Friday, May 23, 2014

Đoàn kết dân tộc


Đoàn kết dân tộc

 Ở đây chúng tôi kêu gọi sự thực tâm đoàn kết cùa tất cả các phía. Đoàn kết càng nhiều càng tốt. Đương nhiên trong thực tế thì không thể nào đạt được 100% cương quyết chống giặc.
Thời nào thì cũng thế, lúc Tàu đến sẽ có một số theo Tàu, Tây đến sẽ có số theo Tây, Mỹ tới thì cũng vậy, cho nên ta mới có Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Đồng Khánh...
Ngay trong đời Trần, ta vẫn biết là dân ta đã đoàn kết chống giặc, nhưng trên thực tế thì không phải tất cả mọi người đều chống Nguyên Mông.
Trong lịch sử đã ghi lại: khi quân Nguyên quá mạnh, Hưng Đạo Vương phải lui binh nhiều lần. Hai làng Ba Điểm và Bàng Hà đã hàng giặc. Không chỉ thứ dân mà đến cả các đại thần, hoàng than cũng vậy.
 Năm 1285, lúc Toa Đô đem binh từ Chiêm Thành đánh ra Nghệ An, Trần Quang Khải chống không nổi phải rút quân. Chương Hiến hầu Trần Kiện cùng Lê Tắc ra hàng.
Sau đó không lâu, Văn Nghĩa hầu Trần Tú Viên và Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng cũng đem gia quyến ra hàng.
Cuối cùng phải kể đến Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc cùng Phạm Cự Địa, Lê Diễm, Trinh Long cũng đã hàng Nguyên Mông.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhiều làng cũng đã làm như Bà Điểm và Bàng Hà vậy.
Xem ra như vậy chỉ cần đại đa số đoàn kết là ăn tiền rồi.
Bây giờ ta xem tinh thần dân Mỹ như thế nào?
 Ở Mỹ, hai đảng đấu đá nhau mạnh lắm. Trong khi vận động thì họ đấu nhau khủng khiếp, nhưng lúc thua, họ gọi điện thoại chúc tụng nhau.
Nhiều khi một chính sách đưa ra, quốc hội chưa họp thì ông phát ngôn viên lưỡng viện tuyên bố đạo luật này sẽ không thông qua.  Đó là chuyện chống nhau dù là đạo luật giúp cho đa số dân chúng. Nhưng có khi họ cũng đồng ý với nhau trong quan điểm nào đó. Khi thổng thống da màu nhận nhiệm kỳ, ông để bộ trưởng da trắng của đảng đối lập giữ vị trí bộ trưởng quốc phòng.
Tôi nhớ lại cuộc tranh cử tổng thống trước đây năm 2000 giửa Al Gore và Bush. Tuy ông Gore được đa số cử tri nhưng thua số cử tri đoàn nên đành nhường chức Tổng Thống Mỹ cho G W Bush. Tháng 9 ngày 11, năm 2001 các người Hồi Giáo quá khích tấn công New York. Ông Bush ra lệnh đánh Afghanistan để try lùng các phần tử hiếu chiến. Ông Gore đã tuyên bố ông tuân theo tổng thống của ông là G W Bush.
Nước Mỹ có sự dân chủ công bằng (tương đối) như ngày nay hơn nhiều các quốc khác. Nhưng năm 1968, sự kỳ thị vẫn còn rất nhiều, người da màu đi xe bus không được ngồi phía trên. Vậy mà 2008, Obama có da đen thùi lại là tổng thống một nước mà đa số là da trắng. Thật là bài học đáng quý.
Chẳng hiểu dân ta có làm được các điều này không?
Một số thân nhân bạn bè và tôi cùng tư tưởng muốn đất nước đến chỗ tốt đẹp mới đem ý nghĩ này đưa ra thôi. Tất cả thân nhân và nhiều bạn bè đều biết Thắng và tôi đã đi học tập cải tạo chứ đâu được ưu đãi gì của CS. Sau giai đoạn 1975, có lẽ hầu hết các sĩ quan gốc giáo chức biệt phái phải đi học tập cải tạo. Khi được trả tự do đều được quay về trường dạy học. Riêng tôi đã bị cấm dạy nên trở thành "mất dạy" luôn. Nghề mà họ ban cho tôi là lao động chân tay: làm ruộng, làm rẫy, đánh cá.
Hai anh em chúng tôi đều vượt biên, thừa sống, thiếu chết trốn khỏi Việt Nam chứ chẳng phải sang Mỹ được chào đón tưng bừng. Riêng tôi nếu chết thì cũng chẳng sao vì mạng chẳng đáng một đồng:

