Tuesday, May 13, 2014

Đại Việt thắng Nguyên Mông? 52


Chiến Thuật.

Thật ra chữ chiến thuật nguyên thủy có nghĩa trong quân sự do tiếng Hy Lạp: Taktikē. Đây là cách chuyển quân, tấn công địch như thế nào để dành thắng lợi trong trận chiến.

Ngày nay chữ chiến thuật được đem dùng rộng rãi trong nhiều lãnh vực từ quân sự, thể thao, kinh tế…từ xưa, nhưng ngày nay được áp dụng nhiều hơn. Chiến thuật nay được áp dụng cho tất cả tập hợp, đoàn thể, đảng phái thậm chí áp dụng cho cá nhân. Tôi sẽ có một câu chuyện thật sự chiến thuật áp dụng bcho cá nhân sau này.

Thời Đông Châu Liệt Quốc, Tề Uy Vương hay tổ chức thi đua ngựa. Ngựa đua được chia làm ba loại: thượng đẳng (tốt nhất), trung đẳng và hạ đẳng. Nếu ai thắng 2 loại thì được coi là thắng toàn trận. Điền Kỵ là một tướng của Tề hay tham dự cuộc đua và lần nào cũng thua cả ba vì ngựa Tề Uy Vương rất hay. Tôn Tẫn bày cho Điền Kỵ lấy ngựa hạng bét đua với ngựa giỏi nhất của Tề Uy Vương, rồi lấy ngựa giỏi nhất đua với ngựa trung bình, và lấy ngựa trung bình đua với ngựa hạng bét của Uy Vương. Kết quả Điền Kỵ thua giải đầu nhưng thắng hai giải trung bình và tệ. Đó cũng là một chiến thuật trong thể thao.

Trong các môn bóng như volley ball, foot ball (bóng bầu dục), basket ball…. ta thường thấy những timeout. Đó là lúc các nhà dìu dắt đưa ra một chiến thuật thể thao mới để đối phó với địch thủ. Các cách sản xuất một món hàng có đặc điểm gì đó để thu hút khách tiêu dung và nghệ thuật quảng cáo là chiến thuật trong thương mại.

Trong phạm vi quyển sách này ta chỉ tìm chiến thuật quân sự mà thôi.

Tất cả các danh tướng kim cổ như Tôn Tử, Ngô Khởi, Bạch Khởi, Tôn Tẫn, Khổng Minh, Lê Lợi, Napoleon, Washington, Quang Trung, Eisenhower, Georgy Zhukov, Võ Nguyên Giáp, Moshe Dayan, …đều chú trọng đến chiến thuật. Chúng tôi sẽ đề cập riêng đến Hưng Đạo Vương sau này. Tất cả các nhà quân sự đều đồng ý sự khôn ngoan, tính toán giỏi sẽ đem lại chiến thắng. Chiến thuật là do sáng tạo của trí óc áp dụng tất cả yếu tố thời tiết, giờ giấc, khí hậu, địa hình, dân chúng, vũ khí, tình báo…rồi tìm ra phương cách đánh địch quân đó còn là mưu kế. Vị tướng tài ba dù một số quân ít hơn địch, nhưng biết lợi dụng các yếu tố thiên nhiên như sông, hồ, rừng núi, mưa gió, nắng mây…trợ giúp sẽ biến quân ông đông hơn, mạnh hơn và đánh bại địch quân.

Tóm lại, chiến thuật tùy thuộc theo sự thông minh của vị tướng và khi bàn về việc này ta thấy nó thiên biến vạn hóa.

Khi bàn đến mưu kế thì không thể tránh khỏi hai chữ lừa dối. Từ đông sang tây, từ cổ chí kim, đâu đâu ta cũng thấy cái vinh quang sau một cuộc chiến là do phép lừa địch. Cho nên các nhà chiến lược gia đều công nhận phải lừa dối để chiến thắng. Chu Dịch với binh pháp, trang 16, đã viết: “Quân sự không ngại dối trá, lừa địch giành chiến thắng…Vì tính đặc thù riêng của chiến tranh như tính dối lừa , tính che giấu, tính đột phát, cho nên chiến tranh giữa hai bên thường thường dùng binh một cách gian trá, tạo ra hiện.” Lục Thao[1] cũng công nhận lừa dối kẻ địch là cần thiết cho cuộc chiến: “Che dấu mưu kế, bí mật tính toán, đắp cao chiến luỹ, phục kích quân tinh nhuệ, lặng lẽ không tiếng động, địch không biết chỗ ta đã phòng bị, như muốn đánh phía đông, lại đánh phía tây....”

