ. Thật ra núi có tên Truyền Dăng Sơn. Theo lịch sử thì ngày xưa, các triều ta có phân lính canh trên đỉnh núi. Nếu thấy giặc thì toán lính này phải đốt lửa để báo động, nên có tên ấy. Nhưng sau này vua Lê Thánh Tông và chúa An Đô Vương Trịnh Cương có đến ngoạn cảnh làm thơ nên núi đổi tên là núi Bài Thơ.
 
Bãi Cháy nhìn sang thành phố Hạ Long

Năm 1468, vào dịp mùa xuân, năm Quang Thuận thứ 9, đời vua Lê Thánh Tông, cháu nội của Lê Lợi, đưa quân đi tuần ở vùng biển Đông Bắc, có dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng, phía giáp với Vịnh Hạ Long, để uống rượu ngâm thơ. Xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của thiên nhiên, nhà thơ - nhà vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ gồm 56 chữ Hán.

Năm 1729 chúa An Đô Vương Trịnh Cương, một nhà thơ có tiếng thời Lê - Trịnh, cũng đem quân đi tuần qua đây. Ông cho đóng quân đồn trú dưới chân núi Truyền Đăng. Đọc thấy bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú cũng bằng chữ Hán. Tiếc rằng tôi không tìm đâu ra hai bài thơ này.

      Ngày ấy, chúng tôi muốn sang thành phố thì còn đi phà, nhưng chiếc cầu treo vĩ đại đang làm bắc từ đỉnh núi Bài Thơ qua vịnh để nối hai bờ cũng sắp hoàn thành.

Tuy nhiên có một rắc rối kèm theo mà nó là bài học cho các bạn muốn đi du lịch nơi đây phải chú ý.

Sáng hôm ấy, chúng tôi lên một chiếc thuyền khá lớn, dài khoảng 20 thứơc, rộng trên 4 thước, quá rộng cho nhóm chúng tôi. Thuyền khởi hành, và mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp. Hơn nửa sau, thuyền lọt vào giữa các hòn đảo tuyuệt vời. Riêng trong vịnh này có khoảng 1800 hòn đảo.

Theo huyền thoại thì ngày xưa có một con rồng mẹ thường hay đem một rồng con đến đây tắm. Một hôm, quân giặc đâu tràn đến dịnh đánh phá nước ta. Rồng mẹ lẫn rồng con đã đánh nhau với giặc, và đã đẩy lui quân xâm lược. Nhưng trong trận đánh nhau, rồng con cũng bị thương, nên không bay về trời được. Rồng mẹ quyết định ở lại bảo vệ rồng con, phòng ngừa quân xâm lược quay lại. Ngàn năm trôi qua, xương cốt của rồng mẹ lẫn rồng con hóa thành đá vỡ ra từng mảnh, mỗi mảnh chính là một hòn đảo ngày nay. Ngày 11-11-11 Hạ Long đã được một cơ quan quốc tế công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thế giới, sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Sáng ngày 24 tháng 12 anh em chúng tôi kéo nhau ra bến tầu thuê 1 chiếc tầu khá lớn đi quanh vịnh từ sáng. Trước khi đi tôi bàn nên mua bánh mì và các thứ ăn trên ghe để tránh rắc rối. Nhưng chẳng ai nghe vì muốn ăn đồ tươi giữa vịnh. Ý tôi là sợ bị bắt chẹt khi mình không biết giá cả ra sao.

Vì đa số quyết định, nên tôi phải phục tùng.

Trên phương diện lịch sử Hạ Long nhiều hang động ở Hạ Long được con Hưng Đạo Vương điều tra để làm kho chứa vũ khí chống Mông Cổ, mà tôi sẽ viết sau.

Quả tình danh bất hư truyền. Thuyền đi độ nửa giờ thì trước mặt hiện lên những hòn đảo liên tiếp nhau. Càng lúc các hòn đảo càng rõ, có các dạng khác nhau, thật đặc biệt. Các hòn ở xa thì lờ mờ trong sương làm cảnh nhìn thật mơ màng, huyễn ảo.
Quán bán hải sản tươi

Thuyền đi thêm mươi phút, trước mặt chúng tôi hiện ra mấy ngôi nhà sơn xanh lá cây lạt, nổi đênh đênh giữa vịnh, phía sau là các hòn núi nhỏ dáng dấp kỳ lạ. Vì còn khá xa nên sương phủ lờ mờ, làm cảnh thêm phần huyền họăc tường chừng không phải là thật mà tựa thiên thai. Người phụ tá tài công cho chúng tôi biết đó là các quán bán hải sản tươi. Nếu chúng tôi muốn ăn hải sản tươi trên thuyền thì họ ghé vào cho chúng tôi mua, và anh ta sẽ nấu món ăn tùy theo ý thích của chúng tôi. Đa số chúng tôi ai cũng thích được ăn món biển nóng trên biển khơi, dù là tôi can ngăn hết lời.