Một cent mua được thằng tôi.
Đem bỏ vào nồi nấu chin, chó công.

Nhưng khổ nỗi tôi tị nữa thì đem vợ và 2 con dâng cho thủy thần làm món nhậu. Mà bà xã tôi là đàn bà và đã là đàn bà thì quý vô cùng.

Ba triệu một chị đàn bà.
Mua về ta trải chiếu hoa cho ngồi.
(3 triệu đô la chứ không phải tiền NV đâu nhe)
Vậy mong các bạn thấy ai có tư tưởng rộng rãi đừng gán cho người ấy là Việt Cộng.
Sữ đoàn kết thắng giặc thì ta đã nghe, biết và trực tiếp góp phần. Nhưng bây giờ, ta xem lịch sừ nước khác vì chia rẽ mà thất bại. 

Năm 1223, lúc Đại Việt ở thời Lý mạt, thì các phần đất trong lãnh thổ Nga ngày nay được cai quản bởi 64 lãnh chúa và lãnh chúa hùng cường nhất là lãnh chúa Kiev (Thủ đô Ukraine ngày nay). Các lãnh chúa này tuy là cùng người gốc Slave và Viking   cùng đạo Thiên Chúa ngành Orthodox, nhưng các lãnh chúa này hay tranh chấp quyền hành, đất đai và các người đẹp (xem ra như vậy thì các kềi nữ khuynh thành này hay làm nghiêng thùng đổ nước).

Cùng thời gian ấy, một toán lính Mông Cổ gồm hai chục ngàn quân do hai vạn hộ tướng quân Jebe (Tuật Xích) và Subutai chỉ huy vượt dãy núi Caucasus, giữa Hắc Hải và biển hồ Caspian tiến vào Nga.

Lãnh chúa Mstislav Mstilavich (ông được nổi danh với biệt hiệu Mstislav the Bold- Người hùng Mstislav) là người biết tin này đầu tiên. Ông là lãnh chúa vùng Galich ở phía tây nam Kiev.

Ông vội báo tin cho lãnh chúa Kiev (Ukrain ngày nay), Belarussia... tổng cộng 19 người. Khi nghe tin, họ cũng tập trung quân đội đến hợp với Mstislav the Bold. Tất cả hẹn gặp tại hòn đảo Khortitsa (tiếng Ukraine: Хортиця, và thiếng Nga là: Хортица) trên sông Dnieper (nay thuộc thành phố Zaporizhia và gần hồ chứa nước Kakhovka của Ukraine).

Tổng số quân của các lãnh chúa theo Andrea Matles Savada và Richard Gabriel trong quyển: “Subutai The Valiant: Genghis Khan’s Greatest General” thì có 80000 người và phân chia các đạo quân như sau:

Quân Galich - Mstislav Mstilavich (Mstislav the Bold).

Quân Kiev - Mstislav III- Romanovich (chú của Mstislav the Bold).

Quân Cumen (Polovtsian) - Koten.

Quân Chernigov – Mstislav.

Quân Volhynian - Daniil Romanovich.

Quân Kursk do lãnh chúa của họ đem tới.

Ngoài ra còn khoảng 13 lãnh chúa với số quân tương đối nhỏ họ tham dự

Ngay khi nghe tin liên hiệp Nga đang chuẩn bị tấn công với lục lượng gấp 4 lần thì Jebe và Subutai đem 20000 quân Mông Cổ tiến sang hướng đông để tránh.