Gia Cát Lượng chủ trương khi dao chiến thì mưu lược đứng hàng đầu: “Đạo dùng binh, trước hết là định mưu, sau đó là thực thi việc đó...Người làm tướng nắm giữ tính mệnh người khác, là lợi khí của quốc gia trước hết phải định kế, sau đó mới thi hành”[2]

Chiến Thuật rất quan trọng. Một tướng giỏi khi biết tình hình hai bên về quân số, vũ khí rồi đùng đất đai, địa thế, mưa gió, nắng khô sẽ quyết định một trận đánh mà có thể lấy ít thắng nhiều. Có khi dùng lợi địa, có lúc dùng thời gian, có khi lợi dụng thời cơ.

Các chiến thuật phổ thông mà ta thường nghe tới:

Tấn công chính diện.

Tấn công cạnh sườn.

Bao vây.

Chặn tiếp liệu.

Du kích chiến.

Bảo vệ chiến.

Dương đông kích tây

Phục kích chiến.

Cài răng lược.

Giả thua du địch.

Một giải thích đơn giản khi nào ta dùng một hay nhiều chiến thuật trên trong một trận đánh.

Tấn công chính diện.

Tấn công chính diện là đánh thẳng vào địch khi thấy địch mạnh tương đương, nhưng lơ là trong việc phòng thủ. Chiến thuật này áp dụng thật bất ngờ. Đây là trường hợp quân Đức đánh thẳng vào quân Đồng Minh ở cánh rừng Ardennes, trong trận Bulge năm 1944.

Tấn công cạnh sườn.

Khi thấy địch dồn lực lượng ra đương đầu ở chính diện thì ta tấn công thêm vào hông khiến địch rối loạn hàng ngũ, trận thế bị vỡ.
Đây là trường hợp quân Mông đánh vua Béla  Hung ở sông Sajó.

Bao vây.

Khi thấy địch quân ít và chỗ đóng quân cố định thì ta bao vây kiến địch không có nguồn tiếp vận.

Chặn tiếp liệu.

Đây khác với bao vây làm địch thiếu tiếp liệu. Chặn tiếp liệu là khi thấy địch mạnh và sức mạnh này nhờ vào nguồn tiếp liệu từ hậu phương. Lúc ấy, ta chỉ dàn quân đối chọi cầm chân địch, nhưng cho một đơn vị mạnh đánh vào đoàn chuyển lương thực và nhu yếu phẩm cho chiến trường. Địch thiếu ăn thì bỏ chạy; thiếu vũ khí đạn dược thì đầu hàng. Đây là công lương mà Tôn Vũ đã đề cập đến.

Du kích chiến.

Nếu địch quá mạnh, ta phải phân tán lực lượng rồi tập trung tấn công một nhóm nhỏ của địch. Sau đó rút lui thật nhanh. Trong lịch sử đã chứng minh rất nhiều một lực lượng quân sự hùng hậu đã thất bại bởi chiến thuật này.

Bảo vệ chiến.

Khi thấy địch tấn công khắp nơi với các lực lượng nhỏ. Phía bị tấn công thường áp dụng tập trung dân vào một nơi, xây các công sự bảo vệ. Thật ra mục đích này là làm phân cách dân với lực lượng tấn công mà thường là du kích. Với sự phân cách này có hai lợi điểm: Thứ nhất phân biệt bạn thù. Thứ hai cắt nguồn tiếp liệu. Trong thập niên 1950’s, Sir Robert Grainger Ker Thompson- Anh Quốc đã thực hiện chiến thuật này chống du kích Cộng Sản tại Mã Lai thành công. Nhưng ông Diệm đem chiến thuật biến thành “Ấp Chiến Lược” áp dụng ở miền Nam thì bị thất bại.

Phục kích chiến.

Phục khích không có nghĩa là du kích chiến. Có thể du kích đã áp dụng chiến thuật này khi thấy địch mạnh ta yếu, phục kích để đạt được thiên thời và địa lợi. Một đoàn quân mạnh gặp địch mạnh tương đương vẫn có thể áp dụng chiến thuật này để đạt được thắng lợi mà ít tốn nhân mạng.

