Wednesday, May 7, 2014

Đại Việt thắng Nguyên Mông? 51


C- Nhân Hòa:

Nhân hòa là một yếu tố không thể thiếu được trong chiến tranh. Trong các cuộc chiến gần đây ta vẫn nghe kêu gọi toàn dân đoàn kết. Nó chính là yếu tố nhân hòa vậy, tựa như bẻ đũa không thể bẻ cả nắm.

Sau thế chiến thứ hai, dân tộc Do Thái được sự bảo trợ của các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ lập ra một quốc gia giữa vùng của dân tộc Á Rập theo đạo Hồi. Lúc ấy các quốc gia Á Rập đã hết sức phản đối, rồi một cuộc chiến giữa 3 triệu dân Do Thái và hơn 100 triệu dân Á Rập của các nước: Ai Cập, Jordan, Iran, Iraq, Syria, Libia…đã diễn ra. Với yếu tố nhân hòa, toàn dân Do Thái quyết tâm giữ nứơc; đàn bà cũng được lập thành đạo ngũ quân đội. Do Thái đã đẩy lui bao cuộc xâm lăng. Nổi danh nhất là trận chiến 6 ngày, năm 1967. Lẽ dĩ nhiên, Do Thái đã được viện trợ rất nhiều về vũ khí, đạn dược, lương thực… cùng cung cấp tin tức tình báo từ Tây phương, nhất là Hoa Kỳ. Nhưng phải nói nhân dân không đoàn kết, không quyết tâm thì không thắng được.

Trong hai cuộc thế chiến, Mỹ đã tham gia khi toàn dân ủng hộ vì hoàn toàn có chính nghĩa, và đem lại thắng lợi cuối cùng. Cả thế giới, lúc đó, đã coi Hoa Kỳ như là một hero.

Nước Trung Quốc, trong thập kỷ 1930 khi Tưởng Giới Thạch làm Tổng Thống, nhưng không kiểm soát được tất cả đất nước. Chỗ thì do Cộng Sản kiểm soát; vùng thì bị các tướng lãnh chuyên quyền, tạo ra thế sứ quân nên năm 1931 Nhật Bản sang chiếm Mãn Châu không ngăn cản nổi. Rồi cuối cùng Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh lần lựơt rơi vào tay người Nhật. Một trận thảm sát kinh hoàng ở Nam Kinh năm 1937 đã làm rung động thế giới. Đó chẳng qua là thiếu mất yếu tố nhân hòa trong người Trung Quốc, nên mới có một kết quả tang thương như vậy.

Lúc quân Minh sang Việt Nam ta cũng bị trường hợp trên, vì có nhiều người muốn chống, nhưng cũng vô số kẻ không. Hình ảnh Hồ Qúy Ly tàn ác vài năm trước vẫn làm người dân chán ngán, dù ông ta cũng có tài và có lòng yêu nước. Khi nhận thấy nhà Minh có triệu chứng muốn xâm lược, vua nước ta Hồ Hán Thương triệu tập hội nghị bá quan văn võ để dò la ý kiến hòa hay chiến. Tả tướng quốc là Hồ Nguyên Trừng nói: “Tôi không sợ đánh, mà chỉ sợ dân không theo.” Thượng Hoàng Hồ Quý Ly, thưởng cho Nguyên Trừng chiếc hộp vàng vì câu nói chí lý đó. Như vậy, nhà Hồ cũng đã biết không thắng nổi nhà Minh vì nhân tâm không hợp nhất. Quý Ly chiếm thiên hạ không đúng thời.
Tại sao lại không đúng thời?

Ta thấy nước Trung Quốc khổng lồ phương bắc, lúc nào cũng lăm le xâm lăng, thôn tính nước ta, nhất là khi đã thống nhất hay có một địa bàn mạnh mẽ hùng cường hơn ta. Muốn làm cách mạng, thì phải lựa khi họ bị chia năm sẻ bảy, đó là thời cơ.