Liên hiệp Nga đến đảo Khortitsa hôi đại quân và bàn kế hoạch tấn công quân Mông Cổ, đang đóng gần sông Kalka. Trong cuộc họp mỗi lãnh chúa bàn một cách, chẳng ai nghe ai, vì không có một thủ lãnh thật sự.

Cuối cùng cũng có một thỏa hiệp, quân Galich, và Volhynian cùng vài lãnh chúa khác đi về phương nam, trong khi quân Kiev, Chernigov và một hai lãnh chúa nữa thì tiến về phía bắc. Vì Cuman đã có kinh nghiệm giao chiến với Mông Cổ rồi nên có nhiệm vụ tấn công thẳng từ hướng tây sang.

Xem ra như vậy đây là một chiến thuật khá hay, biết dùng tam diện giáp công.

Sông Kalka hiện nay không còn vết tích, nhưng người ta đoán đó chính là sông Kalchik chảy trên địa phận Donetsk Oblast, của Ukrain ngày nay; sông này đổ vào biển Azov .

Khi nghe tin này Jebe cử một đoàn gồm 10 sứ giả sang thương thuyết với Mstislav Romanovich III chỉ huy cánh quân Kiev. Họ báo rằng Mông Cổ không có thù oán gì với người Nga mà chỉ muốn đánh Cuman. Họ còn thêm rằng Mông Cổ đang đi về hướng đông tránh xa các thành phố của người Nga. Mstislav của Kiev, đem hành quyết đám sứ giả này. Jebe lại cho một toán Mông Cổ thứ hai sang trại quân Kiev và tuyên chiến với họ.

Lúc tiến về phương đông, cánh quân Galich của Mstislav the Bold gặp một toán Mông Cổ độ 1000 quân do thiên phu trưởng Gemyabeck chỉ huy. Theo một số tài liệu nói đó là quân Mông Cổ bị lạc, trong khi một số khác nói đó là đám quân đoạn hậu. Lính Galich không ngờ quân Mông Cổ chỉ trang bị với cung tên cùng dây thừng để bắt thú. Quân Galich đã đánh đám này bỏ chạy dễ dàng, nên càng ngày càng tỏ ý kinh thường địch quân. Riêng Gemyabeck (Hamabek) thì bị bắt sống, rồi cũng bị hành quyết.

Trong khi đó Daniil Romanovich cũng dẫn một toán thám sát đụng độ với một toán quân Mông Cổ khác và cũng đánh bại toán này.

Khi quân các cánh khép chặt vòng vây để chuẩn bị tấn công, thì các lãnh chúa lại cãi vả nhau về vấn đề chiến thuật. Kết quả lại tự ý hành động không theo cùng thời gian hoạt động, nên đến sông Kalka không nhịp nhàng. Koten dẫn đoàn quân Cuman và Daniil dẫn lính Volhynia đến sông Kalka đầu tiên. Quân Galich do Mstislav the bold chỉ huy cùng Chernigov do Mstislav điều kiển đến kế tiếp. Quân đội Kiev thì thụt lui mãi tận phía sau.

Đội nỏ của Cuman và Volhynia, được hỗ trợ  bởi kị binh nặng tỏ ra rất hiệu nghiệm làm quân Mông Cổ thất thế. Nhưng đại quân chưa tới, nên quân của Cuman và Volhynia  không thanh toán được chiến trường. Lập tức Sabutai cho áp dụng chiến thuật giả thua. Ông ta cho lệnh kị binh Mông Cổ cứ chạy về phía đông. Liên quân Nga thấy thắng thế đuổi theo, nhưng dĩ nhiên cũng rời rạc, không liên kết thành một toán để yểm trợ nhau.

Sau 9 ngày đuổi bắt, toán khinh binh của đám người Polovtsian (Cumans) và Volhynian đã bỏ xa toán vũ khí nặng yểm trợ. Quân Mông Cổ rút qua cầu để sang bờ đông; đám khinh binh của liên quân vẫn đuổi theo. Đây là giờ phút của Subutai, ông ta cho toán quân bài chủ yếu trong trận xung công. Đến lúc ấy, toán binh Cumans thấy phía trước có sương khói che phủ, rồi đám lính Mông Cổ với cung tên biến mất sau màn khói ấy. Khi vừa đến nơi toán lính Cumans thấy lù lù trong khói toán Mông Cổ trở lại. Nhưng không phải toán kị nhẹ mà là toán kị nặng. Toán kị nặng này tấn công toán khinh binh của Cuman chưa sắp đội ngũ, và quá gần nên cung tên hết hiệu nghiệm. Đám này chống không lại, bị chết rất nhiều.

