Vài ngày sau, khi Cẩm Dung, Sĩ và tôi đang chẻ củi ở vỉa hè, mẹ tôi bước ra nói:
- Hiệp, Sĩ, hai đứa chất một xe củi thật đầy, rồi đi giao củi đến nhà này.
Nói xong bà chìa cho Sĩ một mảnh giấy, trên đó có ghi địa chỉ của nhà mua củi.
Hai đứa tôi xúm đầu vào đọc, và nhận thấy nhà giao củi chỉ cách nhà tôi có hai ngã tư.
Sĩ nhìn tôi cười, nói:
- Hiệp, kỳ này mình may mắn rồi. Nhà mình giao củi chỉ cách nhà ta có hai ngã tư thôi.
- Ờ! Mình bắt đầu đi anh Sĩ.
Hai dứa tôi lo chất củi lên xe bò, sau đó, Sĩ kéo, còn tôi đẩy chiếc xe bò đó đến nhà mua củi. Khi chúng tôi đến ngôi nhà đó, thấy trước cửa nhà có cái bàn chứa đầy mía khúc. Chúng tôi đoán chủ nhà bán mía lẻ.
Một người đàn bà đứng tuổi bước ra hỏi:
- Các cậu có phải là người giao củi hay không?
Sĩ lễ phép:
- Dạ vâng.
- Các cậu làm ơn xếp hộ củi vào góc nhà cho tôi.
Vừa nói bà vừa chỉ tay vào một góc nhà. Tôi đoán chừng đây là phòng khách. Trong phòng chẳng có gì ngoài cái bàn bán mía, một con dao lớn để chặt mía, vài bó mía và hai cái thúng lớn ở góc phòng.
Một cô gái chừng 15, 16 tuổi bước ra từ phòng trong.
Bà chủ nhà nói:
- Con đem dẹp hai cái thúng để các cậu này chất củi vào đó.
Chúng tôi bắt đầu lo xếp củi.
Khi đi qua bàn mía Sĩ kề tai tôi nói nhỏ:
- Hiệp, giá mà được hai khúc mía ăn lúc nóng nực này thì sướng biết mấy!
- Đó là cái chắc rồi! Anh có tiền không?
- Đó mới là vấn đề!
Chẳng bao lâu sau, chúng tôi cũng hoàn tất công việc.
Bà chủ nhà quay vào buồng nói lớn:
- Đứa nào đem tiền ra đây cho me.
Tôi nghe có giọng thảnh thót của một cô bé:
- Dạ vâng ạ.
Một lúc sau, một cô bé xinh xắn xuất hiện ở cửa buồng. Cô ta nhìn tôi trân trối, ánh mắt long lanh. Tôi cũng chẳng kém phần xúc động, và không tin được đó là sự thật. Trước mắt tôi là cô bạn thân ở trường học Tứ Trụ ngày trước, người mà tôi đã nghĩ rằng chẳng bao giờ có thể gặp lại.
Một giây sau, tôi nói:
- Dung! Làm sao Dung lại ở đây?
Dung xúc động nói:
- Hiệp…Hiệp! Tôi…tôi không ngờ.
Tôi lập lại:
- Làm sao Dung lại ở đây?
Dung nói:
- Gia đình mình mới hồi cư. Còn Hiệp? Hiệp đã chẳng nói là ở lại Tân Phúc để chăn trâu, bò và cầy bừa hay sao?
Tất cả mọi người hiện diện đều trố mắt nhìn chúng tôi không chớp.
Cô này là bạn thân nhất của tôi ở Tứ Trụ. Một hôm, trường phân tổ đào hầm tránh máy bay, cứ hai người một tổ lo đào hầm cho hai người ấy trốn. Lúc này quân Pháp đã khốn đốn ở Điện Biên và hội nghị Genève đã khởi đầu. Dung xin nhập với tôi một tổ. Khi đào hầm Dung thấy tôi đeo một cái huy hiệu mà tự tôi vẽ cắt dán làm ra hình dạng một con chim hòa bình. Trên đó có hàng chữ: “Tôi Yêu Hòa Bình”. Dung hỏi ai làm; tôi nói tôi tự làm lấy. Dung xin con chim làm vật kỷ niệm.
Dung quay sang bà chủ nhà:
- Me, đây là Hiệp, người bạn học giỏi toán và vẽ ở Tứ Trụ mà con đã có lần nhắc tới.
Mẹ Dung nhìn tôi:
- Trời đất ơi! Sao có chuyện hy hữu vậy?
Tôi cúi đầu chào:
- Thưa bác.
Cô gái lớn, mà tôi đoán chừng là chị của Dung, đến bàn cầm hai tấm mía, trao cho tôi và Sĩ. Sĩ cúi đầu tỏ vẻ cám ơn.
Anh ta thì thầm cạnh tai tôi:
- Ước gì được nấy. Sướng thật!
Dung hỏi:
- Nhà Hiệp ở đâu?
- Số 57 Trần Xuân Soạn.
- Ồ! Vậy mình gần quá!
Sĩ nói:
- Hiệp, em ở lại nói chuyện một chút rồi về sau nhá.
Anh quay sang mẹ và chị Dung cúi đầu chào giã từ.
Tôi chuyện trò với Dung thêm một lúc, rồi cũng cáo từ ra về.
Kể từ ngày ấy chúng tôi thỉnh thoảng lại đến thăm nhau.
Một hôm, tôi lại nhà Dung thấy cô ta đang ngồi bán mía. Tôi ngồi xuống cạnh Dung để phụ cô ta chặt mía.
Trò chuyện một lúc, Dung hỏi tôi:
- Hiệp có đi học không?
- Không. Hiện thời tôi còn phải giúp bố mẹ bán củi. Còn Dung?
- Có lẽ có, nhưng chẳng biết bao giờ? Này Hiệp còn nhớ cái này không?
Dung móc trong túi ra con chim hòa bình bằng giấy cắt và dòng chữ "Tôi yêu hòa bình" mà tôi đã tặng Dung hơn một năm trước.
Tôi cảm động:
- Dung còn giữ nó à?
Dung bẽn lẽn:
- Ừ! Đồ kỷ niệm mà!
Nhưng đó cũng là lần cuối cùng hai chúng tôi gặp nhau. Chẳng bao lâu sau, tôi theo gia đình vào Sàigòn.
No comments:
Post a Comment