Hồ Quý Ly soán ngôi mà không coi lại phương bắc. Năm 1368, Chu Nguyên Chương đã gải phóng Trung Quốc khỏi tay người Mông Cổ, rồi ổn định quốc gia. Đến năm 1400, khi Quý Ly soán ngôi, Trung Quốc đã hưởng thái bình trên 30 năm. Như vậy, nhà Minh đã trong thời kỳ rất mạnh.
Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, quân Đức, Ý, Nhật lần lượt thôn tính bao nhiêu quốc gia, giết không biết bao nhiêu triệu dân, thì Mỹ đã vào vòng chiến làm cán cân thay chiều. Từ cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy ngày 6 tháng 6 năm 1944 đến hai trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki tháng 8, 1945 đem chiến thắng về cho đồng minh. Mỹ trở thành hero của thế giới. Sau các lần làm hero, Hoa Kỳ cũng đã nhúng tay vào cuộc chiến VN. Lúc đầu dân chúng Mỹ ủng hộ, nhưng rồi có những cặp mắt nhìn chiến tranh này không phải là điều cần được phải làm, nên từ giữa thập niên 60 đã bùng nổ những cuộc biểu tình phản chiến. Có những cuộc biểu tình phản chiến lôi kéo tới 300000 người tham dự. Đến ngày 4 tháng 5, 1970, vệ binh quốc gia can thiệp cuộc biểu tình tại đại học Kent State University, giết chết 4 sinh viên. Từ đó ý chí chiến đấu bị chia rẽ, nó cũng giúp vào phần nào cho sự triệt thoái của Mỹ khỏi VN. Như vậy Mỹ đã không có nhân hòa trong cuộc chiến tại Việt Nam. Nhưng bài học đó, người Mỹ vẫn chưa thuộc với cuộc chiến Iraq hiện nay sẽ còn nhiều cay đắng cho họ. (phần này viết tháng 5 năm 2007)

Năm 1945, dân Việt giành độc lập từ tay người Pháp. Pháp đem quân đội hùng hậu mong dẹp yên dân ta giữ lại mảnh đất Đông Dương cho mẫu quốc. Dân Việt cũng như dân hai nước Miên Lào đoàn kết đấu tranh với vũ khí thô sơ đã làm quân đội hùng cường phải chào thua. Ấy chính là tại nhân hòa vậy.

Khi lâm chiến tất cả quân đội đồng lòng cũng là một yếu tố nhân hòa. Câu chuyện dưới đây cho ta bài học ấy.

Đầu thế kỷ thứ IV SCN (sau công nguyên), sau khi nhà Tấn đổ, nước Trung Quốc chia hai chính quyền nam bắc. Chính quyền dân tộc Hán giữ Đông Tấn ở miền nam sông Trường Giang, kinh đô là Kiến Khang (Nam Kinh hiện nay). Bắc sông Hoàng Hà do nhà Tiền Tần kiểm soát, lấy kinh đô là Trường An (Tây An hiện nay). Vua Tiền Tần lúc ấy là Phụ Kiên thấy nước hùng cường mong muốn tiêu diệt Đông Tấn để thống nhất lại Trung Quốc.

Năm 383 SCN, Phụ Kiên nghe tình báo cho biết Đông Tấn chỉ có binh lực hơn 10 vạn. Ông điều động nhân dân các dân tộc mà Tần đã chinh phục, tập trung một lực lượng khổng lồ gần 90 vạn quân vào miền nam tấn công Đông Tấn. Nhiều mưu sĩ can ngăn, nhưng Phụ Kiên không nghe, ông tự phụ nói: “Quân của ta chỉ vứt roi ngựa xuống sông thì dòng sông cũng bị ngẹt, xá gì 10 vạn quân Đông Tấn?”

Vua Đông Tấn được biết tin quân Tiền Tần sắp vượt sông Dương Tử, liền sai Tạ Thạch, Tạ Hiền dẫn 8 vạn quân chống địch. Lúc ấy, quân tiên phong của Tiên Tần đã đến Lạc Giản (phía đông Hoài Nam, tỉnh An Huy hiện nay ). Khi cánh quân tiên này phong không cách kinh đô Kiến Khang của Đông Tấn bao nhiêu và đã cắt đứt giao thông trên sông Tần Hoài. Tình hình, Đông Tấn ở cảnh dầu xôi, lửa bỏng thật là khẩn cấp. Tạ Thạch, Tạ Hiền sai năm ngàn kỵ binh đi đánh úp quân địch ở Lạc Giản và thắng lợi. Chiến thắng này làm tinh thần quân Tấn tăng lên. Tạ Hiền, Tạ Thạch cho thủy lục cùng tiến quân đến bờ đông Phì Thủy (chi nhánh sông Hoài, miền trung An Huy hiện nay) bày trận.