Đám còn lại phải bỏ chạy ngược về thì gặp quân khinh binh của Volhynian và Kursk. Hai đoàn quân này phải tránh đường cho quân Cuman tháo lui. Jebe và Subutai ra lệnh cho hai tướng Tsusyr và Teshy đem khinh binh đánh vào sườn đám quân vô trật tự trên. Thế rồi cả ba đám của liên quân cùng tháo lui về phía cầu. Lúc gần đến cầu, thì đụng ngay đoàn quân của Ghernigov và Galich đang trong tiến trình qua sông và không biết trận đánh đã khởi động mà bên thượng phong là Mông Cổ. Liên quân lại càng trong tình trạng hỗn loạn kẻ tới người lùi, trong khi ba mặt bị giáp công.

Trận đánh này làm thủ lãnh Mstislav của Chernigov tử trận rồi cả đoàn quân không chủ này bỏ chạy về hướng tây. Quân Galich cố duy trì trận đánh, nhưng quân Mông Cổ bắn ngựa của đoàn quân này, ngựa chết thì các hiệp sĩ của Galich trở thành bộ binh, mà phải đeo các vũ khí nặng nên chống không nổi với kị binh Mông Cổ. Mastislav the bold đành dẫn quân chạy về sông Dnieper. Quân Mông Cổ đuổi theo tấn công từng đợt rồi biến mất cho đến cả trăm km. Khi Mstislav the Bold vượt được sông Dnieper, ông cho lệnh phá hủy tất cả thuyền bè mà ông tìm thấy. Tuy nhiên người hùng “Can Đảm” này nhận ra rằng ông là người duy nhất bỏ chạy qua con sông ấy. Tuy vậy, Mông Cổ không qua con sông mà quay lại phương đông.

Khi cánh quân 10000 người của Kiev, tiến đến gần cầu thì chứng kiến cảnh Chenigov tháo chạy. Mstislav Romanovich ra lệnh cho quân rút lui về trại quân lúc mới khởi hành ven sông Dnieper và dùng xe vây quanh làm thành hàng phòng tuyến. Quân Kiev đánh nhau 3 ngày thì hết nước uống. Chuyện phải đến cuối cùng cũng đến, Mstislav Romanovich cùng các nhà quý phái Kiev bàn nhau xin hàng và xin Mông Cổ cho họ rút lui an toàn. Mông Cổ hứa nếu Kiev hàng thì một giọt máu của các nhà quí phái Kiev sẽ không đổ. Nhưng sau khi quân Kiev hàng, Mông Cổ tàn sát tất cả đoàn lính này, còn Mstislav III- Romanovich cùng các nhà quí phái bị bắt, nhốt xuống một hố sâu, lót ván bên trên. Chiều tối hôm ấy, Mông Cổ mở tiệc ăn mừng chiến thắng, các tướng Mông Cổ ngồi trên các tấm ván che hầm. Mstislav III cùng các nhà quí phái Kiev từ từ chết ngạt. Đây là cuộc trả thù giết sứ giả và cũng giữ đúng lời hứa là không một giọt máu của giới quý tộc Kiev sẽ đổ.

 Kết quả:
Trận đánh này, 6 lãnh chúa và bẩy mươi nhà quí tộc liên quân Nga đã thiệt mạng. Về số quân tử trận thì cũng có nhiều nguồn tin khác nhau. Theo Nikonian Chronicle và Richard Gabriel trong quyển: “Subutai The Valiant: Genghis Khan’s Greatest General” thì nói liên quân Nga bị thiệt hại 60000 người

Đọc bài này , để rồi cũng ngẫm nghĩ đấu nhau hay nên đoàn kết
VHKT

No comments:

Post a Comment