Dương Đông kích Tây.

Đây là chiến thuật làm đối phương tưởng mình tấn công điểm A nhưng xuất kì bất ý ta đánh điểm B. Ta sẽ xem vài thí dụ trong các phần viết dưới đây.

Cài răng lược.

Chiến thuật này được áp dụng khi hỏa lực yểm trợ của địch quân quá mạnh mà quân số phía tấn công đông hơn. Phía tấn công đem quân đánh và chen quân vào giữa địch quân, kiến địch không giám dùng hỏa lực yểm trợ vì sợ bắn lầm. Ví dụ trong trận đánh mà một phía có máy bay, đại bác yểm trợ thì phía tấn công dùng chiến thuật này. Chiến thuật này cũng còn được gọi là Bánh Da Lợn.

Như đã viết, chiến thuật thiên biến vạn hóa, có lúc dùng địa hình, có khi dùng mưa nắng, lại có lúc dùng gió, ánh sáng… Ta hãy điểm qua một số thí dụ về chiến thuật trong lịch sử Đông lẫn Tây.

Thời gian:

Đây là thí dụ áp dụng về thời gian tấn công. Khi giặc mới tung quân đi ruồng thì ta trốn, vì chúng còn phấn khởi, khỏe mạnh, cảnh giác. Đợi lúc chúng hành quân xong cả một ngày dài, trên đường về gần tới nhà, lúc ấy chúng mệt mỏi, chỉ nghĩ tới nghỉ ngơi, ăn uống, ta tung quân phục kích đám lính cuối cùng, vậy mới có cơ hội giết được nhiều giặc. Tâm lý chung, toán đi đầu khi nghe tin bị phục kích đã hoảng hồn, chẳng biết quân số của địch là bao nhiêu, nên cố chạy cho nhanh về doanh trại để khỏi bị giết. Chỉ khổ cho đám lính cuối đoàn bị bỏ rơi, hứng chịu tổn thất nặng nề. Lúc này phải đánh chớp nhoáng để tránh địch quân tái phối trí tấn công ngược lại.

Lấy quy củ đội ngũ chống hỗn loạn:

Bây giờ chúng tôi xin mạn phép quay lại chuyện, nữ tướng Boudica bên Anh để xem áp dụng một chiến thuật cổ ở Âu Châu.

Sau khi Boudica chiến thắng liên tiếp nhiều lần, Govergner La Mã ở Anh Quốc là Gaius Suetonius Paulinus đem theo một số tướng và 10000 quân lên chặn quân Anh. Nữ tướng Boudica lúc ấy có khoảng trên 200000 quân. Hai bên giàn trận trên một cánh đồng gần cánh rừng thưa.

Khắp nơi, chỗ nào cũng thấy quân của nữ tướng Boudica, hò hét vang trời. Boudica và hai người con gái cỡi chiến xa do ngựa kéo chỉ huy trận đánh. Quân La Mã không tiến vào rừng, mà đứng sát nhau, sắp thành hàng theo dạng một chiếc đe, có nghĩa là một đầu nhọn, giữa phình ra và sau cùng hơi thót còn đáy thì bằng. Lớp lính đó được chia thành 3 lớp. Toán ngoài cùng dùng kiên lớp trên, lớp dưới làm thành một bức tường thành che cho các toán trong. Toán thứ hai dùng giáo dài và toán thứ ba dùng lao.

Quân Anh tuy đông gấp hơn 20 lần nhưng ô hợp; thấy giặc là xông lên đánh không có một chiến thuật nào. Trong khi quân La Mã cứ đứng yên; lớp trong dùng lao ném cầu vồng ra, lớp thứ hai dùng giáo đâm tới khiến quân Anh lên lớp nào chết lớp ấy. Một thời gian quân La Mã hết lao để ném, họ cho quân vẫn xếp liền nhau thành một khối và tiến tới. Khi di chuyển một đỗi, họ lại ngừng thu nhặt các chiếc lao còn cắm trên các tử thi ngừơi Anh và tiếp tục chiến thuật, trong ném ngoài đâm.