Tin lực lượng tiên phong bị thất bại đưa đến Phụ Kiên. Ông vội đem đại quân đến tham chiến. Trước tiên, ông lên một lầu cao để quan sát quân tình của địch ở bờ phía đông sông Phì Thủy. Ông thấy bên sông nhiều lều bạt và quân cờ, còn có tiếng trống truyền từ doanh trại, thật là nghiêm chỉnh. Phụ Kiên khiếp sợ trong lòng, vội đến quan sát vùng Bát Công Sơn ở phía bắc. Nhưng Phụ Kiên đã bị tự kỷ ám thị, trong bụng lúc nào nghĩ cảnh bố phòng nghiêm chỉnh của quân Tấn. Khi ngẩn ngơ nhìn núi đồi xa xa với cây cỏ lốm dốm, ông cứ ngỡ thảo mộc kia là cờ, là binh khí của quân địch. Ông rất đỗi kinh hoàng, và nghĩ rằng ông được báo cáo lầm về tình trạng quân cơ của quân Tấn.

  Ngược lại với quân Tiền Tần, Tạ Thạch, Tạ Hiền đã lo nghiên cứu và biết tuy số người quân Tiền Tần nhiều, nhưng các binh sĩ đều là ô hợp. Phụ Kiên đã bắt buộc điều động trong nhân dân các dân tộc khác nhau nên lòng người không hợp nhất. Đó là không có “Nhân Hòa”. Hơn nữa quân Tiền Tần đã phải đi đường rất dài làm người ngựa đều mệt mỏi, do đó quân Tấn phải áp dụng chiến thuật giải quyết nhanh theo đúng câu của Tôn Tử “Lấy khỏe đánh mệt”.

Tạ Thạch, Tạ Hiền liền nghĩ ra kế và gửi thư cho Phụ Kiên, yêu cầu quân Tiền Tần bên bờ sông Phì Thủy rút lui lấy chỗ trống cho Tấn đi qua Phì Thủy rồi hai bên bày trận. Phụ Kiên thấy điều này hợp với chiến thuật của ông, cứ để quân Tấn sang nửa chừng thì đánh, chắc chắn tiêu diệt quân trên bộ lẫn đám quân còn trên sông. Vì vậy ông ra lệnh rút quân mình về đằng sau.

Không ngờ quân đội ô hợp Tiền Tần, trong lòng đều không muốn chiến đấu, nên khi nghe lệnh lui binh lực lượng ở đằng lại tưởng đằng trước đã thất bại, đều xô nhau mà chạy làm trận thế rối loạn. Quân Tấn thừa cơ đi qua Phì Thủy đánh úp. Trong quân Tiền Tần lại bị phao tin quân đội đã tan rã nên đại quân càng rối loạn. Mấy chục vạn quân Tiền Tần tự giẫm lên nhau tìm đường sống làm không biết bao nhiêu người chết. Trong lúc hốt hoảng, Phụ Kiên cũng trúng tên bị thương. Quân Tấn được thể tràn theo truy kích, Phụ Kiên vội vàng chạy trốn cùng đám cận vệ. Kết quả, với lực lượng ít mà quân Đông Tấn đánh quân đông Tiền Tần mà không nhân hòa.

Nhân hòa ngày nay không chỉ những bao gồm dân tộc lâm chiến mà còn liên quan đến cộng đồng thế giới. Vì vậy ngày nay khi có một cuộc chiến sắp bùng nổ thì các phái đoàn ngoại giao làm việc tới tấp hòng đem lại những hậu thuẫn từ các nước khắp nơi trên thế giới. Chỉ riêng với Iran và Bắc Hàn chúng ta đã thấy các phái đoàn ngoại giao của bao nước bay qua, bay lại như con thoi.

No comments:

Post a Comment