Thuyền cập vào một nhà nổi, và nhận thấy giá cả đắt hơn trong đất liền, nhưng mọi thứ còn bơi, nên cũng đáng đồng tiền bát gạo. Chúng tôi xuống chọn tôm, sò, cá, hến… còn đang bơi trong các thùng lưới bên dưới sàn nhà. Trong khi mấy người trong gia đình đi mua hải sản, tôi xách máy hình đi chụp lăng nhăng vì ăn không phải là ưu tiên của tôi. Cùng lúc ấy một cô bé khoảng 18 tuổi, tóc dài bơi một chiếc xuồng nhỏ đến; trên xuồng xuồng chứa hai đứa bé; một đứa mặc áo trắng một đứa mặc áo xanh. Cô ta xin tiền. Thấy hoàn cảnh cô ta, ai nấy cũng thương tình cho tiền. Cô ta cám ơn xong bơi thuyền đi khuất. Độ 10 phút sau, một chiếc xuồng lại bơi đến, trên đó cũng có một cô gái trạc tuổi, đầu vấn khăn, và hai đưá bé đang ngủ, quần áo khác màu và đội nón. Chúng tôi cũng cho tiền. Nhưng ngay lúc ấy tôi nói: “Cô đừng bịt mắt tôi nghe không. Cô bơi thuyền ra phía sau mấy chiếc thuyền lớn kia, thay quần áo rồi quay lại đây. Ai không biết, chứ tôi không bị gạt đâu.” Cô ta mắc cở bơi thuyền đi mất.

Trong khi ấy, nhóm chúng tôi; một người mua mấy con tôm tít; kẻ chọn một con cá mú…rồi đem cân. Lúc ấy chúng tôi mới té ngửa vì con cá khoảng trên 300 gram thì thành một ký. Bẩy tám con tôm cũng xấp xỉ khoảng ấy. Khi đang tranh luận với người bán thì anh chàng phụ tài công đã đập chết con cá, cắt đầu mấy con tôm. Chẳng lẽ chúng tôi không mua, vì lòng chẳng yên. Kết quả một chú cá nhòng trên 100 đô la…Ôi trời! Trong bữa cơm trên thuyền anh em vừa ăn vừa la lối um sùm vì tức mình bị gạt. Bực mình hơn nữa là chọn cá mú mà nói phụ tài công đem chiên thì thật ngớ ngẩn. Tôi đi đánh cá hồi năm 1976 đến 1981 nên bán cá nhiều lần. Các nhà hàng chỉ dùng cá mú để chưng ăn là ngon nhất, chứ chưa thấy ai ăn cá mú chiên. Chửi bị gạt chán rồi lại chửi cá mú ăn không ngon.

Tôi an ủi:

- Tại các người thích ăn đồ tươi nên chịu đi. Một lần trong đời người mà.

Thật là:

Hạ Long giữa vịnh bạn tôi ơi.

Bạn chém chúng tôi cụt cuộc đời.

Một chú cá nhòng hai triệu đó.

Ba cô tôm tít chín ngàn thôi.

                              VHKT 24-12-2005

Tôi mong rằng nhà cầm quyền làm cách nào để ngăn chặn cách làm ăn của các người này, để khỏi bị mang tiếng. Lắm khi, người này nói chuyện với người khác, họ chỉ nói dân Hạ Long như thế này, như thế nọ…quả tình không mấy tốt cho cả thành phố.

Hòn Gà Trọi
Chúng tôi được đưa đi xem hòn Gà Trọi. Hai hòn đá giữa biển khơi, nhìn như hai con gà đang đánh nhau; thật ngoạn mục. Sau đó đi xem các hang động thạch nhũ như hang Thiên Cung, Thẩm Báng...tất cả đẹp vô cùng. Các hang này đã có thời là căn cứ của hải tặc. Trước khi có cuộc kháng Mông, Hưng Đạo Vương đã sai con ra đây dẹp cướp biển và đổi các hang này thành chỗ chứa vũ khí.

No comments:

Post a Comment