Hà Tĩnh:
Tôi không biết thật sự mình đã được sinh ra sao, nhưng cứ theo lời bố mẹ nói đi nói lại là đã được sinh ra ở thị xã Hà Tĩnh. Khi ấy bố làm công chức cho người Pháp nên đã đi nhiều nơi, sau khi hai bố mẹ lập gia đình. Thị xã này cũng là nơi sinh của cô em gái tôi Cẩm Dung, kém tôi 1 tuổi.
Cái nhận biết của tôi đối với thành phố này là một ngôi nhà gạch, bên một con đường tráng nhựa và hai bên lề là cát đất chứ không vệ đường. Hai bên phố là các ngôi nhà gạch tầm thường, chỉ có tầng trệt không lầu, chạy dài hun hút. Ngôi nhà tôi có một nền cao hơn mặt đường ba bực thang. Trong óc tôi vẫn còn hiện rõ lên hình ảnh các buổi trưa nắng gay gắt, mẹ dắt chúng tôi ra thềm nhà mua hồng mềm. Người bán hồng đứng dưới lề đường, để rổ hồng lên thềm ba. Các trái hồng đỏ ối và ăn ngọt vô cùng.
Tôi nhớ nhiều buổi chiều ra hàng ba này nhìn người qua lại. Hình ảnh cái phố vắng, ít người qua lại với các chiếc xe đạp đơn sơ. Lâu lắm thì thấy một chiếc ô tô vụt qua, động cơ kêu inh ỏi, cát bụi mịt mù phía sau. Chỉ một thoáng chiếc xe biến mất ở cuối phố và sau lợp bụi vàng.
Sau nhà tôi là một cái vườn khá rộng với nhiều bể gạch vuông. Những bể này chứa vôi pha trắng, và theo thời gian nhiều nơi vôi đã đổi màu. Ngay cả bố, mẹ cũng không biết chủ ngôi nhà này dùng các bể vôi ấy làm gì. Đối với tôi thì đây là chỗ giải trí bằng cách lấy que quậy lên để thấy một lớp mây vôi vẩn đục trong nước ở bể.
Gần các bể vôi là nhà cầu, được xây lẻ loi bên ngoài và loại nhà cầu có thùng đựng phân bên dưới. Các thùng này lâu lâu có người đến mang đi thay vào một thùng khác. Vì vậy khi vào đây mùi chẳng được thoải mái mấy hay phải nói rất hôi, nhất là những ngày hè nóng bức. Đây là tiêu chuẩn các nhà cầu tân tiến của nước ta hồi ấy.
Đó là hình ảnh nơi chon nhau, cắt rốn của tôi, trước khi được di chuyển qua nơi khác.
[ Năm 2005 tôi qua đây và đã có bài thơ mà bạn đọc đã đọc trong Du Hành Nam Bắc 2005:
Vịnh Hà Tĩnh
Trở về Hà Tĩnh, chỗ sinh tôi.
Nhìn lại phố xưa, thấy ngậm ngùi.
Nhà cũ của cha, đâu ấy nhỉ?
Vườn xưa của mẹ, hẳn xa xôi?
Trên đường lác đác xe qua lại.
Dứơi phố lơ thơ kẻ tới lui.
Cất bước lang thang trên phố vắng.
Nghĩ thời thơ ấu, dạ bồi bồi.
VHKT-2005]
No comments:
Post a Comment