Cuối cùng toàn thể đoàn quân của Boudica bị tiêu diệt. Nữ tướng Boudica sau này uống thuốc độc tự tử. Viết đến đây, chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương cảm vị anh thư cùng chung số mạng với hai Bà Trưng của dân tộc mình. Đây là một thí dụ cho ta thấy quân Boudica mạnh hơn địch về quân số, mạnh hơn về chính nghĩa, nhưng thua về chiến thuật.

Dụ địch- biến báo:

Trong thời gian nước ta còn được gọi là Văn Lang, dưới thời các vua Hùng dựng nước, thì bên vùng đất gọi là Macedon (Tây bắc Athens, Hy Lạp ngày nay) có một thiên tài quân sự tên là Alexander the Great ( Đại Đế A lịch Sơn-ALSĐĐ). Theo History channel, ông được thân phụ dạy cho nghề cung kiếm và chiến thuật từ nhỏ. Khi cha mất, ông đã nắm binh quyền, chỉ huy từ lúc 18 tuổi và đã ngự trị một đế quốc rộng lớn từ năm 336 đến 323 trước công nguyên.

Lúc đầu, Alexander the Great dẫn một đạo quân 40000 người từ Hy Lạp vượt biển Aegean sang chinh phục vùng Tiểu Á (khoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ- và đất Palestine ngày nay). Theo History channel, có một câu chuyện kỳ thú về thiên tài quân sự này.

Khi mới đặt chân lên vùng Tiểu Á, thì Alexander đem theo một số tướng tá vào một ngôi đền để xem vận mệnh của ông có thể chinh phục Tây Á hay không. Vào đến giữa đền, ông gặp một số các nhà thông thái giữ đền. Họ chỉ cho Alexander một cuộn dây to bằng trái bưởi và cho ông biết nếu muốn chiếm Tây Á thì ông phải gỡ cuộn dây để có thấy được ruột cuộn dây chứa gì? Cuộn dây này do một nhà đại thông thái làm ra. Nhìn vào cuộn dây thì chẳng thấy đầu múi đâu cả. Các nhà thông thái cho biết rất nhiều tướng lãnh tài ba muốn chinh phục Tây Á đã đến đây và chịu thua và họ cũng đã thất bại trong việc chinh phục vùng đất này. Họ hỏi Alexander có thể gỡ cuộn dây này không? Ông điềm nhiên gật đầu rồi bước đến bàn thờ cầm cuộn dây ngắm nghía.

Tất cả mấy chục người đều dồn cặp mắt của họ xem ông giải bài toán ra sao? Ông để cuộn dây lại vào chỗ cũ, lui xuống một bước, mỉm cười. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Nhanh như cắt ông rút thanh kiếm chém đứt cuộn dây làm hai. Chính giữa cuộn dây cũng chẳng có gì lạ và kể từ đó chẳng còn ai có dịp thử tài cuộn dây ấy.

Tại vùng Tiểu Á, ông đã đụng độ với một lực lượng đông hơn của vua nước Ba Tư (Persia), một đế quốc bao gồm từ bờ biển Địa Trung Hải đến Pakistan. Tuy nhiên, với chiến thuật tài tình, Alexander the Great đã đánh bại đạo quân này.  Chẳng bao lâu sau ông đã kiểm soát được vùng đất đai ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Syria, Do Thái và Jordan. Ông quay xuống phía nam và được dân Ai Cập chào đón. Tại đây, ông cho lập hải cảng lừng danh Alexanderia.

Ông quay lên phía bắc để tiến đến vùng đất của Iraq ngày nay, ông lại đụng độ với quân của đế quốc Ba Tư, và do chính vị vua Darius III chỉ huy. Đây là một lực lượng khổng lồ, với 200000 quân, cùng chiến xa do ngựa kéo và trục bánh xe có nhiều lữơi dao. Khi xe này xông vào quân thù các lưỡi dao quay tít theo bánh xe, chém cụt chân của lính cùng ngựa đối phương. Làm sao Alexander the Great có thể đương đầu với một lực lượng đông gấp 5 lần và có thượng phong về vũ khí?

Ông dàn quân thành ba đội như sau:

Đội thứ nhất gồm toàn là binh lính trang bị với trường thương. Đội này được chia ra nhiều tiểu đội. Mỗi tiểu đội gồm chừng vài chục người, sắp theo hàng bốn hay năm, thương chĩa về phía trước. Tiểu đội này đứng cách tiểu đội kia chừng 4, 5 thước tây.

Đội thứ hai là bộ binh nhanh nhẹn, trang bị với cung tên, đoản đao, và dây ném đá. Dây ném đá là một sợi dây làm bằng da thú vật, dài khoảng 1 thứơc và hai đầu nối với một miếng da lớn bằng bàn tay người VN trung bình. Khi muốn tấn công, ngừơi lính để cục đá vào miếng da, rồi cầm đầu kia quay cho đến khi có tốc lực khá cao thì bung cục đá ra. Vì sức li tâm lớn nên cục đá đi xa hơn mình ném nhiều.

Đội thứ ba là kị binh trang bị, cung, thương và sau lưng là thanh đoản kiếm. Đội này do chính Alexander chỉ huy.

Đội binh của Darius III thì xếp theo hàng ngang nhiều lớp, dài mấy mấy cây số. Quân đứng chật cánh đồng cỏ khô khan. Chính giữa đoàn quân hùng hậu này là trung quân mà vua Darius III làm chủ soái.

Sau khi đội thứ nhất dàn quân xong, Alexander the Great cưỡi ngựa dẫn đoàn kị binh đi song song với đoàn quân của Ba Tư, vượt vào một ngọn đồi thoai thoải vừa đất vừa đá lẫn lộn.. Vận tốc của đội kị chạy rất chậm và song song với đội kị binh là đội bộ binh thứ hai. Đối với quân của Darius III thì đội thứ hai ở phía sau của đội kị binh. Vì thế bên Ba Tư nhìn sang thì chỉ thấy kị binh, chứ không thấy bộ binh phía sau.

Vì một lần đã bị bại nên vua Ba Tư không dám khinh thường. Sợ kị binh Hy Lạp bất kỳ xuất ý tấn công sang phía hông, vua Ba Tư cho đội kị binh cũng chạy chầm chậm song song với quân Hy Lạp. Đồng thời, ông cho đội chiến xa xông sang phía đội thứ nhất của Alexander the Great. Khi Alexander the Great dụ được đoàn kị binh cách xa trung quân Ba Tư và thấy thế trận đã đúng như dự liệu, ông ra hiệu cho đội kị mã đổi đuôi làm đầu, đổi đầu làm đuôi, xông thẳng vào trung quân Ba Tư. Lúc ấy đội kị binh Ba Tư đã khá xa trung quân, và đội quân xa cũng đang lâm trận, nên chỉ còn bộ binh hộ giá nhà vua Darius III của Ba Tư. Quân kị binh Ba Tư muốn quay đầu lại thì phải nghe lời chủ tướng mà chủ tướng thì ở tít mù khơi nên lúng túng chẳng biết làm sao.

Cùng lúc đó, toán thứ hai của Alexander the Great xông ra, dùng cung tên, đoản đao và ném đá tấn công chặn đường rút của kị binh Ba Tư. Toán kị binh này xông lên đánh thì bị bất lợi vì đất đá gập ghềnh, do đó không thể về cứu giá được.

Bây giờ lại nói tới đội thứ nhất giao tranh với chiến xa của Ba Tư. Khi một chiến xa được ngựa kéo sang địch quân. Lẽ dĩ nhiên con ngựa và người điều khiển chẳng ngu mà đâm vào các mũi thương nhọn hoắt. Ngựa chọn chỗ nào chống nhất thì chạy vào, đó chính là khoảng giữa của hai tiểu đội trường thương. Nhưng chạy qua một đỗi thì lưng của ngừơi điều kiển đưa ra làm bia của những cây thương phía cuối của đội này. Chỉ khoảng nửa buổi thì đoàn chiến xa bị tiêu diệt.

Trong khi đó, Alexander the Great và toán kị binh đã xông đến trung quân, đám bộ binh hộ giá vua Ba Tư không phải là đối thủ của bỵ binh, hàng ngũ rối loạn. Một lúc sau, người kị xa điều kiển xe cho vua Darius III bị trúng tên. Thấy bấn quá vua Ba Tư vội vàng cho xe chạy trốn. Kết quả nước này bị Alexander the Great thôn tính.



[1] Trích Du Dịch với binh pháp, trang 25.
[2] Trích Du Dịch với binh pháp, trang 53.

No comments:

Post a Comment